27 October 2018

SYMPHONY - Hồ Đình Nghiêm


Một đôi vợ chồng hộc tốc vào nhà hát lớn. Ông chồng hỏi người ngồi sát ghế:
Họ đang trình diễn bản gì thế?
Khúc giao hưởng số 5.
Chồng quay sang vợ lớn tiếng:
Đã nghe chưa? Cứ ham phấn son làm đẹp cho cố vào, làm trễ mẹ nó những bốn bản!


Tác giả bản giao hưởng số 5 nổi tiếng là Ludwig Van Beethoven, cũng có thể là của Tchaikovsky. Câu chuyện trên được xếp vào loại khôi hài do bởi cứ nghe tới số 5 là “biết mười mươi” rằng đã vuột mất bốn bài (theo thứ tự) không có cơ duyên được nghe trình tấu. Giàn nhạc giao hưởng Việt Nam nếu có ai biên soạn bản Symphony No.10 dành cho đàn bầu, đàn tranh thì chẳng chừng vị phàm phu tục tử nọ đã la toáng: Con bà nó, chảnh cho lắm làm muộn mẹ nó những 9 bản cung oán ngâm khúc!
Trước đây, nhạc vàng từng gây chấn động một thời gian, chết đi sống lại nhiều phen; thì thời gian này nhạc giao hưởng đang là đề tài “cực nóng”. Nếu nhạc vàng giao duyên với thể điệu Boléro thì giao hưởng đi cùng với địa phận Thủ Thiêm, gắn bó với con số 1.500 tỷ đồng Việt Nam khủng. Người ở trong nước, nhà thơ Bùi Chí Vinh vốn nhạy cảm và luôn bức xúc trước các vấn đề xã hội, theo giọng riêng, anh đã “đưa tin”:


Đất Thủ Thiêm bằng một nhà hát sắp xây
1500 tỷ thách kẻ nào thắc mắc
Dân là gốc nhưng… gốc rạ, gốc khoai
Làm sao cản được xi măng cốt sắt.

Tôi xa xứ đã bộn tháng năm mà chưa từng một lần manh nha trong đầu chuyện buồn chân về dòm chốn cũ thành ra Thủ Thiêm tiếng là quen mà hoá ra lạ, đành nhờ vào Google vén mở trí khôn một phen:
Thủ Thiêm ngày trước nằm trong Quận Thủ Đức, nay tách ra để thuộc Q.2, đối diện với Q.1 cách con sông Sài Gòn. Có diện tích 6.57 cây số vuông. Bắt đầu từ năm 2009, nhà nước buộc 14.600 hộ dân với hơn 60.000 người phải di dời (đi chỗ khác chơi) và chính quyền đã “giải toả trắng” gần như toàn bộ nhằm lên chính sách đầu tư xây dựng khu đô thị mới. Thủ Thiêm hay còn được gọi là bán đảo Thủ Thiêm, với tham vọng của nhà đương cuộc mong biến nó thành một thứ na ná như Manhattan của New York.
Tiến sĩ Erik Harms, giáo sư ngành Nhân học Văn Hoá Xã hội ở Đại học Yale vì công việc nghiên cứu đã thường xuyên đến Việt Nam, đã phát biểu: “Với những người dân Thủ Thiêm, dự án này không phải là trò đùa, chẳng cười được đâu. Họ đã mất làng xóm, mất sạch một cộng đồng. Những gì họ lên tiếng phản đối đều bị phớt lờ, chẳng ai quan tâm, xem tập thể họ như không tồn tại…”
Ngoài đồ án sắp sửa dựng xây nhà hát tân kỳ hiện đại, theo infonet.vn: “TP. HCM đề nghị xây nhà sàn và ao cá bác Hồ ở quảng trường tại Thủ Thiêm”. Người ta bỗng nhớ lại lời của Tổng bí thư: Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?
“Được thế này” là một phần nhờ vào sự “phát huy sáng kiến” của các cấp lãnh đạo, ví như một ông chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh “lợi dung” trận mưa cực đoan khiến toàn bộ địa bàn bị nhấn chìm trong mưa lũ liền thành lập ngay Hội Câu Cá- có đông hội viên đăng ký hồ hởi tham gia- nhằm tìm quên những bức xúc vây quanh. (Nước đục thả câu?)
Một ông khác, Nguyễn Ngọc Thiện làm tới chức bộ trưởng đã phát ngôn: “Không làm tốt bóng đá là có tội với dân, với nước”. Dân ấy, nước ấy trong thời chiến tranh có được 56 tướng, từ 75 trở về sau yên tiếng súng có gần 1000 tướng. Đất nước hơn 90 triệu dân đã đẻ ra con số: 240 phó chủ tịch tỉnh, 122 thứ trưởng và 17 triệu người nghèo (chẳng tính tới một bộ phận không nhỏ là bọn người đi bán vé số dạo, vì nghề này có thu nhập cao).
Cứ theo thống kê đã cũ (3 năm trước) mà nhìn mà đọc thì thấy hơi bị bi quan. Vậy thì đông đảo các vị thạc sĩ tiến sĩ (có ăn có học) đã bỏ trốn đi đâu? Một nhà quan tâm tới vấn đề dân chủ đã cho hay: “Ở Việt Nam, căn hộ xứng đáng nhất dành cho người trí thức chân chính trú thân, đó là ngục tù”. Nữa, lại bi quan! Đụng tới miếng đất có hình dáng như mẫu tự S đang lần hồi bị biến dạng khiến không khỏi xót xa nhớ tới lời của nhà văn Mark Twain: “Never argue with stupid people, they will drag you down to their level and then beat you with experience”. Đừng bao giờ tranh cãi với bọn người dốt nát, chúng sẽ kéo bạn xuống ngang tầm và rồi dạy đời bạn bằng vào thứ kinh nghiệm chúng có.
Nếu không tranh cãi thì tức cảnh sinh tình làm thơ ngẫu hứng có đặng không? Trong loạt thơ Hồi Ký gần đây, nhà thơ Luân Hoán viết:

“nghe nói đời sống vô thường
tôi vô nhà tôi ra đường vân vi
đầu đuôi mọi lẽ hồ nghi
cổ đeo Phật tượng tôi đi chơi hoài
….
dân miền nam khó ai mừng
ngoài đám cách mạng lừng khừng ba mươi
đến chừ mộng phủ kín ruồi
nhiều ông bà vẫn tin lời dối gian”.

Ỷ đeo tượng Phật nên cứ ra đường vân vi, nhưng “đi đêm ắt có ngày sẽ gặp ma”. Thanh Tâm Tuyền từng cảnh báo:

“Những người đã chết xin có mặt
Những người còn sống xin giơ tay”.

Thơ viết đã lâu mà sao nghe hợp với thời sự? Thời sự mà Bắc Phong đặt tựa Giao Hưởng Thủ Thiêm:

“Vọng từ thế giới bên ngoài
tiếng nhạc giao hưởng của loài ễnh ương
cho dân lăn lóc nhà thương
tiếng than tiếng khóc du dương hoà cùng”.

Cũng là Thủ Thiêm, qua Nguyễn Hàn Chung dùng chữ Opera… Opera làm nhan đề:

“Opera… Opera
Người hành khất già nằm bên lề đường Lê Lợi cũ
chờ nghe tiếng thánh thót dương cầm từ dàn nhạc giao hưởng
Opera… Opera
Mấy cô gái ăn sương Sở thú, Bùng binh chợ Bến Thành ế khách mơ màng
nghe tiếng hát các Diva
Opera… Opera
Người dân Thủ Thiêm không cửa không nhà tìm không ra miếng đất
cắm dùi thiết linh sàng ngày vĩnh biệt Cha.
Opera… Opera
Hàng ngàn cánh tay ma trong tưởng tượng của những bộ mặt đểu cáng giơ lên: Nhân dân đồng lòng hoan nghênh
Opera… Opera…

Nhưng xa Thủ Thiêm cả nửa quả địa cầu, “vọng từ thế giớ bên ngoài” cũng lại là lời của Mark Twain, rất sát sao với hoàn cảnh:
“Never try to teach a pig to sing. You waste your time, and you annoy the pig”. Chớ bao giờ thử bày cho heo hát. Bạn lãng phí thời gian cũng như bạn khiến cho loài heo phẫn nộ.
Dân Thủ Thiêm phẫn nộ nhưng chúng bịt tai che mắt làm ngơ. Chúng đang phấn đấu, bỏ tiền bạc và công sức nhằm dàn dựng một sân khấu để thử huấn luyện cho heo tập hát. Phương Tây có cách mạng nhung thì đất nước ta có cách mạng heo vậy. Chó có cấu trúc tâm thần giống người. Vậy còn heo? Haiz, không có chó đành bắt heo xơi cứt!
Thủ Thiêm ơi, thương cắn rứt, buồn ấm ức, thật quá tức, vượt hết mức, rất đau nhức. Vài lời mà phải thức…

Hồ Đình Nghiêm