27 November 2018

ELENA PUCILLO TRUONG: ĐI NGƯỢC ĐỂ XUÔI DÒNG - Nguyễn Thị Tịnh Thy


Elena Truong
dinhcuong

Trong làn sóng di dân của nhân loại từ xưa đến nay, người ta thường bỏ nơi nghèo khó để đến xứ giàu sang, bỏ nơi lạc hậu để đến vùng văn minh… Nhưng ở thế kỷ XXI này, có một nữ tiến sĩ người Ý lại đi ngược so với mọi người; chị bỏ nơi giàu sang, văn minh để về với nghèo khó, lạc hậu. Đó là Elena Pucillo Truong.


Nhà văn Trần Hữu Hội đã từng có một nhận định rất chính xác về Elena: Chị chọn định cư ở nước ngoài không vì mục đích kinh tế, chính trị, mà là vì tình yêu, đơn – thuần – vì – tình – yêu. Tình yêu đã khiến chị đi ngược so với nhiều người, chấp nhận một đời sống vật chất và tiện nghi thua kém xa quê mẹ, để rồi thích nghi và yêu mến quê chồng như chính nơi chôn rau cắt rốn của mình. Từ tình yêu với một người, Elena yêu muôn người; từ tình yêu với mảnh đất Bình Định quê chồng, chị yêu luôn cả đất nước Việt Nam; từ tình yêu với “bánh ít lá gai”, chị yêu luôn cả mắm ruốc tương cà…
Elena đã đi ngược. Nhưng đi ngược để xuôi dòng.

Elena xuôi theo dòng văn hóa Việt từ ngôn ngữ, ẩm thực, sở thích, tính cách, tâm hồn. Chị nói khá tốt tiếng Việt. “Muốn ăn bánh ít lá gai, Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi” là câu ca dao Elena thích ngân nga mỗi khi mời ai đó cái bánh ít mới mang về từ quê chồng. “Bún bò Huế bị thiếu ruốc mà cũng gọi là bún bò à ?!” – Chị làm cả chủ quán lẫn thực khách ngạc nhiên khi buông ra câu nhận xét rất “điêu” ấy. Một người bạn tóc bạc đùa với Elena rằng: “Mai mốt anh phải đi nhuộm tóc cho trẻ. Anh nhuộm màu vàng giống em, được không hả Elena?” Rất nhanh, câu trả lời tỉnh queo của Elena khiến mọi người ôm bụng cười lăn: “Anh nhuộm màu chuối non luôn đi! Cho nó trẻ!” Khi quyết định chọn Việt Nam để sống trong những tháng năm còn lại, điều làm người bạn đời của Elena lo ngại nhất là nếu anh ra đi trước, chị sẽ ra sao. Người thân, bạn bè thì nhiều, nhưng làm sao thân thuộc bằng thành phố Milano của chị. Vả lại, các vấn đề như an sinh xã hội, chất lượng sống và chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho người cao tuổi cũng không bằng các nước châu Âu. Chị có thể chịu được cô đơn, có cảm thấy lạc lõng, tủi thân khi không có anh không? Elena đã trấn an anh bằng câu trả lời khiến tất cả những ai nghe thấy, hoặc nghe kể lại đều muốn ôm siết lấy chị: “Anh yên tâm! Nếu cần, em sẽ vào chùa rửa chén để có thể sống tiếp ở đây đến trọn đời.”
Thích mặc áo dài, đi chùa, tham gia các dịp lễ hội, hiếu hỷ với tâm yêu thương và lòng thành kính, Elena còn đi gần khắp đất nước Việt Nam. Lên rừng, xuống biển, ra phố, về quê… Hầu như không có rào cản, không có khoảng cách văn hóa phương Đông và phương Tây, Ý và Việt Nam; hầu như không cần phải làm quen, cố gắng thích nghi, hòa nhập, Elena đã sống, hiểu, cảm với đất nước và con người Việt Nam tự nhiên nhi nhiên, như đây chính là nơi đã từng được chôn rau cắt rốn và sẽ là nơi lá rụng về cội của chị. Vì thế, trong những trang viết của Elena, ta không chỉ bắt gặp cảnh sắc, con người, đời sống… mà còn được thấm thía cái Hồn Việt có một không hai. Nó khiến ta yêu thương hơn, trân quý hơn những giá trị độc đáo này.
Khó có thể thống kê hết từ xưa đến nay có bao nhiêu câu nói hay về tà áo dài của phụ nữ Việt. Trong số đó, theo tôi, câu của Elena đáng được xếp vào hàng đầu. Đó là kiểu áo, mà “người phụ nữ nào có cơ hội mặc nó sẽ cảm thấy mình là một bà hoàng”. Theo chị, áo dài, dù chỉ một màu hay được thêu những hoa văn tuyệt đẹp thì “nó vẫn luôn lịch sự và quyến rũ”(Tà áo lụa giữa những cánh sen). Thể hiện mỹ cảm về chiếc áo dài bằng những ngôn từ như thế, quả là đáng nể phục và mến phục!
Làm dâu của đất võ Bình Định, Elena biết Quang Trung là “một vị vua thông minh và cũng là một nhà lãnh đạo tài ba từng chiến thắng ngoại xâm và “thống nhất đất nước sau bao năm nồi da xáo thịt vì nội chiến” (Lễ hội Tây Sơn, Bình Định: Kỳ diệu và tự hào); biết “Bình Định là cái nôi xuất phát loại hình nghệ thuật hát bội, nhờ sự đóng góp của một danh nhân địa phương tên là Đào Tấn”; biết trang phục của diễn viên hát bội có những nét đặc thù so với y phục sân khấu truyền thống Trung Hoa.
Elena có thể kể vanh vách nguồn gốc quý tộc của nhà thơ – “quận chúa” Tôn Nữ Hỷ Khương: chắt nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh, con gái của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị; có thể cảm được bài thơ Khi còn gặp nhau của Hỷ Khương và so sánh nó với bài thơ Quý nương, ta đi xem bông hồng của Pierre de Ronsard và Cái hồ của Alphonse de Lamartine để hiểu thông điệp “Nắm bắt khoảnh khắc” vì cuộc sống rất mong manh mà nhà thơ Tôn Nữ gửi gắm.
Đối với Elena, từ chỗ thích hiểu biết, khám phá đến “hiểu” chỉ là một khoảng cách rất ngắn. Chị hiểu về phong tục và lễ cúng cô hồn tháng Bảy, hiểu các lễ hội và nghi thức truyền thống khác, hiểu tâm lý mẹ chồng nàng dâu. Trong cái “hiểu” của Elena có sự yêu thương, quý trọng văn hóa của quê chồng; đồng thời nó là kết tinh từ cái nhìn tinh tế của người biết quan sát và thẩm thấu văn hóa. Mỗi địa danh, danh lam thắng cảnh của đất nước vừa rất mới lạ, lại vừa rất đỗi thân quen với chị. Cảm xúc của Elena qua từng trang viết vừa non tơ vừa già dặn, và có những con chữ như bước ra từ ký ức – một thứ ký ức được tích lũy qua bao năm tháng tìm hiểu, yêu mến dù chưa một lần đặt chân đến nơi chốn ấy. Vì vậy, dàn hòa tấu của rừng chim Trà Sư được chị cảm nhận không chỉ bằng thính giác mà còn bằng cảm xúc chan hòa giữa tình, cảnh và âm thanh: “Trong không gian, tiếng chim ríu rít trầm bổng trong một bản hòa tấu không ngừng. Tưởng như tất cả các loài cùng đồng thanh hát bài hát ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp, ca ngợi cuộc sống yên bình bằng những giai điệu nồng nàn, làm cho khách phương xa là tôi cũng tự dưng thấy mình thật gần gũi với khung cảnh hoang dã nơi đây(Trà Sư, thánh địa của loài chim). Hà Nội ở thế kỷ XXI trong văn của Elena vẫn còn lưu giữ “nét đẹp bí ẩn” đầy quyến rũ. “Đã từng đọc các trang sách viết về những nơi này, bị lôi cuốn bởi những huyền thoại và biểu tượng”, thế nên Elena có cảm giác như mình “vừa quay lại tuổi thơ và đang lắng nghe những câu chuyện cổ tích về những con rồng và các cô tiên, những chiến binh dũng cảm hay về con rùa bí ẩn” khi thong thả bước trên băm sáu phố phường. Giống như một giấc mơ giữa ban ngày, chị “muốn mình được bay như một cánh chim vừa thoát khỏi lồng, lơ lửng trên những con đường thuốc, với những dụng cụ chưng cất đang hâm nóng bát thuốc trường sinh hay cưỡi trên lưng một con cá vàng bơi dọc theo sông Hồng(Hà Nội, nét đẹp bí ẩn). Giữa những năm tháng ồn ả, xô bồ này, có được rung cảm nên thơ như thế về Hà Nội chắc hẳn là do người viết đã không nhìn ngắm bằng mắt, mà nhìn ngắm bằng tâm tưởng đầy mến yêu với mảnh đất kinh kỳ tự ngàn xưa. Cảm giác như chị đã từng sống nơi đây và bây giờ có dịp trở về chốn cũ, lòng đang chạm vào những vết tích thời gian làm cuộn sóng tâm hồn.
Trong tập truyện và bút ký Vàng trên biển đá đen, phong cảnh, con người, văn hóa thực thể và phi thực thể của mảnh đất hình chữ S đi vào trang văn của Elena càng ngập tràn yêu thương. Cát trắng ở Phú Quốc, cát vàng ở Quy Nhơn, cát xám ở Vũng Tàu, Elena khiến ta ngỡ ngàng về những sắc màu trên dải biển miền Trung đầy nắng gió. Vàng trên biển đá đen của chị còn đưa ta về với Hà Nội rêu phong, xứ Huế cổ kính, Đà Lạt khói sương, Vũng Tàu sôi động…; vào những ngôi chùa nhỏ để thắp nhang khấn Phật hay cài hoa hồng lên ngực trong mỗi tiết Vu Lan; lên non thiêng Yên Tử để thanh tẩy tâm hồn; cheo leo cùng biển đá Hà Giang để trân quý từng tấc đất của tổ quốc. Cảm nhận của Elena về Hà Giang thấm đẫm nỗi xót xa. Ở nơi đó, có những những “cơn gió lạnh rít qua khe cửa”, có con người cõng đất lên đắp vào hốc đá để gieo trồng; có các bé trai mặt đỏ gay vì nắng gió và các bé gái đầu bù tóc rối cố gắng vuốt lại tóc với bàn tay được làm ẩm bằng nước bọt… Ở nơi đó, có “tiếng bản lề rít lên kẽo kẹt” khi cô giáo đẩy cánh cửa bước vào lớp học, ánh mắt buồn bã nhìn xuống “những dãy băng thấp đã từ lâu trống vắng”… Những miêu tả trên là sự kết tinh của óc quan sát tỉ mỉ, tinh tế, nghiêm túc của một nhà văn; đồng thời ta có thể cảm nhận được tâm tình thiết tha, nỗi đồng cảm sâu sắc của Elena với vùng đất phên giậu của tổ quốc.
Đọc những trang viết của Elena, tôi không còn muốn luận cái hay dở của văn chương, chỉ muốn đo lường cảm xúc của chính mình khi được Hiểu Việt Nam từ chị. Đó cũng là một cách đi ngược. Ngược bởi vì tôi được hiểu thêm về quê hương mình từ một người con của kinh đô thời trang Milano danh tiếng, mà lẽ ra, đó phải là những điều tôi và nhiều người Việt Nam nữa giới thiệu với chị. Cái ngược đó khiến tôi thêm mến yêu và thầm cảm ơn chị. Bởi, chị đã đến đây, ở lại mảnh đất này, đã đi ngược để xuôi dòng – một dòng thôi – thủy chung như nhất. Đó là dòng của “Thuyền theo lái, gái theo chồng”. Elena đã “theo”, đã “về”, đã “ở lại”. Nhưng rốt cuộc, chị khiến những ai từng tiếp xúc hoặc đọc văn của chị phải thừa nhận một điều: Chị được sinh ra ở nơi này, đã từng và đang là chủ nhân thật sự của tương cà mắm ruốc, của rau răm rau húng, của muối mặn gừng cay, của ngõ hẻm, khói bụi và kẹt xe… trong mỗi giây, mỗi phút, mỗi ngày.
Những truyện ngắn, bút ký của Elena đến được với người đọc Việt Nam thông qua nhà văn – dịch giả Trương Văn Dân – người bạn đời của chị. Sự đồng điệu trong tâm hồn, quan niệm sống và tình yêu văn chương; khả năng sử dụng ngôn từ nghệ thuật của tiếng Việt một cách điêu luyện đã giúp anh chuyển tải thành công những gì người viết muốn diễn tả. Như song kiếm hợp bích, cặp đôi tác giả – dịch giả độc đáo này đã làm đẹp cho đời bằng những trang văn cộng hưởng tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương và tình yêu văn học. Có thể, Elena chưa phải là nhà văn tên tuổi; sáng tác của chị cũng chưa chiếm vị trí vững chắc trên văn đàn. Tuy nhiên, trong lịch sử văn chương Việt, vợ say mê viết, chồng miệt mài biên dịch tác phẩm của vợ là một hiện tượng độc đáo mà Elena và Trương Văn Dân lưu lại dấu ấn của mình giữa đông đảo người cầm bút tham gia cuộc chơi ngôn từ.
Lẽ thường, khi có ai đó nhớ về bạn bằng một câu chữ của chính bạn. Hoặc khi câu chữ nào đó của riêng bạn được nhiều người thân quen sử dụng như một thục ngữ hoặc biệt ngữ thì bạn đã thực sự sống trong tim họ. Elena đã sống trong tim nhiều người khi hai từ “Ôm mạnh!” của chị được bạn bè khắp nơi sử dụng với niềm hân hoan và cảm mến, khi nhan đề tập truyện ngắn Một phút tự do của chị được sử dụng trong ngôn ngữ giao tiếp của mọi người.
Đó là những từ ngữ tiếng Việt mà chúng tôi có được từ chị, vừa vụng về khập khiễng đến ngộ nghĩnh bởi thay vì “Ôm chặt” lại được nói thành “Ôm mạnh”; vừa bóng bẩy thành thục nên thơ khi trêu đùa ai đó chỉ được phép có “một phút tự do”. Và như vậy, Elena cũng đang đưa chúng tôi đi ngược để xuôi dòng – dòng tình bạn – dòng tình yêu con người, yêu văn chương chảy mãi trong đời.
Yêu những gì chị đã sống và đã viết. Ôm mạnh, Elena!

Nguyễn Thị Tịnh Thy
Huế, mùa thu 2018