XỨ ĐỘNG VẬT MÀU HUYẾT DỤ
[gồm 3 tiểu truyện]
I BÓNG
II LÀNG VÀ SÔNG
III XƯƠNG THẠCH TÍN
I
BÓNG
Tàu đường sắt chạy trong đêm. Chừng giờ này đã tới miền
trung Trung bộ.
Lão Kiên đi tàu hạng nằm. Mỗi phòng có bốn giường ngủ; hai tầng.
Lão nằm giường bên dưới để bớt độ lắc lư.
Hòa bình đã nhiều năm, đầu máy tàu được thay mới, các phương
tiện phục vụ hiện đại hơn, nhưng đường tàu vẫn còn là con đường sắt hẹp, bề
ngang non một mét, được người Pháp làm ra từ đầu thế kỷ trước, thời đô hộ.
Tương truyền vua Khải Định có dự lễ khánh thành.
Thời nội chiến, đường tàu bị phá hoại tan nát, nhưng khi đất
nước hòa bình nó được sửa chữa, vẫn kích thước đó. Không có kinh phí đủ để làm
một đường tàu rộng hơn theo mẫu đường hiện đại. Chỉ trên cái nền cũ thời thuộc
địa. Lắp ghép lại những vật liệu cũ, đáng ra phải phế thải. Nên đường ray hẹp,
lỗi thời; tốc độ rùa. Thường xuyên gây tai nạn nơi những đường bộ cắt ngang. Mỗi
tai nạn có ngay cái chết tập thể, rất tang thương.
Tàu chạy càng nhanh sức chịu của đường ray hẹp bên dưới càng
khổ sở. Lão Kiên tưởng như cái sống lưng mình xoắn lại, cong vổng lên theo tính
khí con tàu. Đôi khi máy gào thét, nó lồng lên như con cọp điên nhưng lúc đó tốc
độ cũng chỉ… chừng bốn chục cây số giờ. Dù bực mình cái chậm, lão Kiên lại rất
sợ tàu tăng tốc. Nó có thể rời khỏi đường ray và bay xuống những vực sâu hai
bên đường bất cứ lúc nào.
**
Lão Kiên thấy nao nao, khi màn sương về sáng tan dần, bày ra
nhấp nhô vùng ánh điện xa xa một thị trấn. Lão tắt đèn ngủ. Kéo cái màn mỏng
che cửa sổ. Giăng bên trên thị trấn mờ nhạt ánh đèn là giải núi ngây ngây dưới
lưỡi trăng bạc hạ tuần.
Trời thưa mây. Loang thoáng những vệt hồng hoang. Chạy theo
núi một giải mây xám đen mờ ảo, có tượng hình một người đàn bà nằm. Tấm khăn
quàng mây ở cổ gió bay dài. Vạt áo mây bung lên thành đôi cánh đen. Hình tượng
người đàn bà qua áng mây đen đầu núi bám mãi theo mắt nhìn của lão Kiên. Lão nhủ
thầm: “Bà vẫn đeo đuổi theo tôi mãi ư?”
Lão choàng chiếc áo ấm, bước ra ngoài hành lang. Đêm miền
ngoài khá lạnh. Âm thanh tàu khàn đặc. Len qua mấu sắt nối vừa lỏng lẻo, vừa lắc
lư giữa hai toatàu, tay bấu vào thanh sắt, Kiên bước sang toa hàng ăn. Tàu nổi
một hồi còi dài. Sắp qua một cây cầu sắt cũ kỹ. Tàu lắc mạnh làm lão suýt rớt
xuống cái khoảng trống giữa hai mấu nối. Lão bất giác thấy hai đường ray song
song bỗng chạy hình chữ Z trên mặt đất run rẩy. Không gian như sôi sùng sục.
Lúc ngồi hẳn trên ghế lão còn chưa hết bàng hoàng. Nhắm mắt vẫn thấy những
thành cầu sắt như hàng nghìn con rít đen lướt đảo.
**
Toa tàu rộng lớn được ngăn ra, một nửa như không gian một
câu lạc bộ, nơi ăn uống, ngồi nghỉ ngơi đọc báo, cho cả một chuyến tàu. Khi lão
Kiên bước vào, nơi đây hãy cònvắng vẻ, chưa một thực khách nào. Cô gái bồi bàn
ngái ngủ. Đèn trang trí đỏ xanh nhấp nháy. Giữa tịch lặng Kiên bất ngờ nhận ra
có một mùi trầm. Không phải thoang thoảng. Mùi thơm rất cô đặc như bị phong kín
trong căn phòng thiếu gió. Kiên chẳng thấy cái lư nào tỏa khói quanh đây. Lão
rùng mình, nghi hoặc.
Phía núi, giải mây hình người đàn bà nằm vẫn bám theo con
tàu đang chạy. Hình người có thay đổi đôi chút, cánh đen của áo mây bung cao
lưng chừng trời, cái khăn quàng cổ mây kéo dài về phía sống lưng, như một cái
đuôi rắn ám ảnh.
Lão rít một hơi thuốc, nghe ấm. Cô gái khá xinh xắn đã tỉnh
ngủ. Cô lễ phép hỏi:
-Thưa, ông dùng gì ạ?
Lão Kiên bảo cho tôi một cốc cà phê. Đột nhiên qua làn khói
thuốc bay Kiên thấy một chiếc lư trầm hiện ra trên mặt bàn; mà, một tích tắt
trước đó lão không hề thấy. Nó như được mang tới bởi một bàn tay vô hình.
Chiếc lư nhỏ, khá đẹp, màu đồng lâu ngày đã lên men xanh
đen. Kiên đưa tay định nhặt xem, vô tình chạm phải một cánh tay lạnh lạnh trong
khoảng không. Không thấy aitrước mặt, bên cạnh. Cảm giác là chạm phải, nhưng
không thấy cánh tay, bàn tay. Có một giọng nói khá nhẹ nhàng từ chỗ vô hình:
“Chào anh. Tôi đã ngồi trên cái ghế đang đối diện với anh
qua một đêm rồi. Đêm dài quá. Anh có thấy khí trời năm nay lạnh hơn mọi năm?
Nghe đài loan tin đang có một cơn bão hình thành ngoài biển Đông.”
Lão Kiên có cảm giác đã nghe giọng nói buồn hoang này đâu đó
một đôi lần rồi. Khi ngủ, hay cả khi mơ màng trong tỉnh thức. Nó xa vắng lắm.
Vang thoát từ một khoảng không vô ảnh. Đầm đầm cái hương vị hờn oán, đau đau.
Vùi lão dưới lớp cỏ ngập úa kỷ niệm. Hoặc treo lão lơ lửng trong những giấc mơ
ngột ngạt:
“Xa quê, bỏ vợ đã mấy mươi năm, anh nên về để xem cái đốt
xương cụt của người vợ xưa kia anh từng ôm ấp. Hôm nay, con gái anh sắp trở về
quê nhà quật mộ em, để hốt hài cốt mẹ đem qua Mỹ. Bà ấy qua đời cũng đã nhiều
năm.”
Cô bồi bàn mang đến một cốc cà phê đặt lên bàn, mời khách:
-Mời ông dùng cà phê ạ.
-Cảm ơn cô.
Cô gái quay sang phía cái ghế trống, đối diện chỗ Kiên ngồi,
hỏi:
-Thưa… bà dùng gì ạ?
Một giọng nữ nhẹ nhàng trong khoảng không trả lời cô
gái:
“Cảm ơn cô, tôi có thức uống rồi. Tôi đang uống nước khoáng
đây này.”
Trên bàn bỗng dưng có một chai nước khoáng. Cô bồi bàn đã
nhìn thấy một người đàn bà ngồi trên chiếc ghế trống. Kiên không hề thấy.
Lão nghe trong mơ hồ, nơi ghế đối diện một hơi thở dài.
Thoáng một mùi người đàn bà. Cái hơi da thịt vô hình này đã từng như quen thuộc
với lão. Rất cũ. Hình dựng từ một tiềm thức xa xưa. Nay rung chuyển, biến ra
tâm thức, biến ra cái hiện thực tái dựng lênh đênh… Liếp cửa tre, một căn phòng
nhỏ, mở ra mặt nước sông Thu lấp lánh dưới nắng trong. Hoặc đầy ắp đêm trăng
mùa. Hoặc phong kín trong mịt mùng đông. Những buổi sớm ghe thuyền từ nguồn Vu
Gia, Giao Thủy, chở sản vật về xuôi. Một thằng Kiên trai trẻ thuở ấy vào đời, bồng
bồng như sóng...Đúng rồi, làn da thịt mông lung trong buổi hừng đông này, bật
thoát ra từ chiếc ghế trống đối diện này… như lửa bén từ quá khứ, của đêm sâu
liếp cửa, tới nay cũng đà mấy mươi năm qua.
Lại tiếng Bóng đánh thức:
“ Uống cà phê đi anh. Kẻo nguội. Sớm lạnh thế này uống một ngụm
nóng thì tuyệt…Sao anh thẫn thờ quá vậy.”
-À… à…
Kiên giật mình, nhìn qua cái khoảng không, từ chiếc ghế trống,
nơi phát ra giọng nói.
2.
Trời rưng rưng sáng. Âm dương rõ thực hơn. Giải mây đen đầu
núi,mang hình dáng người đàn bà nằm,tan dần. Ánh điện mơ hoặc từ các thị trấn,
làng mạc xa trong đêm đã tắt. Tàu chạy qua một vùng cát ven biển. Dương liễu
xanh ngàn trong sương sớm. Hình như đài phát thanh đang loan một tin báo bão
xa.
Chỗ ghế trống, thoảng mùi da thơm và trầm ngát, bây giờ có một
người ngồi. Chừng như giải mây đầu núi đêm qua đã tan đi, để hóa hình một người
đàn bà trước mặt lão Kiên.
Lão nhủ thầm: “Bà bay theo núi, bà ngồi trên ghế, vẫn một
hình thế đen.”
Bà “hình thế đen” kéo cái tà áo bung cao chỗ lưng chừng
không, thu ngắn khăn quàng cổ, thuần thục như dụ rắn. Hai cánh tay như có như
không. Bà chậm rãi mở chiếc khăn trùm mặt. Một vừng trán trắng bạch như màu bột.
Đôi mắt khá nhiều lòng đen. Một chiếc mũi cao, dài, thoạt nhìn như khuôn mặt Đức
Mẹ.
Đây không phải người đàn bà Kiên đã thường trực thấy trong
những giấc ngủ khuya khoắt. Người ảo tượng trong mộng kia đen kín cả người.
Luôn trùm khăn che mặt. Chỉ rao truyền lời phủ dụ:
“Về đi. Tìm quê đi. Con gái em sắp đào mộ em, và mang xương
em rời khỏi quê nhà này…”
Những lúc như thế, thường là trong giấc ngủ, sau lời mơ hồ
nhắc nhở, lão Kiên bắt đầu rơi tự do, có khi từ một đỉnh núi, khi từ lưng chừng
mây cao, nhưng tốc độ rất nhanh, không kịp thở, và lão rớt chết giấc trên một nền
đất máu me. Tỉnh giấc, Kiên hiểu là ác mộng.
Dần dà những ác mộng là của riêng mình, là bạn lữ, là bệnh,
là thường trực cái bóng đen lơ lửng, to lớn. Nó huyễn hoặc. Nó lẫn pha giữa cái
thực và ảo giác. Nỗi đau nhức không rời trên cái sân khấu vô hình. Lão phải thường
trực đánh vật với ranh giới thực, mộng. Phải khó khăn để nhận mặt
chân,hư.
Làm sao lão có thể tự khấu trừ những trò hư ảo tàn phá, ăn
sâu a-xít vào những tháng năm xương máu có thực, đời lão. Khấu hao xong những
trò vong mạng phung phí, đời lão chẳng còn gì. Một cục cứt trôi sông. Mà con
sông lịch sử chẳng hiền hòa chi. Nó đánh tan tác không còn một-đơn-vị-cứt-nào-được-riêng-cục-hòn.
Tất cả hòa thành bãi rộng bùn hôi. Tập thể. Tăm tắp. Tất cả là một mênh mông hư
huyễn.
Nhưng trên cái bãi lầy thời thế rộng dài, cái sử lịch tô bồi
là vĩ đại, có bọn người duy nhất ngụy tín là chúng sẽ vĩnh cửu tồn lưu.
Nơi, cỏ không xanh ra màu xanh. Bèo không đủ nước sạch sông
trong để trôi lung phận bèo. Chỉ côn trùng, ễnh ương, nhái cóc trên cái thảm sử
lịch tồn vinh ấy. Cái xứ Toàn-Chuồng. Không nền tảng để bám rễ làm sao có đại
thụ. Một xã tắc xiêu ngã. Nó rất phù hợp với những Sắp-tắt-tà-huy. Là nơi trăng
không mặt nước đổ vàng. Nó tối cái u minh hiểm ác, không dung chứa giấc mơ đẹp
nào.
Bà. Cái Bóng đen hóa thực. Vẫn ngồi đây. Một trực diện. Mà
mâu thuẫn đồng hành.
Lão Kiên nghe mùi cà phê đắng trong sớm lạnh. Tàu chạy ra khỏi
một cái hầm xuyênnúi. Một cánh đồng xanh hiện ra trong nắng sớm. Xóm làng xa
xa. Trên đồng ruộng đã rải rác nông phu. Con đường cái quan song hành với đường
tàu xuyên Việt từng tốp xe tải chạy nối đuôi nhau.
Miền Trung bộ có một địa hình khá đặc biệt. DãyTrường Sơn bắc
nam mấy trăm dặm chạy song song cặp bờ biển đông. Nó cong cong cái sống lưng chữ
S. Khom khom cái còng nặng gánh nghèo khổ, phân ly và nỗi nhớ. Nhiều nơi núi
khinh bạc, ngang tàng đâm thẳng ra biển, tạo nên những đèo cao hun hút, hiểm trở.
Đường tàu có nơi sát rạt đường xe. Xe, tàu cùng chạy song
song. Người trên tàu có thể vẫy tay chào, nhìn rõ mặt người đang ngồi trong xe
bon bon. Xa hơn một chút thôi, qua những rặng dừa rậm bóng, là biển xanh vỗ
sóng trắng vào bờ.
Những bình nguyên hẹp, khiêm tốn khổ đau này,Huyền Trân đã
đi qua, Nguyễn Hoàng mở nước phương Nam, Nguyễn Huệ đã vượt dặm ngàn đến Thăng
Long. Ca dao đã đi qua. Và máu xương gởi lại.
3.
Bất ngờ xuất hiện trên bàn một cái lọ bằng gốm. Người-đàn-bà-bóng-đen
nở một nụ cười thân thiện. Tay chỉ vào cái lọ, giọng nói trầm, chậm rãi:
“Anh ạ, cái lọ này tôi mua về để cho con gái sẽ đựng di cốt
của tôi.”
Lão Kiên bàng hoàng:
-Bà mua cái lọ đựng hài cốt của bà ư?
“Dạ, hài cốt chính tôi. Mấy mươi năm. Bây giờ chỉ còn tuyền
xương đen.”
Đây là loại lọ gốm thường được bày bán trong các chùa dùng đựng
tro người, sau khi hỏa thiêu. Lọ có những hoa văn, màu sắc trang nhã, rất giống
nhau, vì được sản xuất hàng loạt trong các lò gốm.
Bóng bê chiếc lọ lên. Bàn tay trắng như bột bún mân mê lọ.
Bóng nói:
“Tôi mua cái lọ gốm này từ chùa Pháp Giao. Nhờ anh bạn họa
sĩ vẽ thêm hình cái xương cụt cho đặc biệt riêng tôi. Tôi không muốn linh hồn
mình đồng phục, lẫn lộn trong hàng. Anh xem, người họa sĩ có tài tình không
nào? Thọat nhìn cái hình vẽ xương cụt y chang một cái xương thật gắn lên mặt lọ.
Nó gồ hẳn ra đây này...”
Bóng quay lọ, phía có hình họa một chiếc xương cụt màu đen
qua phía Kiên để ông nhìn được rõ.
“Tương truyền trong dân gian đốt xương này có một liên hệ
khá bí ẩn với danh dự người đàn bà. Nó là một thử thách, một chờ đợi dài dặt
cho chứng nghiệm một sự thực, về sau cái chết. Khi cái xương đã tàn, đen trong
huyệt mộ, chính là lúc nó làm chiếc gương soi cho lòng chung thủy. Cái xương cụt
có bao nhiêu đốm trắnglà người đàn bà ngoại tình bấy nhiêu.”
Lại một giọng nhẹ, khá thân thiết của Bóng:
“Con gái tôi năm hôm nữa, từ Mỹvề quê mẹ, sẽ hốt cốt tôi.
Trên đồi Phù An. Nó không hề biết mặt cha. Cha đã bỏ đi khi con chưa chào đời.
Con gái tôi xinh đẹp lắm. Thuở ấy chồng tôi đoan quyết là tôi đã ngoại tình. Đứa
con bốn tháng trong bụng vợ không là con của mình. Là con thằng Thuồng.
“Chồng tôi đã bỏ xứ ra đi. Rồi nhân danh cái lý tưởng chính trị
riêng ông, để chính danh cho hoàn cảnh xấu xa đáng biệt xứ. Theo ý chồng
tôi,không nỗi nhục nào bằng cái nhục bị vợ cắm sừng.”
Bóng lại thở dài than van:
“Đã mấy chục năm qua…”
Kiên cũng có một nghi hoặc như thế đã mấy mươi năm. Cuộc độc
thoại ẩn mật trong đáy lòng ông đã rêu kín, ẩm mốc, luống sâu trong mưa nắng.
Nó giờ đây mở ngỏ,để Kiên dứt khoát bước khỏi cái liếp cửa, bỏ lại con sông
Thu.
Quả thực, từ bao năm, Kiên đã ngụy trang, đã trung hòa nỗi
nhục riêng tư, vợ ngoại tình, vào một nỗi nhục lớn hơn. Ông đã bỏ một con sâu
nhỏ vào cái môi trường nghìn triệu sâu bọ, rồi phong kín, tô vẽ và tôn xưng
nhãn hiệu.
Cái lý tưởng nào vĩ đại đủ che bóng, hào nhoáng cho lớp sâu
trùng đen. Cái lăng tẩm tổ tiên vua chúa nào rực hào quang trang nghiêm để cứu
chữa, rửa sạch ung thư cho những thế hệ bị lừa. Những thế hệ lừa ngựa đã biến
thành sói, cực hung hăng trong hoang mạc đồng loại Toàn-Chuồng.
Hôm nay trên mặt đất đi qua đã thừa ánhmặt trời để nhìn lại,
nhận ra. Kiên thở dài, buông một lời tự hối với Bóng:
-Hồi ấy khác. Bây giờ có thể chồng bà đã hiểu ra là có những
nỗi nhục gấp nghìn lần cái nhục bị vợ cắm sừng. Con mụ vợ đưa đồ cho thằng khác
xài là chuyện nhỏ. Cả một dân tộc này bị lôi lên giường gian dâm với những tên
đồ tể, bị hôn mê bởi những lời dụ dỗ, bị chủ thuyết hôn ám ma đưa lối quỷ dẫn
đườnghiếp, hãm. Nhục thời thế,chẳng hạn. Nhục mình hát ru, tự lừa phỉnh để tiêu
pha vô nghĩa cả sinh mệnh riêng mình,chẳng hạn.
Bóng buồn phiền:
“Đó là nỗi nhục phù điêu thân phận của riêng các anh. Cái nhục
của chúng tôi là âm thầm, tiềm ẩn. Nhục ở dạng chỉ là ‘ta - nghi - ngờ.’... Mà
anh à, sao các anh mãi lẩn quẩn trong nhục vinh?”
Bóng bê chiếc lọ có hình xương cụt, quấn ngoài một lớp lụa
dày rồi cẩn trọng đặt lọ vào một cái hòm nhỏ bằng gỗ quý sơn màu huyết dụ. Trên
nắp hộp có hình một cái xương giống hệt hình xương trên chiếc lọ.
4
Tàu hú còi. Lại qua một cây cầu dài chừng hơn một cây số.
Con sông rộng mênh mông vào mùa nước cạn đã bày ra giữa dòng chảy những cồn bãi
rộng. Cát vàng và màu xanh của những vùng dân chài rỗi việc trồng khoai đậu qua
mùa. Những chòi lá lác đác xa. Mây đùn đen đằng đông.
Bóng lấy một cái khăn lớn trải ra, gói cái hộp sẽ chứa đựng
hài cốt chính mình. Lão Kiên không ăn điểm tâm mà gọi thêm một cốc cà phê. Dạ
dày của lão đã quen ướp mỗi ngày dăm baly đen đen, phổi vài ba chục điếu thuốc
lá. Lão thường ví von:
-Ta un khói tâm linh.
Bóng nghe âm vang tàu rùng rùng bởi chiếc cầu sắt khá cũ, đột
nhiên hỏi lão Kiên:
“Anh có nghe dưới lườn tàu đang xuôi ngược bắc nam này, con
đường sắt lạnh lẽo nói gì không?”
Kiên trả lời với khoảng trống :
-Con đường này có hơn trăm tuổi, đã lắm tâm sự. Nhưng tôi hỏi
bà,ai là kẻ đọc được tâm sự của sắt thép?
Bóng giảng giải:
“Có đấy anh ạ. Là một kẻ đang Chết trên dương gian và đang Sống
trong âm phủ, tôi hiểu được nỗi lòng con đường tàu nối liền xứ sở này. Tôi có
thể nghe được đất đá nói gì. Hiểu cả súc vật quanh đây buồn gì. Cỏ cây đau gì.
Vì sao anh biết không? Vì tiến trình của các anh, vì con đường Bắc Nam này của
các anh đang chạy trong một Cõi địa ngục."
Kiên nghĩ về chuyến đi, bất ngờ than thở:
- Không biết bấy giờ ngoài ấy ra sao. Tôi đang trên đường trở
về thăm quê nhà đây.
Bóng vang:
“Sàigònquê hương thứ hai của anh đang là xứ sở của Rắn. Làng
quê, nơi chôn nhau cắt rốn của anh thuở xưa nay cũng chẳng còn đâu. Con sông
Thu đã đổi dòng chảy. Không phải do Lửa thiêu, mà là Nước tàn phá. Mà Lời lạc lối.
Sóng phù du đã xóa tan làng Lạc Long quê cũ của anh rồi.
“Nó mang đất cát sông Thu bên này bồi sang bên kia bờ. Quê
nhà anh mất dấu bên bờ này. Để hóa hành bãi bồi bùn đen cát vàng bên bờ kia.
Ngày mai về tới làng cũ, anh sẽ tận tường. Anh đang trên một quê nhà luôn mất
bóng...''
Kiên nắm chặt bàn tay. Những đầu ngón bầm máu.
Bóng bỗng nói, như lạc đề, khá mơ hồ:
“Mỗi lẫn bốc mộ tổ tiên, con cháu có dịp nhìn rõ, nhưng chỉlà
những xương tàn đen đẫm. Anh linh nào, khí phách nào của quá khứ? Khi bọn trai
trẻ phải quay lơ không đủ can đảm nhận mặt cha ông, cái đã rã mục rặt mùi tử
thi nghĩa địa."
“Con gái yêu dấu khi bốc mộ Mẹ không biết có đủ thân ái nhìn
rõ xuống huyệt cũ? Có đủ bình tĩnh sắp đặt xương cốt Mẹ cho đúng vị trí hình
hài? Có cẩn thận xem còn sót cái xương tàn nào trong hộc mộ hay không? Rồi
chúng sẽ bê mớ xương tàn tôi ra đi. Cũng đành…”
Trời nắng cao. Mây. Núi. Và người.
Trong đầy mặt trời là sóng biển.
II
LÀNG VÀ SÔNG
Kiên về tới quê nhà sau mấy mươi năm biệt tích, đã ở lại một
vài ngày đầu, không thấy ai là người quen biết. Có thể bọn trẻ lớn lên, không hề
biết ông là ai. Có thể nhìn qua đám trẻ ông không rõ trong đó đứa nào là cháu
chắt của mình. Đường thôn dã, xe honda chạy càn lướt, phịt khói, lấn lề. Bức
tranh quê trước mặt không phải đã khác đi, mà hoàn toàn bị xóa nhòa.
Ngã ba Trạm xưa kia chỉ dăm mái lá bây giờ là một khu thị trấn
với một cái bến xe to rộng, đường phố nhà đúc, người tứ xứ đổ tới, cửa hàng tiệm
ăn. Cách nói năng ăn bận xử sự, cách vội vã tranh giựt, nóng sốt và bóng loáng.
Nó là cái khuôn đúc của một góc nhỏ Sàigòn. Kiên đứng yên, thấy mình bốc khói
mau chóng trong một ngã ba quê hóa cuồng.
Cách ngã ba Trạm xưa kia chừng cây số có một ngọn đồi. Thuở ấy
ngay chân đồi có một hồ nước rộng, mùa mưa hồ rộng như một căn biển đối với
Kiên tuổi thơ. Bây giờ ngập nhà cửa dân cư. Ngọn đồi ấy sao bé tẹo tèo teo như
một cái gò cỏ xanh trên trang giấy vẽ. Nó chìm trong tiếng đời nhấp nhô, vì
Kiên đã đi quá nhiều, đã ngủ trong cái cao ngất của núi già, đã từng ngồi trong
một chiếc thuyền bị bão đánh mất phương hướng, tay sờ được thần chết chỗ bọt
sóng trùng khơi.
Những nỗi đời dài dặc to lớn kia đã gói gọn cái lớn lao mang
tính huyền ảo tuổi thơ trong một viên kẹo nhét túi.
Trong viên kẹo nhét túi giang hồ ấy, có một đêm Kiên hai
mươi rủ rê được con Nghía mười tám ra bờ hồ ngã ba Trạm ngồi chơi. Trăng trải
ngời ngời. Bờ cỏ ướt. Trải tấm chăn nhỏ ngồi chung. Tiếng gió tiếng dế, ngọn
đèn xóm người xa ngái. Mái tóc gái con Nghía thoáng mồ hôi quê làm Kiên ngây ngất.
Nhưng ngồi mãi đêm vắng nhiều sao trời, Kiên chẳng biết làm
gì con Nghía. Chỉ lúng túng nói vẩn vơ. Một lúc con này bạo, cầm bàn tay Kiên đặt
ngay lên ngực mình. Một khuôn ngực gái quê to bự, chắc như cái lốp xe căng. Từ
đó Kiên trai trẻ biết bóp vú là gì. Một thằng Kiên hiền dại như thế bây giờ
thành lão Kiên hóa ma tinh.
Rồi con Nghía có bầu.
Một phần hương quê nay không hề còn trước mặt Kiên. Chỉ sau
lưng tháng ngày một bản đồ quá khứ. Nó Vô hình? Hay chí mạng Hóa hình trong một
đầu thai kiếp mới?
**
-Đi về phía bờ sông kia. Hãy còn non một cây số.
Quái, ta nhớ từ chỗ ngã ba đường này phải đi hơn cây số, qua
những vườn tược, cái đình làng, mấy đám thổ ngơi mùa xanh lá khoai luống bắp, rồi
mới tới bờ sông. Sao bây giờ nước sông vỗ ngay mép đường này. Vậy nương khoai
đình làng đụn rơm khói chiều nay trôi dạt về đâu. Lão Kiên than thở.
Người lái xe ôm trai trẻ nhìn cái bờ sông bị nước chảy xiết
khoét lõm, bờ đất thẳng đứng hiểm trở, như một lưỡi dao trời dựng, có độ cao
hơn chục mét tính từ mặt nuớc sông, cậu ta trả lời lão Kiên:
-Cháu có biết mô tê gì đâu. Cháu từ bắc vô nam sau bảy lăm
mà. Tới đây đã thấy trời nước như vầy rồi. Chỗ vực sông này mùa hè năm ngoái có
bốn em học sinh chết đuối. Hè năm nay lại ba đứa. Có ma đấy. Luôn chết chìm, chết
chùm một lần một lúc.
Bọn họ dừng xe trên một khoảng đất rộng nhiều bóng mát, ngay
bờ sông. Gió trống không, lồng lộng. Sông Thu hôm nay, bị nước phá bờ, nên rộng
gấp đôi dòng sông xưa. Giữa dòng thuyền ngược xuôi. Thuyền lớn hơn, sức chạy mạnh,
nhanh hơn thời con Nghía. Những con đò nhỏ đã có máy đuôi tôm nổ vang phì phạch
băng nuớc.
Lão Kiên nhìn về phía đông, xa xa một chiếc cầu mới, dài gấp
đôi chiếc cầu cũ.
Màu nắng trưa xa ngàn sương khói. Một cây đa nhoài ra vòm nước.
Chùm rễ to lớn tua tủa như râu phù thủy buông thòng từ cành lá sum sê. Ở đó bỗng
xuất hiện mờ thoáng một người đàn bà trong trang phục màu đen.
Bà phảng phất như mây núi sớm Kiên đã thấy khi ngồi trên
chuyến tàu về sáng. Như cái dáng xa vắng, vàng lạnh giới thiệu cái lọ xương cụt
trong toa tàu. Như cái bóng lênh đênh trong giấc ngủ hằng đêm lão Kiên rơi rụng.
Trong bầu trời nắng trưa lộng suốt mặt sông, người đàn bà
đen bước ra khỏi bóng cây đa sầm uất những rễđabuông thòng. Sóng vỗ dưới thấp
những mảng đất xám pha bùn. Bóng tiến đến chỗ lão Kiên đang ngồi thẫn thờ khói
thuốc bay đầu môi.
Bây giờ lão nghe mơ hồ tiếng gió, tiếng sóng sông, tiếng đò máy
xa xa. Hàng cây con đường nhựa trưa bốc khói trắng, dẫn về hướng núi.
“Con đường này dẫn về vùng tháp Chàm Mỹ Sơn đây. Tôi có một
tuổi nhỏ với rêu và cỏ hoang, với những đỉnh tháp lá xanh thưa và chim mùa
đông. Những cơn mưa hoang mị cùng những tiếng vang động mơ hồ không thể định hướng
từ dĩ vãng Chàm. Có một lần tôi thấy xác người và máu giữa những khe đá. Những
bầy dơi thiêng. Và những vỗ cánh trong không, khi chiều xám…”
Vẫn khuôn mặt trắng màu bột, thân nhẹ như trôi, bà ta một
làn khói trên sông trưa. Bóng hỏi Lão Kiên:
“Anh tìm Lạc Long? ”
Vâng, Lạc Long làng cũ của tôi.
“ Lạc Long trôi đi rồi. Bên kia sông kia kìa.”
Người Bóng chỉ tay qua bên kia, bờ phía nam :
“Con sông Thu chảy rất xiết, sóng to, lại tính khí cuồng bạo.
Nước phá Nước. Nó tàn phá Lạc Long chỉ trong vòng hai mươi năm. Nó bưng bê nhà
cửa vườn tược, từ đường, đình miếu, giếng nước, lư đồng, tiếng cười nỗi nhớ của
Lạc Long đi rồi. Nếu Lạc Long còn hồn thiêng đâu đó hồn sẽ bay lánh nạn. Anh có
thấy bãi xanh xa xa bên bờ Nam kia không. Đó, nó làm tiêu tan cái lịch sử
phương này để là cát vụn bờ kia. Nó biến cái Sống cùng tổ tiên Lạc Long các anh
thành những bãi lầy để mãi chờ tương lai cải tạo.”
Kiên dõi mắt qua bên kia bờ phương Nam, chếch về hướng biển
đông. Một vùng cồn đất mới, xanh biếc màu cây cùng sương khói, những bãi dài
cát pha đất màu thoai thoải. Lác đác những mái chòi. Chưa thấy xóm làng nhà cửa
sầm uất. Hậu thân của Lạc Long là cồn bãi kia ư?
Trong lịch sử không chỉ một lần sông Thu đổi bờ. Tương truyền
thời phân tranh xa xưa, từng một lần sông quát dữ, chuyển mấy trăm mẫu đất làng
Phù Ly phía Bắc đổ qua bên kia bờ sông phương Nam, thành những bãi bồi bát
ngát. Dân Phù Ly mất đất bèn rủ nhau qua bên kia sông cắm cọc trên bãi bồi đất
mới, để giành lại đất đã mất.
Một cuộc tranh chấp đẫm máu đã xảy ra giữa một bên bị Nước
làm mất Đất, và bên kia được đất mới. Dân chúng vùng bãi bồi mới cho rằng do tự
nhiên trời đất ban cho. Dân Phù Ly đinh ninh như đinh đóng cột rằng không có đất
của họ trôi đi thì sông lấy đất đâu bồi đắp cho bên kia.
Không bên nào nhịn bên nào. Cuộc chiến dành đất đã làm cho một
số dân hai bờ mất mạng.
Vụ án ra tới cửa quan. Trong lúc chờ quan về xử phải trái,
dân mất đất không cho chôn người. Họ căng lều bạt dưới gió để xác sình thối
trên bãi nắng làm cớ. Ít hôm sau, Quan về tới chỗ rặt mùi tử khí. Đầu tiên dân
bờ Nam phải dâng rượu cho quan uống. Để mần chi? Để quan khử mùi và giữ thần
thái bề trên.
Vị quan khá từng trải, lại thông minh. Quan quan sát hiện
trường. Lại nghe sức gió nhẹ. Hướng gió là hướng từ đất liền thổi ra giữa dòng
sông. Mùi thối nếu lan tỏa cũng chẳng bao dặm xa vào phía xóm làng, nghĩa là
không ảnh hưởng gì vào phần đất cũ của dân được bãi bồi. Do đó, là đại diện cho
triều đình, quan xử thế này:
“Phải trả đất cho người mất đất. Mùi thối từ thây người trên
bãi bồi bay tới đâu thì đất đó thuộc Phù ly, tức dân làng bị sông Thu xóa đất.
''
Quan lớn xử xong quan lên kiệu ra về. Mọi việc giao cho quan
nhỏ hơn, ở sở tại lo thừa hành sau đó.
“Nhưng thiên đạo năm ấy cực ác. Sau khi có lệnh quan rành
rành, gió bất ngờ đổi hướng – thay vì từ Nam ra Bắc lại đảo ngược từ Bắc vô
Nam. Giống như thuở Nguyễn Huệ vào Thăng Long nhờ gió thổi khói ngược chiều, trả
khí độc do Tôn Sĩ Nghị đã-đốt về lại cho Nghị. Nhưng đó là gió thuận lòng trời
muốn cho muôn dân thoát ngục. Đằng này trời ác, muốn cho muôn dân bờ Nam lâm nạn.
«Khi quan triều đình vừa rời khỏi bãi bồi, tức thì gió trời
không thổi thuận chiều theo mùa, từ Nam ra Bắc, nghĩa là từ bờ Nam ra sông nước
giữa dòng như muôn năm thổi. Mà trời bắt gió trở ngược từ Bắc vô Nam. Nghĩa là
đưa cái mùi thối tha từ sông nước bìa làng, chỗ tranh chấp máu me thây người,
vào sâu làng xóm phương Nam. Làm cho thối đình làng, thối miếu thờ nhà cửa. Thối
cả đường đi sỏi đá, khóm tre bụi trúc.
«Tắm xong cho một em bé, ngửi nó lại nghe thấy mùi tử thi
nơi đứa trẻ sơ sinh. Đốt nhang trầm cúng vái tổ tiên đã nghe ra ngay mùi tử khí
trong hương trầm nghi ngút chỗ bàn hương án. Làm như thối từ tiên tổ thối ra.
Gái trai xinh tươi thề non hẹn biển yêu thương nhau, là giữa hai làn môi chí
tình đã có ngay mùi thối tha chết chóc oan khiên đâm chém.
«Trên bãi chiến trường giành đất tanh hôi, càng lúc gió càng
mạnh hơn. Reo rẻo. Từ bờ Bắc vào xóm làng phương Nam. Ra đầu ngõ thấy xác người.
Đêm nằm đầy ác mộng. Tỉnh giấc là tứ phương thối hoắc.
«Dân bờ Nam hoảng loạn bỏ làng xóm miếu mộ già trẻ nhất tề bỏ
xứ mà đi. Tre trúc có hồn mà không có đôi chân, đâu thể ra đi, đành đau đành
úa. Những sinh linh, hồn phách và cội nguồn đã lỡ cắm rễ sâu trong Đất Mẹ, đành
ở lại Bờ Nam thì đành tan, chịu gục."
Tương truyền, sau khi dân bờ Nam bỏ chạy, dân bờ Bắc được
nhiều vùng Đất Mới, đã lập Lăng thờ quan. Là Người đã định danh lịch sử, đã tân
lập địa giới mới, thông qua mùi tử khí, và xác người ngập ngụa.
Nhưng rõ ràng Lão Kiên đang dõi mắt nhìn cái bãi lầy tăm tắp
kia. Cây đa trên sông quê Lạc Long rủ bóng trưa một chòm râu ma. Người Đàn bà
đen lúc nãy đã tức tốc hóa mây. Con đường nắng nhòa, dẫn về xa kia vùng tháp
Chàm Mỹ Sơn, như có nếp gãy. Lão chợt nghe một tiếng trống xuân vang vang ở đâu
giữa dòng con sông Thu của dĩ vãng đang gầm dữ.
III.
XƯƠNG THẠCH TÍN
Buổi tối, nơi quê xưa, Kiên đến ngã ba Trạm thuê một phòng
trọ. Lão nhớ hai cái vú cứng như núm cao su của Nghía, nhớ bờ ao cỏ dại. Nhớ
chuyến tàu hỏa thời thuộc địa chạy than, phịt khói hú còi hoét hoét qua ga Kỳ
Lam. Chiếc cầu sắt ốm o như cố khiêng vác con tàu thuộc địa chậm chạp qua một đỗi
đường. Lão nhớ ngã sông Giao Thủy nước bạc đầu đông. Nhớ chợ Phú Bông 1945 lính
Nhật lùn đi lại, đầu đội cái nón vải có hai mảnh vải phủ hai bên tai như tai lừa.
Lão trùng lẫn giữa sự đời có thật với những ảo giác, những
bóng hoang xa trong mịt mùng giấc ngủ. Chỗ này đây, đúng rồi, hồi xưa đứng bên
cha, đứa bé cao ngang lỗ rốn cha. Mái tóc thằng Kiên dúi vào đụng ngay cái hòn
giái cha, phải, chỗ này đây, dưới cơn mưa mộng tháng giêng, cha cho ra Phố Cổ
xem đèn lồng trăng gương.
Rồi một lần khác đầu thằng Kiên ngay ức ngực cha, thằng này
chóng lớn, theo xuôi sông Trường dọc xứ Quảng vào tận vùng Bầu Bầu, Bến Ván tìm
thuốc chữa bệnh. Trảng cát Chu Lai như một cái sa mạc trùng khơi vây tuổi nhỏ…
Đêm Ngả Ba Trạm, đã khuya, Kiên ra đầu đường mua một chai rượu
trắng hiệu Thăng Long, mấy cái nem Vĩnh Điện, một đèn lồng Phố cổ Hội An. Lão tắt
ngọn néon, thắp đèn lồng. Để cửa mở, nhìn ra con đường cái quan xe giăng hàng
ra bắc về nam, lão ngồi uống rượu, nhấm nháp bóng mờ một mình.
Đã bảo, từ khi biết Nhìn-Lại, lão Kiên có cái thói quen khốn
nạn là chỉ ngồi trò chuyện với mình, cụng ly mỗi mình. Lão tự ăn mòn mình. Ngồi
cô ngủ độc. Đem ruột gan phèo phổi mình ra nhâm nhi. Bày hai cái chén. Rót rượu
đầy hai ly. Kiên nâng ly. Ngó ra khoảng trống vắng chỗ bóng cây mờ ánh đèn đường
cửa vào, lão mời:
-Có linh thiêng người hãy về uống với tôi một ly. Bóng
ơi…nào…cạn ly.
Nói xong, lão chờ một chút theo thủ tục mời rượu, rồi ngước
mặt, tay nâng ly rượu. Nốc cạn. Ánh đèn chỗ hành lang không đủ sáng, soi mờ mờ
bóng cây góc vườn. Bên ngoài cổng nhà trọ có một đám vô gia cư, tàn tật, già
nua, trải chiếu chăn ngủ tạm lề đường. Bóng đen lá và ánh vàng chen nhau lay động
trên nền sân.
Bỗng, có âm vang trong bóng hoa nhạt nhòa:
“Chiều mai con gái chúng ta về. Sáng ngày mốt mời anh lên đồi
Phù An nhìn xuơng cốt em. Mùa này thanh minh, nhiều người đi hương khói tổ
tiên. Muốn nhận ra con và em, và mộ em, anh hãy tới chỗ cái mộ không có bia đá,
chỉ một cụm bông trang nở hoa đỏ. Con gái anh bận áo dài màu hoa cà, quần trắng.
Nó không hề biết mặt cha nó đâu!''
-Uống cùng ta ly rượu. Rồi hãy nói. Ta sẽ nhớ lời căn dặn
mà.
“Lúc anh tới nơi có thể mộ em đã đào ra xong. Một vị sư đứng
chỉ vẽ thủ tục hốt cốt cho con gái anh. Bên cạnh cô gái có một cái bình. Trên
thân bình có hình họa một cái xương cụt màu đen. Đó là những tín hiệu em gợi ý
cho anh.”
- Bảo cùng ta cạn một ly mà. Sao dặn dò hoài vậy chỗ âm
dương?
“Anh không nên nói năng gì. Đừng than van. Quá khứ sẽ rất bị
tổn thương khi anh có ý kiến, dù đau tiếc.
«Trước mộ, mong anh đừng bái lạy, dù một cái nghiêng mình.
Anh sẽ có quà tặng từ những gì được bốc lên từ mộ của em. Dưới mặt đất, trong
lòng mộ, sẽ còn, sẽ có món lưu niệm dành riêng cho anh. Hãy cầm cái xương tàn
lên mà làm gương soi.”
**
Ly rượu mời chỗ khoảng trống trước mặt Kiên bỗng nhiên cạn.
Lão nhủ thầm: “Vậy là hồn thiêng đã biết nghe lời ta. ”Lão rót thêm hai ly rượu
đầy. Bóng cây mòn mỏi ánh đèn khuya chỗ góc vườn. Lão Kiên và Bóng tâm sự:
-Ở Phù An nhiều người quen biết ta lắm. Ta chẳng muốn gặp
ai.
“Phù An chỉ còn mỗi cái nghĩa địa mênh mông, chẳng có chẳng
còn người đâu!”
-Sao chẳng còn ai?
“Phù An đi làm anh hùng chết ráo. Phần sinh linh còn lại bị
nhiễm chất độc da cam. Cha mẹ tật nguyền. Con quái thai. Đứa bé lỗ tai ở trước
trán. Miệng cười chỗ vành tai. Người ta bỏ làng ra đi cả rồi.”
-Vậy thôn Xóm Đục dân tình ra sao?
“Nước xóm Đục toàn bộ nhiễm chất độc của bọn đào vàng. Bờ mê
cỏ úa. Sông không cá. Núi non trơ cành. Uống phải nước là chết người.”
Kiên nghi hoặc, than van với Bóng:
-Nghe rằng lòng đất nhiễm thạch tín thì xác người trong mộ
khó thể tiêu tan. Làm sao xương nàng được khô ráo mà hốt hài cốt? Mà con gái
nàng có thể mang tro xương ra đi nơi dặm nghìn?
Bóng hờn dỗi:
“Tôi là một nhân phận đặc biệt trên non nước này. Tôi tự hủy
khi còn đang Sống. Lại huy động được máu xương của mình sau khi đã Chết. Tôi chống
lại được cả thạch tín. Tôi là Xương Thạch Tín. Hủy diệt hay không là quyền ở
Tôi. Cứ lên đồi Phù An mà xem.”
-Sao mà gay gắt quá vậy cà?
“Ai bảo anh xương tàn không có nỗi đau?”
2.
Đứng trên đồi Phù An, nhìn xa xa thấy rõ nhà thờ An Sơn. Lão
Kiên thấy thập tự giá sao nghiêng nghiêng, như một vạch chéo xóa sổ niềm tin
trên bầu trời. Hơn nửa thế kỷ trước Cha Xứ An Sơn làm đơn xin Ủy ban Kháng chiến
tình nguyện đốt nhà thờ. Cha bảo con chiên ngoan:
“Từ nay các con hãy nhìn Chúa trong Đỏ, và Lửa.''
Tiêu thổ kháng chiến là thượng sách. Cha đẻ lão Kiên, từ cái
hôm nghe tin giặc Pháp tràn qua Đò Xu, đã từng chất một đống rơm trong nhà
mình, tình nguyện nhiệt liệt đốt căn nhà ngói cổ đã bốn đời cha ông từng cư ngụ.
Làng xóm chất rơm cỏ khô chỗ bàn thờ. Chất lửa thường trực trong lòng dạ. Về
sau, quân đội Pháp không tiến quân nhanh được, phải dừng bên kia bờ cầu Bà Rén
bị phá hủy. Ánh hỏa châu sáng rực một phía trời Vân Ly.
Đứng trên núi đồi Phù An thấy rõ phía biển xa một vùng sa mạc
cát, bên kia sông Trường, dọc bờ đông, từ miệt địa đầu Phủ Thăng vào Đồng Trì,
Kỳ Yên, Đông Tác.
Năm xưa ai cầu tiên giữa chợ Tiên Đỏa? Ai đốt lửa thiên thu
trên Nỗng Ông Tào, làng Văn An? Còn đâu dưới mái trời những đụn khói cháy làng
xóm khi giặc Pháp đổ bộ lên mỉền biển Cổ Linh. Ai đương đêm cầm đuốc thắp hồn
thiêng tháp Chàm Bà Rầu Con Nghê? Bóng ơi…
Lão Kiên ngơ ngác, nhìn sườn đồi man man mộ chí. Nắng vàng
óng trên lưng dốc mòn. Người đi thanh minh không nhiều như xưa. Lão đi tìm…
“Ngôi mộ có bông trang đỏ. Có cô gái bận áo dài màu hoa cà, quần trắng, bên cạnh
một nhà sư. Có cái lọ vẽ hình cái xương cụt…Bóng ơi hãy dẫn đường ta đi…”
**
Rồi lão cũng đến đúng nơi chỉ dẫn của Bóng.
Trên nền đất màu vàng sậm, trải một tấm ni lông, một mớ đất
bới lên từ mộ. Một nhà sư đang tay lần tràng hạt, đọc kinh. Một cái bình có
hình chiếc xương cụt của người đàn bà trên chuyến tàu đêm ấy, hôm nay đặt ở
đàng đầu mộ.
Hai người đàn ông làm nghề bốc mộ thuê đang lom khom đào đất.
Một phụ nữ áo màu hoa cà hãy còn trẻ đứng yên lặng nhìn. Tà áo bay trong
gió đồi. Cô rất đẹp. Da trắng ngần, khuôn mặt phúc hậu, hai bàn tay mập mạp những
ngón búp măng. Cô là nắng tháng Ba.
Lúc Kiên đến, người ta đã đào tới nắp mộ. Một lớp ván cũ bày
ra. Hai người thợ cẩn thận mở tấm ván thiên chưa rã mục trên quan tài.
Mọi người kinh hoàng vì hình hài người đàn bà nằm trong áo
quan vừa mở nắp, mấy mươi năm vẫn còn nguyên hình hài. Như thịt da không rã
tan. Như áo mầu quàn liệm chưa phai. Như máu còn âm thầm cơ nguyên. Như son phấn
rực rỡ một khuôn mặt tươi tắn, da dẻ hồng hào. Như mấy đóa hoa cuối cùng ném xuống
hãy còn nguyên màu.
“A di đà Phật.” Nhà Sư gieo kinh.
Người phụ nữ áo Hoa Cà khóc rấm rức:
“Mẹ ôi, mẹ đây sao. Mẹ sống lại đi…”
Nhưng chỉ thoáng chốc, chỉ mấy giây đồng hồ, hình hài như
còn sự sống tươi xinh của xác xương trong lòng mộ tan biến ngay. Còn dưới ánh mặt
trời nghĩa trang một mớ xương đen. Gió thoảng, như son phấn phù dung.
Dân gian cho rằng đó là những “ngôi mộ kết.” Tinh anh, hoặc
nỗi oan khiên, hóa hình lưu vang giây phút, khi mộ vừa được bới ra. Chỉ mấy
giây đồng hồ thôi; gió, không khí và ánh sáng, sẽ làm phôi pha, tiêu hủy cái di
hậu kia rồi.
Lão Kiên rít một hơi thuốc, yên lặng nhìn. Lão nghe lời vang
trong gió:
“Anh không nên nói một lời nào dù đau tiếc. Chẳng nên van
vái dù một cái nghiêng mình. Hãy nhặt xương đen mà làm gương soi.”
Nhà sư áo vàng niệm kinh, đốt một lá sớ dài. Chú tiểu gõ mõ.
Hai người thợ đào tuần tự nhặt những nhánh xương sắp trên một tấm lụa trắng bày
sẵn.
Cô Hoa Cà cầm từng chiếc xương Mẹ săm soi, trước khi bỏ vào
chiếc hũ sành xương cụt đen. Cô chừng như rất dạn dĩ, thân thiết với mớ xương
tàn.
Bỗng cô áo hoa cànghe vang vang từ xa trong nắng:
“Hãy cho người đàn ông đứng cạnh con chiếc xương cụt của mẹ
đi con.”
Cô Hoa Cà ngó quanh không thấy ai - bấy giờ lão Kiên đã nghi
hoặc, bước ra xa một chút.
Cô Hoa Cà hỏi trong gió thanh minh:
“Mẹ ơi có phải cái ông xa lạ đang rít thuốc ngó mông kia
không mẹ? Ông đang nhìn người ta đốt rẫy mẹ à. Vùng đây chẳng còn ai sao có ai
nổi lửa? Khói đùn đen một góc rừng.”
Lời chỉ dẫn từ trong lòng mộ:
“Đúng rồi, ông ấy đấy. Ông ta đang có một cái kính lúp bằng
xương thịt trong người.”
Cô gái nghi hoặc:
“Sao lại tặng chiếc xương cụt? Mẹ sẽ thiếu mất một phần
xương sống nơi xứ người. Vì sao mẹ trao xương? ”
Bóng tha thiết:
“Đây là việc riêng của thời đại mẹ cha, con không nên biết
làm gì. Con hãy đem theo những gì còn lại. Mẹ nhắc lại, ông ấy cần chiếc xương
tàn để làm gương soi.”
“Mẹ ơi con không hiểu? ”
“Hiểu để làm gì ? Đâu thay đổi được gì. Hãy sống cho thanh
thản con của mẹ. Các con đã có riêng một nhân phận, trong một thế giới khác hẳn
Hôm Qua trên xứ sở này rồi.”
Cô gái nói với Kiên khi lão đã trở lại đứng bần thần bên huyệt
mộ trống:
“Mẹ tôi biếu Bác làm quà cái xương cụt của mẹ. ”
Lão Kiên ngập ngừng.
Cô gái nghi hoặc hỏi:
- Mà Bác từ đâu tới? ”
Kiên từ tốn:
“Bác từ Ngày Xưa trở về. Cháu chẳng nên nghĩ tới Bác làm gì.
Bác là cái sai lầm chết người của Quá Khứ.”
Cô gái nói trỗng:
- Quá khứ thì buồn.
Lão Kiên ngậm ngùi khi trả lời:
“Với Bác thì không buồn không vui, không được không mất. Mà
cháu nghĩ tới Bác làm gì. Quá khứ không thuộc về các cháu. Nên xóa bỏ Bác đi.
Nên gạch tên Bác trong nỗi nhớ của các cháu. Hãy rộng lòng xem như Không-từng-có-Bác
trên đời. Bác như một tặng phẩm sai lầm trong dòng chảy gọi rằng Lịch sử.”
-Nhưng sao Bác lại đi tầm xương người?
-Bác làm gương soi.
-Soi những gì?
Lão Kiên im bặt.
Lão cầm chiếc xương cụt. Nó không ấm áp như chiếc xương cụt
còn máu chảy trên đồi xưa. Nó không vang động tiếng kèn. Nó có tiếng gọi khác
thường, như một nhiệm mầu từ lâu vắng bóng.
Chiếc xương cụt giờ đây không tuyền đen. Sao có màu xam xám?
Nếu soi dưới kính hiển vi, nếu chụp cắt lớp chắc nó hàng tỉ tỉ cái chấm trắng.
Năm xưa lúc lên đường chỗ ngã ba Trạm, lão Kiên nhớ rõ, Mụ
Sành ngăn Kiên lại và nói:
“Chuyện thường tình thế gian mà cậu bỏ xứ mà đi là quyền của
cậu. Nhưng sau này đào mồ con vợ cậu lên mà không có dấu vết ngoại tình thì cậu
phải đội quần cả đàn bà trên thế gian này thôi. Mà cái xương cụt vợ cậu có một
cái đốm trắng đó chưa chắc con vợ đã ngoại tình như thế gian đồn đãi. Đừng tin
vào những chuyện nhảm nhí nhân gian mà phí hoài tháng năm cho thù hận…
«Có ngày cậu phải trả giá cho cái lý-tưởng-đội-quần, cái khẳng
định mơ hoặc, cái niềm tin mà chỉ khi đào mả quật mồ, ra công máu tủy để xét lại
mớ xương tàn, đã chưa chắc khẳng định được rằng đáng tin, hay chưa đáng.”
Bỗng, sư áo vàng nói:
“Vùng này nhiễm độc. Có những cái xương thạch tín nằm bao
năm trong mộ vẫn trắng nõn như da dẻ ông Đờ Gôn.”
Sư tưới một mớ rượu trắng, mùi rượu thơm, lên chỗ tro tàn của
lớp vàng tống tiễn vừa đốt.
Đồi thanh minh gió ngàn.
Có khói bay đưa lên từ vùng rẫy đốt xa xa.
Lão Kiên ngây ngất, bất giác quỳ xuống đưa lưỡi liếm chiếc
xương đen pha xám vừa nhặt lên từ mộ. Lão thè cái lưỡi không còn đỏ tươi như lưỡi
son thời trai trẻ. Mà lưỡi lão xám màu, pha vô vàn đốm trắng bợn bợn như cái
nang con mực tươi. Nước miếng lão chảy dòng như miệng đứa trẻ thơ mút kẹo. Miệng
non tơ thèm thuồng lúc ngậm vú mẹ. Lão ngậm trọn cái xương tàn héo hon mòn nhỏ
vào tận cổ họng, hai má phình ra, cố đưa cái hơi xương, mùi cũ, cố nghe tiếng
thì thầm của xương vùi lâu trong đất vào tận ruột sâu gan kín... Rồi lão nhả
chiếc xương. Nhìn trời xanh khói núi. Thở. Lại nhắm tít hai mắt ngậm xương. Liếm.
Mút… Lão nghe da thịt bờ ao chiếu ánh trăng. Nhớ màu nước mùa lúa trổ đòng
đòng. Rêu và chim hoang đỉnh tháp…Cái xương cụt lốm đốm thạch tín bỗng đen dần
ra. Lão định nhai luôn xương. Nuốt. Nhưng lão muốn kéo dài cái vị tê tê từ não.
Cái tâm thức hoang dại hôn mê. Lại mút liếm ngọt ngào xương tàn. Liếm đau. Liếm
mãi… Lão tìm sữa Mẹ trong xương.
Cô gái áo hoa cà kinh hoàng, đứng run rẩy nhìn Người-Liếm-Xương.
Sư áo vàng gõ một hồi kinh, niệm nam mô A di đà…
Hai phu đào đất nói nhỏ với nhau:
“Chết mẹ thằng Cha Già mút xương đen như nhậu xíu quách.”
Đứng trên đồi Phù An nhìn thấy con sông vàng khô cạn. Những
thân núi Trường Sơn trơ đứng đằng tây. Này đây, núi xương, sông độc, Bóng ơi…
Cha-già-chết-mẹ-ăn-xương như nhậu xíu quách đang mê man, bỗng
nhận ra có lời rì rào trong gió:
“Người có nghe ra mùi xương tàn và âm vang xương của Ta
không?”
- Có. Ta nhận ra cả mùi lẫn vị người xưa ạ. Ta biết được tâm
sự chỗ xương tàn người ơi. Xương sẽ còn Lời tới nghìn sau.
Bất ngờ, Lão Kiên bước hẳn xuống lòng mộ chưa lấp đất. Ngồi.
Tựa lưng vào nền đất đen ẩm hơi ma. Trên bầu trời thoai thoai những mây đen.
Mây che nắng, nắng chen trong mây, làm rừng núi xa trở nên trắng đen, mù sáng
chen lẫn.
Thiên nhiên, một đóa hoa chuyển luân.
Rồi trời rắc hột vung vải trong cảnh mờ ảo. Lão Kiên nhận ra
trong lòng đất tháng ba nắng trong, gặp mưa vội, một mùi khen khét. Nó khác với
mùi thuốc đạn. Khác mùi Nghía tương tư.
Nhưng cơn mưa hoa âm-dương-thanh-minh này khơi gợi trong lão
một phần đời khác. Nó không thuộc về lão nữa. Nó là một trang kinh của rắc hạt
Hoa nghiêm.
Mọi người bàng hoàng nhìn khi chiếc xương cụt xám lốm đốm trắng
bây giờ trở nên bóng đen như khối ngọc huyền. Cô gái rùng rợn nhìn Kiên, nói thầm,
mà cũng là nói với trời xanh:
“Bác ôi, Bác biết hối cải thì nghìn triệu xương oan cũng trở
tuyền như ngọc. Chỉ có Bác mới tự rửa oan, và giải được oan cho bao nấm mồ.”
Hai người phụ việc xúc đất lấp lại huyệt mộ. Cô gái ngồi chỉnh
tề, trải vạt áo dài phía trước, nơi có bày hoa quả đồ tế cúng. Cô cúi mặt trên
vạt áo hoa càlạy đất đai nơi an nghỉ của Mẹ, cũng là nơi cuối cùng xương Mẹ ra
đi. Cô mở cái hũ sành nhìn xương Mẹ lần nữa. Cô khóc rấm rức.
Kiên ngập ngừng nói với cô gái:
- Tôi trao lại cho cô cái xương cụt này. Hãy bỏ vào bình.
Cho toàn vẹn.
- Cháu không dám. Để cháu hỏi Mẹ.
Cô lại hỏi lão Kiên:
- Vì sao Bác gom nhặt xương tàn?
Lão Kiên im bặt. Rồi lại ngập ngừng:
- Vì Ta có lỗi với máu xương.
Họ cùng đi xuống triền đồi.
Cô gái ôm cái hòm màu huyết dụ trong có cái lọ hình xương cụt.
Lão Kiên lại thấy ở đầu núi xa một bầu trời nắng hanh vàng chen trong mưa bụi.
Nơi đóa hoa chuyển luân một giải đen trải dài theo núi, giống như đám mây lão
đã nhìn thấy lúc ngồi trong con tàu thời gian. Nhưng giờ đây vừng mây không còn
là hình người đàn bà nằm trôi trôi; như cố đuổi theo con tàu, như lão hằng thấy.
Kiên van vái thầm:
« Mong Em được giải kiếp.»
Vuờn Cây Cau 2005, ba mươi năm chưa giải oan.
Cung
Tích Biền