15 December 2018

THƠ Ở SEATTLE - Bùi Bích Hà


Khoảng hơn một thập niên trước, tại quận Cam, California, trong một dịp sinh hoạt giới thiệu ba nhà thơ có nhiều tác phẩm được cộng đồng người Việt hải ngoại yêu mến, gồm chị Trần Mộng Tú, Dạ Nhiên và anh Ngu Yên, có người hỏi Trần Mộng Tú cơ duyên nào đã đưa chị trở thành thi sĩ? Nhà thơ dường như buột miệng mà trả lời: “Thơ tìm tôi chứ tôi không tìm thơ.” Lập tức nghe lao xao trong mấy hàng ghế thính giả lời bình phẩm của ai đó, cho rằng nhà thơ họ Trần cao ngạo quá!

Thân thiết với nhà thơ là thế mà chính tôi cũng hơi ngẩn ngơ, chưa hiểu chị muốn ngụ ý gì tuy tôi biết chắc bạn tôi không bao giờ “cao ngạo” cả. Hình như những người làm thơ hay vốn không bận tâm mấy về chuyện eo xèo của đời thường vì lương thực nuôi sống họ toàn là hương thơm và châu báu.

Giờ đây, sau hơn nửa thế kỷ làm thơ không mỏi mệt, một đêm Tháng Tư (như nhiều đêm tháng khác, ngày khác) thi sĩ đang ngủ thì thơ lại đến, đánh thức người dậy và cầm tay người để viết xuống những câu “Họ chết như ốc vỡ, sóng biển là khăn tang,” thì tôi chợt hiểu câu nói của Trần Mộng Tú mười mấy năm trước: “Thơ tìm tôi.”

Nhà văn Phạm Xuân Ðài, trong một dịp phát biểu về tài năng Trần Mộng Tú, có nói: “Chị là người làm thơ lâu nhất trong làng thơ Việt Nam”. Cứ tưởng tượng nếu thơ không tìm chị mà chị phải vật vã, mò mẫm đi tìm thơ trong suốt chặng đường dài phi thường kia, nói theo một câu ngạn ngữ tiếng Pháp, “Dans la vie, on cherche ce qu’on ne trouve pas,” tạm dịch: “Trong cõi đời này, con người đi tìm những gì không bao giờ thấy được,” tôi chắc chị không cách nào lê bước trên con đường thơ tưởng chừng dài bất tận ấy. Vả chăng, tìm kiếm chữ, tựa như tìm kiếm miếng ván, con ốc, lắp vào nhau, sao cho vừa một cái mặt bàn thì chỉ có được cái bàn chứ không có thơ. Trên thi đàn hải ngoại thế kỷ này, càng lúc càng có nhiều nghệ nhân làm công việc lắp thơ. Tôi thành thực xin tạ lỗi đã dùng hai chữ nghệ nhân vào nhận định trên vì quả đáng tội, ngay cả lắp thơ thì cũng phải có tấm lòng với thơ, có chút tình với thơ mới có thể hy sinh thời giờ gởi vào hư vô những công trình nhiều tâm huyết đến thế!

Trong đời, có hai cái khó, tuyệt đối khó. Thứ nhất, khi phải nói về chính mình. Ðiều này, khi nhập cư vào Mỹ, chúng ta được khuyến khích làm ngược lại: sale yourself. Khổ nỗi, người Việt Nam dù Mỹ hóa, có lẽ cũng mới chỉ được một nửa. Rao bán gì thì cứ rao, không dám rao bán cái tôi. Thứ hai, nói về người bạn chí thân, cách nào đó, cũng tựa như nói về chính mình. Càng khó hơn vì không biết có giữ được sự chí công vô tư để không lỗi đạo với bạn, với đời hay với cả hai cùng một lúc không?

Trần Mộng Tú từng trả lời: “Thơ tìm tôi.” Qua giai đoạn tìm, thơ đã nhập vào chị. Thơ trong mắt: nhìn đâu cũng thấy thơ… Thơ trên môi, xúc động hát lên thơ… Thơ trong tim, trong phổi: thở bằng thơ… Thơ trong huyết quản: buồn vui chảy xuống thơ… Thơ trong thân thể: rạo rực vần điệu, lung linh chữ nghĩa…

Nói là tài năng, rất đúng. Nói là duyên may, cũng không sai. Hóa ra Trần Mộng Tú rất chân thật khi nhìn nhận thơ đã chọn chị, biến chị thành lầu vàng điện ngọc của thơ. Thế nhưng như vậy, dường như vẫn không công bằng với chị vì đâu phải ai được chọn cũng cùng thơ trăm năm bền duyên tơ tóc, lòng cứ trẻ mãi không già và tình tự cứ mãi không phôi pha? Có lẽ nên nghĩ là thơ và chị cùng chọn nhau, trong những khao khát, gửi gắm và thể hiện nồng nàn nhất, tinh tế nhất, màu nhiệm nhất, bằng một cột buộc thế gian thật hiếm hoi.

Nói về tình yêu với thơ, có những đền đáp rực rỡ nhưng ngắn ngủi, của “một lần lóe lên, thắp đời em sáng lung linh” (Từ Công Phụng). Có những đền đáp nửa đường “duyên trăm năm đứt đoạn, tình một thuở còn vương” (Đoàn Phú Tứ). Riêng với Trần Mộng Tú, chao ôi, da mồi tóc bạc vẫn đẹp mãi cùng thơ.

Làm sao có thể nói đầy đủ về con đường thơ hơn 60 năm của Trần Mộng Tú? Ðành lại chao ôi lần nữa! Vì, nói năng chi cũng thừa. Thực tế, thơ và người gắn bó như bóng với hình đã là suối nguồn huyền diệu.

Thơ thể nhập vào người chan hòa, trọn vẹn, không thấy đường biên, chỗ nối, thì cả đời người là một bài thơ trường thiên, ngắt quãng nhưng không dứt, là âm ba vuốt lên dây tơ của cây vĩ cầm làm rung chuyển cả những tầng thanh khí.

Hạnh phúc hay khổ đau, buồn hay vui, yêu hay hận, cảm xúc cháy lên bằng thơ, sáng láng, mê hoặc, trong mỗi phút giây; cảm xúc òa ra trong thơ, mênh mang, chan chứa, thơm từng ngón tay, chân tóc người thơ và người đọc thơ, mùi hoàng lan, mùi oải hương hay mùi trầm của những khu rừng thiêng ở quê nhà?

Có cả mùi những quả cam sunkist hóa thân từ mặt trời chói lọi tình yêu, của gặp gỡ cận kề rồi biệt ly tan tác. Có cả mùi máu của anh (em) và của địch trong cuộc chiến được thơ giải oan và thánh hóa. Có cả mùi đại dương nhuốm bệnh và cá ốm trôi về nằm chết bên người như chiêm bao. “Có người nói khi nằm trong đất, da thịt tan nhưng tóc vẫn còn, em sẽ giấu thơ vào trong tóc, cho người cải táng được tay thơm” (Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 40).

Thơ Trần Mộng Tú nhẹ nhàng như thở, âu yếm, chan hòa với người, làm một, không ngự trên án thư mà lăn lóc giữa cuộc đời bình yên và giông bão từng mùa. Chiếc áo nhân gian dường như quá chật, người thơ rón rén may cho mình một chiếc áo riêng và thấy ra áo nào cũng không vừa: “Trăng kim nhũ tràn vào cửa sổ, trải lên giường một tấm chăn vàng, cởi áo ra đắp chăn đi ngủ, không dám cựa mình chỉ sợ trăng tan” (Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 40).

“Đêm qua trở gối nghe mưa, tình như chăn hẹp không vừa ấm tôi, co hoài vẫn hụt một nơi.” Nỗi lòng của thi sĩ là “kích thước không bao giờ vừa vặn” giữa áo và người, hiểu theo nghĩa giữa những giới hạn ràng buộc thế gian và hồn thơ không biên giới, mặc dầu, cho dù thơ thoát thai từ ngục tù êm ái ấy:“Trong đời sống này/ em có khác gì trang bản thảo/ bị ném vào/ một cái sọt khổng lồ/ cũng ngơ ngác màu da/ vụng về ngôn ngữ/ dùng thơ văn/ để gói trái tim mình” (Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 75).

Người đọc yêu thơ Trần Mộng Tú ít vì vẻ đẹp trau tria mà vì thấy mình trong thơ ấy, nghe được chính mình qua thơ ấy, cất được gánh nặng trong lòng và bay bổng nhờ thơ ấy: “Hãy tưởng tượng ra em, ở nơi không định tới, em tủi như chim khuyên, khóc trong lồng son mới.” Trong ký ức mang theo đời lưu lạc, có niềm đau khôn nguôi của những cây cầu đã gãy trên những dòng sông cạn khô: “Hôm nay tôi đang sống, trên quê hương của anh, trên quê hương có những cây cầu xây rất đẹp, trên quê hương có cây cầu nạm vàng nhưng suốt đời tôi làm thế nào tôi quên được những cây cầu trên đất nước Việt Nam. Những cây cầu bắc qua dòng sông tan tác, dòng máu, mồ hôi và nước mắt da vàng.” (Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 23).

Nếu thi sĩ Alphonse de Lamartine của trường phái thơ lãng mạn Pháp thế kỷ 19, có lúc kêu lên tiếng lòng thảng thốt của ông trong bài thơ nhớ về quê nhà nổi tiếng Milly ou La Terre Natale, qua mấy câu van vỉ: “Objets inanimés, avez-vous donc une âme/ Qui s’attache à notre âme et la force d’aimer?” (tạm dịch như sau: Hỡi các vật dụng im lìm kia, các người có một linh hồn quấn quyện hồn ta và thúc dục nó biết yêu đương không?) thì nhà thơ họ Trần tan vào cảnh vật quanh mình như không hề có sự ngăn cách và không cần câu hỏi.

Bà cho đất sự nhẫn nhịn: “Bạn ạ, sáng nay tôi làm tổn thương đất, thế mà đất thản nhiên chẳng nói năng gì, chiếc xẻng nhỏ xới đất lên tung tóe, thịt đất mềm vỡ vụn dưới tay tôi.” Bà cho đất sự bao dung: “Bạn có biết tôi chôn gì xuống đất? Tôi chôn những điều phiền muộn hôm qua, tôi chôn những lời không vui, những tình rất nhạt, đất thản nhiên tặng lại một đóa hoa.” Và cứ thế, bà cho hoa, cho lá lòng cao thượng, hoa bị cắt vẫn dâng hương trong bình nhỏ, lá bị vùi lấp phũ phàng vẫn sẵn sàng gom lửa chiều nay cho mọi ai cần hơi ấm (Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 124).

Tôi thích thơ Trần Mộng Tú vì tự nó là vọng âm đời cất lên bằng nhiều giai điệu, không nhất thiết vui, không nhất thiết buồn, không nhất thiết cách này hay cách khác mà là sự trộn lẫn hồn nhiên, giản dị, chạm tay vào được nên gần gũi, đáng yêu, của mọi màu sắc, mọi âm thanh như nó tự nhiên là thế, để làm nên hay để phản chiếu cuộc sống thiên hình vạn trạng của mỗi người và của mọi người, từ những điều nhỏ nhặt nhất và cũng lớn lao nhất: “thơ giúp em giữ mãi một điều gì thiêng liêng/ không mất được/ nhưng cũng không tìm lại được bao giờ” (Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 186).

Thơ Trần Mộng Tú có những liên tưởng rất lạ, từ cõi trời thăm thẳm, sao mưa xuống mặt đất chông chênh niềm bí ẩn của cô thiếu nữ xuân thì: “Mở cửa ngày mồng bốn bầu trời đầy sao sa/ lòng em như bánh chưng tháng giêng chưa bóc lá.” (Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 177). Chả trách nhà thơ từng chia sẻ: “Tôi làm thơ nghĩa là tôi hát một bài hát mà không cần giọng kim hay giọng thổ. Tôi vẽ cây cầu vồng mà không cần đến những ống màu bảy sắc khác nhau. Tôi làm thơ nghĩa là tôi chúc tụng hạnh phúc mà không cần đi dự tiệc tân hôn, ai điếu lòng người mà không cần phải đến nghĩa trang” (Luanhoan.net).

Tự do. Tràn đầy. Phủ phê. Hạnh phúc không chờ đến mà hạnh phúc có sẵn trong trái tim đóng cửa vì đầy chật nỗi buồn đã nguội lạnh. Nghe như tiếng cười hực lên từ lồng ngực nghẹn ngào: “Lượng trời rót xuống đầy bàn tiệc/ người khách trần gian túy lúy say/ tuyết uống từng chum mà ấm quá/ đứng giữa đất trời giang hai tay.” (Ngày Tuyết ở Issaquah, Ngọn Nến Muộn Màng, trang 168).

Thơ Trần Mộng Tú có những bất ngờ nhiều người thấy nơi chính họ, trong tiếng nấc của chữ nghĩa bị xé ra: “Thôi – anh đừng hỏi nữa/ Vì nếu/ em thật sự biết tình yêu/ là gì/ thì em đã/ chẳng yêu anh” (Tình Yêu, Ngọn Nến Muộn Màng, trang 13).

Tưởng là khó khăn nhưng tình yêu trong thơ Trần Mộng Tú chân phương và hiền hậu: “Bây giờ là tháng mười/ Em mong manh như cúc/ Sao anh không là nắng/ Ôm em ấm một ngày” (Tháng Mười Hoa Cúc, Ngọn Nến Muộn Màng, trang 152). Là lời thú tội như lần nào cũng là đầu biết yêu: “Trời về tỏ tình da cam ửng đỏ/ giống như em khi được ở bên anh” (Ngọn Nến Muộn Màng, trang 45).

Ngay cả diễn đạt có khi táo bạo nhưng tình yêu trong thơ Trần Mộng Tú là sự tươi mát thủy chung: “thân thể em soi gương đã cũ/ trái đất ôm mấy chục vòng quay/ sao/ vuốt ve anh/ mỗi ngày một mới/ Có phải/ mỗi ngày/ anh đổi/ một bàn tay?” (Phu Thê, Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 60).

Là ví von mình đến tội nghiệp: “Chiều hôm nay lòng em như hành úa/ thả vào canh không đủ dậy hương thơm” (Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 44). Là hờn dỗi riêng mình với Chúa trên thánh giá: “Trả lại Chúa/ những vết thương/ con về/ xưng tội trước gương một mình/ trả cây/ đổ giữa bình minh /ngập ngừng/ trả nốt cho tình/ mão gai” (Thập Giá, Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm, trang 41).

Thơ Trần Mộng Tú là những hải phận không thấy đâu bờ bến. Những ngày cuối năm đang về gọi hồn cố quốc xa xôi, đọc thơ Trần Mộng Tú dưới đèn khuya, cảm ơn nhà thơ đã nói giùm nỗi lòng trơ trọi của người lưu xứ: “Tôi đi giữa một không gian màu xám/ Những hàng cây không lá đứng lạnh căm/ Trời cuối năm bão ghé vào thành phố/ Tôi cuối năm buồn ghé nỗi tôi thầm” (Ngọn Nến Muộn Màng, trang 15).

Cảm ơn thơ đã làm đẹp, làm thơm cõi đời tục lụy.

Bùi Bích Hà