15 December 2018

NHỮNG GÃ ĐÀN ÔNG KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ - Haruki Murakami | T.Vấn dịch


Haruki Murakami, con cừu đen của văn học Nhật Bản
Photograph: Murdo MacLeod for the Guardian


Giới Thiệu: Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, vốn không xa lạ gì với độc giả Việt Nam, và tất nhiên cả thế giới nhưng ngay ở trên quê hương mình, ông không được coi là một tác giả tiêu biểu. Đơn giản vì, theo lời các nhà phê bình văn học Nhật, các tác phẩm của ông không có những gốc rễ từ văn hóa Nhật Bản. Họ cho rằng, tính cách đa văn hóa trong những tác phẩm trở thành best-seller của Murakami khi phát hành ở các quốc gia Tây Âu mang vóc dáng “giống Mỹ nhiều quá”. Murakami có vẻ như không chối cãi điều này. Ông tự nhận “tôi là một con cừu đen trong thế giới văn chương Nhật Bản. Sinh ra ngay sau khi chiến tranh thế giới chấm dứt, chúng tôi trưởng thành trong nền văn hóa Mỹ: nghe nhạc jazz, nhạc phổ thông Mỹ, xem truyền hình Mỹ – một thứ cửa sổ mở ra cho tôi nhìn vào thế giới khác. Nhưng dù vậy, bất kể những điều đó, tôi có phong cách riêng của mình. Thứ phong cách không phải Nhật, không phải Mỹ – mà là phong cách của tôi.”
Mới đây, Murakami đã tự ý rút tên ra khỏi danh sách 4 nhà văn được độc giả bầu chọn vào chung kết cuộc tuyển chọn gỉai thưởng Văn Chương Mới (tạm thời thế chỗ trong lúc giải thưởng Nobel về văn chương năm 2018 của Hàn Lâm Viện Thụy Điển không được tổ chức). Theo lời ông “để có thể dành trọn thì giờ cho việc sáng tác”. Nhưng có vẻ như Murukami, – một người thường xuyên có tên trong danh sách đề cử nhận gỉai thưởng văn chương Nobel từ nhiều năm nay (nhưng chưa một lần được xướng danh đoạt giải) -, không muốn bị mất cơ hội đoạt giải chính thức sau khi ủy ban chấm giải của Hàn Lâm Viện Thụy Điển chấn chỉnh được các vấn đề nội bộ để có thể sang năm (2019) cho tổ chức lại việc bình chọn giải Nobel về văn chương. Mặt khác, cái kiêu hãnh (ngầm) từ một nhà văn (châu Á) có hàng chục triệu độc giả trên thế giới, khó lòng cho phép ông thỏa mãn với mình về một giải thưởng “ngoài luồng” như giải thưởng vừa nhắc đến. Đó là chưa kể đã chắc gì tên ông sẽ được lãnh xướng (với chỉ 3 tác giả còn lại ở danh sách chung kết: Kim Thúy (Canada gốc Việt), Neil Gaiman (Anh) và Maryse Conde (Pháp gốc Guadeloupe) thì Maryse Conde đã đoạt giải).

Đặc tính nổi bật trong một số các tác phẩm của Murakami là tính pha trộn giữa bi và hài kịch, giữa sự buồn bã và cái hóm hỉnh giễu cợt, cả hai có mặt cùng lúc trong tác phẩm, nhưng không hề giẫm chân lên nhau. Trái lại, chúng bổ túc cho nhau để nêu bật lên ý đồ của tác giả. Với tác phẩm Men Without Women (Những Gã Đàn Ông Không Có Đàn Bà) xuất bản ở Nhật năm 2014, được dịch sang Anh ngữ năm 2017, Murakami đã chinh phục được thế giới cũng với thủ pháp pha trộn bi hài mang tính thâm thúy rất Á Đông, vừa triết lý, vừa cợt nhả, vừa cay đắng, vừa lặng lẽ gây cười (ra nước mắt). Với 7 truyện ngắn có cùng một nhân vật chính là những gã đàn ông cô độc, kẻ thì bị vợ bỏ, kẻ bị vợ (cùng với người bạn thân nhất của mình) cắm sừng, kẻ bị nhân tình “cho leo cây”, kẻ thấy mình lúc nào cũng cô độc v..v…Ở truyện ngắn cuối cùng của tác phẩm (được chọn làm nhan đề chung cho tập truyện), Murakami đã đẩy nhân vật đi đến cùng của chất bi và chất hài, cả hai nắm tay nhau nhẩy múa trên những hàng chữ điềm tĩnh một cách đau đớn của mình: Đến một thời điểm nào đó thì khi anh đàn ông đánh mất một người đàn bà, đồng nghĩa với việc anh ta sẽ mất tất cả mọi người đàn bà chưa gặp, sẽ gặp, thậm chí không bao giờ gặp.
Men Without Women cũng là tên một tập truyện ngắn của nhà văn Mỹ Ernest Hemingway phát hành năm 1927. Khác nhau ở chỗ, tập truyện ngắn của Hemingway chọn Men Without Women làm tên cho tuyển tập. Còn tập truyện ngắn của Murakimi chọn truyện ngắn có tên Men Without Women làm nhan đề chung cho tuyển tập. Trong Men Without Women của Hemingway, triết lý chủ đạo là đàn ông không nên đặt mình vào vị trí có thể phải bị mất một người nào đó (đàn bà chẳng hạn: vợ, nhân tình), hoặc tốt nhất, chỉ nên sở hữu những gì không thể bị đánh mất. 90 năm sau, Murakami – một nhà văn Nhật Bản – đã chọn cùng một đề tài, có cùng một cách nhìn, cùng chấp nhận một giải pháp cho vấn đề – chọn sự cô độc để tránh không bị đau đớn – (như tiền nhân Hemingway), nhưng bằng thủ pháp, phong cách, ngôn ngữ, cấu trúc “hậu hiện đại” (postmodern)? Mặt khác, như Murakami đã giải thích qua cuộc trò chuyện với Oliver Burkeman – nhà văn, ký giả (The Guardian) người Anh –:
“Khi tôi ở tuổi mới lớn, những năm 60s của thế kỷ 20, đó là thời của những lý tưởng ngự trị. Chúng tôi tin tưởng rằng, thế giới này sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu chúng tôi cùng cố gắng làm cho nó tốt đẹp hơn. Nhưng ngày nay, buồn thay, người ta không còn tin tưởng vào điều đó nữa. Người ta bảo sách của tôi kỳ cục, khó hiểu; nhưng vượt lên trên cái kỳ cục, khó hiểu ấy, hẳn có bóng dáng một thế giới tốt đẹp hơn. Đơn giản vì chúng ta phải kinh qua sự khó hiểu, kỳ cục trước khi chúng ta vươn tới được sự tốt đẹp. Đó cũng chính là cấu trúc căn bản cho truyện của tôi: bạn phải đi qua bóng tối, qua những con đường hầm, trước khi bạn bước tới được nơi có ánh sáng”.
Ở tuổi xấp xỉ 70, mỗi ngày, Murakami đều ngồi vào bàn từ 4 giờ sáng, viết một mạch trong 5 hay 6 tiếng, rồi ra ngoài chạy bộ 6 dặm trước khi nhẩy xuống hồ bơi. Tác phẩm mới nhất của ông, Killing Commendatore, với 674 trang tiêu biểu một Murakami khó hiểu, kỳ cục đã được xuất bản tháng 9 năm 2018 tại Anh qua bản dịch Anh ngữ của Philip Gabriel và Ted Goossen.
Hiện nay, con cừu đen của của văn học Nhật Bản Haruki Murakami, là tác giả châu Á được đọc nhiều nhất ở các quốc gia phương Tây.
Chúng tôi chọn chuyển ngữ truyện ngắn cuối cùng trong tập truyện: Men Without Women, để giới thiệu với độc giả Việt Nam, dựa trên bản Anh ngữ của Philip Gabriel, một dịch giả uy tín. Chính Murakami cũng rất thích thú khi đọc lại tác phẩm của mình được dịch sang Anh ngữ (bởi Philip Gabriel), vì theo ông, dường như ông đang đọc một tác phẩm hoàn toàn khác với nguyên bản. Philip Gabriel (theo sự nhận xét của các nhà phê bình) đã chuyển tải được tính cách cốt lõi tác phẩm của Murakami: Bi và hài pha trộn nhưng không đồng hóa lẫn nhau, trái lại, làm nổi bật lẫn nhau để phục vụ ý đồ tác giả.(T.Vấn)
NHỮNG GÃ ĐÀN ÔNG KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ
Cú điện thọai đến sau một giờ sáng đã đánh thức tôi dậy. Tiếng chuông reo lúc nửa đêm luôn luôn phát ra âm thanh làm bụng nhộn nhạo, khó chịu, như thể cái sản phẩm kim lọai hung dữ ấy được chế tạo ra là để tiêu diệt thế giới lòai người. Tôi cho rằng, trách nhiệm của tôi, với tư cách một thành viên của nhân lọai, phải chặn đứng ngay sự hủy diệt ấy, nên tôi ngồi dậy, rón rén bước qua phòng khách để nhấc ống nghe lên.
Giọng nói trầm của người đàn ông phía bên kia đầu dây đã cho tôi biết rằng có một người đàn bà vừa vĩnh viễn lìa bỏ trần gian này. Giọng nói ấy thuộc về ông chồng của người đàn bà. Ít nhất, đó là điều ông ta cho biết. Rồi ông ta tiếp tục câu chuyện. Vợ tôi tự kết liễu đời mình hôm thứ Tư vừa rồi. Dù sao đi nữa, tôi nghĩ tôi nên báo cho ông hay. Dù sao đi nữa. Trong chừng mực mà tôi có thể nhận ra được thì giọng nói của ông ta không hề mang một chút cảm xúc nào. Như thể ông ta đọc những dòng chữ từ một bức điện tín, mà giữa mỗi chữ không có lấy một khỏang ngưng nào hết. Một thông báo, đơn giản chỉ là thế. Một thực tế trần trụi. Chấm hết.
Tôi đã nói gì để trả lời? Chắc tôi có nói một lời gì đó nhưng không thể nhớ được. Dù sao, đã có một sự yên lặng kéo dài. Giống như một cái hố sâu nằm ngay giữa con đường mà hai chúng tôi đứng ở hai bên đối diện chăm chú nhìn vào. Rồi, lặng lẽ không một lời, ông ta nhẹ nhàng gác ống nghe như thể đang đặt một tác phẩm nghệ thuật mong manh dễ vỡ lên trên sàn nhà. Còn tôi đứng đó, trong bộ đồ mặc ngủ quần đùi áo thun trắng, bàn tay vô thức giữ chặt lấy điện thọai.
Làm thế nào mà ông ta biết tôi? Tôi không mảy may có ý kiến. Hay là nàng đã có lần thố lộ với chồng về tôi, một người yêu cũ? Nhưng phải có lý do? Và làm cách nào mà ông ta có được số điện thọai của tôi (vốn không liệt kê trong sổ niên giám). Nhưng trước hết, sao lại là tôi? Tại sao ông chồng của nàng lại phải bận tâm thông báo cho tôi biết rằng vợ ông ta đã tự tử chết? Tôi không thể hình dung ra được rằng chính nàng đã yêu cầu điều đó trong bức thư tuyệt mạng để lại. Chúng tôi chia tay nhau đã nhiều năm. Và từ đó, chưa hề gặp lại – dù chỉ một lần. Thậm chí, chúng tôi cũng không bao giờ nói chuyện với nhau qua điện thọai.
Nhưng điều đó không quan trọng. Vấn đề ở đây là chồng nàng đã không có một lời giải thích. Ông ta cho rằng cần phải báo cho tôi hay về việc vợ ông ta tự tử. Và bằng cách nào đó, ông có được số điện thọai của tôi. Ngòai ra, chẳng có gì nữa hết. Có vẻ như ông ta cố tình đặt tôi ở chính giữa, loay hoay với một bên là sự biết và bên kia là sự mù tịt. Nhưng tại sao? Để khiến tôi phải suy nghĩ về một điều gì đó?
Vậy điều đó là điều gì?
Tôi hòan tòan không có lấy một manh mối. Con số những dấu chấm hỏi cứ tăng dần theo cấp số nhân, như đứa bé lấy con dấu bằng cao su đóng đầy trên mặt quyển sổ ghi chép.
Thế nên, đến giờ tôi vẫn không biết lý do nào khiến nàng phải tự tử và bằng cách nào. Cho dù tôi có muốn tìm hiểu đi nữa, cũng thật là vô phương. Tôi chưa hề biết nơi nàng sinh sống, và thú thật, tôi không hề biết nàng đã lập gia đình. Vì thế, tôi không biết họ của chồng nàng (và người trên điện thọai thì lại không cho tôi biết tên). Hai người lấy nhau bao lâu rồi, và có con không – một hay nhiều đứa?
Dù vậy, tôi chấp nhận điều chồng nàng đã nói với tôi. Tôi chẳng có lý do gì để nghi ngờ điều ấy cả. Sau khi bỏ tôi ra đi, nàng tiếp tục hiện hữu trên cõi đời này, có thể đã yêu một người nào đó, lấy anh ta làm chồng, và hôm thứ Tư vừa rồi – vì bất cứ lý do gì và bằng bất cứ phương tiện nào – nàng đã tự kết liễu đời mình.
Dù sao đi nữa. Chắc chắn phải có một điều gì ẩn chứa trong câu nói ấy của chồng nàng, điều gì đó liên quan sâu sắc đến thế giới của người vừa qua đời. Trong sự tĩnh lặng của đêm khuya, tôi có thể nghe được mối liên quan ấy, và bắt gặp một tia lóe nào đó từ mớ bòng bong ngột ngạt khó thở. Vậy là việc ông ta đã làm, gọi điện thọai báo tin cho tôi vào lúc sau một giờ sáng – bất kể cố ý hay không – là một quyết định đúng đắn. Nếu ông ta gọi tôi vào buổi trưa, chắc chắn tôi sẽ không thể có cái cảm giác như bây giờ.
Lúc tôi gác máy điện thọai, lê bước về phòng ngủ, thì vợ tôi đã thức giấc.
“Điện thọai về cái gì vậy? Có ai đó mới chết?”
Vợ tôi hỏi.
“Không có ai chết. Họ gọi lầm số,” Tôi nói, giọng chậm rãi và ngái ngủ.
Tất nhiên, vợ tôi không tin điều tôi nói, vì giọng tôi lúc đó có đượm một chút vẻ chết chóc. Cái cảm giác xáo động gây ra bởi người vừa mới qua đời có tính lây nhiễm rất cao. Nó truyền qua đường điện thọai như một chấn động mơ hồ, làm thay đổi âm thanh của những lời nói, đưa thế giới về hòa điệu với sự rung động của riêng nó. Vợ tôi không nói thêm một lời nào nữa. Cả hai chúng tôi nằm trong bóng tối, lắng nghe sự yên lặng, mỗi người chìm trong suy tưởng của riêng mình.
oOo
Nàng là người đàn bà thứ ba mà tôi có mối quan hệ tình nhân, và cũng là người thứ ba đã tự kết thúc đời mình. Nếu bạn có ý nghĩ – mà thực ra, bạn cũng chẳng cần nghĩ làm gì vì điều này đã quá hiển nhiên – rằng cái tỉ lệ tử vong như thế thì quả thật quá cao. Chính tôi còn không tin nữa là. Đời tôi đâu có dính líu đến nhiều người đàn bà như vậy. Tại sao những phụ nữ này, tất cả đều còn trẻ, lại tìm cách tự xử lấy mình, hoặc cảm thấy bị buộc phải tự xử lấy mình, là điều vượt quá khả năng hiểu biết của tôi. Tôi hy vọng họ làm điều đó không phải vì tôi, hoặc chí ít có liên quan đến tôi. Và tôi cũng hy vọng họ không mặc nhiên giả định rằng tôi sẽ là chứng nhân cho cái chết của họ. Tận sâu đáy lòng, tôi ao ước đó là như thế. Và – tôi biết gọi sao đây – người đàn bà này, người thứ ba (không có một cái tên để gọi nàng khiến sự việc có vẻ rầy rà hơn nên tôi cứ gọi nàng là M cho tiện) không phải thuộc loại người có thể tự tử. Ngược lại là đằng khác. Ý tôi muốn nói rằng lúc nào nàng cũng có những chàng thủy thủ vạm vỡ sẵn sàng bảo vệ nàng, che chở cho nàng.
Tôi không thể nào tiết lộ những nét đặc thù về mẫu người đàn bà của M, hay hoàn cảnh mà chúng tôi gặp nhau, hoặc những gì chúng tôi đã làm với nhau. Bởi vì những chi tiết này, nếu nói ra, có thể gây phiền hà cho một số người còn sống. Ở đây, tôi chỉ có thể viết rằng ngày xửa ngày xưa tôi và M đã từng gần gủi mật thiết bên nhau và rồi đến một lúc nào đó, chúng tôi chia tay.
Thực lòng, tôi thích nghĩ đến M như một cô gái nhỏ tôi gặp lúc mới 14 tuổi. Dù rằng điều ấy đã không xẩy ra nhưng tôi cứ thích tưởng tượng như thế. Chúng tôi gặp nhau lúc cả hai mới 14 tuổi trong trường trung học đệ nhất cấp. Hôm đó là giờ Vạn Vật, tôi còn nhớ. Dường như chúng tôi đang học về vỏ ốc hay vây cá thì phải. Nàng ngồi ngay bên cạnh tôi. “Mình để quên cục tẩy,” tôi nói với nàng “nếu bạn có dư, cho mình mượn được không?”. Nàng cầm lấy cục tẩy của mình, bẻ nó ra làm đôi, đưa cho tôi một nửa. Và rộng miệng cười. Như người ta hay nói, vào khỏanh khắc đó, tôi đã bị trúng một tiếng sét ái tình. Nàng là cô gái đẹp nhất mà tôi đã được gặp. Đúng hơn, đó là cảm giác của tôi lúc ấy. Tôi thích được nhớ đến nàng bằng cách đó, như thể đó cũng là cách chúng tôi gặp nhau, trong giờ học lớp đệ tứ. Cách gặp gỡ ấy tuy thầm lặng nhưng lại khó có thể cưỡng lại được với sự trung gian của vỏ ốc và vây cá. Nghĩ đến nàng bằng cách này khiến cho mọi việc trở nên dễ dàng được chấp nhận hơn.
Tôi là một thiếu niên 14 tuổi cường tráng, mạnh khỏe; chỉ cần một ngọn gió tây nồng ấm thổi ngang qua là dương vật của tôi lập tức bị nhậy cảm. Tuổi của tôi lúc ấy là như vậy. Không phải vì nàng không làm cho tôi cảm thấy hứng khởi. Nàng còn gợi cảm hơn bất cứ một ngọn gió tây nào. Và cũng không chỉ ngọn gió tây. Sự quyến rũ của nàng đủ để khiến cho những ngọn gió dù đến từ bất cứ hướng nào cũng lặng lẽ biến mất. Đối diện với một cô gái tuyệt vời như thế làm sao tôi dám nghĩ đến sự cương cứng của dương vật của mình? Lần đầu tiên trong đời có một người con gái cho tôi cảm giác như thế.
Tôi mang cảm giác đó là lần đầu tiên tôi gặp M. Dù rằng sự thực không phải là như thế nhưng tôi cho rằng, cứ nghĩ nó là như thế khiến mọi chuyện trở nên ổn thỏa, dễ chịu hơn. Tôi mới 14 tuổi, nàng cũng mới 14 tuổi. Đó là cái tuổi thích hợp nhất để chúng tôi “đọ sức” nhau lần đầu tiên. Lẽ ra chúng tôi đã phải gặp nhau như thế.
Nhưng trước khi tôi nhận ra điều đó, M đã biến mất. Biến đi đâu, tôi không hề biết. Một hôm, tôi không còn thấy nàng nữa. Tôi chỉ mới vừa quay mặt ngó đi chỗ khác, lúc sau ngỏanh lại, nàng đã không còn. Chỉ phút trước phút sau là sự đã rồi. Một tay thủy thủ láu cá nào đó chắc đã rủ rê nàng đi theo hắn đến tận cảng Marseilles hay Bờ Biển Ngà. Sự tuyệt vọng của tôi sâu hơn tất cả các đại dương mà họ đã đi qua. Sâu hơn những đáy biển nơi những con mực khổng lồ và cá rồng sinh sống. Tôi bắt đầu tự ghét bỏ chính mình. Tôi không còn có thể tin tưởng vào bất cứ điều gì được nữa. Thật quái quỷ làm sao mà nó lại ra cái cớ sự này? Điều ấy chứng tỏ tôi đã yêu nàng đến chừng nào, nàng có ý nghĩa với tôi đến chừng nào, nàng cần thiết cho tôi đến chừng nào. Sao tôi lại có thể lơ đễnh đến như thế?
Ngược lại, kể từ lúc ấy, M đã có mặt ở khắp nơi, bất cứ chỗ nào tôi đi ngang qua. Nàng là một phần của nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều người. Tôi bỏ nửa cục tẩy vào trong một cái túi nhựa, đi đâu cũng mang theo nó bên mình như là một miếng bùa, một cái la bàn. Với nó ở trong túi, tôi biết rằng rồi đây sẽ có ngày tôi gặp lại M ở một nơi nào đó. Tôi đoan quyết là như vậy. Một gã thủy thủ miệng lưỡi dẻo ngọt nào đó đã dụ dỗ được nàng bước lên chiếc tàu bự dềnh dàng của mình và đem nàng đi thật xa. Chỉ có vậy thôi. Nàng luôn thuộc về lọai người cả tin. Lọai người sẵn sàng lấy cục tẩy mới tinh của mình, bẻ ra làm đôi chia cho thằng con trai mình chưa từng quen biết bao giờ.
Tôi cố gắng sắp xếp lại những đầu mối rời rạc về hành tung của nàng, những nơi chốn nàng hay lui tới, những người nàng hay thường gặp. Nhưng đó cũng chỉ là những mảnh thông tin hỗn hợp, vụn vặt, chẳng liên quan gì đến nhau. Dù có nhiều những mảnh thông tin ấy đến thế nào cũng chẳng giúp ích được gì. Bản chất của nàng luôn mau tan biến như ảo ảnh.
Nhìn từ đất liền, đường chân trời là vô tận. Ở biển, nó cũng vẫn vô tận. Tôi chăm chỉ đuổi theo nó từ chỗ này đến chỗ kia – từ Bombay đến Cape Town đến Reykjavik đến Bahamas. Tôi đi vòng hết các thành phố cảng, nhưng khi tôi đến, thì nàng cũng vừa đi khỏi. Chỉ còn để lại chút hơi ấm nhòa nhạt trên những chiếc giường chưa kịp được thu dọn. Chiếc khăn quàng cổ với kiểu dáng hình xóay nước vẫn còn treo hờ hững trên thành một chiếc ghế. Một quyển sách đang đọc nửa chừng, trang mở ra để trên bàn. Những chiếc vớ chân ẩm ướt được treo lên cho khô trong phòng tắm. Nhưng nàng không còn ở đó nữa. Bọn thủy thủ xảo quyệt khắp nơi trên thế giới đánh hơi biết tôi sắp xuất hiện nên vội vàng đem nàng đi giấu biệt thêm một lần nữa. Lần này thì, tất nhiên, tôi không còn là thằng bé 14 tuổi nữa. Da tôi đã sạm nắng và mạnh mẽ hơn. Hàm râu của tôi dầy hơn và đã biết phân biệt giữa phép ẩn dụ và một sự so sánh. Nhưng một phần nào đó trong con người tôi vẫn còn là cậu bé 14 tuổi. Cái phần mãi mãi 14 tuổi ấy kiên nhẫn chờ một ngọn gió tây dịu dàng xuất hiện ve vuốt dương vật vô tội của mình. Nơi nào mà ngọn gió tây ấy thổi đến, chắc chắn nơi đó tôi sẽ tìm thấy M.
Đó là M của tôi.
Một người đàn bà không bao giờ ở yên một chỗ.
Nhưng không phải là người đàn bà sẽ tự kết liễu đời mình.
oOo
Tôi không thể quả quyết điều gì tôi sẽ nói đến ở đây. Có thể một điều gì đó về bản chất, chứ không phải sự thực. Nhưng gắng gượng viết về một bản chất không có thực thì cũng giống như tìm cách hò hẹn với một người nào đó ở phía bên phần tối của mặt trăng. Nơi chỉ có thứ ánh sáng mờ mờ và ranh giới thì bị xóa nhòa. Vả chăng, phía ấy mênh mông quá. Điều tôi thực sự muốn nói là, M chính là người phụ nữ mà lẽ ra tôi phải biết yêu nàng lúc tôi vừa 14 tuổi. Mãi về sau này tôi mới biết thế nào là yêu thì, buồn thay, nàng đã không còn ở tuổi 14 nữa. Chúng tôi đã lầm lẫn về thời điểm mà chúng tôi lẽ ra phải gặp nhau. Giống như bạn quên khuấy rằng mình đã có hẹn với một ai đó. Giờ giấc, nơi gặp thì đúng nhưng bạn tính tóan lộn ngày.
Tuy nhiên, cô bé gái 14 tuổi vẫn còn ở bên trong nàng. Trọn vẹn một cô bé, chứ không phải chỉ những mảnh nhỏ rời rạc. Nếu nhìn thật kỹ, tôi có thể bắt gặp đứa bé ấy ra vào trong nàng. Những lúc làm tình, nàng nằm gọn trên cánh tay tôi. Chỉ cần một phút, nàng sẽ trở lại là một đứa bé gái năm xưa. Nàng luôn luôn di chuyển trong thế giới có múi giờ riêng của nàng . Tôi yêu nàng vì điều đó. Tôi ghì nàng thật chặt, chặt đến độ nàng phải kêu đau. Có thể tôi đã ghì nàng quá chặt. Nhưng đó không phải là lỗi của tôi. Chỉ vì tôi không muốn mất nàng.
Tất nhiên, rồi sẽ đến lúc tôi mất nàng lần nữa. Tất cả những tay thủy thủ trên thế giới đều không ai rời mắt khỏi nàng. Tôi không thể nào một mình bảo vệ nàng được. Không ai có thể trông chừng một người từng phút, từng giây. Bạn phải ngủ, phải đi vệ sinh. Thỉnh thỏang còn phải lau chùi cái bồn tắm. Phải cắt hành, phải tước vỏ đậu đũa. Phải xem lại độ căng của 4 chiếc vỏ xe. Ngần ấy việc khiến chúng tôi xao lãng về nhau. Nói đúng hơn, khiến nàng đã bỏ tôi mà đi. Vả lại, phía đằng sau của mọi sự việc, luôn có bóng dáng đậm nét của một anh chàng thủy thủ. Một cái bóng tối tăm, đơn độc, đứng lập lờ trên bức tường của một tòa nhà. Bồn tắm, củ hành và hơi cho chiếc vỏ xe đơn giản chỉ là những mảnh vụn vỡ của phép ẩn dụ bị cái bóng ấy hất ra tung tóe như những cây đinh ghim giấy.
Sau khi nàng bỏ đi, không ai biết tôi đã sụp đổ đến mức nào, và cái vực thẳm trong tôi sâu đến chừng nào. Làm sao mà người khác có thể biết được? Chính tôi còn khó lòng nhớ lại những gì mình đã trải qua. Tuyệt vọng? Đớn đau? Tôi ước gì có được một cái máy để đo lường chính xác nỗi buồn của mình và ghi lại bằng con số cụ thể. Và sẽ thật tuyệt vời biết bao nếu cái máy đo ấy chỉ nhỏ vừa để trong lòng bàn tay. Mỗi khi kiểm tra độ căng trong vỏ xe hơi của mình tôi đều nghĩ đến cái máy đo tưởng tượng ấy.
oOo
Cuối cùng thì nàng cũng đã chết. Cú điện thọai gọi đến lúc nửa đêm đã xác định điều đó rất rõ ràng. Tôi không biết nơi chốn, hoặc bằng cách nào, hay lý do, hoặc với mục đích gì khiến M quyết định tự kết liễu đời mình, nhưng sự thật là nàng đã làm điều đó. Và – có lẽ – nàng lìa bỏ thế giới thực này một cách hết sức âm thầm. Giờ đây, tất cả những anh chàng thủy thủ trên cõi đời cùng với lời ngon tiếng ngọt của mình, cũng không thể cứu được nàng – hoặc thậm chí bắt cóc nàng – ra khỏi mảnh đất của thần chết. Nhưng nếu bạn chú ý lắng nghe vào lúc nửa đêm, có thể bạn sẽ bắt được âm vang than khóc từ xa tít vọng về của những chàng thủy thủ.
Khi nàng chết, cái tôi 14 tuổi cũng chết theo. Giống như số áo của một cầu thủ bóng chày sẽ vĩnh viễn không được sử dụng tới khi anh ta nghỉ hưu, cái phần tôi 14 tuổi cũng đứng dậy rũ áo ra đi mãi mãi. Nó đã bị nhốt vào trong cũi sắt với mật số khóa phức tạp, rồi đem chôn xuống tận đáy biển sâu. Một tỉ năm sau mới có người tìm cách mở khóa cũi. Cho đến lúc ấy, những con ốc và lũ cá sẽ lặng lẽ để mắt trông chừng. Ngọn gió tây dịu dàng sẽ thôi không còn thổi. Và đám thủy thủ khắp nơi sẽ đau khổ chịu tang nàng. Đó là không tính đến những người vốn dĩ chẳng ưa gì bọn thủy thủ.
Khi nhận tin cái chết của M, tôi có cảm tưởng chắc chắn rằng mình phải là người đàn ông cô độc đứng hàng thứ hai trên hành tinh này.
Người cô độc nhất phải là chồng của nàng. Tôi đã dành riêng chiếc ghế số một ấy cho ông ta. Tôi chẳng hề biết ông ta là lọai người nào, bao nhiêu tuổi, đã làm những gì và không làm những gì. Điều duy nhất tôi biết là ông ta có một giọng trầm rất sâu. Nhưng cái biết ấy cũng chẳng giúp ích được gì cho tôi. Ông ta có phải là một thủy thủ? Hay là một người nào đó ghét cay ghét đắng bọn thủy thủ? Nếu là người sau, thì ông ta là một đồng chí của tôi. Nếu là ngừơi trước . . . tôi vẫn có cảm tình với ông ta. Và ứơc gì mình có thể làm được một điều gì đó hầu xoa dịu nỗi đau mất mát cho ông.
Nhưng vẫn không có cách nào giúp tôi có thể tìm được ông chồng của người tình cũ. Tôi chưa hề biết tên ông ta, cũng như nơi ông ta cư ngụ. Không chừng ông ta đã mất cả tên lẫn nơi ở của mình rồi. Dù sao, ông ta là kẻ cô độc nhất trần gian này. Những lúc đi dạo, tôi hay ngồi nghỉ dưới chân tượng con kỳ lân (đường đi dạo của tôi ngang qua công viên có bức tượng con kỳ lân đặc biệt này), mắt dõi nhìn dòng nước lạnh chảy xuống từ vòi phun nước, tôi nghĩ đến người đàn ông cô độc này. Tôi tưởng tượng làm người cô độc nhất trần gian sẽ như thế nào. Tôi đã từng biết cảm giác của người cô độc thứ nhì sau ông ta. Nhưng chưa từng mang cảm giác của người cô độc nhất. Khỏang cách giữa hai lọai người cô độc này phải là một vực thẳm. Hẳn là như vậy. Một vực thẳm rất sâu, và rất rộng. Dưới đáy vực, chất đầy những xác chim chết trong lúc cố gắng tìm cách bay lên.
Thế rồi, bỗng nhiên có một hôm bạn trở thành người đàn ông không có đàn bà. Ngày ấy đến với đời bạn một cách hòan tòan bất ngờ, không một dấu hiệu – dù rất mờ nhạt – báo trước. Không linh cảm, không điềm gở, không gõ cửa, cũng chẳng một tiếng đằng hắng gọi là. Bước chân qua một ngả rẽ, thế là bạn thấy mình có mặt. Nhưng đến lúc ấy thì đã quá muộn để bạn quay lưng bỏ đi. Một khi đã đến khúc quanh định mệnh ấy, sẽ chẳng còn thế giới nào khác cho bạn cư ngụ. Ở đây, bạn được mệnh danh là “những gã đàn ông không có đàn bà”, luôn luôn ở dạng số nhiều tàn ác, lạnh lùng.
Chỉ có những gã đàn ông không có đàn bà mới cảm thấu được nỗi đau nhói tim khi biết mình trở thành một trong nhóm người đó. Bạn không còn chút cảm hứng nào với ngọn gió tây tuyệt vời. Tuổi mười-bốn đã bị tước đọat ra khỏi bạn mãi mãi. (Một tỉ năm nên được xem là mãi mãi). Những lời than khóc ỉ ôi của bọn thủy thủ xa xôi. Dưới đáy biển, những vỏ ốc vây cá nằm im ngủ. Gọi điện thọai đến một ai đó vào lúc sau một giờ sáng. Hoặc chính mình nhận được cú điện thọai ấy cũng sau một giờ sáng. Đợi chờ một người ở một khỏang cách giữa hiểu biết và ngu đần. Nước mắt rơi ướt đẫm mặt đường khô hạn khi bạn cúi xuống kiểm tra độ căng của những chiếc vỏ xe.
Ngồi tại đây, trước bức tượng con kỳ lân, tôi cầu xin cho ông chồng của nàng một ngày nào đó sẽ hồi sinh trở lại. Tôi cũng mong ông ta sẽ không bao giờ quên mất những điều thực sự quan trọng – cái cốt lõi – nhưng có thể quên đi những thứ không quan trọng, thứ yếu. Và hy vọng rằng ông ta quên đi được sự kiện là ông ta đã quên hết mọi thứ. Thực sự là tôi đã mong như thế. Hãy thử tưởng tượng: người cô độc thứ nhì trên thế giới đang cảm thấy thương xót – và thậm chí cầu nguyện – cho người cô độc nhất (mặc dù cả hai chưa bao giờ gặp nhau).
Nhưng tại sao ông ta lại bận tâm gọi báo tin cho tôi? Tôi không trách ông ta về điều đó, mà chỉ cố tìm câu trả lời cho câu hỏi cơ bản này, kể cả bây giờ. Làm sao mà ông ta lại biết tôi? Tại sao ông ta lại quan tâm đến tôi? Có lẽ câu trả lời sẽ rất đơn giản. Nàng hẳn là đã kể cho chồng nghe về tôi. Một đìêu gì đó về tôi. Tôi chỉ có thể nghĩ đó là lý do duy nhất khiến ông ta nhấc điện thọai gọi tôi. Dù vậy, nàng đã nói gì về tôi với ông ta, thì tôi không thể biết. Một người tình cũ của nàng, như tôi, có giá trị gì, ý nghĩa gì với đời nàng, khiến nàng phải thổ lộ cùng chồng? Liệu sự thổ lộ ấy có liên quan mật thiết đến cái chết của nàng? Liệu chính bản thân tôi có gợi chút gì đến sự ra đi của nàng? Có thể M đã kể cho chồng nghe về dương vật tuyệt vời của tôi? Những buổi trưa nằm bên nhau, nàng thường âu yếm nắm lấy nó trong lòng bàn tay và chăm chú nhìn ngắm như thể nàng đang chiêm ngưỡng chiếc vương miện gắn đầy kim cương của nước Ấn độ? “Nó đẹp quá thể!”, nàng phán như thế. Điều đó có đúng không, tôi không thể biết chắc.
Có phải vì thế mà chồng nàng gọi cho tôi? Gọi điện thọai lúc sau một giờ sáng để biểu tỏ lòng tôn trọng hình thể dương vật của tôi? Điều này thật vô lý. Dù nhìn nó dưới bất cứ góc độ nào, nó cũng chẳng có gì đặc biệt. Khá lắm thì bạn chỉ có thể khen “thằng bé cũng trung bình”. Cảm thức thẩm mỹ của M đôi khi khiến tôi phải lắc đầu. Nàng có một cách đánh giá sự vật khá kỳ cục, không giống với nhiều người.
Hay có lẽ (ở đây tôi chỉ tưởng tượng thôi), M kể cho chồng nàng nghe việc nàng chia cho tôi nửa cục tẩy hồi còn chung lớp ở trung học. Không có một lý cớ gì khiến nàng không thể kể lại sự việc đó, nàng phải biết rõ như vậy. Đó chỉ là một chút kỷ niệm nhỏ bỗng nhiên được nhắc lại. Và, dĩ nhiên, ông chồng nàng ghen tuông. Sự kiện M chia cho tôi một nửa cục tẩy chắc phải khiến ông ta ghen tức hơn cả việc nếu như nàng đã ngủ với hàng tá những gã thủy thủ. Mà cũng hợp lý thôi. Hàng tá những gã thủy thủ rám nắng thì có nghĩa lý gì? M và tôi, xét cho cùng, đều mới mười bốn tuổi, chỉ cần một làn gió tây thổi qua là dương vật của tôi đã cương cứng. Một cô gái, như M, đã bẻ đôi cục tẩy mới tinh chia cho mình một nửa là một việc khá bất thường. Giống như dâng cho ngọn cuồng phong khủng khiếp hàng chục những căn nhà kho cũ kỹ.
Sau đó, mỗi lần đi ngang qua tượng con kỳ lân ở công viên, tôi đều ngồi xuống đó một lúc để suy ngẫm về những gã đàn ông không có đàn bà. Tại sao lại là chỗ này? Tại sao lại là tượng con kỳ lân? Có thể chính con kỳ lân cũng là một trong số những gã đàn ông không có đàn bà. Ý tôi muốn nói là tôi chưa bao giờ thấy một cặp kỳ lân. Con kỳ lân (đực) – chắc hẳn phải là đực, đúng không? – lúc nào cũng chỉ một mình, chỉa cái sừng nhọn hoắt lên trời. Có thể chúng ta nên chọn con kỳ lân (đực) làm biểu tượng cho những gã đàn ông không có đàn bà, cho nỗi cô đơn nặng nề chúng ta phải mang vác trên vai. Có lẽ chúng ta nên khâu biểu tượng kỳ lân lên ngực áo, lên mũ, rồi lặng lẽ đi diễu hành khắp các nẻo đường thế giới. Không nhạc, không cờ quạt, không hoa giấy. Có lẽ. (Tôi sử dụng chữ ‘có lẽ” ở đây hơi quá nhiều. Có lẽ thế thật!).
oOo
Thật dễ dàng để trở thành một trong những gã đàn ông không có đàn bà. Bạn yêu say đắm một người nữ, rỗi bỗng nhiên nàng biến đi đâu mất. Chỉ cần thế thôi cũng đã đủ. Hầu hết là do (tôi chắc chắn bạn đã biết tỏng từ lâu) bọn thủy thủ điệu nghệ ra tay rù quến họ. Chúng dỗ ngon dỗ ngọt khiến các nàng xiêu lòng theo chúng đến tận cảng Marseilles hay khu Bờ Biển Ngà. Trước tình cảnh như thế, liệu chúng ta còn có thể làm được gì? Hoặc cũng có thể là do những người nữ của chúng ta đã chán ngấy bọn thủy thủ nên tìm cách tự hủy mình. Tình cảnh này càng khiến lũ đàn ông chúng ta phải bó tay. Thậm chí bọn thủy thủ cũng chỉ biết trơ mắt mà nhìn.
Dù bằng cách nào thì rốt cuộc bạn cũng đã trở thành gã đàn ông không có đàn bà. Trước cả khi bạn nhận ra được điều đó. Và một khi bạn trở thành gã đàn ông không có đàn bà, sự cô đơn ngấm sâu xuống tận cùng cơ thể, như giọt rượu vang đỏ loang lổ trên mặt tấm thảm nhạt màu. Bất kể bạn học theo bao nhiêu quyển sách gia dụng chỉ cách tẩy xóa vết loang lổ ấy thì công việc cũng vẫn không dễ dàng hơn chút nào. Với thời gian, vết loang lổ ấy có mờ nhạt đi, nhưng chúng vẫn còn đó, cho đến ngày bạn thở hơi cuối cùng. Vết loang lổ có quyền hiện hữu như một vết loang lổ, có quyền lâu lâu lên tiếng báo cho mọi người biết sự hiện hữu của mình. Thế là bạn đành phải sống nốt quãng đời còn lại của mình với sự biến màu từ từ của vết loang, cùng với hình dạng mơ hồ của nó.
Trong thế giới ấy, âm thanh nghe ra rất khác. Và cảm giác khát nước của bạn cũng khác. Kể cả cách mọc của hàm râu. Kể cả cách người pha cà phê ở tiệm Starbucks phục vụ bạn. Khác cả âm thanh tiếng kèn Jazz của nhạc sĩ kèn đồng lừng danh Clifford Brown. Tiếng cửa xe điện ngầm đóng lại mang âm thanh mới mẻ và không giống như trước đây. Khỏang cách quãng đường bạn đi từ khu mua sắm Omote Sando đến nhà ga xe điện ngầm Aoyama Itchome đã không còn giống như trước đây bạn đã từng một lần đi qua. Có thể bạn sẽ gặp một người phụ nữ mới, bất kể nàng tuyệt vời như thế nào, bạn bắt đầu có cảm tưởng sẽ mất nàng ngay vào lúc vừa gặp gỡ (mà thực sự, nàng càng tuyệt vời bao nhiêu, thì cảm tưởng sẽ mất nàng càng là sự thực bấy nhiêu). Cái bóng khó quên của các chàng thủy thủ, thứ ngôn ngữ ngọai quốc mà họ sử dụng (Hy Lạp? Estonian? Tagalog?) làm cho bạn cảm thấy bất an trong lòng. Tên những hải cảng xa lạ ở khắp nơi trên thế giới khiến bạn lại càng thêm nản. Bởi vì hơn ai hết, bạn đã biết thế nào là một gã đàn ông không có đàn bà. Bạn là tấm thảm Ba Tư mang màu trắng nhạt và nỗi cô đơn là vết loang lổ trên thảm rơi vãi từ ly rượu vang Bordeaux vốn không bao giờ có thể bị tẩy xóa được. Cô đơn đến từ nước Pháp, còn nỗi đau của vết thương lòng thì đến từ khu vực Trung Đông. Với những gã đàn ông không có đàn bà, thế giới này là một sự pha trộn giữa nỗi đắng cay và sự mênh mông trống vắng, rất gần gủi với mặt phía sau của vầng trăng đêm.
oOo
Cuộc tình của tôi và M kéo dài được chừng hai năm. Khỏang thời gian không thể được coi là dài lâu. Nhưng đó là thời khỏang đầy những dấu ấn. Bạn có thể nói, chỉ có hai năm thôi. Hoặc, suốt hai năm dài. Tất cả tùy thuộc cách đánh giá của bạn. Tôi nói là chúng tôi yêu nhau hai năm, nhưng thực ra mỗi tháng chỉ có đôi ba lần chúng tôi gặp gỡ. Nàng có những lý do riêng của nàng, còn tôi có những lý do của riêng tôi. Lúc này, tiếc thay, chúng tôi không còn ở tuổi 14 nữa. Đó là những lý do khiến cuộc tình của chúng tôi tan vỡ. Dù tôi cố gắng níu giữ, nàng vẫn dứt ra mà bỏ đi. Bóng ma đậm đặc, đen ngòm của những gã thủy thủ vẫn tàn nhẫn hiện hữu, tưởng tượng như chúng còn tiếp tục rải tung tóe những chiếc đinh kẹp giấy nhọn hoắt ra khắp nơi.
Một điều tôi nhớ rõ về M là nàng rất yêu thích loại nhạc thường được dùng làm “nhạc nền”* trong các khu mua sắm, cửa tiệm buôn bán. Chẳng hạn như nhạc của Percy Faith, Raymond Lefevre, Frank Chacksfield, Francis Lai 101 Strings, Paul Mauriat, Billy Vaughan. Sự yêu thích của nàng có tính cách định mệnh cho lọai nhạc – mà tôi cho là –vô hại này. Tiếng đàn dây trong sáng, âm thanh nhạc cụ bằng gỗ nở phồng đầy quyến rũ, hơi kèn đồng nén nghẹn, cộng thêm tiếng hạc cầm nhẹ nhàng ve vuốt trái tim. Giai điệu êm ái dường như không bao giờ ngưng nghỉ, âm thanh hài hòa như viên kẹo tan chảy trong miệng, cùng với liều lượng biến tấu vang vọng vừa đủ.
Riêng tôi lại thích nghe nhạc rock hay nhạc blue buồn trong lúc lái xe. Những Dereck and the Dominos, Otis Redding, The Doors. Nhưng M không bao giờ để tôi làm theo ý thích. Nàng lúc nào cũng kè kèn bên mình cái túi giấy đựng hàng chục cuộn băng cát-sét loại nhạc nền vô hại và sẵn sàng nghe hết cuộn này đến cuộn khác. Chúng tôi lái xe chạy vòng vòng trong lúc nàng nhỏ giọng ư ử hát theo điệu nhạc bài “13 jours en France” của Francis Lai. Làn môi gợi dục bôi một lớp son nhạt của nàng thật đáng yêu biết bao. Chắc là nàng phải sở hữu hàng chục ngàn cuộn băng nhạc như thế. Nàng còn biết tất cả những gì liên quan đến loại nhạc vô hại này. Nếu như có một viện bảo tàng nhạc nền trên thế giới, thì hẳn nàng phải là giám đốc viện.
Lúc chúng tôi làm tình với nhau cũng chẳng khác gì. Nàng luôn luôn nghe nhạc trong khi ăn nằm với tôi. Tôi không nhớ nổi đã nghe bao nhiêu lần bản “A Summer Place” của Percy Faith những khi đang ân ái. Giờ đây, tôi cảm thấy hơi ngượng ngùng khi phải thú nhận rằng mỗi khi nghe lại bản nhạc này, tôi đều cảm thấy rạo rực, hơi thở gấp gáp, mặt mày đỏ lựng. Bạn có thể sục sạo khắp mọi ngõ ngách trên thế giới nhưng tôi cược là bạn sẽ chỉ tìm thấy một anh đàn ông – là tôi – mới chỉ nghe phần nhạc dạo đầu của bản “A Summer Place” là cả người đã nóng ran rậm rực. Không, không chỉ có tôi, có lẽ còn có cả anh chồng của nàng nữa. Vậy hãy tạm thời khoan kết luận việc đó. Bạn có thể sục sạo khắp mọi ngõ ngách trên thế giới và có lẽ chỉ gặp được 2 gã đàn ông (trong đó có tôi) mỗi khi nghe nhạc dạo đầu bản “A Summer Place” là cơ thể rạo rực khát thèm. Chúng ta có thể nói lại câu ấy như vậy nhé. Tôi nghĩ thế là đúng nhất đấy.
Khoảng trống.
Có lần M bảo: “ Lý do khiến em thích lọai nhạc này là do vấn đề khoảng trống”.
“Khoảng trống ư?”
“Khi nghe loại nhạc này, em cảm thấy mình đang ở trong một khoảng không trống toang trống hoác. Đó là thứ không gian mênh mông vô tận, không biên giới, không lằn ranh. Không tường, không trần. Em không cần phải nghĩ ngợi gì, phải thưa thốt điều gì, hoặc phải làm một điều gì. Chỉ có mặt trong khoảng không gian đó là đủ. Nhắm mắt lại, thả cả hồn lẫn xác theo với tiếng đàn dây tuyệt diệu. Không nhức đầu, không cảm thấy lạnh lẽo, không có kinh, không rụng trứng. Mọi thứ đều trở nên hoàn hảo, an bình, tuôn chảy. Chỉ đơn giản, em hiện hữu.”
“Giống như em đang ở thiên đàng?”
“Đúng vậy!” M trả lời. “Em tin chắc mình ở thiên đàng khi Percy Faith chơi nhạc nền. Anh xoa lưng em thêm một chút nữa được không?”
“Được chứ!”. Tôi trả lời nàng.
“Anh xoa lưng thiệt đã!”
Henry Mancini ** và tôi lén nhìn nhau, trên môi chúng tôi nhếch nhẹ một nụ cười.
Nhạc nền là một trong những thứ mà tôi đã đánh mất. Mỗi lần ngồi vào tay lái ý nghĩ ấy lại ám ảnh tôi. Những lúc ngừng xe chờ đèn xanh, tôi cứ hy vọng hão rằng sẽ có một cô gái nào đó mà trước đây tôi không hề để mắt tới, bỗng nhiên xuất hiện rồi mở cửa chui tọt vào xe, chẳng nói chẳng rằng đút cuộn cát-sét có bài “A Summer Place” vào ổ băng chơi nhạc. Thậm chí có lần tôi đã nằm mơ thấy như vậy. Tất nhiên, điều ấy sẽ chẳng hề xẩy ra. Bởi vì chiếc xe hiện giờ của tôi không có chỗ để chơi băng cát-sét như chiếc trước đây. Giờ thì để nghe nhạc, tôi sử dụng cái ipod với dây cắm là một sợi USB. Nhạc Francis Lai101 Strings không có tên trên danh sách nhạc chứa trong ipod của tôi. Thay vào đó hẳn phải là nhạc của Gorillaz hay The Black Eyed Peas.
Mất một người đàn bà trong đời là như vậy đấy. Và đến một thời điểm nào đó, mất một người đàn bà cũng có nghĩa là mất tất cả mọi người đàn bà. Thế là chúng ta trở thành những gã đàn ông không có đàn bà. Chúng ta mất luôn Percy Faith, Francis Lai, và 101 Strings. Mất cả luôn những vỏ ốc và vây cá. Luôn cả cái lưng đẹp tuyệt trần của nàng. Tôi thường lấy lòng bàn tay xoa lưng cho nàng, vừa đúng lúc khúc nhịp ba mềm mại trong bản “Moon River” của Henry Mancini trỗi lên. Hãy chờ nhau nơi khúc quanh, này anh bạn Huckleberry của tôi. . .
Tất cả những thứ đó giờ không còn nữa. Có còn lại chăng chỉ là nửa cục tẩy cũ mèm và tiếng ca buồn não nuột của những gã thủy thủ phương xa. Và tượng con kỳ lân bên cạnh vòi nước với cái sừng độc nhất của nó chỉa thẳng lên trời.
Tôi hy vọng M giờ đang ở trên thiên đàng – hoặc một nơi nào đó tương tự – thưởng thức bản nhạc “A Summer Place”. Và bao bọc chung quanh nàng là lọai nhạc mênh mang, không hề có biên giới cách ngăn ấy. Tôi cũng hy vọng không có sự hiện diện của ban nhạc Rock Jefferson Airplane. (Chắc hẳn thượng đế không đến nỗi độc ác như thế). Sẽ thật là đáng yêu nếu như, trong lúc lắng nghe âm thanh búng dây từ cây vĩ cầm của bản “A Summer Place”, tâm tư nàng thỉnh thỏang hướng về tôi. Nhưng cũng có thể đòi hỏi như vậy là quá nhiều. Tôi cầu xin, dẫu như tôi không được là một phần trong đó, M vẫn được sống hạnh phúc và an lành cùng với thứ âm nhạc nền vĩnh cửu.
Với tư cách là một người trong số những gã đàn ông không có đàn bà, tôi thành tâm cầu xin với cả tấm lòng. Đến lúc này thì có vẻ như cầu nguyện là điều duy nhất tôi có thể làm được. Có lẽ vậy.

Haruki Murakami
T.Vấn
dịch từ bản tiếng Anh của Philip Gabriel

*Bản Anh Ngữ: “Elevator music”, còn được gọi là Muzak hay background music; là những bài ca phổ thông chơi bằng nhạc cụ (hòa tấu – không có lời hát), thường được dùng làm nhạc nền cho những cửa tiệm mua sắm, nhà hàng, văn phòng làm việc, và cả thang máy.
** Bản “A Summer Place”, nguyên bản, là nhạc nền chính cho cuốn phim cùng tên “A Summer Place” (1959), với phần nhạc của Max Steiner và Mack Discant viết lời. Sau này, nhà soạn nhạc người Canada Percy Faith viết riêng phần nhạc hòa tấu cho bản nhạc và thu dĩa bởi ban đại hòa tấu do nhạc trưởng người Mỹ Henry Mancini điều khiển.