10 November 2018

HẠ HUYỀN - Thu Phong


Thiếu nữ và bông quỳ rừng
dinhcuong


Đêm. Biệt thự. Phòng ngủ. Giường lớn. Người đàn ông và đàn bà đang ngủ. Người đàn ông nằm ngửa. Người đàn bà nằm nghiêng, mái tóc xõa tung trên gối mộng mị. Giường con cạnh bên. Bé trai năm tuổi, rèm mi khép, miệng hé mở, má phúng phính trông giống thiên thần của các họa sĩ Âu-Châu thời Phục hưng. Phòng khách. Hồ thủy tinh. Bánh xe nước. Ống truyền oxy. Rong rêu giả. Những con cá vàng lặng lờ, lơ lửng, vảy lấp lánh ánh bạc. Góc phòng. Chân ghế xa lông. Bình hoa lớn. Con dế mèm giương cánh. Toàn không gian tĩnh lặng vang lừng âm thanh phát ra của đôi cánh ấy cọ vào nhau. Hai cây kim của chiếc đồng hồ kiểu cũ treo tường nhích dần đến con số mười hai. Chậu hoa quỳnh trên dương cầm đang nở và tàn. Thời gian chầm chậm xê dịch đến nửa đêm.
Ngay khi những chiếc búa nhỏ bằng đồng gõ vào các sợi dây chuông, báo hiệu nửa khuya, đôi mắt người đàn bà bỗng mở to. Từ từ, lặng lẽ, nàng thẳng lưng ngồi dậy, trượt nhẹ xuống giường tựa như nàng vừa nghe tiếng gọi của ai đó, tiếng gọi đánh thức nàng. Nàng vội vàng bước đến phòng khách, nhìn tờ lịch trên tường. Tờ lịch ghi con số mười tám, thứ bảy. Với chiếc áo ngủ màu đỏ thẫm có ren rủ sát thân thể thon thả, mái tóc óng ả dài quá lưng, chân trần người đàn bà bước như một cái máy, đến móc áo rút khăn quàng, quấn quanh cổ, đến đèn ngủ cầm lấy chìa khóa, đến cửa tra chìa vào ổ, xoay hai vòng, mở cửa bước ra, khóa cửa. Rồi, quay lưng cất bước. Người đàn bà đi nhẹ nhàng trên những tấm bê-tông mát lạnh, tựa một con mèo, trong không gian đẫm sương đêm, thoảng mùi lài ngây ngây từ những bụi hoa trồng dọc lối đi. Nàng mở cổng rào, bước ra, khóa lại. Rồi, khoan thai rời nhà.

Từ nơi sâu thẳm trong tâm hồn nàng vang lên những tiếng nói, xuất hiện những hình ảnh lúc liên tục lúc gián đoạn, những hình ảnh sắc nét, thực, như đang xảy ra trước mắt nàng, những tiếng nói còn ấm hơi thở chính nàng.
Người đàn ông ấy khác hẳn. Và nàng không còn tự tin nữa. Để đề phòng, nàng mang hình con vào nơi làm việc, một cậu bé năm tuổi rất giống nàng. Nhìn hình con, nàng lẩm bẩm con sẽ nhắc nhở mẹ.
Không ngờ, anh sử dụng ngay vũ khí phòng vệ của nàng để tấn công. Ngắm bức hình, anh nói ước chi cậu bé này là con anh. Nàng nói nàng thích con gái, chỉ là để nói khác anh, chỉ vì nghĩ rằng anh nói đùa. Nhưng anh nói tiếp, giọng tự nhiên, chân thành nếu cô và tôi kết hợp lại, chúng ta sẽ có đủ. Nàng đỏ mặt, cúi đầu nói nhỏ anh nói thế. Nàng nói đọc được một truyện ngắn hay trên báo, không nói cái truyện ấy nàng đã đọc vì tò mò sau lời ca ngợi của một người bạn, nàng chỉ muốn xoay câu chuyện sang một hướng khác. Anh nói anh biết tác giả của cái truyện ấy.
Hôm sau, tan sở, anh chờ ở cổng, trao nàng một quyển truyện ngắn. Nàng nói cám ơn, bỏ vào túi xách. Về nhà, nàng ngạc nhiên nhìn hình tác giả in trong sách chính là anh. Sau bữa cơm tối, nàng dọn dẹp, cho con lên giường sớm, chờ chồng ngủ say, mở đèn đầu giường, lần giở quyển sách. Chồng nàng chỉ ham thích thể thao, cho rằng đọc sách là tự ru ngủ, là sống trong thế giới ma quái. Phần nàng, đơn giản vì không thích đọc sách, nàng thích nghe nhạc. Nàng ngạc nhiên thấy mình đã đọc tất cả những truyện anh đã viết, tự hỏi vì chúng là của anh, hay vì lý do nào khác.
Chủ nhật, trong lúc chồng con đang bơi trong hồ tắm một câu lạc bộ, nàng ghé vào nhà sách mua vài dĩa nhạc. Trên đường quay lại hồ tắm, nàng chợt thấy một vài bức tranh quen thuộc bày ở một phòng triển lãm. Chăm chú nhìn những bức tranh, nàng có cảm tưởng đã xem đâu đó, một bức vẽ hai nửa của một chiếc cầu với đôi chân mang giày mòn đế với bán thân người thanh niên tóc lộng gió mắt xanh biếc long lanh mây trời, một bức vẽ chàng trai mặc áo mưa tay cầm bó hoa đứng dưới mưa trước ngôi nhà đóng kín cửa có sáu bậc tam cấp hoa mimosa tường vi và dã quỳ, một bức vẽ chàng trai áo quần tơi tả mắt là hai vì sao đang bay theo đuôi một ngôi sao chổi, một bức vẽ cô gái tóc vàng mặc váy hoa ngồi bó gối bên dòng suối.
Nàng chợt nhận ra nàng chưa hề nhìn thấy những bức tranh này, chúng quen vì mô tả những cảnh, những nhân vật trong truyện ngắn của anh. Nàng hỏi người quản lý phòng tranh. Người này đáp họa sĩ chính là tác giả đã viết ra những nhân vật này trong một tập truyện ngắn. Nàng hỏi mua bức cô gái tóc vàng có tựa “Tình Xanh.” Nhưng, người quản lý nói tranh không bán. Nàng rời phòng tranh với một chút rộn ràng, một chút vui vô cớ. Làm thế nào một nhà kinh tế có thể đồng thời là một nhà văn và một họa sĩ, nàng tự hỏi.
Anh lại làm em ngạc nhiên đấy! Đang chăm chú ghi chép, anh ngẩng lên, nhìn nàng với chút ngạc nhiên trong mắt. Có phải anh sắp viết truyện về một cô gái tóc vàng mặc váy hoa bên suối? Cô gái tóc vàng? Em nhìn thấy những nhân vật của anh ở phòng tranh dưới phố, anh có ý tưởng hay thật đấy, những bức tranh rất đẹp, anh không bán sao? Chợt hiểu, anh lắc đầu nói để chơi thôi. Ngừng một lát anh nói tiếp, đôi khi nó giúp anh nhìn rõ hơn nhân vật, không gian, thời gian truyện của mình. Anh có mời em ngồi không? Có. Nàng ngồi xuống ghế đối diện phía ngoài bàn, nói anh kể cho em nghe chuyện cô bé ấy đi, cô bé dễ thương quá. Anh xếp hồ sơ, kể tóm tắt câu chuyện.
Ở nhà anh, nàng bị chôn chân bởi một bức tranh, Bức sơn dầu gam màu lạnh xanh và đen chỉ riêng vành trăng lưỡi liềm đỏ soi xuống phố vắng tanh bóng một người đàn bà trong bộ đồ ngủ mỏng tênh nửa in trên tường nửa in xuống mặt đường. Đường nét, hình họa rõ ràng, toát lên một vẻ thơ mộng bí hiểm, như trong mộng. Nàng ngắm bức tranh rất lâu với cảm giác vừa sợ hãi vừa thích thú, cho đến khi anh lên tiếng kéo nàng ra khỏi nó. Cô thấy thế nào? Nó ghê ghê thế nào ấy, nhưng em rất thích. Nàng nhìn tựa bức tranh. Hạ huyền? Là trăng hạ huyền.
Ngày hôm sau có việc vào phòng anh, nàng hỏi anh nghĩ ra cốt truyện chưa. Anh trầm ngâm đáp đó sẽ là một truyện mở. Tan sở, anh chờ ở cổng trao nàng bức tranh “Hạ huyền.”
Về nhà, tháo lớp giấy bọc, đọc giòng chữ ghi sau bức tranh “Chúc mừng sinh nhật” nàng ngẩn người. Sao anh biết ngày sinh nhật của nàng, còn đúng chín ngày nữa mới đến. Nàng treo bức tranh ở phòng khách, phía trên giá sách. Buổi tối chồng nàng đi làm về, ngồi xuống ghế xa-lông chưa kịp cởi giày, nhìn thấy bức tranh, hỏi nàng ở đâu mà có. Nàng đáp của một người bạn tặng. Chồng nàng im lặng, đứng lên đi vào trong. Nàng biết thái độ ấy có nghĩa là gì. Có người nói tình yêu chỉ có một nhưng những thứ tương tự với tình yêu thì nhiều. Dù thế nào, nàng biết chồng nàng đang ghen. Phần nàng, có thể khẳng định lúc bấy giờ, lúc cưới, nàng cần anh. Còn hiện nay? Anh ấy là cha của con nàng. Và, nàng đã cam kết trước Chúa.
Đồng nghiệp trong công ty ghép đôi nàng và anh. Họ đùa. Anh và nàng nhìn nhận. Anh và nàng đùa-mà-không-đùa. Cũng có một, hai người phê phán. Mặc họ. Anh và nàng chưa hề chạm vào nhau, chưa hẹn hò; dù nàng khao khát biết bao được anh ôm ấp, vuốt ve, còn anh, anh cố kìm chế ôm lấy nàng. Giữa anh và nàng có quá nhiều bức tường ngăn cách, những bức tường rất kiên cố.
Ngày ăn chay lần thứ hai trước lễ Phục-Sinh nàng đã vô tình phạm tội. Bàn ăn chỉ còn hai người. Nàng đã gắp miếng thịt bỏ vào chén anh; và anh đã chia cho nàng phân nửa. Họ ăn ngon lành.
Tan sở, nàng thả bộ từ bưu điện thành phố, nơi có nhà thờ lớn, hướng về phía bờ sông, dừng ở một nhà hàng, ngắm nhìn thực khách qua những ô cửa kính trên lầu xinh xắn của nó. Trần thấp, trông nó tựa một ca-bin kính là đà trên mặt đất, sang trọng, thân mật. Hình như nhân vật của anh đã từng ngồi trên đó. Và, hẳn nhiên anh cũng đã ngồi trên đó. Nàng chợt nghĩ thành phố này dù sao cũng có vài nơi đáng yêu. Nàng đã đọc lại tập truyện của anh, sau khi xem những bức tranh, và hiểu thêm một chút. Truyện nào của anh cũng thấm đẫm hoặc bàng bạc nỗi buồn. Phải chăng anh đã không có được hạnh phúc? Và vì thế, anh chú ý đến nàng. Nhưng tại sao không phải là một cô gái độc thân, tại sao lại là nàng, một người đã có chồng, có con? Rồi nàng tự cười mình: “Mày quá mơ mộng đấy thôi, đơn giản chỉ vì anh ấy là đàn ông, nghĩa là một kẻ tham lam, lăng nhăng, ga lăng, thích tán tỉnh phụ nữ; hơn nữa, anh lại là một nghệ sĩ, nhạy cảm, lãng mạn.”
Dần dần, nàng nhận ra mình đã làm theo lời anh, để tóc dài, sửa lại những bộ đồ đang mặc. Và tại sao lúc này đến sở, nàng lại tô thêm một chút son môi? Soi gương nàng thấy mình đẹp ra, da dẻ mịn màng, tóc óng mượt hơn. Nàng vui về điều ấy. Nhưng rồi, nàng giật mình hốt hoảng: Nàng đã yêu? Không! Nàng đã có gia đình, anh cũng có vợ con. Chẳng qua, để tóc dài đẹp hơn cắt ngắn. Và, son môi khiến nàng tươi tỉnh đến cuối ngày.
Nhưng tại sao nàng mong được gặp anh, vui khi ở bên anh, tại sao đôi mắt sâu, đẹp, đượm buồn, vầng trán mênh mông giọng nói ấm áp của anh cứ ám ảnh nàng, và nằm bên chồng nàng lại ao ước nằm bên anh?
Anh hỏi nàng đã bao giờ đến Đà Lạt, nàng đáp chưa. Anh nhìn nàng, lắc đầu. Anh thường làm vậy với nàng. Nàng đã suy nghĩ nhiều về cử chỉ ấy, anh thất vọng? hay tiếc rẻ? hoặc anh ngạc nhiên? và về cái gì ở nàng? Anh nói nàng phải đến đó, nhất định phải đến đó. Nơi đó đẹp lắm, nàng hỏi. Anh đáp đến Đà Lạt rồi chết. Rồi anh nói thêm anh ao ước được dẫn nàng đến đó. Nàng lúng túng, nói nếu có dịp nàng sẽ đi với chồng con. Anh nén tiếng thở dài.
Thứ hai, nàng đi làm với một ngón tay bị cắt. Anh nhìn một lúc, đưa tay định cầm lấy tay nàng, nhưng rút lại, lúng túng. Tay cô sao vậy? Em cắt phải trong lúc làm bếp. Sao cô không băng lại? Em vội. Anh nói chờ anh một lát, rồi đi ra. Anh trở lại với miếng băng cá nhân. Em không cần đâu. Em cần. Em không cần. Nàng bướng bỉnh lắc đầu. Anh nói, giọng nhỏ nhẹ nhưng quả quyết cô biết không, tay cô đứt nhưng tôi thấy đau đấy. Nàng ngó xuống đất nói anh nói thế, rồi nhìn lên. Ánh mắt họ chạm nhau. Họ nhìn nhau dịu dàng đắm đuối, cái nhìn chưa bao giờ có. Rồi nàng chào anh, và rời phòng anh, vội vã.
Về phòng mình, nàng không thể làm việc được nữa. Nàng ngơ ngẩn, hoang mang. Và sợ hãi. Anh đã nói gì? Và nàng, nàng đã phản ứng thế nào vậy? Nàng không nhớ nổi việc vừa xảy ra vài phút trước. Khi nhớ ra, nàng cố trấn tĩnh, tự nhủ anh chỉ tán tỉnh đấy thôi, trách mình tại sao không có thái độ rõ ràng dứt khoát, lẽ ra nàng phải làm nghiêm và nói anh đang tán em đấy phải không hoặc anh không nên nói thế.
Anh lại vào phòng nàng, lần này anh trao nàng mảnh giấy ghi, “Hẹn tám giờ tối thứ bảy ở Valentine.” Nàng ấp úng em… em… Anh đã rời phòng, nàng mới nói được hết câu đã sắp đặt sẵn, em đã có chồng.
Buổi trưa, nàng không ăn cơm, để lánh mặt anh. Trước giờ tan sở, nàng vào phòng anh trả lại mảnh giấy, nói em không thể, em đã có chồng.
Tan sở, nắng dịu, nàng nhìn trời. Bầu trời nhiều mây. Bản tin thời tiết tối qua cho biết hôm nay mây thay đổi, trời không mưa. Nàng ra phố, gởi xe rồi tản bộ tới nhà thờ trong tâm trạng xao động. Thưa cha, có thể con yêu anh ấy, có thể con không yêu chồng con. Và, con đã không ăn chay đủ ngày. Bên trong ô cửa nhỏ, tiếng vị linh mục vang lên nghiêm khắc. Con vừa nói ba việc trong đó chỉ có một việc “đã”; còn hai việc kia “có thể”. Nếu con muốn xưng tội, con phải thẳng thắn. Nào, hãy kể đi. Nàng kể, rồi nói thưa cha con không biết rõ tình cảm con hiện nay. Thôi được, hãy cắt dứt quan hệ với người thứ ba ấy khi còn chưa muộn, Chúa tha tội cho con.
Rời nhà thờ, nàng tiếp tục tản bộ loanh quanh. Đây là lần đầu nàng xưng tội. Ông ấy nói phải dừng lại khi chưa muộn. Phải, nàng cần phải chấm dứt. Nhưng thế nào là muộn? Có muộn không, khi người ta mới bắt đầu yêu? Có tội lỗi không, khi người ta yêu với cả trái tim mình?
Buổi tối, nàng viết đơn xin nghỉ việc, nhờ cô bạn cạnh nhà mang vào công ty. Nàng đốt bức “Hạ huyền,” quyển truyện của anh, những tấm hình anh đã chụp nàng, kể cả tấm hình nàng dự định tặng anh. Nhìn ngọn lửa tàn lụi, nàng thẫn thờ ngồi sụp xuống, thốt lên thôi nhé, vĩnh biệt, vĩnh biệt anh, mối tình kỳ lạ của em, từ nay quan hệ của chúng ta sẽ chỉ là giấc mộng, chẳng phải anh đã từng viết chỉ có giấc mộng là có thực sao.
Chồng nàng về, nàng nói nhìn bức tranh em thấy sợ nên đã mang trả lại. Lên giường nàng đòi hỏi. Nhưng khi chồng nàng đáp ứng, nàng chỉ nhập cuộc ơ hờ. Sau đó, nàng nói nàng được nghỉ một tuần, sẵn dịp chồng nàng đang nghỉ phép thường niên nàng muốn đi Đà Lạt. Họ thu xếp đi ngay vào ngày hôm sau, dự định ở lại một tuần. Nhận thấy thái độ bất thường của nàng, dọc đường chồng nàng hỏi, nàng buồn bã nói đã mất việc. Chồng nàng không hỏi han nhiều, nói sẽ xin cho nàng vào làm việc ở nơi một người bạn, lương cao hơn, gần nhà hơn. Nàng gật đầu, không nói.
Vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của Đà Lạt khiến nàng ngỡ ngàng, thích thú, quên đi những việc vừa xảy ra, về mối quan hệ nguy hiểm. Họ đi thăm những thắng cảnh nổi tiếng, các ngọn thác, thăm vườn hoa, đến đồi Cù, dạo chơi quanh hồ Xuân Hương, uống cà phê Tùng dưới phố buổi chiều, nhà hàng thuỷ tạ buổi tối. Ở Đà Lạt đến ngày thứ ba, lúc đi dạo trên những con đường đồi, nàng đến một nơi mà anh đã viết, bỗng thấy buồn. Hôm sau, nàng cùng chồng con đáp chuyến xe sớm quay về.
Nàng rời thành phố của hoa, thông, của sương mù và tình yêu trong tâm trạng trống rỗng, không kịp nhận ra mi-mô-sa, păng-xê, ti-gôn, dã-quỳ, những loài hoa nàng chỉ biết qua thơ văn, ao ước được nhìn thấy tận mắt. Nàng quay về vẫn chưa nghe thấy tiếng thông reo giữa rừng thông xào xạc gió, thấm đẫm cái lạnh của nỗi cô đơn nằm bên chồng con, vùi mình trong chăn nệm bên lò sưởi linh hồn nàng run rẩy ước ao tình yêu, thân thể nàng oằn oại khát khao nụ hôn anh, thân thể anh.
Quán Valentine nằm trên một con đường vắng có hai hàng me già cao ngất. Quán nhỏ, khuôn viên rộng, trồng toàn hoa hồng đỏ. Tường treo tranh của Chagall, Van-Gogh, áp phích phim chuyện tình Romeo và Juliet, Titanic. Nhạc quán, nhạc tình, chơi với phong cách cổ điển lãng mạn, hoặc trẻ trung, tùy ngày. Ngày chẵn dành cho giới trẻ, do con gái chủ quán tiếp khách. Nàng đẹp bụi bặm, thỉnh thoảng tự đệm tây-ban-cầm cho mình. Ngày lẻ chủ quán đích thân tiếp. Họ là hai ông bà lão, ngoài bảy mươi, còn khỏe và đẹp. Khách đến từng đôi, hiếm khi riêng lẻ. Có một giá sách nhỏ chừng hai mươi cuốn truyện tình nổi tiếng. Thỉnh thoảng một, hai nhạc sĩ đến quán, thưởng thức hương vị thơm ngon của cà phê, và sử dụng đàn của quán hát những bài hát ngợi ca tình yêu. Thỉnh thoảng, ông bà chủ quán đáp lại yêu cầu của các đôi tình nhân, bà lão kéo cây vĩ cầm vang bóng một thời. Hoặc họ hát với nhau, ôn lại thuở ban đầu, với chất giọng không còn son trẻ nhưng chưa tắt lửa đam mê.
Tối nay, anh đến quán đúng giờ hẹn. May mắn cho anh, quán còn hai bàn trống. Anh chọn bàn hai-ghế-đối-diện, nhường bàn ghế đôi cho cặp tình nhân vào cùng lúc với anh. Anh gọi một chai cô-nhắc, rót rượu vào cả hai ly. Trong khung cảnh êm đềm, tiếng nhạc hòa cùng tiếng thì thầm, tràn ngập ánh sáng vàng nhạt ấm áp, anh uống rượu, hút thuốc, lắng nghe bài hát diễn tả một mối tình đã chết bên hồ. Khi tiếng nhạc nhỏ đi, đứt quãng, ký ức dần xâm chiếm lấy anh, không phải những hoài niệm xưa cũ, mà hình ảnh, giọng nói rất gần.
Anh và nàng làm việc ở hai phòng khác nhau trong một công ty, thỉnh thoảng có công việc đến phòng nhau, gặp nhau thường xuyên trong bữa ăn trưa. Cả hai chỉ chào nhau, chỉ nói chuyện công việc trong một thời gian khá lâu. Không biết từ bao giờ anh quan tâm đến nàng, thấy nàng dễ thương. Anh nhận ra rằng để thấy một phụ nữ đẹp, ta chỉ cần một phút, để thấy một phụ nữ có duyên ta cần một giờ. Còn, nhận ra một phụ nữ dễ thương, ta cần một thời gian lâu hơn nhiều. Sự dịu dàng của nàng làm xao động anh, đủ an ủi anh, khi mà việc gia đình, việc công ty, chỉ là những trách nhiệm đè nặng lên vai.
Hai người thường còn lại sau cùng ở bàn ăn. Một lần như thế anh nói có hai nơi anh chưa đặt chân đến nhưng rất thích. Hà Nội và Paris. Anh nói mỗi lần nghe bài hát “Hướng về Hà Nội,” anh cảm thấy nhớ quay quắt, anh tự nhận mình sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Đà Lạt, làm việc ở Sài Gòn. Mắt nàng ánh lên một niềm vui, và nỗi buồn. Có phải nàng vui vì anh thích quê nàng. Và buồn vì đã lâu không được về thăm Hà Nội? Nhưng rồi nàng hỏi còn Paris? Anh đáp anh thích Paris qua hai bài thơ anh cho là hay nhất về Paris. Có phải “Chưa bao giờ buồn thế,” nàng hỏi. Anh ngạc nhiên gật đầu. Còn bài kia? “Paris,” anh đáp. Đến lượt nàng ngạc nhiên, nói em cũng thích bài ấy. Anh cười nói giữa anh và nàng có một nguồn giao cảm. Nàng khoe nàng vừa đọc Hemingway, anh kể nhiều cô gái khắp nơi trên thế giới viết thư cho Juliet của Shakespeare, nhiều thanh niên kỷ niệm sinh nhật Maigret của Simenon, anh say sưa nói về cảm hứng sáng tạo của các nhà văn và ca ngợi những người đọc sách.
Ít lâu sau, nàng bị cảm. Anh lãnh thuốc cho nàng. Nhưng khi nàng hết bệnh, đến lượt anh. Nàng nói chỉ vì giữa anh và nàng có một mối giao cảm.
Anh già hơn nàng gần 20 tuổi. Sự chênh lệch thế hệ ấy chỉ là một ngọn đồi nhỏ, cả hai đã vượt qua dễ dàng. Nhưng còn những trái núi lớn, nhũng biển cả mênh mông, trong cuộc đời và cả trong lòng hai người, cả hai chưa một lần tự hỏi.
Anh xin đi công tác xa một thời gian để quên nàng. Bị ướt bởi cơn mưa đầu mùa trong khi từ tỉnh lộ vào nhà máy, lạnh nhưng anh cảm thấy dễ chịu, có lần nàng nói nàng thích mưa. Và ngay lập tức hình ảnh nàng hiện ra trong anh. Nghĩ đến nàng thật dễ chịu. Nàng đến bên đời anh giống như cơn mưa đầu mùa tưới mát mảnh đất cằn khô.
Anh cố hết sức ngăn mình gọi điện thoại cho nàng bằng cách viết, đọc, làm việc không ngơi nghỉ. Hết hạn công tác, trước ngày về, anh ra tỉnh lỵ mua cho nàng chiếc vòng đeo tay bằng cẩm thạch. Nhưng về đến nơi anh ngần ngại, nghĩ rằng chiếc vòng cũ kỹ nàng đang đeo là vật kỷ niệm của nàng. Anh cất chiếc vòng đã mua vào hộp chờ đến khi nàng không còn đeo chiếc vòng cũ.
Nhiều đôi tình nhân thay nhau ra vào quán. Chiếc gạt tàn trống giờ đầy tàn thuốc của anh. Đã mười hai giờ đêm. Quán thưa khách. Bên ngoài sương đêm làm mờ các khóm hoa, không khí mát lạnh. Ông chủ quán đến bên anh cúi người hỏi chị ấy sẽ đến chứ. Không nghe rõ câu hỏi, anh đáp cám ơn bác và tiếp tục chờ đợi.
Người đàn bà tiếp tục cất bước trên lộ vắng tanh, đầy sương khuya, gió lộng. Một con chó đang sục sạo thùng rác, ngẩng lên sủa không ngớt. Âm thanh vang vang trên phố, dội vào lòng những ngã ba, những con hẻm. Một đôi tình nhân đi chơi khuya về, ngoái cổ nhìn theo người đàn bà một lúc. Nhưng tất cả không mảy may tác động đến người đàn bà. Nàng vẫn tiếp tục bước đều hướng về phía đông, về một cái quán mang tên một vị thánh của tình yêu.
Cao trên đầu nàng lúc này đã xuất hiện vành trăng lưỡi liềm lành lạnh và huyễn hoặc. Và bóng nàng, nửa ngả xuống đường, nửa in trên tường phố vắng.

Thu Phong