11 December 2018

BÀN VỀ KHÚC NGÂM NGƯỜI TIẾT PHỤ ĐỜI ĐƯỜNG - Võ Kỳ Điền


Tôi nhớ có lần thi sĩ Borges xứ Argentina, Nam Bán Cầu viết câu thơ hay: “Tôi sanh ra ở xứ lạnh, để sưởi ấm đôi bàn tay, nên tôi làm thơ.” Tứ thơ đẹp lung linh khiến người đọc giật mình nên tôi mạo muội bắt chước ý nghĩ đó – mình cũng hiện ở xứ lạnh nè, ngó qua ngó lại thì sự nghiệp công danh không có gì hết, trơ trọi một thân già, những khi trời đông lạnh, tuyết bay phơi phới trắng xóa đầy trời, thì tại sao không mượn câu thơ để gầy lò sưởi ấm. Và hôm nay tôi mượn bài Tiết Phụ Ngâm của Trương Tịch, một thi sĩ nổi tiếng thời Trung Đường, vì bài nầy cứ mỗi lần đọc là mỗi lần thú vị, thâm trầm.


TIẾT PHỤ NGÂM
Trương Tịch (766-827 đời Đường)


Quân tri thiếp hữu phu
Tặng thiếp song minh châu,
Cảm quân triền miên ý,
Hệ tại hồng la nhu
Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi
Lương nhân chấp kích Minh Quang lý
Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt
Sự phu thệ nghĩ đồng sinh tử
Hoàn quân minh châu song lệ thùy
Hận bất tương phùng vị giá thì.

KHÚC NGÂM CỦA NGƯỜI THIẾU PHỤ TRINH TIẾT
Bản dịch của Ngô Tất Tố


Chàng hay em có chồng rồi,
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.
Vấn vương những mối cảm tình,
Em đeo trong áo lót mình màu sen.
Nhà em vườn ngự kề bên,
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang.
Như gương, vâng biết lòng chàng,
Thờ chồng, quyết chẳng phụ phàng thề xưa.
Trả ngọc chàng, lệ như mưa,
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng.

Ngay từ nhan đề là hai chữ “tiết phụ” tác giả muốn khoe ngay cái ý chánh của bài thơ, không mập mờ, xa xôi, tượng trưng, bóng bẩy gì ráo trọi. Tiết phụ là người đàn bà thủ tiết thờ chồng, theo quan niệm ngàn xưa đức Khổng Tử đặt ra. Tam tòng, tứ đức là khuôn vàng thước ngọc người phụ nữ phải biết gìữ mình cho trọn vẹn – Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh là câu trau mình.
Như vậy ở phương trời Á Đông theo chế độ phụ hệ nầy, gái có chồng thì phải biết thờ chồng, nuôi con, đó là phẩm hạnh cao quí của người đàn bà, chấm hết, không cần phải nói thêm một chữ nào. Nói cho rõ hơn một chút nếu một ngày đẹp trời nào dó trời xui đất khiến bất chợt gặp một người dưng khác họ, con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai, nhiều cảm tình, lại cuốn hút, hào hoa phong nhã, rồi đem lòng nhớ thương, khiến trái tim nàng đập trật nhịp, thì cũng không được nghĩ nầy nghĩ kia, đầu mày cuối mặt, đi ngang về tắt, thêm bớt vẽ vời gì hết trơn. Một người đàn bà đã có chồng, không thể để phải lỗi đạo chồng con, phạm vào lễ nghi phong giáo. “Cá cắn câu biết đâu mà gở, chim vào lồng biết thuở nào ra.”
Vào cuối thế kỷ 19 ở VN mình có bà mẹ nho sĩ Nguyễn Cao đi hái lá trong ruộng dâu, có  một quan huyện (hay lý trưởng gì dó) buông lời chọc ghẹo, sàm sỡ nắm lấy bàn tay. Bà cho như vậy là đã thất tiết với người chồng khuất núi, bèn lấy dao mà chặt cánh tay bị ô nhục kia. Hành động đó được mọi người xưng tụng là bậc tiết hạnh khả phong (không rõ là có được vua ban tặng hay không? Tiết phụ phải là như vậy.
Câu chuyện bắt đầu của bài Tiết Phụ Ngâm nầy là chàng đã biết rõ, và rất rõ là em đã có chồng rồi. Vậy mà vẫn khăng khăng tặng cặp minh châu để làm quà.  Nếu suy nghĩ cho thấu đáo chuyện quà cáp cho nhau không hề đơn giản. Không phải ai, cũng rán tặng cho được và cũng không phải ai cho, mình cũng nhận quà được.  Phải tặng đúng người và đúng lúc, phải biết rõ  mục đích tặng quà là gì, cùng giá trị của món quà quí tiện như thế nào. Chuyện giao tế rất tế nhị không hề đơn giản. Vậy mà ở trường hợp nây em đã có chồng rồi mà khi chàng tặng quà lại nhận ngay không một thắc mắc, do dự.
Ngay từ đầu, chúng ta đã thấy rõ hai người đã có tình ý với nhau. Cái chữ “quân” và “thiếp” (chàng và thiếp hay anh và em) Cách xưng hô đó chỉ dành cho vợ chồng và tình nhân, không hơn không kém. Nếu là người xa lạ, người dưng thì không thể dùng hai chữ nầy. Nét tình tứ đã lộ rõ trong cách xưng hô..
Vì đã có tình ý với nhau nên  chuyện tặng quà quả nhiên là hợp lý hợp tình. Chúng ta phải xét kỹ chỗ nầy. Tuy là có tình ý nhưng là tình ý lén lút vì hoa đà có chủ, không thể công khai. Mọi chuyện phải hiểu ngậm mà không cần phải nói ra. “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, Em đã có chồng anh tiếc lắm thay”
Món quà là gì đây. Một cái khăn thêu, một chiếc quạt đề thơ một cây bút lông thỏ hay một cặp sách như ta thường bắt gặp trong tiểu thuyết Trung Hoa? Tất cả đều không phải. Món quà nầy cực kỳ đáng giá, bất cứ ai thoáng nghe đều hết hồn. Đó là một cặp ngọc minh châu. Xã hội Tàu vào thời đại nhà Đường chỉ có giới quí tộc mới có khả năng chơi ngọc. Đám bình dân tầm thường cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc, làm gì có được mấy thứ châu ngọc đó mà mơ ước.  Như vậy chàng ở đây thuộc giới quí tộc hoặc là doanh thương giàu có. Xét thêm điểm nữa, nếu là minh châu để tặng người đẹp thì tặng một viên là sang trọng, quí phái lắm rồi, tặng chi tới những hai viên! Ý niệm âm dương hòa hợp của Trung Hoa lần nầy lộ rõ nét. Hai viên ngọc tròn vành vạnh đó cũng tượng trưng ý nghĩa chúng ta sẽ sống ân ái bên nhau có đôi có căp, hạnh phúc suốt đời. Anh chàng nầy thương yêu người ngọc đến độ vung tay không tiếc của, hào hoa phong nhã rất mực. Rõ ràng chàng muốn đạt được mục tiêu nên bất chấp giá nào, không thể thất bại được. Thấp thoáng cạnh món quà vừa có ân tình, vừa có lợi dụng riêng tư.  Hình như bên trong có thêm giá cả mua bán nũa. Và cuộc tấn công ồ ạt bằng sức mạnh kim tiền đã thắng. Người đẹp đã đưa tay ra mà nhận.  Bước đầu thoạt  thấy chàng đã thành công. Người nào cũng vui!
Nhận ngọc rồi cất vào đâu đây cho ổn, chuyện nầy không thể người ngoài biết được. Làm sao che giấu chuyện tai vách mạch rừng. Viết tới đây tôi thiệt tình thán phục thi sĩ Trương Tịch. Thiệt tình là phục sát đất ở từng chữ từng câu. “Cảm quân triền miên ý, Hệ tại hồng la nhu.” Khi nhận quà của người yêu xong thì nàng suy tính việc cất giữ vào đâu? Món quà nầy không tầm thường, vừa là vật quí hiếm, vùa là ân tình thương yêu. Chỉ có thể cất vào một nơi kín đáo riêng tư, không ai biết, không ai hay. Chỗ lý tưởng nhất là trong chiếc áo lót mình bằng lụa  màu hồng thơm tho, gần gũi, ấm áp. Như vậy là đôi viên ngọc thương yêu được nằm ngay trái tim ép sát lồng ngực. Ôi chao, còn chỗ nào tình tứ và kín đáo hơn nữa được.
Trong khi đó thì anh chồng tội nghiệp, đáng thương kia có hay biết gì đâu, suốt ngày cầm kích đứng gác cho ông vua ngủ ngon, quên mất cô vợ xinh đẹp, xuân sắc ở nhà trống vắng, quạnh hiu, cô độc một mình. Quên luôn anh hàng xóm lực lưỡng, đẹp trai, giàu có, phong lưu thập thò sưốt ngày bên cạnh. Tuy vậy câu chuyện tới đây bỗng nhiên đột biến. Tới cái giây phút nàng sắp sa ngã đó thì lương tri chợt tỉnh táo kêu gọi, không thể được, không thể được, mình là gái đã có chồng, hoa đà có chủ và sực nhớ lại lời thề xưa. Không thể vì giàu sang mà phụ bạc tình chồng nghĩa vợ, đã sống với nhau bao nhiêu năm đầu gối tay ấp, thương yêu chưa đủ đầy, nếu không có tình thì cũng còn có cái nghĩa. “Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi, lương nhân chấp kích Minh Quang lý.” Cô nàng đứng trên lầu cao chợt nhìn thấy chồng cầm kích đứng gác bên điện Quang Minh, chỉ trong một phút bèn sực tỉnh cơn mơ mà quyết định trả ngọc.
Chuyện trả ngọc tưởng là đơn giản nhưng thiệt ra không hề đơn giản chút nào. Trả ngọc tức là dứt khoát từ chối mối tình chàng đã trao. Làm sao mà nỡ. Trong cuộc đời nầy gặp gỡ biết bao người, chỉ có chàng là người hết lòng hết dạ để tâm thương yêu mình, ngàn vàng dễ kiếm, tri kỷ khó tìm.  Người ngoài làm sao cảm nhận được nỗi đau thương. Phải là người trong cuộc mới biêt, lòng nào mà đành đoạn, yêu nhau mà phải xa lòng đau như đứt từng đoạn ruột. Gặp nhau đã khó xa nhau lại càng khó hơn.
“Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt. Sự phu thệ nghĩ đồng sinh tử” (Như gương, vâng biết lòng chàng. Thờ chồng quyết chẳng phụ phàng thề xưa.)
Chuyện gì cũng vậy, có bắt đầu thì ắt phải có lúc kết thúc  Làm sao mà nói, làm sao mà vui được. Phút chia tay sao mà buồn bã thê lương. “Hoàn quân minh châu song lệ thùy” Trả ngọc cho chàng trong hai hàng nước mắt. Tiếc ngọc hay tiếc người tình? Tiếc người tình hay tiếc ngọc? Dù như thế nào thì cũng giống nhau một chữ tiêc.  Đức Phật từng đã có lần nói: “Ghét nhau mà phải gần là khổ.  Thương nhau mà phải xa là khổ.”  Sao mà cái gì cũng khổ hết trơn. Ngậm ngùi mà bịn rịn, nắm níu mà xa, miệng thốt lên lời oán trách số phận nghiệt ngã.
Cuối cùng thì thời gian lại bị đem ra mà đổ thừa. Cái câu “phải chi hồi đó” một lần nữa được lập lại trong tiếc nuối những gì đời không thực hiện được. “Hận bất tương phùng vị giá thì” Hận là không gặp chàng khi chưa có chồng. Chữ “hận” ở đây gần với nghĩa ân hận, tiếc nuối, chớ không gần với nghĩa hờn giận.

“Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không,
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gở,
Chim vào lồng biết thuở nào ra”

Như vậy toàn bài thơ là diễn tả cuộc xung đột giữa bản năng tình dục và đức hạnh của người đàn bà có chồng với những khuôn phép xã hội quy định. Nàng đã có giây phút yếu lòng, bồng bột yêu thương. Con tim mù quáng theo sự dẫn dắt của bản năng mê say cái đẹp giàu sang danh vọng và lý trí đã can thiệp kịp thời vào phút chót. Cuộc dằng co giữa tốt xấu, thiện ác, bản năng dục vọng và phẩm hạnh khá gay go….
Có bạn đọc trách cứ nàng đã phản bội người chồng, tuy chưa sa ngã nhưng đã có ngoại tình trong tư tưởng.  Tôi không trách như vậy và cực kỳ thương xót cho nàng, ai ai cũng có những giây phút yếu lòng… Ông trời sanh con người có trái tim tuy lớn nhỏ khác nhau Nếu có trách thì trách trái tim tại sao lại rung động nhịp nhàng trước cái đẹp. Mà trái tim nào cũng đâu phải có một ngăn, nó có nhiều ngăn mà.  Nó đập theo nhịp của nó, mình không phải là nó thì làm sao hiểu được cái gì mà nói nầy nói kia….
Trong nền văn học Trung Hoa mấy ngàn năm các tác phẩm thơ văn hầu như tất cả đều vô khuôn phép mẫu mức của lễ giáo tiết nghĩa. Hiếm khi bắt gặp những tác phẩm đề cao bản năng con người. Mà con người thì trời sanh có ba đời sống. Đời sống vật chất, đời sống tinh thần và đời sống tình cảm gồm có tình dục. Tác phẩm bàn về bản năng tình dục tuy cũng có nhưng rất hiếm hoi. Và nàng tiết phụ trong bài nầy đã nói lên được cái ước muốn thậm kín của bản năng tình dục đó, tuy nhiên cưối cùng cũng đầu hàng trước lễ giáo của xã hội.
Mà quả đúng như vậy, CON NGƯỜI là sản phẩm của xã hội mà.

Võ Kỳ Điền
(Brossard. Quebec. 26-11-2018)