17 November 2018

NỖI BUỒN ĐANG ĐỢI - Ý Ngôn


Tôi gặp Thu Cúc lần đầu tại một bến đò nhỏ vùng quê quận Vũng Liêm tỉnh Trà Vinh, lúc chờ người dẫn đường xuống tàu vượt biên. Nàng mặc một bộ đồ đen, đội nón lá, làn da trắng mịn, đôi bàn tay thon nhỏ không chút trầy trụa. Mái tóc đen dài óng mượt tạo ngay sự chú ý đầu tiên của tôi, và tôi tự hỏi thầm người đẹp đi đâu đây.

Thật tình cờ, nàng cũng đi vượt biên chung một chuyến tàu với tôi. Lúc xuống tàu, buổi tối không trăng, tối thui tôi không nhận ra ai là ai. Vã lại lúc ấy rất lộn xộn và hồi hộp. Lúc mặt trời lên cao tàu ra được hải phận quốc tế, mọi người vui vẻ vì đi thoát. Tôi nhận ra con nhỏ mặc áo đen đang ngồi cạnh mình. Người ta không nói gì cả. Tôi cũng không biết mở lời làm quen như thế nào. Chỉ cười mĩm xã giao.

Ngày thứ hai trên biển, tôi bắt đầu ói mửa, Thu Cúc cũng vậy. Hai đứa thi nhau ói liên miên. Uống nước vô bao nhiêu, ói ra bấy nhiêu. Biển động. Con tàu chồng chềnh trong mưa bão. Tôi nghĩ tàu sắp chìm. Tôi nói với cô nàng, nếu rủi tàu có chìm, nhớ ôm lấy thùng chứa nước làm phao hoặc là cố ôm lấy mấy mãnh ván vỡ.

Nàng không nói gì cả. Hầu như mấy ngày trên biển chúng tôi không nói gì cả. Có lẽ mọi người đang cầu nguyện.

Mấy ngày không ăn, ói mửa liên miên người tôi mệt đừ, chỉ thèm uống nước. Một gia đình nằm cạnh bên chuẩn bị thật chu đáo. Họ đem đầy đủ lương khô. Bánh ít, bánh tét, thịt chà bông và cả cam, quýt. Lúc họ ăn, mùi quýt thơm thơm tôi thèm lắm. Thu Cúc cũng thèm như tôi, nhìn gương mặt của nó thấy tội tội. Nhưng hai đứa cố nhịn, không dám xin mà cũng không dám ăn cắp.
Đi được năm ngày thì tàu đến một vùng biển thật êm. Nước biển phẳng lặng trong xanh. Một vài con cá heo bơi theo đùa giỡn.  Thu Cúc mừng rỡ, không còn nằm một chỗ như trước, rủ tôi lên khoang thuyền ngắm biển. Cô nàng bảo tôi đưa bàn tay cho nàng xem, coi có đường chỉ xuất ngoại hay không. Người ta cũng tin vào bói toán hay sao?
Một vài hòn đảo mờ mờ hiện lên từ đàng xa. Con tàu tiến về hướng đó. Hỏi thăm ngư dân trên những con thuyền đánh cá gần đó, được biết đây là những hòn đảo nhỏ thuộc Indonesia. Sau đó chúng tôi được một tàu của cảnh sát hướng dẫn vào bờ. Chúng tôi được đưa lên trạm y tế, được cho ăn uống.
Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là người dân ở đây rất tử tế. Họ ăn mặc lịch sự, dù nơi đây chỉ là một thị trấn nhỏ trên một hòn đảo nhỏ của xứ sở  ngàn đảo này.
Sau đó chúng tôi được đưa sang đảo Kuku, tại đây có một trại tỵ nạn do Liên Hiệp Quốc thiết lập, chỉ là một trại tạm trú ngắn hạn, nhà cửa ọp ẹp thô sơ.
Thu Cúc đi vượt biên một mình, tôi cũng đi một mình. Hai đứa kết bạn, nương tựa lẫn nhau trong những ngày bơ vơ nơi xứ lạ quê người.
Những ngày ở trại tỵ nạn thật nhàn nhã. Chỉ biết ăn và nằm chờ. Chờ được chuyển trại, chờ gặp phái đoàn phỏng vấn. Chờ được đi định cư tại một quốc gia thiên đàng nào đó.
Tôi cố gắng học tiếng Anh mà sao lười quá. Mỗi lần cầm quyển vở là nghe cái giọng oang oang của con nhỏ nhà kề bên, “Học ngoại ngữ là học từ từ. Đừng ôm đồm nhiều quá mà chẳng nắm được gì. Học chữ nào là phải cho chắc chữ đó”. Không biết trình độ tiếng Anh của con nhỏ này tới đâu, nghe cái giọng của nó, cứ y như là giáo viên hội Việt Mỹ. Một hôm tôi nhìn trộm xem mặt mũi người ta ra sao, người ta coi cũng được đến. Thêm cái kính cận, chắc là sinh viên đại học.
Chẳng mấy chốc chúng tôi quen nhau. Cô nàng tự giới thiệu. Tui tên Mộng Ngọc, đi vượt biên một mình. Hai thằng em trai đi trước, hiện ở Úc. Nhà tui ở đường Cống Quỳnh, gần rạp hát Khải Hoàn. Đang học dở đang đại học Kinh Tế, bỏ học đi vượt biên.
Thu Cúc cũng rất thiệt tình. Nhà em ở đường Phan Đình Phùng, đi vượt biên một mình. Tình cờ gặp chị Kim Anh ở dưới tàu cũng một mình. Hai đứa kết bạn ở chung nhà, hủ hỉ có nhau.
Người ta dân Saigon, tôi dân miền Tây, không hiểu sao lúc ấy tôi nói dối cũng là dân Saigon như ai, tôi nói nhà tôi ở đường Trần Quốc Toản, gần viện Hoá Đạo.
Tôi nghĩ, gần gũi lâu ngày, trước sau gì tụi nó cũng biết mình xạo. Sau này có lần Mộng Ngọc nói Kim Anh bề ngoài có vẻ… lù đù. Lù đù vác lu chạy.
Ở trại suốt ngày rãnh rỗi, chẳng biết làm gì, chúng tôi thường rủ nhau đi hái rau lang, rau muống. Những người đến trước, họ trồng bỏ lại, giờ không ai săn sóc, mọc hoang. Ai muốn ăn cứ việc hái.
Buổi tối, chúng tôi thường nấu chè đậu xanh. Nếu không thì rủ nhau ra biển ngắm sao và cùng nhau kể chuyện ngày xưa.
Và tình thân ngày càng thắm thiết.
Ở trại Kuku được một tháng thì chúng tôi được chuyển sang trại Pulau Galang, Indonesia. Đây là trại chính thức của Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hợp Quốc. Nơi đây nhà cửa khang trang. Hàng tháng đều có phái đoàn các nước đến phỏng vấn người vượt biên.
Tôi và Thu Cúc ở chung một barrack. Mỗi đứa có một cái mùng, nhưng tôi thích ngủ chung với nó hơn. Đêm đêm nằm cạnh nàng, cảm thấy ấm áp. Và một thứ tình cảm nhẹ nhàng đang dâng lên tự hồi nào.
Lúc ở dưới tàu, Thu Cúc có van vái Trời Phật, nếu đến được nơi an toàn, nàng sẽ ăn chay một tháng. Chiều chiều nàng thường lên chùa lạy Phật. Chùa cất trên một ngọn đồi nhỏ. Từ trên đồi nhìn xuống là cảnh toàn trại xa xa phía dưới. Nàng có một đôi dép cao su, mang theo từ Việt Nam. Một hôm vào Chùa lạy Phật, dép bỏ ngoài cửa, lúc trở ra, đôi dép không cánh mà bay.
Cả hai đứa đều không có tiền, tôi bấm bụng hỏi thằng Hiền. Tôi nói nửa đùa nửa thật. Hiền mua cho Thu Cúc đôi dép. Nó mua ngay lập tức. Và từ đó tiến xa hơn một bước. Cứ sáng sáng là mua cho tôi và Thu Cúc, khi thì xôi khi thì bánh mì thịt nguội. Nó đi mua đem về để trên bàn, không nói gì cả. Tự ngầm hiểu với nhau.
Hiền trạc bằng tuổi tôi, ở cùng barrack . Nó thương tôi từ hồi nào không biết. Lâu lâu bắt gặp ánh mắt nhìn trộm đắm đuối. Nó tên Hiền mà cũng hiền thật. Chỉ lẩn quẩn bên cạnh, nói chuyện mưa nắng bâng quơ, chứ chẳng dám mở lời. Buổi tối nó thường nằm võng gần đó, nhìn trộm sang mấy đứa con gái…một cách thầm lặng.
Một hôm Thu Cúc và Mộng Ngọc lên phòng xã hội lượm quần áo cũ về sửa lại. Tối nào hai bà cũng diện đầm đi ngủ. Tôi chọc quê, trông hai bồ chẳng khác chi hai cô đầm hái nho.
Mộng Ngọc xí dài, ta mà đầm hái nho. Ta đây vốn thuộc giòng quý tộc.
Một giọng cười nhẹ. Tôi nhìn sang, thằng Hiền bối rối …đứng dậy bước ra ngoài.
Gần chỗ tôi nằm, có hai mẹ con. Người mẹ khoảng bốn mươi, đứa con trai chừng năm sáu tuổi. Không nghe nhắc tới ông chồng, mà cũng không ai thắc mắc. Không biết chị tên thật là gì, chỉ nghe mọi người gọi chị là chị Hai. Chị Hai biết thằng Hiền thương tôi, chắc thấy nó tội nghiệp. Chị nói Hiền hết người thương, đi thương cô Kim Anh. Mộng Ngọc trề môi nói cái bà nhiều chuyện. Chắc bả cũng hết người thương đi thương ông già.
Tôi không ngờ Mộng Ngọc cũng biết chuyện nầy. Chuyện chị Hai cặp bồ với chú Tám ở barrack kế bên. Chắc chú cũng khoảng năm mươi ngoài vì tóc đã có sợi bạc lấm tấm. Chú ở trại một mình. Không biết vợ con chú ở Việt Nam hay ở đâu. Tối tối hai người thường dẫn nhau đi coi tivi công cộng.
Tưởng là mối tình già chỉ có bao nhiêu đó. Tưởng là hai người chỉ lẩn quẩn quanh mấy cái tivi. Nào ngờ, thật có hơi bất ngờ. Một hôm chị Hai nhờ tôi đi với chị lên bệnh xá. Chị ngại nói tiếng Anh, có gì khó nhờ tôi nói dùm.
Tiếng Anh của tôi cũng thuộc loại “good morning, how are you”.  Nhưng chị nhờ thì đi theo cho vui. Lúc gặp ông bác sĩ người Indo , chị Hai thú thật chị muốn khám xem có bầu hay không.
Cả chị và tôi không biết có bầu tiếng Anh là chữ gì. Tôi chỉ vào cái áo đỏ của chị Hai, nói với ông bác sĩ. Hàng tháng chị ta có cái này, giờ không có chị rất lo âu. Ông bác sĩ lắng nghe tôi nói, chắc ổng tưởng chị Hai mất cái áo đỏ, ông nói ở đây không cấp phát quần áo. Hai cô thử đến phòng xã hội xem sao.
Chị Hai chỉ vào bụng nói baby baby. Ông bác sĩ bật cười dẫn vào phòng vệ sinh gần bên, đưa cái ly giấy và nói điều gì cả chị Hai và tôi đều không hiểu. Sau cùng ông ta giả bộ đi tiểu và hứng nước tiểu vào cái ly.
Tôi bước ra ngoài ôm bụng cười rũ rượi. Tài thông dịch của tôi thật không ai bằng.
Chờ khoảng mười phút ông bác sĩ bước ra báo tin mừng. Chị Hai đã mang bầu. Nghe tin vui mà chị rơi nước mắt.
Dầu vậy, trên đường trở về nhà, lúc đi ngang nhà lồng chợ, chị Hai đãi tôi một tô hủ tiếu. Lâu ngày được ăn hủ tiếu Nam vang, thiệt là ngon. Nhớ đến cái vụ thông dịch, tôi cứ cười hoài. Tôi nói về nhà kể cho Thu Cúc và Mộng Ngọc nghe, chắc tụi nó cười lộn ruột.
Chị Hai hốt hoảng, đừng, đừng cho ai biết cái vụ này. Cô giữ kín dùm tui. Chị bắt đầu khóc. Tôi thật bối rối, tìm cách an ủi. Lỡ rồi, lo làm chi chị ơi. Trời sanh voi sanh cỏ.
Chị Hai chùi nước mắt. Lúc đi ngang hàng trái cây, mua mấy trái xoài cho Thu Cúc và Mộng Ngọc. Có ba người đàn ông ngồi gần đó buông lời chọc ghẹo. Hai cô ơi, ăn xoài ngon quá cho tui ăn với. Tôi làm bộ chanh chua, cho mấy ông cái hột. Một người trong bọn họ nói, tui có hai hột, cô cho một hột nữa là ba.
Hai chị em bấm bụng cười, mau mau bước về nhà.
Sống ở trại tỵ nạn, có nhiều chuyện rất vui. Trong barrack có thằng Thọ là hay phá nhất. Một hôm nó chọc ông Thành, ông Thành  làm trên phòng Thông tin, ban đại diện trại. Hằng đêm, trước giờ cúp điện ông đọc bản tin thời sự và sau đó thỉnh thoảng đọc tin tìm thân nhân. Nhằm mục đích giúp đồng bào tìm người thân đang lang thang khắp bốn phương trời. Nó viết mãnh giấy nhờ người đưa cho ông:
“Con là Trần văn Tám, muốn tìm cha là Trần văn Ỏn, mẹ là bà Trần thị Xía”. Ông Thành vô tình đọc oang oang trên loa phóng thanh. “Con là Trần văn Tám, muốn tìm cha Ỏn, mẹ Xía. Cha Ỏn, mẹ Xía”.
Sau đó biết là bị phá, về barrack ông vẫn còn nổi nóng nói người Việt mình thật là đùa giỡn vô ý thức. Cả đám cười vang làm ông thêm tức tối mà không nói được.
Thường thường mỗi chúa nhật chúng tôi dẫn nhau ra chơi ngoài bãi biển trại Galang. Biển rất đẹp và sạch. Tôi ít khi tắm, chỉ đi loanh quanh dọc mé biển lượm vỏ sò vỏ ốc hoặc ngồi dưới mấy gốc cây đàn hát. Tôi hát không hay nhưng cũng góp vui. Hiền biết ngâm thơ và hát rất hay. Nó hay hát bài Hoa Sứ Nhà Nàng. “Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng. Dịu dàng ngày đó gọi tên….hương nồng hoa tình ái”…
Thời gian trôi qua, cái gì tới cũng tới. Mộng Ngọc rời trại sang Singapore trước, chờ đi Úc. Sau đó đến lượt Thu Cúc, lúc tiễn cô nàng ở bến tàu trại Galang, lòng tôi buồn lắm. Bởi cuộc đời tôi luôn là kẻ đi tiễn người khác.
Sau đó hai ngày tôi có tên trong danh sách đi định cư. Tôi tới trại ở Singapore Thu Cúc và Mộng Ngọc vẫn còn ở đó. Hai nàng đón tôi ở cổng trại. Tôi không được khỏe lắm. Thu Cúc có được hai chục đô của người quen cho. Thấy tôi bệnh, mua một trái táo và một lon coca.
Thu Cúc kể, hồi ở Việt Nam, mình có một người chị bà con. Bồ của chị là người Mỹ. Ông Mỹ này ở trong một chung cư trên đường Nguyễn Huệ . Có một lần, chị dẫn mình lên phòng ông ta chơi. Ông Mỹ này làm gì không biết, dân sự chớ không phải quân sự. Ông nói tiếng Việt giỏi lắm. Ông dạy chị chẻ trái táo làm sao để thấy hình ngôi sao trong đó.
Tôi hỏi ổng có dạy chẻ cách nào để thấy hình trái tim không. Thu Cúc trợn mắt trề môi. Không. Chỉ thấy hình ngôi sao thôi.
Thu Cúc chẻ trái táo làm đôi theo chiều ngang, đưa tôi xem. “Bồ có thấy hình ngôi sao không?”
Tôi giả bộ ngớ ngẩn. “Nó giống hình trái tim”. Cầm nửa trái táo đưa Thu Cúc. “Đây trái tim chẻ làm đôi. Bồ một nửa, tui một nửa”.
Thu Cúc có tên đi trước, tôi đi chuyến sau. Lúc leo lên xe bus ra phi trường, biết tôi buồn, cô nàng an ủi, mai mốt qua Mỹ gặp lại, có gì mà buồn dữ vậy.
Tôi lặng thinh không nói. Lúc chiếc xe bus cuối cùng rời khỏi trại, tôi vẫn còn đứng lặng yên dưới gốc cây. Tôi không muốn trở về phòng.
Có một nỗi buồn nào đang chờ tôi ở đó.

Ý Ngôn