Chú Bảy Khìa và cô Hai Hên là dân kỳ cựu của Xóm Chòi từ thời cất chòi lập
xóm. Hồi trào Tây, doi đất nhô ra bên Thủ Thiêm nhỏ như cái lỗ mũi, lèo tèo vài
chục căn chòi gọi là Xóm Chòi; hiền hòa vậy, yên ổn vậy, rốt cuộc lại mang một
số phận bi thảm. Đêm Tây đánh Việt Minh, Xóm Chòi bị thiêu rụi hoàn toàn, dân
lành già trẻ lớn nhỏ gì đều bị đạn ăn, lửa đốt chết sạch. Đêm hôm khuya khoắt,
Việt Minh bị Tây phục kích gần trại Thủy, tổn thất nặng nề, số chết, số bị
thương, bị bắt, số còn lại chạy thoát xuống Xóm Chòi đốt nhà, lùa dân làm bia
đỡ đạn, Tây rượt theo thấy bóng người chạy lúp xúp dưới bãi là nã đạn liên hồi
kỳ trận. Đêm ác nghiệt đó, gia đình chú Bảy Khìa và cô Hai Hên không có mặt ở
Xóm Chòi nên sống sót. Âu cũng là số trời.
Hai mươi năm sau, cũng số trời xui họ tình cờ gặp lại nhau. Cô Hai Hên lúc bấy
giờ đã là bà chủ bự của tiệm tạp hóa 2 Hương (bảng hiệu ghi rõ số 2) ở miệt Phú
Lâm, Bình Chánh. Tiệm khá lớn, bày bán đủ các đồ gia dụng kiêm thực phẩm rất
đông khách, có cả quầy bán cà phê, bánh ngọt rộng rãi, khang trang. Vào một
ngày cuối năm sắp Tết chú Bảy Khìa từ Ba Tri cỡi Honda lên Sài Gòn có chút
việc. Lúc ngang qua Phú Lâm, chú ghé vào tiệm tạp hóa 2 Hương mua gói thuốc lá
Cotab. Đang loay hoay móc bóp trả tiền, chợt nghe có người líu ríu: “Có phải
chú Bảy bên Thủ Thiêm hông dzậy?” làm chú giựt mình. Ngước lên thì trời đất ơi,
không phải là cô Hai Hên đó sao!? Hai mươi năm biền biệt tình cờ gặp lại nhau
cả hai đều bỡ ngỡ nhìn nhau, cảm xúc ngờ ngợ rồi ngỡ ngàng, mừng rỡ nhận ra
nhau.
– Bảy Khìa đây.
– Mèn đéc ơi? Hai Hên tròn xoe mắt, mừng quá quên cả ý tứ, vọt miệng nói:
– Chú Bảy còn sống hả, chú Bảy?
Biết mình lỡ lời, Hai Hên nói mau:
– Mà lâu nay chú Bảy ở đâu dzậy?
Bảy Thìa hệch hạc cười:
– Qua còn sống sờ sờ đây nè. Hồi nào giờ, qua vẫn mần ruộng ở Ba Tri…
Hai Hên nghiêng đầu, ngạc nhiên:
– Chú Bảy chưa nghỉ hưu sao? Mèn ơi, lâu dữ đa. Mà chú Bảy cũng hổng khác gì
mấy.
Bảy Khìa trạc tuổi sáu lăm, râu xám bạc, cười nói:
– Cô Hai cũng vậy, mới nhìn thoáng qua qua nhận ra ngay.
Hai Hên cười, đon đả mời:
– Dạ, mời chú Bảy qua đây uống cà phê, tui mời. À! Mà chú Bảy tới đây bằng
gì?
– Tui chạy xe Honda. Định bụng ghé vô đây mua gói thuốc, uống cà phê nên tôi
đã gởi xe rồi.
– Dạ. Dzậy mời chú Bảy qua đây nghen.
Chú Bảy Khìa theo Hai Hên qua gian quán cà phê, chọn bàn trong góc, cạnh
chậu hoa Quân tử lan đang trổ bông đỏ khé. Chú Bảy nói nhỏ:
– Gặp lại cô Hai qua ngạc nhiên quá chừng. Cứ tưởng hồi đó cô Hai… kẹt ở
bển.
– Dạ, tui cũng tưởng Xóm Chòi mình hổng còn ai. Ai dè dzừa thấy chú Bảy bước
dzô tiệm tui đã ngờ ngợ rồi. Hồi đó đọc nhật trình biết bà con chòm xóm mình bị
thảm nạn tui khóc hết nước mắt. Hai Hên vừa nói vừa nhanh nhẹn kéo ghế
mời:
– Chú Bảy ngồi đi. Chú uống cà phê hén?
– Ừa. Cho qua ly cà phê đen đá đi.
Chú Bảy Khìa ngồi xuống đặt gói thuốc lá Cotab trên bàn, mắt nhìn quanh thầm
khen Hai Hên có tay buôn bán. Xế trưa mà khách ra vào cửa tiệm khá đông. Riêng
gian hàng cà phê thu hút đủ mọi giới. Nhất là thanh niên tụm năm tụm ba, vừa
tán gẫu vừa cà phê, phì phèo thuốc lá. Khác với cuộc sống xô bồ, hỗn độn ngoài
kia, nắng xuyên qua cửa kính hắt vào trong quán phản ánh một thế giới bình yên
thu nhỏ. Chú Bảy châm thuốc hút một hơi dài. Khói thuốc làm không khí như
phả hơi sương bềnh bồng. Hai Hên gọi:
– Út Xưa. Ra chào bác Bảy đi con. Bác Bảy là bà con chòm xóm dzới má năm xưa
bên Thủ Thiêm đó. Bác tốt bụng lắm.
Út Xưa thối tiền cà phê cho khách xong chạy tới, thưa:
– Dạ, con chào bác Bảy.
Nhìn cô gái trẻ trung, tươi tắn trong chiếc áo màu hoàng kim, lễ phép đứng
khoanh tay cúi đầu, chú Bảy buột miêng khen:
– A, con giỏi quá! Bác Bảy chào con.
Hai Hên cười thich thú:
– Con gái tui đó, chú Bảy. Sắp Tết bãi trường nó được nghỉ học ở nhà phụ tui
coi sóc cửa tiệm.
Đoạn Hai Hên nhìn con:
– Cho má hai ly đen đá đặc biệt nghen con.
– Dạ, con biết rồi, có liền. Má Hai, bác Bảy chờ chút.
Chờ Út Xưa khuất sau bếp, chú Bảy Khìa nói nhỏ:
– Cô Hai thiệt khéo dạy con.
– Cháu nó ngoan lại sáng dạ lắm, chú Bảy.
– Mừng cô Hai rộng bề gia thất, chồng con đề huề nghen.
Hai Hên chưa kịp đính chánh, chú Bảy Khìa hỏi luôn:
– Ủa? Anh nhà đâu, cô Hai?
Lúc đó Hai Hên mới nói:
– Đâu mà có, chú Bảy! Cô giẫy nảy – Tui dzầy, ai thèm lấy. Lủi thủi mình ên
riết tui mới tới viện mồ côi xin con Xưa dìa nuôi để mẹ con hủ hỉ qua ngày dzậy
mà.
– Thì ra vậy? Qua tưởng…
Sinh sống ở Xóm Chòi lâu năm, chú Bảy Khìa biết rõ tình cảnh Hai Hên. Ngay
từ thời lưu dân tứ xứ giạt qua bán đảo Thủ Thiêm lập nghiệp, Hai Hên đã có mặt.
Chọn doi đất hoang mọc đầy cỏ lát nhô ra bên bờ sông mọi người hè nhau ra sức
khẩn hoang. Không bao lâu, dẫy nhà chòi mái tranh, vách đất lần lượt dựng lên
thành nơi trú ngụ của đám dân nghèo. Vì chỉ có vài chục mái chòi nên mới có tên
Xóm Chòi. Nơi ăn chốn ở an vị đâu vào đó rồi vợ chồng chú Bảy Khìa mới biết Hai
Hên ở kế bên. Sống côi cút một mình, hiền lành, vui tánh, giỏi buôn bán,
Hai Hên sớm được bà con chòm xóm cảm thương.
Cà phê được một cô hầu bàn mang tới đựng trong mâm bằng bạc, trong mâm có
hai cái bánh ngọt gói giấy bóng kiếng và hai ly cà phê. Nhìn cà phê phin nhỏ
giọt trong ly, chú Bảy Khìa nghiêng đầu nói nhỏ:
– Qua mừng cô Hai mần ăn phát đạt nghen.
– Dạ, cám ơn chú Bảy. Nhờ trời ngó xuống giúp cho.
– Hồi bên Thủ Thiêm, cô Hai đã khéo buôn bán rồi.
Hai Hên dạ nhỏ rồi nói cà phê nhập cảng từ Pháp đó chú Bảy. Café Du… gì?
– Café Du Monde.
– Dạ, café… Mời chú.
Hớp một ngụm cà phê, chú Bảy gật đầu khen ngon rồi tủm tỉm cười, nhắc:
– Không biết hồi xưa cô Hai có để ý dân mình uống cà phê bằng dĩa không?
– Dạ có, chú Bảy. Hồi đó thấy mấy bác xích lô, nhất là mấy anh công nhân
hãng đóng tàu Caric của Pháp gần bờ sông Sài Gòn xì xụp uống cà phê bằng dĩa,
tui tưởng mấy ổng húp cái gì. Chừng tới gần mới biết. Ngộ quá chừng hà.
Chợt Hai Hên cắn môi, ánh mắt trở nên mơ hồ, cô nói:
– Gặp lại chú Bảy tui lại nhớ Xóm Chòi mình quá ể, chú Bảy.
– Qua có thua gì cô Hai đâu nà. Ở Ba Tri mà mắt qua cứ ngó chừng về Xóm Chòi
hoài.
– Dzậy… chớ chú Bảy có trở dìa bển thăm xóm mình lần nào hông?
Chú Bảy Khìa nhấp một chút cà phê xong thở dài:
– Nói tình ngay. Hễ nghĩ tới bà con Xóm Chòi chết oan uổng qua muốn qua mà
qua cứ lấn cấn hoài. Xót dạ lắm, cô Hai.
– Dạ, tui hiểu. Dẫu sao thì Xóm Chòi mình đã bị xóa sạch sành sanh rồi.
– Thiệt tình, qua tiếc đứt ruột.
– Chú Bảy biết hông. Doi đất xóm mình hồi đó giờ nhà nước đổ đất lấn ra rộng
lắm. Thứ gì cũng đổi mới hết trơn. Tui có qua bển hai lần mà lần nào tìm cũng
hổng ra xóm cũ, đã dzậy còn đi lạc ngay trên đất cũ của mình.
Hai Hên nuốt nước miếng, tiếp:
– Tui lớ ngớ hỏi thăm người này người nọ ai cũng ngơ ngác lắc đầu. Có người
khó tính, cự “Xóm Chòi? Tên gì lạ wắc!”. Mà thiệt, chú Bảy. Toàn là người lạ
quắc lạ quơ à. Tui rầu bắt thúi ruột.
– Bà con mình còn ai đâu mà hổng lạ, cô Hai. Hai mươi năm rồi còn gì.
Hai Hên dạ nhỏ rồi như chợt nhớ ra chuyện gì cô ngồi thẳng người lên, buột
miệng:
– Í mèn đéc ơi! Nói chiện nảy giờ quên hỏi chú Bảy đi đâu mà lạc tới đây
dzậy, chú Bảy?
Chú Bảy Khìa cười nói:
– Qua lên Sài Gòn mua chút quà về biếu bà con ăn Tết.
– Chú Bảy lúc nào cũng tốt bụng. Ngày tháng thoi đưa, mới Tết đó lại Tết nữa
rồi.
Hai Hên khuấy nước đá trong ly cà phê, nói:
– Thử cái bánh này đi chú Bảy. Bánh bông lan nhưn kem Hòa Lan tiệm làm đó.
Chú Bảy Khìa ngạc nhiên, nhướng mắt khen Hai Hên rồi chợt hỏi:
– À! Cô còn nhớ ông Tư Đò không, cô Hai?
Nhắc tới ông Tư Đò mắt Hai Hên chợt sáng lên:
– Sao hổng nhớ, chú Bảy. Làm sao quên cho đặng??? …
– Tôi nghiệp. Hồi đó chắc ổng chết mất xác…
Hai Hên cúi xuống, giọng nhỏ lại:
– Dạ, tui cũng nghĩ dzậy. Ông Tư ổng…
– Mà đêm đó Tây đánh Việt Minh, càn xuống Xóm Chòi, cô Hai ở đâu?
– Dạ, trưa đó tui qua chợ Vườn Chuối bổ hàng trễ nên phải nán lại chờ. Còn
chú Bảy?
– À, vợ chồng qua thì trước đó một ngày đưa sắp nhỏ về Ba Tri thăm ông bà.
Đúng là ý trời.
Hai Hên buồn rầu thở dài:
– Dạ, sống chết có số mà chú Bảy. Chiện mới đó chớp mắt một cái đã trôi qua
cái rột.
– Ừa. Hai mươi năm rồi! Lẹ thiệt. Rồi sau đó cô Hai có trở qua Thủ Thiêm coi
Xóm Chòi mình ra sao hông?
– Dạ có…
– Sao ? Tình hình lúc đó ra sao?
– Dạ hông… Tây họ có cho ai léng phéng xuống Xóm Chòi đâu, chú Bảy.
– Ừa, qua cũng vậy, cũng sốt ruột mò qua ai dè bị nhà nước cấm.
– Tui đọc tin trên báo thấy tội nghiệp cho bà con chòm xóm mình…
– Ừa. Qua cũng có đọc.
Hai Hên lóng ngóng hỏi:
– Hổng biết Tây hay Việt Minh đốt xóm mình ác đạn dzậy, chú Bảy?
– Qua cũng như cô có biết ai đâu nà. Đã vậy còn giết người không chừa một
móng.
– Dạ, còn… chú Bảy với tui.
– Thì qua nói là nói vậy thôi. Cái quân gì thiệt bất nhơn.
– Tội nghiệp, già trẻ gì cũng hổng tha. Mà tui thương ông Tư Đò lắm, chú
Bảy.
– Coi cà. Dân Xóm Chòi ai mà không thương ông Tư Đò. Tánh tình ổng hề hà
hệch hạc, hay giúp đỡ bà con mình.
– Dạ. Tui nhớ hoài. Mỗi lần tui cần xuống trại Thủy, đò rảnh, ổng đều chở
tui đi. Sóng yên bể lặng hổng nói làm gì, nhằm ngày trái gió trở trời ổng cũng
hổng nề hà gi hết trơn.
– Đâu riêng gì cô, ai ổng cũng giúp đỡ mà. Bởi vậy bà con mình ai cũng
thương.
Chợt chú Bảy Khìa ngồi thẳng lưng, hỏi:
– Á, cô Hai còn nhớ thằng Tỷ, thằng con lớn của qua bị con rắn chàm quạp cắn
không?
– Dạ nhớ chớ, chú Bảy. Bữa đó thấy cậu Tỷ mặt mày tái mét, nằm xụi đơ làm
tui hết hồn.
– Ừa. Lần đó thằng Tỷ không nhờ ông Tư Đò cứu chắc nó toi mạng rồi.
– Phước ba đời. Ngoài nghề đưa đò, ông Tư Đò còn giỏi dzề thuốc Nam mờ.
– Ừa. Chữa bịnh cho ai cũng miễn phí.
– Dạ, bởi dzậy bà con mình còn gọi ổng là “ông Tư điệu nghệ”, chú Bảy còn
nhớ hông?
– Nhớ chớ. Hầu như ai cũng có chút ơn với ổng.
Chợt Hai Hên hỏi:
– Tui quên hỏi cậu Tỷ giờ ra sao? Chắc lớn bộn. Vợ con gì chưa,
chú Bảy?
Chú Bảy dựa vào lưng ghế nhìn Hai Hên một thoáng rồi nói nhỏ như một tiếng
thở dài:
– Nói thiệt cô Hai thương. Nó chết lâu rồi.
Hai Hên chưng hửng, khẽ kêu lên:
– Í mèn đéc ơi! Tôi nghiệp hông. Mà sao…
– Nó chết trận, cô Hai à. Sau biến cố Xóm Chòi, gia đình qua ở luôn dưới quê
mần ruộng mần rẫy sống qua ngày. Ngừng một lát, ông tiếp giọng đều đều của một
người cha đau khổ:
– Ngày tháng thoi đưa, thằng Tỷ tới tuổi quân dịch, đi lính đâu tuốt ngoài
Trung, chưa đầy một tháng đã tử trận…
Nắng trưa xuyên qua cửa sổ hắt lên mặt bàn làm thành một thứ ánh sáng buồn
thảm. Hai Hên thở dài rồi ngập ngừng nói:
– Tội nghiệp quá. Dạ… còn cô Tơ?
Bảy Khìa lại nhìn Hai Hên, tia mắt nói lên tất cả nỗi buồn ly biệt.
– Vợ chồng qua giờ chỉ còn biết nương tựa vào nhau mà ráng sống thôi, cô Hai
à.
Hai Hên bối rối, chớp mắt hỏi:
– Dzậy… là sao, chú Bảy? Cô Tơ…?
– Con Tơ, em thằng Tỷ, cũng mất trên mười năm nay rồi, cô Hai ơi
Hai Hên không cầm được sự xúc động, thảng thốt:
– Trời đất quỷ thần ơi!
– Nó chết thế mạng anh nó, cô Hai tin không? Qua còn không tin nữa là…
– Nghĩa là…?
Chú Bảy Thìa nhìn vào khoảng không:
– Nó bị rắn cắn chết ở ngoài đồng.
– Trời đất! Lại rắn? Mà con rắn gì, chú Bảy?
– Con chàm quạp…
Nước mắt và tiếng than khóc thê lương của vợ chồng chú Bảy Thìa về cái chết
liên tiếp của hai người con đã khiến cho dân làng Bảo Trị chìm trong u uẩn một
thời gian dài.
oOo
Đoạn kết
“Biến cố 30 tháng 4, 1975, nữ thương gia Hai Hên bị bắt đi tù “cải tạo”
vì tội “tư sản mại bản”. Tất cả cơ ngơi sản nghiệp một tay bà dầy công gây
dựng, từ siêu thị 2 Hương cho tới dẫy nhà hai bên quốc lộ 1 ở Phú Lâm, Bình
Chánh đều bị Việt Công tịch thu. Hai năm sau, vì tuổi già sức yếu bà Hai Hên
lâm trọng bệnh được thả về một tuần thì mất”.
Tin trên do bà Út Xưa, con nuôi của nữ thương gia Hai Hên email cho tôi
biết. Trần Thị Út Xưa là “friend” của tôi trên Facebook đã nhiều năm. Cưối năm
1977, bà và chồng con vượt biên tới trại Laem Sing, Thái Lan, sau đó định cư
tại tiểu bang New Mexico, Hoa Kỳ năm 1978 cho đến nay. Bà Út Xưa thường đọc
truyện ngắn của tôi trên Facebook hay kể lể ba mớ chuyện đời thường, bà tỏ ý
thích nên tháng vừa rồi bà nhờ tôi “hiệu đính” giùm cốt truyện “Con Chàm Quạp”
kể trên.
Dựa vào tâm tình của Út Xưa, dù không ghi rõ ngày tháng, nhưng bà cho biết
chuyện bà kể đã xẩy ra cách đây ngót năm mươi năm. Trong email bà Út Xưa rất
vắn tắt, không thấy đề cập tới ông Bảy Khìa nên tôi không tiện hỏi.
Đọc xong cốt truyện “Con Chàm Quạp”, tôi không có “hiệu đính” như ý tác giả
muốn, ngoài việc sửa một số lỗi chính tả, cũng như sắp xếp lại câu cú cho suôn
sẻ vậy thôi. Sau khi đọc lại xong bà Út Xưa nhờ tôi giới thiệu đến quí bạn đọc
câu truyện “Con Chàm Quạp” của bà trên Facebook này.
Dưới đây là phụ chú của tôi, nếu có gì sai sót nhờ vạn hữu chỉnh sửa cho.
1. Rắn chàm quạp: Cuối năm 1975, tôi và các bạn tù “cải tạo” ở Củng Sơn,
tỉnh Phú Yên đi lao động chặt cây, đốn tre, cắt tranh về dựng thêm lán trại để
đón đợt tù mới sắp vô. Xế trưa, toán chúng tôi đang hì hục hạ cây rừng thì có
người không may bị rắn cắn. Giữa rừng giữa rú thuốc men đâu mà kịp thời cứu
chữa, xe cấp cứu đâu mà tải thương, chúng tôi đành lấy dây rừng buộc chặt đùi
nạn nhân, nặn máu ra ngăn không cho nọc độc lan vào tim. Nhưng số người bạn tù
đã tận, ít phút sau mắt anh trợn ngược, miệng sùi bọt mép, toàn thân co giựt
rồi lịm dần. Thủ phạm là con rắn chàm quạp. Đặc tính của loài rắn này khi cắn
người, thay vì bỏ chạy, nó lại nằm im tại chỗ, đã bị chúng tôi đập chết ngay.
Rắn chàm quạp tương cận với loài rắn lục, là một loại rắn cực độc, hiếm thấy
ở Việt Nam. Vì có màu lá khô nên rắn chàm quạp còn gọi là rắn lục lá khô. Rắn
dài khoảng một sãi tay, to bằng cườm tay, trên đầu và dọc theo sóng lưng có
nhiểu hoa văn hình tam giác màu đỏ tía hoặc nâu bầm.
2. Thủ Thiêm: Hơn trăm năm trước, bán đảo Thủ Thiêm là một vùng đất trũng,
quanh năm ngập nước phèn, cỏ lác, cỏ năng mọc khắp nơi, ngày nay đã thay da đổi
thịt trở thành một đô thị hiện đại. Những tiếng chèo quẩy chụp, tiếng phà rì
rầm ngày đêm chở khách qua lại từ bến phà Sài Gòn – Thủ Thiêm đã tan biến theo
thời gian. Thay vào đó là những tiếng ồn ào của các động cơ xe hơi, xe gắn máy
phom phom chạy qua cầu, băng qua hầm vượt sông nối liền quận nhứt Sài Gòn với
Thủ Thiêm. Đặc biệt, mới đây nhà nước Cộng sản đang đẩy mạnh dự án xây dựng
“nhà hát giao hưởng” ở Thủ Thiêm với giá ngàn tỷ.
Ở Âu châu, quê hương của âm nhạc cổ điển có nhiều Hí viện Hòa Nhạc (concerto
hall, symphony hall) không những là niềm tự hào dân tộc mà còn được xem là biểu
tượng của quốc gia. Các nước trên thế giới như Úc, Singapore, ngay cả nước Việt
Nam dưới thời Pháp thuộc, người Pháp cũng đã xây dựng Hí viện Opera Saigon và
Tòa Nhà Hòa Nhạc Phillarmonie, những công trình văn hóa nhạc thuật nhằm cung
ứng nhu cầu cho giới thưởng ngoạn.
Tuy nhiên, có nhiều biểu tượng làm thay đổi một quốc gia. đưa quốc gia đó
vượt lên mọi vẻ đẹp và làm giàu cho đất nước. Ngược lại cũng có những biểu
tượng có khả năng làm sụp đổ một quốc gia.
Riêng đất nước Việt Nam, thử hỏi có bao nhiêu người quan tâm đến nhạc hòa
tấu cổ điển? Có bao nhiêu người thích đi nghe loại nhạc này, ngoài một số rất
nhỏ trong giới thưởng ngoạn?
Thiết nghĩ cho đến thế kỷ 21 này, đại đa số quần chúng, nhất là giới trẻ đã
không có môi trường tốt để nâng cao trí tuệ chủng tộc, vun bồi giá trị đạo đức
hầu bồi đắp ý niệm, hội đủ kiến thức về cái hay cái đẹp của nhạc hòa tấu cổ
điển cao sang, quí phái này.
Tâm hồn yêu nhạc của quần chúng Việt Nam xưa nay vẫn quanh đi quẩn lại bên
những câu hò, câu hát dân ca mộc mạc, giản dị, hay những bài vọng cổ xàng xê
quen thuộc, hoặc gần đây loại nhạc mùi, nhạc sến, bolero, là những món ăn tinh
thần của dân chúng sau một ngày mệt nhọc bởi kế sinh nhai.
Ca dao Việt Nam là kho tàng văn học nghệ thuật vô giá hàm chứa những hình
ảnh hiền hòa mộc mạc đã thấm nhuần vào văn hóa và đời sống của người Việt từ
bao đời. Nhưng bất hạnh thay, có những câu ca dao vì thời thế, vì bạo lực làm
cho mất đi ý nghĩa thâm thúy mà cha ông đã từng để lại.
Thủ Thiêm ngày trước với hình ảnh chứa chan mỹ học của những cô gái Thủ
Thiêm mượt mà, uyển chuyển chèo những con đò đi sâu vào câu ca dao bất hủ: “Bắp
non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”, ngày nay đã không còn nữa, đã bị
bạo lực dìm sâu trong sóng nước Thủ Thiêm.
Phan Ni Tấn