17 November 2018

NGÀY PHỤ NỮ - Hồ Đình Nghiêm



Email chuyển tiếp quanh một vòng, cả nhóm đếm ra chỉ có sáu mạng là “chơi được”, vậy chớ muốn thống nhất giờ nọ ngày kia để gặp mặt nhau xem chừng cũng “mệt dữ à nghen”. Sáu mạng thảy đều trên sáu bó, thảy về vườn, thảy chây lười ngồi không, rất bất thiện ở cái khoản nhàn cư, thế mà kết quả của hồi âm rằng thì là: A bận ra phi trường đón anh chị sui từ bển qua du lịch, B mắc đến nhà con ăn thôi nôi đứa cháu nội, C ăn cái giống gì mà tự nhiên đau bụng, bắt tay thằng Tào Tháo đã hai hôm, D kêu sao không tổ chức ban ngày mắt tôi lóng rày đêm hôm chẳng phân biệt được đâu là nhà ngói đâu là nhà tranh. E bảo tìm hàng quán khác thì ô-kê chứ thực đơn chỗ ấy dầu mỡ bỏ mẹ…
Người gửi điện thư đưa lời mời mọc không vì thế mà thấy nản, ổng biết tỏng khi đã về già tính khí quý vị cao niên ai nấy thường chướng, ưa dỗi hờn, thích nghe đối tượng xuống nước van lơn. Vì vậy lỡ bắn mũi tên ra khỏi dây cung vẫn trì chí ngó tên cắm vào đích. Ổng lại mó tay tới bàn phím, bỏ dấu tiếng Việt hẳn hoi: Vậy thì mấy ông sắp xếp sao cho thuận tiện hoặc có cao kiến gì nhớ cho tôi hay, bị giờ này hoàn cảnh hết giới nghiêm, tôi thôi cắm trại 100% rồi. Cắm trại hoặc trại cấm cũng một nghĩa như nhau. He he he.

Sau một tuần thư đi tin lại, mỏi mòn con nhạn bơ phờ bay về đưa ra “nghị quyết” tối hậu: Buổi trưa ngày thứ sáu sắp tới, bằng hữu ai nấy thôi lu bu, chẳng còn lý do gì để cột chân lại và sẽ quây quần ở một hàng quán khác, giá hơi đắc chút đỉnh nhưng được cái thông thoáng tha hồ cho tiên ông ngồi tán dóc, búa xua tâm sự lâu ngày chầy tháng khỏi nhìn đời hiu quạnh. Lục vị nhi nhĩ thuận này nếu không đồng hương thì cũng đồng chí, không ưa chữ đó thì còn chữ khác: Đồng bệnh. Bệnh ưa đặt điều thêm mắm dặm muối, ưa mơ mộng về cảnh giới không thực, ưa vẽ rắn thêm chân, ưa tự hành xác, ưa đứng núi này trông núi nọ cách biệt đời thường; nôm na là thích làm bạn với chữ nghĩa bù đầu sáng tác thơ văn. Phàm những kẻ mắc chứng bệnh ấy, trong máu thường bị nhiễm vi-rút “Văn mình vợ người”. Con vi trùng rất mực hiền lành chẳng mắc mớ chi tới chuyện sống chết phải vào nhà thương bắt tay mấy ông bác sĩ. Văn thơ ta tự hí hoáy, nhất cô nhạn. Vợ thằng kia thì rõ là nhị cô tiên, đẹp hết biết. Ta tuy người trần mắt thịt nhưng có khiếu mỹ thuật, hơn hẳn thằng kia có mắt mà nào khác đứa mù, uổng lắm thay!
Trong sinh hoạt chè cháo của nhúm bạn già, có một điều lệ không cần ghi ra văn bản, trăm khi như một, đó là lúc đã bóng ngã về chiều chén bát lăn chiêng đổ đèn, lục vị đề cử một người cầm hoá đơn vào thanh toán cơm hàng cháo chợ, xong cái thì làm phép toán chia trẻ lên ba cũng tường đáp số. Ví như vừa ăn vừa uống vừa phá mồi cả thảy là 300 thì tiện việc sổ sách, mỗi thành viên họp quanh bàn tròn sẽ móc ví ra 50 đô để chồng đủ số cho Lê Lai chẳng liều mình cứu bồ. Hoạt cảnh sẽ diễn tiếp, rằng đông đúc là thế, đủ mặt đủ mày là thế, vậy mà dường như con bé mặt hoa da phấn đứng sau quầy thu ngân chỉ gửi riêng tới “Lê Lai” chưa từng khoác long bào một nụ cười xem chừng nghiêng thùng đổ nước. Sao quần hùng tranh nhau rượu vào lời ra bán trời không văn tự nhá tới 300 lạng bạc mà riêng “ảnh”, kẻ oai phong đứng mũi chịu sào mặt tỉnh như ruồi khi đặt đống ngân lượng rõ to lên quầy, bộ dạng ra vẻ khinh khoái rất mực lại được mỹ nhân mày ngài mắt phượng gửi sóng thu ba cùng một nhếch môi màu son chưa phai nhạt: Cháu cám ơn bác nhiều ạ! Bác xơi có mặn miệng không ạ! Xưng hô phải phép đúng là con nhà gia giáo, bởi nếu ta mà hoang sớm, sang sông trước thiên hạ thì cháu ta giờ nầy cũng trạc tuổi “em”. Nhưng mà tình ngay, bạn ta (không phải hiền hữu) nổi hứng về thăm lại xứ cũ đã vừa mang sang một cô vợ coi mòi son trẻ hơn “cưng” nhiều lắm lận. Tròn trăng hay đôi tám cũng một nghĩa như nhau, cứ thế mà ỏng ẹo anh em một dạ không đổi, chẳng ngượng mồm. Đâu có thằng chồng nào dở hơi đi gọi vợ bằng cháu, nhỉ? Bất quá chỉ hạ mình tự ví ta là trâu già mà nường đúng là cỏ non vậy!
Thứ nội quy góp gió thành bão, chơi theo kiểu Mỹ kia, vô tư nghĩ là đúng quy trình, nhưng có lúc, như hôm nay đã bị người gửi email cực đoan bác bỏ, ưa mần kách mệnh để tui bao từ A tới Z lần này, năm thực khách được mời nghe thế rất lấy làm tâm tư với thứ lời hay ý đẹp kia, ngôn ngữ đời thường kêu bằng “bảnh” chớ hổng phải chơi ngông. Chuyện gì thế? Trúng lô tô chăng? Tập truyện ngắn vừa xuất bản đã bán đắc như tôm tươi, được tới “một chục mười tám” cuốn chăng? Chủ tịch nước xứ lá phong vẫn còn sống hùng sống mạnh, nào đã thác để xây lăng mộ hoành tráng đâu mà bày đặc lấy cớ mở cờ trong bụng để nâng ly? Dù là lý do gì thì cũng nên lây lan sự hả hê ba chân bốn cẳng chạy u đến nhà hàng mừng ngày vui đại thắng. Khi “khổ chủ” chưa xuất hiện, mấy bạn già đã vào kéo ghế ngồi rung đùi đoán hươu đoán vượn về sự cố đột xuất nọ. Một ông luôn bị ám ảnh về cái chết đã nói, kiểu đinh đóng cột: Các bạn không biết chứ tôi thì rành sáu câu, lạ lùng gì, ảnh mới từ bệnh viện trở lui sau khi đánh bại thằng thần chết, nốc ao chỉ ở hiệp ba, rất oanh oanh liệt liệt khiến thằng diêm vương phải xếp giáp quy hàng tháo chạy. Họ tên ảnh, kể cả bút hiệu vẫn còn rành rành giấy trắng mực đen trong sổ đoạn trường mà diêm vương chẳng đủ sức để bôi xoá, gôm tẩy. Tóm tắc rằng thì là ảnh điếc không sợ súng, rất mực ngon cơm đề huề phong độ, bỏ ngoài tai lời triệu tập đi trình diện cải tạo của quản giáo địa ngục môn. Làm trai cho đáng nên trai là chuyện xưa tích cũ, ảnh làm ông già gân cho đáng gừng càng già càng cay. Chỉ chừng đó thôi, không đủ để mần nên buổi nhóm họp chia vui đáng nhớ này sao?
Và “ảnh” tới, độc cô cầu bại xô cửa đi vô, phát ngôn rào đầu rất lịch sự: Các bạn chờ có lâu không? Lỗi tại tôi mọi đàng, xe buýt chạy lố một trạm dừng mới bừng con mắt dòm ra. Vậy đó, người ta thì tranh nhau lấn tới bước nữa mà tui thì cứ luôn đi lộn lui. Một bạn quan sát anh chủ xị, không phải nhìn đểu: Giả như tôi ngồi chung chuyến buýt cùng anh thì chắc là tôi không nhận ra anh, hôm nay trông chải chuốt quá, tươm tất quá, đẹp lão quá. Cho hay là khi gặp chuyện vui, điều đó làm người ta trẻ hẳn ra, mặt mày hồng hào tươi nhuận có thể phổng phao. Nào, chuyện vui của anh là gì? Kíp khai ra mau. Các đồng chí rót rượu ra đi chứ. Ông luôn mang ảo giác có thằng cầm lưỡi hái đứng sát bên hông rót nước lạnh vào ly, nâng lên, may mà ông không nói: Chăm phần chăm nhé, không say không về.
Cô phục vụ chạy bàn như biết môn kung-fu Lăng ba vi bộ, bóng hồng thoắt cái đã dựa thân vào một chiếc ghế trống: Các bác đã lựa xong thức ăn chưa ạ? Trong khi chờ đợi các bác nên thử dùng qua món gỏi trộn, bảo đảm không dở đâu ạ. Ông già “bữa nay tự dưng trẻ lại” vỗ vai “cháu ngoan”: Ừ, cứ việc mang ra cho mấy bác trắc nghiệm xem tài nghệ của các cháu đến ngang đâu. Tiếng là xưng bác như ai kia nhưng lục vị hổng có trự nào chịu nuôi râu dài thậm thượt cả, và dứt khoát các bác nể nang tới công đạo lệ luật chốn đây nên chả ai dại ôm cháu vào lòng xoa đầu bẹo má gỡ gạc cả. Làm bác cho ra bác kẻo mẹ mấy cháu khinh cho.
Trong khi chờ món gỏi trộn mang ra, mỗi người tranh thủ tự chọn món ăn mình hợp khẩu, bởi người ưa ăn gà kẻ thích ăn cá, người nem công kẻ chả phụng, chưa tính tới điều kiện thật giả nằm nơi hai hàm răng có cho phép nhai rau ráu không. Cua ghẹ nghêu sò ốc hến có bốc mùi thơm tới cỡ nào thì cũng đành niệm tình tha thứ cho. Ngó lơ, hổng màng tới, y như kiểu món gái gú dâng tận miệng thì giờ đây coi mòi xơi không êm. Ai bảo tuổi già hạt lệ như sương? Cái đáng bàn tới nhất là già cả đâm bất tiện, loay hoay chẳng giải quyết được cả trăm vấn nạn lận, bực cả mình khi ngồi ngay trên miệng giếng mà khát nước tới khô rát cổ họng, kiếm chẳng ra sợi dây dài nhằm nối thêm vào cái gàu múc nước.
A: Trước khi đụng đũa thì yêu cầu anh bỏ ra ít phút để tuyên bố lý do.
B: Phải a, ứng khẩu thôi chớ đâu cần phải ghi soạn ra trên giấy như diễn văn cho nề hà lôi thôi.
C: “Đạo diễn” quá thì thực phẩm đâm nguội lạnh, ăn mất ngon.
Chủ xị nắm cổ chai bia lên, tợp một phát, đằng hắng: Bữa nay tui mời mấy bạn tới đánh chén là nhằm kỷ niệm ngày vui tràn bờ của thằng già hạnh phúc này.
D: Còn biết tới chữ hạnh phúc là đã giỏi!
Chủ xị: Ấy là mụ vợ vừa chính thức ra thông cáo: Anh đường anh tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi. Danh chính ngôn thuận thì tui vừa được vợ bỏ.
E: Chết mẹ! Hơn sáu mươi năm cuộc đời, lần đầu tiên tui mới nghe ra câu sấm “hạnh phúc khi được vợ bỏ”. Có ngược đời thì cũng chừng mực nào thôi chứ!
Chủ xị: Bị ông mãi an tâm đi dưới tấm bảng chỉ đường, học tập cải tạo tốt nên không được trông xa thấy rộng.
A: Có lửa mới sinh ra khói. Do đâu mà xẹt ra lửa?
Chủ xị: Ông quen chơi chữ văn hoa trừu tượng quá. Ở nhà ông bà có hay cãi nhau không?
A: Có chứ, thường khi, nhưng vợ tui bảo thương nhau lắm cắn nhau đau. Vợ mà không nói không rằng cái ấy mới đáng sợ!
B: Tui hổng đồng ý với thứ lập luận đó đâu nghen. Anh phải khéo tu ba đời mới lấy được người vợ mãi câm như thóc. Nhà cửa êm ấm cách gì!
C: Mềnh ngồi đây cốt là để nghe tâm tư của nhân vật chính chứ mô phải học lấy luận thuyết của anh A anh B.
D: Đúng vậy, hạnh phúc của người được vợ bỏ là thứ đáng nghe hơn cả.
Chủ xị: Bà ấy nói, ông lớn hơn tôi cả chục niên dĩ nhiên ông sẽ thác trước tôi, sức người có hạn, tôi nhắm lo không nổi việc chôn cất ông nên giờ này còn đủ hai mặt hai lòng, để tránh ngỡ ngàng, tôi liệu đường rút sớm.
A, B, C, D, E ngồi làm thinh chẳng vọng động. Trong quán có con ruồi, ắt hẳn là ruồi cái, vừa bay ngang rồi đậu xuống bên đĩa gỏi cuốn. Chủ xị đưa tay xua đuổi.
C: Tui hỏi điều không phải thì xin anh bỏ qua, bà ấy có ai nguyện nâng khăn sửa túi mà hăm hở bỏ đi?
A: Nói tầm bậy. Đàn ông ai lại đi nâng khăn sửa túi cho đàn bà? Nói chúng chuyên lột truồng đàn bà ra thì đúng hơn.
B: Trong lúc “tang gia bối rối” ông còn nhớ đến thơ cụ Bùi Giáng? “Bây giờ tôi đối diện tôi, còn hai con mắt khóc người một con”.
Chủ xị: Trong người tui đâu còn giọt nào mà biểu khóc, cái đáng giận là tui muốn cười mà cười chẳng được thôi.
E: Phải a. Cười được thì nên cười, bởi muôn đời cười là thang thuốc bổ. Tui mới xem được câu chuyện vui dành cho người già, xem quý bạn có cười nổi không? “Thằng cháu 13 tuổi hỏi ông nội nó: Ông còn làm chuyện đó với bà không? Thường khi cháu yêu ạ, vẫn ngon lành, như cơm bữa. Đứa cháu trố mắt: Cái gì? Ờ, ông quên nói là giờ đây chỉ biết làm bằng miệng thôi. Cái gì? Ờ, mỗi khi ông nói Fuck you thì bà cháu đáp trả Fuck you too”.
C: Fuck! Thế anh biết vợ dọn đi đâu không?
Chủ xị: Tại sao tui phải quan tâm tới việc đó? Con chim thì ta biết nó bay, con cá thì ta biết nó lội, còn vợ bỏ đi đâu thì đó là điều mà ta không tài nào biết được.
D: Thế chuyện chia chác tài sản?
Chủ xị: Dùng chữ tài sản thì quá lớn lao. Hồn ai nấy giữ, duy chiếc xe của tôi thì bà ấy lái đi, dùng phương tiện hòng làm nhẹ gánh hành trang. Ấp đang mướn xét thấy lớn quá, e tôi dọn thuê chỗ hẹp té đặng trú thân qua ngày đoạn tháng.
B: Tui mà như ông thì về Việt Nam ở mẹ cho xong chuyện!
A: Hạ sách, đừng tập hư, chớ xúi dại. Nhỡ ốm đau, tiền đâu mà vào nhà thương?
C: Hiện tại ông tính cách gì làm nguôi ngoai?
Chủ xị: Tui đang vui mà, nguôi ngoai nỗi gì? Tui sẽ bê nguyên niềm vui ấy vào cuốn tiểu thuyết dự tính sẽ dày ngàn lẻ một trang.
Cô hầu bàn sau khi thu dọn chén bát đã liền tay bê ra 6 dĩa nhỏ.
D: Ngộ hén. Hình như mấy bác đây chẳng có ai gọi thức này cả.
A: Món gì thế?
Cô phục vụ: Dạ món chuối chiên ạ, dùng để tráng miệng ạ. Các bác xơi đi ạ.
Ngay ngắn trước mặt sáu bác là 6 cái đĩa nhỏ đựng một vật thể co quắp như khúc dồi chịu già lửa nằm bên trên, có rưới nước đường làm ướt đẫm cái món bèo nhèo ấy. Trái chuối cho dù đã bóc lấy vỏ đi thì hình thể bên trong nó trông đường bệ phương phi lắm kìa, có đâu như thứ bị kêu là chuối chiên này, nhìn mà bủn rủn tứ chi. Mẹ già như chuối chín cây thì cha già tựa khúc chuối chiên vậy!
Cô cháu ngoan mang thêm cho mỗi bác một cái nĩa, cô sửa giọng:
Bọn cháu chiêu đãi riêng thức này, không tính tiền vì hôm nay rơi vào ngày Phụ Nữ ạ.
Chủ xị nắm lấy tay cô con gái: Cháu đã thành phụ nữ chưa? Đừng dại khờ vội đánh mất tuổi xuân cháu nhé. Cháu cho bác xin một cái hoá đơn để thanh toán bữa nay.

Hồ Đình Nghiêm
20.10.2018