24 November 2018

DẤU TAY KỶ NIỆM - Phạm Khắc Trung


Sáng đó tôi có cái hẹn với bác sĩ của công ty. Tôi có nghe tin, cô thư ký trực phòng y tế mới kết hôn, nghỉ vacation đi vòng quanh Âu Châu hưởng tuần trăng mật, rồi ghé thăm nông trại gia đình chồng đến hết hè mới trở về làm, công ty mướn một cô sinh viên Á Đông vào làm việc hè (summer job), tạm thời thế cô thư ký trực.

Tôi bước đến bên cửa sổ phòng trực, nhìn vào thấy cô gái trẻ đang bận bịu với công việc, mắt cô chăm chú vào màn hình, mười ngón tay nhẩy múa đều trên bàn phím. Nghe tiếng tôi chào, cô ngưng làm việc, ngước mặt nhìn lên.

Vừa chạm vào mắt cô thì tôi giật mình đánh thót, tôi có cảm giác như có luồng điện từ dưới hai bàn chân chạy theo xương sống băng lên chạm vào đôi mắt khiến tôi rùng mình, lúc lắc cái đầu. Tôi nhíu chặt đôi mắt cho bớt thốn, lúc mở mắt ra cũng thấy cô đang sững sờ trố mắt nhìn tôi…
Tôi lấy lại bình tĩnh trước, giới thiệu tên và cho cô biết tôi có hẹn gặp bác sĩ lúc 9 giờ. Bấy giờ cô mới bừng tỉnh, e thẹn giới thiệu cô tên Carla, sinh viên mới vô làm việc hè.

Carla bấm computer rà tên tôi trong sổ hẹn, xong cô ngước lên khẽ mỉm cười, miệng ríu rít tựa tiếng chim reo: “Cảm phiền bạn ngồi chờ trong chốc lát!”
Ngồi vào chiếc ghế trong góc hành lang làm phòng đợi nhìn quanh quan sát. Tôi hơi bỡ ngỡ trước khung cảnh mới lạ nơi này, đây là lần đầu tôi lên phòng y tế kể từ ngày nó được sửa sang lại. Nơi góc đối diện chỗ tôi ngồi được đặt một cây đèn cao đứng dựng có tấm chụp phủ ánh đèn hanh vàng, bên cạnh là một chậu kiểng tươi khá lớn, khiến không gian ấm cúng một cách đặc biệt. Tôi có cảm tưởng như mình đang ngồi trong quán café ở Saigon năm xưa, động tâm nhớ đến mấy cô cashier xinh đẹp ngày nào, làm tôi nao nao trong dạ. Tôi vùng dậy bước tới bên cửa sổ, chống khuỷu tay vào thành cửa sổ nhìn cô đang chăm chú vào màn hình. Cô ngửng mặt nhìn lên, nhếch miệng khẽ cười: “Bạn cần tôi giúp gì không?” Tôi tán hưu tán vượn: “Tôi chỉ muốn nói cho cô biết, khung cảnh phòng đợi này ấm cúng vô cùng, tôi có thể ngồi đây nguyên ngày được!” Cô cười khúc khích: “Dạ vâng, tôi biết, ngọn đèn và chậu kiểng làm khung cảnh ấm cúng như quán café… (lại cười) Mà bạn có cần tôi phone order café cho bạn không?” Té ra cô cũng biết giỡn và đối đáp khá nhanh! Vui thật.
Vài phút sau cô cầm hồ sơ ra mời tôi vào: “Trung! Đến lượt bạn rồi, mời bạn theo tôi!” Tôi nhún vai, cà kê dê ngỗng: “Tôi còn chưa thấy tách café!” Cô nheo mắt nghịch ngợm ghẹo tôi, miệng cười chúm chím: “Café hôm nay không cung cấp kịp, thôi để dịp khác vậy… Nào mời Trung!”
Ngồi trong phòng khám đợi bác sĩ, tôi ngẩn ngơ như đã bắt gặp cái dáng đi tha thướt ấy, cái nheo mắt nghịch ngợm ấy, cái nụ cười chúm chím duyên dáng ấy, ở đâu trông rất quen, sâu trong tiềm thức?
Tôi chợt nhớ đến người con gái có nốt ruồi bên miệng, có đôi mắt nâu lóng lánh dưới hàng lông mày cong vòng, có khuôn mặt thanh tú ẩn chứa chút nghịch ngợm… Tôi rùng mình, tay nổi gai ốc khi nhớ đến chuyện xưa…
Ngày đó, khi mới lên đại học, tôi có nhận dạy kèm Toán Lý Hóa cho hai chị em nọ, gia đình họ vừa dọn về Saigon. Gia đình này làm nghề thương mại, giàu có và có chút tiếng tăm, cả hai vợ chồng đều quen biết với bố mẹ tôi từ khi còn ở ngoài Bắc. Cô chị tên Tâm học lớp 11 ban C (Văn Chương), cậu em tên Toàn mới vào lớp 6, cho nên dạy kèm hai người này dễ như ăn cơm nếp, tôi không hề mất chút thì giờ nào để soạn bài, cứ dựa vào bài vở của họ trong trường mà ôn cho nhừ, rồi gối đầu dạy trước một ít. Kèm kiểu đó, dĩ nhiên các môn Toán, Lý, Hóa của hai chị em luôn chiếm điểm A, khiến cha mẹ họ rất hài lòng. Có lần ông bố xem học bạ các con và đề nghị cô con gái nên chuyển sang ban B (Toán) thi dễ đậu nhưng cô không chịu. Tâm nói rằng cô thích Văn Minh Phương Tây, cô đã vạch sẵn hướng đi cho mình, lên đại học cô sẽ chọn môn Văn Học Tây Phương, nếu không cũng học Anh Văn cho đến bậc Cao Học.
Thế là tôi làm nghề “gõ đầu trẻ” bán thời gian được gần 2 năm, đến ngày 30/04/1975 thì “mất dạy”. Tuy vậy tôi vẫn giữ liên lạc với Tâm và Toàn, lâu lâu có dịp đi ngang cũng tạt vào hỏi han, thăm chừng cô cậu.
Trường tôi sát nhập vào trường đại học kinh tế thành phố, tôi tiếp tục học ngành Quản Lý Công Nghiệp cho đến hè 77 thì xong rồi ra làm ở Nhà Máy Xay Bình Tây (hãng rượu Bình Tây cũ), trong Chợ Lớn. Tâm đậu Tú Tài nhưng không vào đại học được vì lý lịch gia đình. Chán chường, cô than: “Chả lẽ đời em đã tận cùng bằng số? Giờ còn mỗi nước lấy chồng và đi kinh tế mới!”
Một buổi trưa cuối tháng 10 năm 77, hôm đó tôi đang hướng dẫn nhân viên làm kiểm toán báo cáo cuối tháng dưới kho, thì một bảo vệ hớt hơ hớt hải chạy xuống báo rằng: “Người nhà của anh nói có chuyện gấp cần gặp, đang đợi ở phòng bảo vệ”. Tôi hơi lo không biết chuyện gì, vội vã theo bảo vệ chạy lên thì thấy Tâm nhấp nhổm không yên, ra điều nôn nóng lắm. Tâm nói bố mẹ cô mời tôi buổi chiều xong việc ghé thẳng nhà dùng cơm có chuyện quan trọng cần nói. Tâm ân cần dặn đi dặn lại nhiều lần rằng quan trọng lắm, rồi mới chia tay tôi trở về nhà.
Bữa cơm chiều nhà Tâm hôm ấy rất thịnh soạn, thời buổi đó mà cơm gạo thơm trắng mượt trắng mà, lại còn soup măng bóng móng heo, có thịt heo kho Tàu, có gà rô ti nước dừa, có bò lúc lắc trộn cà chua hành tím… Tôi biết, bữa cơm này gia đình đặc biệt thết tôi nên đãi toàn những món ăn tôi ưa thích.
Cơm nước xong, ông bố mời tôi ra phòng khách uống trà, Toàn đi theo ngồi cạnh tôi hóng chuyện, Tâm thì phụ mẹ dọn dẹp trong nhà bếp. Tôi nóng lòng muốn biết về câu chuyện quan trọng, nhưng ông bố cứ đủng đỉnh hỏi thăm tôi về việc làm trong sở, rồi quay qua bàn về những việc chuyên môn trong nghề như sổ cái, sổ nhật ký chứng từ…
Dọn dẹp trong bếp xong thì Tâm bước lên lầu về phòng riêng, bà mẹ ra ngồi nói vài câu xã giao với tôi rồi ông bà cáo lỗi rút lui về phòng, Toàn ân cần siết chặt tay tôi rồi cũng lên lầu về phòng của cậu. Bấy giờ thì tôi đã hiểu, chuyện quan trọng là ở nơi Tâm, cả nhà đã sắp xếp để chúng tôi tự do nói chuyện, nên tôi kiên nhẫn ngồi chờ.
Chỉ chốc lát sau thì Tâm đi xuống, cô đưa tôi tờ giấy học trò xếp tư bảo tôi đọc rồi lẳng lặng ngồi xuống ghế đối diện. Tôi mở ra thì là bài thơ “Một đêm li biệt” của thi sĩ Nguyễn Bính, có dấu lăn hai ngón tay cái của cô phía dưới bài thơ, cô luôn có những sáng kiến ngộ nghĩnh như vậy:

Còn đêm nay nữa mai đi
Người xuôi thôi có mong gì gặp nhau
Còn đêm nay nữa rồi sau
Giang hồ ai biết ai đâu ai tìm?
Mịt mù tăm cá bóng chim
Chim bay dặm thẳm cá tìm sóng khơi
Con tàu ngược, con tàu xuôi
Con tàu chẳng đợi chờ ai bao giờ?
Đi không kẻ đợi người chờ
Bọt bèo trôi dạt bến bờ nào đây?
Đường xa mòn mỏi gót giày
Tấm thân góc bể chân mây lạnh lùng.


Mắt xanh mờ mịt bụi hồng
Người đi là một tấm lòng theo đi
Đã bao lần khóc biệt li
Khóc lần này nữa còn gì nữa đâu?
Từ đây nắng héo mưa nhàu
Một từ đây, một mối sầu từ đây
Chén li ca uống cho say
Lệ Giang châu thấm cho đầy áo xanh
Đưa nhau không có trường đình
Lầu hồng lưu lại chút tình phân li
Hẹn thầm nhau một đêm kia
Con tàu dừng lại, người đi lại về…

Tâm gửi gấm tấm lòng vào bài thơ “Một đêm li biệt”, cô mượn ý tứ bài thơ để từ giã tôi, cô sắp đặt bữa cơm với những món ăn tôi ưa thích để khắc ghi buổi chia ly, tôi cảm thấy có chút gì đấy dồn lên làm sóng mũi cay cay. Tôi từng khẳng định từ lâu, rằng gia đình Tâm phải ra đi chứ không thể sống nơi đây được. Những lúc tinh thần Tâm xuống dốc, tôi cầu mong cho cô thoát được ra ngoài… Ấy vậy mà giờ đây trước phút chia tay, lòng tôi lại rối bời không biết lời gì để nói. Tôi bùi ngùi nhìn Tâm đang ủ rũ dựa đầu vào đầu gối, cô co ro ôm đôi chân trên ghế, ánh mắt thẫn thờ…
Cuối cùng thì tôi cũng là người phá tan sự yên tĩnh, tôi lên tiếng hỏi những câu rất ngớ ngẩn và vô duyên:
– Cả nhà cùng đi chứ?
Tâm ngửng mặt lên uể oải lắc đầu:
– Chỉ có Tâm và Toàn đi thôi. Bố mua giấy giả, nhập hộ khẩu làm con một gia đình người Hoa ở Chợ Lớn để đi bán chính thức.
– Chừng nào khởi hành?
– Mọi thứ đều sẵn sàng, họ bảo khởi hành bất cứ lúc nào. Có thể tối nay, có thể tối mai không chừng.
– Tâm không sợ chứ?
– Tâm không thể sống mãi thế này, Tâm cần tương lai, Tâm muốn thay đổi nên Tâm không sợ. Tâm chỉ buồn phải xa người thân, thế thôi!
Tôi chúc chị em Tâm may mắn và đạt thành ước nguyện, tôi hẹn sẽ đến thăm bố mẹ Tâm thường và trông đợi tin lành từ chị em Tâm.
Vài tuần sau tôi ghé nhà và biết được tin xấu, chuyến tàu chở chị em Tâm quá tải và chìm giữa biển khơi, không có tin tức gì của bất cứ ai trên tàu.
Tại nơi làm việc, tôi nghe những người Hoa đồn rằng, mặc dù đã bán bãi, bán tàu, nhưng nếu công an biết chuyến nào chở nhiều vàng, họ sẽ phục kích bắn chìm để cướp. Đã có 3 chuyến vừa qua khỏi Côn Sơn đều bị công an tuần duyên dùng B40 bắn chìm, tất cả người trên tàu đều phải chết để bảo toàn bí mật… Tôi linh cảm, chuyến đi của chị em Tâm là một trong ba chuyến này.
Gặp bác sĩ xong, tôi đi ngang cửa sổ phòng trực hỏi vọng vào: “Phải cô học ngành Ngôn Ngữ và Văn Học tiếng Anh không?” Carla trả lời vọng ra, giọng ngạc nhiên: “Đúng vậy! Sao bạn biết?” Tôi vừa nói vừa cười: “Đoán vậy!” Rồi chào và về lại chỗ làm.
Sáng hôm sau tôi đem bài thơ Tâm chép đến phòng trực đưa cho Carla. Cô nhìn tôi bằng ánh mắt rụt rè nhưng vẫn thản nhiên dơ tay cầm lấy. Rõ ràng tờ giấy có sức quyến rũ nào đấy gây xúc động mạnh cho Carla, tay cô run run vuốt ve tờ giấy như tìm thấy một vật gì đấy đã đánh mất lâu ngày. Trong lòng tôi dâng lên niềm cảm khái, dõi mắt quan sát từng cử chỉ của Carla. Tôi thấy khuôn mặt cô ngẩn ngơ như kẻ mất hồn, đôi mắt cô toát ra vẻ mơ màng khi mở tờ thơ ra đọc…
Đột nhiên Carla mở miệng hỏi bằng tiếng Việt, thái độ của cô có chút khác thường:
– Bài thơ này có liên hệ gì đến cháu?
Ban đầu tôi có sững sờ, không ngờ cô sinh trưởng ở Canada mà nói tiếng Việt sõi thế, nhưng nhớ ra cô thích ngôn ngữ học, nên trau dồi giỏi tiếng Việt cũng là lẽ thường, tôi tự nhủ, “Cô rất rành tiếng Việt, quả có giúp tôi giải thích được dễ dàng”:
– Vốn hôm qua tôi cũng không thể khẳng định là cô có liên hệ đến bài thơ này, nhưng hiện giờ xem ra quả có liên hệ. Trước hết, để tôi kể cô nghe về xuất xứ bài thơ, nghe xong ắt cô sẽ hiểu.
Carla không phản đối. Cô mau mắn ngồi xuống ghế, khoan thai chống hai cùi chỏ lên bàn, rồi dựa cằm lên hai bàn tay và nhướng to đôi mắt nhìn tôi, ý chừng như hối thúc.
Tôi đem câu chuyện hơn 40 năm trước ra kể một mạch, xong giải thích:
– Hôm qua, khi chạm vào mắt cô tôi có một cảm giác lạ lùng, trong lòng tôi bừng lên niềm kích động khó tả, mường tượng như sự mừng rỡ khi gặp lại ánh mắt người thân xa cách đã lâu ngày…
Carla ngắt lời:
– Cháu cũng nhận thấy bác có nét quen quen, nhưng không nhớ đã gặp bác ở đâu và gặp hồi nào.
Tôi tiếp tục:
– Đến chừng nhìn dáng cô đi, nhìn cách cô nheo mắt, nhìn lối cười chúm chím trên miệng cô…, tôi quả quyết đó là những nét đặc thù của người quen cũ, nhưng nhất thời không nhớ rõ là ai. Lúc ngồi trong phòng đợi bác sĩ, tôi suy nghĩ và liên tưởng tới Tâm, bởi vậy cho nên trước khi ra về, tôi mới hỏi vọng vào rằng phải chăng cô học môn Ngôn Ngữ và Văn Học tiếng Anh. Câu trả lời của cô khiến tôi vững tâm, quyết định trao cô bài thơ nhằm tìm kiếm sự liên hệ.
Giọng Carla có chút xúc động, cô hỏi:
– Bác nghĩ rằng cháu là phó bản của cô Tâm?
– Tôi không hoàn toàn tin vào thuyết luân hồi nhưng tôi có cảm tưởng rằng cô chính là hóa thân của Tâm.
Carla run lên, nhất thời không biết đối đáp thế nào.
Bỗng dưng trong ánh mắt Carla long lên nhiều tia phức tạp, cô đẩy ghế đứng lên, vội vã mở ngăn kéo bàn lôi ra hộp mực đóng dấu đã lâu không dùng tới. Cô ịn hai ngón tay cái vào hộp mực rồi lăn hai ngón tay dính mực ấy lên tờ giấy trắng trên bàn. Cô lau tay qua loa xong mới so dấu tay của cô với dấu tay trong bài thơ rồi la lên hoảng hốt:
– Oh my God! How can it be?

Phạm Khắc Trung