27 December 2018

ĐAU VÀ NHỚ - Trang Nguyen


Nha trang là nơi tôi sinh ra và đã sống trong thời thơ ấu, Ninh hòa là nơi tôi đã sống sau ngày vận nước thay đổi, cả một quãng đời niên thiếu và thanh xuân trôi qua trong lam lũ và buồn bả. Lòng tôi luôn nhớ về làng quê nhỏ bé, con đường đất gập gềnh, với hàng tre bến sông, ánh trăng quê… Nhắc đến Ninh hòa tôi thường không ngăn được những dòng nước mắt, nhớ đến những tháng ngày đắng cay, buồn nhiều hơn vui mà tôi đã từng trải.
Tuổi thần tiên

Khi còn bé, trước khi về Ninh hòa sống, tôi rất thích bài hát “tuổi mộng mơ” của Phạm Duy “em ước mơ mơ gì tuổi 12, tuổi 13, em ước mơ em được em được làm tiên nữ…” và nhất là bản nhạc “tuổi thần tiên” của Phạm Duy
Nhưng vào khi tôi tròn mười ba – cái tuổi ô mai gì đó mà mọi người thường ca ngợi, tôi ngậm ngùi nhận ra rằng những bài hát này không dành cho tôi và những đứa trẻ cùng thời lúc ấy. Tuổi ô mai của thế hệ chúng tôi, những đứa trẻ lau nhau là vài ba đêm một tuần đi sinh họat “thiếu niên tiền phong” tại trụ sở thôn. Tôi hồi ức lại những buổi tối không trăng, sau khi xong buổi sinh họat đêm, lũ trẻ chúng tôi chạy xúm xít bên nhau khi ngang qua gò mã làng, tiếng chó sủa dội trong đêm… Để rồi thức dậy sớm vào sáng hôm sau, cũng đám trẻ ấy, bưng rổ đi hái lá rau dền dại, lá bát, lá chùm bao, lá nút áo, những thứ rau dại có thể ăn được quanh bụi tre để nấu canh ăn. Lúc ấy tôi cũng mơ, nhưng không phải mơ thành tiên nữ! Ước mơ của tôi già dặn hơn nhiều, mơ sao cho cuộc sống được thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Mười bốn tuổi, chắc là đúng tuổi thần tiên rồi! Vào mùa hè khi không cắp sách đến trường, tôi phải buộc đi làm lấy công điểm của hợp tác xã cho gia đình. Buổi sáng thức dậy thật sớm, ăn qua loa lót lòng, nghe tiếng kẻng [keng keng] là biết đã đến giờ lao động, tôi đội nón, xắn quần ra đồng làm việc. Công việc đồng áng mà tôi biết được chỉ là nhổ cỏ lúa mà thôi. Khoảng gần hai chục người, đàn bà con gái xếp thành hàng lối dài nhổ những cọng cỏ dại dưới sự hướng dẫn của ông đội trưởng với cây bút quyển sổ trên tay, gọi tên từng người như ông thầy giáo chấm bài trong nhà trường. Trưa về ăn vài ba hột thì tiếng kẻng lại keng keng báo tiếp một buổi chiều lao động. Nhổ cỏ dưới dự chấm công của ông đội trưởng nên tôi phải làm bở hơi tai mới theo kịp mấy đàn chị, đàn cô chuyên nghiệp. Ông ta đi vòng vòng trên bờ ruộng xem người nào làm dối thì bắt làm lại. Mặt mũi tôi tèm lem tùa lua bùn vì khi ngứa, không còn cách gì tôi đành phải lấy đôi bàn tay lấm lem bùn gãi ngứa. (Chứ đi lao động nhổ cỏ lúa cho trường học, thầy trò chúng tôi chỉ sử dụng có một tay để nhổ, còn một tay để dành khi nào có ngứa thì gãi!). Đôi bàn tay xinh xinh trắng trẻo ngày nào học âm nhạc chỉ sử dụng lướt trên phím đàn piano, bấm dây đàn guitar, nay vì thọc tay dưới bùn từ ngày này sang ngày nọ đã đen thui bám đầy phèn. Đêm đêm nước mắt tuôn rơi, thương cho số phận của tuổi thần tiên đã trôi qua một cách lam lũ.
Thời học sinh
Nhớ lại một thời học và lao động cùng đi đôi trong nhà trường cấp 2, cấp 3 Nguyễn Trãi Ninh Hòa – trường Trần Bình Trọng và Đức Linh, Bán Công. Tuổi học trò ngậm ngùi trôi qua với hình ảnh quần vải ta đen, áo trắng, dép lê, nón lá xơ vành đến trường. Chỉ thiếu chiếc khăn quàng cổ đỏ như những học sinh khác vì tôi không may mắn (?) được vô “Đội thiếu niên tiền phong”. Thỉnh thoảng chúng tôi lại vác cuốc, xẻng hay xách cau lim lủ khủ đi cắt lúa cho hợp tác xã Ninh hưng hay gánh muối cho công ty muối Hòn Khói. Mỗi lần dăm ba ngày, ngủ lê lết ở thềm đất nhà dân.
Sau này lên cấp 3 (đệ nhị cấp) – lớn lên một tí, biết điệu đàng hơn một chút thì cũng chiếc quần tây đen áo trắng. Đôi dép lê được thay thế cho đôi guốc mộc hay đôi “xăng đan” rẻ tiền. Chiếc nón lá xơ vành ngày nào cũng được thay thế bằng những chiếc mũ vải hoa hòe sặc sỡ để “quyến rũ côn trùng”. Ngẫm nghĩ mà thương thay cho thế hệ chúng tôi, chỉ biết đến hình ảnh tà áo dài trắng gợi cảm thướt tha, tóc dài xõa ngang lưng, e ấp nón lá nghiêng vành hai buổi đến trường qua thi văn và sách vở.
Dù có ăn bo bo, muối ớt, dù có lao động vất vả, dù không có những tà áo trắng thơ mộng, chúng tôi cũng vẫn có những rung cảm của một thời mới lớn. Ngày ấy, tôi và một vài người bạn chuyền tay nhau những bài thơ lãng mạn, những bản nhạc để đêm đêm thắp đèn dầu tù mù cặm cụi chép vào trang vở, để rồi mơ mộng, thèm thuồng, ao ước phải chi chúng mình được sống cái thời đó…

“…Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
En tan trường về
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay
Em đi dịu dàng
Bờ vai em nhỏ
Chim non lề đường
Nằm in giấu mỏ
Anh theo Ngọ về
Gót giày lặng lẽ đường quê…”

Khi chỉ là cô bé 10 – 11 tuổi, tôi đã nhiều lần nghe giai điệu bản nhạc “Ngày xưa Hòang Thị” qua giọng ca cao vút của Thái Thanh, nhưng không bao giờ nhớ hết lời. Bây giờ có bản nhạc trong tay, từng chữ, từng lời trong bài hát làm cho chúng tôi khao khát, mong ước được sống – dù chỉ một ngày thôi – như người nữ sinh trong bản nhạc.
Dẫu không có “tóc dài tà áo vờn bay…”, chúng tôi cũng có một niềm an ủi là cũng có một thời “em tan trường về, anh theo ngõ về”. [Anh] đây là những đứa nam sinh học cùng hoặc khác lớp, khác làng khác xã, tan học về không muốn về nhà ngay, có lẽ vì sợ về nhà phải làm việc ngay, nên kéo dài thời gian la cà bên ngoài bằng cách đi theo bọn con gái chúng tôi khi tan trường về. Ninh Hòa làng quê vào những buổi trưa vào mùa nắng thì nóng bỏng, đường quê ổ gà lổ chỗ, mùa mưa thì bùn sình. Chúng [Em] thì mồ hôi mồ kê cút kít đạp xe đi trước, các [Anh] cọc cạch theo sau, không nói một lời. Lúc ấy, chiếc xe đạp cũ kỹ tôi lượm mót từ bà cô họ, luôn tạo một âm thanh cọt kẹt vui tai. Tôi không lấy thế làm phiền, nhưng mấy đứa bạn thì luôn chọc cười, cho rằng chiếc xe đạp của tôi làm giảm đi phần nào tính lãng mạn của việc [các anh theo Ngọ về].
Cô thôn nữ
Sau khi tốt nghiệp cấp 3 (lớp 12), tôi trở thành con gái nhà quê với bao công việc đồng áng. Không dám hy vọng cao xa vào giảng đường đại học hay trung cấp, ngay cả mộng làm một công nhân quèn tôi cũng không dám mơ tưởng tới. Trong những tháng ngày này, tôi trở thành ‘thanh thiếu nữ” nên buộc phải sinh họat thanh niên hay đi lao động cho xã dài hạn trên rẫy Đá Bàn. Tôi có tên gọi đi công tác khỏang một tuần. Tin này không những tôi, mà cả gia đình hỏang hồn. Đi lao động [chơi chơi] cho nhà trường cùng với bạn bè cùng lớp thì không sao, chớ đi lao động [thật] cho xã lên tận núi Đá bàn thì làm sao tôi kham chịu nổi. Thế nên gia đình đã tìm cách lòn lách cho tôi thoát qua khỏi số vận này.
Tuổi đôi mươi là tuổi đẹp nhất, đầy sức sống của đời người, với bao ước mơ và hy vọng. Thế nhưng với tương lai đen tối mù mịt trước mắt, tôi chỉ biết ngậm nước mắt đắng cay. Tôi thấy mình ngày một ngu si, đần độn khi cuộc sống quanh mình chỉ là đồng ruộng.
Tôi khao khát chỉ tiếp tục học vào một ngôi trường cao đẳng hay đi làm công nhân.
Ôi cái khao khát tưởng chừng đơn giản nhưng không bao giờ tôi có được. Tôi khao khát tri thức, khao khát được mở rộng kiến thức của mình. Dù tuyệt vọng không cùng, tôi vẫn nuôi hy vọng, tin rẳng rồi đây tôi sẽ có cơ hội mở mang kiến thức, cho tôi thoát ra khỏi cuộc sống không một chút tương lai, để tôi chứng tỏ khả năng của mình.
Tôi vẫn làm ruộng, vẫn hái ớt, trồng rau, nhưng bên cạnh đó là một niềm ước vọng của một tương lai tốt đẹp Và chính niềm ước vọng này đã giúp tôi sống sót qua từng ngày tháng lam lũ của cuộc đời, của cuộc sống không một niềm vui. Ngày ấy, tôi sống sót được là nuôi mộng mơ, nuôi hy vọng sẽ có một ngày cuộc đời tôi đổi thay. Tôi ước vọng một ngày…
Trong hồi ức những năm tháng làm ruộng, tôi nhớ đến hình ảnh tạm gọi là “đẹp” nhất của đời cô thôn nữ. Trong cảnh trời mây bàng bạc vào cuối mùa đông, đầu mùa thu với không khí hơi lành lạnh. Tôi trong chiếc áo bà ba nâu, quần vải ta đen sắn lên tận đầu gối đứng trong đám ruộng xanh mương mướt của hợp tác xã, tóc thắt bím hai bên, đôi tay bê bết bùn, rụt rè bẻn lẻn khi bắt chợt ánh mắt của một chàng trai đi ngang qua chăm chú nhìn. Tim tôi rung động trước ánh nhìn của một người con trai, vân vê nắm cỏ dại trong tay mà quên hẳn cuộc đời “bần cố nông” của mình trong chốc lát.
Dòng sông và nỗi nhớ
Quê tôi có con sông Lốt xuôi chảy xuống dòng sông Dinh, Ninh Hòa. Lòng tôi đậm đà một niềm thương nhớ tới con sông nhỏ bé này, vì bên cạnh hình ảnh dòng sông hiền hòa thơ mộng, con sông còn là một chứng nhân cho cuộc sống dân làng quê tôi một thời. Làng tôi thuộc vùng đất gò cao ráo nên vào mùa mưa rất ít khi nước sông tràn vào đồng. Vào những ngày trời mưa tầm tả, người dân làng quê tôi thường đội áo mưa ra bến sông để nhìn mực nước sông, để đóan mực nước sông. Nhà tôi gần bến sông, nên vào những ngày trời mưa tầm tả, tôi có cái thú đội chíêc áo tơi (lọai áo mưa làm bằng lá cọ) đi “thăm nước sông” mấy lần trong ngày. Một phần là để ngắm nước sông đang từ từ dâng lên, bọt bèo đục ngầu, củi rác lềnh bềnh, phần khác là để nhìn những chiếc ghe chất đầy bắp hoặc củi xuôi dòng từ những vùng rẫy rừng trên miệt Đá Bàn. Những chiếc ghe này hoặc đỗ bến tại đây hay tiếp tục cuộc hành trình đến những bến sông khác. Lúc ấy, bến sông làng tôi rộn rịp hẳn, kẻ gồng gánh bắp hoặc củi đi lên, người quảy gánh không đi xuống. Ngang qua nhà tôi, họ thường dừng lại, bông đùa vài ba câu rồi gởi cho nhà tôi mấy chục trái bắp ăn lấy thảo. Thế nên, dù không làm rẫy, nhà tôi vẫn có bắp ăn thường xuyên vào những ngày mưa bão.
Tôi nhớ đến không khí buổi tối, khi màn đêm chụp xuống chúng tôi thắp leo lét ngọn đèn dầu ngồi co ro cạnh bếp lửa nướng bắp, phe phẩy chiếc quạt mo cho bắp mau chín. Chờ cho bắp cháy vàng thì đập phành phạch vào cái bức tường gần đó để cho vơi bớt tro bụi, rồi vừa thổi phù phù vừa ăn. Bên ngòai, trời mưa tí tách xen lẫn với tiếng ếch kêu ngòam ngọap, tiếng côn trùng rỉ rả…Thấy mênh mang, mênh mang một nỗi buồn!
Hết mùa mưa, nước sông cạn dần, bến sông làng tôi cũng tấp nập người qua lại, kiếm miếng ăn trên con sông. Vào mỗi buổi chiều, đàn bà con nít hú hí nhau xách sô, bưng sàng đi sàng hến. Dụng cụ để bắt hến gồm một cái sàng và cái soong. Để bắt được hến, chúng tôi lùa cát vào cái sàng, rồi sàng tới sàng lui cho cát rơi xuống, lộ ra những con hến. Những con hến này sẽ được bỏ vào trong cái soong trôi nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Muốn có được bữa canh chua hến cho gia đình, phải mất cả một buổi chiều. Ngày đầu tiên đi sàng hến, bắt được có một nắm hến, tôi đã mừng quýnh quáng, thầm nhủ đã đủ cho một bữa ăn cho gia đình. Và tôi đã tiu nghỉu khi được biết là phải gấp mười hay hai chục lần số hến này mới đủ ăn. Hến đem về nhà ngâm nước cơm trong một ngày cho ra chất dơ, rồi mới nấu. Theo tôi, bắt hến tuy khổ nhọc, nhưng để lấy được ruột hến đòi hỏi phải có một trình độ kỹ thuật nấu nướng cao, mà không bao giờ tôi đạt được.
Tôi rất thích gia nhập vào đội ngũ bắt hến này, để được khám phá ra những cảnh đẹp thiên nhiên, vì trong khi theo họ lội đi tìm nơi có nhiều hến, tôi phát giác ra nhiều vịnh sông rất đẹp. Lòng tôi ngất ngây khi thấy những cồn cát trắng chạy dài theo dọc bờ sông, cây sung oằn mình trên mặt nước, hàng tre lung lay trong làn gió, và những tảng đá chất chồng lên nhau tạo nên một cảnh [hòn chồng] nho nhỏ.
Con sông còn gợi đến tôi hình ảnh các cô thôn nữ (trong đó có người viết bài này) xỏa tóc gội đầu trên sông và hong làn tóc mềm mại trên bến nước. Chùm kết nướng thơm nấu sôi với lá dứa hay lá đinh lăng, gội với chanh và xả tóc bằng nước sông thì ngay cả những lọai dầu gội đầu sang trọng nhất bây giờ cũng không sánh bằng. Mái tóc hong trong gió trời lồng lộn, đùa bay trong gió là những khỏang khắc đẹp nhất của các cô thôn nữ lúc bấy giờ. Tôi vẫn còn hòai niệm mãi về hình ảnh cô thôn nữ mộc mạc, giản dị – với hương tóc thoang thoảng ngọt ngào mùi chùm kết và hương chanh…
Sau này, khi cuộc sống dân quê đã phần nào đỡ khổ, bến sông cạnh nhà tôi thưa thớt người qua lại. Không còn những chiếc ghe chở củi bắp vì người ta đã sử dụng xe cộ bò hay xe [cọc cạch], không còn ai nghĩ đến chuyện đi sàng hến trên sông. Các cô thôn nữ cũng nhanh chóng quên đi chuyện gội đầu bên sông khi các lọai dầu gội đầu xuất hiện nhiều trên thị trường.
Riêng tôi, vẫn ngày ngày một mình ra bến sông ngắm những tia nắng vàng của buổi chiều tà còn sót lại tạo thành một vùng trời rất đẹp. Nghe đàn chim se sẻ ríu ran, tiếng gió thổi xạc xào trên những hàng tre xanh cao vút. Ngắm trời xanh mênh mông, thấy mình nhỏ bé trong đất trời! Ngậm ngùi, nghe trong tôi một nỗi buồn luyến tiếc cho một thời đẹp nhất của đời người trôi qua…!
Tôi rời Ninh hòa, từ giã làng quê, chấm dứt những tháng ngày làm cô thôn nữ, chuyển vào lại Nhatrang để sinh sống. Sau đó cuộc sống đẩy đưa tôi đến một thành phố nước Úc vừa có biển thơ mộng như bãi biển Nhatrang, vừa có sông dịu hiền làm tôi nhớ không nguôi đến Nha trang – Ninh Hòa, một thời tôi đã sống.
Thỉnh thoảng đi dạo bên dòng sông, nước trong xanh với những tảng lục bình lơ lửng trôi tím trên dòng sông làm tôi nhớ về con sông Lốt quê tôi. Nhớ quay quắt hàng tre ven bờ, cây sung nằm oằn trên mặt nước Những tháng ngày mơ mộng hong tóc bên dòng sông. Bao năm xa dòng sông quê nhà! Và bây giờ, với mái tóc quyến rủ mùi nước hoa sang trọng, trong trái tim đã tưởng chừng cằn cỗi, tôi mơ mộng lại hình ảnh cô thôn nữ ngày nào, và thảng thốt nhận ra nỗi nhớ mùi hương bồ kết… Tôi lạc lõng lòng mình trong ký ức ngày nào, trái tim âm ỉ một nỗi đau, tiếc thương cho một thời niên thiếu và thanh xuân.
Ngậm ngùi thương cho bản thân, cho những người cùng cảnh ngộ với tôi trước đây, những người không bao giờ biết đến tà áo dài trắng tha thướt trong cuộc đời nữ sinh, những người không bao giờ có tuổi thần tiên mơ mộng hay tuổi thanh xuân, những người không thể tiếp tục theo học sau khi rời ghế nhà trường hay tìm cho mình một nghề nghiệp.
Hồi tưởng lại một chặng đường rất dài mà tôi đã sống tại quê nhà và những gì tôi thành tựu tại nước Úc này. Chỉ 4 năm tại Úc tôi đã có được việc làm cho chính phủ Úc. Bước ra khỏi mây mù đen tối của cuộc đời, tôi thấy lòng mình vẫn day dứt một nỗi đau. Tiếc cho cả một thời gian rất dài tôi đã bị đánh mất tại quê nhà và khóc cho những 17 năm của cuộc đời sau khi ra trường cấp 3 trôi qua một cách vô ích, vì tôi chẳng tìm được cho mình một công việc nào trong cuộc sống. Tiếc cho cả một chuỗi thời gian rất dài tôi đã bị đánh mất tại quê nhà.
Tại nước Úc, tôi thỏa mãn được cái khao khát tuyệt vọng năm nào, khao khát được học, khao khát trí thức. Tôi tự do, tha hồ, thỏa thích học, để lấy lại thời gian đã bị mất Tôi có cơ hội để chứng tỏ khả năng của bản thân tôi, rằng sự u tối, ngu muội một thời là do bị kìm hãm của một chế độ. Tôi thấy ngậm ngùi cho những người đồng cảnh ngộ với tôi trước đây nhưng đã không có cơ hội như tôi để mở mang kiến thức của mình.
Tôi đi làm, tôi có bằng Tiến sĩ, điều mà trước đây khi còn ở Việt nam cả đời cắm mặt dưới bùn cho nhưng đám ruộng hợp tác xã tôi không bao giờ dám tơ tưởng tới. Bên cạnh nỗi vui, niềm tự hào, là nỗi đớn đau khi nhớ lại cả một cuộc đời tại quê nhà không có được một công việc làm ngay tại chính quê hương của tôi, nơi tôi sinh ra và lớn lên.
Tôi buồn khi nghĩ đến những người đã mất việc làm, hoặc suốt đời không thể kiếm được việc làm. Để sinh tồn trong cuộc sống, những người này có thể làm đủ mọi ngành nghề khác nhau, có thể phải làm ruộng, hay mở quán cốc ven đường làng, lên núi làm rẫy sinh sống qua ngày… Tôi biết, tôi không thể làm gì được ngoài sự cảm thông trong tâm hồn. Hy vọng những cảm xúc của tôi có thể xoa dịu nỗi buồn, những ngậm ngùi trong lòng mọi người, để tâm hồn chúng ta gần gũi với nhau hơn.
Sống tại Úc, lắm lúc tôi thấy mình cô quạnh giữa những ngưởi bản xứ. Tôi thấy lòng se lại sau một ngày bộn bề công việc Tôi thấy nhớ quê nhà, nhớ gia đình.
Việt Nam, quê nhà Ninh Hòa, làng quê là mảnh đất yêu thương và cội nguồn của tư duy và suy nghĩ. Một cảm giác yêu thương len lỏi trong tâm hồn. Tôi ngậm nước mắt trong lòng phải biến mình thành người tha phương chỉ vì cuộc sống. Tôi đau lòng khi nhớ về gia đình và quê nhà. Tôi khao khát tình thương gia đình, hồi tưởng đến mâm cơm rau, không khí gia đình Có những lúc tôi quay quắt muốn bỏ hết mọi công việc tôi đang có để quay về nhà.
Nhưng quê nhà cũng là nơi cảm thụ về tủi nhục của cuộc đời ngày nào. Tôi ứa nước mắt! Không có gì vẹn toàn trong cuộc sống. Không có một quyết định nào mà không có khổ đau và nước mắt.
Hình như đây là số phận của cuộc đời tôi. Tôi nghĩ đến những người kém may mắn hơn tôi tại quê nhà, và dặn lòng phải cứng rắn, mạnh mẽ hơn để tiếp tục cuộc sống xa xứ. Tôi trân trọng giá trị từng ngày sống, giá trị từng ngày làm việc của tôi trong lúc này Tôi trân trọng giá trị trí thức tôi đã và đang gặt hái.
Tôi hãnh diện về những gì tôi đã và đang đóng góp cho nước Úc, đất nước cưu mang tôi trở thành người trí thức. Tôi tự nhủ tôi không thể bỏ cuộc, vì có biết bao người đang ao ước có cơ hội để tự do ngôn luận, học hỏi thêm mà không thể nào có được. Tôi may mắn hơn họ, tôi phải tiếp tục cuộc hành trình, không chỉ riêng cho tôi, mà cho cả gia đình tôi, và ngay cả cho những người tại quê nhà không có được cuộc sống như tôi.
Tôi viết, không phải cho chính tôi, mà viết giùm cho rất nhiều người, hoặc không muốn viết, hoặc không dám viết, hoặc không thể viết, hoặc chỉ muốn giữ riêng trong lòng Viết để thông cảm lẫn nhau, viết để an ủi lòng, an ủi lẫn nhau.

Trang Nguyen