Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội!
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!
Lẽ nào trời đất dung tha?
Ai bảo thần dân chịu được?
Khoảng bằng giờ này năm trước, báo Thanh Niên Online (số ra ngày 7 tháng 11) ái
ngại loan tin:
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn
Bô vừa trút hơi thở cuối cùng vào đêm 5.11 tại Hà Nội trong sự tiếc thương và
ngưỡng mộ của hàng triệu người Việt Nam yêu Tổ quốc. Không nhiều người biết,
lúc cụ nhắm mắt, nỗi buồn sâu thẳm trong lòng vẫn chưa được khơi thông, thậm
chí còn là nỗi buồn nhân đôi!
Chuyện gì mà buồn dữ vậy, Trời?
Tác giả bài báo thượng dẫn, nhà báo Quốc Phong, cho biết:
Năm 1954, sau khi Cách mạng về tiếp quản Thủ đô, hai vợ chồng cụ Trịnh
Văn Bô khi đó đã cho Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái mượn ngôi biệt thự tại
34 Hoàng Diệu, Hà Nội có khuôn viên rộng 3.000 m2 trong 2 năm. Lý do
tướng Thái muốn mượn là vì nó rất tiện cho công việc. Nhất là lúc này, đất nước
vẫn còn chia cắt và cuộc chiến đấu giải phóng đất nước vẫn chưa trọn vẹn. Vị
trí này rất tiện làm việc vì nó rất gần Bộ Quốc phòng. Theo như lời hứa của
tướng Thái (sau này là đại tướng) thì “khi nào Bắc Nam thống nhất, quân đội sẽ
trả anh chị”…
Thế rồi, phải đến ngày 9.9.1994, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô mới có quyết định
của Thủ tướng trả nhà, dù rằng có chút tế nhị, ngôi biệt thự 34 Hoàng Diệu được
ghi là “Tặng” gia đình, do ông bà Trịnh Văn Bô có công lao to lớn đối với đất
nước trong Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc… “Ngày vui vắn chẳng tày gang”,
tiếc thay, vì lý do nào đó, quyết định “Tặng nhà” trên đã bị tạm dừng (tháng
3.1995) đến nay vẫn chưa được thi hành.
Qua đến năm nay, câu chuyện về “nỗi buồn sâu thẳm” kể trên lại “rẽ”
hướng khác (e) cũng chả vui gì – theo bản tin của báo Người Lao Động, số ra hôm 5 tháng 12 năm 2018:
“Hà Nội Chính Thức Có Phô Mang Nhà Tư Sản Trịnh Văn Bô.”
Sự kiện này khiến tôi nhớ đến bức thư (“Gửi Bạn Ở Cõi-Bên-Kia”) của dịch giả Dương
Tường, viết vào ngày giỗ đầu của nhà văn Bùi Ngọc Tấn:
“Mình đang đi trên một con phố mới, hình như ở Hải Phòng. Lạ hoắc song lại
có nét gì quen quen mà không tài nào xác định nổi. Giống như khi ta cố nhớ ra
một cái tên rất thân quen, chắc chắn nó ở quanh quanh đâu đây trong bộ nhớ, chỉ
dấn chút xíu nữa là ‘bắt’ được mà nó vẫn vuột mất để rồi đến một lúc thôi không
cố nhớ nữa thì nó lại bất ngờ hiện ra. À, đây rồi cái biển tên phố gắn trên một
cột đèn. Mình tiến lại và đọc thấy: BÙI NGỌC TẤN…
Thế là mình thức giấc. Và ngồi viết thư cho Tấn đây…
Hà Nội đã có những đường phố mang tên Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ
Trọng Phụng, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng …, những điểm son
của văn học Việt Nam. Thế còn bao giờ Nam Định có phố Trần Dần, Bắc Ninh có phố
Hoàng Cầm, Thanh Hóa có phố Hữu Loan, Yên Bái có phố Lê Đạt, Thừa Thiên-Huế có
phố Phùng Quán? Và Hải Phòng có phố Bùi Ngọc Tấn? Một dự cảm tâm linh nói với
mình: rồi những giá trị đích thực sẽ được trả về đúng vị trí. Con đường mình
vừa dạo chơi trong mơ – đường Bùi Ngọc Tấn – rồi sẽ thực sư có trong thực tại.
Và biết đâu đấy, mình lại có dịp thả bộ trên con đường ấy, như đã thả bộ trên
đường Văn Cao dăm năm trước …”
Con đường “trong mơ” của Dương Tường, tiếc thay, chưa chắc đã được
mọi người chia sẻ:
“Tôi thỉnh thoảng dạo phố vẫn hay dừng lại nhìn lên một tên phố mà chuyện
trò lặng lẽ với con người ngồi ở trên cái bảng sắt tây dó. Để nghe anh ta giãi
bày. Và cũng để anh ta đừng tưởng bở.
Thí dụ Văn Cao, ngày hai lượt ra trung tâm thành phố và về Cầu Giấy, tôi
từng có lần hỏi anh: Cậu khỏe không? … Bây giờ ở trên cao này có thấy sao
không?” Thì Văn Cao bảo tôi: “Tao làm nhạc, làm thơ, vẽ, ai hay nay làm diễn
viên lên sân khấu đóng vai kịch ca ngợi đảng trọng hiền tài. Mày với tao sống
trong cái chăn toàn rận này, mày lạ đ. gì nữa.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù II. Westminster, CA: Người Việt,
2014).
Cái chăn đời của Bùi Ngọc Tấn không chỉ toàn rận mà còn thấm
đẫm biết bao nhiêu mồ hôi cùng nước mắt. Ở trang bìa sau tác phẩm
cuối cùng (Hậu Chuyện Kể Năm 2000) của ông, do Tiếng Quê Hương
xuất bản năm 2014, có in những dòng sau:
“Tôi mong đợi từng ngày và mong đợi quá lâu rồi, sự sụp đổ của cái trật tự
bóp chết con người, bóp chết tự do, sự dối trá thống trị, cái trật tự làm thành
một bầu trời đá xám úp chụp lên đầu ..! Cái trật tự xã hội tôi đã sống gần trọn
đời và ghê sợ nó.”
Chả ai ước mơ được đặt tên đường trong một cái xứ sở mà mình
“mong đợi từng ngày” cho nó “sụp đổ” cả. Đã thế, thực chả vinh hạnh
chi khi tên mình bị đặt nằm giữa những con phố đầy rẫy bất trắc và
tệ đoan xã hội:
– “Quét Gái Mãi Dâm Trên Đường Nguyễn Chí Thanh” – báo An Ninh Thủ Đô
– “Đột Nhập Động Mãi Dâm Trên Đường Phạm Văn Đồng” – báo Người Đưa Tin
– “Bắt Kẻ Giao Hàng Trắng Dọc Đường Trường Chinh” – báo An Ninh Thủ Đô
– “Trộm Vàng Táo Tợn Trên Đường Xuân Thuỷ” – báo VietNamNet
– “Phóng Viên Truy Đuổi Đối Tượng Trộm Cắp Trên Đường Phạm Hùng” – báo An Ninh Thủ Đô
– “Dàn Cảnh Cướp Xe Trên Đường Hồ Chí Minh” – báo Dân Trí
-“Đột Kích Hàng Loạt Tụ Điểm Mát Xa Kích Dục Trên Đường Nguyễn
Duy Trinh” – Báo Vnexpress.
Thế còn Trịnh Văn Bô? Liệu cụ có hào hứng đứng cạnh các vị “danh
tướng” (Hoàng Văn Thái, Võ Nguyên Giáp) mà chính họ hay con cháu đã giựt mất tài sản và nhà cửa
của gia đình mình không? Tôi cũng không tin rằng cụ lại “muốn làm diễn
viên lên sân khấu đóng vai kịch ca ngợi đảng trọng hiền tài” trong khi cái
đảng ôn dịch này không chỉ vô ơn mà còn độc ác nữa:
Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành “cải tạo xã hội chủ nghĩa”
trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ sở kinh
doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu gọi “làm gương”, đưa xưởng dệt
của bà vào “công tư hợp doanh”. Bà Bô cùng các nhà tư sản được cho học tập để
nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc lột …
Cho dù được ghi nhận công lao, trong lý lịch các con của ông Trịnh Văn
Bô vẫn phải ghi thành phần giai cấp là “tư sản dân tộc”, và rất ít khi hai chữ
“dân tộc” được nhắc tới. Con trai ông Trịnh Văn Bô, ông Trịnh Kiến Quốc kể: “Ở
trường, các thầy giáo, nhất là giáo viên chính trị, nhìn chị em tôi như những
công dân hạng ba. Vào đại học, càng bị kỳ thị vì lượng sinh viên người Hà Nội
không còn nhiều… Cả gia đình ông Trịnh Văn Bô, sau khi về Hà Nội đã phải ở nhà
thuê. Năm 1954, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái có làm giấy mượn căn nhà số 34 Hoàng
Diệu của ông với thời hạn 2 năm. Nhưng cho đến khi ông Trịnh Văn Bô qua đời,
gia đình ông vẫn không đòi lại được. (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster,
CA: 2013).
Sau đường Trịnh Văn Bô, rồi ra sẽ có đường Nguyễn Thị Năm, Nguyễn
Mạnh Tường, Trần Đức Thảo chăng? Cứ giết người, cướp của, đầy đọa,
chôn sống nhân tài rồi tìm cách xí xoá mọi chuyện bằng một cái
bảng tên đường (vớ vẩn) gì đó là coi như xong sao? Chuyện đời đâu có
giản dị như vậy. Trúc Nam Sơn có thể không ghi hết tội
nhưng mạng internet thì bảo đảm sẽ lưu giữ không thiếu tội nào. Lẽ nào
trời đất dung tha? Ai bảo thần dân chịu được?
Tưởng Năng Tiến