Hình minh hoạ, Internet
|
Có triển lãm tranh của một họa sĩ tại phòng tranh nọ. Người
họa sĩ đã luống tuổi ấy có tới, vì hôm ấy là ngày đầu tiên. Trông ông có vẻ trẻ
hơn tuổi nhiều.
Khách vào xem thành dòng người mãi không dứt. Chủ phòng tranh
lộ vẻ vui mừng:
-Thưa họa sĩ, cuộc triển lãm lần này cũng rất thành công.
Ông hãy xem kìa. Khách vào xem ai cũng hết sức chăm chú nhìn vào các bức tranh.
Nhà bình luận mỹ thuật đến xem, tiến đến bên cạnh họa sĩ và
nói với ông rằng:
-Thật là tuyệt diệu. Ông lại khai thác một lãnh vực mới đấy
nhỉ.
-Xin cảm ơn ông đã có lời khen tặng.
-Chúng tôi không chỉ khen lấy lòng đâu ạ. Mà là rất ngạc
nhiên khi xem các bức họa lần này. Tất cả đều có một điểm chung là sự tĩnh lặng.
Bức tranh phong cảnh kia cũng thế, mà bức vẽ cảnh đường phố này cũng vậy. Đều đầy
ắp tĩnh lặng. Điều thú vị chính là ở chỗ ấy.
-Thú vị à?
-Vâng. Không chỉ thú vị không thôi. Bức tranh phong cảnh
kia, tuy là vẽ cơn gió lốc đang cuồng nộ, vậy mà hầu như ta không cảm thấy có một
tiếng động nào. Thế còn bức tranh này, vẽ những người trẻ đang chơi các loại nhạc
cụ, lẽ ra không có vẻ rộn ràng là không được, thế mà điều người ta cảm nhận được
là sự tĩnh lặng. Thật lạ lùng. Thật là kỳ diệu. Ồ phải nói là huyền bí mới
đúng. Không có người họa sĩ nào như ông, đã khiến nhà bình luận phải điên đảo đến
thế đâu. Hầu như hoàn toàn không thể đoán được sắp tới thế giới tranh của ông sẽ
mở ra đến đâu. Không biết là từ đâu mà ông có được những ý tưởng như thế ạ.
-Chỉ là tự nhiên muốn vẽ như thế thôi ạ.
-Nếu họa sĩ là người lâu nay vẫn tìm cách thể hiện sự tĩnh lặng
thì chúng tôi còn hiểu được. Nhưng đằng này không phải vậy. Cứ mỗi lần họa sĩ mở
cuộc triển lãm tranh, thì tranh của ông lại tạo nên một lãnh vực hoàn toàn mới.
Lần tới không biết là ông sẽ sáng tác theo chủ đề nào?
-Điều đó thì chưa biết được.
-Dù thế nào, thì chắc hẳn là người xem lại được thưởng lãm một
lãnh vực mới. Có thể nói mà không sợ quá lời rằng chưa từng có một họa sĩ nào
như ông cả.
Không chỉ riêng nhà bình luận này, bất cứ ai đến xem tranh
trong phòng triển lãm ấy cũng đều có cùng cảm tưởng như thế
Cho đến tuổi ngũ tuần, người họa sĩ ấy không hề được để ý tới.
Đúng nghĩa là vô danh. Vì vậy, ông chẳng có vợ con, hiện vẫn còn độc thân, cứ
mãi trong cảnh bữa đói bữa no đắp đổi qua ngày. Tuy là được làm nghề mà mình đã
chọn và yêu thích đấy, xong chẳng có gì hay ho cả.
Ông nhận vẽ chân dung cho những kẻ mới thành trưởng giả hay
thành danh đôi chút, hoặc được các địa phương nhờ vẽ danh lam thắng cảnh trong
vùng của họ. Nói vắn tắt là họ coi tranh của ông cũng như là ảnh chụp. Tức là
ông cũng có tài đấy, tranh vẽ rất tài tình trông gần như ảnh chụp, thế nhưng chỉ
được có thế thôi. Tranh của ông không hề có cái gì gọi là có cá tính, có sức gợi
lên hay biểu hiện điều gì cả. Vì vậy ông chỉ được người ta nhờ vẽ những tranh đại
loại như thế.
Có người buôn tranh quen biết từ lâu thương tình, đã môi giới
cho ông những mối đặt vẽ. Nhưng ngoài ra, chẳng có ai đặt ông vẽ loại tranh mà
người họa sĩ được hoàn toàn tự do trổ tài thích gì vẽ nấy. Vì người ta không hy
vọng sẽ có được một tuyệt tác. Mà bản thân ông cũng không có đủ tự tin.
Đời sống ở thành phố đắt đỏ quá nên họa sĩ bèn dời chỗ ở về
miền quê. Ông thuê một ngôi nhà nhỏ trong sơn thôn dưới chân núi, sống ở đây
cái ăn cái mặc hay chỗ ở đều ít tốn kém. Chung quanh chẳng có gì vui thú, nhưng
đành phải thế thôi. Hễ có ai đặt vẽ qua người buôn tranh, thì ông mới đi tới
các thành phố hay các địa phương, còn thì ngày ngày chỉ quanh quẩn nơi đây.
Cũng có khi họa sĩ vẽ phong cảnh quanh nhà, nhưng người buôn
tranh thường lui tới không chịu đem bán cho. Vả lại họa sĩ vốn cũng không dám
hy vọng điều đó. Ông tự nhủ:
-Ở đây nước trong, không khí cũng trong lành, rất tốt cho sức
khỏe, thể nào cũng sống lâu được. Nhưng mình thì không thể nào tiến xa hơn,
cũng đáng tiếc đấy, xong đã đến tuổi này rồi không thể theo nghề khác. Có lẽ trời
cho mình chỉ được có thế thôi..
Tâm trạng của họa sĩ có phần nào là đành an phận vậy.
Đang như thế thì có một chuyển biến. Một buổi tối nọ, đúng
lúc họa sĩ toan đi nghỉ, thì bên ngoài có tiếng gõ cửa và có tiếng nói vọng
vào:
-Xin lỗi là đêm đã khuya rồi mà..
-Có chuyện gì thế?
Họa sĩ mở cửa. Có một người thanh niên đang đứng đấy. Mặt
mày trắng trẻo, ra chiều là con nhà gia giáo và cũng có vẻ thông minh. Nhưng
trông như là đang có chuyện gì không ổn. Ồ, ước gì mình có thể vẽ tranh với người
mẫu như chàng thanh niên này, họa sĩ chợt nghĩ. Là vì lâu nay ông đã chán ngấy
bởi cứ phải vẽ toàn là những nhân vật đã có tuổi.
-Cậu cứ vào trong này đã nào.
Họa sĩ như cũng muốn có người trò chuyện cho đỡ buồn. Xong
người thanh niên nói:
-Thưa, không dám làm phiền ông quá thế, xin ông cho đứng đây
ạ.
-Cậu có vẻ như đang có chuyện gì không ổn, nếu tôi có thể
giúp cậu điều gì thì..
-Thưa ông, nếu được, xin ông cho gửi lại cái gói này. Xin
ông cho để tạm ở một góc nào đấy là quý rồi ạ.
-Chỉ có thế thì dễ thôi. Cậu thấy đấy, ngôi nhà này tồi tàn
khác hẳn với ở thành phố, nhưng được cái là không gian thì rộng thênh thang.
-Thế thì quý quá ạ. Vậy xin ông cho để nhờ. Thế nào chúng
tôi cũng xin đem quà đến để nhận lại,
Người thanh niên để cái gói đang cắp xuống bậc cửa, rồi cứ
thế quay đi. Họa sĩ bèn đem cái gói ấy để vào góc nhà.
Hoạ sĩ chắc là sau đó người thanh niên sẽ đến, nên có ý đợi,
nhưng đã khoảng ba tháng trôi qua mà người ấy vẫn chưa xuất hiện.
Không biết trong gói có gì, họa sĩ nghĩ ngợi mông lung. Rồi
ông đến gần nhìn lại cái gói. Gói vuông vức to độ bằng một chiếc cặp nhỏ. Gói
được bọc bằng giấy, có dán băng dính, rồi buộc dây, Không có ghi một chữ nào cả.
Bên ngoài trông không có vẻ gì là một món đồ quý. Họa sĩ nhấc thử lên, nhưng với
sức nặng ấy thì không thể nào đoán được là trong gói có gì.
Cái gói khiến họa sĩ tò mò muốn mở ra xem thử, nhưng lại ngần
ngại không thể làm thế được. Nhỡ mà để lại dấu vết cho thấy đã mở ra gói lại,
thì khi người thanh niên đến nhận lại, sẽ thành ra khó ăn khó ở.
Thế rồi có thư về công việc gửi tới, và họa sĩ đi lên thành
phố. Ông đem cái gói ấy gửi ở nhà hàng xóm, để nếu người thanh niên trở lại nhằm
lúc ông vắng nhà, thì nhờ người ta trao lại hộ cho.
Khi ông đã xong việc, về đến nhà, cái gói vẫn còn nguyên đấy.
Tức là người thanh niên ấy vẫn chưa đến lấy. Lại thêm ba tháng nữa trôi qua. Từ
khi giữ hộ gói đến nay đã được nửa năm trời.
Họa sĩ bận tâm mãi vì cái gói cứ còn đấy. Không biết người
thanh niên có làm sao không. Cậu ta đã bị nạn trên đường núi ấy rồi hay sao nhỉ.
Bị lạc đường, cứ tiến sâu vào trong rừng, không ai tìm thấy rồi cứ thế bỏ xác
trong rừng chăng.
Trong gói có cái gì thế nhỉ. Người thanh niên ở độ tuổi ấy,
chắc hẳn là đã có người yêu. Biết đâu trong gói có cả ảnh của người con gái ấy.
Hay đó là món quà đi đâu về mua tặng cô.
Cô gái ấy là người thế nào nhỉ. Cô không biết rằng người yêu
đã ngộ nạn, nên vẫn đang mãi đợi người ấy đến chăng. Vì là họa sĩ, ông vẫn còn
nhớ rõ gương mặt của người thanh niên. Gương mặt ấy để lại một ấn tượng khó
quên. Một cô gái tương xứng với gương mặt ấy phải là…
Họa sĩ bèn thử phác họa lên giấy. Như thế này chăng, ồ
không, đẹp hơn nữa cũng không chừng. Họa sĩ thử vẽ thì bất giác cảm thấy rất hứng
thú. Có lẽ như thế này. Rồi ông bèn hoàn tất thành một tác phẩm. Đây là lần đầu
tiên họa sĩ vẽ tranh mà không có người mẫu.
Sau đó ông lại chợt nghĩ có thể đó là một phụ nữ lớn tuổi
hơn chàng trai. Cậu ta trắng trẻo và có vẻ ẻo lả. Đấy là mẫu người dễ được phụ
nữ lớn tuổi hơn đem lòng yêu. Nếu thế, thì là một người như thế này.
Cứ thế, họa sĩ vẽ thành bốn bức tranh.
Lại thêm vài tháng nữa trôi qua, nhưng vẫn không thấy người
thanh niên đến lấy cái gói. Không biết thế là thế nào. Nếu cậu ta không chết
thì..
Hay là có liên quan đến tội phạm cũng không chừng. Có thể là
giữ nó thì không tiện mà vứt đi ngộ nhỡ bị phát hiện, cho nên người ta mới làm
ra vẻ thản nhiên đem gửi ở đây. Tức là, đó là tang vật đã gây ra án mạng không
thể lưu lại hiện trường.
Nhưng người thanh niên ấy không có vẻ gì là hung dữ cả. Hay
đó chỉ là một việc bất đắc dĩ chỉ để tự vệ thôi. Trong đầu họa sĩ hiện ra cảnh
tượng cậu ta bị tấn công, không làm sao tự vệ được, bất ngờ vớ được con dao
tình cờ ở đấy, rồi đâm phập vào hung thủ.
Họa sĩ bèn vẽ lại thành tranh, nhưng không lẽ nào lại vẽ cả
gương mặt của người thanh niên, Người ta tin mình nên mới gửi cái gói, làm thế
là phản bội lòng tin ấy.
Bán thân với khuôn ngực để trần của người nam. Khuôn ngực lồ
lộ vai u thịt bắp, một khuôn ngực có vẻ như trên đó là một gương mặt ra chiều
hung dữ. Và một con dao ở tư thế ngay trước khi đâm phập xuống. Bức tranh có cấu
trúc như thế. Nó khiến ta bất giác phải rùng mình vì hình dung ra được những
tia máu bắn tung tóe ngay sau đó.
Họa sĩ lại tiếp tục vẽ. Có thể là người thanh niên ấy đã bị
hạ nhục đến độ không nhịn được nên cuối cùng mới ra tay cũng nên. Và tang vật
có thể là chiếc búa. Sức nặng của gói khiến ông có cảm tưởng như vậy. Bức tranh
giản dị chỉ vẽ bàn tay cầm búa. Bàn tay ấy gầy guộc nhưng ghìm chặt hận thù, được
vẽ khéo đến độ ta có cảm tưởng như đang run bần bật. Bức tranh thật sinh động,
cứ như một cảnh trong phim đang chiếu trên màn ảnh.
Người buôn tranh từ thành phố lâu lắm mới đến, bảo họa sĩ:
-Dạo này ông thế nào rồi?
-Cũng tàm tạm...
-Lại có nơi đặt vẽ như mọi khi đấy ạ.
Người buôn tranh đang nói thì chợt nhận ra bốn bức tranh vẽ
những người nữ để quanh đấy, liền cao giọng nói:
-…Ồ, đây là tranh của ai vẽ đấy ạ, tuyệt quá.
-Tôi vẽ đấy.
-Ông bảo sao ạ? Ồ, ra thế, đúng là nét vẽ của ông, nhưng mà
có cái gì ấy mà lâu nay chưa từng thấy ở ông. Thật là tuyệt đến độ không ngờ đấy
ạ. Vẻ thanh khiết của các cô gái này mới thật là lãng mạn, là điều không tài
nào có được ở chốn thị thành hỗn tạp. Người mẫu là ai thế ạ?
-Thật ra là không có người mẫu.
-Ông vẽ mà không có người mẫu thì lạ thật. Thế là ông đã tìm
ra được thế giới riêng của mình rồi đấy.
-Nghe thế thì bảo ai mà không vui ạ.
Họa sĩ ngượng ngùng nói, vì đây là lần đầu tiên được khen.
Người buôn tranh đi quanh khắp phòng, phát hiện được cả những tranh vẽ dao và
búa.
-Ồ, đây lại là những bức họa có lối vẽ hoàn toàn khác. Có
cái gì làm rợn cả người. Ai vẽ thế ạ?
- Cũng là tôi đấy.
-Thật ư? Ồ, mà nhìn kỹ thì quả cũng là nét vẽ của ông. Nhưng
so với tranh vẽ các cô gái kia, thì lại là một cái khác hẳn.
-Tranh thế thì đâu có bán được nhỉ?
-Ồ không, không. Gần đây, cũng có người đánh giá cao loại
tranh này đấy chứ. Tức là người ta đã chán những bức họa nhìn đúng là tranh vẽ.
Mà sao ông lại có thể vẽ thể hiện được hai thái cực khác nhau tài tình như thế
nhỉ.
-Vâng, thì cũng phải mầy mò...
-Nghề của tôi là cứ tranh đẹp thì tôi bán. Tôi không đi sâu
tìm hiểu nội tâm của nghệ thuật gia, mà cũng không có ý định ấy. Nhưng để phát
hiện ra các tuyệt tác, thì gọi là cũng phải có kinh nghiệm dầy dặn đấy ạ. Thế
này thì ghê gớm lắm chứ chẳng vừa đâu. Thôi, mấy mối tranh đặt vẽ thì để tôi sẽ
đưa cho người khác. Bây giờ không phải là lúc để ông làm những việc ấy. Trước hết
ông hãy giao mấy bức tranh này cho tôi, Tôi sẽ bầy trong phòng tranh, và lăng
xê một chút. Thế nào cũng sẽ được chú mục. Tranh này bầy chung với các tác phẩm
của các họa sĩ khác thì nhất định là không thua kém chút nào cả. Chẳng những thế,
còn nổi bật hơn nhiều là khác.
-Liệu có được như thế không?
-Không sao! Tôi làm nghề buôn tranh này đã lâu mà. Tôi có thể
đoán biết bằng trực giác.Ông đã vượt qua được giai đoạn bất đắc ý khá lâu, cuối
cùng mới phát huy được tài năng của chính mình. Phải rồi, nhân cơ hội này ông
hãy đổi tên, tái sinh thành một họa sĩ mới. Ông cứ chờ đấy, chuyến này tôi sẽ
làm thật ngoạn mục cho ông xem.
Người buôn tranh hết sức hào hứng, đem hết những bức tranh ấy
về. Thế rồi ông ta đem trưng bày, thì đã được tán thưởng. Cũng may là nhờ đổi
tên, nên người ta tưởng tác giả là một họa sĩ khác chứ không phải là người lâu
nay vẫn vẽ tranh giống như ảnh chụp. Người buôn tranh làm như đây là tranh của
một họa sĩ thật tài ba mới phát hiện được,
Một họa sĩ thật khủng vừa xuất hiện. Tranh vẽ tưởng là thuộc
trường phái thanh khiết, thì lại có những bức cho ta có cảm giác như ngửi thấy
mùi máu. Tuổi đã ngoài năm mươi. Thế mà lại có thể vẽ được thật nhiều loại
tranh khác nhau. Tài năng chớm nở có lẽ là như thế đấy. Tương lai thật nhiều hứa
hẹn. Những lời khen đại thể như thế.
Người buôn tranh đến tường trình với họa sĩ.
-Tất cả đã bán được giá rất cao. Còn đây là những nhận xét.
Ông ta chìa cho xem những mẩu giấy cắt ra từ báo chí có những
đoạn văn của các bình luận gia mỹ thuật.
-Cứ như là trong mơ ấy nhỉ.
-Ông hãy nhìn vào hiện thực, và từ nay ông hãy tin vào mình.
Từ giờ trở đi ông cứ vẽ theo ý mình, vẽ nhiều vào. Tranh kiểu thanh khiết cũng
được, mà có không khí tội phạm cũng hay. Khách hàng đang chờ đợi. Ông đừng quên
cảm hứng lúc ấy mà hãy bắt tay vào vẽ ngay đi.
-Nhưng, tôi cũng không biết là mình có lại vẽ được hay
không.
-Không sao đâu. Ông bây giờ thì vẽ được thôi.
Người buôn tranh để lại một món tiền lớn rồi ra về. Họa sĩ vẫn
còn ngơ ngẩn suốt mấy hôm sau đó. Ông vẫn không thể ngờ được. Nhưng lại không
thể đủng đỉnh được.
Họa sĩ bèn bắt tay vào vẽ loại tranh các thiếu nữ thanh khiết.
Nhưng hoàn toàn không được. Khi ấy, cũng vì cứ tưởng rằng đó là một vật gì có
liên quan đến người yêu của chàng thanh niên, nên ông mới vẽ được. Tranh có
không khí tội phạm cũng không vẽ được nữa. Vì bây giờ ông không còn nghĩ rằng
đó là tang vật có liên quan đến án mạng. Vì nếu là con dao hay chiếc búa, thì
chỉ việc chôn trong rừng sâu là xong chuyện.
Từ khi gửi cái gói đến giờ đã lâu lắm rồi mà vẫn chưa thấy
bóng dáng của người thanh niên. Có cái gì trong gói thế nhỉ? Họa sĩ cứ nhìn cái
gói là tự nhiên lại nghĩ đến điều ấy.
Chắc chắn là nhìn mình, người ta không nghĩ mình là người
không tử tế. Người thanh niên ấy cũng căn cứ vào đấy mà gửi lại cái gói này.
Không chừng là có cái gì rất quan trọng trong gói. Hãy thử nghĩ thật giản dị
xem nào. Ví dụ như là một món tiền lớn. Cũng có thể có trường hợp đây là một vụ
trộm trót lọt hay biển thủ thật tài tình. Với sự hiểu biết thông thường, ít nhất
cũng hiểu được rằng nếu đem tiền ra tiêu ngay, ắt sẽ bị phát giác. Cách khôn
ngoan là chờ thời, chờ cho đến khi sự việc lắng dịu xuống rồi hẵng hay.
Đem đến ngân hàng thì món tiền quá lớn sẽ bị ngờ vực. Nhưng
nếu tự mình cất giữ thì sẽ bị cám dỗ, muốn đem ra tiêu. Có lẽ vì thế mà người
ta mới gói lại, trông không có gì đặc biệt, rồi đem gửi đâu đó một cách tự
nhiên. Người bình thường có mấy ai ngờ được rằng bên trong gói đầy ắp những tờ
tiền giấy trị giá rất lớn. Một cách làm thật khôn khéo.
Nếu như vậy, thì mình cứ lấy tiền ra tiêu, họ cũng chẳng
trách được. Nếu người thanh niên ấy có xuất hiện, hãy đòi cậu ta phải mở ra
ngay trước mặt mình. Viện cớ là để xác nhận cái ở bên trong gói. Kẻ kia sẽ lúng
túng, có thể sẽ chia cho mình một nửa, để mình đừng nói lộ ra ngoài. Chỉ chừng
đó thôi cũng là một món bộn phải biết.
Nhưng họa sĩ không biết vẽ gì bây giờ. Ông bèn vẽ nháp phong
cảnh quanh nhà rồi hoàn tất thành vài bức tranh.
-Thế nào? Ông đã vẽ được gì rồi?
-Không được, ông ạ. Thật là phụ lòng mong đợi của ông. Tôi
chỉ thử vẽ phong cảnh cũng giống như trước thôi.
- Mấy bức này phải không ạ. Ra là thế, ông đã đạt tới cảnh
giới cao hơn trước một bậc rồi đấy. Có một sự ung dung tự tại không biết phải
diễn tả như thế nào. Nói thế này thì e là thất lễ, chứ các tác phẩm trước đây của
ông, không biết phải làm sao, vì cứ lộ ra cái ý muốn kiếm sao cho được nhiều tiền.
Nhưng nay thì tuyệt nhiên, tranh ông bây giờ thể hiện phong cách thung dung của
một tác giả có tầm cỡ. Không biết vì sao lại có sự biến chuyển như thế.
- Chà... Thế... tranh vẽ thế này cũng được ư?
- Dĩ nhiên ạ. Xin ông cứ tiếp tục vẽ cho.
Người buôn tranh đem mấy bức tranh ấy về, tranh lại được tán
thưởng và bán được ngay.
Người họa sĩ ấy tiếp tục vẽ nhiều loại tranh phong cảnh hơn.
Không phải là ông đã cố gắng làm điều gì cả. Chỉ là trong lúc đi quanh căn
phòng, còn đang không biết vẽ gì, thì ông lại tình cờ để mắt nhìn vào cái gói nọ.
Rồi trong lúc nghĩ ngợi không biết có gì trong gói, và tưởng
tượng ra đủ điều, thì ông lại nghĩ đến một hình ảnh nào đó và thế là lại ra được
một bức tranh.
Cũng có lúc ông đã nghĩ không chừng có thần tiên ở trong ấy
cũng nên. Nói thế thì, chàng thanh niên ấy quả là có nét gì ấy không giống người
phàm. Biết đâu vì cảm thương cho tình cảnh không bán được tranh của mình, nên cậu
ta đã gửi cái gói này lại đây. Cũng vì vậy, từ đó thành ra bán được tranh. Ước
gì người thanh niên ấy cứ mãi không đến lấy….
Suy nghĩ vẩn vơ thế, họa sĩ lại miên man tưởng tượng không
biết vị thần tiên ấy như thế nào, và ông đã vẽ thành loại tranh huyền ảo. Những
nàng tiên xinh xắn khả ái biến tất cả thành mộng đẹp huy hoàng. Thế là họa sĩ
hoàn thành được mấy bức kiểu tranh cho thiếu nhi. Người buôn tranh sửng sốt đến
độ hai mắt cứ trợn tròn, rồi cứ thế cầm lấy đem đi.
Ồ không, trong cái gói ấy, dễ gì mà có thần tiên được, không
chừng là tử thần cũng nên. Người thanh niên ấy đã khôn khéo đánh lừa được thần
chết đến đón cậu ta, nhốt vào gói, niêm kín lại. Không đến lấy về cũng là vì vậy.
Hễ mở ra là liền bị thần chết bám vào người. Thật may là mình đã không mở ra
xem thử bên trong có gì, nên đã không bị như thế. Cái gói thật chẳng khác nào
quả bom gài sẵn. Sự tò mò vốn là điều làm cho người ta đến phải mất mạng.
Nhưng liệu là người thanh niên ấy có nhốt được thần chết hay
không chứ? Có lẽ là cũng không thể quả quyết như thế được. Hay là cậu ta đã bị
người nào khác dúi vào tay cái gói ấy. Cậu ta không biết được trong gói có gì.
Có nên mở ra xem hay không. Rốt cuộc vì không dằn được lòng hiếu kỳ ấy của
chính mình, hoặc vì đoán không chừng đó là thần chết, nên cậu ta mới đem để ở
đây.
Người thanh niên không đến lấy hẳn là vì muốn đợi cái gói được
mở ra. Mình sẽ mở ra xem thử, và kết cuộc biết được đó không phải là thần chết
mà là một cái gì hay ho hơn, đợi đến lúc bấy giờ cậu ta mới đến lấy. Rất có thể
như thế lắm. Chậc! Quả là sống ở đời này không thể dễ ngươi, sơ hở được.
Dù sao đi nữa, giả sử như đó là thần chết, thì mặt mũi như
thế nào nhỉ. Như thế này chăng? Họa sĩ cứ thế vẽ theo trí tưởng tượng. Ồ không,
không chừng là thần chết mỉm cười thật sảng khoái không ngờ. Họa sĩ bèn vẽ mấy
bức tranh như thế. Nét mặt trên mỗi bức đều khác nhau, nhưng ai nhìn vào cũng
biết đó là thần chết. Có cả thần chết là một cô gái nữa kia. Nhà buôn tranh phải
kêu lên vì kinh ngạc, và những bức tranh ấy lại được hết sức tán thưởng và bán
được ngay.
Cứ thế mà năm tháng trôi qua, họa sĩ nay đã già. Theo dòng
thời gian, ông đã trở thành nhà danh họa. Người không biết tiếng tăm của ông chỉ
là thiểu số. Người đời biết ông là người họa sĩ đã quá ngũ tuần mới bắt đầu vẽ
và không ngừng thử nghiệm những lãnh vực mới. Tuy nhiên thực tế thì không phải
là ông hăm hở muốn làm như vậy, chẳng qua là vì cứ mãi bận tâm muốn biết trong
ruột cái gói mà thôi.
Ông cũng đã từng nghĩ như thế này. Người thanh niên ấy có thể
là gián điệp công nghiệp, đã tài tình lấy trộm được thông tin của người ta,
nhưng sau đó bị truy lùng đến bước đường cùng, bất đắc dĩ phải gửi lại đây.
Trong cái gói ấy, biết đâu là hàng mẫu của một sản phẩm sẽ mở
ra một thời đại mới, cùng với bản họa đồ thiết kế. Ví dụ như thiết bị có thể
triệt tiêu hoàn toàn mọi tiếng ồn…
Nếu thiết bị ấy được chế tạo và phổ biến thì sẽ ra sao nhỉ?
Họa sĩ vừa đắm mình trong sự không tưởng ấy vừa vẽ vài bức tranh.
Theo lời khuyên của người buôn tranh, ông bèn mở cuộc triển
lãm. Những bức tranh ấy, bức nào cũng khiến người ta cảm thấy không hề có một
âm thanh nào cả. Họa sĩ được tán thưởng về sự tĩnh lặng lạ lùng chính là vì vậy.
Họa sĩ quá tuổi thất tuần, nay đã 75 tuổi. Ông vẫn tiếp tục
vẽ. Tức là người thanh niên vẫn chưa xuất hiện để lấy cái gói.
Có thể đó chẳng phải là thiết bị phòng âm gì cả, mà là một
nhạc cụ mới cũng không chừng. Vừa mới tưởng tượng như thế họa sĩ đã vẽ được vài
bức tranh thật tươi mát, như thể có điệu nhạc vang lên.
Đó có thể là một cái giống như lăng kính. Hay là tài liệu
ghi chép cách bào chế thuốc làm giảm dân số. Đó là cứu tinh nhân loại, hay trái
lại, chỉ là ma quỷ? Ồ không, có thể đó là báu vật của một tín ngưỡng kỳ bí nào
đó. Óc tò mò muốn biết bên trong gói, không rõ là cái gì, vẫn không hề suy giảm,
và cứ mỗi khi sự tò mò ấy phát triển thành trí tưởng tượng, họa sĩ lại cho ra
những tác phẩm mới.
Cái gói cứ để ở đấy mãi, nay có thể nói được rằng, đã trở
thành chiếc máy tưởng tượng của họa sĩ. Nó là suối nguồn sáng tạo ra tác phẩm.
Đã thế này, người thanh niên chẳng biết bao giờ mới đến lấy hóa ra lại hay. Họa
sĩ thì vẫn không bớt băn khoăn muốn biết trong ruột gói có gì. Có thể là đến
lúc nào đó, người thanh niên sẽ đến lấy cái gói. Họa sĩ cứ vừa mơ đến ngày ấy vừa
tiếp tục vẽ.
Họa sĩ đến tuổi 80, rồi 85. Ông vẫn tiếp tục tưởng tượng, tiếp
tục vẽ. Ừ nhỉ, một điều ông chưa từng nghĩ tới, là biết đâu, đó chỉ là một cái
gói trống rỗng. Trong gói chỉ là một thứ dùng để đựng, mà trong đó lại chẳng đựng
gì cả. Thế là họa sĩ lại vẽ thành mấy bức tranh trừu tượng khiến ta cảm nhận được
cái Không. Hay biết đâu đó là bản đồ cấu tạo vũ trụ của một nhân vật lừng danh
trong ngành. Khi họa sĩ tưởng tượng điều này, ông đã vẽ thành bức tranh mà cho
đến nay chưa hề có ai vẽ như vậy cả.
Năm tháng lại tiếp tục trôi qua, cuối cùng cũng tới lúc tuổi
thọ của họa sĩ chỉ được đến đấy thôi. Đó là một cái chết êm ả. Nét mặt người chết
như thể đang hướng về ngày mai. Ngày mai là ngày mà người thanh niên sẽ đến lấy
cái gói, sẽ biết được trong gói có gì. Tờ báo nào cũng đưa tin thật lớn và
thương tiếc người họa sĩ vừa tạ thế. Họ tán tụng sự nghiệp của ông, rằng từ trước
đến nay chưa bao giờ có một họa sĩ nào như thế. Và thực sự là như vậy.
Có một người đàn ông đọc báo thấy tin này, đã lẩm bẩm rằng:
-Ồ, ông ta à. Lâu lắm rồi, đã có lần mình có gửi ông ta một
cái gói đấy nhỉ. Sau đó, tuy nghĩ bụng sẽ đến lấy về, mà trong lúc mình còn lần
lữa thì ông ta đã thành người nổi tiếng. Sự thể thành ra như vậy, làm mình càng
khó đến hơn. Có lẽ ông ta đã vứt cái gói đi và quên khuấy mình rồi. Thế mà lúc ấy
mình lại tìm đến, sẽ chỉ làm khó cho người ta, thì thật là không phải. Nhất là
người ta đã thành họa sĩ lừng danh. Người vô danh tiểu tốt như mình xuất hiện,
chắc hẳn chỉ làm phiền người ta thôi .
Và cũng vì vậy mà cứ để ở đấy mãi. Thôi, cũng chẳng sao, vì
đó là một món đồ đối với mình chẳng có gì quan trọng cả.
(29/8/2018)
Hoshi Shinichi
Quỳnh Chi dịch