07 March 2019

ÉMILE - Lê Quang Thông


Ta nhìn ngọn cỏ lòng mê mẩn
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân

(Tô Thuỳ Yên)

Old French man in Paris cafe
by Edie Fagan

Tôi nhờ người phóng viên tờ Hörzu gởi về Paris cho Émile một bức điện tín, lúc tàu Cap Anamur ghé Singapur, một ngày sau khi vớt ghe chúng tôi trong Vịnh Thái Lan. Sợ phiền người phóng viên mới quen, tôi chỉ viết vắn tắt bằng tiếng Pháp mấy chữ: đã đến Singapur, nhờ báo tin về Việt nam. Émile hết sức sốt sắng, đã đánh đến hai cái điện tín, một về Huế cho Ba Mẹ tôi, một về Sài gòn cho vợ tôi. Émile còn nói sẽ vận động để Petit Ton, biệt danh mà Émile vẫn thường gọi tôi, qua Pháp sớm, như sau này vợ tôi kể lại. Sự thực đã không đơn giản như vậy.

Lúc ghé cảng Singapur là lúc bản thân Dr. Neudeck bối rối nhất. Trên tàu có trên hai trăm thuyền nhân. Một trăm rưỡi trong số đó nằm trong quota 1982 của chính phủ Tây Đức, sẽ được đưa lên đảo Palawan, chờ đi Đức. Số còn lại gồm hai ghe, ghe tôi đi từ Rạch Giá, và chiếc kia từ Vũng tàu, tổng cộng trên sáu mươi người, không biết số phận sẽ ra sao.


Ra sao thì ra. Tôi chỉ biết một điều đơn giản, tôi đã thoát chết. Tất cả những nỗi lo sợ, ám ảnh vụt biến mất. Tôi thoát xác, như rắn lột da. Tôi trở thành con người thật sự. Ít ra là một con người, có giá trị ngang với mười ngàn đô la, như cáo thị của chính quyền Singapur, số tiền phạt tàu Cap Anamur, nếu như một thuyền nhân tìm cách rời tàu, trốn vào đất đảo. Hơn chút nữa là một con người có ích trong lúc này trên tàu.

Tôi làm việc hằng ngày trong bệnh xá, thông dịch cho Bác sĩ, Y tá. Buổi trưa lo việc lãnh thực phẩm cho toán làm bếp. Buổi chiều cùng với Bác sĩ Georg dạy tiếng Đức cho bà con, thông qua tiếng Pháp, theo kiểu Das Fenster là la fenêtre, là cái cửa sổ, nghĩa là chẳng theo phương pháp sư phạm nào, ngoài mục đích cho mọi người làm quen với tiếng Đức. Buổi tối, tôi thường ngồi trên mũi tàu, nhìn mông lung trời trăng mây nước. Tương lai chưa thể nghĩ tới, vì chưa biết về đâu.
Chỉ biết đã qua rồi những ngày bấp bênh ở Sài gòn. Những ngày lang bạt, phố ngược đường xuôi, chưa biết đêm đến sẽ ngủ chỗ nào, vì chỗ nào cũng hứa hẹn sẽ bị kiểm tra hộ khẩu. Nhớ lại đêm tá túc nhà một người bạn ở cư xá Lê đại Hành, dứơi Phú Thọ. Nửa đêm công an ập vào soát nhà. Tôi leo kịp lên cây mít lớn sau bếp, ngồi lọt thỏm giữa hốc ba nhánh lớn. Tránh được ánh đèn pin quét loang loáng vào mọi xó xỉnh. Tránh được phiền lụy cho chủ nhà. Nhưng không tránh nổi bộng kiến lửa có hộ khẩu đã từ lâu trong hốc cây. Kết quả, tôi bị kiến cắn sốt ly bì mấy bữa, mặt mày, chân tay mọng đỏ từng đám như bệnh đậu mùa.
Qua rồi những ngày đi ghe lên về Sàigòn – Cà Mau làm khách thương hồ. Buôn khóm, mía từ miệt dưới lên chợ Cầu Ông Lãnh. Mang dầu gió, thuốc rê, kim chỉ…về bán các xóm dọc theo kinh rạch từ ngã bảy Phụng Hiệp tuốt tới Gành Hào, sông Ông Đốc. Đi như vậy không sợ ai kiểm tra. Khi bị công an hỏi, bất quá chỉ khai là người Huế, đi kinh tế mới dưới Miệt Thứ, cộng thêm vài điếu Samit là yên ngay. Nếu bị tra vấn gay go, thì cứ giở giọng đặc sệt Huế ra. Thế nào cũng được thả, kèm theo vài câu chưởi thề bực mình vô cùng theo mấy thằng ngu, nói giọng trọ trẹ, người nước Huế.
Có những đêm neo ghe trên sông Tiền. Đúng là “tan tác như hoa giữa đường” như thân Kiều, vì muỗi đốt. Nằm giữa lòng ghe tứ bề thọ “muỗi”, nhiều lúc nghĩ lẩn thẩn, Tiền Giang hay là Tiền đường đây?
Qua rồi đêm ra khơi mưa gió bão bùng. Trong màn mưa mờ tối, ghe tròng trành men theo các hòn Chồng, hòn Nghệ, hòn Khoai…Từng chớp sáng loé lên, thấy các hòn như những con quái vật khổng lồ lù lù trước mặt. Sợ vướng lưới đáy, sợ công an rượt, sợ bị từng đợt sóng cao khủng khiếp đánh chìm ghe. Mãi đến khi trời êm biển lặng lại gặp hải tặc Thái lan. Những khuôn mặt tô đậm màu trắng kem chống nắng, nhìn như quỷ sứ, tay lăm lăm búa, súng tha hồ lục tìm sục sạo, khuân hết mọi thứ trên ghe về tàu chúng. Chúng cướp hấp tấp, vội vã bỏ đi sau khi đập vỡ máy và ủi bể mũi ghe. Chừng hai tiếng đồng hồ sau ghe tôi gặp tàu Cap Anamur.
Khi dòng chữ Ile de lumière trên thân tàu hiện ra mờ mờ trong tầm mắt, tôi đánh Sémaphore tới tấp ba chữ SOS, và hét “sauvez-nous” như điên. Sau này Bác sĩ Georg hay đùa, trên tàu Cap Anamur cứ ngỡ rằng sẽ vớt một ghe người Pháp xin cứu cấp.
Suốt tháng Năm, Cap Anamur chạy lui chạy tới trong vịnh Thái lan, vớt thêm nhiều ghe, nâng số người trên tàu lên đến gần ba trăm. Trung tuần tháng Sáu, tàu ghé lại Singapur, đợi Tiến sĩ Neudeck. Ông quyết định nhổ neo chạy thẳng về Tây Đức, ví von con tàu như Exodus, vì gần ba trăm người chưa có nơi nào chịu nhận. Chúng tôi chỉ biết số phận mình, khi tàu qua khỏi Hồng hải, đợi thông đường vô kinh đào Suez, nhờ quyết định của mười tiểu bang và Tây Bá Linh, chia nhau nhận số thuyền nhân trên tàu.
Tàu chạy rề rề vì nghe đâu bị hư một máy, gần hai tuần thong thả như một du thuyền trên Địa trung hải. Ngoài công việc hằng ngày ở bệnh xá, nhận thực phẩm, tôi còn làm thẩm phán, xử kiện những xô xát xảy ra do dành nước ngọt, thức ăn…và trải qua những buổi tối trên Địa trung hải thật tuyệt vời. Trời êm, biển lặng, trăng sao vằng vặc. Nhìn ba hòn đảo của Malta, đèn đuốc sáng trưng, như một xứ thần tiên. Đêm nào tôi cũng có thuốc hút, nhờ quy tụ một số người chịu nghe những câu chuyện về Sizilien, Sardinien…
Mãi đến khi tàu ra khỏi eo Gibraltar, tôi mới bận rộn, vì phải chuẩn bị cho cuộc đón tiếp báo chí, dự định tổ chức ở hải cảng Dover, Anh. Một trong những món phải chuẩn bị, là bài diễn văn thay mặt thuyền nhân, chào mừng ký giả các tờ báo lớn ở Âu châu. Tôi viết bằng tiếng Pháp. Carina, một cô y tá trẻ trên tàu dịch qua tiếng Đức và giúp tôi tập đọc. Chúng tôi vất vả với chữ jetzt trong cách phát âm. Cuối cùng Carina phải thay tất cả các chữ jetzt có trong bài bằng chữ nun. Bây giờ nhớ lại, tôi không hiểu tại sao lúc đó mình ngu thế, hay tại tính tinh nghịch cố hữu muốn chọc cô đầm Đức mập mạp, mũm mĩm này một chút cho vui.
Carina đang học năm cuối Y khoa, nói tiếng Pháp trôi chảy, và khám phá ra ngay từ những ngày đầu mới lên tàu, là chúng tôi có chung ít nhiều vốn liếng văn chương. Chúng tôi dễ trở nên thân thiết với nhau khi nói về Hölderlin, Eric Maria Remarque… Carina vấn cho tôi ba điếu thuốc mỗi tối. Đây là một món quà hết sức quý trên tàu. Nhiều ngày tôi phải hút trà sau bữa ăn vì không đào đâu ra thuốc lá, mà miệng mồm lại tanh rích theo hộp cá nục sốt cà chua, không kho, không nấu gì cả. Nhiều tối Carina vì bận chuyện gì đó không xuống hầm tàu được, tôi đợi nàng hay đúng ra đợi ba điếu thuốc mỏi mòn. Mai lại Carina chọc tôi, rằng tôi đã đóng kịch En attendant Drumo suốt đêm. Nàng nhại vở En attendant Godot của Samuel Beckett. Drumo do tên loại thuốc lá vấn Drum nàng đang hút.
Gần cuối tháng Bảy tàu vô sông Elbe và đổ chúng tôi lên cảng Hamburg. Từ đây mọi người được phân phối đi các tiểu bang và Tây Bá linh. Tôi được đưa về Friedland gần Göttingen.
Lần đầu tiên điện thoại được với Émile, tôi xúc động đến nói năng lắp bắp. Émile không biết tôi trôi dạt về đâu sau bức điện tín ở Singapur. Ông cứ ngỡ tôi đã lên Palawan và đã vận động để phái đoàn Pháp tìm tôi trên đảo. Sau này bạn bè từ Palawan qua Đức cho biết, tin nhắn tôi phải tìm gặp phái đoàn Pháp, được đọc nhiều lần trong mấy ngày trên loa phóng thanh. Émile trấn an tôi, rồi thế nào Petit Ton cũng được qua Pháp. Nhưng trước hết Émile sẽ qua thăm tôi ở Friedland, lúc nào không báo trước được, vì ông phải thu xếp công việc ở Paris.
Khi ông tới Friedland vào buổi chiều, chúng tôi đã được chuyển lên Norddeich vào sáng hôm đó. Émile lại lái xe lên Norddeich. Tính ra từ Paris ông đã vượt hơn nghìn cây số với số tuổi trên sáu mươi, để thăm thằng con nuôi Petit Ton, đã làm phiền ông phải lo âu nhiều chuyện trong suốt mấy năm nay.
Émile người Saint Malo, vùng Bretagne. Lưu lạc tới Paris từ tuổi thiếu niên vì cha mẹ mất sớm, kiếm sống quanh quất khu Montparnasse, nơi tập trung người gốc Bretagne y hệt như người Huế quây quần với nhau ở khu Trương minh Giảng, Sài gòn. Tuổi thanh niên ông bị động viên, và bị bắt ở mặt trận sông Rhein, mấy ngày trước khi Đức vào tiếp quản Paris bỏ ngỏ. Cho đến hết Thế chiến thứ hai, Émile ở tù ở Duisburg. Sau đó ông trở lại Paris học nghề in, và vào ngành xuất bản sách cho đến bây giờ.
Tôi gặp Émile vào mùa Đông 1973. Dạo đó tôi khá rãnh rỗi. Mấy chứng chỉ về Giáo dục Toán học trong chương trình tu nghiệp coi như tạm xong. Giờ nghe giảng đã hết. Chỉ còn đi thư viện, học ôn và chuẩn bị thi. Tôi vừa trải qua mấy tháng bù đầu học cho việc khảo hạch công nhận tương đương bằng Cử nhân Toán của Pháp. Dự định không về lại Việt nam sau khi tu nghiệp mà phải làm Tiến sĩ Đệ tam cấp về Toán manh nha trong đầu tôi từ lúc mới đặt chân tới Paris. Và tôi đã đi được nửa đường. Văn bằng đã được công nhận tương đương, đã kiếm ra Patron đở đầu, chỉ còn phải kiếm tiền đủ cho ít nhất hai năm học.
Paris không thiếu việc làm cho sinh viên: bồi bàn, giữ trẻ, gia sư, khuân vác ở phi trường Orly, ở các chợ… Chỉ cần giở mục rao vặt ở các báo là kiếm được ngay. Nhưng tôi cứ chần chờ mãi, vì học bổng tu nghiệp của chính phủ Pháp đã nhiều, mỗi tháng có đến 900 quan. Tiền phòng chỉ có 120. Tiền ăn mỗi bữa ở quán cơm sinh viên chỉ tốn 2, 5 quan. Nói chung đừng hoang phí, vẫn dư dả được nhiều, nên thong thả, kiếm việc làm gì vội.
Tình cờ, tôi đọc báo thấy cần một sinh viên làm thư ký đánh máy chữ cho một trung tâm phân phối sách ở ngay Paris. Tôi xin hẹn gặp ông chủ và được chọn trong số ba sinh viên cùng đến. Sau này tôi hỏi Émile tại sao không nhận cô đầm xinh xắn, nhanh nhẹn hay anh chàng Marôc tiếng Tây như gió; mà lại nhận tôi, đánh máy hai ngón tay kiểu cò mổ, tiếng Tây còn ấp a ấp úng. Émile cười và nói rằng tại đêm trước đó ông đã khóc khi coi đài TF1 chiếu lại trận chiến Xuân Mậu Thân 1968 ở Huế.
Gọi là Trung tâm Phân phối sách cho to tát, nhưng chỉ có một văn phòng để giao dịch. Sách bán theo lối thư tín, qua Bưu điện, nên không cần cửa hàng. Sau lưng văn phòng là một phòng lớn dùng làm kho chứa sách, và tầng trên có 3 phòng để ăn ở. Toàn bộ nằm trong một dãy nhà 5 tầng, nhìn qua nghĩa trang Montmartre, Khu Clichy, quận 18, Paris.
Dạo đó máy vi tính chưa thông dụng. Địa chỉ khách hàng được đánh bằng máy đánh chữ trên giấy có keo dán mặt sau. Với khoảng 5000 địa chỉ, tôi phải đánh máy một ngày hai tiếng mới kịp cho thư quảng cáo hàng tháng. Công việc nhẹ nhàng, không gò bó bởi giờ giấc. Tôi thường ghé ngang vào xế trưa, đánh máy khoảng vài trăm địa chỉ, chuyển một số gói sách ra Bưu điện, xếp vào kho số sách mới giao. Nếu trong tuần bận quá, chủ nhật tôi tới, tự động mở cửa, giải quyết công việc.
Cuối mỗi tháng là lúc nhiều việc nhất, vì phải gởi thư mục mới tới khách hàng. Émile và tôi hì hục vô bì, dán địa chỉ, rập tem…tới khi Émile hô: “Petit Ton! Bắt nồi lên” chúng tôi mới ngừng tay. Émile nói theo giọng Alexis Zorbas buổi chiều mệt mỏi từ mỏ than về. Ông chịu ảnh hưởng Kazantzakis rất đậm. Quan niệm của triết gia Hy lạp này về đàn bà, cuộc đời, tổ quốc…ấn chứng trên cách sống của Émile mãnh liệt.
Chúng tôi không bắt nồi lên nấu gì cả cho bữa ăn tối, mà khi thì xuống Quartier Latin, ngồi ăn ở Tiburce hay Perraudin…, những quán ăn xưa, có nơi để là chỗ Montesquieu từng ngồi soạn De l’esprit de la Lois. Khi thì đến công trường Bastille, ăn ở quán Collard, ngay bàn Simenon ngồi hư cấu ra viên thanh tra Maigret nổi tiếng.
Có khi xong công việc, chúng tôi không đói lắm. Ăn qua quýt vài khúc tartine, rồi lên Montmartre uống rượu. Đứng trong quán Chez Robert chiêu vài ngụm Beaujolais mùa mới, còn nồng hơi nắng, giữa không khí giang hồ tứ chiếng thiệt thú vị. Chiêu thêm vài ngụm, đã thấy rung rinh theo ngàn tờ giấy bạc của mọi quốc gia treo trên trần quán. Quả đất đã hơi nghiêng nghiêng và lung linh muôn ngàn màu sắc hắt ra từ hàng dãy tranh của đám họa sĩ bốn phương, đang vẽ truyền thần độ nhật, và mơ ngày thành Toulouse Lautrec.
Émile dẫn tôi nhập vào Paris phong phú. Paris với những nơi ăn chơi thâu đêm, mãn sáng. Ăn chơi nhầy nhụa ở Pigalle, Saint Denis…Ăn chơi nghệ sĩ ở Boulevard Saint Michel, Montmartre…Émile cho tôi thưởng thức đặc sản từng miền nước Pháp. Dạo đó Paris còn quá ít người Việt, tôi tiếc không kiếm đâu ra được bánh nậm Huế, để trả ơn Émile đã cho tôi ăn bánh Crêpe miền Bretagne. Crêpe từ món khai vị đến món tráng miệng thơm ngậy mùi lúa mạch.
Gần cuối năm 1974, tôi nhận lệnh gọi đột ngột của Bộ Giáo Dục phải về Việt nam. Hồ sơ xin học bổng Cao học cần sự xác nhận tôi đã hoàn tất việc tu nghiệp và đã về trình diện Bộ Giáo Dục. Tin tưởng vào sự giúp đỡ của Thầy Thứ trưởng mà tôi có dịp gặp ở Paris, tôi về. Buổi chia tay với Émile không buồn bã lắm, xem như một chuyến về thăm nhà. Chúng tôi ngồi yên lặng trên bao lơn nhìn qua nghĩa trang Montmartre tĩnh mịch. Chỉ đến khi chai Bordeaux nhiều tuổi đã cạn, chúng tôi chào nhau hẹn gặp và nước mắt lưng tròng.
Ngờ đâu về đến nhà, khói lửa đã lan tràn. Hẹn gặp lại nhau chỉ sau vài tháng, không dè đến mãi tám năm trời. Mà lại còn thêm chuyện éo le. Tôi còn nằm dài dài trên Norddeich này nghe gió biển hú, biết bao giờ mới về Paris được. Émile tin vào lá bùa Cheysson, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao Pháp. Cheysson là cấp chỉ huy của Émile trong đệ Nhị thế chiến, nên với tình thầy trò cũ, Émile tin là Cheysson sẽ giúp cho tôi nhập cảnh Pháp. Mà quả tình Cheysson giúp thật, mới có vụ phái đoàn Pháp tìm tôi ở Palawan. Nhưng đến mười Cheysson cũng không can thiệp nổi để cơ quan Offra nhận tôi tỵ nạn ở Pháp vì công ước Genève nằm sờ sờ ra đó. Theo công ước này, đệ tam quốc gia không được nhận một người tỵ nạn, nếu đương sự đã được quốc gia khác trước đó nhận rồi.
Thôi đành phải từng mỗi ba tháng, xếp hàng trước Sở Cảnh sát thành phố Paris, xin giấy tạm trú. Sau đó xin giấy cho phép làm việc. Ít ra cho đến khi gia đình tôi qua Đức rồi hãy tính.
Chuyện rời trại để qua Pháp cũng không đơn giản, nếu không có anh Thông dịch viên và cô giáo dạy tiếng Đức giúp đỡ, làm lơ cho. Anh để tôi đi với điều kiện lúc nào trại cần có mặt là tôi phải về ngay. Cô giáo dạy tiếng Đức lại hết sức dễ chịu. Cô thấy tôi sau mấy tháng khổ công tự học, đã nói năng được chút chút, nên không nỡ để tôi ngồi chung với đồng hương, đang vất vã với ba mạo từ der, die, das…
Mùa Đông 1982 tôi về hẳn Paris và mỗi tháng một lần ca bài “Tàu đêm năm cũ”. Trời đêm mờ mờ, tôi đến sân Gare…du Nord, lên chuyến tàu nửa đêm, và sáng mai khoảng chín giờ đã có mặt ở Norddeich. Công việc ở Trung tâm phân phối sách bây giờ nhiều gấp năm, sáu lần tám năm về trước. Nhưng nhờ máy móc trang bị mới, có một bà người Ba lan chuyên lo việc gói hàng, nhận hàng, nên không đến nỗi vất vả. Émile ở ngoại ô Paris, vùng Maison Lafette, với vợ, chỉ lên làm trong ngày, chiều về. Tôi một mình cai quản cơ ngơi mênh mông, kể cả căn nhà mới mua ở Saint Ouen, cách chỗ cũ không xa, làm nơi chứa sách.
Bà Madeleine, vợ của Émile, cỡ tuổi năm mươi, là một bà đầm trẻ, đẹp, hao hao có nét nữ tài tử Catherine Deneuve. Nhưng bà lạnh lùng quá. Buổi tối đi ăn chung, mừng tôi trở lại Paris, bà không nói một lời, ngoài vài câu thăm hỏi xã giao. Tội nghiệp cho Émile, luôn kiếm chuyện đùa cho bữa ăn khỏi nặng nề. Tôi ngờ ngợ có điều gì đó không ổn.
Ba năm trôi qua vùn vụt. Thời gian đánh dấu bằng những chuyến tàu đêm cuối tháng về Đức. Những đêm trăng, tàu qua Liège. Làng mạc Bỉ ngăn nắp sau những rặng cây điển điển, đẹp mờ ảo ma quái. Những đêm mùa Đông, tuyết trắng xoá từ Bremen về Norddeich, tàu lao đi vun vút gợi nhớ đến chuyến tàu của gia đình Bác sĩ Schiwago về Varikyno lánh nạn. Tôi cũng đang đi tìm nơi ẩn trú cho lòng bình an trong trận chiến đời trái ngang nhiều chuyện.
Điều tôi ngờ ngợ về bà Madeleine dần dần rõ ràng. Không những không ổn mà còn trầm trọng nữa là khác. Madeleine dọa sẽ tự tử, ly dị đủ thứ nếu như Émile sang tên căn nhà ở Saint Ouen cho tôi, để vợ con tôi sắp qua có chỗ cư ngụ.
Gần ngày vợ con tôi rời Việt nam, Émile gầy tọp đi thấy rõ. Tôi biết ông đang thuyết phục bà Madeleine và trận chiến coi bộ gay go diễn ra từng ngày. Mỗi sáng ông lên Paris, gượng gạo vui đùa, nhưng không dấu nổi vẽ mệt mỏi trên gương mặt qua đêm mất ngủ. Tôi cũng qua nhiều đêm thức trắng, suy nghĩ thử tìm một giải pháp êm đẹp đôi bề. Tôi không ham những gì Émile dành cho tôi, nhưng bỏ ông một mình với công việc bề bộn lúc tuổi già, lòng tôi xót xa. Đau đớn hơn là bỏ một người đã cưu mang mình trong suốt mấy năm vất vơ, khổ cực ở Sài gòn.
Liền ba ngày, một tuần trước khi tôi về Đức chuẩn bị đón vợ con, Émile không lên Paris. Ông điện thoại cho biết bị cúm nặng và dặn dò tôi một số công việc. Tôi linh tính có chuyện không hay và lấy tàu về Maison Lafitte. Émile tiều tuỵ nhưng không bị cảm cúm gì. Người đang nằm bệnh viện là bà Madeleine. Bà uống nguyên một hộp Optalidon, sau khi nghe Émile dứt khoát dành căn nhà ở Saint Ouen cho gia đình tôi và giao công việc làm ăn cho tôi để nghỉ già.
Đến nước này thì tôi chẳng còn gì để suy nghĩ. Tôi không có quyền để cho ân nhân của tôi đau khổ. Tôi sẽ về Đức đón vợ con, làm lại từ đầu. Émile sẽ hạnh phúc bên cạnh bà Madeleine. Không có tôi ông sẽ bán cơ sở làm ăn và về căn nhà xinh xắn bên dòng sông Seine ở Maison Lafitte, sống tuổi già êm đềm.
Lại tàu đêm năm cũ về Đức, nhưng lần này lòng tôi thư thái. Theo nhịp tàu đi, tôi nghe âm vang tiếng cười sảng khoái của Émile, những đêm ngồi ở bao lơn uống rượu. Nhìn qua nghĩa trang Montmartre tĩnh mịch, chúng tôi nâng ly mời những tay đang nằm bên kia, những anh hùng hào kiệt văn nhân thi sĩ nổi tiếng một thời, rốt cuộc rồi cũng bốn dài hai ngắn, nằm ngay hàng thẳng lối dưới trời sương Paris lạnh lẽo.

Lê Quang Thông
Frankfurt am Main, Đức.