28 March 2019

ẠCH ĐỤI TRA LÃO - Hồ Đình Nghiêm


Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn
Tranh của Thanh Trí

Montréal, thành phố tôi định cư, đã có ai đó thày lay phiên dịch, phụ đề Việt ngữ thành Mộng Lệ An. Thoạt nghe xướng tên, cứ ngỡ như đó là nhan truyện dài kỳ tình diễm lệ chan đầy nước mắt của nhà văn nữ Quỳnh Dao ở tận xứ lạ Taiwan. Nhiều đọc giả “khó tính” bảo: Quỳnh Dao là chưởng môn nhân môn phái Sến. Tôi chưa đọc văn bả nên chỉ biết mần thinh. Tôi nhớ có vị nào đó ở trong nước từng có thơ “mưa rơi không cần thông dịch” hoặc một thứ na ná tựa thế. Tôi lại nhớ một câu thoại “Cái gì của César thì nên trả lại cho César”.


Tôi yêu Montréal, nhỏ bé, hiền hoà, dân tình cởi mở, Anh-Pháp đề huề chẳng yes thì oui. Có khu cổ xuý việc trau dồi Pháp ngữ, lại thày lay mần thông ngôn, như sau: Tình xê la mua, tiền xê lạc răng, đời xê la vi. Ui, trẻ lên ba cũng tường những món gay cấn nọ.
Ở khu chăm nói tiếng mẹ đẻ, tôi thân thiết với hai nhà thơ: Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn. Hai nhà văn: Võ Kỳ Điền, Song Thao. Tôi gọi bốn vị bằng anh, vì tôi tri thiên mệnh trong khi họ thuộc dạng cổ lai hy. Họ chẳng thích nuôi râu, chứ nếu thả giàn để râu ria ra rậm rạp thì e “bác Hồ” phải nể mặt tủi hờn đọ không lại kính nhi viễn chi. Quá khứ, Luân Hoán gốc Đà Nẵng (Trung). Hoàng Xuân Sơn gốc Huế (Trung). Võ Kỳ Điền gốc Phú Quốc (Nam). Song Thao gốc Hà Nội (Bắc). Ba phương lưu lạc dặm ngàn đã tìm về chốn đất lành “chim” đậu này. Cớ sao cứ quen miệng đất lành chim đậu? Những giống loài khác muốn xớ rớ, lân la tới thì không đậu được sao? Giả dụ như ve sầu, như gà mái, như bướm vàng?

“Hoàn cảnh” nhà thơ Luân Hoán giống như tôi: Lấy vợ cùng quê, chung phường khóm. Riêng nhà thơ Hoàng Xuân Sơn và nhà văn Song Thao lại có sự khác biệt. Khác mà hoá ra chẳng khác, cái mới hay! Chị Hoàng Xuân Sơn gốc Hà Nội trong khi chị Song Thao là gốc Huế. Nói dễ mất lòng là thế này (cho dễ hiểu): Chị Hoàng Xuân Sơn mà trò chuyên với anh Song Thao thì nghe ra cung bậc lên bổng xuống trầm chuẩn mực hỏi ngã rất ư thanh lịch của Bắc kỳ 9 nút. Và anh Hoàng Xuân Sơn đối đáp cùng với chị Song Thao thì mỗi chữ tự động chêm vào dấu nặng (y như tôi vậy, Huệ mợ Huệ mộng. Có đáng ghét không?) Bực cả mình, chẳng mộng lệ an gì sất. Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn từng lên giọng, thay tôi, đả phá cách giả giọng Huế của phường ngoại đạo, những hài kịch rẻ tiền, đầy bôi bác. Bác Sơn ta đó chính là Huế chay!
Tôi quan sát ngầm, ngay thời điểm này có bốn vị làm thơ cực kỳ sung mãn: Trần Vấn Lệ, Nguyễn Hàn Chung, Luân Hoán và Hoàng Xuân Sơn. Riêng nhà thơ Huế mềnh thì trải thơ, gửi bài đến hầu hết các diễn đàn văn học trên net. Hơi thơ cá biệt, ý tình đầy ắp. Gần đây, thơ gom chứa chút tự trào, một nụ cười kín đáo, thoạt bắt gặp không khỏi nghe ra lòng xao động. Bỡn cợt nhưng vẫn không bỏ quên chất thơ mộng lay rèm đằng sau con chữ vừa thoát ra. Nếu có ai hỏi tôi câu hóc búa: Thơ là gì? Tôi có ngay câu trả lời: Hãy đọc thơ Hoàng Xuân Sơn. Tôi xin đơn cử một trong muôn vàn bài tôi yêu thích. Bài “Nách”. (Ăn phải món ngon liền ngôn: Ngon nhức nách! Và nách còn có nghĩa là ẵm, bồng, bế, tha: Con nách em đi cho mạ rảnh tay chút nờ!):

một lần. tôi xốc nách tôi
tự mình quên đứng nên ngồi thiệt lâu
nách tôi tới chỗ buồn rầu
trước sau vẫn có một câu chuyện tình
nách tôi ra chốn thình lình
nắng mưa mưa nắng dập dình trăng sao
nách tôi về lại xứ nào
cho tôi đứng dậy cúi chào nguyên tôi.
(11. 2018)

Hay nhức nách! Bài thơ đã “nách” tôi đi một đỗi khá lâu trong bồng bềnh rù quến. Một bài mới hơn, làm xong ngày 27.01. 2019, cũng thể thơ lục bát, bài “Ơn xuân”. Xin trích đoạn:

nhờ em
da lão đâm chồi
ơn nuôi nấng
giữa trần ai bít bùng


đời mình có cái chung chung
cái riêng tư của
mịt mùng tai ương
phía trước xông một con đường
sau lưng
ủ mộng bình thường xác xơ


đời quá bộ
như bài thơ
cùng nhau lượm chữ
dăm tờ rối beng

Phải đó là lời than van? Không, chỉ một tiếng thở dài, rất nhẹ, dù lượm chữ dăm tờ rối beng có nơi bài thơ muốn đoạn lìa là một việc làm hết sức nặng nề. Một người gánh đá lên non hay con dã tràng chăm xe cát? Công việc nào nhọc sức hơn? Không biết. Không nên đào xới. Thơ là thứ “không cần thông dịch”. Tôi đọc, thấy trong người có biến chuyển, chỉ ngần ấy thôi là đã đủ để cảm ơn người làm ra bài thơ nọ. Dư dục vô ngôn.
Không cứ là lục bát, thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy (bẩy) chữ của anh Huế se duyên cùng chị Bắc (cố đô + thủ đô) cũng mang đủ sự hài hoà giữa da diết hồi ức, van lơn lúc tự hoạ, một trách cứ về lối đi thẳng thớm không dưng bị thế nhân nhộn nhạo ra sức uốn cong, gập ghềnh, đắp mô, xao xác. Hơi hám của thời cuộc tham dự vào, tâm thành thay lời khuyên nhủ lẩn khuất. Và sau hết, lời thơ chuyển tải đã tới đích cuối. Tạm nhặt ra bốn bài, bốn trích đoạn, thay mặt cho bốn, năm, sáu, bẩy:

chớ đứng xớ rớ
tuyết phủ cô hồn
gió luồn tim mạch
ạch đụi bàng môn
lâu rồi kiệt quệ
còn chi em ơi
còn một chút đời
vo như tờ giấy
ngồi đây quên đấy
còn một dúm tro
miệt mài tra lão
còn chút mày mò
răng cỏ lộn lạo
(trích từ bài “Tháng giá”. 7. 2. 2019)


đừng xôn xao chữ nghĩa
lúc về sáng, nửa đêm
bạn sẽ là con rối
giữa mộng thực triền miên


chữ mù trong tự điển
héo lánh lên thượng nguồn
không còn ai muốn giở
một chương hồng sách thơm
(trích hai khổ đầu trong bài “Tơ chỉ rối”)

Hết bốn, năm, qua tới sáu. Một liếc xéo (nháy mắt) về quê nhà. Bài “Thời vận”:

bọn trẻ còn dám “đi bão”
thì mình đằng vân chút chơi
miễn là đừng mê mẩn gió
phượt hết yên ba một thồi.

Và thơ 7 chữ, trích ra hai đoạn trong bài “Xướng âm”:

âm quá. không cù rủ mặt đường
giữa mùa băng cực níu tai ương
ngón chân tìm một lỗ để thở
cùng tóc râu túa đời tha phương


40 năm xỏ giày mang ủng
không dám. chưa quen cái lạnh tràn
hồn tóp teo dưới tầng áo xống
bận. hay đừng rồi cũng hở hang

Người đọc có tinh ý nhìn ra trong thơ thượng dẫn một đôi từ cá biệt của Huế? Xớ rớ. Ạch đụi. Tra lão. Mày mò. Bận áo xống… Tôi không cố tình đâu, tôi chỉ lựa nhặt ra những bài khác thể loại, cùng lúc muốn chứng minh về thời tiết mùa đông khắc nghiệt vây lấy thành phố chúng tôi cư ngụ, lời thơ bày rõ một quang cảnh “mộng bất an”.
Khác nhà thơ Luân Hoán, nhà văn Song Thao. Hai người Huế chúng tôi tuy cái viết ra khá là bộn bề nhưng mãi không gặp duyên lành việc in thành sách. Ạch đụi. Rị mọ. Mãi lần khân ngoài sân mà chưa lần vào trong bếp: “không còn ai muốn giở, một chương hồng sách thơm”? Hoàn cảnh! Hoàn cảnh như câu thơ của Bùi Giáng:

Sáng ra bao tử mơ mòng
Cà phê bên nọ cháo lòng bên kia.

Mình sẵn cháo lòng mà lại thiếu cà phê. Mình mãi mơ mòng về cái bất toàn nọ. Rất mực gay cấn đồng thời cũng ngộ tới sự buông bỏ:

“lâu rồi kiệt quệ
còn chi em ơi
còn một chút đời
vo như tờ giấy”.

Mặc dù nhịp độ sáng tác luôn đều tay, giàu có thơ, tuy vậy Hoàng Xuân Sơn chỉ mới in ra 4 đầu sách: Viễn Phố (1988) Huế Buồn Chi (1993), Lục Bát Hoàng Xuân Sơn (2004), Thơ Quỳnh (2018). Nhà thơ tâm sự: Bây giờ tự dưng mình đi “làm phiền” bằng hữu thì nghĩ cũng không phải. Hình như có lần chính tôi đã nói ra một câu tương tợ như rứa. Cũng áy náy nếu một hôm trở trời nghe người đó lên giọng hát hỏng: “Anh còn nợ em…”. Tôi có thực hiện loạt bài phỏng vấn các anh chị viết văn làm thơ bốn phương, riêng gặp một người đặc biệt, nhà thơ Bắc Phong. Hỏi: Thấy anh làm thơ có thưa đi? Trả lời: Có lẽ về già, tuổi tác gây ảnh hưởng. Hỏi: Sao anh không in một tập thơ? Trả lời: Tại tôi lười. (Nguồn: Trang Văn Học Nghệ Thuật Phạm Cao Hoàng).
Nếu Bùi Giáng luôn chịu cảnh ngộ “bao tử mơ mòng” thì chúng ta cũng nên thông hiểu “bá nhân bá bao tử”, bụng người này khác bụng người kia. Tôi đã từng mơ mòng nhưng nay tôi tỉnh ngộ, tôi đắc đạo, buông bỏ. Thôi dẫm chân vào sạn đạo, cầm bình bát đi khất thực. Không phải lười, nhưng đã có tuổi, nhìn lui: Mọi thứ là phù vân.
Cảm ơn nhà thơ Hoàng Xuân Sơn:

“hồn tóp teo dưới tầng áo xống
bận. hay đừng rồi cũng hở hang”.

Montréal sắp vào xuân nhưng giá buốt vẫn một mực không thay đổi. Vẫn đậy đệm áo xống ba lớp, bốn lớp, năm lớp, sáu lớp, bảy lớp. May thay, thơ tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục bát, song thất luôn còn đó, lung linh gầy nên đốm lửa làm ấm những giấc mộng không thành, xua đuổi mộng bất an.

“Trăm năm một chuyến về thiên cổ
Tuế nguyệt buồn lay chút bụi vàng”.

Thơ ai đó? Hình như của Nguyễn Đức Sơn khi bái biệt, tiễn đưa Quách Thoại? Có thể chuyển sang ca từ một bản nhạc: Buồn vào hồn không tên…
Buồn, tốt nhất xin cứ vô danh. Hãy để nó dễ siêu thoát. Chớ bắt chước “con ma nhà họ Hứa” làm chi cho nặng nghiệp. Hừ, Mộng Lệ An!

Hồ Đình Nghiêm