25 December 2018

MÙA HOA TUYẾT - Hồ Đình Nghiêm


Sương đứng bên cửa cúi đầu nhìn xuống. Nước mưa làm con đường đen bóng như trãi một đoạn vải sa tanh. Và cũng chính mưa, nó làm cho cái đoạn vải ấy trơn tru, chẳng có gì thêu dệt trên bề mặt. Không một bóng người đi qua. Lâu lắm mới có chiếc xe vụt ngang, lung linh một vệt màu vàng đỏ thấm ướt, rồi rũ sạch nó chóng vánh chảy xuôi về cuối tầm mắt. Sương kéo tấm màn cửa lại. Tấm màn vải dầy nặng, cũng màu đen, nhưng là cái đen đúa của khô mốc.
– Màn của chị may hay của chủ nhà?

– Mình không may mà đi lựa mua. Khi dọn đến ở chỉ nhìn ra một sự trống rốc. Lạnh lùng và chẳng có gì đáng lưu giữ.
– Chị cũng khác thường.

– Ngạc nhiên về điều gì hả?
– Chị không thích màu hồng màu xanh sao?
Sương mĩm cười, nhớ lại lần ấy nàng đâm hà tiện từng lời nói. Có nỗi chán chường kỳ lạ hiện tới. Bỗng làm thinh để hết nhìn đứa con xong tới nhìn bà mẹ trẻ đẹp. Đứa con nằm trong chiếc xe đẩy, mắt nhắm nghiền vô tư hồn nhiên ở giấc ngủ. Mẹ nó thì lanh mắt nhìn thấy một cái ảnh nhỏ đã ố vàng dựng đứng trên bàn ngủ. Khuôn mặt người đàn ông đóng khung ở trong.
– Ai vậy chị?
Sương lạnh lùng:
– Một người quen. Đã lâu. Và một người…có thể đã chết.
Nàng đi tới lật úp tấm ảnh lại, nghe có tiếng xin lỗi thoảng nhẹ qua tai.
Bây giờ thì chính Sương đang mọc chút ngờ vực. Cái chuông cửa phía dưới lầu có bị hư không? Tiếng chuông đã chẳng vang lên đúng giờ như có hẹn trước. Em và Bồ Câu sẽ đến làm phiền chị lúc tám giờ…
Tám giờ rưởi, Sương mở tivi cho trong nhà ồn ào đôi chút. Tôi ghét chờ đợi. Sương nói một mình khi màn ảnh chưa hiện hình lên. Nàng thở dài, có lẽ mình đang dần dà làm quen với nỗi khó chịu ấy. Như đã làm quen với những bước chân vô hình của ai đó đi rón rén lên sân nhà. Mới đầu thấy sợ hãi, nằm co ro trong bóng tối tưởng tượng ra chuyện chẳng lành và ao ước đủ điều, kể cả việc ước chi có một tên đàn ông nằm bên cạnh mỗi đêm. Tự làm khổ một thời gian rồi sau phải bạo gan chịu đựng được, đánh đổi bằng sự mất ngủ với đèn đuốc chong sáng năm canh. Giờ đây, những thanh gỗ dài lót nền bóng màu vẹc ni không còn nghe ra tiếng vặn mình giãn nở.
Một đoạn phim ở đài số 3 đang lấn át hết mọi chuyện.
– Em không thể bỏ đi được. Anh hiểu không ? 
– Những chướng ngại sẽ không còn quấy rầy chúng ta khi tụi mình đến một thành phố khác. Tình yêu là một con đường mà cả hai cùng nhìn về cùng cất bước. 
– Anh đừng giải thích kiểu đó có được không. Bỏ đi là đồng nghĩa với trốn chạy. Và em đã bỏ chạy nhiều lần rồi. Hừ, tình yêu…Lý ra nó phải thả neo, phải dùng hấp khẩu để bám chặc lấy cái vùng đất mà nó được nẩy mầm.
Người đàn bà quay mặt đi đưa tấm lưng lại. Cổ áo phía sau khoét sâu xuống một hình chữ V. Một chữ V sắc sảo của người thợ may khéo tay và một vùng thịt trắng dâng đầy gợi cảm của bà Đầm thủ vai chính, tuổi không quá ba mươi. Gã đàn ông tay ôm lấy đầu, làm như động não quá nên choáng váng. Ống kính thu lấy hình ảnh một ngọn nến đặt trên bàn ăn. Phóng lớn cái đóm lửa đang nhảy múa để rồi cho nhoè đi từ từ.
Màn ảnh truyền hình chuyển qua đoạn quảng cáo một loại băng vệ sinh hiệu Always có nhạc cổ điển đệm theo…
– Em bị trễ kinh hơn mười ngày nay rồi…Làm sao hả chị?
Những giọt nước mắt chảy vội. Nó vô duyên như lời tâm sự đầy lo âu kia. Mình có khó tính không? Sương nghĩ thầm. Người ta đang cần một ý kiến sáng suốt để lắng nghe. Sương ngồi ngó đầu tóc rối mãi cuối xuống. Ngó bờ vai tròn lẳng luôn rung động. Chẳng biết nói gì? Sương khó chịu vì hiểu mình là đứa ăn nói vụng về. Hai bàn tay bức rức mãi cũng không xong, Sương dùng nó để xoa nhẹ lưng đứa con gái vừa vượt biên sang thế giới đàn bà. Tấm lưng mềm mại có trong xúc giác và bờ thịt êm mát đó cứ xuôi đổ không bắt gặp một chướng ngại nào. Sương nghĩ thầm: Chẳng mặc nịt vú.  Hấp dẫn thiệt. Cô chảy nước mắt để trả nợ cho sự hấp dẫn đó, phải  không ? Người ta khóc vì đau khổ, cũng có thể vì hạnh phúc. Sương thèm được khóc một đôi khi. Nhưng sợ không có ai dỗ dành…Mình cô đơn. Mình sẽ tới cuối lằn mức lãnh cảm.
– Em sợ quá, sợ đủ điều. Sợ luôn cả sự sống.
– Nói tới đâu rồi ? Đừng có tầm bậy.
– Em mất ngủ mấy hôm nay. Nằm thao thức nhìn chai thuốc ngủ suốt đêm như bị thôi miên. Mỗi bận đi tiểu thấy nó ở đuôi mắt, cứ ưa nhào tới ngữa  cổ mà tợp hết một hơi cho nhẹ người.
– Đừng có nghĩ quẩn. Đánh đổi mạng sống để sang tới đây, cái giá nó đắt đỏ ra sao thì dân tỵ nạn mình ai cũng biết rồi. Đừng có hành hạ tấm thân mình một lần nữa. Chết trong trường hợp như vậy nghĩ cũng tiếc uổng quá!
– Em khờ dại quá! Em cả tin quá! Mà cũng may em còn có chị ở đây…Chị nhớ không? Gặp nhau ở trại tỵ nạn. Làm một chỗ ở xưởng sản xuất máy sấy tóc nơi Kow-Loon. Đi khám sức khỏe bên Hồng Kông bằng xà lan và sau này thì chị em mình dành chỗ ngồi gần nhau trên chuyến bay vượt ngàn trùng sang đây. Đã có cái duyên gì đó chứ không đùa đâu.
Sương mệt mỏi khi nghe kể lại một chặng đời đầy sóng gió. Sương ghét  sự kể lể. Tại sao trong lúc nẫu ruột này cô ấy nhớ làm chi những cái cần phải quên đi. Nhớ vanh vách từng chi tiết nhỏ nhặt.
– Em khó mà quên được hình ảnh mỗi tối hai đứa ngồi giữa sân cát ngữa mặt ra coi phim chưởng. Em mua sữa đậu nành, vừa đi vừa thắc mắc tại sao chị không thích được mối tình của Dương Quá và Tiểu Long Nữ…
Sương dấu tiếng thở dài. Đã thực sự chấm câu chưa? Sao cô không kể tiếp, chính cô đã dạy cho tôi những bài học vỡ lòng ở cái chốn lạ lẫm đó.
Lí tù xẻn ùm xẻn dành? Ở đây có nhận người làm không?
Dách dật xám xập mánh dậu phàn. Một ngày ba mươi đồng có cơm ăn trưa.
Kẻ tố xịn? Bao nhiêu đồng? Tố chề. Cám ơn. Ô niu là đi đái. Phành cào đi ngủ. Mà tiểu lị là …là…Fuck you. Sương chửi trong đầu.
Nếu đặt trường hợp ngược lại, Sương sẽ hà tiện lời nói hơn. Em ơi, tụi mình coi như đã có khi ngồi chung trên một chiếc thuyền. Giờ thì thuyền chị bị hải tặc làm chìm, em quẳng cho chị một sợi dây họa may chị bò được lên bờ run rẩy nghe ngóng.  Tụi mình như sống vào đời Minh đời Thanh bên Tàu. Hấy ùm hầy à? Có phải không? Có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu.
Sau đó buồn tình Sương hứa giúp những gì hữu hạn nằm trong đôi bàn tay không có móng nhọn của mình. Nghĩa là đừng có bắt nàng đi gặp tên đàn ông trở mặt kia mà lô cồ thịnh nộ rống lên câu cải lương, lá phải rụng về cội nếu không thì chẳng Lan thì Điệp thế nào cũng có người đồi thông một mộ. Sương giúp mặt tinh thần, giúp luôn cái thể xác đang rãnh rỗi của nàng. Có gì thì mình trông giữ cháu, phụ cho một tay đỡ đần.
Sau đó thì Bồ Câu ra đời, đẻ bọc điều.
Sương giữ tròn lời hứa. Đứa nhỏ cũng dễ thương. Chưa chi mà thần sắc như có tiềm ẩn chút hoang đàng chút bướng bỉnh. Nghĩ cũng lạ. Chỉ là một lời hứa nói trong miễn cưởng. Thi hành nó với cả sự bực mình ban đầu. Khóc lóc dỗ dành hết mẹ tới con. Bị phân chia và tước đoạt những thì giờ nhàn hạ vốn eo hẹp…nhiều thứ xáo trộn, vậy mà lần hồi cũng nảy sinh được thứ tình cảm bất ngờ, tới rón rén khi nào chẳng hay.
Đôi khi đi làm về, mở cửa vào nhà vắng lặng, Sương nhớ tiếng cười trong vắt của Bồ Câu, nhớ mùi da thịt mịn màng đẫm ngọt mùi sữa của đứa bé. Đôi môi mọng đỏ luôn trơn ướt. Hôn vào đó thơm một hơi thở tinh khiết và Sương đón nhận một xúc cảm khó giải thích.
Có đêm, mẹ Bồ Cậu bận việc gì thật đột ngột, như gió cuốn, chạy băng băng lên những bậc cấp vang dội nhịp giày cao gót rầm rộ trong khu chung cư ngủ sớm mọi tiếng động. Cô đưa trước tiền công giữ Bồ Câu ở tuần sau, trao đứa bé vào tay Sương  với dồn dập một mùi nước hoa thơm ngát. Môi son loáng ướt màu hồng hôn nhẹ một bên má: Ngoan nhé, mẹ về liền. Rồi tất bật như khi đến, cô biến mau bằng cách gieo lại những âm thanh thật bất thường, thật bất an.
Sương ôm Bồ Câu vào giường  giỗ lại giấc ngủ cho nó. Những con số biến đổi thật mau trên mặt đồng hồ. Đứa nhỏ nằm mở mắt trong bóng tối. Mẹ con xạo quá há. Giờ này mà cũng chưa chịu về. Sương nhìn ra chút tội nghiệp phủ chụp quanh người Bồ Câu. Nàng quàng tay vỗ về, xua đuổi nỗi cô đơn vừa tới nằm kề bên người mỗi đứa. Sương kể chuyện cổ tích có cô công chúa ngủ trong rừng. Như thầm nói cho nàng nghe, giỗ dùm nàng giấc ngủ khó. Tuổi của Bồ Câu chưa cần phải dùng tới phương pháp đó. Một chuyện tình lâm ly bi đát hơn tưởng cũng không có ma lực hấp dẫn gì để lọt vô đôi tai mới xuất hiện chín mười tháng trên cõi đời chật chội những tiếng động. Rồi con sẽ lớn. Cô không tin tưởng mấy vào mẹ con. Vết thương chưa liền da đã vội chạy đi nắm một con dao khác.
Con là đàn ông phải cứng rắn. Luôn suy nghĩ trước khi bắt tay vào một việc làm, dẫu công chuyện ấy không làm phương hại tới ai. Phải có trách nhiệm và biết phục thiện… Sương ngáp đến chảy nước mắt. Chừng đó đủ để gây cho người đàn bà nỗi hạnh phúc lớn lao.
Khi mẹ Bồ Câu đến đón, hương hoa trên người đã nhạt phai. Đứa bé ngủ say trong vòng tay ôm giá lạnh trời đêm của mẹ nó. Sương cười buồn. Không hiểu sao tối nay mình khô hơi rát cổ với nó dữ.
Thái độ cô ấy bỗng dưng trông ngượng ngập, có vẻ mất đi nhiều tự nhiên. Lúng túng và hiểu lầm câu nói của Sương. Đừng có chướng nghe, lần sau mẹ cho ăn đòn đấy… Cô quay lưng. Những bước chân nghe được sự rã rời, nhẹ và không đều tiếng vang. Sương biết sẽ có ngày, chân đi lóc cóc của cô ấy sẽ bước mỗi lúc một xa, xa hẳn nàng.
– Em xin lỗi chị. Hồi hôm thằng Bồ Câu bị sốt nên em không dám mang tới quấy rầy chị. Nó chướng và khóc suốt đêm.
– Mình cũng đoán thế. Sao không điện thoại báo cho mình biết một lời?
– Em không hở tay được với nó. Thật khổ! Con nít như một cái hàn thử biểu, rất nhạy và dễ đau ốm.
– Mưa gió thất thường. Tuyết đã rơi lác đác. Người lớn như tụi mình cũng phải đổ bệnh thôi !
Trong ống nghe, có tiếng gió chạy đi u u. Không, chẳng phải vậy. Tấm màn đen đang vén lên và Sương thấy được ngoài trời lồng lộng những ngã đường xoáy gió. Sự yên lặng chìm sâu có giữa khoảng cách hai nơi của một đường giây điện thoại đang nối kết. Cô ấy như bận việc gì ở bên kia? Tiếng thì thầm rất nhỏ, hình như vậy. Bàn tay ai đó đang dùng muổng để khuấy những vòng tròn lanh canh trong  ly thủy tinh.
– Bồ Câu còn thức hay sao?
– Đâu có. Nó mới ngủ…chị Sương.
– Hả ? …có ẳm nó đi bác sĩ không?
– Chị biết không, hồi trưa em gặp lại ba của thằng Bồ Câu. Thằng chả giả lờ, từ chợ Việt cắm cúi đi một lèo ra xe hơi.
Sương nhìn những hạt tuyết nhỏ bay loạn xạ bên ngọn đèn đường. Tuyết sẽ trắng nếu đừng lọt vô vùng sáng bệnh hoạn ấy. Cái màu gì mà vàng xỉn, không thấy ấm thêm chút nào, chỉ khiến Sương nhận ra một nỗi buồn lan man. Sắp thêm một tuổi nữa rồi. Thấy hoa mai hoa đào thì may ra, bông tuyết vốn là biểu tượng của sự đe dọa, của tàn úa.
– Trên xe có chở một con tóc vàng. Mắt xanh ngó chăm em, miệng nhai kẹo cao su mà tưởng như đang chửi mình đồ ngu. Thiệt ứa gan.
– Đừng nói vậy. Đừng suy diễn những chuyện xét ra chẳng đáng gì.
– Nếu chị là em thì chị nghĩ sao ?
– Nghĩ sao là sao? Thì chỉ biết ngó chứ biết làm gì. Mà bị mù hai con mắt thì tốt hơn.
– Tâm lý con người phức tạp hơn. Em nghĩ vậy…giả dụ thay cái con tóc vàng lạ hoắc ngồi một bên đó bằng đứa bạn mình từng quen biết thì chị có khó chịu không?
Trong đầu Sương tự nhiên hiện ra hình ảnh một cuốn sách. Người ấy đã tặng cho Sương, chính yếu không phải để nàng đọc giải khuây mười mẫu truyện ngắn có ở trong mà với hậu ý khoe cùng Sương hai ba cái phụ bản vẽ bằng mực xạ của người ấy đã góp công đóng sức với tác giả tập truyện.  Ở trang đầu có hàng chữ viết nghiêng đổ ởm ờ: Khi người ta muốn dừng lại, người ta phải biết đạp thắng. Với tôi, tôi không biết điều đó.
Sương nhắm mắt, nàng thở trong điện thoại.
– Mình không biết. Thật tình không biết… Và có lẽ, mình chỉ đáng là đứa cần phải học hỏi thêm ở người khác nhiều điều.
– Chị nói có quá đáng không?
– Thật đó. Như mai này mình sẽ hỏi bạn cảm giác khi mang bầu nó tròn méo ra sao, sinh con nó đau đớn như thế nào. Có lôi tên cha đứa bé ra mà chửi rủa trong khi xoạc chân rặn tới đỏ mặt tía tai.
Sương nghe tiếng cười ở bên kia dội vào tai. Tiếng cười nửa thích thú mỉa mai, nửa ê chề gượng gạo. Nàng nhìn đồng hồ, công việc mệt mề sáng mai ở sở làm như biết hiện lên đôi mắt cau có ở những con số để giờ này trợn tới nàng, răn đe bắt nạt dọa dẫm.
Sương chào tạm biệt, chúc người ở xa một giấc ngủ ngon rồi gát máy. Ai sao mình vậy, buồn vui là lẽ thường của đời sống. Mấy ngày xuân mà phải lội tuyết đi làm thì cũng chẳng còn thứ nỗi niềm nào để mà than thở. Âu đó cũng là lẽ thường của trời đất Tây phương cực lạc này thôi.
Như thông lệ. Đi làm về, tất bật từ ngoài đường xô cửa bước vào, cái hộp thư nằm ở một chỗ ấm cúng luôn là thứ rào cản cuối cùng trong ngày của Sương. Nàng lấy chìa khoá cầm ở tay, thầm đánh cuộc với chính mình. Có khi nhắm mắt lại như xin một điều mong muốn luôn khát khao. Và nắp hộp thư được mở ra. Điều ước vốn là cái gì thật quý giá, không thể cho khơi khơi được. Phải ăn ở hiền lành, phải dầy công tu tâm, phải có thần tiên linh tinh đủ thứ, và tiên quyết phải sống lùi lại ở quá khứ. Càng lạc hậu càng tốt, đi gần tới thời kỳ ăn lông ở lổ lại càng linh nghiệm hơn.
Hôm nay chỉ vỏn vẹn có một cái bì thư vuông vắn. Trắng lốp nằm lẻ lỏi không hứa hẹn được gì nhiều. Sương đi lên những bậc cấp quen thuộc, chẳng sợ té khi dán mắt vào phong thư. Nàng mở cửa phòng trọ, đóng nó lại bằng lưng. Dùng chìa khoá để rọc bao giấy. Thẩy cái túi đeo vai nặng nhọc xuống nền nhà.
Chị Sương,

Em quả đắc tội với chị. Em biết chị thương và coi em  như một đứa em chịu nhiều bất hạnh. Em biết chị mến Bồ Câu, cưng chiều không khác một đứa con “đỏ mặt tía tai ” đẻ nó ra… Nhưng em không biết làm sao hơn là cắn răng bỏ trốn chị. Còn chút lòng nào, thì xin chị lấy đó mà tha thứ hỉ xả cho em. Em vừa đến thành phố này một tuần. Anh ấy là người độ lượng, có tất cả mọi thứ em cần. Em vẫn nhớ chị từng khuyên em, đã lâu rồi: Trong đời sống, người ta không thể mỗi bước mỗi đi thụt lùi được. Chị Sương ơi, em đã trút bỏ được mặc cảm để bước lần tới sự vững chải. Bước đi đó có thể làm em đánh mất chị vĩnh viễn. Em vừa là người sung sướng vừa là đứa đau khổ.
Năm mới đã tới, nguyện cầu cho chị ở lại thành phố đó được vạn điều lành và sớm gặp người bầu bạn trung thành.

Em của chị
Một chữ ký ngoằn ngoèo không đọc ra tên. Gấp nó lại, phía trước là một bức tranh màu nước vung vãi những đóm màu nhoè nhoẹt. Vẽ tuỳ tiện, cẩu thả nhưng còn nhận đoán ra những nụ hoa bị tuyết vùi dập làm cho tan tác, nhàu nát ra. Phía dưới có bốn chữ Cung Chúc Tân Xuân. Sương nhắm mắt giây lâu. Chỉ có mù loà Sương mới vĩnh viễn không còn nhìn ra nét chữ của người ấy. Vả lại, bức thư lạ thường được viết trong tấm thiệp chúc Tết đó như ngầm xác tín một chuyện khó tin.
Sương bước ra ngoài hành lang. Những ngọn đèn nê ông có cái mờ đục cố nháy sáng một cách tuyệt vọng tàn hơi. Nàng mở ngăn kéo, chỗ mà người ta vẫn dùng để thẩy những bao rác nhỏ xuống bên dưới. Ở tay cầm trơn nhờn và ô cửa sắt kia lạnh toát một nỗi khó chịu. Một con sư tử nhồi bông tính “lì xì” cho thằng Bồ Câu. Tấm thiệp hoa hòe hoa sói vừa nhận. Cuối cùng là cái khung ảnh đen trắng của người đàn ông “đã chết thực sự”. Đồ vật rơi xuống nghe rõ đường di chuyển trắc trở để giây lâu sau là cả một nỗi bàng bạc không động tĩnh, như phía dưới chân đứng là hụt hẫng cái hố sâu không đáy. Sương rùng mình. Tiếng rỉ sét kêu đến kiêng răng khi nấp đậy được đóng lại như cũ.
Có ai ở bên dưới lòng đất vội ném ngược vào lòng nàng một tảng đá băng? Sương ôm ngực thì thầm Chúc mừng năm mới.

Hồ Đình Nghiêm
Nguồn: VĂN Số 117, tháng 3-1992