1.
Vào cuối những năm 80, do kiếm sống khó khăn, nhà ở mướn thì quá chật chội, tôi
không thể nuôi chó dù vợ chồng tôi, nhất là con gái tôi, lúc đó mới 7 tuổi –
đều rất thích có một chú cún dễ thương, chạy tung tăng trong nhà.
Một hôm, trên đường chở cô bé đi học về, tôi chợt không thể không dừng xe
lại khi chứng kiến một con chó ta bị xe hơi cán, gần như gãy lìa một chân sau.
Chú chó kêu ăng ẳng đến chói tai, vừa cố lê lết vô lề đường vừa liếm lia lịa
vào chỗ chân gãy, nhầy nhụa máu thịt. Rất thương con chó nhưng bất lực,
không thể làm được gì cho con vật bất hạnh, tôi đành rời bỏ cảnh tượng thê thảm
này, lái xe đi tiếp.
Nhưng con gái tôi thì không hề rời bỏ con chó! Cháu rụt rè hỏi tôi, giọng nhỏ
quá sức giữa cái ồn ào của phố xá:
– Con chó chắc là đau lắm hả ba? Con thấy máu… Máu nhiều lắm ba à!
– Chó biết đau chớ con, nó khóc ẳng ẳng đó…
– Nhưng sao nó lại liếm chỗ chân nó đau vậy hả ba?
– Thì cũng như khi chân mình bị trầy thì mình xoa xoa vô chỗ trầy vậy con.
Con chó không có tay, nên nó lấy lưỡi…
Cô bé ngắt lời tôi liền:
– Nhưng chưn con chó đâu phải bị trầy, nó bị gãy mà?
Tôi lúng túng:
– Ờ thì… chân bị gãy phải đau hơn chân bị trầy, nên con chó ráng tìm
một cách gì đó để làm cho mình bớt đau… Nhưng con thấy đó, nó chỉ biết liếm
liếm vết thương thôi con à.
Tôi rất lo lắng, không dám chắc mình đã thành công khi tìm cách giải thích
quanh co, sao cho cô bé có thể xem nhẹ đi cái tình cảnh trầm trọng “gãy chân”
của con chó, để đầu óc non nớt, trong sáng của con tôi không bị ám ảnh
bởi hình ảnh đau thương kia. Nhưng câu hỏi đáng sợ – về một điều đáng sợ
đối với mọi sinh linh – mà tôi đã phập phòng dự đoán trước, đồng thời cầu Trời
khẩn Phật cho không bị nghe thấy, đã vang lên từ sau lưng tôi. Câu hỏi phát lên
nhỏ nhẹ, ẩn nhẫn, như tiếng thì thầm đã bị cô bé kềm giữ từ lâu lắm rồi:
– Ba ơi, con chó… nó có chết không ba?
Bao lâu nay, đã nhiều lần tôi mặt-dạn-mày-dày nói dối, thất hứa, phỉnh gạt
con mình, như chuyện hứa đóng tiền học đúng hạn, hứa may áo mới mùa Tết, hẹn
dắt đi ăn kem để thưởng học giỏi… Cái người lớn giả dối lúc này bối rối cùng
cực nên đành thả lỏng cảm xúc, vừa thương con gái bé bỏng của mình, vừa xót cho
con chó xấu số, vừa chán cả cái kiếp làm người của mình, nên phải nói thật, sống
thật thôi.
Tôi dừng xe, quay lại nhìn con mình và chậm chạp đáp như một tiếng thở dài,
tuyệt vọng:
– Ba… không biết con à. Thôi thì, Diệu Thanh, con cầu cho chú chó đi. Biết
đâu Trời Phật thương, độ cho nó…?
Diệu Thanh là pháp danh của con gái tôi, được nhà chùa đặt cho khi vợ tôi
mang cháu đến chùa xin qui y. Tôi thích tên Nghi Thanh hơn, vì ai đã mê
truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung như tôi thì đều thương mến nhân vật Nghi
Lâm, cô sư nữ xinh xắn – Muôn đời đâu có kinh, sách nào nói Phật cấm sư nữ xinh
đẹp? – và đầy lòng nhân ái như một thánh nữ. Chỉ tội là thánh nữ lại trớ trêu
thầm yêu – một cách vô vọng – cái tên Lệnh Hồ Xung ngông cuồng, hoang
đàng, tội lỗi đủ điều, tệ hơn nữa là vài ông bạn thân còn a dua nhau nhận xét
là tôi hơi bị giống hắn!
Sau chuyện con chó bị nạn, con gái tôi trở nên ít nói ít cười. Tôi lo cháu
bị ám ảnh, chấn động tâm lý… Cả thằng cha của cháu cũng còn bị chấn động nữa
là! Tôi băn khoăn như sám hối. .. Bao năm qua, trong những chầu nhậu bình
dân bèo bọt với bạn bè sau cả ngày làm việc vất vả, tôi thường không hề từ nan
khi có ai đề nghị món cầy tơ “nhậu rất bắt” ở đường Lê Quang Định hay đường
Quang Trung, vì món mồi này rẻ tiền lại ngon miệng, còn có thể nhậu tới no
bụng, khỏi lo chuyện tốn gạo nấu phần cơm ở nhà.
Trở lại với chú chó bị xe cán, chắc chắn là nó sẽ chết sạch sẽ hơn nhưng thê
thảm hơn với nước sôi cạo lông nếu lúc đó tình cờ có dân lang thang, bụi đời đi
ngang qua. Đừng lo chuyên củi lửa cùng mấy thứ gia vị nêm nếm… Tôi đã từng
thấy, chỉ với vài tờ báo cũ, mấy bao nylon xốp là anh em giới giang hồ đã có
thể nhanh gọn biến một con gà bị bắt trộm thành món gà nướng thơm lừng, y như
những anh em dân tộc thiểu số làm món gà nướng mọi trên rừng trên núi, không có
chuyện ướp iếc, nêm nếm bột ngọt, hành tiêu gì cho mất thì giờ.
Nhưng nay tên họ Lệnh man dã đã cải tà qui chánh, quyết tâm từ bỏ món khoái
khẩu của mình.
Vào một buổi chiều, đi làm về tới cửa nhà là tôi gọi ngay con gái, không
thèm nói gì cả, chỉ tủm tỉm cười trao cho cháu một hộp cạc-tông đậy hơi kín.
Chưa bao giờ tôi được thấy khuôn mặt con mình – suy dinh dưỡng cấp 1, như
đánh giá, phân loại của ngành giáo dục – lại sáng và đẹp như lúc này.
“A, con chó! Mẹ ơi, mẹ ơi, ba cho con con chó nè!”
Chú cún nhỏ xíu, ngơ ngác nhìn lên từ đáy thùng, không hiểu sao mình lại
được chủ nhà “queo khâm” nhiệt tình dữ dội đến thế. Vợ chồng tôi nhìn nhau cười
vui mà xúc động vô kể. Chúng tôi chợt ngút ngàn hạnh phúc mà chia sẻ niềm vui
của con gái, vốn đã xin nuôi một chú chó con từ hồi mới lên tiểu học. Nay đạt
được cái ước nguyện nhỏ bé ấy, cô bé cứ nói sai là bỗng chú chó, thay
vì là bồng hay ẵm mới đúng. Nhà ngôn ngữ học ốm nhom này đã
từng sáng tạo thêm nhiều từ nghe rất ngộ khác, như chu đít (nghĩa là
chổng khu, giống như chu miệng vậy), mặt mịn (mặt
mụn ấy mà!)…
Chú chó mà tôi đã năn nỉ xin, chọn cho được con đực trong ổ chó con tại nhà
một người bạn, đã được con tôi, không chút đắn đo, đặt tên là Bambi, như tên
một chú nai con thật dễ thương trong một truyện tranh. Bambi được cho con gái
tôi cho ăn cho uống, được tắm táp và ru ngủ bên cạnh mấy con búp bê trên
giường, được chia sẻ cả cái ly sữa đậu nành, hũ yaourt ít ỏi của cô chủ mỗi
sáng và nhân tiện, được bỏ qua cái tội đái bậy, ỉa bậy trong nhà. Cô chủ, tự
xưng vừa là mẹ vừa là chị của chú chó con, nhưng trên hết là ô dù bao che cho
chú làm bậy! Và tôi, phe đối lập thiểu số, không bao giờ thành công trong việc
tố giác hay đề nghị ‘cải tạo’ lại về những tội lỗi của kẻ có thế lực trong nhà.
Tôi chịu thua, mơ hồ cảm thấy ‘ông Tây lai bốn chân’ này sẽ là một thành viên
quan trọng, rất được vị nể trong căn hộ nhỏ như cái lỗ mũi này, không chừng còn
được vị nể hơn cả chủ hộ, là người có công rước ông Tây lai về nhà!
2.
Đáng nói nữa là chuyện vợ con tôi đã phản đối và lên án kịch liệt khi tôi lười
biếng, cứ gọi chú chó là con ‘Bi’ cộc lốc. Vợ tôi dạy rằng phải trân trọng gọi
nguyên văn đầy đủ cái tên là ‘Bambi’ cho nghiêm túc đàng hoàng, vì rằng
“Gọi như vậy nghe như chó ta, nghe không Tây, không sang chút nào, trong khi
con Bambi này thì như anh tả, con chó bố là chó ta nhưng chó mẹ lai chó
fox thì nhất định nó phải có lai fox chớ? Lai chút xíu cũng là lai, có máu lai
chó Tây rõ ràng. Chớ còn gì nữa? Bộ anh không thấy cái mặt của nó rất sáng sủa,
thông minh sao?”.
Trước lý luận đanh thép của vợ tôi – vể cả hai lãnh vực tính danh học và di
truyền học, tôi đành thối lui vào chút hiểu biết khiêm tốn của mình về loài
chó. Xưa nay, người mình phân biệt những con thuộc giống chó ta là tùy theo màu
bộ lông của chúng, như: chó cò (lông trắng), chó mực (lông
đen), chó phèn (lông vàng), chó đốm/ chó vện (lông
hai màu kiểu chen lẫn lốm đốm hay sọc vằn vện). Riêng khi chó ‘nội địa’ mà còn
sinh ra ở chốn ruộng đồng thì bà con mình gọi chung là chó cỏ cho gọn,
như kiểu gọi mấy chú heo ‘nội’ là heo cỏ, phân biệt hẳn với heo
‘ngoại’ thuộc các giống Durock, Yorshire, Bershire… chẳng hạn.
Chưa hết, khi cần đặt tên gọi ‘cúng cơm’ cho chó nhà mình để dễ sai bảo thì
bà con mình – nhất là ở thôn quê – cũng dựa theo màu bộ lông của chúng mà đặt
‘tới’ luôn, như con Vện, con Mực, con Phèn.v.v… Mà dù có được sống theo chủ là
ở giữa thành phố đi nữa thì bên cạnh những chú chó giống ‘ngoại’ ở hàng xóm,
được chủ của chúng âu yếm đặt cho toàn tên Mỹ tênTây nghe thật sang, thật đẹp,
như Honey, Happy, Tom, Blanchette, Nina, Misa..v.v… , thì những Con Vện, con
Phèn kia quả là những tên nhà quê, bần dân, thô lỗ…
Chỉ có điều an ủi chút đỉnh cho bọn chó nhà quê là một đại diện của chúng
lại may mắn (gọi là) được nhắc đến trong văn học dân gian. Đó là câu ca dao vừa
chế diễu vừa thương hại cho tình cảnh chàng trai nông dân bị thất tình:
Muốn người ta mà người ta không muốn,
Dắt con chó cò đi xuống đi lên.
3.
Có lần, Bambi bị lở da khá trầm trọng, ở nhà tôi đã ráng tự kiếm thuốc trị cho
chú cũng không lành nên đành cùng con gái ôm Bambi đến Trạm thú y thành phố.
Nhìn những con chó ngoại như giống fox, Bắc Kinh, bẹc-giê. .. đẹp mã, mập
mạnh, lông được chải gỡ, tỉa tót kỹ càng tại băng ghế ngồi chờ, mới thấy chú
Bambi của gia đình tôi chỉ là một con chó ta rẻ tiền, xấu xí, không biết có
xứng đáng được có mặt để chữa bịnh tại trạm thú y rất bề thế này hay không nữa.
Nhưng kìa, con gái tôi nãy giờ vẫn ôm ghịt lấy con-vật-rẻ-tiền, thủ thỉ an
ủi, động viên Bambi, bảo đảm rằng bác sĩ chích đít – con gái tôi rất sợ chuyện
này – không hề đau chút nào.
Gần đó, một cậu bé ngồi dưới đất cũng đang ôm choàng qua cổ một con chó mực
xấu chưa-từng-thấy. Nhưng con chó ta ốm đói, mắt đổ ghèn ấy chắc chắn là con
vật yêu của chủ nó, vì khi trò chuyện với con gái tôi, cậu bé luôn miệng khoe
con chó của mình là “Khôn hết biết!”, “Dám chắc không có con nào bằng!”…
Những thiên thần nhỏ mặc áo vá của tôi ơi! Chỉ đối với loại vật nuôi trong
nhà, chó mèo chẳng hạn, trái tim con nhà nghèo đã yêu thương mà không so đo,
chọn lựa, luôn luôn cho con vật yêu của mình là hạng nhất dù cho chúng chỉ
thuộc chủng loại hạng bét, rẻ tiền. Dù có hơi hoang tưởng nhưng các em
luôn luôn trung thành với tình yêu của mình. Dù có ai trưng ra những con chó
mắc-tiền, diêm dúa, lộng lẫy để so sánh thì những em bé nhà nghèo nói trên vẫn
không chao đảo đến phải thay đổi bảng xếp hạng của mình về các loài chó trên
thế gian này.
Và đáp lại lòng thương yêu của các em, những con chó ta, chó lác của chúng
ta cũng… dễ thương thật! Chúng không hề có tánh tham-phú-phụ-bần như một số con
người. Chỉ được nuôi bằng cơm thừa cá cặn nhưng chúng vẫn quẫy đuôi mừng chủ,
cúc cung canh giữ cái nhà rách nát của chủ.
Tôi còn nhớ vào cái thời 1972, bị động viên rồi vào Trung tâm huấn luyện
Quang Trung, khi đi học tác xạ, chiến thuật ở những bãi tập xa, nắng bụi khủng
khiếp, bọn khóa sinh chúng tôi đã luôn thấy một ông lão mù lang thang đi qua
các bãi tập để xin cơm của khóa sinh ăn trưa còn thừa. Cảm động nhất là một con
chó ta vừa già, vừa ốm yếu không khác gì chủ nó, lại lãnh nhiệm vụ dắt ông già
cùng kéo theo một thùng thiếc có gắn 4 bánh xe nhỏ bên dưới. Con chó cứ lặng lẽ
dắt chủ, kéo ‘xe’ đến chỗ có người ngồi ăn cơm rồi dừng lại, thè lưỡi ngồi chờ.
Trút cơm ăn còn dư từ gà-mên vào cái thùng thiếc xong thì tụi tôi lên tiếng báo
cho ông lão, con chó lại lặng lẽ dắt chủ, kéo ‘xe’ đi chỗ khác… Hỏi ông lão thì
được biết hằng ngày, cứ theo lệ gần đến trưa, con chó tự biết dắt ông từ nhà ra
đường thì đi đường nào và đến đúng những bãi nào có lính tập chứ không phải
những bãi vắng người.
Được hưởng cái gì mà con chó ốm đói của ông lão mù lòa kia cứ ngày ngày giúp
chủ đi xin cơm thừa cá cặn? Nếu cần có một hình ảnh tiêu biểu nhất cho tình
trạng cùng mạt, tuyệt vọng nhất của nhân loại thì tôi xin đưa ra ngay cái cảnh
tượng một người chủ khố rách áo ôm, nghèo sát đáy xã hội, sống đơn độc mà phải
cắn răng xua đuổi con chó ốm đói nhưng vô cùng trung hậu của mình. Đó là là
Ngày Tận Thế thu nhỏ nơi một con người cô đơn không còn tìm được một chút gì để
ăn, để sống cho chính mình, làm sao còn nuôi được nguời bạn bốn chân của
mình, dù chỉ bằng những thứ thiu thối, vất đi?
Lòng thương yêu mà trẻ em thường dành cho loài vật, nhất là đối với gia súc,
vốn là một tình cảm rất tốt đẹp, tinh khôi, là một điển hình dễ nhận thấy
cho vấn đề “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (nghĩa là cái tính khí căn bản, có
trước hết nơi con người thuở mới lọt lòng chính là cái tính hiền lành, lương
thiện) như Mạnh Tử đã chủ trương từ xa xưa. Cứ quan sát những bận rộn hồn nhiên
của con trẻ nhà nghèo. .. Cùng chơi trò bán đồ hàng với mấy bạn hàng xóm,
có bữa trò chơi của con gái tôi lại biến thành một đám ma của một con bướm, con
dế nào đó. Kẻ xấu số được liệm trong một cái hộp quẹt diêm hay một hộp giấy nhỏ
bé, phía trước “quan tài” là những cái nắp khoéng, dĩa nhựa đựng mấy chiếc lá,
viên cuội… làm đồ cúng vong. Có cả một bát nhang là hũ dầu cù-là đựng cát.
“Tang gia” mấy đứa ngồi trầm ngâm hoặc im lặng nhìn láo liêng xung quanh. Con
gái tôi thì thầm cầu nguyện theo một bài kinh Phật nào đó…
Làm đám ma, chôn cất một con vật nho nhỏ, xinh xắn không phải là chỉ là
chuyện trẻ con bắt chước việc tang ma của người lớn mà còn vì có yêu thương,
thân thiện với những con vật ấy. Ngược lại, bị ghét, bị tởm như con gián, con
chuột dơ bẩn, khi chúng chết ngay đơ thì bọn trẻ con rất ngại việc hốt dọn xác
của chúng, nói gì đến việc trịnh trọng liệm chúng vào hộp này hộp nọ.
Thương yêu gia súc cũng có cái lợi nhất định cho người nuôi. Nhớ thời sinh
viên, bọn trai trẻ chúng tôi thường kháo nhau rằng muốn thành công trong sự
nghiệp tán gái, cua đào, phải hội đủ ba điều kiện tiên quyết, tạm gọi là “ba
chữ Giê”, đó là: con nhà giàu – học giỏi – đẹp giai. Vậy mà có một tên
bạn, chỉ có “ba chữ Không”: không giàu – không học giỏi – không đẹp giai,
nghĩa là không có được một ưu thế nào để dằn túi, lại vẫn thành công trong tình
trường, vẫn có người yêu thướt tha, yêu kiều đi bên cạnh. Tìm hiểu mãi chúng
tôi mới khám phá ra là với một tình yêu chân thực, trong sáng làm tiền đề, anh
chàng “thiếu điều kiện” này đã lần hồi chiếm được cảm tình của gia đình, cha mẹ
cô gái khi tự giới thiệu được hai, ba đức tính không sáng chói gì cho lắm, như
là “kính nguời già”, “mến trẻ con” và “yêu súc vật” qua những việc làm ân cần,
sốt sắng, không quản ngại, tại nhà cô gái. Được người lớn “chấm” là mẫu con
trai thật thà, nhân hậu (mến cả thú vật thì sao lại không thương người?) và vui
tính, thường quan tâm giúp đỡ người khác, lần hồi chàng Quách Tĩnh “trâu
nước” đen đúa, chất phác đã chiếm được trái tim người mình yêu.
4.
Thời gian trôi qua… Con gái tôi đã tốt nghiệp đại học, con Bambi thì đã chết vì
già yếu và bệnh nặng trong rất nhiều nước mắt tiếc thương kéo dài của cả nhà.
Và rồi, không như ngày trước còn khó khăn, cô thiếu nữ nhà tôi được toàn quyền
chọn nuôi tiếp nối là một chú chó lông xù, rồi chú lại được cô chủ thường xuyên
bỗng trên tay như Bambi ngày trước. Trạm Thú y thành phố, vẫn nằm ở
đường Lý Chính Thắng quận 3, chỉ dời từ đầu đường vào giữa con đường mà thôi và
đây vẫn là nơi thiên hạ thường đem khoe những chú chó kiểng rất mắc tiền của
họ.
Cuộc sống có khấm khá hơn, dễ thở hơn nhưng không hiểu sao tôi vẫn nhớ mãi
Bambi ‘lai Fox chút xíu’ – hay con Bi ‘chó ta’ cũng đều tốt cả – mà định
mệnh đã xui khiến nó đến sống hết cuộc đời khá ngắn ngủi của nó tại một căn nhà
chật hẹp, đầy khó khăn và thiếu thốn, nhưng những người chủ nghèo của nó đã
thương quí nó biết bao!
Phạm Nga