Mười giờ đêm, mọi việc đã xong xuôi, cửa tiệm đóng cửa. Tôi
nhìn qua một lượt để biết chắc là mọi thứ đã đâu vào đó. Ngay cả cái đèn chớp
nháy chữ CLOSED cũng đã được mở lên. Còn hai tiếng nữa là giao thừa. Yên tâm,
tôi bước vào nhà bếp. Đám nhân viên nhìn tôi chờ đợi. Hiếm khi có cuộc họp bất
thường kiểu này. Cuối năm. Còn hai tiếng nữa đã là năm mới. Cuối ngày. Còn hai
tiếng nữa là hết một ngày cuối năm. Ai cũng muốn về nhà cho sớm, dù đã sắp nửa
đêm, nhưng vẫn là sớm với những người bắt đầu công việc lúc mười một giờ trưa.
Tôi nhìn quanh đám người làm công trong nhà hàng. Ngoài tay
đầu bếp trung niên, còn lại là những khuôn mặt trẻ măng. Lẫn trong đó là một
khuôn mặt đàn bà cằn cỗi.
Thấy tôi vào tới, gã xô ghế đứng bật dậy. Cái laptop mở sẵn
trên mặt bàn. “Tôi có chuyện quan trọng muốn trình bày với mọi người,” Gã nói,
tia nhìn quét một lượt những khuôn mặt mệt mỏi của đám nhân viên; những kẻ sau
cả ngày dài tíu tít công việc, đang chỉ muốn về nhà tắm một cái cho mát, ly rượu
ấm trong tay, chuẩn bị đón giao thừa.
Tia nhìn của gã dừng lại ở người đàn bà lớn tuổi nhất trong
đám nhân viên của nhà hàng.
“Có một phạm nhân ở giữa chúng ta.” Gã nói, và khom lưng xuống,
bấm lách cách vào những con chữ trên bàn phím laptop.
Tôi chưa đoán được là gã nhân viên này muốn gì. Gã là một thứ
nhân viên thực thi công lý trong cái quán ăn bé nhỏ của tôi. Thời gian làm việc
ở đây, dù không làm được chuyện lớn nhưng gã đã rất giỏi trong việc làm lớn
chuyện. Gã còn là sinh viên. Gã là đứa huyênh hoang là sẽ vào trường luật. Gã
khoe đang luyện thi L.S.A.T. Hẳn đây lại là một trong những dịp mà gã tin là cơ
hội cho gã học hỏi và áp dụng những điều đã học được. Bởi gã nhì nhằng đòi cho
được buổi họp nhân viên bất thường này.
“Cậu có điều gì quan trọng, nói ngay ra để mọi người còn về
đón giao thừa,” tôi nhắc.
Gã nhìn tôi rồi xoay qua người đàn bà lớn tuổi nhất trong
đám nhân viên. Gã yêu cầu tôi bảo bà nhân viên ấy đứng lên.
Tôi nhìn người đàn bà đang ngồi co ro ở đầu chiếc ghế dài, gạt
đi, “Khỏi cần.”
Cái nhíu mày hiện ra rồi biến ngay đi khỏi vầng trán gã
thanh niên. Gã đằng hắng và bắt đầu đọc cáo trạng, “Bà N.” Gã ngừng lại, nhìn
người đàn bà đang đăm đăm nhìn cái gì đó trên nền xi măng sần sùi. Gã tiếp, “Bà
N. đã không làm đúng bổn phận. Thay vì để khách hàng tự đem khay thức ăn thừa đến
thùng rác thì bà ấy khuyến khích khách hàng để bà ấy làm. Làm như vậy là tập
cho khách hàng tính ỷ lại, bừa bãi và vô trách nhiệm.”
Những con mắt ngơ ngác nhìn gã.
Một cô gái nói, “Chuyện ấy có gì to tát lắm đâu.”
Gã lắc đầu nhìn cô gái. Rồi gã lại bấm bàn phím laptop, gã
nhìn đống chữ trên màn hình, gằn từng câu, từng chữ, “Dọn dẹp không đúng cách
là chuyện nhỏ. Điều tôi muốn làm sáng tỏ hôm nay là chuyện trộm cắp. Trong chỗ
làm có nhiều người, việc trộm cắp cần được làm sáng tỏ để tránh trường hợp nghi
ngờ lẫn nhau.”
Điều này thì tôi đồng ý. Tôi không muốn chuyện trộm cắp xảy
ra trong nhà hàng của tôi. Những mất mát trong chỗ làm nếu không tìm ra thủ phạm,
sự nghi kỵ sẽ lan tràn. Là chủ nhà hàng, tôi thường nghe lời gã bởi gã biết luật,
gã lý luận đanh thép và rành mạch. Tôi nghĩ – như gã vẫn quả quyết rằng – gã sẽ
thành một luật sư giỏi; một kẻ sẽ sống chết vì luật pháp.
Nét sợ hãi đọng đầy trong hai con mắt xớn xác, bà N. nắm chặt
cái túi xách đặt trước mặt, rụt rè đứng dậy, và – bằng thứ tiếng Anh lọng cọng
– lắp bắp, “Tôi xin lỗi. Tôi xin nhận tội.”
Mọi người ngơ ngác. Tôi cũng ngơ ngác bởi mọi chuyện xảy ra
trong chỗ làm nhỏ bé này, tôi bắt buộc phải là người đầu tiên biết rõ. Nay bỗng
dưng có người nhận tội thế này thì cũng khó xử cho tôi. Mà trộm cắp cái gì mới
được chứ?
Tôi nhớ nhà hàng của mình lâu nay chẳng mất mát gì. Chắc gã
muốn tố cáo người đàn bà này tội ăn vụng miếng khoai tây hoặc uống trộm miếng
cà phê trong nhà bếp. Tội cũng chẳng đáng gì, nhưng bà ấy đã nhận. Đã có lời tự
thú thì còn bận tâm đưa ra bằng chứng làm gì nữa. Tôi bảo gã thế. Nhưng gã vẫn
nhất định đòi làm cho sáng tỏ. Gã không muốn để những thắc mắc trong đầu mọi
người. Nhà hàng có năm nhân viên. Tôi là chủ. Tôi phải biết xử sao cho đẹp. Gã
nhắc khéo tôi như thế.
“Tôi muốn mọi người thấy rõ bằng chứng. Không nên có sự nghi
ngờ. Mọi người hiểu reasonable doubt là gì không?” Gã nói.
Không ai trả lời.
Gã loay hoay xin được trưng bằng cớ; gã đòi mọi người trong
nhà hàng xem đoạn băng hình thâu được trong nhà bếp để thấy rõ hành vi trộm cắp
của bà N. như thế nào.
Tôi ngần ngừ. Hôm phỏng vấn người đàn bà ấy tôi cũng đã nửa
muốn nhận nửa không muốn. Thời buổi này công việc khó khăn. Yếu tố khiến tôi nhận
người đàn bà này chính là tuổi tác của bà ta. Không còn trẻ, không còn bay nhảy
như bọn học sinh, bà ấy sẽ ở lâu với tiệm chúng tôi. Thêm vào đó, người đàn bà ấy
có bốn đứa con. Hai đứa đang trong tuổi thiếu niên, chúng nó chắc cũng làm bán
thời gian trong tiệm fast-food nào đó. Vì vậy tôi nhận bà ta, dù bà ta
nói tiếng Anh một cách vất vả và cách phát âm nghe như đang ngậm thứ gì đó
trong miệng.
Nghe nói sẽ chiếu đoạn video, người đàn bà bật khóc và hốt
hoảng nói không thành câu, bằng thứ tiếng Anh rạn vỡ, “Tôi nhận tội! Trời ơi!
Phạt thế nào tôi cũng chịu.”
Tôi sững sờ nhìn khuôn mặt loang lổ nước mắt. Thái độ của
người đàn bà khiến tôi tò mò. Những giọt nước mắt kèm theo cử chỉ lo lắng, hoảng
hốt của bà N. khiến tôi thấy gã sinh viên làm part–time ấy có lý.
Và tôi bảo mở đoạn video ấy lên để xem cho rõ.
Thế là gã sinh viên trở thành công tố viên trong phiên tòa
cò con gồm một chủ nhân, và năm nhân viên quèn.
Gã đứng thẳng người, ngực ưỡn ra trước, hít một hơi dài trước
khi lên tiếng. Gã dẫn giải từng chi tiết. Gã chưa vội mở video. Đĩa video còn nằm
ngoan trong cái laptop xinh xắn của gã. Gã kể về khung cảnh nhà hàng tối hôm ấy.
Muộn, và vắng khách. Vỏn vẹn có ba người khách lớn tuổi ngồi ở ba bàn khác
nhau, và một gia đình gồm hai vợ chồng và hai đứa bé. Hai vợ chồng vào quán,
hai đứa bé theo sau. Một đứa dùng dằng không chịu ngồi vào ghế. Họ mua bốn cái hamburgers.
Một đứa thong thả cắn những miếng nhỏ từ cái bánh của mình. Đứa bé gái kia vùng
vằng chê dở. Cắn một miếng rồi nhả ra khay và gạt phần ăn ấy qua một bên.
Giọng của gã lên bổng xuống trầm, “Tôi để ý thấy bà N. hau
háu nhìn. Đứa bé không ăn, giận dỗi ngồi khoanh tay lặng thinh. Ba người ăn
xong, người mẹ mắng con bé bỏ ăn kia rồi nắm tay nó kéo ra khỏi cửa tiệm. Người
bố toan ôm cái khay đi lại thùng rác nhưng bà N. đón đường, nhận lấy cái khay.
Mấy người nghĩ là bà ta sẽ đem đổ vào thùng rác ư, không đâu!” Gã cao giọng,
nói. “Bà ta không đi đến thùng rác mà lại nhìn trước nhìn sau rồi đem cái khay
vào bếp.”
Gã ngưng nói, hít một hơi dài, ưỡn ngực ra trước như người
lính chờ được gắn cái huy chương chiến thắng.
“Phần kế tiếp, mời mọi người chú ý vào đoạn video clip
sau đây.” Gã với tay tắt bớt một ngọn đèn và bấm nút bàn phím cái laptop nhỏ gã
thường đem theo để làm bài trong giờ giải lao. Mọi người chồm tới, ghé mắt
nhìn. Chỉ riêng bà N. ủ rũ ngồi yên tại chỗ, mắt nhìn thẳng phía trước.
Băng hình chỉ có hai màu đen, trắng. Trong cái khung xám tối,
tôi thấy hình ảnh người đàn bà. Tôi thấy bà ta bưng cái khay vào bếp. Đặt lên kệ.
Nhìn quanh. Nhanh chóng cầm cái bánh còn sót trên khay, giữa những vỏ giấy và
ly không, chắc hẳn đó là cái bánh mà đứa bé cắn một miếng, nhả vội ra như gã
sinh-viên-sắp-vào-trường-luật vừa mới kể. Cầm cái bánh lên, người đàn bà đưa vội
lên miệng, cắn một miếng thật to và nhai nhồm nhoàm. Băng hình trắng đen, nhưng
tôi cũng nhìn thấy tia sáng lấp lánh trong đôi mắt người đàn bà lúc bà ta trệu
trạo nuốt miếng bánh. Rồi bà ta phủi vội hai bàn tay lên má, lên miệng, lên cằm,
rồi vuốt qua loa áo khoác ngoài cho thẳng thớm, rồi vội vã bước ra ngoài.
Gã sinh viên bấm video ngừng ở đó và cao giọng, “Bà ấy ra
ngoài tìm thêm những con mồi khác, quý vị thấy không? Mất công tôi phải dọn cái
khay ấy để giữ vệ sinh nhà bếp.”
Gã bấm cho máy tiếp tục chạy. Trong cái khung màu xám, tôi
thấy gã sinh viên sắp-thi-vào-trường-luật ấy bước vào bếp. Gã ngước nhìn vào ống
kính, lắc đầu, nhún vai, rồi ôm cái khay, đi lại thùng rác ở góc phòng, đổ dốc
mọi thứ vào đấy, rồi bước ra. Vài giây sau, bà N. bước vào khung thâu hình của
máy. Bà nhìn mặt bàn, chỗ để cái khay bữa ăn thừa của khách hàng ban nãy. Mặt
bàn trống trơn. Bà nhìn quanh. Vẻ ngẩn ngơ, tiếc nuối. Rồi bà nhìn về phía
thùng rác. Bà bước vội về phía ấy.
Có tiếng khóc tức tưởi. Rồi tiếng bà N. kêu rêu bằng thứ tiếng
Anh ngậm bung búng trong miệng, “Trời ơi, làm ơn tắt đi giùm tôi…”
Tôi khoác tay bảo gã sinh-viên-luật-khoa-tương-lai tắt máy.
“Ông cần phải xem cái khúc bà ta bới thùng rác…” Gã nhấn mạnh.
Tôi gằn giọng, “Tôi bảo tắt đi. Như vậy đủ rồi.”
Gã ngơ ngác nhìn tôi, rồi quay qua nhìn người đàn bà đang ôm
mặt sụt sùi. Nước mắt trào qua những kẽ ngón của bàn tay đang che kín khuôn mặt
xác xơ.
“Thấy bà ấy lấy đồ trong tiệm chưa? Miếng bánh dù bỏ đi vẫn
là tài sản của nhà hàng. Tội trộm cắp dưới năm ngàn đồng đấy. Hình luật Canada
điều 334-B.” Gã hể hả nói.
Vẫn hai bàn tay che không kín khuôn mặt; vẫn nước mắt loang
lổ qua những kẽ ngón tay, người đàn bà ho sù sụ và khụt khịt nói bằng thứ tiếng
Anh nhồi bột qua cái giọng khản đặc, “Tôi xấu hổ, tôi xin lỗi, hôm ấy nhà tôi hết
gạo, hết tiền…”
Tôi trừng mắt nhìn gã sinh-viên-sắp-thi-vào-trường-luật,
“Đưa cái đĩa video ấy cho tôi.”
Gã nhìn tôi chằm chặp.
“Đưa cho tôi.” Tôi gằn giọng, đưa bàn tay ra, chờ.
Gã ngập ngừng bấm cho đĩa DVD tuồi ra khỏi cái laptop mỏng mảnh.
Tôi nhận cái đĩa. Tôi nghiến răng, gồng mình bẻ cong cái đĩa
nhựa. Một tiếng cạch, cái đĩa gẫy làm đôi. Tôi cầm hai mảnh gẫy, lần lượt bẻ
thêm làm tư. Trượt tay, một cạnh sắc cứa vào ngón tay cái, máu ứa ra đỏ loè.
Đám nhân viên trố mắt nhìn. Hai con bé học sinh trung học – làm bán thời gian –
ngơ ngác hết nhìn tôi rồi lại nhìn qua người đàn bà làm chung đang ôm mặt sụt
sùi.
“Phiên họp chấm dứt. Mọi người về được rồi. Chúc ngủ ngon và
Chúc mừng Năm Mới!” tôi nói và bước nhanh về phía thùng rác – nơi bữa trước –
gã sinh-viên-luật-khoa-tương-lai tống đám rác cùng với cái hamburger mới
chỉ cắn được một miếng của người đàn bà đang trong cơn đói vào đấy. Tôi mở nắp
thùng, quăng những mảnh vỡ của cái DVD thâu hình từ cái máy quay phim gắn trên
trần nhà bếp.
Mọi người lục tục đẩy ghế đứng dậy. Riêng bà N. vẫn ngồi đó,
như phạm nhân chờ nghe phán quyết của tòa.
Tôi bước đến bên bà ta, đặt tay lên bờ vai xương xẩu, “Tôi
xin lỗi. Bà yên tâm về nghỉ ngơi. Nhớ lấy đồ gì về cho tụi nhỏ ăn giao thừa.
Ngày mai tiệm mình đóng cửa. Tết nhất đến rồi, không nên buồn.”
Tôi chỉ nói được bấy nhiêu. Trước mắt tôi thấp thoáng hình ảnh
những đứa trẻ ngồi tụm một góc, mắt ngóng ra cửa căn phòng chung cư chật chội,
chờ mẹ đi làm về. Tôi cảm nhận được nhịp rung khe khẽ chuyển tới đôi vai từ cái
thân thể gầy gò – và bây giờ tôi biết thêm là – ốm đói.
Gã sinh-viên-trường-luật-tương-lai nhìn tôi, hai con mắt
tròn căng dấu hỏi.
“Cậu này nữa. Cảm ơn cậu,” tôi quay qua nói với gã. “Về ngủ
đi, muộn rồi. Chúc mừng Năm Mới!”
Gã nhún vai, xếp cái laptop lại, bỏ vào túi đeo lưng, lẩm bẩm,
“Ông vừa mới phạm luật đấy,” rồi xoay người bước đi. Ra đến cửa, gã quay đầu lại,
nói vớt, “Hủy bỏ tang chứng cũng là tội hình sự đấy, ông chủ ạ.”
23 tháng 12, 2018
Hoàng Chính