21 February 2019

TA BÀ NẮC - Hồ Đình Nghiêm



Đó là nói trại từ tiếng chửi thề chẳng đâu có được. Tabarnak. Hoàn toàn do địa phương này sáng chế ra. Phúc vẫn thích âm vực nặng nề ấy khi nghe Monisa phát âm, thường để chấm câu, quyết liệt, dứt khoát. Đôi khi kháu ó, đôi lúc phiền muộn; mặt khác chữ đó sử dụng tựa một quen miệng, vô thưởng vô phạt, chẳng nhằm bày rõ tâm trạng Monisa đang mang. Đi ngang qua tiệm bán áo quần ngoài phố, thấy treo chiếc váy đỏ kiêu sa nằm đằng sau tấm kính. Monisa trì hoãn cước bộ, nhìn vào và phát tiếng: Tabarnak! Cô đọng chỉ có thế, thay vì trầm trồ: Mẹ rượt, nó bắt con mắt quá. Nó đẹp quá mạng, bà con ơi!
Có chữ (xấu xa) khác là Calisse, nhưng Monisa ít dùng, có lẽ vì phát âm ra nghe không sướng miệng sướng tai bằng? Dân Tây từ Paris qua thăm thú Québec thường đực mặt chẳng hiểu mô tê gì về thứ Pháp văn trời ơi đất hỡi đó. Ngày đầu tới đây sinh sống, Phúc cũng từng ngậm bồ hòn, nhưng đó là thứ bồ hòn biết tiết ra vị ngọt, chẳng chói tai. Sướng hơn hứng lấy fuck mà bọn người nói tiếng Anh vẫn ưa làm đày làm láo. Phúc nhạy cảm, không thích do lẽ khi phát âm gần trùng với tên mình mang đầy phúc phận.

Monisa làm chung chỗ với Phúc, nơi mà người ta chẳng quan hoài tới điều lệ căn bản là bạn có bao nhiêu năm kinh nghiệm, và do vậy nhân viên cứ thoải mái với mức lương căn bản. Điều khiến cho Monisa công khai chửi tabarnak là đã hơn hai năm, thằng chủ quán ăn rậm rật nọ vẫn giả điếc việc lên lương, leo dốc ạch đụi là việc của chúng mày, kham không nổi thì cuốn gói mà đi. Calisse!
Eo hẹp chẳng khiến Monisa tằn tiện việc tiêu pha, cô đã xăm xăm đi tậu chiếc váy đỏ kia. Chưa tính thuế vào, giá trị nó cân xứng với 32 giờ bù đầu tóc rối việc chạy bàn. Tabarnak, Phúc phát biểu khi thấy Monisa từ phòng thử kéo màn bước ra, một bông hoa dâm bụt hay mồng gà mãn khai biết di chuyển, vặn vẹo, săm soi. Nhờ kéo cái zip đằng sau lưng tí, coi đặng không? Rõ là phải tốt nước sơn, người ta mới bỏ công đào bới đằng sau sơn nọ thớ gỗ thơm thịt có tốt không. Lắm khi hình thức cũng nắm phần quyết định nội dung, bởi chẳng ai can đảm mang thân gỗ ra dầm ngoài nắng mưa mà quên đi sự sơn phết che đậy. Khi mảng lưng để hở chưa khép đóng đường khe, Phúc thấy những sợi lông măng đồng loạt dựng đứng lên. Lông Monisa vàng tựa phấn hoa bám víu, rơi vãi. Dựng đứng có lẽ là do phản ứng khi da để hở cho hơi lạnh vuốt ve, cứ trần thân thêm năm bảy phút thì tự khắc da sẽ nổi hột, kêu bằng nổi da gà. Tuy đứng trong góc khuất, hàn khí mùa này có thể thâm nhập vào, xem thường sự hiện diện của máy sưởi để làm người ta phải rùng mình bất chợt. Nhưng muốn đón nhận cái ấm lòng thì lắm khi người ta cũng chẳng quan hoài tới máy nhiệt điện. Một cái váy màu đỏ cắt may khá hở hang tự nó cũng biết toả lan nỗi ấm cúng. Chẳng phải vô cớ khi có đứa thốt lên câu: Oh, so hot baby!
Đi làm thì áo xống xuề xoà, chỉ yêu cầu y phục nên sạch sẽ chớ bốc mùi khiến làm nhột lỗ mũi thực khách, chịu khó bôi thuốc khử mùi vào nách. Vậy thì chiếc váy mà Monisa sắm sửa hẳn chỉ dành cho cô nàng diện vào những dịp hệ trọng lễ lạc các thứ. Và tuyệt đối nó chẳng diễn ra ở trong cái quán ăn luôn nồng mùi tỏi hoặc sốt cà chua, nơi có hàng chữ Pháp ngữ diễn nôm thành “Nếu bạn muốn có bữa điểm tâm trên giường, tốt nhất bạn nên ngủ ở nhà bếp”, nơi có cô hầu bàn được kêu tên thân mật bằng Mô.
Phúc yêu Mô, một thứ tình cảm không cần biết mô tê răng ri rứa. Có thể do phút ban đầu, Monisa khác biệt hẳn so với bọn người làm việc trong quán ăn luôn quen mồm áp đặt Phúc là “thằng ba tàu không biết kung-fu”. Ông cố nội tao có hai cái đồn điền trồng cao su và trồng cà phê, ổng bỏ của chạy lấy người vì ông cố nội mày cầm mã tấu đòi chặt đầu thằng địa chủ thực dân. Ông cố nội tao nói: Merde! Bọn an nam mít thiệt khó nhai. Ba bốn đời sau, con cháu bần cố nông gặp lại dòng máu di truyền bọn thực dân mới, tình bạn xảy đến và hơn một lần Phúc giao mạng cho Monisa nhai, dễ như ăn ớt. Ông cố nội Phúc từng mô tả về con cọp lén vào đồn điền cho ông cố nội Monisa nghe: Bớp mais pas bớp, luỹ gầm luỹ gừ, luỹ măng-rê moi luỹ măng-rê toi, luỹ măng-rê tout. Bớp là con bò, mang ra ví với cọp, một trời một vực vậy mà “thằng” thực dân sáng dạ hiểu ra. Phúc nói, trong chợ có bán phô mai “la vát ki ri”. Mô chận ngang, hôm kia tao đi vào tiệm phở có vẽ cái đầu bò nhăn răng cười, khá thơm ngon, giá dễ chịu, có điều xơi xong thì bắt uống nước cả ngày. Phúc hát nhạc Tây: Vu lê vu cút-sê a véc moa xơ xoa. Đằng ấy có thích ngủ với tớ đêm nay không. Nàng Mô thông minh lanh lợi ứng khẩu: Có sao đâu, chuyện nhỏ, xem thử sức lực thằng nhược tiểu mạnh bao dường mà xẳng xái đòi tẩm quất em đế quốc.
Rồi tới lúc Phúc cũng nhìn thấy Monisa diện chiếc váy màu đỏ mới cáu chỉ. Ngồi trong quán cà phê, Mô mang theo cái bọc ny-lông khi lách thân vào nhà vệ sinh, không tiểu trung đại tiện gì cả, mượn chỗ nồng mùi khai chỉ để thay đổi xiêm y. Vào bình thường, ra khác thường. Vào tăm tối, ra sáng choang. Phúc không rõ vì sao người Việt gọi đó là áo đầm? Áo dành riêng cho dân đầm (ma-đàm)? Áo do dân đầm sáng chế? Monisa bảo, có thích làm một vòng quanh hội chợ Tết không? Phúc ngạc nhiên, đầm cũng biết món này sao cà? Năm mới, đừng mang bộ mặt nhà quê ấy, trông khó coi lắm. Tao có thấy qua một tấm poster quảng cáo. Ủa tết đến rồi sao? Phúc la thầm. Tết mais pas tết, không hoa mai, pháo chẳng gầm chẳng gừ, nhưng ở hội chợ thì bày nhiều món cho toi măng-rê, moi măng-rê, hai đứa xơi tout.
Tao muốn khám phá. Monisa nói thêm, tao có tâm hồn ăn uống, thích thử của lạ. Phúc cảm động ra mặt, ít ra thì hậu duệ bọn thực dân cũng biết tới Tết để mặc một chiếc áo đẹp nhất mà xẳng xái đến tham dự hổng ke tới thứ thời tiết lạnh đến teo bu-gi. Hai đứa man khai cảm cúm, xin nghỉ ngày chủ nhật, dùng métro đến tụ điểm có lắm tà áo dài vờn bay. Ăn gỏi khô bò, bớp giao duyên cùng đu đủ bào thành sợi. Ăn bánh cuốn nhân thịt cô-son bằm với nấm mèo. Ăn chả giò chiên hải sản fuy-đờ-me. Húp đọi bánh canh tự xưng là Nam Phổ (không thấy o bán hàng ở lỗ trèo cau). Súc miệng bằng chè ba màu. Phúc hỏi: Muốn thời chi khác? Thôi, nhiêu đó đã cành hông. Chưa có khi nào tao ăn ngon miệng như hôm nay. Calisse, làm chỗ đó thét phát sợ với thực đơn Ý, Pháp.
Hội chợ đông người, sợ lạc nhau Monisa chẳng rời tay nắm. Phúc, Phúc. Có thằng la giật giọng. Làm bộ lơ nhau nữa sao? Phúc quay mặt lại. Ồ, chỉ là đứa học chung khoá Pháp văn ngày nào, chừng đã lâu lắm. Năm mới phát tài. Hắn nói. Đù mẹ, bữa này chơi với Tây rồi bày đặt làm le làm gió. Phúc rủa thầm tabarnak. Đầu năm phải kiêng cử lời ăn tiếng nói nghe cha nội, nhỡ con Tây này là vợ moả thì dễ sứt mẻ cảm tình với nhau quá. Vợ con gì chưa? Sắp, qua tết thì dìa bển làm đám cưới. Sao không lại đứng gần sân khấu, lát nữa đến tiết mục của Hương Thuỷ lên hát rồi đó. Ừa, ông đi xí chỗ giùm cái, tui dắt con Tây này đi tìm chỗ đái, nhẹ bụng mới hạ hồi phân giải. Monisa hỏi: A-mi à? Bằng hữu á? Luỹ nói gì thế? Ờ, nó khen bồ tèo quá rô-li, cách cả cây số cũng nhìn ra cái váy đỏ kiêu sa. Có thật không đó? Chừng như dài dòng văn tự hơn cơ mà. Ờ, nó bảo nếu cái váy đó mà có đính một ngôi sao vàng ở bụng thì moa sẽ chóng gặp các mác lê nin. Là sao? Xề-qua-xá? Là toa lạc hồn ở dương thế mà moa thì hồn du địa phủ. Nó thương tình thì chỉ đánh moa sặc gạch thôi. Rơ-xe. Lá cờ máu chơ chi. Moa đâu phải trẻ lên ba, ông cố nội moa cũng từng tởn tới già, một ra đi không trở lại.
Sau thằng Michel làm phụ bếp, đến phiên Phúc được mời vô. Làm ơn đóng cánh cửa sau lưng bạn. Ngồi xuống đi, chỉ vài phút thôi. Tôi tên Jacques, người được cấp trên giao cho cái “job” này. Bạn có thể cho biết tên bạn mang? Tôi tên Phúc. Fuck, tôi có nghe lầm không? Không, đúng là như thế, có điều viết khác. P. H. U. C. Cảm ơn. Tiếng Pháp bạn có trôi chảy không? Ý tôi muốn hỏi là bạn hiểu hết những gì tôi nói, đâu cần tới thông dịch viên, nhỉ? Thông thường là thế, căn bản là thế. Điều gì nghe lạ tai thì tôi bí. Tốt. Bon. Vào tối thứ bảy, ngày 2 tháng 2 bạn làm gì? Tôi đi xem Hockey, Canadiens gặp Canucks. Đi với ai? Đi một mình. Đầu năm trong quán ăn có tổ chức trò bốc thăm, tôi trúng chỉ được cái vé lẻ, nguyên uỷ là vậy. Bạn làm ở quán “Con Mèo Ướt Mưa” đã bao năm? Tháng 6 tới là đúng 4 năm. Giao tình với những bạn đồng nghiệp như thế nào? Bạn chơi thân ai nhất? Tôi chỉ thân với cô Monisa, mấy người kia chỉ là trao đổi xã giao, chẳng mấy thân thiết.
Trên bàn không thấy có đặt máy thu âm, trước mặt Jacques là cuốn sổ nhỏ, thỉnh thoảng ông ghi xuống một vài chữ. Ông lật lui trang trước: Michel cho hay Mô có vẻ dễ dãi trong chuyện ấy, bạn hiểu ý tôi không? Và bạn nghĩ nhận xét của Michel có sai quấy? Tôi chẳng rõ lắm, nhưng với ý nghĩ của người Á đông như tôi, có thể Michel không nói sai. Tốt, quan hệ giữa bạn và Mô vẫn tốt đẹp? Lần cuối hai người ở bên nhau là vào thời điểm nào? Chừng hai tuần trước, chúng tôi đi dự hội chợ Tết… Ông hiểu không? Hiểu, đó là dịp mà hằng năm cộng đồng bạn gặp gỡ nhau, thậm chí đón nghe vị Thủ tướng nói lời chúc bằng tiếng Việt “Chuc Mung Nam Moi”. Làm việc trong quán ăn đó, có bao giờ bạn đi về nhà bằng cửa sau? Chưa bao giờ. Có nghĩa là bạn chưa từng đi ra ngoài bằng lối đó? Nhiều lần chứ, họ nhờ tôi đi quăng bịch rác hoặc Michel rủ tôi lẻn ra sau hút vội điếu thuốc. Tốt lắm, cảm ơn sự hợp tác của bạn. Jacques đứng lên bắt tay Phúc. Bạn muốn hỏi điều gì không? Tôi nghe toàn những tin có vẻ thêu dệt, sẵn đây xin ông cho tôi biết về tình trạng của Monisa.
Jacques ghé mông trên góc bàn, ông đóng kín cuốn sổ nhỏ bằng một sợi dây thun, thứ mà Mô vẫn dùng để buộc tóc. Cái đêm mà bạn đi xem Hockey, Monisa ở trong nhà bếp quán ăn cùng ông Puzzo sếp bếp. Puzzo bị ba nhát dao đâm vào bụng, cánh cửa lấm lem máu có dấu tay Monisa. 7 giờ 30 sáng, Jimmy là người đầu tiên nhìn thấy Puzzo nằm với một vũng máu. 6 giờ chiều ngày hôm sau chúng tôi nhìn thấy Monisa ở bến xe đò. Theo như phỏng đoán, quán ăn đó sẽ trở lại sinh hoạt bình thường sau ba ngày, có nghĩa là bạn được dịp nghỉ xả hơi một thời gian ngắn.
Phúc mua tờ nhật báo, ảnh Monisa in ở trang đầu. Cô cho hay, bị lão Puzzo ép uống rượu, bị xâm hại tình dục và với con dao nằm gần tầm tay, cô đã dùng nó để tự vệ. Điện thoại của chủ quán ăn réo gọi Phúc trở lại làm việc nhưng Phúc thoái thác. Phúc nhớ tới tấm giấy có in số điện thoại của Jacques trao. Liệu vị cảnh sát ấy có thể nói cho Phúc biết nơi giam giữ Monisa? Nhân danh một bạn đồng nghiệp cũ, tôi có thể đến thăm hỏi cô ta? Vu-lê-vu-cút-sê-a-véc-moa-xơ-xoa? Trường hợp này làm sao mà Oui được? Có là tài thánh mới lọt vào, ôm lấy một kẻ sát nhân thì thầm bên tai bản nhạc cũ: Nếu tình yêu thực sự không hiện hữu, chúng ta sống với hoài niệm, rằng đã có một Tết xa xăm em mặc chiếc váy đỏ, lòng vui như mở hội và em trao cho tôi, không toan tính, bao ân sũng, giúp hồi sinh, vực dậy đứa tị nạn đang xơ xác một mảnh đời. Tabarnak! Bao lâu nữa thì chúng ta lại tay trong tay?
Phúc nộp đơn xin việc, lương hậu. Được thu nhận, làm ca đêm trong một nhà quàn. Lạnh vắng, chỉ nghe tiếng chân tự mình dấy lên trên mặt thảm nâu đỏ và tiếng nhịp tim riêng mình vọng dội, quanh quất tịnh đều ngơi nghỉ. Đó là một cái hotel tạm bợ, khách đến ghi tên to trên tấm bảng, nằm đôi ba hôm rồi dong duổi đi chuyến dài lâu về phương trời vô định, chẳng một ai có quyền được biết. Sở dĩ Phúc làm cuộc “đổi đời” vì giản dị rằng, nhà quàn đó mang tên Monisa.

Hồ Đình Nghiêm