27 December 2018

CHỦ NHẬT BUỒN - Thu Phong


Hắn sững sờ đọc lại lá thư ngắn ngủi của vợ, lang thang ngoài đường, vào một quán rượu, cáu gắt với các cô tiếp viên, uống say, về nhà, để nguyên quần áo, nằm vật xuống giường, không bật đèn, không buông mùng, độc thoại trong bóng tối. Vợ hắn đã bỏ theo gã thương gia ấy, mang theo đứa con gái ba tuổi.

Hắn nhớ lại lần gặp đầu tiên, hôn lễ, những ngày sống hạnh phúc ngắn ngủi, những lần vợ càu nhàu tiền bạc. Sau đó, một vài dấu hiệu ngoại tình hắn chưa kịp tìm hiểu hư thực do mải mê viết. Khi chứng cứ rõ ràng, hắn định chờ lãnh tiền bản quyền cuốn tiểu thuyết mới in đề dẫn vợ con đi ăn, trao nàng hết tiền nhuận bút, nói nàng biết hắn sẽ tạm ngưng viết, nhờ người bạn giới thiệu một nhà thầu xây dựng, xin vào làm thợ hồ hoặc thợ sơn.
Nhưng đã trễ. Hắn quyết định bỏ viết. Hắn không thể ở lại nhà, không muốn láng giềng chú ý sự vắng mặt của vợ con. Hắn phải đi. Nhưng sẽ không tìm họ, ít nhất trong lúc đầu. Hắn cho rằng còn quá sớm để vợ hắn nghĩ đến một sai lầm, nếu sự thực là sai lầm.

Đi đâu? Còn đi đâu nữa, ngoài chỗ người bạn? Cố dỗ giấc. Không được. Hắn ngồi dậy, bật đèn. Đã nửa đêm. Hắn lục tủ thuốc gia đình, lấy chai Phenergan (hay một thứ gì đó có chất gây ngủ) của con gái, trút nửa chai còn lại vào ly, uống cạn. Hắn trở lại giường, ngủ một giắc ngắn, dậy lúc ba giờ ba mươi sáng, đốt lá thư của vợ và cả xấp bản thảo dở dang, nhét vào túi xách hai bộ quần áo, vài vật dụng cá nhân khác, khóa cửa, giấu chìa khóa vào nơi thường lệ, ra đi.
Bóng hắn dật dờ in trên bờ tường cuối phố nơi có một đám lửa nhỏ ai đã đốt từ quá khuya. Công trường xây dựng nằm ven quốc lộ nối liền thành phố và thị trấn biên giới. Những gì người ta đã làm gồm tường bao quanh, cổng ra vào, nhà bảo vệ, cống thoát nước.
Anh đến vào lúc công trường đang xây dựng dở dang dãy nhà văn phòng và móng xưởng dệt số một. Mùa mưa gần kề. Công trường hối hả, ngổn ngang, đổ mồ hôi. Anh gắng sức theo nhịp độ chung, rã rời tay chân, suốt sáng đến trưa, suốt trưa đến chiều. Buổi trưa sau khi ăn cơm, công nhân thường ngồi rải rác dưới bóng hàng tràm hoa vàng lớn dọc lộ trước cổng. Riêng anh, có thể nghỉ lưng trên bộ ván chủ nhà trọ dành cho mình.
Nơi anh trọ là một ngôi nhà cổ ba gian, mái ngói âm dương phủ đầy rêu, cột tròn sơn những câu đối hình chữ Hán, móc áo là những sừng nai. Nhà cách lộ một sân rộng trồng nhiều cây xoài, táo, dừa… Vài cây đã là cổ thụ. Giữa sân trồng mai, đại tướng quân. Và những bụi trang đầy hoa đỏ rực. Phía trái là quán cà phê cột cây, mái lá, nền gạch tàu, trang trí bằng tre, khá xinh xắn. Bên phải là hàng bán thức ăn cho công nhân xen lẫn tạp hóa thực phẩm cho dân trong vùng. Sau nhà, một phần đất bỏ hoang với cây, hoa, cỏ dại mọc um tùm. Ở đấy, buổi sáng chim hót vang lừng. Tối đến, đom đóm lập loè ma quái đầy cây, hoặc vẽ trong đêm những đường ánh sáng bất định.
Vẻ tịch mịch của ngôi nhà, sự hoang vắng của vùng đất, không gian khoáng đãng, trong sạch thích hợp bản tính trầm lặng của anh. Anh được dành cho một căn phòng ở dãy nhà ngang phía sau, có thể trông thấy quốc lộ, công trường, quán cà phê xuyên qua khoảng trống cây cối.
Ngày làm, đêm ngủ sớm, anh ăn cơm với chủ nhà là một giáo viên về hưu, chủ nhật đón xe đò hoặc xe lôi ngược về tỉnh, hoặc mượn xe đạp chủ nhà đi quanh quẩn dọc quốc lộ, thỏa ý thích lang thang. Và để giết thì gìờ.
Hơn ba tháng từ khi sống cuộc sống mới, vào một ngày chủ nhật mưa gíó, một mình trong phòng trọ anh soạn lại túi xách, nhìn thấy xấp giấy trắng, mà anh theo thói quen mỗi lần ra khỏi nhà, đã bỏ vào (khi còn viết, anh đã viết bất cứ đâu, khi nào: nhà, thư viện, quán cà phê, bãi biển, nương rẫy, vào ngày, đêm hoặc giữa khuya tĩnh mịch).
Cô độc và mưa, cảm hứng tưởng nguội lạnh, trở lại trong anh. Anh đưa tay vuốt những tờ giấy trắng tinh. Cử chỉ ấy lặp đi lặp lại, trân trọng, mê đắm tựa người ta vuốt mái tóc người tình. Những ý tưởng quay về đầu óc anh mỗi lúc một nhiều. Ban đầu tựa một dòng suối nhỏ, sau, cuồn cuộn như thác lũ. Và ngay lúc ấy, quyện trong tiếng mưa rơi là một giọng nói thầm thì, dịu dàng quyến rũ và đầy quyền uy giọng nói đã có lần anh nghe được trước khi cầm bút, nay lại vang lên: “Hãy để cho trí tưởng tượng bất tận, sự hiểu biết phong phú và kinh nghiệm—dù hoan lạc hay đớn đau, biến thành những ý tưởng, những giòng chữ. Hãy cầm lấy bút để sức sáng tạo trong anh được dịp thể hiện…”
Một tia sét lóe lên. Và anh cầm lấy bút, viết mê mải. Chưa đến một giờ, anh đã viết lại toàn bộ những gì đã đốt bỏ trước khi đi. Dừng tay, đốt một điếu thuốc, anh trầm ngâm suy tưởng. Có thể hắn sẽ đến đây. Quăng mẩu thuốc, anh cầm lấy bút.
Xuống xe, hắn xách túi, cúi đầu bước vội trong mưa rát mặt. Lầm lũi và ướt sũng, hắn đi mãi, đi mãi trên con lộ vắng, cho đến khi nghe tiếng gọi một người con gái: Anh ơi! Vào đây uống cà phê cho ấm rồi hãy đi tiếp, anh.
Hắn dừng lại, nhìn sang bên đường. Tiếng nói từ một quán cà phê. Người nói là một cô gái trẻ chừng mười bảy mặc bộ đồ hồng. Nhìn thấy công trường cách đó hai trăm mét, hắn tự hỏi tại sao mình xuống xe xa công trường đến thế. Hắn phân vân. Một chiếc xe tải chạy tới. Hắn đứng bất động nhìn chiếc xe. Xe chạy qua, bắn nước vào người hắn. Hắn thản nhiên nhặt túi xách, tiếp tục cất bước về phía công trường.
Anh trở lại viết văn ban đêm, ngày chủ nhật. Chiều đi làm về, sau khi tắm gội, ăn cơm, thay cho đi ngủ, anh viết đến mười giờ tối. Buổi sáng, anh trở lại thói quen xưa, thức sớm lúc ba giờ ba mươi để viết. Sau đó, anh ăn điểm tâm trước công trường, đến quán cà phê gọi một ly cà phê đen, một điếu thuốc, vừa uống vừa viết cho đến khi kẻng báo hiệu giờ làm việc.
Ở công trường, như lúc còn ở thành phố, anh khó kết bạn. Anh mải mê xúc cát, xi-măng, trộn hồ, đổ nước, ai hỏi trả lời; không, lẳng lặng làm việc. Ban đầu, mấy cô mấy bà còn gợi chuyện. Sau, họ thôi. Và ở công trường không ai chú ý đến anh nữa.
Người đàn bà ngoài ba mươi, hơi gầy, xanh xao, vóc dáng khá cân đối, khuôn mặt khá đẹp. Đặt biệt, mái tóc nàng bóng muợt, dầy, dài quá nửa lưng, đôi mắt to sâu, nụ cười quyến rũ. Cũng như cô gái trẻ giúp việc, người đàn bà hay ngồi cùng bàn với khách, tiếp chuyện họ khá thân mật, trong ánh mắt anh có vẻ lả lơi. Đôi khi từ quán vang tới phòng trọ những tràng cười rộ khiến anh khó chịu.
Lần đầu anh đến, người đàn bà kéo ghế ngồi cạnh. Anh lặng thinh. Nàng chau mày, bỏ đi. Cô gái trẻ gọi anh bằng “anh”, dù anh có lẽ hơn tuổi cha cô, một lần vào phòng anh cho cam, thấy anh hờ hững, thôi không đến nữa.
Cô bé chừng sáu tuổi, mặc áo đầm hoa tím dài quá gối đã cũ, tóc thắt hai bím, đang đi sau mẹ, chợt trông thấy bên kia đường vô số những hoa tràm rơi xuống như mưa. Cô bé chạy vụt qua, đưa tay hứng lấy những bông màu vàng li ti ấy. Bên này đường, trong quán, người đàn bà nhìn chăm chú cô bé. Và anh, anh nhìn nàng, cố tìm hiểu ý nghĩa cái nhìn ấy. Nàng đang nghĩ gì, anh tự hỏi Nỗi khát khao làm mẹ hay hoài nhớ đứa con cùng tuổi ở quê nhà?
Bỗng người đàn bà nhỏm dậy, hoảng hốt kêu lớn: “Cứu! Cứu con bé!” Anh quay nhìn, bổ nhào ra đường, làm đổ ly cà phê vào áo. Anh kịp bồng đứa bé tránh chiếc xe khách vừa chạy vút qua. Người mẹ trẻ hớt hải chạy đến. Anh trao đứa bé cho bà. Cám ơn… chú, bà nói, không nhìn anh, ghì đầu đứa con bé bỏng vào vai mình.
Để tôi lau áo cho anh, người đàn bà mang ra một ly cà phê khác và một cái khăn lông nhỏ, nói.
Áo tôi không sạch sẽ gì, chị thấy đó.
Không có anh…
Không, chính nhờ tiếng la của chị…
Từ đấy, giữa anh và người đàn bà không còn khoảng cách lạnh nhạt.
Một ngày, cô phụ việc đi vắng, người đàn bà bưng cà phê cho anh, gợi chuyện: anh Phong làm gì trong công trường vậy? Thợ hồ, anh chỉ vào bộ đồ đang mặc lấm lem bùn đất, đáp gọn. Anh không có vẻ một thợ hồ, người đàn bà nhận xét. Chị nghĩ tôi làm gì, anh hỏi. Người đàn bà nghiêng đầu nhìn bâng quơ: Dạy học, viết văn hay một nghề gì đó về trí óc! Tại sao, anh hỏi. Anh không được to con lắm, anh có vầng trán và đôi mắt… Anh cười, nụ cười đầu tiên từ nhiều tháng.
Chị không tin tôi đủ sức khỏe để làm thợ hồ?
Anh viết gì mà sáng nào cũng viết?
Người đàn bà nhìn xấp giấy cuộn tròn trong tay anh.
Viết? À… Tôi có nhận thêm việc tính toán khối lượng cho chủ thầu.
Anh cũng trả lời cô gái kia như vậy. Lặp lại, vẫn lúng túng.
Kẻng báo hiệu giờ làm việc vang lên. Anh nhìn đồng hồ trong quán, vặn lại kim đồng hồ đeo tay của mình, lắc lắc tay mấy cái, đứng lên. Không nhìn người đàn bà, anh đưa tay vẫy chào nàng, bước vội về phía công trường. Người đàn bà đứng nhìn theo một lát, quay vào trong.
Hắn uống cà phê và nghĩ về người đàn bà: quê nàng không ở miền này, mà ở một thành phố nào đó. Và nàng là người học thức, hắn đoán, căn cứ giọng nói, cách nói của nàng.
Người đàn bà ngồi phía trong, dũa móng tay, nghĩ về hắn: Anh ta không giống những người đàn ông khác từng đến quán. Anh ta khá cởi mở chứ không khó chịu như dáng vẻ lầm lì. Có lẽ anh ta vừa thôi dạy học vì một lý do nào đó, và nghề thợ hồ chỉ là tạm bợ.
Người đàn bà quay ra nhìn hắn, rồi cúi xuống tiếp tục dũa những móng tay dài tô đỏ.
Thấy người đàn bà, anh vội cất giấy viết.
Tôi đã nghe bài hát ấy. Khuya như vậy quán vẫn còn khách sao?
Không, không còn một người khách nào, người đàn bà nói, rồi đi vào trong.
Một lần, anh đã hỏi nàng có bản “Chủ nhật buồn”. Lúc ấy, nàng đã không trả lời, có lẽ nàng không nghe thấy vì câu hỏi bị át bởi tiếng nhạc. Anh nhìn nàng bước đi từ phía sau. Đôi vai, tấm lưng nhỏ nhắn, mông no tròn khẽ lắc qua lại mỗi nhịp chân uyển chuyển. Không, nàng không gầy, nàng thon thả với những đường cong gợi cảm.
Tiếng nhạc kích động ngưng đột ngột. Thay vào, một gịong nữ trung, khàn khàn, thổ lộ sự trống vắng trong tâm hồn giữa cảnh náo nhiệt chiều chủ nhật trên phố.
Trở lại bàn, người đàn bà nói tôi tìm mãi mới có được. Khách ở đây hầu như không ai chịu nghe loại nhạc này.
Còn chị?
Tôi rất thích.
Câu trả lời của người đàn bà, không như câu đề nghị của anh chìm trong tiếng nhạc ồn ào; mà, trong tiếng xe vút qua đường.
Chị nói gì, anh hỏi lại. Tôi ghét, người đàn bà nói, giọng khiêu khích.
Họ im lặng đến khi anh rời quán. Nhìn đồng hồ đeo tay của anh trên bàn, người đàn bà hỏi sao anh không mua một cái khác.
Chị nhìn xem nó chạy đấy.
Sao anh không mang vào?
Nó… giận tôi, nó không cho tôi mang.
Nghĩa là sao?
Tôi mang vào nó không chạy.
Ngay cả khi anh lắc lắc?
Anh gật đầu. Người đàn bà cầm chiếc đồng hồ, quan sát với tính tò mò phụ nữ. Đồng hồ mặt tròn màu trắng, bị ố vài chỗ, số la mã, dây da, lên dây, rõ là kiểu cũ. Theo lời đề nghị của người đàn bà, anh đeo vào, rồi đưa tay cho nàng xem kim gió đã ngừng chạy.
Lạ thật!… Thế tôi mang?
Người đàn bà đưa cánh tay trần cho anh. Cầm lấy bàn tay mềm mại của nàng, anh nghe nghẹn ở ngực, tự hỏi cảm giác ấy có nghĩa gì. Tuy nhiên, lúc này câu trả lời không đến. Anh đeo đồng hồ vào tay nàng một cách trân trọng, rồi nói chị nhìn xem. Chiếc kim gió bé tí như sợi tóc vẫn nhích từng khoảng một, đều đặn.
Lạ thật, đồng hồ cũng biết giận, nàng nói.
Anh cố giấu nụ cười trước sự hồn nhiên của nàng.
Chắc là… bồ anh mua cho anh, người đàn bà đưa tay để anh cởi chiếc đồng hồ, nói.
Không…vợ tôi… anh nói.
Đúng lúc ấy kẻng đánh. Anh đứng lên, cho đồng hồ vào túi quần, bước ra khỏi quán, không kịp nhìn thấy nét thoáng buồn của người đàn bà.
Anh vừa bước về công trường vừa nghĩ về hắn. Hắn cũng đến đây, cũng gặp người đàn bà, hắn có nói nhũng câu vớ vẩn về chiếc đồng hồ của hắn không?
Đặt ly cà phê đen xuống bàn, người đàn bà nói tôi có cái này cho anh. Rồi đi vào trong. Một lát, nàng đi ra, hai tay giấu sau lưng. Ngồi xuống cạnh anh, nàng nói nhưng anh phải trả lời tôi, tôi mới đưa. Anh im lặng gật đầu.
Tay vuốt tóc, hất ra sau, để lộ chiếc cổ trắng ngần, người đàn bà hỏi:
Anh thợ hồ có yêu cô chủ quán không?
Sao chị đọc được bản thảo của tôi?
Chìa xấp giấy, người đàn bà đáp:
Tôi nhặt được trước quán sáng qua. Anh đi quá nhanh…
Anh thường nhét bản thảo vào túi quần sau. Đốt thuốc, anh nhìn ra đường, bảo đấy là một truyện vừa. Người đàn bà nói anh đã dối nàng.
Vâng, nhưng chị thấy đấy, không ai biết cả. Viết văn không ích gì cho một người thợ hồ.
Còn thợ hồ thì ích cho viết văn?
Thật ra trước khi đến đây, tôi đã có ý định bỏ viết.
Anh hài lòng với câu vừa nói. Nhưng rồi nhận ra sự nguy hiểm: người đàn bà có thể hỏi lý do. Anh đang muốn quên, đang làm việc cật lực để quên. Anh rất sợ đồng hồ dừng lại. Ngày nào anh cũng lắc, lắc lấy lắc để.
Thay vì câu hỏi, lại là một câu nói, một nhận xét, một lời trách móc:
Nhân vật thợ hồ giống anh, còn nhân vật chủ quán cà phê thì… không đúng. Chị nghĩ là tôi viết về chị?
Anh mô tả công trường kia, quán cà phê này, diện mạo nhân vật…
Kẻng đánh. Anh nhìn đồng hồ, vặn kim, lắc lắc cổ tay, đứng lên, nói:
Đó không phải là tôi và chị, đó là những nhân vật, những nhân vật tiểu thuyết.
Cô chủ quán không thay đổi màu sơn móng tay theo ý hắn. Vẫn nhiều màu, hôm đỏ choét, hôm tím bầm. Điều ấy có nghĩa là nàng không lệ thuộc, có nghĩa là nàng không yêu. Nàng chú ý đến hắn vì hắn viết văn, và thích bản nhạc hắn đề nghị. Chỉ có thế. Ở quán nàng xưa nay, chưa từng có một nhà văn ghé lại. Và khách chỉ thích “Người tình mùa đông” hoặc “Sao em nỡ vội lấy chồng”, hoặc đại loại như thế.
Phần hắn, hắn muốn chế ngự nàng qua đề nghị như vậy. Cũng không phải là yêu. Chỉ là cảm xúc trước cái đẹp. (Ngoài viết văn, thỉnh thoảng hắn còn vẽ tranh và thích nhiếp ảnh). Tương tự những ý tưởng mạnh mẽ đến nỗi trào ra đầu ngọn bút, cảm nhận về cái đẹp mạnh mẽ đến nỗi lan truyền sang kẻ khác. Chính hắn quyết định kiểu tóc, cách ăn mặc của vợ con hắn.
Mà không. Không chỉ có thế. Hắn chú ý đến nàng không chỉ vì vẻ đẹp, sự quyến rũ của nàng. Còn vì khoảng trống lớn trong hồn hắn, khoảng trống cần được lấp đầy.
Sáng nay mặt trời mọc muộn. Lộ vắng. Vạn vật phủ một làn sương mỏng. Quán cà phê mở cửa sớm (từ khi đọc được những trang bản thảo của anh, không hiểu sao quán mở cửa sớm). “Không hiểu sao” là thừa, vì đã tự giải thích rồi.
Giao lại mấy tờ giấy, người đàn bà hờn dỗi: Anh viết quá về tôi. Tôi chỉ ngồi nói chuyện với khách, thỉnh thoảng cười một tiếng. Khi có ai nắm lấy tay tôi, tôi không để nắm lâu. Tôi biết phải dừng lại ở đâu. Vậy mà anh lại viết là tôi bị phụ tình, tôi chán đàn ông, sống buông thả, cười cợt và ngả vào vòng tay tất cả đàn ông đến quán. Anh phóng đại và… và… Nàng quay mặt đi giấu cơn cảm xúc dâng trào.
Anh im lặng, không ngạc nhiên. Hãy để nàng nói. Nàng không tin cô chủ quán chỉ là nhân vật tiểu thuyết.
Nàng quay lại ngước nhìn anh, mắt long lanh nước, nói bên ngoài tôi thế nào, bên trong thế ấy, không hề có chuyện “trong héo ngoài tươi” như anh đã viết.
Gấp xấp bản thảo, đứng lên, nhét vào túi quần, chỉnh lại giờ, anh nói xin lỗi đã làm chị buồn. Rồi đi. Anh lững thững rời quán, không hề biết sau lưng mình, người đàn bà ngồi phịch xuống ghế, úp mặt vào lòng hai bàn tay, khóc nức nở. Tuy hờn giận, người đàn bà vẫn muốn đọc tiếp những gì anh viết.
Sáng hôm sau, nàng hỏi anh thợ hồ có yêu cô chủ quán không. Anh đáp không rõ lắm.
Anh nhìn ra khoảng sân, chỗ cây bằng lăng. Hoa của nó có màu tím, và anh nghe văng vẳng bên tai câu trả lời: “Có, anh ấy có yêu, anh ấy không thể ngăn giữ tình cảm của mình.” Anh tự hỏi ai đã thốt ra câu nói ấy? Có phải là hắn? Hắn không hiện hữu trước mặt anh, nhưng câu nói cửa hắn đã in vào trí não anh.
Nhưng anh là tác giả mà, nàng nói. Anh ta chú ý đến cô chủ quán vì nàng có nụ cười tươi và ánh mắt buồn, vì cho rằng nàng che giấu tâm trạng não nề. Anh ta muốn biết những ý nghĩ của mình về nàng có đúng không, anh nói.
Anh muốn hỏi người đàn bà một câu tương tự như câu nàng vừa hỏi anh, để viết nhanh đoạn kết. Truyện đã diễn tiến chậm. Nhưng thôi.
Tuy nhiên, bất ngờ nàng thốt ra câu hỏi mà chính anh muốn hỏi, không sai chệch một tiếng: “Cô chủ quán cà phê có yêu anh ta không?”
Một nỗi buồn ập đến hồn anh. Anh tiếc mình đã không lên tiếng. Tôi không biết, anh nói.
Người đàn bà im lặng nhìn xa xôi. Gió rung rinh những nhánh bông bằng lăng tím trước quán. Anh tự hỏi có phải nàng cho trồng để nhớ những ngày hoa mộng cũ, hồn nhiên, ngây thơ quý giá đã mất?
Câu chuyện sẽ kết thúc thế nào?
Tôi chưa biết.
Anh hãy viết nhanh nhanh lên nhé.
Tôi sẽ cố gắng.
Anh đốt thêm thuốc. Người đàn bà khuấy ly cà phê anh chưa kịp uống.
Nàng có làm như thế với những người khách khác không. Đó là thói quen hay một sự chăm sóc cố ý. Sự chăm sóc do vô thức làm mẹ hay do tình cảm mà một người đàn bà dành cho một người đàn ông, anh tự hỏi.
Một chiếc xe khách dừng lại trước quán, bỏ xuống một người đàn ông.
Tôi đang sống hạnh phúc với vợ và hai con ở Sài Gòn.
Thốt xong câu nói, anh mỉm cười tự chế giễu sự vụng về của mình. Và thấy xấu hổ vì sự yếu đuối của mình. Chắc hẳn là hắn sẽ không như anh?
Sao hơn ba tháng rồi không thấy anh về thăm nhà?
Ngày mai tôi sẽ về.
Hắn đáp, giọng cố ý tự nhiên, dứt khoát.
Người đàn bà chớp nhanh mắt buồn. Bản thảo của hắn đã ảnh hưởng đến nàng. Từ khi đọc những gì hắn viết, xen vào chuỗi cười trong trẻo có tiếng thở dài. Và cử chỉ của nàng với khách đã có gì gượng gạo. Chân dung thứ hai của nàng dần dần bộc lộ, đúng như hắn đã nghĩ. Hắn nhìn thấy trong đôi mắt to sâu của nàng tia sáng vụt tắt, bầu trời ảm đạm tựa không khí quạnh vắng của quán cà phê một ngày vắng khách, không nhạc.
Tôi vừa nhận được thư chồng tôi. Anh nói chủ nhật ảnh sẽ đến thăm tôi. Nàng bướng bỉnh phủ nhận những ý nghĩ của hắn, chống lại chính mình, hay đã nói thật? Tự đáy lòng, hắn mong nàng đang dối, cũng như hắn đang dối nàng.
Tan sở, ngay khi về đến nhà trọ, anh quơ vội vài thứ đồ cá nhân, chào ông bà chủ nhà, ra lộ đón xe. Anh cố tình chọn chỗ trước quán để người đàn bà trông thấy.
Xe về đến Sài Gòn, bước xuống bến, anh đứng lặng, cúi đầu, không biết đi đâu. Thẫn thờ một lát, anh bước lên một chiếc xe khác, chuyến xe cuối, quay trở lại thị trấn. Trời tối. Tuy vậy, anh vẫn cẩn thận bảo tài xế dừng xa quán cà phê. Và đi thẳng vào công trường.
Tối hôm ấy, anh trọ trong dãy nhà văn phòng vừa xây xong, không ngủ. Khuya, anh nghe từ quán vọng tới bản “Chủ nhật buồn”. Và anh nhớ lại màu son trên móng tay người đàn bà đã thay đổi từ hôm qua, nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra từ trước khi đến miền đất xa xôi này, trong xao xuyến lẫn xót xa.
Suốt ngày chủ nhật anh không dám ra khỏi công trường, gặm bánh mì, lấy giấy bút quyết định viết đoạn kết. Nhưng không biết viết thế nào. Anh vừa muốn viết có hậu, vừa sợ. Suy nghĩ mãi, anh cất bút, chờ đợi. Anh quyết định chờ ngày chủ nhật qua đi.

Thu Phong
(Cẩm Giang 8-1996)