Con trai tôi du học, sau
khi tốt nghiệp thì định cư tại Mỹ, và đã kiếm cho tôi cô con dâu người Mỹ tên
Susan. Hiện giờ, cháu trai Peter đã 3 tuổi. Mùa hè năm nay, con trai đăng ký
visa "thăm người thân". Thời gian 3 tháng tôi lưu lại Mỹ, con dâu
Susan có cách giáo dục con cái làm tôi đây - người mẹ chồng - phải đại khai
nhãn giới.
Phần 1: Không ăn thì cứ nhịn
đói
Mỗi buổi sáng, sau khi Peter thức dậy, Susan để phần ăn sáng lên bàn và bận rộn
làm việc khác. Peter sẽ tự mình leo lên chiếc ghế, uống sữa, ăn bánh sandwich,
sau khi ăn no, nó sẽ tự về phòng của mình, tự tìm quần áo trên tủ, rồi tự lấy
giày, tự mình mặc lên. Bất kể chỉ mới 3 tuổi thôi, vẫn chưa phân biệt rõ ràng
mặt trái hay mặt phải của bít tất, giày trái hay giày phải.
Có một lần, Peter lại mặc ngược chiếc quần lên người, tôi vội vàng chạy đến
muốn thay lại cho cháu, nhưng đã bị Susan cản lại. Nó nói, nếu cảm thấy không
thoải mái tự cháu sẽ cởi ra, và mặc lại; nếu nó không cảm thấy không có gì là
không thoải mái, vậy thì tùy. Và nguyên ngày đó, Peter mặc cái quần ngược đó
chạy tới chạy lui, Susan như không thấy gì hết.
Một lần nữa, Peter ra ngoài chơi với cháu nhà hàng xóm, chưa được bao lâu thì
nó chạy thở hổn hển về đến nhà, nói với Susan:
“Mẹ ơi, Lusi nói cái
quần của con mặc ngược rồi, đúng không?
Lusi là con nhà hàng
xóm, năm nay 5 tuổi.
Susan mỉm cười nói:
“Đúng vậy, con có muốn
mặc lại không?”
Peter gật gật đầu, tự
mình cởi quần ra, xem tỉ mỉ rồi, bắt đầu mặc lại. Từ lần đó về sau, Peter không
bao giờ mặc ngược quần nữa.
Tôi đã không kiềm được mà nhớ lại, cháu gái ngoại của tôi lúc 5 - 6 tuổi chưa
biết dùng đũa, lúc học tiểu học còn chưa biết cột dây giày, và bây giờ đang
theo trung học dạng ký túc xá, mỗi cuối tuần là đem một đống quần áo dơ về nhà.
Có một buổi trưa, Peter giận dỗi, không chịu ăn cơm. Susan la rầy mấy câu,
Peter giận hờn đẩy khay cơm xuống đất, thức ăn trên khay rớt đầy trên đất.
Susan nhìn Peter, giọng nói nghiêm khắc:
“Xem ra con đúng là
không muốn ăn thật! Nhớ lấy, từ giờ đến sáng mai, con không được ăn gì hết.”
Peter gật gật đầu, kiên
quyết trả lời: “Yes!”
Và tôi chợt cười thầm,
hai mẹ con này cứng đầu như nhau!
Buổi chiều, Susan bàn với tôi, nhờ tôi nấu món ăn Việt Nam cho bữa tối. Tôi lại
thầm nghĩ, Peter đặc biệt thích món ăn Việt Nam, nhất định Susan thấy sáng nay
cháu không ăn gì hết, nên muốn buổi tối cháu ăn ngon và nhiều hơn. Tôi bèn trổ
tài nấu ăn, làm món sườn chua ngọt mà Peter thích nhất, món tôm, và còn dùng mì
Ý để làm món mì kiểu Việt Nam mà Peter rất thích, người nhỏ nhỏ như thế mà có
thể ăn được một tô lớn.
Bắt đầu bữa cơm tối, Peter vui mừng nhảy lên ghế ngồi. Susan đến lấy đi dĩa và
nĩa của con, nói:
“Chúng ta giao ước rồi
phải không, hôm nay con không được ăn gì hết, chính con cũng đồng ý rồi đó.”
Peter nhìn nét mặt
nghiêm túc của người mẹ, “òa” lên khóc, vừa khóc vừa nói:
“Mẹ ơi, con đói, con
muốn ăn cơm.”
“Không được, nói rồi là
phải giữ lời.” Susan không một chút động lòng.
Tôi thấy đau lòng muốn
thay cháu cầu xin, nói đỡ lời dùm, nhưng thấy ánh mắt ra hiệu của con trai tôi.
Nhớ lại lúc mới đến Mỹ, con trai có nói với tôi:
“Ở nước Mỹ, lúc cha mẹ
giáo dục con cái, người ngoài không nên nhúng tay, bất kể là trưởng bối cũng
không ngoại lệ.”
Không còn cách nào, tôi
chỉ còn giữ im lặng mà thôi. Bữa cơm đó, từ đầu đến cuối, Peter tội nghiệp chỉ
ngồi chơi với chiếc xe mô hình, mắt trừng trừng nhìn ba người lớn chúng tôi ăn
như hổ đói. Đến đó tôi mới biết dụng ý của Susan khi nhờ tôi nấu món Việt. Tôi
tin rằng, lần sau, trong lúc Peter muốn giận hờn quăng liệng thức ăn, nhất định
sẽ nghĩ đến kinh nghiệm bụng đói nhìn ba mẹ và bà nội ăn cao lương mỹ vị. Bụng
đói không dễ chịu tí nào, huống chi là đối mặt với món mình thích ăn.
Buổi tối, tôi và Susan cùng đến chúc Peter ngủ ngon. Peter cẩn thận dè dặt hỏi:
“Mẹ ơi, con đói lắm, giờ
con có thể ăn món Việt không?”
Susan mỉm cười lắc đầu,
kiên quyết nói: “Không!”
Peter nuốt nước miếng,
lại hỏi: “Vậy để con ngủ dậy rồi khi mở mắt con được ăn chứ?”
“Đương nhiên được rồi”,
Susan thật dịu dàng khẽ đáp. Peter đã cười tươi hẳn ra.
Sau bài học này, Peter rất tích cực ăn cơm, nó không muốn vì “tuyệt thực” mà lỡ
bữa ăn ngon, và chịu cực hình bụng đói.
Mỗi lần nhìn thấy Peter
ngoạm từng phần lớn thức ăn, lúc miệng và mặt dính đầy thức ăn, tôi lại nhớ đến
cháu ngoại, hồi bằng tuổi Peter; mấy người cầm tô cơm đi theo sau đuôi nó, dỗ
dành, mà nó còn chưa chịu ngoan ngoãn ăn, mà còn ra điều kiện: ăn xong chén cơm
mua một kiện đồ chơi, ăn thêm một chén thì mua thêm một kiện đồ chơi…
Phần 2: Ăn miếng trả miếng
Có một lần, chúng tôi dắt Peter ra công viên chơi. Rất nhanh, Peter đã cùng hai
cô bé chơi nấu ăn với nhau. Cái nồi nhỏ bằng mủ, cái xẻng nhỏ, cái thau nhỏ,
những cái chén nhỏ xếp đầy trên đường. Bất ngờ, Peter tinh nghịch cầm cái nồi
bằng nhựa lên, đập rất mạnh lên đầu một cô bé. Cô bé bần thần một lúc trước khi
oà khóc thật lớn. Cháu gái kia thấy tình hình vậy cũng òa khóc theo. Đại khái,
Peter cũng không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng như vậy sẽ xảy ra, đứng qua một
bên, trợn mắt nhìn.
Susan đi tới. Sau khi
hiểu được đầu đuôi sự việc, nó không quát nạt một tiếng, cầm lấy cái nồi ấy, gõ
mạnh một cái lên đầu Peter. Peter không phòng bị, té ngã xuống bãi cỏ, khóc nức
nở. Susan hỏi Peter:
“Đau không? Lần sau có
còn làm thế nữa không?”
Peter vừa khóc vừa lắc
đầu. Tôi tin rằng, lần sau nó sẽ không làm thế nữa.
Cậu của Peter tặng cho cháu một chiếc xe đạp nhỏ, Peter rất thích, khư khư giữ
làm bảo bối không cho ai đụng vào. Lusi cô bé trong xóm, là bạn thân của Peter,
đã mấy lần thỉnh cầu Peter cho chạy thử chiếc xe nhỏ này, Peter không đồng ý.
Một lần, mấy cháu đang
chơi chung với nhau, Lusi thừa lúc Peter không để ý, lén lén nhảy lên chiếc xe
và đạp mau đi. Khi biết ra, Peter rất phẫn nộ, đến méc mẹ. Susan đang ngồi nói
chuyện và uống café với mẹ của những đứa nhỏ kia, liền mỉm cười trả lời con:
“Chuyện của chúng con
thì chúng con tự giải quyết, mẹ không xen vào được.”
Peter bất lực quay đi.
Một lát sau, Lusi chạy chiếc xe về. Vừa thấy Lusi, Peter lập tức chạy tới đẩy
bạn té xuống đất, giật lại chiếc xe. Lusi ngồi bệt dưới đất, khóc ré lên. Susan
ẵm Lusi dậy và dỗ dành một lát. Rất nhanh sau đó Lusi đã chơi vui vẻ lại với
những bạn còn lại. Peter tự mình chạy xe tới lui một lát thì cảm thấy hơi nhàm
chán, nhìn thấy những bạn kia chơi thật vui vẻ với nhau nên nó muốn tham gia
chung. Nó chạy tới chỗ Susan, lầu bầu thưa:
“Mẹ, con muốn chơi với
Lusi và tụi nó.”
Susan không đả động gì
và trả lời:
“Con tự kiếm mấy bạn ấy
vậy!”
"Mẹ ơi, mẹ đi với
con nhen”, Peter thỉnh cầu.
“Chuyện này không được
rồi, lúc nãy con đã làm cho Lusi khóc, giờ con lại muốn chơi với mọi người, vậy
con phải tự đi giải quyết vấn đề".
Peter leo lên chiếc xe
và chạy từ từ đến chỗ Lusi, lúc gần đến chỗ, thì nó lại quay ngược đi. Chạy tới
lui mấy vòng như vậy, không biết từ lúc nào mà Peter và Lusi lại vui vẻ với
nhau, hợp thành nhóm ồn ào.
Phần 3: Dạy dỗ chăm nom con
cái là chuyện của cha mẹ nó
Song thân Susan, biết tôi đang ở Mỹ, nên lái xe từ California đến thăm chúng
tôi. Nhà có khách tới, Peter rất hào hứng, chạy lên chạy xuống. Nó lấy cái
thùng đựng đầy nước, rồi xách đi tới đi lui trong nhà. Susan cảnh cáo nó mấy
lần rồi, rằng không được làm nước văng lung tung trong nhà. Peter để ngoài tai.
Cuối cùng Peter đã làm nước đổ hết ra nền. Chưa thấy mình làm sai, Peter còn đắc
ý dẫm đạp lên vũng nước, làm ướt hết quần áo. Tôi lập tức chạy đi lấy cây lau
nhà để dọn dẹp.
Susan giật lại cây lau
nhà và đem đưa cho Peter, nói với nó:
“Lau sàn cho khô, cởi đồ
ướt ra và tự mình giặt sạch.”
Peter không chịu vừa
khóc vừa la. Susan không nói thêm lời nào, lập tức kéo nó đến phòng trữ đồ,
đóng chặt cửa lại. Nghe từ bên trong tiếng khóc hoảng sợ của nó, tim tôi đau
thắt lại, rất muốn chạy đến ẵm cháu ra. Bà ngoại của Peter lại cản tôi, nói:
“Đó là chuyện của
Susan".
Một lát sau, Peter không
khóc nữa, nó ở trong phòng trữ đồ hét thật lớn: “Mẹ ơi, con sai rồi!”
Susan đứng ở ngoài hỏi:
“Thế giờ con biết phải
làm gì chưa?”
“Con biết.”
Susan mở cửa ra, Peter
chạy từ phòng trữ đồ ra, nước mắt đầy mặt. Nó cầm cây lau nhà cao gấp đôi nó ra
sức lau cho khô sàn nhà. Sau đó tự cởi quần áo dơ ra, xách trên tay, trần
truồng chạy vô nhà tắm, hí hửng giặt đồ. Ông bà ngoại của nó nhìn vào thái độ
kinh ngạc của tôi, thích thú mỉm cười. Sự việc này làm tôi cảm động vô cùng.
Ở rất nhiều gia đình Việt nam, cha mẹ giáo dục con cái thì thường phát sinh vấn
đề “đại thế chiến”. Trẻ luôn luôn được ngoại nuông chiều, nội thì can ngăn, vợ
chồng cãi nhau, gà bay chó chạy.
Sau này, tôi và ông bà
ngoại của Peter trong khi trò chuyện có nhắc đến chuyện này, một câu họ nói đã
gây ấn tượng sâu sắc cho tôi: “Con trẻ là con cái của cha mẹ chúng, trước tiên
phải tôn trọng cách giáo dục của cha mẹ".
Đứa bé tuy còn nhỏ,
nhưng thường mang tính nghịch ngợm bẩm sinh. Nếu quan sát thấy các thành viên
trong gia đình có mâu thuẫn, nó sẽ nhạy bén lợi dụng sơ hở. Việc này không cải
thiện hành vi của nó, và chẳng ích lợi gì cho nó. Ngược lại còn làm cho vấn đề
càng nghiêm trọng hơn, thậm chí còn gây ra những vấn đề khác.
Ngoài ra, nếu các thành viên trong gia đình xung đột, không khí gia đình không
hòa thuận, trẻ sẽ có cảm giác bất an, sự phát triển tâm lý của nó sẽ bị ảnh
hưởng bất lợi. Cho nên, dù ông bà cha mẹ bất đồng về cách giáo dục con cháu,
hay là vợ chồng có quan niệm giáo dục khác nhau, cũng không nên để lộ sự mâu thuẫn
trước mặt con cái.
Ông bà ngoại của Peter ở
lại một tuần và chuẩn bị về Cali. Hai ngày trước khi đi, ông ngoại của Peter
rất nghiêm túc hỏi con gái mình:
“Peter muốn chiếc xe đào
đất, ba có thể mua cho nó chứ?”.
Susan suy nghĩ rồi nói:
“Ba mẹ lần này đã mua
cho nó đôi giày trượt băng làm quà rồi. Đợi đến Noel ba hãy mua chiếc xe đó cho
nó!”
Tôi không biết ông ngoại của Peter nói như thế nào với thằng nhóc này, mà sau
đó tôi dắt cháu đi siêu thị, nó chỉ tay vào món đồ chơi, khoe:
“Ông ngoại nói, đến Noel
sẽ mua tặng cháu cái này”, với giọng thích thú và mong đợi.
Susan nghiêm khắc với con như vậy nhưng Peter lại yêu thương mẹ hết mực. Khi
chơi ở ngoài, cháu hay thu thập một số hoa lá mà cháu cho là đẹp rồi trịnh
trọng tặng mẹ. Người ngoài tặng quà cho cháu, cháu luôn gọi mẹ cùng mở quà; có
thức ăn ngon, cháu luôn để phần một nửa cho mẹ.
Nghĩ đến nhiều đứa trẻ
Việt Nam coi thường và lạnh nhạt đối xử đối với cha mẹ, tôi không thể không
kính phục cô con dâu Tây này của tôi. Theo tôi, cách giáo dục con cái của bà mẹ
Phương Tây này rất xứng đáng để các bà mẹ Phương Đông như tôi học theo
Nguồn Internet