Biệt ly! Lại biệt ly! Hai chữ ngắn ngủi này xuất hiện rất nhiều trong văn, thơ,
nhạc. Và dĩ nhiên trong tiếng nói hàng ngày. Đông, Tây, Kim, Cổ đều có nó. Nó
là nỗi ám ảnh dai dẳng của con người, khi ẩn khi hiện, nhưng không bao giờ dứt.
Nó đan quyện, chằng chịt, đổ vỡ, đứt lìa, nối tiếp. Biệt ly tuổi thơ ..., biệt
ly tình yêu ..., biệt ly quê hương ..., biệt ly thời gian, không gian. Cuối
cùng biệt ly cuộc sống để đi vào một cõi vĩnh hằng, hay một cõi vô định nào
đó.
Cần gì phải đến sân ga, bến xe, bến đò, sân bay mới gặp biệt
ly. Biệt ly vẫn diễn ra ngay trên con đường, trên dòng sông, trong đám bèo
trôi, trong chiếc lá rụng, trong tiếng chim kêu. Cả trong gió, mây, khói,
sóng.
Gặp biệt ly? Một lối nói nghịch lý, mới mẻ, sáng tạo?
Không, không phải thế. Khoảng 80 năm về trước, trong thơ của Xuân Diệu, một nhà
thơ nhiều sáng tạo, đã có những câu:
Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt
(người viết tô đậm)
Hay rõ hơn:
Tôi dạo tìm thơ gặp biệt ly
(người viết tô đậm)
Trong thơ cổ, trong Chinh Phụ Ngâm, Đoạn Trường Tân Thanh,
và trong Thơ Mới tiền chiến, đề tài biệt ly dường như không bao giờ cạn
nguồn. Cho nên đã nói đến, còn muốn nói thêm.
Lần này nói thêm này, trước hết, xin đề cập đến Tản Đà với
biệt ly giữa người tiên, kẻ tục.
Có lẽ vì thẹn thùng, hay muốn làm ra vẻ cao đạo, hay phong tục
có khác, khi biệt ly, những nàng tiên không đích thân tiễn đưa, không một giọt
nước mắt, không chút bịn rịn chia tay. Tuy thế cũng kín đáo rắc lá đào xuống lối
đi làm dấu như muốn nhắc nhở hai chàng có nhớ cảnh tiên mà trở lại thì sẽ không
lạc đường. Và sai dòng suối trôi theo tiễn, chim oanh bay theo đưa. Ngàn năm
sau có buồn chăng vì vắng hai chàng, đã có ánh trăng suông cùng nhau thơ thẩn:
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
Đá mòn, rêu nhạt
Nước chảy, huê trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ đây xa cách mãi
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
(Tống Biệt – Tản Đà)
Cảnh tiên đẹp và lạnh. Con người nhỏ nhoi chìm khuất trong
không gian bao la, lạc lối. Hình ảnh Cái hạc bay lên vút tận trời trông
như một vết chém. Thôi, hãy trở về cõi tục, hãy gặp biệt ly với đủ thứ thất
tình lục dục quen thuộc.
Có khi biệt ly được ngụy trang bằng “bình thản”, “thờ ơ” để
che giấu nỗi đau sẽ còn lại mãi nơi kẻ ở người đi:
Anh đi đường anh, tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi
Đã quyết không mong sum họp mãi
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi
...
Rồi bỗng ngừng vui cùng lẳng lặng
Nhìn nhau bình thản lúc ra đi
Nhưng trong khoảnh khắc thờ ơ ấy
Thấy cả muôn đời hận biệt ly
(Giây Phút Chạnh Lòng - Thế Lữ)
Có khi biệt ly có khả năng biến đổi ngôi “Vườn Xưa” thành niềm
thương nỗi nhớ bâng khuâng, man mác cả không gian. Quay trở lại tìm nhau không
thấy nhau, chỉ còn gặp những kỷ niệm của nơi quê mùa, mộc mạc, trên cành ổi gió
thổi vi vu, dưới giếng nước trong như gương lẻ bóng:
một ngày xuân em trở lại nhà
nghe mẹ nói anh có về hái ổi
em nhìn lên vòm cây gió thổi
lá như môi thầm thì gọi anh về
lần sau anh trở lại một ngày hè
nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
anh nhìn giếng, giếng sâu trong vắt
nước như gương soi lẻ bóng hình anh
(Vườn Xưa - Tế Hanh)
Nhưng không phải chỉ trong tình yêu đôi lứa mới đau đớn vì
biệt ly. Mẹ xa con, tiễn con đi lấy chồng, Này con đừng khóc, người ta cười bây
giờ. Khuyên con đừng khóc, còn mẹ?
Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc, nín đi không!
Nín đi, mặc áo ra chào họ
Rõ quý con tôi! Các chị trông!
...
Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con, khổ mấy mươi!
Con ạ, đêm nay mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi.
(Lòng Mẹ – Nguyễn Bính)
Nhìn vào lịch sử, cũng biệt ly. Huyền Trân Công Chúa hơn 700
năm về trước (1306) ngàn dặm ra đi đem thân đổi lấy Châu Ô, Châu Ri của Chiêm
Thành vẫn được hậu thế, từ đời này qua đời khác, thương cảm kể lể. Trong một
bài ca Huế theo điệu Nam Ai ra đời cách đây gần một thế kỷ, lời ca và tiếng nhạc
quyện vào nhau thành tiếng khóc bi thảm:
Nước non ngàn dặm ra đi
Cái tình chi
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly
Đắng cay vì đương độ xuân thì ...
...
Má hồng da tuyết
Quyết liều như hoa tàn trăng khuyết
Vàng lộn theo chì
Khúc ly ca
Sao còn mường tượng nghe gì
Thấy chim hồng nhạn bay đi ...
Ngày nay, trong thơ tự do, thơ không vần, thơ tân hình v.v
... cũng không thiếu biệt ly.
Thơ Thanh Tâm Tuyền chẳng hạn. Càng đau thương, dằn vặt
trong một cuộc sống bất an, đổ vỡ, trong một quê hương điêu linh, khốn quẩn,
trong một cuộc tình vô vọng, bế tắc, ám ảnh biệt ly càng gay gắt. Đang quấn
quýt bên nhau, đã sợ xa nhau:
Anh sợ những cột đèn đổ xuống
Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta
Bóp chết mọi hy vọng
Nên anh dìu em đi xa
Đi đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắt thương đau
....
Anh là thằng điên khùng
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới.
(Dạ Khúc – Thanh Tâm Tuyền)
Nguyên Sa thì ngẩn ngơ, băn khoăn, ray rứt. Chỉ mong người đừng
đi. Nhưng người đã đi chưa? Và sẽ về đâu? Mong thuyền chở người đi trên con sông
không nước, thuyền không thể trôi; mong con sông không nguồn, thuyền lại chạy
quanh quay trở lại. Người đi sẽ mang theo tất cả. Bỗng nhớ một câu thơ, mà
không nhớ nó nằm trong bài thơ nào, ai là tác giả, Anh đi giời xưa đổ. Vâng,
người đi mang theo tất cả, mang cả tôi theo. Tôi sẽ không còn là tôi. Tiễn người,
tôi biệt ly tôi:
Người về đêm nay hay đêm mai
Người sắp đi chưa hay đi rồi
Muôn vì hành tinh rung nhè nhẹ
Hay ly rượu tàn run trên môi
...
Sao người không chọn sông vắng nước
Hay nước không nguồn cho sông đi quanh
...
Tôi muốn hỏi thầm người rất nhẹ:
Tôi đưa người hay tôi đưa tôi?
(Tiễn Biệt – Nguyên Sa)
Và dưới đây là nỗi đau biệt ly trong thổn thức, nức nở - ngập
ngừng, đứt quãng, gián đoạn vì những tiếng nấc không nén được. Những thanh âm ấy
đã được diễn tả rất linh động bằng thủ pháp vắt dòng trong thể thơ tân hình thức.
Xin đăng trọn bài thơ đặc biệt này:
Buổi sáng, trên xa lộ
dài và rộng, không còn
anh bên cạnh, những dòng
xe tấp nập, những con
đường đi về đâu mà
thênh thang nỗi nhớ. Phía
trước mặt, màu đỏ của
mặt trời đốt cháy nỗi
cô đơn cực nóng, những
đam mê một thời khao
khát, anh ở đâu? Có
hay một người đang tìm
anh, tìm lại hạnh phúc
của đời mình đã để
vụt bay. Xa lộ, đoàn
xe nối nhau bất tận,
những màu xe vượt qua
mặt, xe nào anh trong
đó, vùng nào anh đang
đi sao nỡ vội xa
nhau ...?
(Mai Phương - Đi Tìm Nơi Mặt Trời Mọc)
Đấy là biệt ly trong thơ, và một thoáng trong nhạc. Thế
trong văn xuôi?
Cùng với thế hệ của người viết bài này, và cả mấy thế hệ trước
và sau, có lẽ không ai không nhớ một bài văn xuôi lớp Sơ Đẳng, tức lớp Ba bây
giờ, trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư ra đời cách đây gần một thế kỷ. Đó là bài “Kẻ
ở người đi”. Hồi còn học lớp ba, bé bỏng , có biết biệt ly là gì đâu. Đọc bài
văn thấy vui vui, và thích thú hơn nữa khi ngắm nghía bức hình minh họa: Con đường
đất trong làng nằm ven sông, phía trái là lũy tre, phía phải là hai chiếc thuyền
nhỏ đang cắm sào, và ở giữa là một gia đình đông đảo gồm cả “kẻ ăn người ở
trong nhà”, tất cả nhìn theo chiếc thuyền xa xa đã giương buồm, và những cánh
tay vẫy, đặc biệt có cánh tay tí hon của em bé đang được mẹ “bồng nách” cũng vẫy
theo.
Dưới đây là đoạn kết: “Thuyền nhổ sào, ai nấy đều chúc
cho tôi được thuận buồm xuôi gió, bình yên khỏe mạnh. Thuyền đã đi xa, mà tôi
còn đứng nhìn trở lại, nhìn cho mãi đến lúc không trông thấy nhà nữa mới thôi.
Ôi! Cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!”
Những năm trung học, làm quen với Tự Lực Văn Đoàn, những Văn
Đoàn khác, và một số tiểu thuyết tiếng Pháp, tiếng Anh, tầm nhìn được mở rộng
thêm. Thì gặp Đôi Bạn. Trong Tự Lực Văn Đoàn có hai truyện dài, nhưng đều
khá mỏng, có thể xem như những áng thơ trường thiên, hồn thơ lan toả ra bàng bạc
từ đầu truyện đến cuối truyện. Đó là Hồn Bướm Mơ Tiên chỉ hơn 100 trang
của Khái Hưng, và Đôi Bạn chưa tới 200 trang của Nhất Linh.
Đôi Bạn là một nơi chốn mà tôi đã hơn một lần quay trở
lại tìm kiếm. Mỗi lần quay về, thấy nó khác trước. Nó buồn hơn, man mác hơn,
hoang mang hơn. Nhất là cái nhan đề “Đôi Bạn” tưởng như nói lên sự gần gũi,
khăng khít. Nhưng không, “Đôi Bạn” là biệt ly.
Nhưng Đôi Bạn là ai? Là hai người yêu nhau, là Dũng và Loan,
Loan, người của mối tình đầu, của quê hương, của tuổi thơ, người mà Dũng không
bao giờ quên:
Chàng mỉm cười nói đùa:
-Phải đi về vì hai hôm đã nhớ nhà rồi.
Câu nói đùa nhưng cũng là câu nói thật. Dũng nghiệm ra rằng
lần nào cũng vậy, hễ đi đâu một vài ngày là chàng đã thấy nẩy ra cái ý muốn về
nhà để được gần cạnh Loan. Gia đình, quê hương chàng yêu mến chính vì nơi đó là
nơi chàng với Loan trong bao lâu đã cùng thở một bầu không khí, đã cùng ngắm những
cảnh sắc thay đổi hết mùa này sang mùa khác, năm này sang năm khác.
Quả thế, quê hương và tuổi thơ là chất keo buộc chặt tình
yêu đôi lứa. Làm nhớ Hàn Mạc Tử với “Tình Quê”. Ngay cả đối với những ai
đã cách nhau ngàn vạn dặm, dù muốn quên tất cả lời thề ước dưới trăng,
dù cố quên tình phu thê, nhưng trong đáy lòng cũng cảm thấy đau đớn não
nề khi quê hương lên tiếng gọi lặng lẽ, thì thầm mà sâu lắng, như tiếng buồn
trong sương đục, tiếng hờn trong lũy tre. Xin đăng trọn bài “Tình Quê”
của Hàn Mạc Tử:
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Dòng nước luôn trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi đến trăng thề
Dù ai không mong đợi
Dù ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong lũy tre
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê
Dù ai trên bờ liễu
Dù ai dưới cành lê
Với ngày xanh hờ hững
Cố quên tình phu thê
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề
Huống là đối với Đôi Bạn yêu nhau tha thiết mà phải xa nhau,
chàng vì nước ra đi không biết tới chân trời góc bể nào, sống chết ra sao; nàng
sống mỏi mòn nơi quê cũ. Và cả hai người, “Thấy cả muôn đời hận biệt ly”
như trong câu thơ của Thế Lữ đã trích dẫn.
Xin mở dấu ngoặc. Đôi Bạn ra đời dưới thời Pháp thuộc
với guồng máy cai trị vô cùng khắc nghiệt. Điều này chứng tỏ rằng tác giả của Đôi
Bạn vì tổ quốc dám “thi gan” với cường quyền, với mọi tai họa có thể xẩy đến
cho mình. Có lẽ cũng vì nội dung “phản động” của cuốn sách đối với nhà cầm quyền
đương thời nên Vũ Ngọc Phan không đề cập gì đến Đôi Bạn, và cả Đoạn
Tuyệt, trong Nhà Văn Hiện Đại xuất bản năm 1942. Thi Nhân Việt Nam của Hoài
Thanh cũng xuất bản năm 1942 có đăng bài thơ Giây Phút Chạnh Lòng khá dài
của Thế Lữ, không một lời bình luận. Đó là bài thơ lấy cảm hứng từ hai nhân vật
Dũng và Loan trong Đoạn Tuyệt và Đôi Bạn.
Trở lại với Biệt ly trong Đôi Bạn. Ngay đầu cuốn truyện,
bóng dáng Biệt Ly đã xuất hiện thấp thoáng. Đâu phải là do tình cờ. Cái đĩa hát
“ngày xửa ngày xưa” về nàng công chúa Huyền Trân phải xa lìa quê cha đất tổ,
như đã được đề cập ở phần trên, lại nghe vang lên như khúc nhạc dạo mở đầu cho
bản trường ca Biệt Ly sắp diễn ra:
Dũng đã thoáng nhận thấy vẻ nghi ngại trên nét mặt của cụ
chánh, nên vội đùa với Loan:
-Có mỗi việc quay cái máy hát cho anh em nghe mà các anh ấy
bàn mãi chưa biết cử ai.
Loan vui mừng:
-Phải đấy. Cử tôi cho.
Cận nói:
-Nhưng chỉ có một cái đĩa.
Loan nói:
-Chắc lại vẫn cái đĩa Nam Bẳng ngày xửa ngày xưa chứ gì?
Nàng vừa quay máy vừa hát khe khẽ:
-Nước non ngàn dặm ra đi ...
Một lúc tiếng hát nổi lên; trừ Dũng ra, còn người nào
cũng chú ý lắng nghe .
Loan nói:
-Em thích cái đĩa hát này lạ.
...
Dũng ngâm theo đĩa hát:
-Thấy chim hồng nhạn ... bay đi.
Loan không nói gì, vin một cành khế đầy hoa hồng và lấm tấm
những quả khế xanh non, ngước mắt nhìn ra vẻ tìm xem có quả nào to ăn được
chưa. Mùi hoa khế đưa thoảng qua thơm nhẹ quá nên Dũng tưởng như không phải là
hương thơm của một thứ hoa nữa. Đó là thứ hương lạ để đánh dấu một khoảng thời
khắc qua trong đời: Dũng thấy trước rằng độ mười năm sau, thứ hương đó sẽ gợi
chàng nhớ đến bây giờ, nhớ đến phút chàng đương đứng với Loan ở đây. Cái phút
không có gì lạ ấy, chàng thấy nó sẽ ghi mãi ở trong lòng chàng cũng như hoa khế
hết mùa này sang mùa khác thơm mãi trong vườn cũ.
Cho nên khi chưa xa nhau, Dũng rất mong có những giây phút sống
cạnh Loan, Loan mà Dũng xem như là nàng tiên đến với chàng trong chốc lát rồi
đi:
Trong đời chàng, chàng ước ao có nhiều lúc như lúc này,
đương mong Loan lại được Loan đến với chàng, đến như một nàng tiên ở nơi xa xăm
về an ủi chàng trong chốc lát rồi lại bay đi.
Cái hạnh phúc đó dù ngắn ngủi vẫn mang lại cho chàng cảm
tưởng của một cuộc sống ấm áp, êm ả cách biệt hẳn cuộc đời phiền muộn ngoài
kia:
Dũng vào ngồi bên cạnh Loan. Bà hàng mở vung múc nước
chè, một làn hơi nóng thoảng qua mặt Dũng. Dũng không nghĩ đến Thái nữa, những
người bạn ngồi quanh chàng, người nào lúc đó nét mặt cũng lộ vẻ bình tĩnh. Dũng
có cảm giác êm ả lạ lùng và cái quán hàng trong đó có Loan ngồi chàng tưởng như
một chốn ấm áp để chàng được cách biệt hẳn cuộc đời mà chàng thấy nhiều phiền
muộn, buồn bã như buổi chiều mờ sương thu ngoài kia.
Phong cảnh bến đò nơi Loan “đã nhiều lần đi qua”,
Dũng nhớ với tất cả âu yếm. Dù vậy, cảnh bến đò lại gợi hình ảnh biệt ly:
Dũng nhìn ra phong cảnh bến đò nơi mà Loan đã nhiều lần
đi qua. Chàng định khi về sẽ mua ít bánh gai biếu bà Hai.
-Chắc Loan vui lòng lắm.
Tiếng hát sẩm và tiếng nhị trên mặt sông vẳng đến tai
Dũng. Trúc chạy ra, tay cầm chiếc bánh gai bóc dở. Chàng cắn một miếng to, gật
đầu khen:
-Ngon lạ ... Phải mua chục chiếc làm quà cho anh Thái ...
Cảnh bến đò bao giờ cũng buồn, không hiểu tại sao?
Dũng đáp:
-Có lẽ nó gợi ý nghĩ đến sự biệt ly.
Biệt ly đối với Dũng đã biến thành nghiệp dĩ. Yêu mến cuộc sống
bên cạnh Loan nơi quê hương, tuy nhiên, “ Phải đi! Phải đi!” Hai tiếng đó vang
lên như điệp khúc trong bản trường ca. Không nói ra cho Loan biết quyết định ra
đi, nhưng thái độ của Dũng đã vô tình tố cáo. Dũng đành tự đánh lừa, phải xa
nhau mới có ngày gặp nhau:
Dũng nói:
-Bây giờ nghĩ đến nhà quê thật là xa lắc. Giá cứ thế này
đi không về nữa thì hay đến đâu.
-Sao lúc nào em cũng thấy anh nói đến đi.
Dũng mỉm cười:
-Ở nhà tôi có nói đến đi bao giờ đâu?
Loan nói:
-Anh không nói đến đi, nhưng trông nét mặt anh lúc nào em
cũng thấy anh khó chịu, hình như chỉ có đi là thoát.
-Sao cô lại tưởng thế?
...
Ngẫm nghĩ một lúc rồi Dũng nói tiếp:
-Có lẽ phải xa nhau rồi mới gần được.
...
Nàng chép miệng nói tiếp theo, mắt vẫn nhìn Dũng:
-Đi bao giờ cũng buồn. Nhưng người đi không buồn lắm, buồn
nhất là người ở nhà.
Dũng hiểu ý Loan, chàng nói:
-Nhưng ở đời tránh thế nào được những sự biệt ly. Có buồn
đi xa rồi mới có mừng được về, gần nhau mãi không biết rằng những lúc những lúc
ở gần là quý ...
Loan tiếp theo:
-Miễn là đừng đi xa mãi mãi cả đời.
Có khi mềm lòng, ai mà chẳng có lúc như thế, yêu cuộc sống
êm đềm cạnh Loan, Dũng không khỏi nghĩ đến cái chết có thể xẩy ra, đó là tận
cùng của biệt ly, biết đâu, trên bước đường đầy gian nguy sắp tới. Dũng cố bi
thảm hóa hoàn cảnh của mình chăng? Không phải thế. Những bạn cùng chí hướng của
chàng đã có người ra đi vĩnh viễn:
Chàng thốt nghĩ đến Loan và tự nhiên nhớ đến một hôm, đã
lâu lắm, nhìn Loan mặc áo trắng đi qua vườn trong ánh nắng thu, lần đầu chàng cảm
thấy cái vui thấy mình sống. Chàng không dám nghĩ đến một đời ở xa Loan, nay
đây mai đó như Tạo, rồi một ngày kia cũng như Tạo chết một nơi xa lạ nào, nằm
trong áo quan tối, trong khi Loan đứng bên mồ, dưới ánh nắng, tà áo trắng của
nàng phấp phới trước gió.
Trúc ngửng nhìn Trúc và lấy làm ngạc nhiên thấy Dũng mắt
có ngấn lệ.
Tuy nhiên, Dũng không hề cho Loan biết quyết định ra đi của
mình. Loan, với linh tính bén nhạy của phái nữ , nhất là khi đang yêu, đã đoán
già đoán non:
Đột nhiên Loan hỏi Dũng:
-Anh định sắp đi đâu?
Cả hai người cùng ngửng lên một lúc. Dũng ngạc nhiên vì
câu hỏi bất ngờ, nhìn Loan dò xét. Loan cúi xuống tìm nhặt những bông hoa cỏ
may vướng trên vạt áo; nàng nói tiếp:
-Hình như anh sắp đi đâu xa, xa lắm.
Nàng vẫn cúi người, nghiêng đầu nhìn Dũng. Dũng nói:
-Có lẽ. Nhưng ... sao cô biết.
Loan mỉm cười:
-Thế ra thật à?
Dũng cũng cười:
-Thế ra cô bắt nọn tôi?
Loan nói trạnh ra ý khác ...
Là người đa cảm và giàu tưởng tượng, chưa lên đường ra đi
Dũng đã hình dung cảnh hai người xa nhau. Với chút lãng mạn, hình dung cả tiếng
mưa rơi đêm khuya đánh thức Dũng khiến chàng nhớ Loan đang sống nơi quê
cũ:
Dũng khẽ nói với Loan:
-Mưa thế này thì cô về sao được?
Dũng lấy làm lạ rằng khi hỏi câu hỏi rất thường, giọng
chàng đổi khác hẳn đi. Loan áp hai bàn tay vào má, hai ngón tay út khẽ đập trên
thái dương, thẫn thờ nói:
-Thì cứ ngồi đây suốt đêm.
Một lúc sau, nàng mỉm cười tiếp theo:
-Ngồi nghe mưa rơi.
Tiếng nói của Loan nghe trong căn phòng ấm áp, thốt nhiên
gợi Dũng nghĩ đến cảnh một người phiêu lưu ngủ trọ trong quán hàng nước ở một bến
đò xa vắng, đêm khuya lạnh, sực thức dậy nghe tiếng mưa rơi trên sông và nhớ tới
người yêu ở quê cũ.
Vì vậy cái buồn luôn luôn đến với Dũng:
Tay nàng lùa vào trong giàn đậu nhanh nhẹn như con chim
non tìm mồi nhưng qua lá cây Dũng thấy hai con mắt nàng đương long lanh nhìn
chàng dò xét. Loan hạ thấp giọng để bà Hai nghe không rõ, bảo Dũng:
-Lúc nào em cũng thấy anh buồn.
Rồi nàng vờ như không để ý đến câu nói của mình, kiễng
chân với một cành cao, vui vẻ nói:
-Cành này vô số là quả nhưng cao quá anh Dũng ạ.
Dũng hiểu, nói:
-Ý cô muốn tôi giúp cô.
Kỷ niệm thời thơ ấu của hai người thường luẩn quẩn quay về:
Dũng nhìn lên mặt trăng cao mà tròn khuất sau lá cây. Ở
thành phố nên Dũng thấy mặt trăng có vẻ buồn bã hình như đương nhớ những quãng
rộng rãi ở các vùng quê xa xôi, nhớ những con đường vắng gió thổi cát bay lên
trắng mờ mờ như làn sương, nhớ những con đom đóm bay qua ao bèo, lúc tắt lúc
sáng như những ngôi sao lạc biết thổn thức ... Chàng dịu dàng nói với Loan:
-Thế mà mới độ nào, cô còn nhớ không, những đêm trăng
sáng chúng mình còn ngồi ở sân đợi có đom đóm bay qua rồi đứng lên reo đom đóm
xuống đây ăn cơm với cá.
Loan nói:
Hình như nó biết chúng mình đánh lừa hay sao nên nó lại
bay cao. Lạ thật, đến khi lớn lên thì mình không biết là có đom đóm nữa.
Người làm cách mạng sẵn sàng chấp nhận tù đày và cái chết.
Trong một xã hội bế tắc, khốn quẫn như xã hội ta thời nô lệ Pháp, chết là thoát
ly. Một số bạn của Dũng đã chết, nghĩa là đã được thoát ly, Dũng ngẫm nghĩ.
Không những thế, Dũng còn cảm thấy như chính mình được thoát ly, nghĩa là mình
cũng chết theo, hay chí ít nơm nớp đợi đến lượt mình từ giã cõi đời:
Đính nói:
-Cái anh Thái ấy hình như bắn xoàng. Bắn ông phủ hai phát
không trúng, bắn mình một phát lại trúng ngay...
Dũng đứng lên, bước vội ra sân. Chàng lấy làm lạ rằng
mình chỉ bàng hoàng ngây ngất như người mới nhận một tin đột ngột quá, chứ
không thấy đau khổ, không thấy thương xót người bạn mới khuất. Sau một hồi
khích động mãnh liệt, Dũng thấy dần dần thấm vào trong lòng một nỗi êm ả xưa
nay chưa từng thấy. Chàng có cái cm tưởng rằng mình sắp thoát một nơi u ám, nặng
nề và một sự gì mới mẻ sắp nẩy nở ra trong tâm hồn. Cái chết của Thái đối với
Dũng chỉ là một sự thoát ly nhưng Dũng thấy rằng người được thoát ly là chàng
chứ không phải Thái. Nhiều ý nghĩ trái ngược hỗn độn hiện ra một lúc khiến Dũng
không biết rõ hẳn lòng mình ra sao: chàng cũng không muốn nhân cái chết của một
người bạn để suy nghĩ về mình và tìm tòi cho mình...
Các bạn chàng đối với nhau chỉ có mỗi một dây liên lạc
chung là tình bạn hữu, còn ngoài ra mỗi người đi theo một ngả đường, sống theo
một cảnh đời riêng, yếu ớt, rời rạc. Thỉnh thoảng lại nghe tin một người trong
bọn chết đi hay bị tù tội, rồi ai nấy, trước số mệnh, chỉ việc cúi đầu, yên lặng,
nơm nớp đợi đến lượt mình.
Nhưng là một thanh niên đầy sức sống, tình yêu trai gái nồng
nàn và thèm muốn nhục dục có khi dậy lên như sóng:
Ánh trăng đương mờ bỗng sáng hẳn lên. Gió đưa tà áo Loan
khẽ chạm vào tay khiến Dũng sực nghĩ mình đi sát gần bên Loan quá. Chàng nhớ đến
hôm lễ thọ và cái mơ ước được đi chơi với Loan trong vườn cỏ thơm, gió đưa tà
áo nàng phơ phất chạm vào tay êm như một cánh bướm ... Dũng không dám quay mặt
nhìn Loan; chàng chỉ thấy bên chàng có một bóng trắng hoạt động nhẹ và thơm,
lúc sáng hẳn lên dưới ánh trăng, lúc mờ đi trong bóng cây lưa thưa. Dũng nghe
rõ tiếng chân bước của Loan nhịp nhàng xen với tiếng chân chàng bước. Quả tim
chàng đập mạnh ... Chàng trông thấy trước mặt bàn tay hơi run run của Loan, hôm
nào, cời những quả đậu non trong rá, chàng nhớ đến cái cảm tưởng ngây ngất được
thấy đôi môi Loan mềm và thơm như hai cánh hoa hồng, bao nhiêu thèm muốn ngấm
ngầm bấy lâu trong một phút rạo rực nổi dậy. Bốn bàn chân vẫn bước đều đều ...
Chàng nghĩ nếu lúc đó ngừng lại; chàng sẽ đưa cánh tay đỡ lấy Loan và miệng
chàng sẽ nói câu mà chàng vẫ thầm nhủ với Loan đã bao lần trong giấc mơ:
-Anh sẽ yêu em trọn đời.
Tuy nhiên Dũng yêu mà không chịu thổ lộ tình yêu. Tại sao?
Phải chăng tại vì Dũng biết trước rằng tình yêu đó sẽ không đi đến đâu, chàng
phải xa nàng, không có ngày về, nên không muốn có những ràng buộc làm khổ nàng
về sau? Hay cũng có thể yêu theo kiểu cổ điển phương Đông, để thèm muốn xác thịt
chen lẫn vào là tầm thường, là “có tội”? Hay Dũng muốn người yêu của mình, ái
tình của mình đẹp như đoá hoa hàm tiếu đang ngậm sương, như một chiếc bình cổ
quý giá, một mối tình trong sáng, lý tưởng, thì hãy đừng chạm mạnh vào nó, gìn
giữ cho nó luôn luôn nguyên vẹn, tươi thắm để nâng niu, tôn thờ. Dù gì đi nữa,
quả Dũng là con người kỳ dị, có phần lãng mạn, có phần khó hiểu, nhưng đầy quyến
rũ. Và những trang mô tả mối tình e ấp, xa xôi đó cũng đẹp như những bài
thơ.
Chỉ khi chuyện tình cờ xẩy ra mới khiến họ có dịp trao đổi
nhau những ánh mắt âu yếm, “liều lĩnh”:
Dũng vòng hai tay ra phía sau làm gối ngửa mặt nhìn lên.
Ánh nắng trên lá thông lóe ra thành những ngôi sao; tiếng thông reo nghe như tiếng
vọng xa, đều đều không ngớt; Dũng có cái cảm tưởng rằng cái tiếng ấy đã có từ đời
kiếp nào rồi nhưng đến nay còn vương lại âm thầm trong lá thông.
Không nghe tiếng Loan và Thảo nói chuyện nữa, Dũng
nghiêng mặt về phía hai người. Chàng thấp thoáng thấy hai con mắt đen của Loan.
Thấy Dũng bắt gặp mình đang nhìn trộm, Loan vội nhắm mắt lại làm như ngủ; song
biết là Dũng đã trông thấy rồi, nàng lại vôi mở mắt ra, rồi qua những ngọn lá cỏ
rung động trước gió, hai người yên lặng nhìn nhau.
Loan chắc Dũng có ý nghĩ gì đổi khác hẳn trước nên mới
nhìn nàng như nhìn một tình nhân mà không tỏ ý ngượng; Loan sinh liều, âu yếm
nhìn lại Dũng. Giây phút thần tiên của đôi bạn vẫn yêu nhau từ lâu nhưng lần đầu
dám lặng lẽ tỏ ra cho nhau biết.
Cuối cùng, khi vừa vượt qua khỏi biên giới đặt chân trên
vùng an toàn là đất Tàu, khi mọi cạm bẫy, hiểm nghèo không còn là mối bận tâm nữa,
khi những lo âu không còn dấy động, rình rập, khi lòng lắng xuống, bình tâm,
thì kỷ niệm của những ngày qua dồn dập về. Dũng nghĩ ngay đến “người của quê
hương cũ, người của tuổi thơ”, và hồi tưởng “cái vui sướng đầu tiên khi
biết mình yêu Loan”:
Dũng thốt nhiên thấy quả tim đập mạnh: chàng nghĩ đến cái
vui sướng một ngày kia, một ngày xa xôi lắm và không chắc còn có không, lại được
gặp mặt lại Loan, người của quê hương cũ, người của tuổi thơ mà chàng biết
không bao giờ có thể quên. Dũng nhớ lại cái vui sướng đầu tiên khi biết mình
yêu Loan bốn năm trước đây. Một buổi sáng đi chơi về nhìn qua vườn, chàng thấy
sân bên kia có tấm lụa trắng còn mới nguyên phơi trên dây thép, gió đưa bay tha
thướt trong nắng. Chàng lấy làm lạ nhìn tấm áo một lúc lâu rồi sực nghĩ ra:
“Loan ở tỉnh đã nghỉ học về.”
Tìm ra được điều ấy, chàng lấy làm ngạc nhiên sao mình có
thể vui sướng đến như thế, chàng đứng lặng người đi ít lâu và từ lúc đó chàng
biết rằng trong đời chàng đã có một người yêu.
Bắt đầu từ giây phút này, cuộc sống của Dũng rẽ qua một bước
ngoặt mới, chưa biết sẽ về đâu, đầy phiêu lưu, mạo hiểm, mà cũng đầy thương nhớ.
Dũng muốn thoát, thoát khỏi những gì, Trúc đã đoán biết. Vâng, nói như Trúc, trốn
thoát chưa đủ, còn phải thoát khỏi những ràng buộc cũ:
Dũng và Trúc không bảo nhau, cùng đi rẽ sang con đường
leo lên đỉnh đồi. Tới một khoảng rộng hai anh em ngừng lại nhìn bốn phía. Trúc
giơ tay bảo Dũng:
-Mai chúng mình đi về phía kia.
Dũng nói:
-Sao anh biết là phía ấy?
-Đoán thế, vì phía ấy nhiều núi, có vẻ nguy hiểm tợn.
Những quả núi đá màu lam thẩm, chen nhau hỗn độn ở chân
trời hình như không bao giờ hết.
Trúc nói tiếp:
-Rồi chúng ta cứ đi, đi mãi không quay đầu nhìn lại phía
sau.
...
Dũng cau mày lấy ngón tay đập mạnh điếu thuốc lá cho rơi
tàn và nói:
-Miễn là thoát được.
Trúc đoán được những ý nghĩ của Dũng ngụ trong câu nói vắn
tắt. Trốn đi thoát không đủ, còn phải thoát được hết những dây ràng buộc mình với
đời cũ.
*
Hãy trở lại với dòng đầu tiên của cuốn sách. Đôi Bạn bắt đầu
bằng bốn chữ:
Trời muốn trở rét.
Bốn tiếng ngắn ngủi, mình nói mình nghe, như vô tình buột miệng
khi thấy một mùa đang về, mùa thu. Nhưng đúng ra những tiếng tưởng là vô tình ấy
quả đã báo trước những gì sắp xẩy ra trên con đường dài của một cuộc đời quạnh
quẽ. Bốn tiếng vang lên réo rắt. Chữ thứ nhất âm bằng, nối tiếp bằng ba chữ âm
trắc, nghe như tiếng chim báo bão cho những năm tháng sắp tới cô liêu, kéo dài
thành một xâu chuỗi nối tiếp nhau mãi bằng những mảnh vỡ của chia lìa, của biệt
ly, của mùa thu, của băn khoăn, của hoang mang, để kết thúc bằng một điệu buồn
miên man bất tận như một nỗi nhớ xa xôi, trong câu cuối cùng của Đôi Bạn:
Trước mặt hai người, về phía bên kia cánh đồng, ánh đèn
nhà ai mới thắp, yếu ớt trong sương, trông như một nỗi nhớ xa xôi đương mờ dần
...
Trên đây chỉ là những trích dẫn thiếu sót, không thể diễn tả
đầy đủ mọi điều tác giả muốn nói trong một tác phẩm gần 200 trang giấy mà hầu
như trang nào cũng chứa đựng không ít thì nhiều những khía cạnh khác nhau của
Biệt Ly.
Nếu nàng Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn
Du là hiện thân của đau khổ, của nước mắt, của bẽ bàng, kể cả khi Kiều được tái
ngộ với người tình cũ, thì Dũng trong Đôi Bạn của Nhất Linh là sứ giả của
Biệt Ly, của hồi ức, của sầu muộn. Trong Đôi Bạn, chất lãng mạn lẩn khuất
thấp thoáng bên cạnh chất thơ bàng bạc, man mác. Và Dũng, nhân vật chính của Đôi
Bạn, quả xứng đáng với lời tán tụng của Vũ Khắc Khoan trong Mơ Hương Cảng:
“... Bởi vào năm 1940, không chỉ có một Dũng, Dũng của Đoạn Tuyệt, mà còn có
một thứ Dũng nữa, tuy sinh sau đẻ muộn mà ma lực quyến rũ (nhất là đối với
chính Nhất Linh) lại khủng khiếp gấp bội người anh đầu lòng ... Dũng dần dần
trút bỏ hình thù thô kệch giả tạo ban đầu, vụt lớn lên thần tượng, vóc dáng bao
trùm cả một thế hệ ... Dũng kỳ dị, beau ténébreux, hiện lên lãng mạn trên một nền
mờ dịu của mây trắng mùa thu và gió heo may thổi lộng mặt sông hoang vắng
...”
Ngự
Thuyết
Chú thích
Từ một tiểu thuyết của Tàu, Kim Vân Kiều truyện của Thanh
Tâm Tài Nhân, một tác phẩm bằng văn xuôi không có có giá trị gì đáng kể, Nguyễn
Du đã viết lại thành một áng thơ tuyệt tác đầy sáng tạo, thấm đẫm tâm hồn dân tộc,
và, theo Đào Duy Anh, đã phát triển, hoàn chỉnh và thống nhất hai thành phần
quan trọng của Ngôn ngữ Văn học Việt Nam, yếu tố Văn học Dân gian và yếu tố văn
học chữ Hán để tạo nên một ngôn ngữ Văn học mới dồi dào, uyển chuyển (Từ Điển
Truyện Kiều. Đào Duy Anh. Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam. 2009). Áng thơ tuyệt
tác đó có nhan đề mới, Đoạn Trường Tân Thanh (Tiếng Mới Đứt Ruột). Thế nhưng
theo thói quen, hay muốn được ngắn gọn, hậu thế dùng nhan đề Truyện Thúy Kiều,
hay Truyện Kiều. Có lẽ nên trở lại với cái nhan đề nguyên thuỷ của chính tác giả
Nguyễn Du.
2 Kiều trong những bước chìm nổi lưu lạc, thường nhớ đến cha
mẹ, hai em, người yêu cũ, và cố hương. Do đó luôn luôn mơ tưởng đến ngày về, và
“khi về”. Khi còn sa chân lỡ bước trong chốn thanh lâu, có lúc nghĩ đến cảnh ngộ
người yêu cũ trở lại vườn Thúy mà không gặp được mình, Kiều cảm thấy bẽ bàng và
hình dung nỗi đau đớn của Kim Trọng (Khi về hỏi Liễu Chương Đài/Cành xuân đã bẻ
cho người chuyên tay). Cuối cùng, ngay cả “khi về” tái ngộ với Kim Trọng, theo
tôi, Kiều lại càng bẽ bàng hơn. Thử tưởng tượng một nàng Kiều xinh đẹp mới trên
30 tuổi (Hoa tàn mà lại thêm tươi/Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa) phải kéo
lê cuộc đời còn lại của mình bên lề gia đình êm ấm của em gái với người yêu cũ.
Có lẽ Kiều sẽ trở lại với tấm áo cà sa