Phóng dịch một trích đoạn tiểu thuyết từ nguyên bản Đức ngữ “Tausend Jahre im Augenblick” (Ngàn Năm Trong Khoảnh Khắc) của cùng tác giả.
Tròn một năm sau tai nạn chết người lúc xây tháp chuông giáo đường, một hồi chuông
khác thường giữa đêm gióng thức dân làng Cái Bàu. Tiếng chuông lạc nhịp, lúc
vang dội thống thiết lúc rã rượi thê lương. Cả làng kéo tới tụ quanh tháp
chuông, xem xét sự tình. Kẻ thắp đuốc, người soi đèn dầu, nhốn nháo một biển
lửa nhấp nháy khoảnh đất đêm. Họ đưa mắt ngái ngủ ngó lên. Cha Bôn và Thầy
Thông, như hai nhạc trưởng bất đắc dĩ, đang loay hoay tìm cách chặn đứng chuỗi
thanh âm dị thường, không biết do động lực ma quái nào xui khiến, cứ gióng giả
lê thê. Chỉ hoài công. Phải đợi tới lúc có ông thầy pháp, được Cha Bôn miễn
cưỡng chấp nhận, thắp ba nén nhang quấn quanh trán, vừa đi vừa tụng bùa giáp
vòng gác chuông bảy lần, quả chuông đồng nặng nề mới dừng lại. Dân làng linh
cảm điềm bất an, xầm xì bàn tán một đỗi rồi rủ nhau ra về, chẳng thiết vỗ tay
khen thưởng.
Hai năm sau, khi một ngôi thánh đường khiêm tốn với nhà tu và gian bếp được xây
xong, Cha Bôn khởi sự học tiếng An nam, trước tiên với lũ trẻ háo kỳ, sau đó
với các vị trưởng lão. Tính hiếu học và khả năng hấp thụ của ông khiến ai cũng
ngạc nhiên. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã có thể bàn luận với Thầy Thông
bằng tiếng An nam về những đề tài cầu kỳ, với thuật ngữ và dấu giọng gần như
hoàn hảo. Ông còn nảy ý sáng tạo ra một kiểu chữ viết mới, dựa theo mẫu tự La
tinh, nhằm thay thế chữ Nôm có nguồn gốc Hán tự vừa khó học vừa khó nhớ.
Để rồi, vào một khuya mất ngủ đầu mùa khô oi bức, ông tới ngồi bên bàn viết
kê cạnh khung cửa sổ lá chằm. Hương một loài hoa nhiệt đới ngoài đêm lùa vào
dịu dàng. Trong trũng sáng giá đèn cầy ba ngọn, Cha Bôn trang trọng đặt viết
ghi xuống dòng chữ đầu tiên chuyển dịch bộ kinh thánh chép bằng tiếng La tinh: “Khởi
thỉ, Thiên Chúa sáng tạo trời và đất…”
Chuỗi ký ức từ đáy tiềm thức ông dâng trào. Vịnh biển ấu thời chan hoà ý
thức nồng hương muối. Mẩu đối thoại váng vất mùi cá biển của cha và chú trong
chuyến ra khơi đầu tiên. Khát vọng phiêu lưu về những vùng đất xa lạ đâm chồi
trong tâm tưởng. Và nghi vấn dằn vặt về nguồn cội của nhân loại.
Nhưng, sẽ có những ai tại dải đất khốn khó xứ đông nam á nầy, với hơn bảy
mươi phần trăm người mù chữ, đọc được bản kinh thánh tuyệt vời của đấng chúa
trời, Cha Bôn tự hỏi. Dẫu những nghi hoặc, ông cố đạo vẫn nhẫn nại tiếp tục
công việc dịch thuật quyển thánh kinh. Chữ nối chữ. Hàng tiếp hàng. Với lòng
kiên trì lạ thường và đức tin tuyệt đối vào đấng tối cao làm hậu thuẫn. Song
hành cùng tham vọng thuộc địa hoá toàn cõi Đông dương của đế quốc Pháp.
Một sáng tinh sương, sau ngày hoàng đế An nam bị ép buộc ký hiệp ước trao
toàn cõi Nam kỳ cho người Pháp, trong giấc ngủ mơ màng Cha Bôn bắt được tiếng
chuông vang động lẫn cùng tiếng thú rên xiết và thanh âm kim loại va chạm. Ông
tỉnh giấc, khoác vội áo choàng, châm đèn, bước ra. Cha Bôn không tin ở mắt
mình. Trong vòm sáng đầu mùa khô đỏ choé, trong vắt, ông nhác thấy quả chuông
đồng treo đong đưa một xác thú sẩm đen. Người giáo sĩ cuống cuồng leo lên gác
chuông. Một con chó. Đuôi của nó bị ai cột vào dùi chuông. Hai vành tai bị cắt
mất. Bằng sinh lực cuối, nó đang giẫy giụa tìm cách giải thoát. Mỗi lúc va đầu
vào thành chuông, con thú rống rú đau đớn. Vọng âm báo tử càng lúc càng yếu.
Khi Thầy Thông hợp lực cùng Cha Bôn cởi được dây trói, ánh ban mai đã chan hoà.
Máu đóng váng thành vũng trên sàn gỗ. Vết thương của con thú được bó băng khữ
trùng bằng i-ốt. Máu được rửa sạch. Nhưng từ đó, tiếng kêu thống thiết của con
thú thỉnh thoảng vọng về theo cơn mộng dữ, đọng ám giấc ngủ Cha Bôn. Ông chiêm
bao thấy lũ đàn ông bịt mặt, trần truồng, xẻo tai và treo ngược ông vào dùi
chuông, rồi hùa nhau xô đẩy từng chặp. Mỗi lần chuông gióng là một tiếng rú
nhục hình. Máu, dãi nhớt, mồ hôi, trộn phân và nước tiểu trây trúa thân thể ông
trần truồng. Ông nghe ra tiếng mình hét rống hoá thành tiếng chó tru. Nhưng lạ
thay, trong tột đỉnh đớn đau ông cảm nhận một nỗi dục lạc kỳ lạ, thấy mình loé
sáng trong lăng kính cầu vồng. Ông dật lạc bắn tinh thành cơn mưa hoan dâm, cấy
vào bụng đất phì nhiêu những hạt mầm phúc âm. Những giấc mộng dữ in dấu rành
rành trên tấm vải giường, đè nặng tâm thức ông, bắt ông ghi xuống lần đầu tiên
trong đời những trang nhật ký.
Những lúc ấy ông không ngớt hồi tưởng thời thơ ấu ở quê nhà. Ông là con một,
sinh trưởng trong một gia đình hành nghề đánh cá tại vịnh Lyon ở miền nam nước
Pháp, cách Marseille một eo biển ngắn. Mẹ ông kể lại, bà sinh khó. Xương chậu
của bà hẹp, phải mổ. Thời đó, ngành sản khoa còn phôi thai, dụng cụ y học thô
sơ, phẫu thuật là chuyện rủi may, trời định. Cha ông, Monsieur Antoine
Debeauvais, hành nghề ngư phủ, hầu như mỗi ngày đều ra khơi với người chú của
ông bằng con tàu nhỏ gắn động cơ. Lưới được mẻ nào, hai người lái thẳng tới
Marsseille, giao cho bạn hàng.
Vào mùa nghỉ hè năm ông bảy tuổi, trước khi giáo đường đổ chuông thánh lễ
năm giờ sáng, ông được phép theo cha ra biển. Bầy hải âu liệng vòng bám theo
trên không, buông tiếng oang oác. Sáng ấy, lần đầu trong đời ông hiểu ra ý
nghĩa của lạc thú phiêu du tiềm ẩn trong ảnh sắc thiên nhiên tráng lệ. Trời và
biển tiết tấu vào nhau thành bản giao hưởng của thời khắc. Cảnh nhá nhem tỏ dần
trong cơn xuất huyết đầu ngày, từ đỏ choé đổi vàng rực. Để rồi, như một con kỳ
nhông đổi sắc, mái trời chuyển xanh tía, pha sắc vàng nõn đầu trưa, chiếu rọi
gương biển lấp lánh thiên thanh. Sương khói đại dương xoá mờ ranh giới địa lý
trời và biển. Đất đai tuồng như liền lạc nhau. Khát vọng viễn du của cậu bé
Debeauvais dần dà tượng hình, mang diện mạo, có thêm khẩu vị, mùi hương và cảm
xúc. Đối với cậu bé Paul, những trải nghiệm đầu tiên ấy đều dính líu ít nhiều
tới vị muối, khiến cậu về sau không nguôi nhớ về đại dương cùng những giao động
của ngũ quan, sâu sắc như một cuộc hoá thân.
Trong khi làm việc, hầu như lúc nào ông Debeauvais cũng ở trần, phơi phiến
ngực nạm lông vàng hoe. Gáy lưng ông vạm vỡ bò mộng, cũng đầy lông xoắn. Bắp
tay phải ông xâm hình một con cá ngựa màu dâu dại tím bầm. Mỗi lần ông chuyển
động cơ bắp, con cá ngựa bắt đầu cựa quậy như tìm cách thoát thân, bơi ra đại
dương.
“Sau này qua đời, ba nhớ để lại cho con con cá ngựa nghe?” đã có lần Paul
buột miệng hỏi, khiến ông Debeauvais không khỏi bối rối.
“Lẽ đương nhiên, mon fils, con sẽ nhận được miếng da có hình xâm
con cá ngựa sau khi ba chết”, ông cười xoà, rồi giơ bàn tay chai sần xoa đầu
Paul.
Có điều, Paul không mấy thích mùi mồ hôi của ông, nó hăng hắc mùi chua của
rượu táo, dầu cá và hành sống. Paul nghĩ mình biết lý do tại sao, chỉ vì cha
cậu rất hảo ăn món Sarde in Saor, cá mòi ngâm giấm, một đặc sản miền Venezia,
ông thường ăn kèm nửa tá củ hành.
Trong chuyến chở hàng tới hải cảng Marseille, ông Antoine Debeauvais và chú
thường tán gẫu những chuyện mà Paul chẳng hiểu gì cả.
“Chú mày phải thử một phát với con nhỏ Jasmin!”, ông nói, đồng thời ra dấu
tay lộ liễu.
“Anh không thấy nó có vẻ gì bí hiểm sao?”
“Chẳng có gì bí hiểm hết. Thứ đàn bà á châu chúng nó là như vậy. Chú mày
không thể tưởng tượng nổi thịt da của nó mềm mại như thế nào đâu. Không, không
phải nhão nhoẹt như khoai nghiền, mà êm mát như một con búp bê làm bằng lụa
Trung hoa, hiểu không?”
“Anh biết làm thơ từ khi nào vậy?”, chú cười lớn, rồi rít sâu một hơi thuốc
vố. “Em chuộng con bé lai da đen Alisa hơn.”
“Tao thấy con nhỏ tanh rình mùi cá.”
“Anh em mình cũng vậy.” Rồi chú nói thêm, yết hầu trồi sụt nhấp nhỏm: “Cái
lũ điếm tinh quái đó rặt một bầy cá tẩm dầu trầm hương mê hoặc. Mà anh em mình
tính sao với thằng Paul đây?”
“Hứng không, tao với mày chơi trò bánh mì kẹp thịt với con Jasmin?”, vừa nói
ông Debeauvais vừa ra hiệu bằng cách đập hai lòng tay vào nhau, rồi ông xoay
qua Paul, tủm tỉm. “Còn con, con hứng chơi trò gì? Một phần bánh kem sô-cô-la
được không?”
Hai người đàn ông bật cười khoái trá. Đoạn, ông Debeauvais xướng giọng tuồng
một bải thánh ca đổi lời tục tĩu, được cậu em phấn khởi hoà giọng.
Khi tàu gần đến bến cảng, ông Debeauvais trỏ tay chỉ Paul xem thánh thất
Notre Dame de la Garde, biểu tượng tốt lành của người dân Marseille, xây trên
đỉnh đồi tít xa xa. Paul xoe mắt chiêm ngưỡng. Không dưng cậu cảm thấy ngực
trái nhói đau, như có ai dùng vật cùn thốc vào. Lạ thay, cái đau gần như dịu
dàng, bắt cậu thẫn thờ liên tưởng tấm ảnh vẽ thánh Sebastian bị trúng tên cắm
xuyên ngực in trong tự điển bách khoa Larousse.
Khát vọng viễn du của cậu càng đậm nét, khi tàu đánh cá cột neo bến cảng
Marseille, là nơi các thương thuyền từ khắp nơi đổ về. Lái buôn da trắng, á,
phi, ả rập và nhiều giống dân tạp chủng gặp gỡ nhau tại đây để trao đổi và mua
bán hàng hoá. Tơ lụa và đồ men từ Trung hoa. Cà phê và hạt ca-cao từ châu Mỹ
la-tinh. Hương liệu từ trung đông. Đồ rèn từ bắc Phi. Cao su từ Công-gô. Gia vị
và trà từ Ấn độ. Trái cây khô từ Thổ nhĩ kỳ. Và cá, cá, vô số cá cũng như nhiều
loại hải sản khác. Trên không, từng bầy hải âu đói rình rập săn mồi, nhào lượn
không mỏi. Một loại tạp hương lạ lẫm, trộn lẫn hài hoà, ngập ngụa không gian.
Người mua kẻ bán chuyện vãn, trả giá, rao bán, la lối và cãi vã nhau bằng một
thứ ngôn ngữ chợ búa.
Sau khi bán xong mẻ cá, cha và chú dẫn Paul tới một tiệm bánh nằm trong một
ngõ hẹp lát đá. Bên trong thấy treo nhiều khung hình chụp các giống dân thuộc
địa, có vài tấm chân dung phụ nữ phô bày ngực trần, phì phèo ống điếu. Ông
Debeauvais dúi vào tay bà chủ tiệm mập phì một mớ tiền, xoay qua dặn dò Paul,
ngồi ở đây chờ, muốn ăn bao nhiêu bánh tuỳ thích. Nói xong, hai người đàn ông
lủi mất, như hai con thú hoang xổng chuồng.
Sau khi ngấu nghiến một lố bánh kem Petits Fours và uống xong hai ly sữa,
Paul bắt đầu thấy chán. Để tránh ngủ gục, một thói xấu mà mẹ cậu, một con chiên
ngoan đạo triệt để cấm đoán, cậu xin phép bà chủ tiệm, ra ngoài dạo chơi.
“Nhớ đừng đi quá nhé bé con, petit homme, và để ý coi chừng! Đây là
Marseille, không phải xứ quê mùa của cậu đâu nhé!”, bà ta căn dặn.
Marseille một xế trưa, sau khi bôi xoá lớp hoá trang tuồng hát bán buôn khi
nãy, lạnh nhạt chào đón cậu bé Debeauvais. Những căn phố nhiều tầng, lợp ngói
đỏ, những khung cửa sổ tô xanh da trời khép hờ, lớp sơn loang lổ, hoen tróc,
những ban công trồi thụt, móc dây phơi quần áo, đối diện nhau gần đến nỗi, có
thể giơ tay chạm nhau. Paul lần theo mùi tạp nhạp ban nãy, tìm ra quảng trường
nhóm chợ, trước một thánh đường xây theo kiến trúc la mã cổ Byzantine. Hải âu
và bồ câu tranh nhau chí choé đầu tôm đuôi cá vương vãi. Trong cái nóng trưa
nắng, các lái buôn đang dọn hàng. Vài người phu quét đường lặng lẽ làm việc.
Paul ngước nhìn ngôi giáo đường, thấy hai đỉnh ngọn tháp dường như chuyển động
ngược hướng mây trôi. Cậu tưởng mình có thể nhận ra những nhân dạng và những
diện mạo lệch lạc phô diễn nỗi đớn đau dị thường. Một nỗi thôi thúc kỳ bí thúc
đẩy cậu leo lên bậc cấp, bước vào chính toà, bị choáng ngợp bởi bầu không khí
trầm mặc, gần như uể oải. Chỉ thấy lác đác dăm ba người. Paul ngẩng mặt ngắm
vòm mái cong lắp kính màu sặc sỡ. Luồng nắng dọi tia lạ thường, rực rỡ hấp lực,
bắt cậu bước lại, ấn người cậu quì xuống. Đường nét kính hoạ tạp sắc thôi miên,
dầm mình cậu trong bát thánh chan hoà ánh sáng phúc âm, thuật lại ngắn gọn toàn
bộ thánh kinh. Những mẩu chuyện, mà mẹ vẫn đọc cho cậu nghe mỗi đêm một tiểu
đoạn trước khi ngủ. Tâm thức cậu loé sáng một khối như chạm phải sấm sét.
Khi rời thánh đường, Paul cảm thấy như mình vừa tái sinh và cậu chợt hiểu
ra, sẽ phải làm gì sau này. Phải, cậu sẽ học thành linh mục và trở thành một
người truyền giáo, nhằm cứu vớt đám người khốn khổ tại những xứ thuộc địa.
Ðêm đó, sau thời kinh tối, cậu thuật lại tự sự cho bà Debeauvais và ngoan
ngoãn lắng nghe bà kể chuyện về đoạn đường khổ hạnh mà thánh Sebastian đã trải
qua, khiến cậu thiếu điều bật khóc. Liên tiếp những đêm sau đó, bà lặp đi lặp
lại, mẹ sẽ dạy dỗ và khuyến khích con tu học thành đức hồng y, hoặc ít ra cũng
là tổng giám mục địa phận Aix-en-Provence. Thay vì phản đối và thố lộ cho mẹ
biết ước vọng trở thành linh mục, sẽ lìa nước Pháp, sang một xứ thuộc địa,
trước tiên với mục đích hoàn thành sứ mạng truyền giáo, sau đó nhằm thoả mãn
khát vọng phiêu lưu, Paul chỉ bật hỏi một câu vô vị:
“Nhưng mà, maman, rồi ai sẽ săn sóc cho ba mẹ sau này?”
“Ba mẹ sẽ có cách giải quyết”, mẹ cất giọng hờ hững.
“Hay là mẹ sinh tặng cho con một đứa em trai?” Paul nghĩ, đó là cách giải
quyết tốt đẹp nhất.
“Không được đâu con”, mẹ trả lời, rồi cúi xuống hôn lên trán Paul, chúc cậu
ngủ ngon và lặng lẽ bước ra. Đêm ấy mẹ không đọc cho cậu nghe đoạn kinh thánh
nào cả.
Ngô Nguyên Dũng
(22.01.2019)