“Chạy: biết bao thảm cảnh, nhất là thảm cảnh thuyền nhân rúng động thế giới.
Chạy: một cuộc “bỏ phiếu bằng chân” vô tiền khoáng hậu.”
(Trần Doãn Nho)
Trần Doãn Nho, tôi không biết gì nhiều về anh, ngoại trừ những truyện ngắn trên
Văn đọc được trước năm 75. Và chỉ biết mang máng anh đã từng là nhà giáo như
chúng tôi.
Nhưng có lẽ, ấn tượng nhất phải kể đến bài viết của anh, có tựa Khuôn mặt chiến
tranh trong tác phẩm Y Uyên ký tên Trần Hữu Thục (Văn số đặc biệt Thương nhớ Y
Uyên, số 129 ra ngày 1.5.1969). Nói ấn tượng, bởi trước cái chết của một nhà
văn trẻ đã để lại niềm thương tiếc cho nhiều người nhất là những người cầm súng
viết văn.
Cùng với những “tên tuổi lớn” như Nguyễn Mạnh Côn, Thanh Tâm Tuyền, Châu Hải
Kỳ, Trùng Dương…trong số báo này; khi phân tích các tác phẩm của Y Uyên, anh có
cách nhìn khác hơn, gần và thật hơn khi phơi bóc bối cảnh và các nhân vật trong
truyện (YU) theo độ sáng tối rõ ràng và chân thật như người trong cuộc, so với
cách nhìn “phán xét” của các cây bút đàn anh; bởi anh cũng đang nhìn thấy rõ
ràng khuôn mặt ấy, tay chân cũng sắp rờ chạm vào cây súng và đôi giày bot.
Chính vì anh đã sống với nên có phần hiểu rất rõ những nhân vật trong các tác
phẩm của người vừa ngã xuống khi đặt bút lên trang giấy, như anh đã thú nhận:
“…Trước mặt Y Uyên có lửa, sau lưng anh cũng có lửa, chung quanh đầy máu, chúng
ta ở giữa ngây ngất, tê dại. Tôi viết để tưởng niệm Y Uyên trong khung cảnh
hừng hực đó. Tôi không viết những lời phê bình anh. Tôi chỉ viết lên những xúc
động về chính tôi, một người như bao người khác, đang chấp chới giữa thực trạng
chiến tranh” (Văn số 129, trg 39).
Trần Doãn Nho cuốn hút tôi từ đó, chỉ vì anh viết phê bình văn học mà như đang
làm thơ, mỗi câu chữ đều xoáy động tâm can người đọc (là tôi): một chút thê
thiết, một chút hờn tủi về thân phận con người trong cõi nhân gian khi anh
khẳng định “Y Uyên chắc không buồn, nhưng dòng suối, những đám cỏ lơ thơ, xơ
xác ở đó buồn” ở đoạn mở đầu bài viết về tác phẩm của một nhà văn cùng thế hệ!
Anh không đẩy niềm uất hận đau thương lên cao như Lê Văn Chính, sướt mướt như
Mang Viên Long, Trần Huiền Ân hay Cao Thoại Châu… (Văn cùng số); anh cũng không
đổ lỗi cho ai và đặt những câu hỏi tại sao; chỉ vừa đủ, chừng mực. Thoạt đọc
tưởng anh đứng ngoài những rung cảm đau thương, nhưng kỳ thực len xoáy đến cả
những vật vô tri là ngọn cỏ dòng suối. Thời đó, còn là sinh viên bậc cao học,
tôi nghĩ anh có cách phê bình lạ, mới mẻ, có vẻ dửng dưng lạnh lùng khi chỉ mới
lướt qua, nhưng kỳ thực mang tính “ẩn dụ” rất cao trong cách diễn đạt. Xin dẫn
lại phần mở đầu bài viết của anh: “Lúc bây giờ, cái chết nào cũng đột ngột như
đốm lửa tàn thuốc chợt tắt ngúm khi vứt vào vũng nước trong bóng đêm. Vừa sáng
lóe lên đó và hết. Bốn viên đạn, và Y Uyên đã chết như thế. Chết bên một dòng
suối. Y Uyên chắc không buồn, nhưng dòng suối, những đám cỏ lơ thơ, xơ xác ở đó
buồn. Những người quen anh buồn. Những người không quen anh cũng buồn…” (Văn,
129, trg 30).
Chỉ chừng đó thôi về một Trần Doãn Nho trong tôi, không có gì để nhớ đến sau
những biến cố đau thương, dồn dập đổ ập xuống xứ sở này.
Mãi cho đến khi tạp chí Thư Quán Bản Thảo thực hiện số chủ đề 20 năm Văn Học
Miền Nam (số 63), ông chủ bút Trần Hoài Thư giao cho tôi điều hợp Những Ý Kiến
Chung Quanh 20 Năm VHMN với sự tham dự của Luân Hoán, Trần Văn Nam (đã bước qua
Bờ Bên Kia), Trần Doãn Nho, Trần Hoài Thư, Nguyễn Vy Khanh, Lữ Quỳnh, Phạm Văn
Nhàn, Trần Thị Nguyệt Mai… tôi mới có dịp liên lạc với anh và trò chuyện qua
email.
Đến lúc này tôi mới “tá hỏa” khi anh tiết lộ rằng “tôi bị động viên khóa 6/70
Thủ Đức”! Đó là khóa dài nhất (hơn 10 tháng) tại quân trường Thủ Đức. Trong
khóa có rất nhiều các “cây bút trẻ” thụ huấn: Tôi cùng Cao Huy Khanh, Viêm
Tịnh, Nguyễn Chí Kham, Nguyễn Thanh Trịnh (tức Đoàn Thạch Biền), Vũ Đức Sao
Biển và nhiều anh em khác… Chúng tôi hay gặp nhau ở bãi tập, khu Dân sinh…
Nhưng tuyệt nhiên chẳng ai biết có một Trần Hữu Thục cùng khóa?
Trong thư mới nhất, Trần Doãn Nho cho tôi biết thêm vài chi tiết: “ Tôi vào Sài
Gòn ghi danh Cao Học đầu niên học 1968-1969. Viết lăng nhăng ở vài báo hàng
ngày (Chính Luận, Điện Tín, Công Luận) kiếm tiền ăn. Đầu năm 1969, được tuyển
vào VOF(Voice of Freedom) qua một kỳ thi do Dương Nghiễm Mậu giới thiệu; trong
ban biên tập, có Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu, chị Tâm (vợ VĐSB)…Cuối năm 1969,
được Đại Học Văn Khoa Huế gọi về làm Phụ Khảo Triết một thời gian. Khi hết hạn
hoãn dịch, thay vì chọn gia hạn, tôi chọn nhập ngũ để rồi biệt phái. Vì thế mà
đi khóa 6/70. Ra trường, vì trục trặc giấy tờ, họ chuyển về Hành Chánh Quân Y một
thời gian (3 tháng), sau đó biệt phái về Đại Học Văn Khoa Huế dạy học cho đến
tháng 4/75. Tóm lại, đời quân ngũ ngắn.
Tuy nhiên, nhờ qua trường Bộ Binh và trở thành sĩ quan, mùa hè đỏ lửa năm 1972,
tôi tự nguyện ở lại Huế, đóng góp một phần với chính quyền Huế trong công tác
dân vận và sinh viên trong khi cả thành phố di tản vào Đà Nẵng.(thư ngày
22/9/2018).
Cuộc đời lắm “gian truân” của Trần Doãn Nho lôi kéo theo một Trần Hữu Thục xơ
xác sau ngày 30/4 bi thảm, như bao triệu con người khác ở miền Nam. Không còn
hơi sức với chữ nghĩa. Cho đến khi anh an cư trên đất khách (năm 1993), không
còn bị theo dõi, dòm ngó canh chừng của đám công an mật; có công ăn việc làm,
Trần Doãn Nho mới kéo Trần Hữu Thục ra trên các trang mạng, trên báo giấy…
Anh cầm bút trở lại. Viết đều và khỏe. Đủ các thể loại, từ tản văn, truyện
ngắn, truyện dài, tùy bút chí đến biên khảo, phê bình văn học. Và thể loại nào
cũng đậm vẻ tài hoa; đặc biệt là phê bình, sắc nét và bén như thanh quất trong
tay Bát Lê ở truyện Chém Treo Ngành của Nguyễn Tuân.
Sau khi Trung Niên Thi Sĩ Bùi Giáng Giúi rong chơi ở xứ sở Đười Ươi (Sài Gòn
Chợ Lớn rong chơi/ Đi lên đi xuống đã đời du côn), ông Đoàn Tử Huyến mới gom
nhặt tất cả các bài viết của các ông nhà văn nhà báo phe ta lẫn phe địch, nhét
vào tập Bùi Giáng Trong Cõi Người Ta (1) dày gần 700 trang giấy, phần đầu trích
thơ Bùi Giáng , phần sau là nhận định, phê bình của 44 vị cầm bút có tên tuổi
hẳn hoi; và thảy đều vận dụng tất cả các mỹ từ có và không có trong tiếng Việt,
hết lời ca ngợi cõi thơ của riêng Bùi Giáng “làm thơ chỉ là một cách dìu ba đào
về chân trời khác” thì duy chỉ có Thụy Khuê và Trần Hữu Thục là có đủ tỉnh táo
để đánh giá cõi thơ Bùi Giáng một cách đúng đắn của một nhà phê bình văn học.
Trần Hữu Thục vẽ chân dung Bùi Giáng qua các nhân vật Kim Dung: “Bùi Giáng thân
xác đã tiêu tán, nhưng Bùi-Giáng-như-một-hiện-sinh vẫn còn đâu đó, nghêu ngao
ca hát, làm thơ và sống hồn nhiên trên các đường phố Sài Gòn. Một Sài Gòn có
Bùi Giáng và một Bùi Giáng có Sài Gòn… Ngẫm mà xem, ta có thể tìm thấy ở Bùi
Giáng khi thì một chút cuồng ngạo nghịch thường hoàngdượcsư, khi thì lém lỉnh
hoàngdung, khi thì ngờ nghệch quáchtỉnh, khi thì đầy cả trào lộng lãongoanđồng,
khi thì chân chính, hào sảng, trượng phu hồngthấtcông, khi thì quái đản kiểu
mấy quái nhân luyện võ trong hang động, khi thì điên tàn, thống hận tạtốn…Ngẫm
mà xem, ông sống đó cũng như ông mất đi. Ông như có đó mà như không hề có đó.
Kẻ sĩ hay người điên. Nhà thơ hay triết nhân. Ông sống giữa thế kỷ này hay một
ngàn, hai ngàn năm trước….” (Bùi Giáng giữa chúng ta – http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=344&rb=0103).
Anh cũng không ngần ngại chỉ ra: “Nói cho rõ ràng ra, thơ của Bùi Giáng dở. Trừ
một số câu thơ hay – chưa hẳn là rất hay -, còn lại hầu hết thơ ông đều dở. Tôi
có cảm tưởng rất nhiều câu thơ ông làm chẳng khác gì những câu thơ ngây ngô của
mình khi mới bắt đầu tập tễnh làm thơ hồi còn học trò. Thậm chí có nhiều câu
hệt như các em “ma-ri-sến” làm thơ tặng tình nhân. Vần điệu ráp nối tùy tiện, ý
tứ lại tầm thường. Chúng ta thử đọc lại một vài câu:
ngô nghê:
Giật mình lúc chợt nghĩ ra
Rằng toàn thân thuộc đã qua đời rồi.
gượng ép chữ cho có vần:
Thưa em ngôn ngữ quặt què
Làm sao nói được nghiệp nghề người điên
lập lại (vần):
Non nửa thế kỷ xa quê
Mà chưa có dịp về quê một lần
nói nhăng nói cuội:
Một hôm gầu guốc gầm ghì
hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm
Nhưng Bùi Giáng có cái dở riêng, phải nói là rất riêng, của Bùi Giáng. Và ông
không che dấu cái dở của mình. Không bao giờ. Chẳng những thế, ông lại còn cố ý
phô bày nó ra, phô bày một cách chân tình, hồn nhiên, toàn diện” (đường dẫn
trên). Điều này Trần Doãn Nho có lý, nếu như chúng ta thử đưa ra so sánh giữa 2
câu thơ của Bùi Giáng và Thu Bồn đều viết về Huế; nhưng rung cảm với Huế, mỗi
người mỗi vẻ khác nhau:
Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương
(Bùi Giáng)
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
(Thu Bồn – Tạm Biệt)
Trên trang Diễn Đàn Thế Kỷ, số 29/9/2018 kỷ niệm 3 năm ngày mất của Võ
Phiến, anh có những nhận xét khá chính xác về văn phong của “nhà văn lớn” này,
mà trước đây nhiều người đều nói Võ Phiến ngồi “chẻ văn thành sợi tóc làm tư”.
Dĩ nhiên, có người không đồng ý về lối nhìn nhận như trên, nhưng đa phần, từ
truyện, đến viết ngắn, dài của Võ Phiến cứ nha nhẩn không đầu đuôi, như cuộn
rơm ngồi tháo ra từng sợi, thấy đầu này còn hột lúa, chỗ kia cái gié bị dập,
chỗ nọ dính chút bùn… Ông dắt người đọc lơn tơn đi trong sáng sớm dày sương,
qua giữa trưa bốc khói đến tận chiều tối… có khi chưa thấy đường ngõ!
Và Trần Hữu Thục đã chỉ ra: “Thế giới trong tác phẩm của Võ Phiến là thế giới
bề bộn chi tiết: việc có, sự việc có, vật có, sự vật có, rồi những ý nghĩ
thoáng qua, những nhớ, những tiếc, những trạng thái tâm lý tủn mủn tỉ mỉ, chợt
buồn chợt vui, chợt băn khoăn, chợt xao xuyến. Đọc văn ông, chúng ta sốt ruột
đợi một chuyện gì đó đáng đồng tiền bát gạo xảy ra: một cuộc tình, một tấn thảm
kịch hay ít nhất cũng là một biến cố có ý nghĩa nào đó. Nhưng không. Ông nhẩn
nha, nhẩn nha kể chuyện “trong nhà ngoài phố” y như thế giới này cứ thế, chẳng
có gì quan trọng lắm, ghê gớm lắm. Võ Phiến bắt ta nhìn vào vật này, rồi nghe
thứ âm thanh gì ở một xó xỉnh nọ. Ông bắt ta rờ cái này, thoắt cái, nhớ đến
chuyện khác. Chuyện con kiến, tiếng thở, cái hắt hơi, tờ báo nằm trên đỉnh
mùng, bàn tay đè trên sống mũi, mấy cái hủ mắm, vân vân…” (https://www.diendantheky.net/2018/09/tran-huu-thuc-vo-phien-tam-va-canh.html).
Rồi thì, để chứng minh có cái gọi là “bề bộn, nhẩn nha”, chuyện nọ xọ chuyện
kia là có thật, anh bắt đầu dẫn một số đoạn trong các văn bản của Võ Phiến để
chứng minh. Đó là cách làm việc cẩn thận của anh, chứ thật ra, những ai đã từng
đọc Võ Phiến đều dễ dàng nhận ra sự “con cà, con kê” của ông, vì ông cũng tự
nhận “tiếc là không chẻ được làm tám”. Mới chỉ làm tư thôi mà đã làm mệt nhoài
ngòi bút phê bình của Trần Hữu Thục rồi, huống chi là tám hay mười?
Đọc những bài phê bình của anh, tôi mường tượng anh cần mẫn, làm việc rất khoa
học: đọc, ghi chép, đánh số vào thẻ, xếp loại… cẩn trọng, để khi cần, chỉ thò
tay vào ngăn là có ngay.
Tôi cũng có dịp đọc loạt bài phỏng vấn Phạm Phú Minh và Trần Hoài Thư về văn
học miền Nam và hải ngoại. Các câu hỏi anh đặt ra cho hai nhà văn trên, tôi cứ
tưởng tượng như tôi đang được cùng ông nội dẫn đi gát cu hồi nhỏ. Con cu mồi là
anh, đứng trên cầu nó cứ túc, gáy lúc khoan lúc nhặt; khi thách đố khi như
khuất phục, làm như vấn đề đó anh hoàn toàn mù tịt, hỏi lại cho rõ nhưng kỳ
thực anh muốn biết rõ hơn về thái độ của hai ông nhà văn kia trước những vấn đề
có liên quan, buộc họ phải nói ra trên giấy trắng mực đen. Tôi gọi cách phỏng
vấn của anh thuộc loại “tra khảo văn học”, hỏi cho đến nơi đến chốn, cho ra
chuyện mới thôi!
Rồi, trong những thư từ qua lại, Trần Doãn Nho cho hay, trong những năm ngăn
sông cấm chợ bo bo sắn mì… anh buộc phải đi buôn chuyến từ Huế vào Sài Gòn để
nuôi vợ con (Nói tới buôn chuyến trên tàu hỏa thời bao cấp khiến tôi rùng mình:
mua được tấm vé, mồ hôi như tắm, áo quần tả tơi, và thê thảm hơn là cảnh chen
chúc trên tàu, chỉ có chỗ để đứng một chân, chân kia co lại như con cò già giữa
muôn vàn mùi xú uế; lúc xuống được ga mình biến thành kẻ khác, như tên tù biệt giam,
rách bơm, hôi hám). Anh nói, lượt ra, tàu ngừng rất lâu ở ga Tuy Hòa, anh
thường xuống tàu giãn chân tay, ăn cơm dĩa ở ga này, cơm trắng thơm ngon, thịt
gà vàng ruộm và nói “đâu có biết anh cũng ở Tuy Hòa!”.
Điều anh nói khiến tôi nhớ, lại có một sự trùng hợp: Một người có thật là anh,
nhà văn Trần Hữu Thục nhiều lần ăn cơm ở ga xép Tuy Hòa trong thời kỳ gạo châu
củi quế, và nhân vật nữ xưng tôi trong truyện ngắn Thư Từ Tuy Hòa của Cảnh Cửu
giữa thời chiến tranh (1964), cũng có đoạn: “Anh có nói hồi đi ngang đó (ga Tuy
Hòa – ghi chú của người viết) thấy người ta bán cục cơm vắt và cái đùi gà to
tướng mười đồng. Sự thật cũng có như vậy anh à. Nếu anh muốn tôi ra ga mua gửi
cho anh. Cục cơm đó không biết có ích dụng chi cho anh không, chứ ít ra nó cũng
tố giác với anh vài điều về quê hương tôi… Sự nghèo khó đến gõ cửa thường
xuyên, cơm thì gạo ít mà ngô khoai nhiều. Đậu mè, đậu phụng trộn với muối ran
là món ăn đắt giá… Chắc khi đọc thư này anh có ăn cục cơm và miếng thịt gà tôi
gửi theo thì dù cho cơm đã thiu thiu, thịt gà đã dai nhách cắn không bể nhưng
chắc cũng đỡ hơn cái sống ở đây nhiều. Nó là cái tinh hoa của xứ sở tôi đãi du
khách đấy” (Văn số 45).
Có lẽ, chính những năm tháng khốn khó, phải bấm bụng nhét bút giấy vào một xó
để “chạy chợ” nuôi vợ con nên anh có thừa chất liệu để viết Dặm Trường (2). Chỉ
mới chương đầu, đọc cảnh nhân vật Hạnh phải chịu để cho thằng tài xế đè ngửa
trên cabin cũng đủ nhìn thấy cảnh đời ngang trái và tàn nhẫn, về thái độ của
nhà văn trước thực tế xã hội đương thời mà nước mắt đắng cay nhiều như sông
suối: “Trong bóng tối nhờ nhờ của buồng lái, nàng thấy bàn tay anh tài xế đặt
lên bụng nàng. Bàn tay kia luồn vào ngực. Nàng lấy tay đè lên tay anh ta, giữ
lại. Nhưng anh ta dùng một tay giữ chặt tay nàng, còn tay kia tiếp tục sờ soạn.
Tay chân anh tài xế bây giờ như những gọng kềm siết lấy nàng. Hàng nút áo bung
ra. Sức nàng yếu dần, ý chí chống cự tan biến. Nàng lơi tay, người mềm đi, phó
mặc… Nàng đột ngột cắn vào vai anh tài xế. Nụ cắn sâu, sâu thẳm… Trong ái ân,
Lục điệu nghệ, nhẹ nhàng, tỉ mỉ. Như một bài học thuộc lòng, bao giờ anh cũng
đi từng bước một, cẩn thận, cố gắng không bỏ sót một chi tiết nào. Dù có nhậu
nhẹt, quá chén hoặc có xa vắng nhau lâu ngày, anh vẫn thế, từ đầu chí cuối.
Người đàn ông này khác hẳn. Hắn hấp tấp, cuồng bạo. Nàng khẽ thở dài, than
thầm, mình hư quá, hư thật rồi. Trong thoáng chốc, mọi chuyện lật qua một trang
khác…”. (Dặm Trường, trg 22).
Đọc lướt Dặm Trường của Trần Doãn Nho, tôi mãi ám ảnh về đoạn này. Anh không
nói về sex, về dục tính như Nguyễn Mạnh Côn đã viết trong Tình Cao Thượng: “Vì,
như em đã nói với anh, Tư Giỏn làm cho em hoàn toàn thỏa mãn. Cũng in hệt như
đối với anh, lúc rung động của y lên đến tột độ thì rung động của em cũng lên
đến tột độ… trong mọi cuộc giao hoan, chính người đàn ông mới là phương tiện!”
(Tình Cao Thượng, trg 88 và 104) mà mặt nào đó, anh muốn dựng lại thực trạng xã
hội thời đốn mạt và bi thương nhất của con người (VN). Những người dân vốn
lương thiện đã bị “lịch sử” biến thành những tên lưu manh về phẩm giá, đạo đức,
cách sống…mọi mặt. Không viết trực tiếp, nhưng qua các nhân vật, những cảnh đời
một thời đã bị phủ bóng đen u ám, anh đã vẽ nên một phần “đổ vỡ” dưới chế độ
hoang dã và hoang tưởng. Và, chữ nghĩa buộc phải “mửa” lên mặt chúng, là theo
cách tôi nghĩ, cảm!
Sau khi phát hành Thư Quán Bản Thảo số 63, Trần Doãn Nho có thư hỏi tôi có
còn Văn số 129, nếu còn giữ được sao cho anh 1 tập. Tôi hứa sẽ cố gắng, vì
trong tủ sách không còn số này. Tôi chạy xuống thị xã, hỏi vài người bạn, ai
cũng lắc đầu. Nhưng rồi cuối cùng cũng tìm ra được nơi người bạn vong niên. Tôi
vội vã mang đi photo rồi tìm cách gửi qua cho anh. Khi nhận được anh viết thư
cảm ơn rối rít, vì theo anh, bài viết về Y Uyên là bài đầu tiên anh viết về phê
bình văn học, nó là kỷ niệm khó quên, bởi sau khi đăng bài viết này, ông Thư ký
tòa soạn Văn Trần Phong Giao có nhã ý mời anh cộng tác thường xuyên về phê
bình, biên khảo… cho Văn và Tân Văn. Cách đây mấy tháng, tình cờ tôi đọc ở đâu
đó trên một trang mạng, có đoạn anh viết về tờ Văn photo này, đại ý nhờ NgLu
photo gửi qua, nó còn đẹp hơn bản gốc.
Nửa năm 2015, Trần Doãn Nho về thăm quê nhà, từ Huế, anh gửi nhờ Viêm Tịnh tặng
tôi quyển biên khảo Ẩn Dụ, Cuộc Phiêu Lưu Của Chữ do Người Việt ấn hành. Thú
thật, tôi phải mất đến 5 ngày vừa căng mắt vừa căng đầu mà đọc nhưng không
“thấm” nổi. Sau Văn Việt post lại từng kỳ, tôi nhẩn nha đọc mới rõ được đôi
phần, mở ra lắm điều thú vị mà bấy lâu cứ ù lì trong đống sách giáo khoa của
các thầy bên Văn Khoa thời xa xưa.
Tôi và Trần Doãn Nho, Trần Hữu Thục chỉ chừng ấy, không hơn.
Những năm gần đây, sức khỏe giảm. Hai ông bạn đốc tờ khuyên phải thuốc thang
đều đặn, nghỉ ngơi, chớ suy nghĩ, chớ viết, đọc vừa vừa… tóm lại là phải tĩnh
dưỡng, phải an nhiên, tự tại, tốt nữa là thiền định, quán niệm hơi thở… phải và
phải… đủ thứ. Nghe thì nghe vậy, nhưng không bỏ được, vẫn cứ dòm ngó với chữ
nghĩa, vẫn cứ mở máy và đọc. Và, tôi đọc văn chương của bạn quen, bạn dưng theo
cách đó.
Với Trần Doãn Nho, Trần Hữu Thục cũng “nhẹ” như vậy. Mà kiểu đọc này, lại có
nhiều cái hay khi ta từ từ không vội, để có thể nhận ra lắm điều bất ngờ. Ví
như trong tùy bút Nắng trên trang mạng Da Màu. Chỉ có nắng thôi, một hiện tượng
tự nhiên của thời tiết; vậy mà anh khéo léo và duyên dáng dẫn cái nắng ấy rong
chơi khắp chốn: từ chỗ nhà quê qua thị thành phồn hoa, ngoài ngõ nhà anh phú
nông đến sân nương nương quý tộc, từ âm nhạc qua thơ, qua cầu, qua sông suối,
ruộng đồng, sa mạc… dẫn từ các ông nhà thơ, nhạc sĩ tên tuổi để tổng kết lại
thành một thứ Nắng đa màu sắc, hương vị, biết đi đứng, biết hỉ nộ ái ố, có hình
dạng mập ốm nghiêng thẳng điệu đà, là người yêu, kẻ thù, biết đi biết nằm, biết
hờn dỗi …nghĩa là trên cõi đời này có bao nhiêu nguồn cơn cớ sự thì Nắng của
anh đều có mặt, khi dịu dàng lúc hung tợn. Thích chí và đồng cảm, tôi gọi bà vợ
nằm toòng teeng trên chiếc võng gai đang đọc Già Sao Cho Sướng của ông đốc tờ
Đỗ Hồng Ngọc. Dừng lại, nghe cái này. Tôi đọc hết tùy bút Nắng, cả hai vợ chồng
già đều bật cười như được gãi ngứa: “Vẫn còn đủ thời gian để nhà văn nhà thơ
sáng tạo ra thêm hàng triệu thứ nắng khác nhau nữa để làm vui cuộc đời. Này
nhé: nắng trào, nắng tưới, nắng xanh, bẻ nắng, chôm nắng, bửa nắng, bắt nắng,
trồng nắng, gặt nắng, hái nắng, gọt nắng và thậm chí…liếm nắng. Đã có sân nắng,
vườn nắng, rừng nắng thì chắc cũng phải có: ao nắng, hồ nắng, phố nắng và vũng
nắng, hố nắng. Đã có “nắng xiên vào nỗi nhớ” thì cũng sẽ có: nắng đâm, nắng
chọc, nắng cắt hay nắng cứa….vào nỗi buồn. Đã có hạt nắng, vệt nắng sao lại
không: viên nắng, hòn nắng, miếng nắng và …cục nắng” (https://damau.org/archives/44610).
Với truyện ngắn, tính ẩn dụ cao hơn; thường gây cho người đọc những ảo giác
trên bề mặt văn bản, nghĩa là điều anh muốn nói đến không phải là những hàng
chữ sắp hàng ngay ngắn trên trang giấy như hàng quân mà, phải tự lật ra phía
sau, nó ẩn sâu bên dưới mới tìm ra “nhân dạng”.
Hầu hết những truyện tôi đọc được của anh luôn là những bất toàn, xung đột, mâu
thuẫn, mất mát… xoáy sâu vào những “niềm đau nhức” về thân phận, quê hương phải
đành đoạn bỏ lại phía sau cùng những giọt nước mắt chảy thầm (truyện nào cũng
thấp thoáng, dẫu không có hình hài rõ ràng).
Một Chút Việt Nam như một điển hình cho cách phơi bày tâm trạng u uẩn của những
con người “bị biệt xứ”. Từ đầu tới gần cuối truyện là cuộc gặp gỡ, trò chuyện
qua lại giữa chàng thanh niên tên Hưng và cô gái tên Miên Tâm trên đất khách.
Cô vượt biên theo dạng gửi kèm khi mới lên tám. Sống trên đất Mỹ cho tới lúc có
chồng, cô không có một khái niệm nào rõ rệt về quê nhà. Cô bị những người thân,
những bạn học đối xử khá tệ. Miên Tâm cô đơn và lạc lõng giữa những người không
cùng màu da, ngôn ngữ, văn hóa…để cuối cùng anh chàng người Honduras trở thành
bạn rồi thành chồng cô. Cuộc hôn nhân với Garcia chỉ là cách trả ơn, cô giải
thích: “Em biết anh giận. Nhưng em nói thật, anh có quyền tin hay không tin. Em
muốn yêu một người Việt Nam, nhưng em lại chẳng quen một người Việt Nam nào cả…
Em đã trải qua tuổi thơ, mà người ta cho là đẹp nhất đời, không cha, không mẹ,
không bà con, không bạn trai, không bạn gái. Em không biết yêu. Có ai đâu để em
yêu!”.
Gặp Hưng, cô như người chấp chới dưới làn nước lạnh ngắt, với được khúc gỗ mục.
Cô thoát hiện thoắt biến trước Hưng như một cái cớ để có thể ngửi được chút
mùi, mùi Việt Nam!
Đỉnh điểm của “chút mùi” ấy là cái đêm trước khi vợ chồng cô chuyển đi nơi
khác. Cô đến phòng Hưng với những tâm trạng rối bời, những khao khát cháy bỏng
“muốn yêu một người Việt Nam nhưng không quen ai là người Việt Nam cả”. Đích
thị là cô chơi vơi với tuổi thơ đã mất như cô đã mất quê hương, gia đình, người
thân yêu từ tuổi ấu thơ. Và Hưng là hiện thân của sự mất
mát-đang-được-nhìn-thấy. Hành động của cô là muốn kiếm tìm cái đã mất, một
chút, một chút thôi : “Anh chưa kịp phản ứng gì thì nàng đã vật anh xuống
giường, hôn tới tấp. Nàng cắn. Nàng liếm. Nàng rờ rẫm. Hơi thở nàng nóng hổi.
Anh nghe mùi tóc, mùi nước hoa, mùi da thịt nàng tràn trề trên người. Những nụ
hôn và những ngón tay. Nàng thành thạo. Dữ dội. Cuồng nhiệt. Đắm đuối. Anh đờ
đẫn, run rẩy, bàng hoàng, không biết phải làm gì. Tóc nàng rối tung. Cái áo ngủ
gần như tuột hẳn xuống…Hưng, em muốn một kỷ niệm Việt Nam. Đừng trách em, tội
nghiệp. Em muốn … em muốn … một chút mùi … mùi Việt Nam. Em muốn … enjoy a
little taste of Vietnamese … Một chút hương … Việt Nam, một chút … một chút
…Anh chồm lên người nàng. Như một con thú hoang. Không còn là một Hưng e dè,
thận trọng nữa. Không còn Miên Tâm. Không còn Garcia. Không còn trời. Không còn
đất. Hai sức trẻ quấn vào nhau như chưa từng. Một lần. Chỉ một lần thôi. Căn phòng
rung rinh. Chao đảo. Từng hồi.
Và rồi tất cả lắng xuống. Hai người nằm lặng lẽ nghe hơi thở của nhau”. (http://www.hocxa.com/Truyen/MotChutVietNam_TranDoanNho.html).
Truyện khép lại ở đây. Có thể người đọc sẽ lầm tưởng dục tính là có thật ở
truyện này, vì trước đó ít phút, Miên Tâm đã tâm sự với Hưng: “cái kiểu make
love của Garcia … ghê quá!… Ghê quá là dữ dội … là … Garcia đêm nào, ngày nào
cũng bắt em xem phim sex, rồi thì là … dày vò em, bắt em chiều … đủ kiểu. Em sợ
…”. Nhưng tôi nghĩ rằng, Trần Doãn Nho không hề viết về dục tính. Giây phút
“hai sức trẻ quấn vào nhau như chưa từng” chỉ là cái cớ. Bởi truyện này anh
viết năm 1995, chỉ hơn hai năm, sau khi anh phải rời bỏ Việt Nam, mang theo quê
nhà trong nỗi nhớ ngắt ngoải. Vậy thì anh nhắm tới điều gì? Phải chăng những
hoan lạc và rung động mà họ tìm thấy của nhau, chính xác là với Miên Tâm nhiều
hơn, là những cảm xúc thông qua thân xác để chụp nắm về một quê hương đã mất? Cô
đã nắm giữ được hình ảnh quê hương trong thoáng chốc với người bạn trai trên
giường…Quanh không gian hẹp đó là cánh cửa mở rộng để có thể nhìn thấy những
gốc rạ vừa gặt, là mùi khói đốt đồng, mùi cá lóc nướng trui, là hương vị ngọt
chát của trái bần quẹt mắm tép rong, cá tràu kho nằm cong trong om đất…? “Nghe
hơi thở của nhau” có lẽ là nghe lại hương vị quê hương đã mất sau cuộc “bỏ
phiếu bằng chân” của hơn 2 triệu dân miền Nam!
Trong Vết Xước Đầu Đời trên Da Màu và Diễn Đàn Thế Kỷ số tháng 7/2017 được Văn
Việt đăng lại trong chuyên mục Văn Hải Ngoại sau 1975 (kỳ 68), với nội dung khá
đơn giản: Tâm bị tù cải tạo được thả về, đến ở nhà mẹ con Ánh trên dưới 1
tháng, bởi trước khi là “lính ngụy” hai người đã yêu nhau, nhưng không lấy được
nhau. Ánh lấy chồng để trả thù Tâm, chồng chết do tai nạn máy bay. Bữa nọ hai
chú cháu đi chơi, về trễ (tối), Ánh “tra hỏi” với con gái và với Tâm, người yêu
cũ. Cú “tra gạn” kia hình như làm tổn thương khá nhiều đến người gạn hỏi là
Ánh.
Motif truyện không mới, chủ đề không lạ. Trước năm 1975, chuyện chú cháu, rung
động đầu đời yêu thương, nhớ nhung sương khói… đã được các nhà văn khai thác
đến tối đa, nơi đón nhận và tập trung là tuần báo Tuổi Ngọc của Duyên Anh. Và
tiêu biểu cho loại truyện này là Hoàng Ngọc Tuấn với Ở Một Nơi Ai Cũng Quen
Nhau, Cô Bé Treo Mùng, Buổi Chiều Hạ Lan, Hình Như Là Tình Yêu… trở thành loại
sách luôn nằm trong cặp sách vở của các cô cậu lứa tuổi “Ô Mai”.
Nếu như Vết Xước Đầu Đời bị “rơi” vào tay các nhà văn theo trường phái lãng mạn
hay feuilleton trước 75, chắc chắn sẽ mùi mẫn như Bên Dòng Sông Trẹm của Dương
Hà, Chú Tư Cầu của Lê Xuyên hay hàng loạt tiểu thuyết của bà Tùng Long…Nhưng
với Trần Doãn Nho thì khác hẳn, bởi tầm vóc của truyện “to lớn” hơn theo cấu
trúc ngôn ngữ bình dị với những ẩn dụ vừa đủ để người đọc không dụng công suy
nghĩ, mò đoán nhiều; cũng không đưa đẩy đến sướt mướt, éo le… nhưng có cái gì
đó nhột nhạt, ngưa ngứa tận chân tóc như khi ta nhai phải trái ớt hiểm cay xè;
không chảy nước mắt, nhưng mọi chân tóc đều tưng tưng dựng lên!
Ngay ở đoạn hai chú cháu quay về, nhà văn đã khéo léo phối một gam màu hoàn hảo
lúc hoàng hôn, tạo thành vẻ hư hư thực thực trong thứ ánh sáng nhập nhoạng, để
độc giả có thể hiểu được cái “nhập nhoạng” ấy ở cô bé và mẹ cô. Trước hết là
vật thể có thật: bóng tối vừa đủ, ánh sáng vừa đủ để có thể nhìn ra “dáng cao
lớn, chênh vênh như muốn ngã về phía trước” của chú Tâm và cảm giác “cả một
khoảng trời chao đảo theo bước chân chú” của Lan. Bức tranh này là của cô bé vẽ
nên bằng những cảm nhận từ đáy lòng qua bàn tay nhào nặn của nhà văn. Toàn cảnh
trong bức tranh là sự so sánh có cảm giác của Lan tưởng có thể cầm nắm được
trong tay: “Nắng tắt. Cả vùng ngoại ô lặng xuống. Cây cối như kết vào nhau
thành từng chòm, rải rác. Hai người im lặng bước đi. Lan cố đi chậm lại đàng
sau. Tự nhiên, cô cảm thấy bối rối. Chú Tâm bước, dáng cao lớn, chênh vênh như
muốn ngã về phía trước. Lan có cảm giác như cả một khoảng trời chao đảo theo
bước chân chú. Chú, đàn ông trông vững, lớn và đáng tin cậy. Khác với mẹ. Mẹ
bao dung, chu đáo, nhưng có cái gì không ổn. Bao giờ mẹ cũng thu vén, tém tủm,
tránh trút. Mẹ ngăn, mẹ chặn. Trước và sau. Mẹ sợ mọi thứ. Mẹ đúng, dĩ nhiên.
Nhưng Lan buồn”.
Sự “giam cầm” tình cảm của mẹ lúc dạy dỗ con gái về người đàn ông, tất cả những
người đàn ông khiến cô cảm thấy chơi vơi lúc bên chú Tâm: “Lan cắn môi. Cô muốn
khóc. Trời sẫm. Đường vắng. Cô bỗng muốn ngã vào lòng chú Tâm. Nhưng cô giật
mình, nhẹ gỡ bàn tay thô nhám của chú Tâm vừa đặt lên bàn tay nhỏ nhắn của cô.
Mùi áo quần từ nơi chú Tâm tỏa ra khiến cô ngây ngấy. Cái mùi lạ hoắc! Thơm
không thơm, hôi không hôi, lại nồng nồng. Cô bồn chồn, lạc dạ, quay mặt đi chỗ
khác”.
Suốt dọc câu chuyện, cứ nghĩ nhà văn tạo ra cô bé và Tâm là hai nhân vật chính.
Nhưng thật ra, nhân vật dẫn đến mọi cớ sự lại là Ánh, mẹ cô bé. Đó mới là nhân
vật trung tâm, xuất hiện gần cuối để đưa câu chuyện thành cao trào, có kịch
tính: “Đời mẹ đã khổ vì đàn ông, con biết không. Đàn ông không có gì đáng tin
hết. Họ luôn luôn phỉnh phờ, luờng gạt. Họ không hề biết yêu như đàn bà. Có họ
mình cũng khổ, mất họ mình cũng khổ. Mẹ không muốn con gần đàn ông vì không
muốn con khổ, con hiểu chưa?”
Tất nhiên cô bé đã hiểu qua lời mẹ: “Một chút gì tái tê, một chút gì đăng đắng,
nghèn nghẹn của mùi vị cuộc đời lan vào trong cô. Chỉ là một vết xước. Vết xước
đầu đời, nhẹ nhưng buốt. Cô chợt nhận ra một mẹ khác, một mẹ lạ hẳn, một mẹ cô
chưa hề biết, chưa hề thấy. Và cô, cô cũng khác. Cô trở thành một người khác”.
Thành một người khác bổng trở nên đậm hơn lúc nhìn thấy cái áo của chú Tâm bỏ
quên, “Lan chợt nhớ đến mùi đàn ông phảng phất đâu đây”.
Tâm chỉ là cái cớ cho Ánh nhớ lại 20 năm về trước và cũng là cái cớ cho cô bé
Lan ngập ngừng với cái mùi đàn ông phảng phất đâu đây. Người đàn ông xuất hiện
đúng lúc và ra đi đúng lúc để lại cho hai mẹ con, mỗi người một tâm trạng khác
nhau.
Gấp lại truyện, tôi có thêm cảm giác nhồn nhột, cồn cào gai gai trong đầu giống
như cảm giác cánh tay vung ra, đụng phải dề gai bàn chải non!
Nhưng đến Bữa Ăn (http://vanviet.info/van/bua-an/)
thì không còn cảm giác bàn tay chạm phải “dề gai bàn chải non” như các truyện
khác mà, tựa như có hàng trăm ngàn mũi kim nhọn xoáy vào tận tim gan. Hơn 10
trang viết hiển hiện tràn đầy nỗi thống khổ, đau đớn, quặn thắt… đến tận cùng
của một kiếp người trong một xã hội đốn mạt nhất. Sự đốn mạt ở Làm Đĩ, Số Đỏ
của Vũ Trọng Phụng thời Pháp thuộc, không thấm vào đâu so với thời mạt pháp
trong xã hội cùn mạt ở truyện này. Cảnh người cha (từng là ông giáo làng, dẫu
là ông giáo Ấp Tân Sinh thời Việt Nam Cộng Hòa) phải ngồi nhìn những đứa con
bán trôn nuôi sống cả gia đình với nỗi-hân-hoan-đau xé, với những
tê-điếng-cam-chịu diễn ra hàng ngày trước mắt ông và vợ như những ngọn roi vô
hình đập nát những ai còn lại chút lương tri: “Ông nhắp một hơi rượu, rùng
mình. Ông nhìn quanh. Ôi, những rượu, những trà, những đồ ăn, thức uống, những
cột kèo, cửa sổ, cửa lớn, bàn ghế, áo quần, và chính cả thân xác ông, tâm hồn
ông bây giờ đều xuất phát từ thân xác mấy đứa con gái. Ông cảm thấy lợm giọng,
buồn mửa. Hai mắt mờ đi. Trong thoáng chốc, ông bỗng nhìn thấy đồ đạc trong
nhà, hết thảy đều uốn éo, quằn quại, lăn lộn. Bộ xa lông biến thành con Loan,
cái tủ lạnh biến thành con Dục, tủ áo quần biến thành con Lài. Chúng trần
truồng, hoang hóa, chịu đựng và thảm thương vô cùng tận. Chúng giương mắt nhìn
ông ngơ ngác, bất lực”.
Cả truyện, từ đầu đến cuối, Trần Doãn Nho không hề có một từ nào đổ lỗi, anh
chỉ dựng lên một sân khấu nhỏ (nhưng lại là biểu tượng vô cùng to lớn cho xã
hội hiện tại) là vợ chồng cha con ông Tám. Cả 6 người đều nhập vai và vai nào
cũng tròn trịa làm “rúng liệt” mọi chân tơ kẽ tóc người đọc! Truyện không kể
lể, chỉ thủng thẳng mô tả những sự việc và sự vật từ từ diễn ra trước mắt có
lớp lang, thỉnh thoảng chen ngang những suy nghĩ, dằn vặt nội tâm nhân vật.
Chừng đó thôi, nhưng từng con chữ làm nhói đau tận xương tủy người đọc. Gia
đình gồm 6 con người khốn khổ và khốn nạn đó là bộ mặt xã hội hiện tại được
Trần Doãn Nho thu nhỏ lại. Tất cả họ đều phải chịu đựng và chấp nhận, xem như
là chuyện bình thường hàng ngày, không có gì ghê gớm khiến phải “nôn mửa”.
Anh phác họa các nhân vật của mình qua vài nét ký họa nghuệch ngoạc và những
nhân vật đó y như mẫu đất sét bọn trẻ con nặn con trâu, con vịt, chiếc xe… là
những chiếc mặt nạ biết đi đứng, nói năng:
Thằng Vụ: “… tảng sáng là thức dậy đi. Với đôi dép nhựa cáu bẩn, đứt quai, bộ
đồ lính bạc màu, chiếc mũ lưỡi trai, hắn lang thang đâu đó suốt ngày trong mấy
cái chợ, khu bến xe, trên đường phố, khi thì giả què, khi thì giả bệnh để xin
xỏ, và tìm mọi sơ hở của người ta để chụp giựt, chôm chỉa”.
Còn ba cô con gái: “suốt ngày chỉ lo chuyện phấn son, lụa là. Các cô tỉa lông
mày, nhổ lông nách, hoặc chăm chút hết bộ áo quần này này sang bộ khác. Khi áo
dài, khi áo đầm, khi đồ bộ. Ðủ dạng, đủ loại. Khách vào, khách ra. Những õng
ẹo, gạ gẫm, trả giá, vỗ mông, sờ ngực, cười cợt”.
Ông Tám, người chủ gia đình như một khán giả (bà vợ chỉ là cái bóng, thui thủi,
cam phận “ẩn nhẫn, nhịn nhục”), hàng ngày phải nhìn các hoạt cảnh trên bằng
những tâm trạng khác nhau: “Người cựu giáo viên ấp tân sinh cứ thế, nhìn mọi sự
diễn ra trong nhà mình hàng ngày như xem những màn biểu diễn trên sân khấu”.
Đôi lúc ông lại cay đắng, chua chát: “Biết thế này, đẻ thêm chục đứa nữa để đáp
ứng nhu cầu… Những cắng đắng, đau khổ lúc đầu, chịu riết rồi cũng nguôi ngoai.
Dẫu vậy, không có khách thì thôi, hễ có khách mang đi một cô, lòng ông lại nhói
lên một chút. Ông cảm thấy đau tê tê ở một nơi nào đó trong người, khi ở bụng,
khi ở ngực, khi ở trong đầu”.
Để cho màn kịch có thêm mùi vị đắng cay, Trần Doãn Nho thêm vào hai vai phụ,
không lờ mờ mà sáng lóa thời đại ma quỷ, ngay ở tầng-sâu-địa-ngục-dương-gian:
Một anh công an khu vực đến “thu hụi chết” và một ông cán bộ tập kết đương chức
trưởng phòng thương nghiệp huyện tuổi bằng cha ba cô gái. Một người thì hàng
tháng thu giá bán thân của ba cô, người kia thì gạ tình.
Bữa Ăn chính là những tan nát của bộ mặt xã hội hôm nay. Bộ mặt ấy không như
chapeau của Văn Việt: “ Khi người chủ gia đình/người cha, đã không thể bảo vệ
và che chở con cái, phải để chúng lao ra đường kiếm tiền theo cách đó mà không
còn thấy đau khổ, nó bộc lộ một sự thật: khi gia đình rã tan, xã hội cũng sẽ rã
tan…”, bởi gia đình rã tan chỉ là hiện tượng phơi trần bản chất xã hội đã mục
ruỗng, rã tan!
*
Trong bài Tạp Ghi Tháng Tư: Vết Thương, Trần Doãn Nho viết: “Trong đời tôi,
tính ra, tôi trải qua …bốn lần chạy. Mỗi lần chạy là một kinh nghiệm rất
riêng”. Rồi anh kể lại kinh nghiệm bốn lần chạy đó, lần lượt từ thời bé con khi
Việt Minh nổi lên tổng khởi nghĩa năm 45-46, chạy Mậu Thân, chạy Mùa Hè Đỏ Lửa
và chạy dài… theo chiều dài trên phần đất bên này vĩ tuyến 17, lần cuối cùng,
30/4. Bốn lần chạy là chạy trốn cộng sản, những con quái vật hình người!
Cảnh chạy lần đầu khi còn là bé con: “Thay vì chạy và đi, thì tôi được gánh.
Tôi một đầu, ngồi trong thúng. Đầu kia là một ít gạo và đồ đạc. Cứ thế, mẹ, chị
và anh tôi thay nhau gánh, theo đoàn người, tản cư về một nơi vô định”.
Cảnh chạy tết Mậu Thân: “Cả gia đình tôi dắt díu nhau, không chỉ chạy, mà là
chui, rúc, lăn, trốn từ vùng bộ đội Cộng Sản chiếm đóng về vùng quốc gia. Đoạn
đường không dài, chỉ 5,7 cây số nhưng là một biên giới sinh tử”.
Rồi đến Mùa hè đỏ lửa: “Kinh nghiệm Mậu Thân đã mang cả Huế ra đi. Ngay lập
tức. Không chần chừ. Không đắn đo. Không tiếc nuối. Khi nghe tin bộ đội Cộng
Sản vượt sông Bến Hải, là Huế đã bắt đầu chạy. Hối hả chạy, bằng mọi cách, mọi
giá. Mang được gì thì mang, không mang được thì bỏ lại”.
Và 3 năm sau, khi miền Nam bị xoá sổ: “Chạy. Hễ còn chạy được là chạy. Đi bộ,
đi xe, đi thuyền, đi tàu, đi máy bay, đi, đi, đi, đi đâu, miễn là thoát khỏi
Cộng Sản. Chạy: biết bao thảm cảnh, nhất là thảm cảnh thuyền nhân rúng động thế
giới. Chạy: một cuộc “bỏ phiếu bằng chân” vô tiền khoáng hậu”.
Lần chạy nào cũng có nước mắt thậm chí cả máu… của những người dân vô tội. Anh
lơn tơn kể, độc giả vừa đọc vừa ngẫm lại bản thân và cả thế hệ của mình phải
gánh chịu quá nhiều đau thương tang tóc qua những biến cố trên. Ở lần chạy “bỏ
phiếu bằng chân” cuối cùng: “Lần này, ra đi, trong thâm tâm, ai cũng đau đớn
nghĩ rằng: Huế sẽ mất vào tay Cộng Sản. Thành thử, chạy là chạy…luôn, không bao
giờ trở lại. Là bỏ Huế. Bỏ Huế! Chao ôi, hai chữ “bỏ Huế” nghe như nhát dao đâm
ngay giữa trái tim. Nhưng làm sao được. Đành thôi, Huế ơi”. (https://damau.org/archives/49337)
Anh ghi lại từng chi tiết nhỏ của những lần “chạy” nó trung thực đến độ tàn
khốc, đến nỗi người đọc cảm thấy tim như bị bóp nghẹt, băm nát: “Chao ôi, những
người lính! Trong lúc cả nước miền Nam chạy thục mạng, chạy hớt hãi, chạy trối
chết…thì nơi đây, vào những giây phút cuối cùng của cuộc chiến, những người
lính nhảy dù này vẫn cứ làm nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu, như …bình thường.
Cũng như tôi, nhất định họ biết rằng Sài Gòn sắp mất. Nhưng họ vẫn ở đó, cầm
súng canh gác. Tôi bước tới, muốn làm một cử chỉ biết ơn, nhưng anh bạn tôi cản
lại. Tôi vẫy tay. Một người lính vẫy tay lại. Trong nhá nhem tối, nhìn nhau
ngậm ngùi. Đọc lịch sử, những tưởng chuyện phế hưng chỉ là của ai đó, thế mà
bây giờ, mình ở trong cuộc!”.
Những ngày cuối cùng này, anh đang ở trong cuộc… Tất cả mọi người dân miền Nam
đều ở trong cuộc. Và thảy đều đều nát tan sau cái ngày khốn nạn nhất của lịch
sử! Dân tộc Việt Nam tiếp tục chạy kể từ buổi bình minh lịch sử; chạy từ bờ nam
sông Dương Tử dạt mãi xuống phương Nam… mà chưa hết! Sẽ còn những “Thủy Mộ Quan”
cho dân tộc này sao? Đọc đoạn cuối anh viết về cái vẫy tay của mình với người
lính nhảy dù đang trong tư thế chiến đấu ở giờ phút cuối cùng trên đường phố
Sài Gòn, tôi bật khóc thầm, bởi những ngày cuối cùng đó tôi cũng dáo dát trên
các ngả đường Sài Gòn hy vọng tìm thấy cha mẹ và hai đứa em bắt đầu lưu tán từ
Tuy Hòa trước đó! Còn gì bi thảm hơn không? Và có lúc nào đó, những người dân
chạy giặc kia tự hỏi: Tại sao khi chỉ mới nhắc đến hai chữ cộng sản thôi là mọi
người đều phải bỏ chạy, chạy bán sống bán chết; biết chạy là chết mà vẫn cứ
chạy. Ôi, họ mỉn cười chọn cái chết thay vì chọn cộng sản! Anh gọi cuộc chạy
cuối cùng của dân miền Nam là cuộc “bỏ phiếu bằng chân”, một cụm từ đã lột tả
đầy đủ và chính xác mà từ trước tới giờ tôi mới thấy, tuy có nhiều nhà văn nhà
báo cũng viết về cuộc tháo chạy này, nhưng chưa có từ nào nói lên tính chất bi
thảm của dân tộc Việt Nam như một cuộc bỏ phiếu bằng chân của anh!
Từ những gì đọc được, tôi trở thành “bạn” trên từng trang viết của anh lúc nào
không hay, chẳng qua vì cách viết của anh rất đời thường, gần gũi mùi khoai sắn
trên từng góc phố, ngọn gió, giữa đẹp và xấu, giữa những giằng xé nội tâm, giữa
những xô đẩy té nhào và đứng lên. Cách viết ấy, với nhiều thể loại khác nhau,
tôi ví anh như người dẫn nắng đi chơi khiến ai cũng ngắm nhìn cái sự lạ lùng
này: hân hoan và đắng cay, hạnh phúc và đau khổ, thiên đường và địa ngục, lấp
ló những thống hận. Vậy đó, như Nguyễn Mộng Giác từng viết về anh: “anh thích
đặt nhân vật vào những cảnh ngộ thử thách, và cách nhân vật ứng xử với những
thử thách ấy rất “người”, nghĩa là chênh vênh giữa tốt và xấu, yếu đuối mâu
thuẫn nhưng vẫn có đủ nghị lực để chấp nhận bất hạnh và thích nghi với đời
sống”. (https://nguyenmonggiac.com/phe-binh/508-vet-xuoc-dau-doi-cua-tran-doan-nho.html)
Nguyễn Lệ Uyên
(Quê nhà tháng 9/2018)
*Ghi chú: bài viết theo yêu cầu của tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 82 chủ đề nhà văn Trần Doãn Nho, đã được nhuận sắc tháng 10/2018.
__________________
(1) NXB Lao Động & TT VH Ngôn Ngữ Đông Tây, HN, 2012)
(2) Dặm trường, TÂQ, HK, 2018