Tiệm làm tóc bình dân
Sài Gòn có đến hàng ngàn tiệm bình dân cắt uốn tóc làm móng
tay chân, phần lớn nằm trên những con đường nhỏ hay trong hẻm.
Hồi những năm 1990 tôi hay đến một tiệm làm tóc trên đường Mạc
Đĩnh Chi quận Một. Tiệm là một gian phòng nhỏ khoảng 6 mét vuông cơi nới từ tường
rào của một công sở, cao hơn vỉa hè đến gần 1 mét nên có hai bậc thang gỗ gá tạm,
khi nào mấy anh quản lý đô thị của phường buồn buồn đi ngang thì vội vàng kéo
vào, nếu không thì bị phạt vì “lấn chiếm vỉa hè”! Hai ghế ngồi cắt tóc làm
móng, một ghế nằm gội đầu, vài dụng cụ uốn tóc… tất cả xếp đặt gọn gàng hợp lý
trong không giản nhỏ xíu. Trên tường một tấm gương lớn và mấy tấm hình các kiểu
tóc của phụ nữ. Tiệm chỉ có cô chủ cũng là thợ chính và một cô thợ phụ. Cô chủ
từ Long Khánh lên Sài Gòn vài năm, tính tình vui vẻ, làm tóc kỹ càng nên tiệm
lúc nào cũng đông khách là nhân viên các công sở xung quanh. Có bữa buổi trưa
ghé ngồi chờ hết giờ nghỉ cũng chưa tới lượt vậy mà ai cũng vui vẻ nói “thôi
mai chị ghé”, “chiều cuối giờ em ghé nha”. Sau hơn 20 năm bây giờ cô chủ đã có
một tiệm lớn đàng hoàng ở mặt tiền một con đường gần đó, có dịch vụ matxa, chăm
sóc da mặt, thợ làm công có đến hơn chục người. Khách đến tiệm nhiều người thuộc
tầng lớp thượng lưu xe hơi đưa đón và cả khách quen cũ vẫn xe máy “cà tàng”, tất
nhiên giá cả không còn bình dân nữa nhưng ai cũng hài lòng vì chất lượng và
thái độ thân tình vui vẻ.
Trên đường Trần Quốc Thảo quận Ba bên cạnh quán cà phê có
giàn bông giấy lớn che mát cả một khoảng vỉa hè, trước đây có tiệm làm tóc của
một chị tuổi trung niên nói giọng Bắc ngọt ngào. Tiệm có hai cháu gái miền Tây
phụ việc nói năng rổn rảng thiệt thà, xưng hô với khách một điều thưa dì hai điều
thưa cô, khách khó tính cũng phải mềm lòng. Chị chủ mướn nhà mở tiệm đã lâu,
tuy ở mặt tiền con đường nhiều biệt thự nhưng giá cả bình dân nên nhiều khách
vãng lai ghé lại rồi trở thành khách quen. Chị chủ truyền nghề cho hai người
con: cô con gái học nghề rồi lấy chồng và mở tiệm ở Gò Vấp, còn cậu con trai cắt
tóc rất khéo dù tính thì tưng tưng như chị vẫn “than” với khách, có hứng thì cậu
làm mà không thì bỏ đi bụi đời vài ngày có khi đến vài tháng! Có lúc cậu vướng
vào ma túy phải đi cai nghiện, may sao cai được nhưng cái tật lang thang vẫn không
bỏ. Ba năm trước chủ nhà đòi lại nhà để mở quán ăn (nhưng đã mấy lần thay đổi
mà vẫn vắng teo!), chị phải chuyển về Gò Vấp mở tiệm tại nhà. Xa quá và trái đường
nên tôi chưa ghé quán mới của chị lần nào nhưng tôi luôn tin chị ăn nên làm ra
bởi sự khéo léo và chỉn chu của chị. Không biết cậu con trai đã chí thú làm ăn
chưa hay vẫn bụi đời như trước?
Gần nhà tôi trong một hẻm nhỏ ở Phú Nhuận có một tiệm làm
tóc nhỏ xíu chỉ khoảng 4 mét vuông của hai chị em từ miền Tây lên. Hai cô bé
chân dài thon thả da trắng bóc, giọng nói còn nguyên chất miền quê “con cá gô bỏ
vô gổ nhảy gột goẹt” nghe thương gì đâu! Thỉnh thoảng tôi ghé tiệm vào buổi tối,
có bữa thấy một cậu trai dáng cao lớn chất phác nói giọng miền Trung khi sửa
cái đèn, ổ điện, có bữa lại nấu ăn trong góc bếp giùm hai cô thợ đang có khách.
Năm kia cô chị và cậu trai thành vợ chồng và đã có một bé gái thật xinh. Tiệm
nhỏ vẫn những khách quen lui tới vừa gội đầu vừa nghe con nhỏ khóc gọi mẹ nhưng
chẳng ai phiền mà còn phụ dỗ em bé.
Tính chất dịch vụ của đô thị Sài Gòn không chỉ là cửa tiệm
sang trọng cho giới giàu có mà còn là tiệm nhỏ cho người bình dân. Tiệm nhỏ thợ
“có nghề” và ngoan nên khách quen yên tâm “giao phó” mái tóc cho thợ, quen lạ
gì thì khách cũng cho thợ thêm chút đỉnh ngoài tiền trả cho chủ. Người làm
trong tiệm hầu hết là nhập cư từ miền Tây lên miền Trung miền Bắc vào, líu ríu
giọng địa phương nghe lạ riết thành quen. Làm ăn khá thì mướn tiệm đàng hoàng
hơn chứ không để xập xệ; thợ học nghề rồi thành thợ phụ, may mắn thành thợ
chính nếu muốn thì mở tiệm riêng, khách có chia bớt chủ cũng chẳng phiền hà vì
coi đó là chuyện giúp nhau bình thường.
Mỗi tiệm làm tóc bình dân như thế là một Sài Gòn thu nhỏ vì ở
đó có những người “tứ xứ” nhưng chân tình giúp nhau trong mối quan hệ làm ăn đậm
chất hào sảng của người Sài Gòn.
Xóm đường rầy
Sài Gòn bây giờ còn mấy “xóm đường rầy”?
Hồi ga Sài Gòn nằm ngay trước chợ Bến Thành thì tuyến đường
sắt vắt ngang hơn nửa thành phố. Hai bên đường ray là những xóm lao động, nhà
mái tôn mái lá san sát nhỏ bé và nhếch nhác. Từ đường Lương Hữu Khánh (bây giờ)
xuyên qua khu chợ Vườn Chuối, qua Hòa Hưng, khu Cống bà xếp, qua vùng Phú Nhuận
rồi Bình Thạnh với cầu Bình Lợi ra đến ga Bình Triệu ở Thủ Đức. Cặp theo đường
sắt là con đường nhỏ chỉ vừa một chiếc xe máy, nhà cửa nhô ra thụt vào nhưng “mặt
tiền” vẫn mở hàng quán ăn uống, tiệm sửa xe, nhà may… Người bán người mua là
dân lao động nên giá cả mềm hơn hàng quán bình dân ở nhiều đường hẻm khác dù chất
lượng có khi không thua kém. Còn nhớ quán bò bảy món Ánh Hồng nổi tiếng từ trước
1975 nằm kế đường ray cổng xe lửa đường Nguyễn Minh Chiếu Phú Nhuận (nay là
Nguyễn Trọng Tuyển), mỗi khi xe lửa sắp chạy qua chủ quán liền kêu phục vụ ra cẩn
thận đậy điệm các món ăn cho khách.
Thập nhiên 80, 90 của thế kỷ trước, những chuyến tàu chạy bằng
than nhả hơi nước và khói muội đen sì, lắc lư rầm rập mỗi ngày vài lần chạy
xuyên qua thành phố, ngang qua những xóm đường ray lúc đó còn chưa có hàng rào
sắt ngăn cách đường sắt với dãy nhà hai bên. Trên những con đường cắt ngang khi
xe lửa sắp chạy qua thì có hồi chuông reo và người gác “cổng xe lửa” kéo barie
xuống ngăn dòng xe dừng lại. Còn ở xóm đường ray hễ nghe tiếng còi tàu thét lên
điếc tai thì mọi người mới thu dọn hàng quán sát vô, mấy bà bán rau thịt cá của
cái chợ tạm vài tiếng buổi sáng cũng lật đật ôm thau chậu rổ rá vừa chạy vừa thối
tiền hay đưa vội mớ rau con cá cho người mua; lúc chiều tối khách nhậu đứng lên
bưng cả cáibàn có dĩa mồi ổi cóc xoài khô cá đuối với chai “rượu thuốc” vào bên
lề, chờ xe lửa chạy qua lại đặt bàn ngay trên đường rầy ngồi nhậu tiếp. Nửa đêm
gà gáy xe lửa hú còi đánh thức những giấc ngủ mê mệt sau một ngày vất vả… hỏi
sao xóm đường ray có quá nhiều con nít?
Tuyến đường sắt lúc đó như một bãi rác khổng lồ. Rác và nước
thải từ nhà hai bên đường liệng ra, từ khách đi tàu liệng xuống, từ những hàng
quán bỏ lại… chuột chạy qua lại, thỉnh thoáng có xác mèo chuột bị xe lửa cán chết
gan ruột nát bấy tùm lum, những đoạn vắng nhà cửa hai bên đường sắt là khu WC
cho xóm quanh đấy. Từ trên cao nhìn xuống xóm đường ray như có hai nửa: mặt tiền
đường phố nhà lầu cửa tiệm khang trang, rực rỡ màu sắc và ánh đèn, mặt kia nhìn
ra đường sắt nhà cửa màu xám đèn vàng ảm đạm… Những con hẻm ngoằn ngoèo chạy từ
nơi đèn sáng càng vào trong càng nhỏ dần rồi mất hút, nhà lầu “ráng” quay mặt
ra đường lớn hay hẻm, quay lưng về xóm đường ray. Nhưng đừng thấy vậy mà cho rằng
có sự ngăn cách giữa hai nửa, không đâu, dân trong hẻm hay mặt tiền có thể
không quen biết nhau giáp mặt ít khi chào hỏi nhưng khi có việc cần thì luôn
giúp nhau như thể bà con xóm giềng quen thuộc.
Từ khi ga Sài Gòn dời về Hòa Hưng thì một phần khu vực quận
1, quận 3 đường ray đã thành đường nhựa, mặt tiền nhà cửa khang trang hẳn lên.
Từ Hòa Hưng qua Cống bà Xếp đếnBình Triệu phần lớn đường sắt đã có rào chắn, đường
nhỏ hai bên cũng đổ nhựa hay bê tôngsạch sẽ, nhà cửa vẫn nhỏ bé nhưng sáng sủa
hơn, nhà lầu ngày càng nhiều, đường hẻm nhỏ cũng có người gác chắn, giảm hẳn
tai nạn vì xe lửa trong thành phố. Chưa bao giờ thấy người Sài Gòn chui qua rào
chắn hay la lối người gác cổng xe lửa vì hạ barie khi còn chưa thấy tiếng sình
sịch của đoàn tàu, dù mỗi lần xe lửa chạy qua thì kẹt xe kéo dài cảtrăm mét nhất
là vào giờ cao điểm.
Bây giờ xe lửa loại mới, đầu máy toa xe sáng đẹp, vệ sinh,
tiện nghi đầy đủ, người đi tàu văn minh hơn, đoạn đường sắt ngang qua thành phố
vẫn là đầu mối quan trọng của tuyến đường sắt Bắc – Nam. Lại còn có tàu du lịch
chạy ra ngoại ô, ngày cuối tuần cả nhà kéo nhau đi hóng gió, bọn trẻ háo hức
nhìn phố xá, vườn cây, khu nhà mới, đường xa lộ… Ngồi trên tàu máy lạnh mát rượi
đến ga cuối rồi quay về, thấy hai bên là xóm đường ray khang trang sạch sẽ thì
biết đã vào thành phố.
Hệ thống đường sắt ở bất cứ nơi nào cũng là một phần không
thể thiếu của mạch máu giao thông vận tải, nhất là vận tải công cộng. Vài năm nữa
thôi, nhiều tuyến đường sắt đang xây dựng trên cao (skytrain) hay trong lòng đất
(metro) nối liền thành phố và các đô thị mới xung quanh sẽ được hoàn thành
nhưng không làm xuất hiện thêm những xóm đường ray trên mặt đất nữa… Xóm đường
ray buồn hiu hắt xưa kia sẽ dần đi vào ký ức như những “xóm kênh đen” hôi hám
nay đã lột xác trở nên tươi mát bên dòng kênh xanh.
Buổi sáng ở đường sách
Thỉnh thoảng tôi hay tới Đường Sách vào buổi sáng. Khoảng thời
gian trước 9g nơi đây còn yên tĩnh, những gian hàng đã mở cửa, quán cà phê đã
có người đi làm sớm ghé vô, nắng đang lên hàng me hai bên còn đọng sương lấp
lánh…
Con đường nhỏ nhắn đứng một đầu đường nhìn được tới đầu kia
dù có những pano hình ảnh hay vài kiot nhỏ dựng giữa đường vào dịp lễ lạt. Tôi
thích sự thoáng đãng của đường sách ngày thường, nó đúng là một không gian của
sách, của người đọc và những gặp gỡ thân tình. Ở đó người ta có thể ngồi thưởng
thức cà phê ngon ở những quán sách đẹp, có thể từ tốn ghé vào từng nhà sách, ngắm
nghía, cầm lên đặt xuống từng cuốn sách còn thơm mùi giấy mới, chân bước đi rồi
quay lại luyến tiếc nhìn cuốn sách chưa thể mua, hay hớn hở cầm túi xốp có cuốn
sách dù được người bán cột lại gọn gàng nhưng vừa ra khỏi quầy đã lấy ra xem lướt…
Đúng là tín đồ của “văn hóa đọc” như một thuật ngữ đang thịnh hành.
Sài Gòn xưa có những con đường sách nổi tiếng và quen thuộc
với người Sài Gòn, đa phần là bán sách cũ. Cũ mà không cũ, bởi phần lớn sách ở
đó có giá trị cao, từ sách văn chương sách nghiên cứu đến tạp chí, báo cũ… Có
thể tìm thấy ở đường sách cũ Đặng Thị Nhu, Trần Phú, Trần Huy Liệu, cuối đường
Nguyễn Thị Minh Khai… những cuốn sách xưa quý hiếm, nhiều công trình khoa học
có giá trị, tạp chí nguyên bộ… ngoài sinh viên các trường đại học hay “lùng sục”
thì sau 75 còn có các nhà sưu tầm sách đã may mắn tìm thấy “vàng” ở đó.
Từ những năm 2000 nhiều đường sách “cũ” vẫn còn hoạt động
nhưng hầu như không còn sách “quý”: nhiều nhất là sách truyện trẻ em từng bộ chất
chồng, truyện chưởng, tiểu thuyết diễm tình, truyện vụ án trinh thám… của nhà
xuất bản các tỉnh một thời “nhà nhà xuất bản”. Những năm 1990 còn có sách
“thanh lý” từ các thư viện công, các nhà sách tư nhân mà nhà nước “tiếp quản”,
tài liệu của nhiều công sở mang ra “cân ký” bán như giấy vụn. Nhưng bây giờ thì
chẳng còn, sách quý hiếm lắm vì “người ta đã bán hết rồi, những ai còn giữ lại
tức là họ sẽ không bao giờ bán” – như lời người bạn tôi chuyên sưu tầm sách.
Từ bao giờ người ta mất thói quen tặng cho nhau những cuốn
sách mới, sách hay? Từ thời “bao cấp” khốn khó nhịn mua một cuốn sách để mua được
vài mớ rau, hay khi những cuốn sách in bằng giấy đen ẩm bìa dán hồ chưa kịp xem
đã bị gián nhấm? Từ lúc TV rồi các loại phương tiện nghe nhìn phổ biến hơn, hay
lúc điện thoại thông minh lên ngôi trở thành “cái kho” chứa tất cả của mỗi người,
trừ sách?
Nhớ vậy mới biết thương quý những người đã cố gắng tạo dựng
lại tình yêu và thói quen đọc sách. Việc xây dựng Đường sách là một cố gắng bên
cạnh những Hội Sách hàng năm vẫn có. Đường sách là không gian để thưởng thức chứ
không chỉ để mua bán, như những khu phố sách cũ ở những nước khác. Dạo chơi ngắm
nghía phố sách cũ ta như được đi ngược thời gian trở về quá khứ của thành phố.
Những năm trước có dịp qua Paris tôi luôn đến dãy kiot bênbờ sông Seine. Một
Paris cổ xưa hiện lên cụ thể và đa dạng trên từng quầy sách mà người bán là
tourguide nhiệt tình và hết lòng yêu nghề, họ say mê tất cả những gì họ bán, một
cuốn sách bán đi, một tấm bưu thiếp có người mua, một bức tranh có người chủ mới…
người bán dường như phải chia tay với người bạn thân thiết, họ gửi gắm cho người
mua cả tình yêu của mình đối với Paris, với nước Pháp. Rất đông du khách đến
đây để khi chia tay người ta sẽ nhớ mãi Paris từ nơi bình dị này.
Người yêu sách đều mong muốn Sài Gòn, Hà Nội có nhiều không
gian như vậy.
Khi nào bạn vô Sài Gòn nhớ nhắn tôi nhé, mình sẽ hẹn nhau ở
Đường Sách, “con đường có lá me bay” rất Sài Gònnằm kế bên Nhà Thờ Đức Bà và
Bưu điện thành phố. Đến đó mình cùng cà phê và trò chuyện, ngắm nhìn một Sài
Gòn trẻ trung năng động trên những gương mặt trẻ đang dạo chơi, chụp hình rồi
mua sách, những gia đình cùng đi lựa sách cho con, những người có tuổi nâng niu
từng cuốn sách ở sạp sách cũ… Và sách, rất nhiều sách mới từng ngày xuất hiện ở
các gian hàng, sách in đẹp và giá cũng khá mềm, mua đọc hay tặng đều xứng đáng.
Thương và quý nhau thì tặng sách cho nhau. Tặng nhau kho tàng tri thức, tặng
nhau tình cảm không lời qua cuốn sách thì làm sao không quý…Chúng mình cùng
tham gia những buổi giới thiệu sách mới và giao lưu với tác giả thường xuyên được
tổ chức ở đây. Người hâm mộ tác giả và người yêu sách đứng ngồi kín cả một đoạn
đường…
Còn đó tình yêu dành cho sách, chung thủy và sâu lắng trong
một góc nhỏ trongtâm hồnngười Sài Gòn, không dễ mất đi trước những phù phiếm bởi
truyền thông đa phương tiện đang len lỏi vào từng giây phút rảnh rỗi của mỗi
người.
Nguyễn
Thị Hậu