Tháng 7 năm 2018, bộ máy tuyên
truyền của đảng CS đồng loạt tung hô Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nào là một
người “xứng đáng là điểm tựa vững chắc”, nào là “nơi gửi trọn niềm tin sắt son,
là niềm tự hào của đồng chí, đồng bào chúng ta!” hay nào là “tấm gương sáng,
trực quan, sinh động nhất về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách
Hồ Chí Minh” v.v..
Lý do chỉ vì Nguyễn Phú Trọng mặc
chiếc áo ấm năm năm trước.
Mặc chiếc áo ấm năm năm, thật ra, là
một việc bình thường. Có thể nói với đại đa số trong hơn 90 triệu người Việt
trong nước, chiếc áo ấm năm năm vẫn còn được xem như mới.
Bồi bút Nguyễn Đệ, tác giả của bài
“Chiếc áo cũ và nhân cách giản dị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng” nên đến các
vùng cao mùa rét năm nay để xem các cha mẹ già, các phụ nữ đang mang thai, các
em học sinh nghèo ăn mặc như thế nào rồi về nhà viết tiếp.
Chiếc áo này, nếu chế độ không sụp
sớm, chắc sẽ được đưa vào viện bảo tàng để các thế hệ trẻ “học tập và noi gương
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng”.
Nhân chuyện chiếc áo cũ của Nguyễn
Phú Trọng, người viết nhớ lại hồi ký của Bác sĩ Lý Chí Thỏa, bác sĩ riêng của
Mao. Ông viết trong hồi ký “Sau khi Mao chết, Trung ương đảng Cộng sản mở cửa
cho công chúng vào thăm chỗ ở của Mao. Họ cho trưng bày những bộ đồ rách rưới
cũ mèm để chứng tỏ rằng Mao là một người đã suốt đời hy sinh cho sự nghiệp của
quần chúng và có một đời sống gần gũi với quần chúng…Mao thường mặc một bộ váy
dài và hay đi chân đất.” Đừng quên, Mao Trạch Đông gốc nông dân.
Câu hỏi được đặt ra, Lenin, Stalin,
Mao, Hồ, Pol Pot, Fidel Castro, ba đời họ Kim có tham ô, tham nhũng không?
Câu trả lời là không nếu hiểu tham ô
embezzlement) theo nghĩa thông thường trong tự điển Cambridge là “việc lấy của
công làm của riêng một cách bí mật và phi pháp” và tham nhũng (corruption) chỉ
“những hành vi phi pháp, bất lương đặc biệt từ các thành phần có quyền lực
trong xã hội.”
Lenin, Stalin, Mao, Hồ, Pol Pot,
Fidel Castro, Kim Nhật Thành v.v.. không vi phạm luật, đơn giản vì quyết định
của đám người này là luật.
Lenin, Stalin, Mao, Hồ, Pol Pot,
Fidel Castro, Kim Nhật Thành v.v.. không lấy của công làm của riêng vì cả đất
nước từ tài nguyên, của cải cho đến con người đều thuộc quyền sở hữu của họ.
Lenin, Stalin, Mao, Hồ, Pol Pot,
Fidel Castro, Kim Nhật Thành v.v.. không ăn cắp của ai một cách lén lút vì
những cung điện, biệt thự dành cho họ được xây dựng một cách công khai, cao
lương mỹ vị phục vụ cho họ diễn ra trước mắt mọi người.
Trong cuộc chiến quốc cộng Trung
Hoa, CS Trung Quốc thắng trong mặt trận tuyên truyền nhờ khai thác tối đa tệ
trạng tham nhũng trong các cấp chỉ huy Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Người dân Trung
Hoa không thấy dấu hiệu tham nhũng nào trong hàng ngũ CS và họ tin rằng nếu phe
CS thắng những tệ trạng xã hội sẽ mất đi.
Sách vở đó đã được đảng CSVN áp dụng
đúng bài bản và cũng đã lừa được nhiều thế hệ người Việt từ 1930 cho tới nay.
Bộ máy tuyên truyền CS tại Trung
Cộng và tại Việt Nam trong lúc ca ngợi các lãnh tụ CS cũng liên tục phê bình
tình trạng tham nhũng trong các cấp đảng và gọi chung là tình trạng “thoái
hóa”.
Định nghĩa một các tổng quát “thoái
hóa” là tình trạng hư hỏng, giảm giá trị và mất phẩm chất tốt đẹp vốn đã có.
Theo lý luận của đảng, chỉ có các lớp đảng viên sau này mới nhiễm vi trùng tham
ô, hủ hóa của tư bản chứ các đời trước thì không.
Nếu không phải vì quyền lợi, vậy
Lenin, Stalin, Mao, Hồ, Pol Pot, Fidel Castro, Kim Nhật Thành v.v.. tranh đấu
cả đời vì mục đích gì?
Câu trả lời là quyền lực.
Những lãnh tụ CS không cần phải biển
thủ, tham ô mà chỉ cần nắm quyền lực vì họ biết có quyền lực sẽ có tất cả.
Theo điều tra của hai tác giả Jung
Chang và Jon Hallyday trong tác phẩm “Mao, Chuyện Chưa Được Biết” (Mao, Unkown
Story), trong 27 năm cai trị, có hơn 50 biệt thự được xây dành riêng cho Mao vì
Mao thích sống trong biệt thự sang trọng, kín cổng, cao tường. Có những biệt
thự được xây hết sức công phu, tốn kém như trường hợp biệt thự ở Jade Spring
Hill, ngoại ô Bắc Kinh. Không ít biệt thự được xây cho Mao nhưng y không đủ
thời gian để đặt chân tới. Đó là chưa nói tới đời sống dâm dật đáng kinh tởm
của Mao như ngày nay nhiều người biết.
Tương tự, “Viện bảo tàng Hồ Chí
Minh” trưng bày những đôi dép râu, những bộ đồ cũ xám, gậy gộc Hồ Chí Minh đã
dùng. Nhưng bao nhiêu điều trong đời tư của họ Hồ, kể cả lý lịch bản thân, tên
tuổi, vợ con, gốc gác của y, đảng CS đang cố tình bưng bít.
Hành trình đạt tới đỉnh cao quyền
lực như đã chứng minh từ Lenin, Stalin, Mao, Hồ, Pol Pot, Fidel Castro, Kim
Nhật Thành v.v.. đã được lót bằng xương sọ của nhiều triệu người trải dài từ Tứ
Xuyên trong nạn đói 1961 của Trung Quốc, tới Huế Mậu Thân 1968 của Việt Nam và
sang tận những cánh đồng chết ở Campuchia.
Phân tích để thấy muốn trong sạch
hóa xã hội Việt Nam không phải chống tham nhũng mà là tước bỏ quyền lực khỏi
tay những kẻ đang nắm quyền tuyệt đối trong xã hội Việt Nam.
Trần Trung Đạo