27 December 2018

N. NGUYEN - Hồ Đình Nghiêm


Ngày xưa thân ái. Bốn chữ này thường được sử dụng nhiều trong các cuốn lưu bút, bạn cùng lớp bịn rịn trao tay khi hè về chấm hết một niên học. Trong ca từ một bản nhạc cũng có gợi nhắc, hình như là (thể điệu boléro?): “Những ngày xưa thân ái, xin trả lại cho nhau…”


Tôi có nhiều bạn, tên bắt đầu bằng N. Trong cuốn sổ điểm danh kích cỡ to một cách lạ thường nằm trên bàn thầy cô, đứng trên những đường kẽ chữ xanh nhạt đều đặn thẳng tắp, đè đầu cỡi cổ chen chúc vây quanh tôi có lắm đứa thân thích: Nam, Nhã, Như, Nhân, Ngọc, Ngôn, Ngữ, Nghĩa, Nguyện… Và họ Nguyễn bao giờ cũng lấn át những họ khác. Tôi lạc mất tin về Nguyễn Thanh Ngọc từ năm 1968. Nguyễn Văn Ngữ thì mất vào mùa hè 1972. Nguyễn Duy Nguyện thì bị động viên, vào lính năm 1974 chả biết sống chết ra sao. Lớn lên theo thời gian, bạn bè cứ thế mà lần hồi chìm tăm biệt tích. Những ngày xưa thân ái có hiện ra cũng nhạt nhoà dần bao trang vở khắc ghi tới thời vàng son thuở nọ. Một nhà văn thành danh từng nói với tôi: Giai đoạn mà cậu sống với, quả có bất hạnh.

Rồi vượt biển, rồi nghìn trùng xa cách, rồi đất lành (lạnh) chim đậu; quanh tôi đã chẳng còn lấy ai. Tôi không có bạn. Thầy bói cầm tay lên nói: Số anh chẳng có cung bằng hữu. Nếu là bạn, bạn có buồn không? Riêng phận tôi, tôi chẳng lấy đó làm điều. Có buồn, tôi tìm cách quên bằng cách tập viết chữ. Và khi viết văn gửi đăng báo tôi phát hiện ra mình buồn lung tung beng, buồn tứ tung bát giác, buồn ngất ngư con tàu đi… chứ không hẳn buồn nhỏ giọt vì thiếu vắng bạn. Người yếm thế, kẻ làm biếng nghĩ suy vẫn có chung một tiếng thở dài: Số trời đã định! Tôi khác, tôi tin vào câu “lỗi tại ta mọi đàng” và tôi tập “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Tôi chê trách người ta (chẳng đặng đừng) vì họ để lộ ra những lỗi lầm khó dung thứ. Có đọc giả ở xa gửi email: “Sao anh chống Cộng quá xá quà xa vậy?” Dù biết “thoại bất đồng tâm bán cú đa” tôi vẫn có thư hồi âm dài hơn cả nửa chữ: Tôi viết lại những gì mình từng trải, từng chứng kiến, chẳng hư cấu khi sự việc diễn ra tự nó đã vượt lên trên sức tưởng tượng của con người. Nếu bảo rằng tôi chống cộng, thay vì cải chính thì tôi cảm ơn.

Một quán ăn có ông đầu bếp không khéo tay, xào xẹt nấu nướng vụng, quán ăn đó vẫn có thực khách, dù chẳng xảy ra cảnh sắp hàng như cái quán phở mọc ở nơi đã từng cất công tra cứu về mặt phong thuỷ. Làm thơ viết văn cũng nào có khác gì chuyện nêm nếm mặn nhạt tựa kinh doanh hàng quán. Thơ cô ấy hay vì cô ta sở hữu một ngoại hình rất bắt mắt, bá tánh xuýt xoa khen lấy khen để. Văn thằng kia chả có gì mà sao người ta in cho nó những ba cuốn trong một năm? Vậy đó, siết bao tiếng chì tiếng bấc, thì đã đành, bao giờ người khôn cũng tìm tới chốn lao xao, tỉ như “dân ngoại đạo”một mực tìm cách góp mặt vào trong một tuyển tập “hải ngoại”. Chữ hải ngoại nằm trong ngoặc kép là có lý do chính đáng của nó, bị nó thôi được hiểu là biển ngoài nữa rồi. Người ở trong nước in được tác phẩm của mình ngoài khúc ruột ngàn dặm, ở cõi ta bà nào đó chứ không cứ là thủ đô tị nạn, thì cũng nên xem đó là văn học hải ngoại vậy, hơi đâu đi truy nguyên lí lịch tác giả: Bây giờ em ở nơi đâu, cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao (B.G). Cũng ô kê thôi. Cũng mướt rượt thôi. Cũng tóc đen sợi nhỏ thôi. Một sự nhịn chín sự lành, chỉ sợ sau này con cháu lớn lên có muốn học tiếng mẹ đẻ, ông bà cha mẹ khi ấy phải đánh trống lãng nhiều thứ, mệt mày lắm cứ bắt goại giải thích goài, có ưa ún rịu hông con? Tới bến nhen, ún gượu mà không say, nào hay. Ta say là bởi ta say, cầm tay mi hỏi thày lay quá chời!
Tha phương ngộ cố tri. Ngay cả tôi, lắm lúc tôi cũng hiểu sai ý chữ này chuyên chở. Hôm qua tình cờ tôi ngộ cố tri. Một cái nhan truyện lạ có họ tên tôi nằm dưới được hiển thị trên trang Sáng Tạo. Dò tới tận cùng chữ cuối mới hay ra “nguồn: VĂN số 117, tháng 3. 1992. Đọc giả N. Nguyen gửi. Cố tri có thể là “Mùa Hoa Tuyết” mà cố tri dùng cho N. Nguyen thì hẳn không vấp sai lạc, vì hơn một lần người mang tên N. Nguyen đã vị tình gửi tới Sáng Tạo một truyện ngắn khác, của tôi.
Tôi không rõ vị độc giả thầm lặng này là ai. Chỉ biết “anh, chị” ấy trước đây có đặt mua tạp chí VĂN dài hạn, còn giữ lại những số cũ năm nảo năm nao để bỏ công làm một nghĩa cử đẹp: sao chép lại, gửi về, gợi nhắc những bước chân thấp, cao tôi đang dò dẫm lần lượt đi trên những trang báo bổ xuất bản ở biển ngoài buồn nhiều hơn vui này. N. Nguyen là người thông thạo việc sử dụng máy điện toán? Chắc là vậy, bởi thời giờ quý báu ở ngoài biển không cho phép người ta có dũng lược để ngồi đánh máy lại, hàng lại hàng. (Lệ chảy buồn dâng đôi mi).
Ngày xưa thân ái tôi may mắn có lắm bạn mang tên với mẫu tự N. Ra biển, vốc một nắm cát, chẳng cần phải Nha Trang ngày về cũng nhìn nhận cát lần hồi rời khỏi lòng bàn tay. Thầy bói kêu bằng không có cung bằng hữu “tôi về một mình tôi”. Chẳng ai sống được với lẻ loi, ngày nay cũng thân ái trao cho tôi một người mang tên khó đoán N. Nguyen. Một người thích đứng im trong bóng mờ, thích tìm nhặt những trái thông khô rơi lăn lóc trên cánh đồng đầy cỏ dại, nhiều gió chướng. Thích đuổi những con dã tràng chạy trốn trên bãi vắng để cúi nhặt những vỏ sò, ốc bị sóng đánh giạt vào bờ. Hiểu ở một mặt nào đó, tôi là quả thông khô, là vỏ loài ốc mượn hồn và do vậy tôi mang ơn công việc thiện nguyện mà N. Nguyen đã bỏ công ra, lang thang tìm nhặt. Một đứa viết văn đôi khi chỉ nên mong cầu là hắn có riêng một người đọc thôi, là đã mãn nguyện, gây động lực mỗi đêm thắp sáng ngọn đèn ở bàn viết, tỉ tê tâm sự, tượng hình một nhân dáng mơ hồ giữa khoảng không.
Tôi hy vọng những dòng chữ này sẽ lọt được vào mắt N. Nguyen, chỉ để kèm theo lời thưa, tôi thành thật cảm ơn anh, chị. Xin cho tôi chúc (lời sáo mòn, chẳng có chút sáng tạo) N. Nguyen cùng gia đình (yêu văn học biển ngoài) mãi an vui, sức khoẻ. Dịp lễ đang gần kề, tháng ngày cuối năm sẽ mang lại cho N. Nguyen những ấm lòng bên bè bạn chung vui. Những gì bạn bày tỏ trong câm nín, điều đó giúp tôi tự sửa mình, hòng có lúc được hoàn chỉnh hơn trong khi gõ những mẫu tự hiện lên trên màn hình. Tôi yêu cái tên mà Ba Mạ tôi đã lựa đặt và tôi yêu tất cả những tên ai khởi đầu bằng N. Ngày nay thân ái nhé N. Nguyen.

Hồ Đình Nghiêm