27 October 2018

THỦ THIÊM TRONG KÝ ỨC - Mỹ Trí Tử


Nhớ thuở nào, theo người bạn đến Thủ Thiêm chơi. Thủ Thiêm thời đó đẹp mê hồn, tựa như một cánh đồng chiêm trũng với vô số cây cối các loại và nhất là loài dừa nước. Khi đó mới biết được cây dừa nước rất có ích cho những người miền này, và cả cho những người dân thôn quê.  Ngoài trái dừa nước ăn dẻo, ngọt vả thơm, người dân quê tận dụng cây dừa không bỏ phí một thứ nào, từ lá đến thân : lá non màu vàng  dùng để quấn thành ống nhỏ gói bánh tét chuối, bẹ dừa nước dùng làm phao tập bơi cho lũ nhỏ trong làng, lá già  còn tươi, xé đôi ra, phơi khô để lợp nhà  còn những lá hư không xài được chuốt bỏ lá, lấy xống lá phơi cho héo dùng làm dây buộc…


Chiều chiều, lũ con nít thường hay ra các bãi đất trống thả diều, sau đó khi thấm mệt lại len vào sâu bên trong vườn để kiếm quả ăn.
Sau bao năm, những tưởng mảnh đất rộng lớn phì nhiêu đó với nhiều loại chim muông, cây cỏ sẽ phát triển thành một thảo cầm viên quốc gia  để cho những ai có thể  đến để học hỏi, tìm hiểu về hệ sinh thái . Nhưng không ngờ suốt hơn một thập niên qua, Thủ Thiêm như một miếng mồi ngon để nhiều quan to tranh giành nhau kiếm tiền thủ lợi riêng.

Gần đây những dự án lớn, đặc biệt là dự án nhà hát giao hưởng 1500 tỷ đồng là  cái cớ để chính quyền thẳng tay cưỡng chiếm người dân có đất có nhà trên vùng đất này.  Bỏ qua sự phản đối kịch liệt của người dân Thủ Thiêm, nhà cao tầng và những khu biệt thự liền kề đã mọc lên, những công trình vẫn liên tục ngày đêm dày xéo lên những mảnh đất lành. Nhiều cây cối hoa lá bị đào bới đốt phá khiến Thủ Thiêm ngày càng héo hắt và cằn cỗi.
Những ngày đầu chiếm lấy đất, chính quyền để cho những công ty đấu thầu đứng ra làm việc. Những chiếc xe ủi, xe máy xúc, xe cần câu đã ùn ùn kéo đến đốn phá cây cối, chim muông tan tác chẳng biết phải về đâu.
Mỗi ngày ở Việt Nam có biết bao người đói khổ, thất nghiệp, không nhà không cửa không tiền bạc. Trong khi đó nhà nước vẫn hiên ngang chiếm đoạt thêm nhiều mảnh đất của người dân. Chỗ nào đẹp, ưa thích là họ giải tỏa, không cần biết đúng sai, không quan tâm đến tội ác và cũng không cần phải giải thích với ai. Bởi một đất nước không lấy dân làm trọng thì những người cầm quyền cứ thế mà áp bức người dân.
Nhiều người dân cương quyết sống chết với đất cha ông để lại. Những giọt nước mắt đã rơi với những ánh nhìn phẫn uất của người dân đối với chính quyền, cùng tiếng kêu ai oán trên khắp Thủ Thiêm nhưng vẫn không thể khiến nhà cầm quyền động tâm. Bao nhiêu đơn khiếu kiện được viết và gửi lên các cơ quan có thẩm quyền nhưng đều được đáp trả bằng sự im lặng. Dã man hơn nữa là họ không bồi thường cho bị mất đất đi khiếu kiện, lại còn tuyên bố thẳng thừng với những người dân oan việc này là hoàn toàn hợp lý vì ngay từ đầu đã cứng đầu chống lại luật của quốc gia. Nhiều người đã bị xử phạt nặng nề với tội danh chống đối người thi hành nhiệm vụ hay chống phá nhà nước. Một lực lượng công an, quân đội võ trang hùng hậu luôn luôn sẵn sàng được điều động để đàn áp những ai có hành động chống đối, phản kháng.
Mỗi khi người dân bị chính quyền đàn áp, nếu có người chọn cách kháng cự đến cùng, thì một số lại chọn cách im lặng và lùi bước. Những người lùi bước nghĩ rằng: nếu muốn đấu tranh lâu dài trước tiên cần giữ mạng sống. Họ chấp nhận mất tự do trong thời gian đó để nghĩ kế hoạch trong tương lại. Tuy nhiên cũng có người chọn lùi bước chỉ để được sống dù phải sống trong nhục nhằn, khốn khổ. Bởi nếu đấu tranh với cường quyền mà không có một sức mạnh ngang bằng thì khó mà đạt được thắng lợi.  Những người này đáng thương hơn là đáng trách vì họ không được ai bênh vực, bảo vệ.  Họ còn thêm nỗi lo sợ cho gia đình thân nhân mình có thể bị liên lụy, bị trả thù. Hầu như không ai đứng về phía người dân nghèo mà nhất là những người được lợi trong việc giải tỏa đất đai. Một đất nước mà công lý hầu như luôn luôn thuộc về kẻ cướp có quyền thế.
Nghe kể rằng khoảng những năm 2005, một hiệu trưởng một trường nghệ thuật tại Hà Nội cũng bị chính quyền tiếp tay cho công ty bất động sản lấy nhà của ông và đền bù chỉ bằng 1/ 10 giá trị của ngôi nhà đó. Ông hiệu trưởng cũng đã trả lời phỏng vấn : “ chúng tôi không thể thắng được chính quyền cho dù chính quyền đã sai hoàn toàn “, thế nhưng đài truyền hình lại không đưa đoạn phỏng vấn này mà chỉ có lời bình là do người dân chống lại lệnh nên việc cưỡng chế là cần thiết.
Ở Mỹ Đình – Hà Nội từ năm 2000 đến 2006 cũng bị chính quyền lấy đất của hơn 2 ngàn hộ dân để xây chung cư, biệt thự để bán với giá cao. Các công trình nghìn tỷ như sân vận động Mỹ Đình, bảo tàng, khách sạn, toà nhà quốc hội cũng khiến cho hàng ngàn gia đình tan tác, bao người lầm than khốn đốn. Có người bị trở nên điên dại.
Năm ngoái cũng xôn xao chuyện cụ bà gần 80 tuổi ở xã Suối Trâu, huyện Long Thành, Đồng Nai quyết tâm chống lại đội cưỡng chế của nhà nước tới cùng. Cũng do việc nhà nước cho công ty đấu thầu và lấy đất của cả xã Suối Trâu khiến toàn xã vùng lên phản đối kịch liệt. Trong khi bà cụ lại là người có công với cách mạng, trong gia đình bà có tới mấy chục huy chương kháng chiến. Với số tiền bồi thường rẻ mạt: 28 ngàn đồng một mét vuông đất, 50 ngàn đồng một mét vuông nhà ở. Tính ra, nếu nhà nào có diện tích 100 mét vuông mà nhà ở 50 còn sân vườn 50 thì tổng cộng tiền bồi thường chỉ có khoảng 3 triệu đồng. Nghĩa là gia đình nào có 4 người trở lên là sẽ đói trong vài ngày tới nếu không đi trộm cướp hay được ai đó bố thí. Cũng đồng nghĩa với việc ra đường ăn xin. Sau nhiều ngày không triển khai được việc lấy đất, chính quyền trung ương đã về giải tán luôn chính quyền địa phương xã Suối Trâu. Dân hễ tụ tập là bị khép vào tội chống phá nhà nước.
Với Thủ Thiêm, có lẽ là một vùng đất đẹp và thuận lợi cho việc xây chung cư, căn hộ liền kề và bán được với giá cao nên cơ quan hành pháp Việt Nam không ngần ngại cùng nhau chia phần, tranh nhau cướp. Việc lấy cớ xây nhà hát giao hưởng để phục vụ nhân dân là chiêu trò khá cũ để hợp thức hoá vấn đề giải tỏa, chiếm đất . Nhưng thực chất trong việc này là lấy cớ để cướp đất của người dân Thủ Thiêm một cách nhanh chóng nhất có thể.
Sau khi chùa Liên Trì bị san bằng, nhà thờ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm với lịch sử 177 năm đang nằm trong danh sách sẽ bị phá bỏ để lấy đất. Thật ra nhà nước cũng đã lấy được một số đất trống xung quanh khu nhà thờ rồi.  Sở dĩ đến nay vẫn chưa lấy hết vì có trục trặc gì đó trong đội ngũ chia phần của các quan chức lãnh đạo. Những ngôi đình, miếu khác ở Thủ Thiêm cũng đã bị đập phá một cách không thương tiếc.
Dù bị dư luận chống đối, chỉ trích, nhà hát giao hưởng vẫn sẽ được mọc lên trong tương lai vì quyết định bên trên đã ký duyệt. Đơn giản chỉ vì lợi nhuận sẽ được cùng nhau chia chác giữa những quan chức lãnh đạo, những kẻ túi tham thì đầy, nhưng nhân tính lại thiếu.  Thêm vào đó một số người trong giới doanh nhân hay một vài nhân vật có chút ít tiếng tăm trong nước, vì lợi ích riêng cá nhân nên đã lên tiếng ủng hộ việc xây nhà hát  mà vô cảm với người dân mất đất.
Thủ Thiêm nếu nhìn từ trên cao là một vùng đất đắc địa. Ánh mặt trời vẫn soi rọi mỗi ngày như nhắc nhớ về một ký ức đẹp đẽ, êm đềm. Nhưng giờ đây nơi dành cho những cánh chim trú ngụ bám đầy bụi bẩn của những công trường. Những bụi cỏ còn sót lại chỉ còn biết nín nhịn. Những ai yêu đã yêu và còn yêu Thủ Thiêm chỉ còn chất chứa chút hy vọng ngày mai Thủ Thiêm sẽ sáng tươi như thành phố Sài Gòn xưa với những dấu yêu vốn đã từng mang đến nhiều xúc cảm không quên đối với những người xa xứ.
Khoảnh khắc đáng nhớ nhất khi tạm biệt Thủ Thiêm trong lần về thăm đó chính là nhìn những con chim non vẫn bình yên bay trên bầu trời rồi về với tổ ấm của chúng một cách an toàn. Còn bây giờ liệu chúng có tìm được nơi ở mới hay đang hoảng loạn vì những công trình ầm ầm khói bụi làm chúng không ngày bình yên.
Nhớ Thủ Thiêm, nhớ những thân dừa nước xanh xì đón gió rì rào, nhớ những cọng cỏ cao vút lên cao lao xao cùng những giọt mưa rào, nhớ những bầy chim sải cánh với tiếng hót vui ca, nhớ những côn trùng rỉ rả, nhớ lớp học của những trò nhỏ giờ đã rêu phong phủ mờ, nhớ nhiều hơn những điều đã trông thấy và cảm nhận thật sâu sự sống vẫn còn đang trỗi lên mạnh mẽ đâu đó ở nơi này.

Mỹ Trí Tử
2018