(Cho Teresa Uyên Chi Đỗ)
Cô cháu tôi (con út của em gái tôi) chỉ còn hai tháng nữa được
39 tuổi bỗng một ngày như mọi ngày, khám phá ra bị ung thư gan ở giai đoạn cuối.
Một loại ung thư gan, bác sĩ nói không chữa được. Cái ngày đó không còn như mọi
ngày nữa. Đất trời như lật ngược, cả nhà, rồi cả họ, rơi vào tình trạng hoảng hốt
chạy chung quanh cô như đèn kéo quân. Ngoài cha mẹ, chồng con, anh chị em ruột,
cô dì chú bác các anh em họ hai bên nội ngoại, còn thêm bạn học, bạn nơi làm việc.
Tất cả cộng vào thành một số người không nhỏ cùng chạy đua với căn bệnh hiểm
nghèo của cô.
Sau 18 tháng chạy chữa, (bây giờ cô đã bước vào tuổi 40) bắt
đầu bằng Chemo rồi được thử những loại thuốc mới nhất trị ung thư
gan, mỗi loại thử ba tháng, lá gan vẫn mỗi ngày một tăng trưởng, to bằng một
trái dưa hấu thật lớn trong bụng, cứng như đá tảng. Bác sĩ buông tay, tuyên bố
ngưng chữa trị, giao cô vào chương trình Hospice. May mắn cô có người
anh rể làm y tá cho bệnh nhân Hospice kinh nghiệm nhiều năm rồi,
nên cô được săn sóc ở nhà.
Cô bước vào giai đoạn cận tử. Cái tảng đá gan trong bụng cô
va vào thành bụng, nên những phần còn lại trong bộ máy tiêu hóa của cô nằm dẹp
sát lại làm suy nhược khả năng tiêu thụ thực phẩm cho thân thể. Cô ăn uống rất
khó, vì khi nuốt thức ăn xuống, thức ăn ngơ ngác không có chỗ rẽ vào. Cô ăn rất
ít nên xuống kí rất nhanh. Mọi người thân nấu đủ các loại xúp mang tới, cô uống
được một hay hai muỗng là mừng.
Hãy xem cô phản ứng thế nào với cái chết đang giơ tay gõ vào
ngực cô.
Cô nói với bác sĩ “Tôi không chết, đầu óc tôi còn sáng suốt,
trái tim tôi còn đập, tại sao tôi chết được.” Họ hàng ai tới thăm cô, chẩy nước
mắt, cô hỏi
“Tại sao lại khóc, tôi có chết đâu?” Cô nhờ người nhà
đưa cô tới tiệm gắn lông mi, sơn móng chân, móng tay. Hôm nào yếu quá đi không
được, cô nói kêu người tới nhà làm đẹp cho cô. Mặc dù thân thể cô bây giờ rất gầy
yếu, da bọc xương và cái màu da bọc những khúc xương đó đã mất hết màu của da
bình thường, nó pha trộn giữa màu vàng nâu và màu xám tro.
Đang từ một phụ nữ ở tuổi đẹp nhất của mình, mãn khai rực rỡ
như một bông Mẫu Đơn vừa nở giữa mùa Hè tháng Năm, cô bỗng héo quắt như một cọng
rạ bị bỏ lại trên cánh đồng cạn nước mùa Đông.
Điều gì đã làm cho cô có nghị lực mạnh mẽ như thế? Phải
chăng đó là hai đứa con bé dại của cô. Con bé hơn 8 tuổi và thằng em gần 7 tuổi.
Cô nhất định sống với con, không định mệnh nào lôi cô tách ra khỏi con cô được.
Sinh nhật thằng bé 7 tuổi hôm tháng 9 cô chụp hình với con đưa lên facebook. Cô
không sợ bạn bè nhìn thấy khuôn mặt bệnh hoạn của mình. Cô chỉ muốn chứng tỏ rằng
cô đang hiện hữu bên cạnh con cô. Thế thôi!
Cô ăn rất ít, thường là xúp. Khi thì một muỗng, khi thì hai
muỗng. Hôm nào nguyên ngày cô ăn được 1/3 chén xúp nhỏ, cả nhà đều mừng.
Thể xác tàn tạ nhưng hình như không ảnh hưởng gì đến tinh thần
cô hay là phản ứng của thuốc giảm đau, của cần sa, hay là sự đối kháng với định
mệnh khiến cô trở nên sắc sảo và luôn luôn nhìn chung quanh xem có ai làm điều
gì sai. Từ đứa cháu lên 6 cho đến người lớn tuổi trong gia đình. Cô luôn đặt
câu hỏi: Tại sao người này thế này hay người kia thế kia. Cô còn hay ra lệnh và
đòi hỏi để chứng tỏ cô không yếu cô vẫn khỏe, cô có thể đi đây đi đó được. Từ
khi bắt đầu biết cô bị bệnh nặng cả nhà đã thu xếp cho cô đi Hawaii hai lần
trong hai dịp sinh nhật cô, mỗi lần 10 ngày. Khi đi, cả gia đình hơn mười người
đi theo cô. Bây giờ cô quá yếu, chắc cô không thể đi xa được nữa thì bỗng nhiên
cô tuyên bố:
Con muốn đi Việt Nam
Mẹ cô không dám nói với cô là Việt Nam xa quá, mười mấy tiếng máy bay làm sao
con có sức, chỉ gượng cười bảo, ừ rồi tính.
Cô được sinh ra ở Mỹ, nhưng cha mẹ cô là người Việt, cô biết nước Việt Nam
là Quê Cha Đất Mẹ, cô đã được về một lần rồi, cô về khi đất nước khả
dĩ còn nhiều điều tốt đẹp và làm cô nhớ tới bây giờ, nên trước khi chết, chắc tấc
lòng “nguồn cội” khiến cô muốn về thăm Việt Nam một lần nữa.
Cô càng xuy yếu đi càng muốn chứng tỏ ngược lại, cô muốn đi dự tất cả những
sinh nhật của các cháu trong họ, cả nhà cũng phải chiều, dìu cô lên xe. Tới
nơi, cô cũng lấy một đĩa thức ăn như mọi người, ai thấy đĩa thức ăn của cô cũng
vui, nhưng nếu để ý, cô chỉ nếm rất ít. Cô chỉ muốn làm như mọi người. Có hôm
cô đòi đi vào Shopping Mall, cũng phải đưa cô tới, dìu xuống, đi năm mười
phút, rồi về. Cô muốn được sống một cuộc sống bình thường của người khỏe mạnh.
Đôi khi người trong gia đình muốn biết ý cô về việc an táng cho cô thế nào, thì
chẳng ai dám hỏi thẳng, chỉ dám nói vòng vo về một chuyện của ai đó để biết ý
là cô muốn nằm trong đất hay muốn hỏa táng. Cũng không dám nói đến chuyện mời
Linh Mục đến, cô sẽ hỏi: “Chắc là con sắp chết hay sao mà cần đến Linh Mục.
Ngày nào mà con không nói chuyện với Chúa.”
Cha mẹ cô đã đi lo hậu sự cho cô. Nhìn cảnh cha mẹ luống tuổi, ngồi
hỏi về nghi lễ đám tang cho con là một điều đau lòng. Chọn cái bình nào cho tàn
tro xương cốt của con gửi gấm không phải là điều cha mẹ già nào cũng muốn làm.
Vợ chồng bảo nhau. “Khi nào mình chết thì tro sẽ được trải ra biển cùng với con
một thể”.
Các anh chị cô thì sợ không dám nói tới chuyện tang lễ, ngay cả biết cha mẹ đi
lo cho em, họ cũng phản đối, hỏi: Út có bằng lòng cho mình lo chưa, sao bố mẹ lại
vội thế?
Chẳng ai muốn chấp nhận cái chết đang tới với người thân của
mình.
Chấp nhận hay phủ nhận, cái chết vẫn thản nhiên bước từng bước tới,
quãng đời của Út thu ngắn lại mỗi ngày. Sáng ngày 29 tháng 10 - 2018, lúc 10:40
Út đã khép mắt vĩnh viễn, như khép kín hai cánh của một ngôi nhà, không ai vào
được nữa. Ngôi nhà mới chỉ có một mình Út với Thiên Chúa của Út. Cha mẹ, chồng
con, anh chị em đứng ở bên ngoài cánh cửa, nhìn theo, than khóc.
Họ không khóc mãi được, không đứng mãi được, họ sẽ lau khô mắt lệ, quay về sống
trong ngôi nhà nhân loại. Hình của Út rồi sẽ được đặt lên một chỗ khá cao trong
nhà cùng với bình tro đợi ngày mang ra biển. Chồng con của Út sẽ phải đối mặt với
cuộc sống mới đầy ngạc nhiên trong một thời gian, không biết là bao lâu mới
thích ứng được. Nhưng rồi mọi khó khăn sẽ qua đi, đời sống sẽ kéo họ về phía
trước và mặt trời vẫn mọc mỗi ngày.
Út bây giờ đã ở phía sau cánh cửa của ngôi nhà mới.
Trần Mộng Tú
Tháng 10/30/2018