Hình minh hoạ, FreePik
|
Thằng em họ bán đất bỏ xứ đi sau bốn mùa tôm thất bát, không
phải tự dưng bạn nghĩ cái kết cuộc cả nhà nó đùm gói lên xe đò đi miền đông làm
mướn cũng có phần lỗi của mình. Mùa đầu nó trắng tay, bạn bảo không sao đâu. “Rồi
xui rủi sẽ qua, ngày mai là ngày mới”, bạn nói vậy ở mùa hai. Mùa ba em trắng
tóc với những món nợ như thòng lọng treo trước mặt, bạn vẫn khăng khăng trời
đâu phụ người ta hoài.
Bây giờ nhớ lại, cái gọi là động viên, lại giống như ru thằng
em ngủ quên trong ảo tưởng. Bởi lúc nói những lời hời hợt đó, cả hai ngồi ngay
dưới bến, ngó dòng sông vẫn cợn phù sa, nhưng sắc nước bầm lại, xanh xám như
con bịnh lâu ngày. Đồng tôm của thằng em chỉ cách những ống xả thải của mấy nhà
máy chế biến thủy sản chừng chục cây số, và khoảng cách chừng đó về phía Bắc,
là chợ, nơi còn hàng ngàn căn nhà dầm chân trên quãng sông nhuộm nước đen trong
bao nhiêu tắm giặt, rác rến.
Lạc quan cho mấy, cũng biết con sông mà chị em bạn từng tắm
mát của ba mươi năm trước, nơi những người đàn bà xóm Lá giặt áo gội đầu, dòng
nước tinh sạch ấy không bao giờ trở lại. Giờ rửa chân còn ngại, nói gì đến lấy
nước đó làm chỗ sống cho tôm, vốn là loại đỏng đảnh khó chiều. Vậy mà bạn vẫn bỏ
qua thực tại, dỗ lấy được, giống hệt dân xóm Lá động viên nhau sau những rằm những
ba mươi giở lú chỉ thấy toàn rác và bọt nước, rằng không sao đâu, biết đâu mùa
tôm đang chờ ở con nước tới.
Cũng những con người này, hồi còn làm lúa vụ một vụ hai, có
năm mưa dầm nhấn chìm ruộng sạ, họ nói có sao đâu, còn chút lúa đít bồ, nay mai
nước rút ủ giống lại. Có quãng bắn nhau dữ quá, họ phải bỏ xóm ra chợ tản cư, tự
nhủ không sao đâu, bom đạn rồi cũng tạnh (nghe nói bom mắc lắm, tiền đâu mà mua
dội xuống hoài), chừng ngừng chiến lại về vườn lên liếp trồng rau. Còn đất còn
sông là còn hy vọng.
Những lời khích kệ kiểu đó bắt rễ từ đáy lòng, nở trên môi,
như một cách đỡ nhau đứng dậy, khi căn nhà trong xóm bị bom vùi, khi người đổ
xuống vì đạn lạc, khi cơn bão đi qua, mùa giáp hạt quá dài. Mấy chữ “không sao
đâu”, “kệ nó, tính sau, sớm mai mặt trời lại mọc” mang tinh chất của hy vọng,
cơ hội làm lại, tin vào sự từng trải trước bất trắc ở đời. Ông trời đâu có xéo
xắt con người ta mãi được, ý nghĩ ấy như đức tin.
Coi lại, dân xứ mình dễ dỗ. Mấy cuộc chiến qua, xương thịt mất
đi được yên ủi bởi tấm bằng tổ quốc ghi công treo vách, một chút tiền cho người
thân, buổi thăm chớp nhoáng nhân ngày lễ. Bên thất trận, vẫn những bó xương buồn
hiu, được vỗ về bằng một vài đại lễ cầu siêu, rất lâu sau. Và người bị bứt, bị
nhổ khỏi rừng ruộng, bị ru ngủ trong những khu tái định cư sực mùi vôi mới
quét, để thức dậy thấy mắt cay chẳng biết sinh kế ra sao, kiếm ăn cách nào với
cuộc đời phía trước.
Chỉ trẻ con mới khiến người lớn biến dỗ dành thành nghệ thuật.
Đứa trẻ tập xe đạp xước gối sẽ nhớ ba nó vừa thổi vào vết thương vừa nói, “cái
thẹo này chắc tự hào lắm, nhờ nó mà cu Tí biết chạy xe”, hay cậu học trò yếu đuối
không quên điểm mười của ông thầy thể dục dù cậu về đích sau cùng, “bởi vì em
đã không bỏ cuộc”. Cũng là một cách bảo con nín đi, mẹ lại nói có muốn uống
chút sữa không, khóc nhiều thì phải bù nước.
Bạn từng nghĩ cuộc san sẻ khó nhằn nhất là với ai đó vừa tiễn
người thân về đất. Nói với bà mẹ vừa mất con rằng thôi cứ nghĩ duyên nợ với
nhau chỉ chút này, hay “thằng nhỏ vẫn ở đâu đây, chỉ cần mình tin là có”, thực
chất là sáo mòn. Rồi nhận ra, với một số nỗi đau, góp mặt đã là vỗ về, ngồi im
lặng bên họ, nghe tổn thương lên tiếng, không nhất thiết phải nói gì, nhất là
những lời vô nghĩa.
Từ biển bị bức tử, lại thấy dỗ dành những con người bị mất
biển kia cũng khó kém gì. Tới với họ, ngồi nghe nỗi mặn, không xoa dịu là bao.
Nói “đêm rồi sẽ qua”, có khi bị đánh chảy máu mũi, bị phỏng rát dưới bao ánh
nhìn thù nghịch, “rốt cuộc thì mi chọn bên nào?”. Bởi những con người đó, kể cả
đứa trẻ vừa mới chào đời kia, sẽ không chờ được ngày biển hồi sinh, trở lại như
hồi chưa bị đầu độc.
Bảo “không sao đâu” là lừa gạt, “sẽ có cách” là trì hoãn (thực
chất là chẳng có cách nào), nhưng nói “khổ gì cũng trải qua rồi, cố chịu thêm
chút nữa” thì đã bước qua ranh ác. Họ còn phải cố tới chừng nào, trên mảnh đất
nhàu nát bởi bão lũ. Nhưng cuộc biển bị bức tử, sông chết mòn này đâu phải bởi
trời. Thật không biết an ủi gì cho phải với những người trước mặt là núi chắn,
biển chết sau lưng, chỉ còn những đám mây trên đầu, lủ khủ nhưng không ăn được.
Đời sống dời đổi không ngừng, nên vỗ về nhau cũng không thể
xài cách cũ. Ngoài những ưu phiền tự nhiên như tuổi già, bệnh tật, quanh bạn
ngó đâu cũng thấy người cần được dỗ, như thanh niên xóm Lá lần lượt bỏ xứ đi
làm mướn, thằng bạn bị lọt hố ga gãy mấy cọng xương sườn, bên nhà em chồng trận
mưa nào cũng ngập vì nước ngoài đường tràn vào.
Tới lúc nào đó, mạnh ai nấy tự dỗ mình, chứ còn sức đâu mà ủi
an nhau. Khi ấy người ta ru tổn thương bằng gì khi “không sao đâu” đã hoàn toàn
vô dụng. Nhưng cách nào thì dỗ dành ai đó đang đau, tuyệt đối, không thể nào, bằng
bạo lực.
Nguyễn
Ngọc Tư