12 March 2019

CÔ BA - Dzũng Trần


Tôi nhận quyết định điều động đi theo đoàn Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) trở về miền Nam chỉ ba ngày trước khi đoàn lên đường. Một ngày bàn giao công tác. Một ngày xe com-măng-ca đưa đến các kho hậu cần ở Hà Nội nhận súng đạn, tăng, võng, màn, thuốc men và đồ hộp. Một ngày nghỉ ở nhà. Không học chính trị, không tập luyện, không ăn uống bồi dưỡng sức khỏe nhiều tháng trời như tất cả những người khác.

Ông Hai Luận – trưởng đoàn – đọc quyết định điều động của tôi xong chỉ hỏi một câu "có người yêu chưa?". Tôi trả lời "chưa". Ổng nói: "Ở TTXGP con gái đẹp nhiều lắm. Có cô Ba T. Con gái ở cả Hà Nội này không có đứa nào đẹp bằng đâu".
Đó là lần đầu tiên tôi nghe nói về cô Ba. Dọc đường Trường Sơn đôi lần tôi nghe đám đàn ông kháo nhau về cô. Hình như ai cũng mong chờ được gặp. Tôi khi đó có nhiều mối quan tâm khác nên hầu như không để ý.
Vừa vào đến căn cứ TTXGP tối hôm trước thì sáng hôm sau một cán bộ của Ban An ninh Trung ương Cục đến gặp tôi, giao nhiệm vụ đặc biệt. Suốt cả tháng sau đó, ban ngày tôi lắp ráp máy thu teletype cho TTXGP, ban đêm ra trảng Cố Vấn để các cán bộ an ninh huấn luyện nghiệp vụ. Vì quá bận rộn nên tôi không hề nghĩ ngợi điều gì khác hơn ngoài công việc.
Một hôm đang đi trên đường mòn trong rừng thì tôi gặp một cô gái đi ngược lại. Tôi đoán ngay là "cô Ba" vì cô ấy đẹp quá. Chỉ tránh đường nhau mà không hề chào hỏi. Về nhà, tôi hỏi anh Nguyễn Nam Kim. Anh Kim cho tôi biết cô Ba quê ở Bến Tre, tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, được đưa lên Trung ương Cục theo một đoàn cán bộ trong đó có đạo diễn điện ảnh Hồng Sến. Trên đường đi Hồng Sến cưỡng bức cô và cô đã tố cáo việc ấy với lãnh đạo đoàn. Vì thế mà cả Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam lúc bấy giờ hầu như ai cũng nghe nói về cô và vụ việc này.
- Cô ấy là điện báo viên ở B8.2, chi ủy viên của Liên chi bộ Đảng, ủy viên Liên chi Đoàn, hội trưởng Hội Phụ nữ. Ông muốn làm quen không, để tôi giới thiệu? – Anh Kim hỏi.
- Không. Không bao giờ – Tôi trả lời thành thật và dứt khoát đến mức anh Kim tỏ vẻ ngạc nhiên. Anh không hỏi thêm, còn tôi thì cũng sẽ chẳng nói ra lý do. Bởi vì đối với chuyện yêu đương hay lập gia đình thì "nữ đảng viên cộng sản" là thành phần duy nhất mà tôi không bao giờ nhắm tới.
B8.2 là bộ phận điện báo, cách căn cứ B8.1 của tôi (bộ phận kỹ thuật) khoảng 1km. Phần đông các điện báo viên là nữ. Họ sử dụng máy thu phát vô tuyến điện 15w để liên lạc với Hà Nội và các phân xã phía Nam bằng tín hiệu Morse. Tôi không có việc gì phải qua căn cứ B8.2 vì mỗi khi máy thu phát nào hư hỏng thì đã có các công nhân kỹ thuật đi sửa. Vì thế sau lần tình cờ gặp cô Ba trên đường rừng thì suốt nhiều tháng sau đó tôi không gặp lại cô.
Tối thứ bảy và ngày chủ nhật các cô điện báo viên thường đến nhà anh Nam Kim và nhà tôi chơi, nấu nướng và đàn hát. Cô Ba không bao giờ tham dự. Tuy nhiên các cô gái ở TTXGP đều tỏ ra rất kính trọng cô Ba vì cô lớn tuổi hơn, luôn bảo bọc và đối xử tử tế với họ.
Tôi nghe nói trước đây đã có rất nhiều người muốn chinh phục cô Ba nhưng cô không chấp nhận ai cả. Trong thời gian tôi ở căn cứ thỉnh thoảng lại nghe đồn có người này người khác đang đến với cô. Việc gì không biết nhưng nếu có anh chàng nào đó mà đến thăm cô một hai lần thì y như rằng cả cơ quan đều biết và đồn thổi lên ngay. Có anh kỹ sư điện tên Chí từ miền Bắc trở về cùng đoàn với tôi cũng xin làm ứng viên. Anh có chiếc chăn len Trung Quốc mới tinh, đem tặng cho cô Ba. Cô nhận, rồi cho lại một cô bé nấu bếp. Mùa đông năm ấy rất lạnh. Kỹ sư Chí lên cơn hen suyễn, co ro trong tấm đắp mỏng manh. Mọi người gọi đùa anh là "Người thứ 41".
"Người thứ 41" là tên một bộ phim nổi tiếng của Liên-xô (Сорок первый) được chiếu khắp miền Bắc vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Nội dung phim kể về nữ chiến sĩ Hồng quân Maryutka - đã từng bắn chết 40 người lính Bạch vệ - nhận lệnh áp giải một sĩ quan Bạch vệ bị bắt về Bộ tham mưu mặt trận bằng đường biển. Trên biển họ gặp bão, thuyền chìm, một số người bị chết đuối, chỉ còn Maryutka và chàng Bạch vệ giạt vào một hòn đảo hoang vắng. Trải qua nhiều hiểm nguy, hai con người ấy nương tựa vào nhau để sống và một tình yêu đẹp giữa họ nảy nở. Với tình yêu, họ hạnh phúc bên nhau cho đến một ngày, khi một chiếc thuyền buồm xuất hiện. Chàng trai lao ra mừng rỡ. Khi nhận ra đó là thuyền của Bạch vệ, cô gái gọi người yêu quay lại nhưng chàng sĩ quan vẫn chạy về phía đồng đội của mình. Cô chiến sĩ Hồng quân nâng súng lên bắn chết anh ta. Nữ đảng viên cộng sản đương nhiên phải như vậy.
Một hôm điện đài của cô Ba bị hỏng. Các công nhân kỹ thuật sửa không được nên tôi đi sửa. Thời đó các điện đài đều được đặt ở các hầm làm việc riêng, cách xa nhau để tránh bị bom pháo. Hầm làm việc là loại hầm hở, rộng khoảng 10m2, sâu 2m, bên trên có khung nhà thấp lợp lá trung quân để che mưa nắng. Tôi đến hầm làm việc của cô Ba, đứng trên miệng hầm gọi cô lên rồi mới đi xuống. Sửa xong tôi giao máy lại cho cô rồi về mà không nói thêm câu nào.
Tối hôm đó tôi dùng máy thu dò tìm tần số làm việc của cô Ba để kiểm tra chất lượng tín hiệu. Tôi ngạc nhiên vì nhịp gõ ma-nip của cô rất khác lạ. Thật sự thì mỗi điện báo viên đều có nhịp gõ ma-nip riêng và chỉ có dân trong nghề mới có thể phân biệt được nhịp ma-nip của nhau. Nhưng trong nhịp ma-nip của cô Ba hình như có một cái gì đó khiến tôi cảm thấy thật là kỳ lạ mà tôi không sao hiểu được, cũng không thể diễn tả được. Tôi nghe chừng vài phút thì cô tắt máy vì đã phát xong bản tin.
Tối hôm sau và vài hôm sau nữa tôi lại dò tìm tần số làm việc của cô và lắng nghe. Tôi không quan tâm đến chất lượng tín hiệu hay nội dung bản tin cô đang phát mà chỉ lắng nghe nhịp gõ. Trong rừng đêm hoàn toàn yên lặng, tôi bị cuốn nhập vào nhịp điệu của những tín hiệu điện báo "tạch", "tè" khô khan, giống như người đang nghe một bản nhạc không lời. Nhịp điệu ấy dường như mang trong nó cả một nỗi niềm sâu thẳm, nhưng là nổi niềm gì thì tôi không thể biết. Dù vậy tôi cũng chỉ nghe vài lần rồi không quan tâm nữa.
Giữa năm 1974 tôi và cô Ba cùng đi trồng mỳ ở rãy Cần Đăng nhưng khi gặp nhau thì chỉ chào nhau mà không nói chuyện gì. Một lần, lúc giải lao tôi ngồi nghỉ ở một chỗ vắng, cô Ba đem nước đến mời tôi uống rồi ngồi xuống bên cạnh. Tôi hỏi: "Này cô Ba, tôi thấy cô cũng lớn tuổi rồi. Nhiều người yêu quý cô. Sao cô không lập gia đình?". Cô trả lời nhẹ nhàng: "Về chuyện đó em khó nói lắm". Tôi tưởng cô sẽ bỏ đi nhưng cô vẫn ngồi im lặng bên tôi cho đến lúc hết giờ giải lao. Tôi cũng không nói thêm câu nào.
Sau ngày 30-4-1975 tâm trạng tôi khá nặng nề. Tôi biết trước những điều gì sẽ đến với người dân miền Nam. Anh Nam Kim nói với tôi: "Việt cộng tụi mình vào Sài Gòn giống y như giặc Tác-ta vào Ki-ép". Để khuây khỏa, buổi chiều sau giờ làm việc tôi thường chạy xe gắn máy lòng vòng trong thành phố quan sát nơi này nơi khác, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy buồn. Tâm trạng ấy không thể chia sẻ cùng ai. Một hôm định bụng sẽ rủ một anh bạn thân thiết nào đó – như Nguyễn Tuấn Hải chẳng hạn – cùng đi cho vui. Nhưng ngay khi vừa nghĩ vậy thì tình cờ gặp cô Ba. Tôi nói: "Sau giờ làm việc hôm nay cô chờ tôi ở góc đường Hồng Thập Tự và Lê Quý Đôn. Tôi sẽ đưa cô đi tham quan Sài Gòn". Cô Ba trả lời: "Dạ, để em về thay đồ rồi 5 giờ em tới".
Từ hôm đó cho đến suốt một tuần sau, chiều tối nào tôi cũng đưa cô Ba đi chơi, gần như khắp cả Sài Gòn. Có cô đi cùng tôi cảm thấy vui. Tôi và cô nói chuyện nhiều với nhau nhưng không ai đá động đến chuyện tình cảm. Tôi vẫn xưng hô "cô", "tôi" trong khi cô Ba luôn "anh", "em" ngọt ngào. Thật sự trong lòng tôi không hề có ý muốn tiến xa hơn. Và tôi cũng dư sức biết cách không để cho bất cứ ai trong cơ quan biết tôi và cô Ba đi chơi với nhau, để tránh bị đàm tiếu.
Một hôm tôi đưa cô Ba đến khách sạn Caraven ăn tối. Sau ngày 30 tháng Tư, dù đã "giải phóng" cả miền Nam và bộ đội tràn ngập khắp các đường phố Sài Gòn nhưng hầu như không có anh bộ đội hay cán bộ nào dám đặt chân vào khách sạn sang trọng nhất Sài Gòn này. Đây là khách sạn duy nhất chỉ có người nước ngoài ở và ra vào. Phần đông trong số họ là phóng viên và hầu hết đều là nhân viên tình báo.
Đám nhân viên phục vụ rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi bước vào khách sạn. Tôi hỏi họ phòng ăn. Họ đưa chúng tôi vào thang máy, lên đến tầng trên cùng. Khi tôi và cô Ba bước vào phòng ăn thì tất cả các thực khách đang ăn đều ngẩng lên chăm chú nhìn chúng tôi. Tôi chọn bàn ăn bên cạnh cửa sổ rồi chọn trong thực đơn hai đĩa bò bít-tết và hai ly rượu chát. Khi nhân viên phục vụ đem thức ăn ra, tôi hướng dẫn cô Ba cách dùng dao, nĩa và khăn ăn. Cô Ba không tỏ vẻ gì ngạc nhiên, lặng lẽ ăn và cùng tôi ngắm nhìn phong cảnh thành phố bên dưới trải rộng ra xa tít đến tận chân trời. Cô cũng không hề để ý đến đám thực khách nước ngoài đang chăm chú nhìn mình.
Lúc ấy tôi đang phấn khích. Tôi buộc miệng nói một câu mà sau này tôi thấy là ngu không thể tả được: "Cô Ba nhìn xem, cả thành phố này từ nay đã thuộc về của chúng ta!". Cô Ba đang ngắm nhìn thành phố quay sang nhìn vào mắt tôi, khẽ lắc đầu nói bằng giọng nhẹ nhàng: "Không. thành phố này không phải của em. Thành phố này là của những người khác".
Tôi giật mình, ngạc nhiên đến cùng cực. Nếu như vừa rồi trong đám nhân viên phục vụ đang đứng đằng xa kia có ai đó vì thâm thù Việt cộng đến mức đột ngột rút súng ngắn dấu trong người ra bắn thẳng về phía chúng tôi thì tôi chắc chắn sẽ không ngạc nhiên đến vậy. Chắc chắn tôi sẽ phản xạ nhanh như từng phản xạ với một con heo rừng hung dữ đột ngột lao thẳng vào mình. Nhưng câu nói của cô Ba làm tôi bàng hoàng và khiến tôi gần như bị tê cứng. "THÀNH PHỐ NÀY KHÔNG PHẢI CỦA EM, THÀNH PHỐ NÀY LÀ CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC!". Một nữ đảng viên cộng sản, một nữ Chi ủy viên cộng sản đang ngồi trước mặt tôi – lại có thể nói ra câu nói này sao?
- Ăn đi anh. Em mới ăn món này lần đầu – Cô Ba mỉm cười.
Tôi lặng thinh, cố gắng ăn xong cho nhanh, trả tiền và "bo" cho nhân viên phục vụ như một cái máy, rồi cùng cô Ba ra về. Đêm hôm đó tôi trằn trọc không sao ngủ được. Với câu nói của cô Ba, bức tường "đảng viên cộng sản" chắn ngang giữa cô và tôi hoàn toàn sụp đổ. Nhưng tôi vẫn tỉnh táo để biết rằng mình đừng bao giờ dại dột bước qua đống sụp đổ ấy để tiến tới, bởi vì nếu bước qua đó thì cả đời mình sẽ phải luôn đối phó với một thế lực đáng sợ đã có sẵn lối vào tận gia đình của mình.
Hôm sau tôi không hẹn đi chơi với cô Ba nữa. Vài ngày sau cô Ba cũng rời cơ quan, vào học trường "Bổ túc Công Nông" ở Thủ Đức. Tôi không chỉ không gặp lại cô mà cố tình không hỏi thăm ai về cô. Về sau tôi tình cờ nghe nói cô chuyển công tác sang Quốc doanh đánh cá Chiến thắng, rồi sau đó lập gia đình với một người cũng ở cùng TTXGP trước đây.
Một lần khi đang rà tìm đài phát thanh nước ngoài trên băng tần sóng ngắn của máy thu thanh dân dụng, tôi bất chợt bắt gặp lại các tín hiệu Morse của cô Ba. Vẫn nhịp gõ mang nỗi niềm kỳ lạ ấy, một nỗi niềm mà tôi luôn rất muốn hiểu nhưng không bao giờ có thể hiểu. Rồi một ngày kia làn sóng điện ấy tắt. Trong không gian điện tử không còn một nhịp gõ nào giống như vậy nữa. Và rồi cuối cùng thì trong cả không gian mênh mông kia cũng chẳng còn lấy một tín hiệu Morse nào. Thời của những tín hiệu Morse ấy đã vĩnh viễn qua rồi.
Khoảng mười năm sau, một hôm anh Lâm Quang Thu đến nhà tôi chơi, cho tôi biết cô Ba bị ung thư giai đoạn cuối, nặng lắm, bệnh viện đã trả về.. Tôi hỏi địa chỉ rồi lập tức đến thăm cô. Khi tôi đến cô đang nằm trên giường, cố gắng gượng ngồi dậy nhưng không nổi. Cô tiều tụy kinh khủng. Tôi kéo ghế ngồi bên giường cô, không dám hỏi nhiều vì cô đang rất đau đớn. Tôi ngồi im, lòng tràn ngập nỗi xót thương. Bất chợt cô Ba nói khe khẽ: "Hồi đó..." rồi ngừng lại vì đau. Tôi vội vàng ngăn: "Cô đừng nói gì, ráng nghỉ ngơi tĩnh dưỡng cho mau khỏi bệnh". Cô Ba im lặng nhìn vào mắt tôi hồi lâu. Rồi cô nói nhẹ như một làn gió thoảng: "Em cám ơn anh".
Hôm sau cô mất.

*
Cho đến hôm nay tôi không bao giờ quên câu nói của cô Ba: "Thành phố này không phải của em. Thành phố này là của những người khác".

Từ lâu tôi luôn nhớ lại câu nói ấy. Nhớ lại mỗi khi làm việc với lãnh đạo Thành phố về các vấn đề liên quan đến sự phát triển của thành phố. Nhớ lại mỗi khi cùng với họ tiệc tùng ở Caraven hoặc ở các khách sạn sang trọng khác với các quan chức nước ngoài. Nhớ lại mỗi khi tham gia xây dựng "Kế hoạch 5 năm phát triển thành phố" hoặc khi tham gia xây dựng "Chiến lược dài hạn phát triển Thành phố". Nhớ lại khi thiết kế "Chương trình đào tạo 300 Tiến sĩ, Thạc sĩ trẻ" cho Thành Ủy. Nhớ lại mỗi khi thành phố có bất kỳ sự kiện quan trọng nào.
Tôi luôn nhớ vì cô Ba nói đúng. Thành phố này KHÔNG PHẢI CỦA CÔ BA. Thành phố này và cả đất nước này cũng KHÔNG PHẢI CỦA TÔI. Thành phố này, đất nước này là CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC.
Càng ngày càng thấy cô Ba nói đúng. Đất nước này, thành phố này là của những kẻ trong chiến tranh không dám ra trận. Đất nước này, thành phố này là của những kẻ cơ hội sau chiến tranh chen nhau tiến thân bằng con đường "Đảng", "Đoàn". Đất nước này, thành phố này là của những "con phe", những "soái ca" xã hội chủ nghĩa. Đất nước này, thành phố này là của những kẻ cướp bóc và lừa dối. Đất nước này, thành phố này là của những kẻ ngu độn ban phát bằng cấp cho nhau. Đất nước này, thành phố này là của những tên lưu manh sẵn sàng đấm đá những người bất đồng chính kiến… Đất nước này, thành phố này là của Nguyễn Thị Kim Ngân, Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyễn Thị Kim Tiến… Đất nước này, thành phố này là của Trọng "lú", Quang "lùn", Hùng "trọc", Bùi Hiền… Đất nước này, thành phố này không phải của những người như chúng tôi.
*
"Không có gì thật sự là của mình" là một quan điểm quan trọng của Phật học. Nhưng đó lại là chuyện khác. Với những vị thật sự tu hành thì những chuyện tôi kể ra ở đây chẳng có giá trị gì cả. Nhưng với tôi, cuộc đời của cô Ba, nhịp gõ ma-nip của cô, câu nói của cô… là những kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên, dù chúng đã trôi xa lắm rồi, chìm sâu trong quá khứ.
Tôi viết về cô như một việc không thể không làm. Tôi không muốn viết thành một tác phẩm có chủ đề và bố cục hoàn hảo. Tôi chỉ muốn viết đúng sự thật về một góc nhỏ thân phận của một con người.
Tôi cầu mong mọi điều tốt đẹp cho cô Ba.

Dzũng Trần