12 March 2019

ĂN TẾT Ở MỸ - Phan Ni Tấn


Nhạc sĩ du ca Phan Ni Tấn

Sống ở Canada gần 40 năm, lần đầu tiên vợ chồng tôi mới qua Mỹ ăn Tết. Xưa nay anh hàng xóm Hoa Kỳ chẳng mấy gì khác biệt với anh Gia Nã Đại: người giống người, nếp sống cũng na ná như nhau. Ấy vậy mà nhà quê núi như tôi chân ướt chân ráo qua Quận Cam du xuân thấy cái gì cũng… lạ tai, vui mắt.


Mười chín năm không đi máy bay, lúc bay cao chín từng mây, nhìn mây trắng cuồn cuộn như bông gòn tôi tưởng mình là lão Tôn đằng vân qua nước Mỹ. Lúc đáp xuống phi trường John Wayne, California, vợ chồng Võ Túc Trí từ Houston, Texas qua trước đón chúng tôi về nhà trọ. Tuổi về chiều mắt mờ chân yếu tôi cứ ru rú trong nhà, khi có dịp đi xa, anh nhà quê như tôi lần đầu tiên mới biết ở nhà trọ. Tò mò hỏi thì té ra thuê nhà trọ qua hợp đồng “Air B and B” vừa đầy đủ tiện nghi vừa rẻ hơn khách sạn làm tôi phục cô em Túc Trí quá mạng. Võ Túc Trí, cái tên nghe rất võ hiệp và đầy nam tính, nhưng lại là tên của một cô bạn nhỏ của chúng tôi. Cô em dễ thương này, tên cũng như tánh, rất năng động và nhiệt tình với bạn bè. Cô thích ngao du đó đây, thích chụp hình. Dế Mèn là bút hiệu của cô dùng để viết truyện phóng tác dành riêng cho trẻ em kèm theo hình hoạt họa được đăng hàng tuần trên báo chí hải ngoại.

Buổi cơm tối đầu tiên tại nhà dì Lũy, chúng tôi quen biết thêm vài người bạn Rạch Giá lưu vong đã nhiều năm. Dù vậy, người miệt thứ lúc nào cũng hòa nhã, giản dị, tự nhiên, dễ thân thiện. Dì Lũy là dì của bà xã tôi, tốt người tốt bụng. Ngoài bữa ăn thịnh soạn dì đãi khách phương xa, chúng tôi còn được cô ca sĩ Kim Yến trẻ trung, xinh đẹp hát cho nghe một bản dân ca Con Sáo Rạch Giá với câu hò ngọt ngào, giọng hát truyền cảm, dễ thương.

Sáng hôm sau tiết trời khô ráo, se se lạnh, chúng tôi ra chợ hoa Phước Lộc Thọ tản bộ xem hoa. Chợ hoa ngày Tết, từ bao giờ đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam nên ở đâu có Tết ta ở đó có chợ hoa. Dạo quanh một vòng để hưởng phút giây thư thái cho tâm hồn, tôi như lạc giữa rừng hoa mai vàng, đào tím, vạn thọ, bạch huệ, thủy tiên, rồi vô ý tôi lạc luôn vào những nụ cười hồn nhiên của những cô gái du xuân. Đang thả hồn bơi quanh những nụ cười xuân sắc, thắm tươi, tôi chợt nghe có tiếng pháo nổ vọng lại.
Từ ngày mất nước đến nay qua Mỹ ăn Tết tôi mới được nghe lại tiếng pháo nổ đì đùng vui… như Tết. Lâu quá không nghe tiếng pháo lúc nghe lại mới có cảm giác ngồ ngộ, nghe quen quen rồi chợt thấy mình ngẩn ngơ trước tiếng pháo. Nghe pháo nổ mà nhớ cái tết ngày xưa trên phố núi bên nhà. Hồi đó nhà giàu cùng lắm đốt vài ba phong pháo để gọi là lấy hên, còn thì nhà nào tương đối kha khá, muốn lí le cũng chỉ một phong pháo nổ cái rẹt là xong ba ngày Tết. Còn ở xứ cờ hoa này, tiếng pháo đầu năm đua nhau nổ không ngừng trên khắp đất Quận Cam. Nhất là các trung tâm thương mại, cơ sở báo chí dọc hai bên đường Moran, từng tràng pháo hồng điều nối nhau dài cả chục thước nổ ngót nửa tiếng đồng hồ mới… chịu nín. Tiếng pháo thanh bình nổ vang trời nhuộm đỏ cả mặt đất Bolsa đến sướng tai, vui mắt. Pháo nổ tưng bừng trong tiếng trống lân, đồng hành với ông địa cười toe và ông thần tài quạt hơi ấm vào hồn người xa quê nức nở. Tôi không quen lộ liễu nên len lén tâm tư hít vào lồng ngực một chút mùi pháo để nghe niềm vui lẫn bồi hồi quyện vào lòng mình.
Tiếng pháo khác với tiếng súng. Đêm đêm súng nổ ở ngã tư, súng nổ trên mặt sông là có người ngã xuống; còn pháo nổ đì đùng giữa thị tứ quê người là có kỳ lân múa, ông địa cười, nhất là tiếng cười đầu năm… của pháo mang lại an vui, tài lộc, may mắn cho mọi người mọi nhà.
Trở lại Quận Cam sau 19 năm cách biệt, tôi thu hết niềm vui vào trong mắt nên nhìn đâu mắt tôi cũng biết cười cười. Nhưng không vì vui mà tôi không nhớ tới những người anh, người bạn đã từng gặp gỡ, quen biết, một thời sinh hoạt văn nghệ với nhau trên đất khách cũng như ở quê nhà.
Tôi nhớ những lần ôm đàn rong ca cùng nhạc sĩ Phạm Duy trên đất Mỹ hào nhoáng cũng như bên xứ lá phong hiền hòa. Ngục Ca và những bài ca yêu nước cuốn trên đầu lưỡi người du ca chúng tôi. Nhớ nhà văn Mai Thảo và chai rượu mạnh lúc nào cũng như bạn đồng hành cùng ông đi cho đến cuối cuộc đời. Nhớ họa sĩ Tạ Tỵ vẽ tôi râu ria thuở tôi còn xanh tóc. Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Mộng Giác chỉ cho tôi xem đống bản thảo bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ dầy cộm để trên kệ sách nhà anh ở Thị Nghè. Nhớ cái giọng hiền lành, từ tốn của nhà văn Võ Phiến cười nói “Nhận được sách của Ni Tấn rồi”. Mỗi lần nghe tiếng cười giòn tan của ai đó tôi lại nhớ Nguyễn Văn Lộc (nhạc sĩ Lê Uyên Phương) vừa cười hỉ hả vừa hào hứng kể chuyện tiếu lâm trong quán cà phê Banmê của chị em Yến – Oanh bên Thị Nghè. Tôi nhớ nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng với những bản Tình Ca Người Con Gái hát trong quán Thằng Bờm vào một đêm mưa ở Sài Gòn. Lúc qua Mỹ gặp lại nhau, mời nhau điếu thuốc, nhắc lại chuyện văn nghệ ngày xưa anh cười thật hiền. Nhớ dáng cao cao, gầy gầy của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang với những bài ngợi ca quê hương và tình người là những hình ảnh đẹp trong tiếng hát anh. Tôi nhớ họa sĩ Nghiêu Đề hiền như lu nước mưa mang cái giọng Quảng Ngãi trọ trẹ dễ thương chạy lạc qua xứ người. Và tôi cũng nhớ Trần Văn Nam, Đỗ Ngọc Yến, Thảo Trường, Nguyễn Xuân Hoàng, Việt Dzũng những lần sinh hoạt văn nghệ, ra mắt sách trong tinh thần đồng thanh tương ứng. Những người anh, người bạn văn nghệ Cali này không còn nữa, họ đã từ biệt gia đình, bạn bè bỏ đi thật xa, xa lắm, từ nhiều năm.
Bù lại, giữa phố Bolsa, tay bắt mặt mừng tôi gặp lại các anh văn nghệ sĩ Đỗ Quý Toàn, Hoàng Ngọc Tuệ, Trần Dạ Từ, Kinh Dương Vương (họa sĩ Rừng), Phạm Quốc Bảo, Trần Duy Đức, Phan Tấn Hải, Hoàng Quốc Bảo, Đinh Quang Anh Thái, Cung Tích Biền, Phạm Xuân Đài, Lê Hữu, Thân Trọng Mẫn, Nguyễn Quyết Thắng, Hà Nguyên Du, Trịnh Y Thư, Phan Kim Khánh, Y Cao Nguyên Nguyễn Xuân Chiểu cùng những người em, người chị dễ thương như Nhã Ca, Kiều Chinh, Khánh Ly, Trịnh Thanh Thủy, Nguyễn Thị Thanh Bình, Như Thương, Thu Vàng… Đặc biệt, chúng tôi gặp lại các thành viên trong Doãn gia của nhà văn lão thành Doãn Quốc Sỹ.
Qua Mỹ ăn Tết lần này, cùng một ngày, chúng tôi còn được mời đến dự buổi ra mắt sách của ba nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình, Đặng Phùng Quân và Hàn Song Tường tại Viện Việt Học trên đường Brookhurst. Mặc dù trời mưa tầm tã nhưng khách yêu văn chương vẫn hiện diện đông đảo, là hình ảnh đẹp trong văn học Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình gốc Huế, xinh đẹp, duyên dáng trong chiếc áo dái xanh dương kéo vợ chồng tôi và nhà báo Trịnh Thanh Thủy chụp hình xong tặng tôi tập thơ mới xuất bản Nhật Ký Của Những Mảnh Vỡ. Vì có việc phải đi nên tôi không được gặp anh chị Đặng Phùng Quân và Hàn Song Tường. Sau đó, chúng tôi đến hội trường báo Người Việt tham dự đêm văn nghệ chủ đề “Nhạc Quê Hương và Tình Ca Ban Mê” với những nhạc phẩm của ba chàng nhạc sĩ du ca Nguyễn Quyết Thắng (Hòa Lan), Nguyễn Đình Hiếu (Hoa Kỳ) và Phan Ni Tấn (Gia Nã Đại), do Thiên Hương, Trưởng Đoàn Du Ca Nam Cali tổ chức.
Nghe danh Đoàn Du Ca Nam Cali từ lâu, nay mới được gặp và được nghe tiếng hát với tất cả tâm tình của người du ca dưới sự điều khiển xuất sắc của nhạc trưởng Bùi Quỳnh Giao. Đoàn viên du ca ở đây gợi tôi nhớ những người du ca ngày xưa ở bên nhà. Cũng những khúc hát vạm vỡ đó, những tiếng hát khỏe mạnh đó, ở đây, trên mặt đất yên bình này, những bài du ca, những khúc tình ca chứa đựng tình yêu quê hương, thân phận con người lại mạnh mẽ cất lên như ánh sáng, như ngọn lửa tác động vào đời sống con người. Vì đây là một chương trình đặc biệt kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, quan khách đến dự chật cả hội trường, những vị tới trễ không còn chỗ ngồi phải đứng dọc hai bên hành lang cho đến cuối chương trình. Ngoài sự góp mặt của ba nhạc sĩ du ca, còn có khoảng 60 thành viên Đoàn Du Ca Nam Cali cũng như các ca sĩ đến từ khắp nơi như Kim Oanh, Hoàng Minh Châu, Hoàng Hà, Phương Hà, Đồng Thảo, Nga Mi, Mê Linh, Doãn Hương, Minh Chiến, Thiên Hương, Nguyễn Bá Thành, Doãn Hưng, Thu Hằng, Thu Phong, Huy Đốc, Phạm Ngọc Thảo lần lượt gởi gấm tiếng hát của mình bằng một phong cách nghệ thuật tài hoa. Và đăc biệt còn có các em Sói Con Hướng Việt, Thanh Nữ Hướng Việt, và các em học sinh Trường Việt Ngữ Viện Viện Học, cùng với tiếng hát làm máy động lòng người của Mê Linh, thế hệ mầm non sinh ra tại hải ngoại, góp tiếng hát tạo nên sức sống hồn nhiên, tươi mát cho buổi sinh hoạt Du ca.
Sáng hôm sau bốn anh em chúng tôi lái xe đi Las Vegas… “cá độ”. Xưa nay chúng tôi không có máu cờ bạc, nhưng khi ghé nhà vợ chồng thổ địa Nghĩa-Thể-Chi thì bị “dính” vào cú cá độ trận chung kết Super Bowl giữa hai đội bóng dục đang diễn ra trên… TV. Dù chúng tôi chẳng biết ất giáp gì về luật chơi Football của Mỹ, nhưng cứ chọn đại một đội, kết quả ông thần may mắn mỉm cười cho thắng cuộc. Có cái lạ là người chơi phải chi trước cho nhà Cái $50, thua thì mất trắng, mà thắng thì thu về $45. Bài toán nghịch đảo vậy mà ngày ta ngày tết mua vui cũng được một vài trống canh.
Buổi tối gia chủ chở chúng tôi xuống phố coi “Las Vegas By Night” ngựa xe như nước rộn ràng ngược xuôi trên các đường phố. Sin City, “thành phố tội lỗi” tràn ngập ánh sáng này đã hoàn toàn thay đổi so với 19 năm về trước. Ngày nay, sa mạc là nhà cửa hàng hàng lớp lớp mọc từ ngoài freeway xa tít ồ ạt tràn vào thành phố. Còn Casino, ngoài những khách sạn quen thuộc, còn mọc thêm những casino nguy nga, lộng lẫy như cung điện: Aria, Vdara, Delano, Belazzo, Park MGM, Luxor, Mandalay Bay, Cosmopolitan, Wynn… đua nhau phát triển mỗi nơi một vẻ sang trọng, bề thế, ngạo nghễ vươn lên trời cao, hắt ánh sáng muôn màu muôn sắc soi thủng màn đêm của tiểu bang Nevada.
Hằng năm, dựa vào dịp Tết cổ truyền của người Á đông, như năm Kỷ Hợi 2019 này, khách sạn 5 sao Bellagio sang trọng bậc nhất trên thế giới, đã dựng trong đại sảnh một mô hình các chú heo khổng lồ hân hoan đứng giữa vườn hoa muôn màu khoe sắc thắm. Cách bài trí này, không riêng gì các du khách Á đông, gốc An-nam-mit như chúng tôi hoan hỉ chụp vài bô hình kỷ niệm với các chú heo và hai chú kỳ lân cũng cảm thấy gần gũi, ấm lòng người xa quê.

Thăm viếng Las Vegas vỏn vẹn chỉ một ngày, sáng hôm sau chúng tôi trở lại Quận Cam.
California, miền Nam nắng ấm mấy hôm rầy mưa dầm rớt hột đến xế trưa thì trời tạnh. Bốn anh em chúng tôi long nhong dạo phố trong hơi mưa, hẹn bạn bè đi uống cà phê, ăn buffet, ăn phở. Buổi tối tới nhà vợ chồng Nguyễn Đình Hiếu – Doãn Liên trên đường Lampson mừng sinh nhật 96 tuổi của nhà văn lão thành Doãn Quốc Sỹ, tôi gặp lại Hiếu sau 40 năm cách biệt. Nhớ lại cái thời của năm 1978 tôi trôi sông lạc chợ, đêm đêm ngủ với gió lạnh ở trên cây, ngủ với muỗi mòng dưới gầm cầu, đã được đôi bạn trẻ Hiếu Liên thương tình cưu mang tôi dưới mái nhà Doãn gia. Đêm tôi ngủ trên bộ salon màu đỏ, lờ mờ nhìn bức mộc bản Cây Tổ của họa sĩ Võ Đình treo trên tường mà nhớ nhà văn bất khuất Doãn Quốc sỹ. Khi tôi nằm yên ấm trong nhà Doãn gia là lúc bố Sỹ đang bị cầm tù trên cao nguyên Gia Lai với tội danh “biệt kích văn hóa”. Dòng đời có những lúc thật bất ngờ. Ba mươi tám năm sau, nhà văn Doãn Quốc Sỹ và cô út Doãn Hương qua Canada ghé thăm vợ chồng tôi, tặng cho tôi cuốn sách Bác Trai, Bác Gái của ông do Doãn Gia xuất bản. Ngưỡng mộ nhà văn Ba Sinh Hương Lửa từ những ngày xa xưa, nay lại được ngồi gần ông, lắng nghe ông hùng hồn kể lại những năm tháng đi tù Cộng sản khiến tôi càng cảm thương và kính phục ông nhiều hơn. Sau những năm tháng tù đày, tâm hồn nhà văn, từ lời nói đến bút pháp trong văn chương ông cũng như trong cuộc sống đều toát ra vẻ hiền hòa, bình dị và chân thực.

Khi rời khỏi Doãn gia giữa năm 1979, tiếp tục lao vào con đường vô định trước mặt, thâm tâm tôi mãi mãi tự coi mình là một thành viên trong gia đình đạo đức và khí tiết này. Tôi rất ngưỡng mộ và quí trọng tất cả những người con hiền lành đó. Riêng cô em Doãn Khánh, thứ nữ của Doãn gia mãi đến ngày tháng gần đây qua Mỹ tôi mới gặp vì lúc tôi đến với Doãn gia thì cô đang dạy học ở Vũng Tàu.
Đêm sinh nhật của Bố Sỹ, đặc biệt lần này, ngoài các thành viên trong Doãn gia, còn có mặt đầy đủ bạn bè đến chung vui, chúc tụng, nhắc nhớ những kỷ niệm ngày xưa và đờn ca xướng hát thâu đêm. Những ca khúc – nhớ và quên – xưa kia của những người Du ca Banmê, một lần nữa lại được các bạn du ca “moi ra”, hân hoan cuốn trên đầu môi chót lưỡi bạn bè. Trong dịp này, người bạn trẻ tuổi tài cao Nguyễn Đình Hiếu làm tôi ngạc nhiên và hết sức xúc động. Sau 40 năm gặp lại, không ngờ Hiếu vẫn còn giữ được một số bản nhạc của tôi trước 1975 mà tôi tưởng đã thất lạc lâu rồi. Cầm trên tay những bản nhạc chép tay, giấy đã vàng khè vàng khẹt, vàng đến mờ đến ố cả những nốt nhac, cong cả trang giấy khiến tâm tình tôi cũng cong theo. Khi anh em du ca ôm đàn cùng ca lên tôi vẫn không thể nhớ nổi đó là nhạc của mình. Tôi biết ơn Hiếu đã cho tôi tìm lại những đứa con tinh thần thất lạc này.
Năm hết Tết đến. Tết đến rồi Tết lại đi. Con người cũng vậy. Đến như cơn gió rồi đi như làn bụi. Những người bạn du ca chúng tôi cũng không biệt lệ, lần lượt từ biệt Quận Cam bay về tổ ấm.
Xin chào Quận Cam, chào những cái lạ trong mắt người nhà quê như tôi. Chào nỗi vui tôi sau 44 năm mới được nghe lại tiếng pháo đầu năm. Chào những bản hiệu hoàn toàn bằng tiếng Việt, đủ màu, đủ kiểu, đủ cách nhan nhản trên khắp các đường phố Little Saigon. Xin chào các bạn. Chào những đôi môi biết hát và những đôi mắt biết cười. Chào những tâm hồn thanh thoát chữ nghĩa văn chương. Chào những nụ cười tươi thắm, những tà áo dài đề thơ trong trí tưởng tôi. Xin chào Cali, miền Nam nắng ấm. Hẹn gặp lại.

Phan Ni Tấn