Tôi quen Liên trong dịp theo học lớp English As A Second Language. Hồi đầu
tiên đặt chân tới San Jose, tôi chẳng biết nhiều Anh văn ngoài mấy câu: “Hello,
How are you today? I am fine. Thank you.” Đó là vốn liếng tiếng Anh còn sót lại
của những năm trung học, của những giờ sinh ngữ phụ. Lúc tìm trường đi học anh
văn, tôi nhờ người chị kiếm cho một lớp sơ đẳng, căn bản nhất để tôi bắt đầu.
Tôi được hướng dẫn đến lớp ông John.
Lớp học nằm trên tầng hai của một dãy lầu thuộc một nhà thờ Methodish trên
đường số Năm. Tôi đến lớp trong tâm trạng nửa chán nản nửa hồi hộp. Chán nản vì
những thay đổi bất ngờ của cuộc tỵ nạn làm tôi mất thăng bằng. Hồi hộp vì không
biết điều gì sẽ xảy ra những ngày sắp tới. Do vậy, ngày khai trường hôm ấy
không mang cho tôi một cảm giác thoải mái nào. Lúc đến cao ốc, theo dấu mũi tên
của tấm bảng trắng có hàng chữ đỏ: “Lớp học Anh Văn sơ đẳng dành cho người tỵ
nạn Việt Nam”. Tôi leo lên lầu đến một căn phòng sát cầu thang. Bên trong lớp
học tôi thấy có tất cả năm người. Một vị giáo sư người Hoa Kỳ trạc ngoài ba
mươi, đang viết lên bảng hàng chữ: “Good morning. How are you today?” Phía dưới
có bốn người học trò lớn tuổi. Một thanh niên gần ba mươi, vận một chiếc áo dầy
hàng vải lính. Cạnh anh ta là một vị nữ tu người ngoại quốc. Kế tiếp là một phụ
nữ tuổi đã tứ tuần khuôn mặt giống như người Hoa Kiều ở Chợ Lớn. Và cuối cùng
là một cô gái nhỏ con, vận chiếc váy đầm màu ngựa vằn.
Tôi đẩy cửa bước vào. Vị giáo sư nghe tiếng động quay lại. Tôi chưa biết phải
mở đầu như thế nào, thì vị giáo sư đã chào và bảo tôi đến kiếm một chỗ ngồi.
Tôi đến ngồi cạnh người thiếu nữ vận áo ngựa vằn. Thiếu nữ ấy chính là Liên.
Giờ ra chơi hôm ấy Liên đến hỏi chuyện. Vẻ thân mật và nụ cười tươi của Liên
làm tôi có cảm tình. Liên gợi chuyện:
– Bồ cũng mới ra đây hả?
Tôi đáp:
– Vâng, em vừa mới ra trại khoảng chừng hai tháng.
Liên trố mắt nhìn tôi.
– Chèng đéc ơi! Ra hai tháng nay mà tới giờ này mới đi học anh văn. Tui mới
ra bốn hôm rày hà. Mà tui bắt xì pông xo kiếm trường cho tui đi học liền dzậy
đó. Bộ bồ đau sao mà xanh vậy?
Tôi ấp úng. Biết trả lời sao! Hai tháng qua mặc dầu chị tôi hối thúc thế nào
tôi vẫn không thể quân bình tâm trí để có thể bắt đầu làm một việc gì. Tôi ở
nhà nằm vùi trong phòng. Khóc lóc và nhớ nhung. Tôi có cảm tưởng toàn thân thể
và trí óc tê liệt đến độ không thể nhúc nhích. Tôi gật đầu trả lời:
– Vâng, em bị ốm nên nằm nhà.
– Ừ, chắc nhớ nhà rồi sinh đau.
Rồi Liên hỏi tiếp đủ chuyện. Mỗi khi hỏi chuyện gì Liên giương đôi mắt làm
duyên, miệng nàng uốn éo cong co giọng miền Nam nghe rất dòn.
– Xì pông xo của bồ là ai dzậy?
– Dạ là chị của em.
Liên nói:
– Chà dzậy sướng quá héng. Có chị có em ngon quá chời. Rồi Liên kể lể: Tui
hồi đó ở trại Bảy, Camp Pendleton đó. Tui sang đây có một mình hà. Chèng đéc
ơi! Ai mà tính đi. Bửa hôm chiều ba mươi, tui đạp xe gắn máy ra bến tàu, thấy
người ta leo lên tàu quá chời. Tui quăng xe leo theo người ta lọt sang tới tận
đây. Tui ở trong trại lâu là vì muốn chờ gặp xì pông xo tốt kìa. Bị nếu mình
gặp xì pông xo tốt, mình mới có cơ hội đi lên được phải hông bồ. Tui được nhiều
người pông xo ra, nhưng thấy ở trỏng cũng vui nên tui ráng chờ. Hồi gặp bà
Cathy này tui mới ra.
Nghe Liên kể chuyện ra đi, tôi nhớ lại hoàn cảnh mình. Tôi đi hôm hai mươi
sáu tháng tư. Ngọc, một người bạn thân đã cố nhét tôi vào danh sách gia đình
nàng, những người làm cho toà đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Hôm ấy giữa không khí
hỗn loạn mơ hồ, tôi ra đi trong tâm trạng của một người trẻ muốn giang hồ phiêu
lưu. Bây giờ ở mãnh đất lạ này, tôi mới biết chuyện ra đi ấy thật quan trọng.
Liên dừng lại giây lát. Dáng nàng nhỏ xíu, cái dáng như con gái mười ba mười
bốn tuy Liên đã trạc hai mươi lăm. Giọng nói và khuôn mặt có vẻ đĩ thỏa nhưng
duyên dáng. Tôi nghĩ đời Liên chắc phải nhiều lắc léo.
– Tui gặp bà Cathy này cũng tốt. Bà có cái nhà thiệt bự ở dưới đường Hai
Mươi Sáu, lại vừa mới ly dị chồng. Chèng đéc ơi! Vợ chồng ăn ở với nhau bao
nhiêu năm nay rồi, giờ tới hồi cơm hổng lành canh hổng ngọt, bà dọn hết đồ ổng
ra hổng nương tay. Dzậy mà bà thiệt tốt bụng. Pông xo tui dzìa là dẫn tui đi mua
sắm, đưa tui đi học anh văn liền hà. Cuối tuần rồi, bà dẫn tui đi Reno coi
người ta đánh bài.
Liên nói thao thao về những tử tế của bà Cathy đối với nàng cho đến khi vào
lớp học. Nào là bà Cathy dọn cho nàng một căn phòng tốt ở trên lầu, dẫn nàng đi
khai weo phe, đưa đón nàng đi học, cũng như đi dạo phố Tàu phố Nhật ở San
Francisco và khắp nơi… Câu chuyện của Liên không có gì hấp dẫn. Nhưng tôi bị
lôi cuốn bởi cái lối kể chuyện của nàng. Nàng kể chuyện nồng nhiệt tự nhiên và
vui vẻ như một kẻ có tâm lý bình yên vững chắc. Nàng diễn tả ý tưởng và tâm
tình đơn sơ theo trí tưởng của nàng. Nhất là giọng Nam của nàng nghe trơn tru
giòn giã dễ chịu đối với tôi, một người có cảm tình với giọng nói này. Tôi đang
ở trong trạng thái lơ ngơ khật khùng của những ngày đầu ở Mỹ. Khi được nghe
Liên kể chuyện, tôi cảm thấy thoải mái như được uống một bát nước vừa ý.
Vì những cảm tình đặc biệt với con người đáng yêu của Liên, thỉnh thoảng tôi
nhận lời đi dạo phố hoặc đi mua sắm với nàng. Thuở ấy chúng tôi vừa mới gia
nhập đời sống Mỹ nên chưa biết mơ ước những thú vui đắt tiền. Chẳng hạn mơ làm
chủ một chiếc xe đẹp để vừa hãnh diện với người xung quanh để vừa đi đây đi đó
thỏa thích. Niềm vui của chúng tôi lúc đó được Liên đơn giản hoá bằng hai chiếc
xe đạp của nàng. Những chiều tan học, Liên rủ tôi đến phòng, cho tôi mượn một
chiếc xe đạp, loại xe chỉ dành cho trẻ con mười hai mười ba đạp rong trong xóm.
Tôi và Liên thơ thẩn đạp xe lòng vòng dưới phố. Chúng tôi đạp xe trên những vỉa
hè sạch sẽ và vắng ngắt bóng người. Tôi thường đi sau Liên, để cho nàng hướng
dẫn những cuộc đi dạo này. Sau này mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm của những ngày
bắt đầu cuộc sống ở Mỹ, tôi không thể nào quên được những lần đi dạo xe đạp
ngây ngô với Liên dưới phố San Jose.
Mối thân giao giữa tôi và Liên cũng mờ mờ ảo ảo. Chúng tôi chỉ gặp nhau
trong những lần đi học, đi dạo hay đi mua sắm. Liên đã xem tôi như một nhân vật
lạ đời để nàng có thể kể những câu chuyện của nàng hay để đi đâu đó một đôi
khi. Tôi cũng thấy dễ chịu trong mối sơ giao ấy. Thỉnh thoảng Liên vô tình tiết
lộ cho tôi nghe những câu chuyện, mà qua đó, tôi biết rằng nàng vẫn còn tiếp
tục một phần nào cuộc sống cũ ở Việt Nam, cuộc sống của những người buôn hương
bán phấn. Dĩ nhiên tôi không bao giờ tỏ ý phê bình đụng chạm đến nghề nghiệp đó
của nàng. Những câu chuyện về quá khứ của nàng phần lớn là những chuyện vui vì
cái lối kể chuyện của Liên hơn là thiên truyện của quá khứ bất hạnh của một
thiếu nữ.
Liên kể cho tôi nghe những câu chuyện về những xóm làng, những quán chợ,
những người bạn thuở thiếu thời cùng gánh nước mướn như nàng. Về Tây Ninh nơi
nàng sanh ra, và lớn lên trong một không khí gia đình lùng bùng. Một đàn em
lếch thếch, một bà mẹ ghẻ hiền lành, một ông bố thất nghiệp say sưa mù mịt. Năm
mười tám tuổi, Liên bỏ nhà trốn lên Sài Gòn. Nàng đăng vào nữ quân nhân. Ngày
đầu tiên đăng đơn nhập ngũ, nàng bị ông lính nhận đơn hãm hiếp ở phòng khách
đêm ấy.
Đôi khi, Liên kể cho tôi nghe nàng đã ngủ với ông tá ông uý nào ở ngôi nhà
ấy. Ngôi nhà ở Biên Hoà với những vách tường kính và chiếc giường Hồng Kông là
kết quả của bao nhiêu năm nàng lăn lộn trong nghề. Câu chuyện về ngôi nhà ở
Biên Hoà thường dẫn Liên tới niềm mơ ước có thể sở hữu được một ngôi nhà trên
đất Mỹ này sớm chừng nào tốt chừng nấy.
Một hôm Liên đưa cho tôi xem tấm hình một thanh niên lạ mặt. Nàng vừa cười
vừa bảo: Tui lấy trộm trong ví ảnh đó. Coi được trai hông? Tấm hình là một ảnh
căn cước 4×6 cũ kỹ. Một góc còn mờ nét triện đỏ chứng tỏ hình đó được tháo gở
từ một chứng minh thư nào đó. Người thanh niên trong hình trạc đôi mươi, khuôn
mặt thư sinh không mập không ốm. Có đôi mắt sáng, sóng mũi khá cao và chiếc
miệng nghiêm trang.
Liên đứng nhìn tôi ngắm tấm ảnh và nói:
– Ảnh còn đi học như bồ đó. Nghe đâu trước ảnh học Luật trong Đà Lạt. Bây
giờ ảnh ở tuốt bên Arizona lận.
Tôi trao tấm hình cho Liên và bảo:
– Gở hình trong thẻ sinh viên người ta ra mà cũng không biết người ta học ở
đâu. Chị thiệt là vô tình. Đà Lạt làm gì có trường Luật. Mà…dễ thương làm sao?
Chị nói dễ thương thì thật khó đoán.
Liên đưa tay hất tóc ra phía sau rồi nhoẻn miệng cười.
– Ủa dzậy hả? Ai mà biết. Tui tưởng ảnh học trỏng chớ. Bị hồi đó ảnh nói nhà
ảnh ở Đà Lạt. Tui quen ảnh trong trại Pendleton. Ảnh ở sát giường tui. Tui ở
ngoài hết, tới ảnh, rồi tới hai vợ chồng với mấy đứa con ông Tàu kia kìa. Ảnh
hiền lành lắm. Tui nhìn ảnh là tui thương liền hà. Ảnh đi sang đây có một mình.
À quên, để tui đưa thư ảnh cho bồ coi.
Vừa nói Liên vừa đi về phía tủ phấn kiếm lá thư. Trong khi tôi cố mường
tượng ra những nam sinh viên cùng lớp thuở nào. Người thanh niên có nét hao hao
giống một số khuôn mặt quen thuộc nào đó trong lớp, những khuôn mặt bình
thường, không sôi nổi hay tham vọng. Họ có triển vọng là những người chồng
người cha gương mẫu trong gia đình.
Liên mang lại một lá thư xếp làm ba trong một phong bì trắng nhàu. Thư đề
ngày 15.01.1976
Thăm Liên,
Cám ơn Liên về món quà Giáng Sinh, về hai cuộn băng nhạc. Tiếc là tôi
chưa có máy cassette để nghe. Tôi quý lắm vì đó là món quà duy nhất mà tôi nhận
được trong dịp tết vừa qua. Nhân đây tôi cũng muốn nhờ Liên một việc. Liên có
thể kiếm hộ tôi một căn phòng giá vừa phải cho một người sắp thất nghiệp như
tôi. Tôi có ý định dọn khỏi đây sớm chừng nào tốt chừng nấy.
Tôi kèm theo đây số điện thoại. Liên có thể gọi cho tôi vào buổi tối.
Cám ơn những tử tế của Liên. Chúc Liên bao giờ cũng vui vẻ.
Nguyễn C Dần
Tôi trao lá thư cho Liên và nói:
– À thì ra hôm trước chị nhờ tôi đi theo chị lên tiệm Việt Nam mua hộ hai
cuộn băng là để gởi cho anh ấy vậy mà tôi cứ tưởng chị mua về để nghe.
Liên đang sửa soạn đánh móng tay, quay lại nhoẻn miệng cười nói:
– Đâu có. Tui hổng chịu Khánh Ly, giọng èo ẹo tui hổng ưa. Tui ưa cải lương
hà. Còn tân nhạc tui chịu Giao Linh. Nhất là bài này nè, Liên cất giọng hát:
“Em chỉ xin anh đừng mỉa mai gì. Dù một lời thôi khi nhắc tên anh. Cho kẻ
yêu anh không tủi phận mình. Còn loé trên môi nụ cười. Cầm bằng như áng mây
trôi…”
Rồi Liên tiếp hơi lên mấy câu vọng cổ:
“Anh Thành ơi cớ sao anh nỡ đành tâm phụ bạc trong khi em còn giọt máu yêu
dấu anh để lại…Để cho em đành tâm nuốt lệ ra đi giữa lúc phố chưa lên
…ứ…ư…đèn…”
Tôi vui ra với bản vọng cổ của Liên. Nàng có giọng ngâm cải lương mùi mẫn.
Liên tự nhiên ca hát những lúc cao hứng. Chiếc miệng Liên nhỏ xíu. Mỗi lúc ca
vọng cổ hay tân nhạc nàng uốn éo đôi môi cong cớn. Trông Liên ngây thơ như đứa
bé lên mười được đứng hát giữa lớp.
Liên tiếp tục sơn móng tay sau khi ca hết bản vọng cổ, và kể sơ qua cho tôi
nghe sự quen biết với Dần.
– Hồi đó à nghen. Ở trong trại, giường tui kề giường ảnh. Bị tui có bạn bè
lại chơi hoài. Tui lấy mấy tấm ra trãi giường căng lên làm một buồng riêng. Có
ông bà ở cùng lều cứ lầu bầu nói tui làm ồn. Mà thiệt tui có làm gì ồn đâu.
Dzậy đó mà ảnh ở gần tui ảnh hổng bao giờ phiền trách gì tui ráo. Người thiệt
tình rộng rãi. Có một buổi tối, tui dzìa buồng, tui thấy ảnh đắp chăn rên hừ
hừ. Tui thấy tội nghiệp, tui lén lấy cơm về cho ảnh ăn. Mấy người giục ảnh đi
bác sĩ. Ảnh nói ảnh nóng sơ sơ. Tui đi kiếm thuốc dzìa cho ảnh. Mấy hôm sau ảnh
hết bịnh. Ảnh cám ơn tui. Nói tui tử tế với ảnh quá.
Liên ngừng lại giây lát, đến bên tủ phấn lấy bông gòn ra chấm cồn tẩy những
vết loang ở sát rìa móng tay. Nhìn bóng Liên trong gương, sạch sẽ tươm tất và
bình thản, tôi thấy nao nao trong lòng. Dáng người nhỏ bé trong bộ bà ba hoa
vàng, trông Liên nhỏ bé hiền hoà như một người tình bé bỏng, một người vợ hiền
hơn là một người đã từng lăn lộn với nghề buôn hương. Liên trở lại kể tiếp:
– Thì có gì đâu. Tui thấy ảnh nóng. Mỗi lần thăm chừng ảnh, tui ưa sờ trán,
đưa cam đưa thuốc cho ảnh. Mấy hôm ảnh đau, tui cấm mấy thằng bạn tui lại thăm.
Sợ làm ồn ảnh ngủ hổng được. Thấy ảnh hiền từ rộng rãi tui thương. Tui thương
ảnh thiệt mà. Chời ơi thiệt đó. Nhìn ảnh là tui nhớ ông Năm xích lô ở sát nhà
tui hồi nhỏ. Mỗi lần tui bị ông già tui đánh, tui chạy sang nhà ông Năm. Ồng
can ông già tui ra. Có khi còn cho tui ăn ké. Ông Năm cũng hiền từ rộng rãi như
ảnh dzậy. Nhìn ảnh là tui nhớ ông già Năm liền hà.
Ngừng một phút, Liên kể tiếp:
– Cho tới hôm ảnh sắp ra xì pông xo tui buồn quá chời. Tui nằm trong buồng
hổng ăn cơm tối. Khuya ảnh dzìa, ảnh hỏi tui sao bị đau. Hồi đó tui mới thú
thiệt là tui thương ảnh. Tui muốn đi theo ảnh.
Nói tới đây Liên dừng lại như xúc động. Tôi cũng thật sự xúc động vì câu
chuyện của nàng. Người thiếu nữ đã từng mơ ước một chiếc giường Hồng Kông, mơ
ước một căn phòng có bốn vách kính, mơ một chiếc áo lông thú đắt tiền, mơ được
cặp kè với những người giàu sang. Hôm nay kể chuyện tình một cách chân chất.
Thế ra cho dù lăn lộn với bao nhiêu sương gió của cuộc đời, Liên vẫn còn có thể
rung động và mơ ước một tình yêu đơn sơ bình an với Dần. Điều gì ở Dần khiến
cho nàng rung động để can đảm thú nhận tình yêu của nàng cho Dần nghe? Phải
chăng Liên bắt gặp nơi chàng cái hình ảnh hạnh phúc đơn sơ. Một khuôn mặt không
sóng gió của đời sống. Một mái ấm gia đình mà bao lâu nay nàng mơ ước?
Chỉ thấp giọng và khuôn mặt chùng xuống buồn bã một lúc, mấy phút sau Liên
lại vui vẻ nói cười.
– Dzậy đó mà ảnh đi Arizona. Tui tưởng đi là đi luôn chớ. Ai ngờ bữa nay lại
định dọn sang đây.
Tôi hỏi Liên:
– Vậy chị định để anh ấy dọn vào đây luôn chứ.
Liên lắc đầu.
– Hổng được. Bị ảnh chắc hổng ưa làm dzậy đâu. Để tui đi kiếm phòng cho ảnh.
Bửa nào ảnh sang, tui kêu bồ lại chơi.
Sau Tết một tháng. Tôi đang nghỉ hè giữa khoá mùa Đông và mùa Xuân, đang nằm
nhà vất vả học anh văn, Liên gọi điện thoại báo cho biết Dần đã dọn sang. Liên
mời tôi tới dự sinh nhật của nàng ở nhà bà Cathy. Tôi nhận lời đi chung với mấy
người bạn.
Chúng tôi đến nơi khi căn phòng đã đông khách. Khách phần lớn là những người
quen biết của bà Cathy. Họ hút thuốc, uống rượu, ăn uống trong bầu không khí
ngột ngạt khói thuốc. Chúng tôi nhập vào như những người lạ quây quần nói tiếng
Việt với nhau. Chúng tôi ăn thức ăn do Liên nấu. Đêm nay Liên bận một chiếc áo
dạ hội màu trắng hở lưng, tóc uốn quăn và để chảy dài trên vai. Liên xinh xắn
như một búp bê của bữa tiệc. Nàng cười tíu tít. Nhanh nhẹn chuyện trò với mọi
người. Trông nàng chững chạc và lẳng lơ hơn.
Liên dẫn Dần tới giới thiệu với chúng tôi. Người thanh niên hoạt bát hơn tôi
tưởng. Dần có dáng dấp một thư sinh, vận một chiếc áo len xanh thẳm và một quần
sô đơn giản. Quả như lời Liên mô tả. Dần có một khuôn mặt dễ nhìn. Lúc chàng
nhìn xuống, chàng có vẻ đẹp nho nhã yếu đuối.
Tôi tưởng tượng ra khi nhìn ngắm Dần bị bịnh và ngủ, vẻ đẹp yếu đuối của Dần
đã làm Liên xiêu lòng.
Khi anh bạn cựu quân nhân ngồi cạnh tôi, người nói chuyện và pha trò huyên
thiên đi bàn khác đánh cờ, Dần mới có dịp lại bên tôi bắt chuyện. Dần cởi mở và
phóng khoáng. Nhưng cũng như những người tỵ nạn mới đến Mỹ, Dần vẫn còn mang
nét bất ổn nào đó trên mặt. Dần kể cho chúng tôi nghe lý do di chuyển vội vàng
sang đây, là vì chàng không thể sống chung với một người bảo trợ là một gã đồng
tính luyến ái.
Điểm thích thú mà tôi khám phá ra ở buổi nói chuyện ban đầu là Dần đồng ý
với tôi về những điểm đáng yêu ở Liên. Cái duyên dáng thiên phú của nàng. Sự
ngây thơ trong giọng nói miền Lục Tỉnh của nàng. Liên mang rượu lại cho chúng
tôi. Nàng nói huyên thiên về lối pha rượu nàng mới học được của bà Cathy.
– Rượu này tui pha lấy đó bồ. Liên vừa nói vừa trao ly rượu về phía tôi.
Uống một ly cho dzui đi bồ. Bồ không thấy đàn ông khi buồn người ta uống rượu
cho khuây khỏa đó sao.
Quay sang Dần, Liên phác một cử chỉ phân trần với chúng tôi.
– Tui nói rồi. Ở đây tui lo cho mà ảnh nhất định ở motel cho đến khi kiếm
được phòng. Bị hoàn cảnh nó làm mình cực dzậy chớ ai đâu muốn. Tui hồi ở nhà
quê ra tỉnh, ở Tây Ninh lên Sài Gòn, tui trông biết một người quen đặng ngủ nhờ
nhà họ một hai đêm mà tui có quen ai đâu. Giờ tui thấy ai hổng nhà là tui động
lòng. Ơ mà nói dzậy chớ mấy cái đờn ông mắc chứng. Hổng khi nào tỏ ra ta đây
nhờ đến ai giúp. Tui nói thiệt à. Tui gặp người tốt như bà Cathy đây là tui quý
lắm. Kiếm được người tử tế bộ dễ a.
Nói xong Liên nhoẻn miệng cười, bưng khay rượu quay đi. Tôi nhìn sang Dần.
Chàng đang mãi ngắm bóng Liên. Đêm ấy chúng tôi nói chuyện cho đến khi tiệc
tàn.
Dần kiếm được căn phòng ở ngoại ô San Jose. Căn phòng nhỏ và ấm cúng nhờ vào
những chăm sóc của Liên. Liên thường đến đấy tự động lo cho Dần những công việc
như quét dọn, nấu ăn, sửa sang căn phòng. Dần và Liên thường đi chơi chung với
tôi. Họ là một đôi tình nhân bất thường. Liên hết đi chơi và giao thiệp với
những liên hệ cũ. Dần tiếp tục đi học trở lại và buổi tối đi làm việc phụ ở một
hãng điện tử.
Một buổi tối mùa hè tôi đang xem truyền hình ở phòng khách. Dần thình lình
ghé lại, mời tôi đi uống cà phê. Tôi ngạc nhiên vì lời mời bất thường nhưng
cũng theo Dần đến quán.
Quán cà phê ở dưới phố, có bầu không khí giống những quán cà phê ở Sài Gòn.
Ở đây chúng tôi có thể thong thả ngồi nói chuyện với một ly cà phê mà không cảm
thấy phiền phức vì không gọi thức ăn. Bởi quán chỉ bán cà phê cho khách hàng.
Cà phê không lấy gì làm xuất sắc nhưng không khí quán dễ chịu. Một vài bức
tranh cảnh treo trên tường. Những bộ bàn ghế mầu gỗ. Một cái quầy cà phê và
những điệu nhạc êm dịu. Dần gọi cho chúng tôi cà phê đen. Chàng lấy thuốc lá ra
hút trong khi tôi nhập đề:
– Hôm nay có chuyện gì mà trông anh có vẻ khác thường vậy?
Dần bật lửa châm mồi thuốc. Chàng bật nấp chiếc bật lửa màu thiếc trắng.
Ngọn lửa bùng lên. Dần loay hoay trong một dáng điệu tập trung cả mắt mũi miệng
và hai tay vào điếu thuốc với ngọn lửa. Ánh sáng của ngọn lửa làm cho khuôn mặt
Dần sáng hẳn lên. Tôi ngắm nhìn chàng và ước gì có máy hình trong lúc này để có
thể thu lại hình ảnh này. Dần hít hơi thuốc đầu tiên xong rồi nói:
– Liên đi rồi.
Tôi giật mình hỏi:
– Đi đâu vậy?
– Đi theo chồng.
Tôi mở tròn mắt:
– Chồng nào? Sao tôi không hay biết gì vậy?
Dần mĩm cười, nghiêng mặt nhìn tôi hỏi:
– Giả thử nếu có biết đi nữa, cô sẽ làm gì?
Ngừng một phút Dần tiếp:
– Liên sống thoải mái. Nàng sống theo con người thật của nàng, hành động
theo lý luận và mơ ước đơn giản của nàng.
Tôi vẫn ngạc nhiên. Tại sao hôm nay chàng này triết lý lung tung. Mà tôi
chưa biết Liên đi lấy chồng hồi nào, chồng Liên là ai? … tôi cắt lời Dần:
– Nhưng lấy ai? Hồi nào? Ít ra anh cũng nên cho tôi biết trước đã.
– Lấy chồng từ lúc còn ở Việt Nam, Dần đáp. Chồng Liên là một nhân viên
trong Uỷ Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên. Họ đã chung sống một năm trước khi ông
ấy về Mỹ. Khi Sài Gòn mất, ông ta kẹt lại bên này. Ông ấy lùng kiếm Liên hơn
một năm nay, bây giờ mới gặp. Hôm qua cơ quan Hồng Thập Tự gọi lại, Liên kể
chuyện cho tôi nghe.
Dần dừng lại, dụi tàn thuốc. Tôi ngẩn ngơ. Cơn lốc của một cuộc chạy nạn từ
bên nửa mặt đất này sang nửa mặt đất khác phơi bày nhiều tuồng tích đột ngột mà
tôi phải chứng kiến.
– Thế rồi bà ấy bỏ đi hả? Tôi nói một cách lạc lỏng. Cái bà ấy thiệt là vô
tình.
Dần mơ màng. Có lẽ hắn đang nhớ đến Liên thật. Tôi cũng thấy nhớ khuôn mặt
tươi cười của Liên. Cái giọng nói ríu rít như se sẽ của nàng. Nếu có Liên ở đây
có lẽ giờ này chúng tôi đã không lâm vào những phút trống vắng như vầy. Dần nói
tiếp:
– Liên bảo ông ấy đã lớn tuổi, đã ngoài năm mươi. Ông ta thương yêu và chiều
chuộng Liên lắm. Tôi cầu mong Liên có hạnh phúc. Một người như Liên phải có
hạnh phúc. Liên không biết khổ đau sầu mộng. Nàng được cái đặc ân ấy.
Chúng tôi lại rơi vào yên lặng một lúc. Tôi ngắm nhìn khung cảnh chung
quanh, tiếng cười nói, điệu nhạc lâm râm, những bóng người đi động chung quanh.
Tất cả những ý tưởng về Liên tản mác trong tôi.
Một lát sau Dần nói:
– Liên đi cũng khoảng một tuần lễ nay. Liên bảo có gọi cho cô đôi ba lần
nhưng trùng vào tuần lễ cô đi chơi xa nên không gặp được.
Dần quay vòng ly cà phê đã cạn và bỗng hỏi tôi:
– Sao cô không sống hồn nhiên như Liên. Tôi không muốn nói về lối sống bất
định của nàng.
Tôi nhìn Dần, lơ mơ trả lời:
– Ông bạn à, trăm hoa đua nở chứ. Mỗi hoa lại một vẻ. Để trở nên trọn vẹn
cái nhân dáng của mình cũng đã là một điều khó khăn rồi. Vả lại chạy một trận
giặc, mất hết cả gia đình bạn bè tình nhân quê hương, anh bảo người ta sao hồn
nhiên mãi được.
Bẵng đi một thời gian hơn một năm, câu chuyện về Liên cũng nguội dần. Tôi
chẳng biết tin tức gì về Liên từ lúc Liên theo chồng. Dần được học bỗng về
ngành dầu lửa và sau đó dọn về Houston. Thỉnh thoảng viết cho tôi ít dòng thăm
hỏi qua loa. Thì bỗng một hôm, Liên bất ngờ kiếm tôi ở căn phòng trọ mới. Liên
mang tặng cho tôi hai con hổ bằng sứ xanh, loại để làm đế bình hoa. Chúng tôi gặp
nhau chào hỏi vồn vã.
– Gió nào thổi chị về đây. Sao hôm nay trông chị điệu thế.
Tôi ngắm nhìn bộ quần áo chim cò trên người Liên. Sống xa chúng tôi một thời
gian, Liên trở lại thói quen cũ, ăn mặc như những thiếu nữ ngày trước ngồi vắt
vẻo với những chú GI Mỹ ở những quán bar. Mặc cho thời trang thế giới đến đâu.
Liên quay một vòng, nhún nhảy ra dáng như một cô kiểu mẫu đang biểu diễn.
– Tui mới may đó. Liên nói. Tui vẽ kiểu rồi đưa cho thợ may. Bị tui nhỏ con,
mua đồ ngoài hổng được, hổng có cỡ nào vừa. Đi mua đồ cứ bị mấy người bán hàng
chỉ lại hàng con nít hông hà.
Tôi đến tủ lạnh rót nước mời Liên rồi nói:
– Chồng con chị khỏe mạnh luôn chứ? Lấy chồng hơn năm nay bây giờ mới nhớ
tới nhỏ này.
Liên xịu mặt, nhìn đi nơi khác trả lời:
– Ông già bị bịnh ung thư mất cách đây hai tháng rày. Tui rầu quá chời nên
mới dọn lên lại nhà bà Cathy mấy hôm rày.
Tôi há hốc miệng nói: Trời đất ơi!
Liên cho hai tay vào túi quần rồi đến bên cửa sổ nhìn ra bầu trời bên kia
dãy nhà trọ. Bầu trời xám buồn bã.
Lê Thị Huệ
Nguồn: VĂN, Số 28 tháng 10-1984