20 December 2018

231 - Hồ Đình Nghiêm


Thời nhỏ, tôi là học trò kém. Kém là chữ cô dùng, không như những người khác đều kêu: Đồ học dốt! Thấy chưa hả, lại thòng thêm chữ “đặc”. Dốt đặc là chi? Tôi nào có thông minh để hiểu thấu. Chỉ biết trong mấy nồi chè của o quen mặt thường gánh vô sân nhà bán có hai loại: Chè đậu ván đặc hoặc đậu ván nước. Con nít kêu đậu ván đặc là chè cứt mũi và tôi vẫn thích ăn đặc (sền sệt) hơn là nước (lỏng bỏng).


Con Nữ, tên họ đầy đủ là Trần Lê Trinh Nữ, học cùng lớp, ngồi bàn đầu đã khai mở trí óc tôi: Dốt đặc vì mi đặc biệt dốt, dốt một cách đặc biệt. À, té ra là rứa. Từ bữa ni trở về sau tau kêu mi là Nữ đẹp đặc, vì mi đặc biệt đẹp, có sướng hung không? Trinh Nữ nguýt: Đã dốt còn bày đặt ba trợn. Liệu hồn, tau mét anh tau đánh cho mi sặc gạch.
Trường Tiểu học Trần Quốc Toản nằm gần Trung học Hàm Nghi. Anh con Nữ học lớp đệ Lục bên đó vẫn thường ghé đón em gái. Học trò ở bậc tiểu học thì rõ là áo xống chỉ dùng để che thân, đồ tam toạng vá chùm vá đụp màu này chen màu nọ thảy trông không chướng mắt; nhưng mà lớn đôi chút, khi đã “nhảy” vô được trường Hàm Nghi, mấy trự nam sinh đều diện đồng phục le lói áo trắng bỏ vô quần dài xanh đậm, có thêu bảng tên trên túi áo ngó đường bệ rất dễ nể. Chọc con Nữ mà lỡ đến tai anh hắn thì ắt lôi thôi lắm, cứ sợ bị đứa lớn con cao hơn cả cái đầu nhảy ra chận đường, vất cặp-táp xuống rồi bụm tay tẩn một trận quắn đít thì làm trò cười cho chúng bạn rắn mắt, chảy máu cam làm loà làm lện pha trộn với nước mắt ắt chỉ biết chửi thầm: Đồ ba de, chơi kiểu chi mất dạy rứa bây!

Trong các món, tôi rất ngán môn toán. Từ ngán sinh ra sợ, sợ đẻ ra dốt (đặc). Môn luận văn nếu có dốt thì cũng nên châm chước cho rằng dốt vừa phải, dốt lỏng. Cô ra đầu đề: “Em hãy tả về người em yêu thương nhất nhà và hãy trình bày tình cảm ấy ra”. Ngồi cắn bút một chặp thì chữ tuôn trào, lè lưỡi mà viết xuống: Ở nhà, ba mạ em có nuôi một con mèo và một con chó. Con mèo em đặt tên là Nữ, còn con chó thì kêu bằng Đực. Con Đực ni in tuồng không phải trời sinh ra vì hắn không biết sủa người lạ, bạ ai cũng chạy theo vẫy đuôi, chẳng biết giữ nhà chút chi cả, không đúng như tấm bảng ba em gò chữ viết: “Coi chừng chó dữ”. Còn con Nữ thì nhác chi nhác vô hậu, chuột đứng ngay trước mũi có vễnh râu lên hắn cũng làm bộ giả lơ. Nhưng được cái là hắn thích em ve vuốt, buổi túi Nữ ưa phóc lên giường em nằm, đúng như câu “Giỡn mèo, mèo lờn mặt”. Nếu cô biểu em thương con mô nhứt thì thiệt khó mà trả lời cho ra đầu ra đuôi. Một con ưa chạy rông ngoài đường còn một con thì ưa lim dim việc ngủ ngáy. Em rất muốn có một con chim chích choè hay con chào mào đứng hót trong lồng, ba em noái mi học giỏi thì tau mới mua cho. Nếu có, khi nớ em sẽ thương con chim nhất nhà.
Cô phê mực đỏ: “Lạc đề! Trợn trạc không chịu đọc kỹ đầu đề. Đã lâu, học lực trò vẫn chưa thấy có chút tiến bộ, thiệt uổng công cô từng uốn nắn!”. Và cô vị tình cho điểm 1. Lớp có 42 trò tôi luôn khoanh vùng từ số 40 trở đi, ba phen leo lên con số 35 dù không phải đặt đít ở xóm nhà lá, nơi mà bọn “vai u thịt bắp” luôn chiếm cứ hai bàn cuối lớp. Riêng bài tả cảnh tả tình dài cả trang giấy vở của Trinh Nữ thì được 10 điểm, cô chọn để đọc cho cả lớp nghe. Cái mặt Nữ được dịp vất lên trời, coi trời bằng vung, hiu hiu tự đắc, nhưng ngộ ở chỗ là ngó không dễ ghét chút mô, vì tình thiệt mà nói cái đầu tóc cắt kiểu “bum bê” nọ rất ăn với khuôn trăng múp máp, ba phần sáng choang bảy phần chảu lảy. Tức cười ở chỗ là ngay cả cô giáo mà cũng mò không ra, thui chột trước chữ chảu lảy. Cô hỏi: Em học mô ra hai chữ kỳ khôi thức nớ? Dạ thưa cô, em nghe mệ em nói. Mệ em lúc mô cũng đòi hun em, cho mệ làm một miếng, ai đẻ mi ra mà cái mặt chảu lảy chộ bắt dễ sợ a rứa. Vậy thì chữ đó mang nghĩa chi? Dạ thưa cô, nghĩa là bộ vó bắt con mắt, đẹp ác ôn, đẹp ác liệt. Đẹp đặc biệt. Đẹp đặc.
Tuy dốt đặc, nhờ trời tôi cũng thi đậu vô trường Hàm Nghi, tiền thân ngôi trường này mang tên Quốc Tử Giám, chuyên dạy dỗ mấy đứa con quan hoặc quý tử các vị cận thần có công trạng với nước nhà. Học đâu thì gân cổ ra bệnh vực nơi mình dùi mài kinh sử, bên hữu ngạn có ngôi trường Quốc Học nó ngon lành chỗ mô mà ai cũng ưa nhắc tới, hơn cả Hàm Nghi đóng đô tả ngạn là tại vì răng? Nghe rất dễ giận. Điểm duy nhất tôi thích Quốc Học là vì nằm sát bên hông nó, cách con đường nhỏ là trường Đồng Khánh có Trinh Nữ vừa đầu quân vô. Đội nón lá bài thơ, hai tà áo trắng vướng chân đi, dù ngực còn chín giú, chưa ra cau nhưng cái mặt Nữ đã coi mòi tra cảy. Chữ ni cũng nghe mệ tôi nói, nôm na là tra có hột, là già đời, là khôn nẻ vỏ. Thưa cô, mệ em cũng ưa dùng chữ chèm bẽm. Chữ ni thì cô biết, nghĩa là phơi mặt , nằm sờ sờ ra đó, có đúng không? Thông tín bạ gửi về nhà em tìm cách thu dấu hay để nó nằm chèm bẽm trên bàn cho ba mạ em thấy? Ui, cô hỏi câu chi mà nghiệt quá, tình cảm em dành cho cô bấy chầy e dễ bị sứt mẻ tới nơi.
Nghe đố nì. Số 231 là chỉ vô cái chi?
Là số vùng, nằm trong ngoặc đơn, ở đầu dãy số điện thoại khi mình gọi viễn liên. Đang ở vùng mô đó? Có cách trở xa ngái với chốn ni không?
Nói cho đúng thì mới bật mí.
Để coi. Là ngày 23 tháng 1 lúc xưa mình mân mê bàn tay Nữ. Nhớ dai hung hè?
Nữa, người chi mà cứ quen thói ăn mắm ăn muối ưa nói tầm bậy tầm bạ miết. Thiệt là nắng mấy hoa cũng không héo!
Tạm gát việc giải phương trình toán học nhiều ẩn số đi, Nữ biết tỏng là mình dốt toán mà, từ nhỏ tới lớn cũng chưa lỏng được chút chi. Dốt đặc là… nghề của chàng.
Cứ chưa chịu mở mắt dòm đời thương đau? Ăn ở chi tệ lậu rứa bây!
Ừ, tệ lậu thuở mô chừ. Nhưng cái ngày 23 tháng 1 nọ mình có chép trong vở bốn câu thơ của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn để khắc ghi tâm trạng hoảng hốt:

“Năm mười bốn có lần anh ngó thấy
Em nằm truồng ngoe nguẩy cuối vườn trăng
Hồn thảo dã trong đêm vừa thức dậy
Khắp bầu trời ướt rượt cả lông măng”.

Cậm hèn chi phải. Học không lo học cứ đi sưu tầm ba chuyện quàng xiên của người lớn. Ông anh Nữ nói, cái thằng nớ tiếng là học dốt nhưng cái mặt hắn ngó cũng chảu lảy, vì rứa cứ thập thò ngoài cổng mà tau không nỡ chạy ra khỏ cho hắn u đầu. Coi bộ cu cậu muốn tìm cách hối lộ, vái tau tôn làm sư huynh, anh của hiền muội e thẹn đang nép sau tường cao kín cổng.
Ủa, bộ anh Quân không kể chuyện thằng chảu lảy xớn xác chạy xe Yamaha tới rước “anh vợ tương lai” đi uống cà phê hay răng? Anh ấy còn dụ khị, mi có câu thơ chi ác liệt đọc ra cho tau ghi để tán con Nguyệt người đẹp trường Bồ Đề…
Thiệt à? Có chuyện nớ nữa à? Rứa thì trong nhất thời người dốt đặc có đáp ứng được lời đòi hỏi của anh Quân không?
Dễ như ăn ớt. Vì mình thì lúc mô cũng có thủ sẵn trong ruột cả chục câu lận. Toàn của các thi bá tiếng tăm. Lần nớ mình chọn hai câu của Bùi Giáng:

“Cổ tay em tròn như đẵn mía
Anh về thèm ngọt đến trăm năm”.

Nguyệt bỏ anh Quân đi lấy chồng. Số chị ấy cực, ly dị chồng xong lại vui duyên mới với một ông say sưa mang tật ham cá độ bóng đá. Chị Nguyệt từng làm giáo viên, nay đã nghỉ hưu. Sở dĩ Nữ hỏi có biết ám danh con số 231? Vì chị Nguyệt vừa gửi cho xem tin một cô giáo mang tên Thuỷ ở Quảng Ninh đã tát vào mặt học sinh tới 231 lần…
Đồ ác đức bất nhân, đồ vô hậu kế đợi! Bà này kiếp trước làm nữ võ sĩ quyền Anh hay sao á? Trong Kinh thánh có ghi câu: “Nếu ai vả bên má phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa”. Sao lại có hạng cuồng điên say máu vả vào mặt con người ta lên tới con số đến Chúa không tin Phật cũng á khẩu.
Chị Nguyệt thì bảo là trong phim bộ của Tàu có câu: Hạng người như mi khi đẻ con sẽ không có lỗ đít!
Chỉ là một ác khẩu đi trù ẻo người ta, nhằm nhò chi với người xứ Việt, trăm họ đều hạnh phúc khi chổng khu đi ẻ vất ngoài đồng. Khi xưa mình học kém nhưng thầy cô mô có đánh kiểu tàn canh gió lạnh như rứa, đánh tới hồi gãy tay mới thôi hay răng? Lý lịch cô giáo Thuỷ nọ chắc ba đời đều có người công tác ở bộ công an? Nghe thêm tin là có cô còn bắt trò uống cả nước ngâm giẻ chùi bảng đen nữa, giáo dục kiểu chi hang động rừng rú quá, kêu trời không thấu!
Hết chuyện nói hay răng mà mang thời mạt pháp này ra so sánh với thời hoàng kim xưa cũ của bọn mình. Nì, có khi mô buồn tình mà nhớ lại trường xưa lối cũ không?
Như cơm bữa, nhớ mấy cái đường kiệt nhỏ xíu, nhớ hai dãy hàng rào hẹp té đỏ thắm màu hoa dâm bụt, nhớ cái hình tam giác cân hở da bên eo, dưới là lưng quần luồn dây thun của Nữ…
Đó, đó… Không khéo mà giờ ni bắt làm luận thì trò chắc được điểm 10 dù có bị lạc đề. Vài ngày nữa Nữ chạy đi mua vé máy bay, mua trễ sợ bị chặt đẹp.
O tính đi mô rứa o?
Đi Việt Nam, những ai muốn về quê ăn tết đều hối nhau sớm đi đặt vé cả. Nếu thích làm bạn đường thì Nữ sẽ mua thành hai vé, nói trắng ra là Nữ bao cho, từ A tới Z.
…..
Vì răng mà làm thinh làm tịnh, không nói chẳng rằng chi cả rứa eng?
Nhớ khi xưa mỗi khi tan học Nữ thường quay đầu lui doạ: Tau đi lối ni có hoa có bướm, mi đi ngả nớ có ma quỉ chận đầu… Thôi, cho mình ngồi yên một chỗ mà nhớ lại một thời thơ mộng đã vuột mất.
Nghĩa là sao? Sợ gặp ma quỉ? Ngại vấp bẻ bàng?

Người về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ:
Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng.

Mình thật thà như rứa không chừng mà bị Nữ mắng cho. Cũng chẳng sao vì mình lỡ làm đứa học trò dốt, mình lạc hậu, mình dị ứng với nơi chốn từng soán đoạt hết bao niềm vui của bọn mình, đổi trắng thay đen, chôn xanh để bồi đỏ.
Trò ni cứng đầu quá !
Dạ thưa cô, nếu em được phép vả vào hai má của cô Thuỷ tới 231 lần thì có tổn thất tốn kém bao nhiêu em cũng vui vẻ tháp tùng cô một chuyến ra tận Quảng Ninh. Hơn bốn mươi năm qua em “tu” gần đắc đạo rồi thì hà cớ gì phút này nông nổi nghe theo lời cô vẽ đường cho hươu chạy. Trong đời chúng mình chỉ duy một lần được đi trên lối có hoa có bướm thôi!
Trinh Nữ ngụ ở bên Houston. Người học trò giỏi năm xưa bạn tôi vừa mất chồng, Nữ hiện vẫn đi làm, nuôi hai cô con gái chưa đủ tuổi trưởng thành. Nữ quyết tâm từ chối ý tôi muốn vượt biên sang bên đó thăm cô, tôi không nghĩ là Nữ giận khi tôi chẳng muốn theo cô về thăm lại đường xưa lối cũ. Tôi thưa với Nữ, rằng chúng ta mỗi người có riêng một quan niệm sống và tôi mang thứ suy nghĩ là tại sao tự mình lại dây vào những phiền muộn đắng lòng khi về đó chứng kiến bao cảnh sống đau lòng mà người dân sa cơ lỡ vận mãi nhẫn nhục chịu đựng trong câm nín. Tôi cũng chẳng vin vào cớ gì để trách Nữ được, hãy thực hiện những việc mà nó chẳng làm mình vấn vương tới ăn năn hoặc mặc cảm các thứ. Cuối email, tôi thành thật chúc Nữ có được chuyến đi dài ngày gặp được cảnh thuận buồm xuôi gió. Và chấm dứt với hai câu của Bùi Giáng:

“Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo bay”.


Hồ Đình Nghiêm
Dec. 6, 2018