Hiện nay, số người Việt sinh sống ở hải ngoại cũng khá đông
– có đến 4 triệu người (?), có nhiều gia đình đã có 2-3 thế hệ sống bên ngoài
Việt Nam. Vấn đề là các thế hệ trẻ ở hải ngoại rất lúng túng trong cách xưng hô
khi phải cố gắng dùng tiếng Việt trong các giao tiếp gia đình và xã hội.
Nếu đã nói tiếng Việt trôi chảy, chúng ta thấy ngay trong cách xưng hô tiếng Việt,
chẳng hạn qua sự đối thoại trò chuyện giữa hai người, chúng ta có thể biết qua
mối quan hệ, sự tôn trọng, thái độ, giới tính và tình cảm giữa họ; trong khi
trong Anh ngữ, sự hiểu biết về các tương quan như vậy rất khó mà biết ngay được!
Bài sưu tập nhỏ này có hai mục đích:
- Nêu
lên vài cách xưng hô cần thiết, đã được chấp nhận và dùng rộng rãi bởi số
đông.
- Người
viết mạo muội đề nghị một vài phương cách đơn giản hóa và dân chủ hóa sự
xưng hô với mục đích giảm thiểu sự lầm lẫn, khinh miệt vô cớ…
Người viết, ở tuổi 68, trông cậy vào sự chỉ giáo và sửa sai
của các độc giả uyên bác về vấn đề “văn hóa” nặng ký này.
*
* *
Gần đây, trong một buổi họp báo tại thành phố Westminster, Orange County,
California của ông Tạ Đức Trí, đương kim Thị trưởng Mỹ gốc Việt, 44 tuổi sinh
năm 1973 (?), có một ông người Việt trung niên muốn nêu lên một câu hỏi và gọi
ông Tạ Đức Trí là “Anh Thị Trưởng (?)” Dù là vô tình hay cố ý, đây là một sự
xưng hô cẩu thả rất đáng trách; nhất là khi chúng ta luôn miệng nói rằng Việt cộng
(vi-xi) là “vô văn hóa / kém văn hóa, v.v…” Theo tôi, ông Tạ Đức Trí là một người
đáng kính, với chức vụ thị trưởng dân cử của một thành phố khá lớn (Thành phố
Westminster có 92,000 dân, trong đó 47.5% là gốc Á châu), không thể “được” một
công dân thành phố gọi là “Anh” – ngoại trừ em của ông Trí có thể làm như vậy
thôi…
Tương tự, chúng ta không thể đứng ngay giữa công đường (không phải bàn nhậu) mà
gọi “Anh Tổng thống này” hay “Anh Thống đốc nọ…” nghe chẳng những rất kỳ cục mà
còn chứng tỏ người nói có một tư cách thiếu hẳn giáo dục tối thiểu. Nên biết
vi-xi thường gọi “Thằng Diệm,” “Thằng Thiệu,” “Thằng Kỳ,” “Thằng Ních-xơn,” “Thằng
Dơn-sơn…” đồng thời vi-xi gọi “Bác Hồ,” “Bác Tôn,” “Bác Mao…” Nhưng bây giờ, vì
gió đã đổi chiều, vi-xi lại quay đầu 180 độ khúm núm trơ trẽn gọi ông Ted Osius
dù chỉ là Đại sứ Hoa kỳ ở Việt Nam là “Ngài Đại sứ?!” (Người viết xin nhắc là
“Ngài Đại sứ” còn bé / rất nhỏ bé so với “Thằng Tổng Thống” đấy các “bác vi-xi”
à!)
Một vài thí dụ nho nhỏ được nêu ra ở trên để cho chúng ta thấy vấn đề xưng hô bằng
tiếng Việt hôm nay cần phải được nhắc nhở sao cho đúng cách, không thể gọi tùy
hứng bừa bãi; cũng có nghĩa là xưng hô vừa phải không cao quá đáng kịch cỡm; mà
cũng không quá thấp đến mức độ thiếu giáo dục.
Đây là cả vấn đề văn hóa Việt chứ không riêng cho tiếng Việt. Đã đề cập đến văn
hóa thì rất tinh tế. Xưng hô cho đúng không phải là chuyện dễ dàng, không cần học
hỏi, bởi vì tiếng Việt dùng nhiều danh từ (nouns) khác nhau tùy theo quan hệ
quen biết, tuổi tác, chức vụ, nghề nghiệp, tôn giáo, và tình trạng hôn nhân để
gọi nhau thay vì chỉ dùng một số “đại danh từ” (pronouns) như trong tiếng Anh
(You/me – Mày / Tao; Bạn / Tôi) và tương tự trong tiếng Pháp (Je/moi/tu/toi)…
Ngoài ra, trong văn viết, đơn từ, thư tín , v.v… vấn đề xưng hô còn phức tạp
hơn nhiều; không thể nói hết ra ở bài viết ngắn này.
Tôi đã đọc qua nhiều bài khảo cứu khá công phu của nhiều học giả khác nhau về vấn
đề xưng hô. Tôi xin phép được trích ra từ một số tài liệu đã có sẵn rồi thu gọn
lại cộng với một ít kinh nghiệm bản thân để đem đến cùng quý vị quan tâm suy gẫm,
khuyên bảo nếu cần.
I- Danh xưng và cách xưng hô trong gia đình Việt nam
Khi nói chuyện với người lớn tuổi hơn mình, tốt hơn là phải luôn luôn dùng cách
“thưa gửi” và “gọi dạ bảo vâng” chứ không bao giờ nói trống không với người
trên, lớn tuổi, cao cấp hơn. Người Việt chúng ta thường dùng tiếng “thưa” trước
khi xưng hô với người ở vai trên mình, chẳng hạn như: “Thưa mẹ con đi học…” Đồng
thời khi trả lời hoặc thưa điều gì với người lớn hơn mình bắt đều với chữ “Dạ,
Vâng, Ạ” ” để tỏ vẻ kính trọng và lễ phép. Thí dụ: “Chào Cô ạ!” “Vâng ạ!”
Trong cách xưng hô với người ở vai trên, chúng ta tránh không gọi tên tục (tên
cha mẹ đặt cho) của ông bà, cha mẹ, cô cậu, dì dượng, và chú bác. Chúng ta chỉ
xưng hô bằng danh xưng ngôi thứ trong gia đình mà thôi. Chẳng hạn, ta chỉ nói
đơn giản là: “Mời Chú ăn cơm…” mà không gọi tên tục của Chú ra trong lời mời.
Trong cách xưng hô với anh chị em, chúng ta có thể dùng chữ Anh, Chị hay Em trước
tên hay ngôi thứ. Thí dụ: “Anh Tuấn đi vắng…”, v.v… Các em nhỏ không được phép
gọi anh chị bằng tên trống không. Tuy nhiên, anh chị có thể gọi các em bằng tên
trống không hoặc tên có thêm chữ ngôi thứ vào. Thí dụ “Em An đi lấy cho anh cây
viết” hay “An lấy cho anh cây viết” đều được cả.
Những người con trong gia đình gọi nhau bằng “mày” và xưng “tao” là do lỗi của
bố mẹ không dạy bảo các con ngay từ khi chúng còn nhỏ. Các con gọi nhau bằng
mày xưng tao mãi rồi thành thói quen. Khi đã thành thói quen thì chúng không thể
đổi cách xưng hô cho đúng phép được.
Cha mẹ nên dạy con cái về cách xưng hô ngay từ khi con trẻ còn nhỏ. Muốn chúng
chào ai, cha mẹ phải nói cho chúng biết cách chào và bắt chúng lặp lại nhiều lần
khi bắt đầu.
A- Bậc trên cấp cha mẹ
Người sinh ra ta được gọi là Cha Mẹ. Cha mẹ của Cha mẹ, Cô, Dì, Chú, và Bác của
chúng ta được gọi là Ông Bà. Cha mẹ của Ông bà được gọi là Cụ. Cha mẹ của Cụ được
gọi là Kỵ. Các Ông cha đời trước nữa được gọi là Tổ Tiên. Cha Mẹ sinh ra Các
Con.
– Bậc bề trên trên cha mẹ nói chung: Ông bà tổ tiên.
– Theo thứ tự thời gian: Ông-Bà-Cố-Tổ, Tằng tổ, Cao tổ.
– Cha mẹ của Cha hoặc của Mẹ: Ông, Bà (nội hoặc ngoại).
Xưng hô với các bậc trên cấp Cha Mẹ này thì dùng chữ Cháu.
Ở ngôi thứ ba, tương quan với bậc từ Cố trở lên thì gọi là Chắt.
Ở một vài tỉnh miền Trung Ông Bà còn được gọi là “Ông Mệ.”
B- Cha Mẹ, Con Cái, Anh Chị Em, Vợ Chồng
1) Cha mẹ ruột
Cha mẹ ruột được gọi rộng rãi qua nhiều danh từ như:
Bố mẹ, Cha mẹ, Ba má, Tía Má, Thầy U, Song thân…
Trong trò chuyện thân mật ở ngôi thứ ba thì gọi là “Ông Bà già tôi,” Các Cụ
chúng tôi, Ông Bà Nội các cháu (hoặc Ông Bà Ngoại các cháu), v.v…
– Cha: Cả ba miền Bắc Trung Nam đều gọi là Cha, Ba. Trong văn chương và ngôi thứ
ba còn gọi là Thân phụ, ông Cụ Thân sinh… trong trò chuyện thân mật ở ngôi thứ
ba thì gọi là “Ông già”; Bắc: Bố, Thầy, Cậu. Ngôi thứ ba thì gọi “Ông Cụ nhà tôi”;
Nam: Tía; Trung: một vài nơi gọi Cha bằng Chú.
– Mẹ: Cả ba miền gọi là Mẹ. Trong văn chương và ngôi thứ ba còn gọi là Thân mẫu,
Bà Cụ Thân sinh, Bà Cụ chúng tôi… “Bà già”; Bắc: Me, Mẹ, Mợ , U, Bu, Đẻ, Cái;
Nam: Má; Vú, Bầm; Trung: Mạ, Mệ.
Trước đây trong chế độ đa thê, người con ruột gọi mẹ mình bằng Chị (?) nhưng gọi
bà vợ chính của cha mình bằng Mẹ.
– Cha mẹ gọi con ruột mình là Con. Nhưng người Bắc thường xưng hô với con trai
và con gái đã lớn tuổi, hay có gia đình rồi, của mình bằng Anh và Chị.
2) Cha kế / Mẹ kế
– Chồng của Mẹ (mà không phải cha ruột mình) gọi là Dượng; người Trung còn gọi
là Trượng.
– Vợ của Cha (mà không phải mẹ ruột mình) gọi là Dì (ghẻ); Nếu là vợ chính của
cha, trong chế độ gia đình xưa thì gọi là Mẹ.
3) Cha mẹ vợ
Cha mẹ vợ gồm có: Ông Bà Nhạc, Ông Nhạc, Bà Nhạc, Cha Mẹ vợ, Cha vợ, và Mẹ vợ,
v.v…
Tiếng gọi Cha Vợ khi nói chuyện với bạn bè thân gồm có: Nhạc Phụ, Nhạc Gia, Bố
Vợ, Ông Nhạc, Ông Ngoại các cháu, v.v…
Tiếng gọi Mẹ Vợ khi nói chuyện với bạn bè gồm có: Bà Nhạc, Bà Ngoại các cháu,
Nhạc mẫu, v.v…
4) Anh chị em ruột
– Anh: Cả ba miền đều gọi Anh. Trong văn chương ở ngôi thứ ba là Bào huynh.
Trung: một vài nơi gọi là “Eng” (?).
Người anh đầu lòng người Bắc gọi là Anh Cả, người Nam gọi là Anh Hai.
– Chị: Cả ba miền gọi là Chị.
Trung: một vài vùng gọi là Ả.
– Em trai, Em gái: Cả ba miền gọi là Em. Trong văn chương gọi là bào đệ, bào muội.
Trung: Út. Nếu người Trung gọi em là Út, thì chữ Út nầy được người Nam và người
Bắc hiểu là người em cuối trong gia đình. Người Trung dùng chữ “Tui” (là chữ
Tôi nhưng âm hưởng là Em) để xưng hô với anh chị mình.
5) Anh chị con cháu qua hôn phối (in-laws)
– Chồng Chị và Chồng Em gái gọi là Anh Rể và Em Rể. Vợ anh và Vợ em trai gọi là
Chị Dâu và Em Dâu.
– Vợ con trai mình gọi là Con Dâu, chồng con gái mình gọi là Con Rể.
– Cha, mẹ, anh, chị, em (của) chồng gọi là Cha chồng, Mẹ chồng, Chị chồng, Anh
chồng, Em chồng. Cha, mẹ, anh, chị, em (của) vợ gọi là Cha Vợ, Mẹ Vợ, Anh Vợ,
Chị Vợ, Em Vợ.
Khi xưng hô với nhau giữa hai người thì các chữ Rể, Dâu, Chồng, Vợ sẽ mất đi
(Ví dụ Con Dâu nói với Mẹ Chồng: ” Con xin phép Mẹ”; hoặc Cha Vợ với con Rể:
“Cha nhờ con việc nầy”) – Khi nói với người thứ ba thì thêm “Rể… tôi”: Con Rể
tôi, Con Dâu tôi, Cha Chồng (vợ) tôi, Mẹ Chồng (vợ) tôi.
6) Vợ chồng
Tình vợ chồng người Việt rất đằm thắm, chân tình. Họ đối đãi với nhau rất lịch
sự và tương kính.
Tiếng xưng hô của Chồng với Vợ trong gia đình gồm có: Em, Cưng, Mình, Bu nó, Má
mày, Má nó, Má thằng cu, Mẹ nó, Bà, Bà nó, Mợ, Mợ nó, Mình, Bậu, v.v…
Tiếng Chồng gọi Vợ trong khi nói chuyện với người khác gồm có: Nhà tôi, Bà nhà
tôi, Má tụi nhỏ, Má sắp nhỏ, Má bày trẻ, Tiện nội, Nội tướng tôi, Bà xã, Bà xã
tôi, Vợ tôi, v.v…
Tiếng xưng hô của Vợ với Chồng trong gia đình gồm có: Anh, Cưng, Anh nó, Ba, Ba
nó, Bố, Bố nó, Bố mày, Bố thằng cu, Ông xã, Cậu, Cậu nó, Ông, Ông nó, Mình,
v.v…
Tiếng Vợ gọi Chồng trong khi nói chuyện với người khác gồm: Nhà tôi, Ông nhà
tôi, Ba tụi nhỏ, Ba sắp nhỏ, Phu quân tôi, Ông Xã, Ông Xã tôi, Ông Chồng tôi,
Anh ấy, v.v…
Tại một vài nơi ở miền Trung người ta gọi Cha hoặc Mạ và thêm tên đứa con đầu:
chẳng hạn đứa con đầu tên Long thì vợ gọi chồng là “Cha thằng Long”; chồng gọi
vợ là “Mạ thằng Long”; và người ngoài xung hô là “ông Long,” “Mụ Long” chứ
không gọi tên thật (còn gọi là tên tục).
Những cặp vợ chồng đứng đắn, có giáo dục không bao giờ gọi nhau bằng “Mày,” “Thằng
đó,” “Con đó” và xưng “Tao.” Họ tìm những lời lẽ dịu dàng đầy tình cảm yêu
thương để gọi nhau. Chính vì thế mà tiếng xưng hô giữa vợ chồng người Việt có rất
nhiều, hơn xa tiếng xưng hô của vợ chồng người Tây phương.
C- Anh chị em của cha mẹ, anh chị em họ
– Anh của cha: Cả ba miền gọi là Bác.
– Vợ của anh cha: Cả ba miền gọi là Bác.
– Em trai của cha: Cả ba miền gọi là Chú.
– Vợ em trai của cha: Cả ba miền gọi là Thím.
– Chị của cha: Bắc gọi là Bác; Trung, Nam gọi Cô (hoặc O)
– Chồng chị của cha: Bắc gọi là Bác; Trung, Nam: Dượng (hoặc Trượng)
– Em gái của cha: Bắc, Nam gọi Cô; Trung gọi O.
– Chồng em gái của cha: Bắc gọi Chú; Nam, Trung gọi Dượng (hay Trượng)
– Anh trai của mẹ: Bắc gọi Bác; Nam, Trung gọi Cậu – người Trung còn gọi “Cụ”
(?)
– Vợ anh trai của mẹ: Bắc gọi Bác; Trung, Nam gọi Mợ – người Trung còn gọi là Mự
(?)
– Em trai của mẹ: Cả ba miền gọi là Cậu – người Trung còn gọi là Cụ.
– Vợ em trai của mẹ: Cả ba miền gọi là Mợ – người Trung còn gọi là “Mự.”
– Chị của mẹ: Bắc gọi Bác; Trung, Nam gọi Dì.
– Chồng chị của mẹ: Bắc gọi Bác; Trung, Nam gọi Dượng (Trượng).
– Em gái của mẹ: Cả ba miền gọi là Dì.
– Chồng em gái của mẹ: Bắc gọi Chú; Trung, Nam gọi Dượng (Trượng).
– Anh chị em họ: Cả ba miền vẫn gọi là Anh, Chị, Em như anh chị em ruột. Nhưng
cấp bậc anh chị họ có nơi dựa trên tuổi tác cá nhân, có nơi, đặc biệt ở miền
Trung, thì tùy vị thế trên dưới của các bậc cha mẹ. Chẳng hạn người con của chú
mình dầu lớn hơn mình cả 20 tuổi nhưng vẫn gọi mình bằng Anh và mình gọi lại bằng
Chú (tức là Chú em).
– Bác, chú cô dì… gọi các con anh em mình bằng Cháu.
Trong cách xưng hô với anh chị em của cha mẹ, người Bắc ưu tiên tuổi tác khi gọi
anh, chị cha và mẹ là Bác, và cấp nhỏ là Chú Cậu Cô Mợ và chứ không dùng chữ
“Dượng.”
Người Nam và Trung ưu tiên về nội ngoại, thân sơ. Dì thì luôn bên ngoại dù tuổi
cao hay thấp, Cô (hoặc O) thì luôn bên nội dù là chị hay em của cha. Chú thì chỉ
dùng cho em cha, thuộc bên nội thôi. Người không thuộc dòng máu cha mẹ thi gọi
là Dượng (hay Trượng), Mợ, Thím để phân biệt với Bác Trai, Chú, Cô, Cậu là anh
em ruột thịt. Chỉ có cách gọi Bác Gái (vợ anh trai của cha) là một ngoại lệ.
II- Xưng hô ngoài xã hội
Ngoài xã hội, cách xưng hô từ trường học, cơ quan chính phủ, sở làm cho đến chợ
búa thực ra không có một quy tắc, nguyên tắc hay định luật nào nhất định viết
trên giấy tờ. Cách tốt (và an toàn) nhất là dù ở hoàn cảnh nào, vị trí nào,
mình luôn luôn khiêm tốn, lịch sự, lễ phép, tình cảm và tế nhị; tránh làm phật
lòng, xúc phạm người khác. Kết quả của sự cẩu thả, tùy tiện có thể gây đổ vỡ
thiệt hại cho bản thân mình và người khác. Nên nhớ là “Golden Rules” (“So in
everything, do to others what you would have them do to you” – Matthew 7:12
– “Đừng làm cho người khác những gì mình không muốn người khác làm cho
mình”) sẽ là chân lý cần thiết muôn đời: Tôn trọng người thì người sẽ tôn
trọng mình là vậy.
1) Xưng hô ở nơi công cộng, chợ búa
Đây là hoàn cảnh dễ gây lúng túng nhất cho chúng ta bởi vì đối tượng là người
xa lạ. Trường hợp này chúng ta phải tùy thuộc vào sự quan sát và ước đoán về tuổi
tác và giới tính mà xưng hô. Điều cần nhất vẫn là phải khiêm tốn lễ phép và tế
nhị. Tôi đề nghị một điều “Nếu mình ở thế kẹt, không biết phải xưng hô như
thế nào cho phải phép, cho thỏa đáng thì cứ mạnh dạn hỏi người mình đang phải
nói chuyện là mình nên gọi họ như thế nào?” Người Mỹ họ hay làm như vậy
(“What should I call you?”); rất an toàn, không có ai bị thương cả!
2) Xưng hô ở trường học
Văn hóa Việt Nam đề cao việc học hành và sự giáo dục; đồng thời kính trọng người
dạy dỗ; xếp hạng và nâng cao bậc “Thầy, Cô” lên trên cả cấp sinh thành (bậc cha
mẹ). Thành ra, lễ phép trong việc xưng hô với Thầy Cô là chuyện phải làm. Kể
ra, xưng hô với Thầy Cô cũng đơn giản: “Thưa Thầy,” “Thưa Cô…” Không gọi Thầy
Cô bằng tên tục. Chúng ta có thể xưng Em (hay Con) là đủ. Ngay cả trường hợp ở
dưới quê, học trò đi học trễ tuổi nên tuổi tác gần như suýt soát với Thầy Cô
nhưng vẫn phải xưng hô với Thầy Cô như các học trò nhỏ khác. Ở bậc Đại học thì
có vẻ thông thoáng hơn. Sinh viên còn có thêm thông lệ xưng hô với Thầy Cô qua
học hiệu như “Thưa Giáo Sư,” Thưa Tiến sĩ…” Sinh viên lớn tuổi có thể xưng
“Tôi” thay vì “Em” hay “Con.”
3) Xưng hô ở sở làm, tại các cơ quan chính quyền
Sở làm, nhất là công sở, không phải là gia đình do đó các nhân viên nam hay nữ
phải thẳng thắn dùng đại danh từ cho ngôi thứ nhất là “Tôi” – không có ngoại lệ.
Ngôi thứ hai (đối tượng được gọi) có thể được gọi là Ông, Bà hay Ông, Bà cộng
thêm chức vị (Thí dụ: Ông Giám đốc, Bà Chủ Tịch Ban Quản Trị…). Tuyệt đối không
dùng các danh xưng có tính cách thân mật quen thuộc của gia đình như Chú, Bác,
Cô, Dì, Cậu Mợ, Thím, Anh, Em, Con, Cháu v.v.. Chuyện đáng buồn là ngày nay cách
gọi thiếu dân chủ, thiếu đứng đắn, thiếu chuyên nghiệp loại này đã lan tràn qua
mọi ngõ ngách lớn nhỏ của công sở đến cả các cấp cao nhất của chính phủ cộng sản
và cả ngoài xã hội dân sự.
Tôi xin trích một đoạn đối thoại trong một cuộc họp báo tầm quốc gia về vấn đề
lớn (đó là “cá chết / môi trường”) có tính cách quốc tế giữa ông Võ Tuấn
Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường của vi-xi và một phóng viên báo chí
trong nước như sau:
Phóng viên:
– Không. Không. Em chỉ hỏi là mình nên đưa ra một cái mốc thời gian…
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Võ Tuấn Nhân ngắt lời:
– Không. Không. Để cho anh nói hết. Nói riêng với em…
Trời đất! “Anh-Anh/Em-Em” cái nỗi gì ở chỗ đang nói chuyện đứng đắn và
chuyên nghiệp này… Đây đâu có phải là lúc nói chuyện thường tình mà cứ phải
dùng cái “văn hóa du kích” khi còn đắp mô đặt mìn chặn xe đò trong sự nghiệp
“chống mĩ cứu nước,” hay lúc tình cờ gặp nhau khi đang khiêng tải đạn dược,
chuyển quân dụng ở trên “đường mòn hồ chí minh” dưới “địa đạo củ chi” ngày
xưa!? Tương tự, một vấn đề đã nêu ở trên của một ông người Việt tị nạn gọi Thị
Trưởng Tạ Đức Trí là “Anh Thị trưởng” cũng sai trái y hệt như vậy thôi:
Hoàn toàn thiếu đứng đắn và rất chướng… Nghe rất bịnh.
III- Vài đề nghị thay đổi cách xưng hô
Qua sự phát triển nhanh chóng của khoa học và kỹ thuật, nhất là kỹ thuật tin học,
chúng ta có cơ hội tiếp cận với các văn hóa lớn ngoài Việt Nam chỉ qua vài cái
“bấm” trên “con chuột điện tử.” Có nhiều cái hay của họ mình nên học hỏi; đồng
thời những cái gì tốt, những cái có tính cách cá biệt bản sắc dân tộc Việt Nam,
chúng ta cần phải duy trì và phổ biến đến họ. Chúng ta sẵn sàng hòa nhập và hội
nhập nhưng nhất định không chịu để văn hóa 4000 năm của mình hòa tan (melting)
vào những văn hóa lớn rồi bị tiềm thực biến mất. Tuy vậy, cũng không nên quá bảo
thủ: Cái hay cần học hỏi; cái dở nên bỏ bớt đi. Chúng ta không cần một
cuộc cách mạng văn hóa mà chỉ cần một sự thay đổi thận trọng để thích hợp; nhất
là cần một sự dân chủ hóa các lối gọi, xưng hô ở cơ quan chính quyền và ngoài
xã hội. Người dân đen yếu nhỏ bé thiếu quyền lực, cũng như giới trẻ thiếu kinh
nghiệm không thể bị người lớn, cấp trên gọi một cách thấp cấp khinh miệt như
“Mày, “Chúng mày,” “Em,” “Cháu…”
“.. còn trời còn đất còn non nước,
có lẽ ta đâu mãi thế này.”
(Nguyễn Công Trứ)
“… lời nói không mất tiền mua,
lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
(Ca dao)
___________
Tham khảo:
Tham khảo:
- “Xưng
Hô Trong Gia Đình Việt Nam” – Nguyễn Đăng Trác
- “Cách
Xưng Hô Trong Gia Đình Việt Nam” – Cao Thu Cúc
- “Quan
hệ Gia Đình Làng Xóm của Người Quảng Ngãi” – Địa Dư Chi Quảng Ngãi
- “Cách
Xưng Hô và Quan Hệ Trong Gia Đình Dòng Họ” – Đinh Khắc Thiện
Trần Văn Giang
Orange County, ngày 24 tháng 2 năm 2017