1.
Hằng năm, cứ khi khí trời chợt se lạnh, vào sáng sớm vài khi còn có những làn
sương mỏng lãng đãng ngoài đường phố, nguời dân Sài Gòn không khỏi chợt nhớ
“Noel đến rồi!”. Nhiều ngõ ngách, phố phường ‘Hòn ngọc Viễn Đông’- như mỹ danh
thật xưa mà người Pháp đã trìu mến đặt cho thủ đô cũ của Việt Nam – bắt đầu có
vẻ đổi khác, sinh động hẳn lên bởi việc chuẩn bị đón mừng mùa Giáng sinh, cũng
là đón năm dương lịch mới.
Hướng về lễ Giáng sinh sớm nhất vẫn là giới kinh doanh, buôn bán. Mới khoảng
tháng 11, từ vùng Sài Gòn đến vùng Chợ Lớn đã đồng loạt đỏ thắm sắc màu của
thiệp mừng và đồ trang trí Noel 2018 cùng Năm Mới 2019. Riêng những khu phố xá
giàu có như trung tâm Quận 1, dù năm nay nhà thờ Đức Bà tạm đóng cửa để sửa
chữa nhưng đường Đồng Khởi (Tự Do cũ), như các năm qua, lại cũng lối trang trí
đèn L.E.A.D sáng nhấp nháy giăng lên khắp những hàng cây trên vỉa hè, tạo nên
một khung cảnh đẹp huyền ảo vào ban đêm. Các mặt tiền, cả những ô cửa sổ trên
lầu một số khách sạn, nhà hàng được thiết kế thành những bức ảnh động của các
chú người tuyết mang trên tay những thông điệp mừng Giáng sinh. Riêng những đại
sảnh của các trung tâm thương mại, khách sạn lớn, như: Vincom Center Đồng Khởi,
Oscar, Sheraton Saigon, Caravelle, … thì mùa Noel/Tết Tây nào cũng được trang
trí vô cùng lộng lẫy, tráng lệ.
Sài Gòn còn có một địa điểm vui chơi nữa cũng rất náo nhiệt, được nhiều người
chấm là địa điểm đẹp nhất Sài Gòn để chụp ảnh vào mùa Noel – đó là khu mặt tiền
cao ốc Diamond Plaza, kéo dài đến góc ngã tư Lê Duẩn – Phạm Ngọc Thạch (Q.1).
Năm nào ở đây cũng có tượng Ông già Noel khá lớn cùng cỗ xe tuần lộc thật rộng
rãi cho trẻ em lên ngồi chơi cùng các mô hình trang trí độc đáo, sắc màu rực
rỡ, như những hộp quà khổng lồ màu vàng nhũ, những cây kẹo ba-ton 2 màu
đỏ/trắng, các chú lính chì và bong bóng màu đỏ, vài bãi tuyết trắng tinh…
Để đón mừng ngày Chúa giáng sinh, giới kinh doanh, mại bản ở Sài Gòn đã sớm
chưng dọn cơ ngơi một cách hào nhoáng, có qui mô rình rang, tốn kém đến thế,
còn các ‘nhà của Chúa’ tức các nhà thờ thì sao? Từ các tháng cận Noel, những
nghệ nhân và thợ tô làm việc ở các tiệm chuyên tô đắp tượng Chúa và các thánh ở
khu Chợ Ga (phường 9 Phú Nhuận) đã phải tăng tốc, thậm chí làm cả ban đêm, để
kịp hoàn thành những pho tượng mới hay chỉnh trang cho xong số tượng cũ mà một
số nhà thờ đã đặt làm và muốn khánh thành tượng mới hay dựng tượng trở lại chỗ
cũ nhất định phải vào trước ngày 24 -12. Một số nhà thờ khác, như nhà thờ Gò
Vấp (ở phường 4), nhà thờ Bác Ái (gần chợ Cây Quéo, quận Bình Thạnh)…, còn nhờ
các anh em thợ tô tượng đem đồ nghề đến để làm mới lại toàn bộ số tượng bày
trong thánh đường và khuôn viên.
Ở Quận 1, nổi tiếng lớn nhất, đẹp nhất vốn có hai nhà thờ cùng một kiểu mẫu thì
năm nay nhà thờ Đức Bà đã tạm đóng cửa, còn lại nhà thờ Tân Định. Thánh đường
khánh thành năm 1876 (tức là công trình kiến trúc Thiên Chúa giáo được xây dựng
sớm nhất ở Sài Gòn) này năm nào cũng hoàn tất việc giăng đèn, sao và bày hang
đá Bê-lem rất sớm.Với màu hồng đặc trưng (nhà thờ được sơn lại hết bên ngoài,
bên trong hồi năm 2000) và tháp chuông cao vút, nhà thờ Tân Định luôn nổi bật
trên nền trời xanh thẳm, trông càng đẹp mắt hơn vào mùa Noel. Hơn thế, khi còn
hơn 1 tháng nữa là tới lễ Giáng Sinh, phố Tân Định đã nhộn nhịp hẳn lên với các
cửa hiệu chuyên buôn bán hàng hàng trí Noel nằm dọc theo đường Hai Bà Trưng và
đường Võ Thị Sáu.
2.
Tất nhiên, Sài Gòn không chỉ toàn là phố xá sang trọng, giàu có như quang cảnh
sinh hoạt của riêng những khu kinh doanh, thương mại bề thế, hoành tráng tọa
lạc tập trung nơi các quận trung tâm thành phố là quận 1, quận 3 hay quận 5,
cũng như bộ mặt lễ hội Giáng sinh hằng năm của Sài Gòn không phải chỉ được biểu
trưng bởi muôn đèn, sao lộng lẫy, những cây thông nhũ bạc cao ngất, những hang
đá đồ sộ… được đem trang trí riêng cho những tòa cao ốc, trung tâm thương mại,
khách sạn, nhà hàng hay các nhà thờ lớn. Ở những quận ven hay vùng ngoại ô,
trong những xóm dân lao động, khu phố đông người nghèo và người nhập cư cơ khổ,
bằng những cách khiêm tốn hơn rất nhiều, người Sài Gòn lớp nghèo hoặc ít khá
giã vẫn đón mừng ngày Chúa ra đời.
Càng gần đến Noel, tại nhà các gia đình giáo dân càng bận rộn việc chuẩn bị đón
Giáng sinh, kể cả một số gia đình theo đạo khác cũng tham gia ‘chơi Noel’ cho vui
nhà, vui cửa. Ở nhiều gia đình, để tiết kiệm tiền mua đồ mới, những hang đá,
dây đèn L.E.A.D, ngôi sao, cây thông nhựa, bộ trái châu, dây kim tuyến.v.v…, đã
được chủ nhà dọn cất sau mùa Noel năm ngoái lại được lấy ra, đem phủi bụi, lau
rửa, uốn chỉnh…, nghĩa là ‘tân trang’ lại cho thẳng thớm, đẹp đẽ để bày ra
phòng khách.
Như ở gần nơi những người thợ tô tượng sinh sống, làm ăn ở phường 9 Phú Nhuận
là khu chợ Ga, có một con hẽm nhỏ hẹp gọi là ‘hẽm 112 đường Hồ Văn Huê’ mà từ
xa xưa, về sống tại hẽm có những gia đình theo đạo, họp thành giáo họ Phê rô
(thuộc giáo xứ Phát Diệm). Với gốc gác chung là người Bắc di cư lớp nghèo, vào
năm 1971 ban điều hành giáo họ đã cố gắng kêu gọi mỗi nhà anh chị em hùn góp
chút công, chút của và dần hồi xây được một đài Đức Mẹ Fatima giản dị, mộc mạc
ở một quãng trống giữa con hẽm. Đến năm 2001, đài được trùng tu cho khang trang
hơn. Không bỏ sót mùa Giáng sinh năm nào, cứ vào khoảng các ngày 10 – 15 tháng
12, mỗi nhà lại hùn chút ít và công cán cũng do người trong giáo họ góp vào để
cùng sửa sang, quét sơn mới, trang trí cho đài Đức Mẹ. Giáo họ còn làm thêm một
hang đá nho nhỏ, có đầy đủ Chúa hài đồng, Đức Mẹ, thánh Giuse, ba vua, dê, cừu…
dưới chân đài, và giăng đèn dọc theo con hẽm ra đến đường Hồ Văn Huê. Tối đến,
khi các dây đèn trên đài Đức Mẹ, trong hang đá và dọc dài theo hẽm được mở sáng
đồng loạt, cửa nẻo nhà nhà đều rộng mở, mọi người trò chuyện rôm rả, tách trà,
chén nước mời nhau trong tiếng cười, tiếng nói…
Sự đồng tâm nhất trí để cùng làm chút công đức hướng về ngày Chúa ra đời của
một cộng đồng giáo dân ‘ngỏ hẽm’ kiểu giáo họ Phê rô nói trên cũng được tìm
thấy trong con hẽm số 48 đường Lê Lợi, quận Gò Vấp. Một đài Đức Mẹ Mân Côi đã
được dựng lên thật trang trọng, tươi tắn như một vườn hoa nhỏ ở một khúc quanh trong
hẽm là do anh chị em thuộc giáo xứ Sao Mai (hiện nay gọi là giáo xứ Gò Vầp) góp
công sức mà thành. Ngoài việc thường xuyên quét tước, thay hoa tươi và dọn tro
bát hương thờ Đức Mẹ, cứ vào mùa Giáng sinh là giáo dân ngụ trong hẽm 48 lại
cùng nhau làm hang đá, giăng đèn và treo các ngôi sao cỡ lớn để trang hoàng cho
đài Đức Mẹ thật đẹp đẽ. Năm nay, đến cận ngày 24, có người nêu ý kiến là dưới
chân bệ tượng, tấm đồng khắc dòng chữ “Ave Maria” đã bị ố vàng bởi mưa nắng thì
bà con tán thành thay luôn bằng một tấm bảng mới sáng choang…
Phạm Nga