3 cây nhang
Đinh Trường Chinh
Họ dùng những con số thế ám danh để gọi nhau, như kiểu họ không thích lôi
tên thật ra. Cũng có thể họ xem đó là sự thân tình, trao đổi mộc mạc. Họ mới
quen nhau chỉ non ba tháng. Họ đứng sắp hàng chờ trả tiền trong siêu thị thực
phẩm Á châu, họ có dáng vẻ của người chừng chẳng mấy thích hợp với chốn dung
thân mới. Họ đã bỏ đi sự ngại ngùng, họ đang cố thích ứng, hoà trộn. Chị Tư hôm
nay mua lắm thứ thế? Ừa, bị có thằng con ở xa về thăm. Chị Năm thì sao, lâu nay
có gì vui không? Vẫn vậy, đi chợ là cách duy nhất để chạy ra ngoài tìm chút thư
giãn, đỡ cuồng chân. Gặp chị, người đồng hương duy nhất ở đây thực bụng tui vui
lắm.
Hai người đàn bà tuổi chừng trên 50, tri thiên mệnh hoặc nhi nhĩ thuận thì cũng
chưa rõ ràng. Người Tàu họ bày đặc ra lắm thứ, tuy lớn tuổi chị Tư chị Năm coi
bộ cũng chả am hiểu gì nhiều về cuộc trôi sông lạc chợ này, ít ra thì họ vẫn
còn dại khờ, vụng giao tiếp theo cách luận chuyện của chính con cái họ. Ai nấy
đều gầy ốm, tóc có lắm sợi bạc. Họ không cho số điện thoại ở nhà để lỡ buồn
miệng, rãnh rang thì gọi hỏi thăm nhau. Bà Năm đưa lý do, sợ đứa con dâu chẳng
hài lòng, hở cái là nghe nó cự nự. Từng nghe bao tâm sự đắng lòng, dĩ nhiên chỉ
mươi mười lăm phút thì thầm trong chợ, bà Tư tự thấy, so ra hoàn cảnh mình chưa
đến nỗi bi đát tựa thế. Cha mẹ sanh con trời sanh tánh, nên tin ấy là lẽ phải
tựa chân lý. Bà Năm được vợ chồng thằng con đầu bảo lãnh sang, chúng sắm áo
quần mới cho má: Nhà có khách, má mang nước ra mà bận bộ bà ba quê mùa ngó hổng
đặng, quần jeans áo thun con vừa mua quăng đi đâu? Bà Năm ngó xuống chiếc xe
đẩy chất thịt thà rau rác, nói thêm: Tui giống như tù cải tạo, chúng nhốt ở nhà
suốt, thuê phim bộ Hàn quốc cho má giải trí đỡ suy nghĩ lao lung. Qua đây rồi
thì nên trang bị tư duy mới, nhập gia tuỳ tục… Bà Tư nghe, chẳng biết nói gì.
Bụng nhẫm thầm A di đà Phật. Tù đi học tập cũng chưa đủ, vì chúng xem tui như
người ăn kẻ làm cơm nước hầu hạ chợ búa dọn dẹp nấu ăn chùi rửa. Dâu đang có
chửa, mai này đẻ ra cục thịt thì khi đó chẳng chừng mà thưa đi việc gặp gỡ chị
Tư. Bà Tư nói trống không: Giày dép cũng còn có số. Bà Năm hưởng ứng: Sang đây
tui như đứa đi lộn đường. Ôi, hột vịt còn lộn nữa là! Bà Tư cầm lòng không đậu,
buột miệng đưa lời quàng xiên: Biết cớ sự thế này thà hồi đó tao đẻ ra cái hột
vịt mà nhai với rau răm cho sướng miệng! Gió đưa bông cải về trời, rau răm ở
lại chịu đời đắng cay!
Về nhà, bà Tư không dại kể lể hoàn cảnh “chị Năm” cho đứa con gái nghe. Biết
mà ích chi, nhỡ có bề gì thì nó lên mặt kể công: Má thấy đó, con gái cưng của
má đâu phải như bọn lòng lang dạ sói kia. Đứa con gái tên Thu của bà phụ má
chất đồ ra, nó nghe bà biểu bắt nồi lên hầm xương thịt để nấu bún riêu. Bà Tư
từng nói: Con nên lăn vào bếp học hỏi dần, như thế mai sau thì thằng chồng được
nhờ, êm ấm gia đạo, bỏ nặng nhẹ, thôi bóng gió chê bai. Đầu tôm đem nấu canh
bầu, chồng chan vợ húp đang rầu phải vui.
Cuối cùng rồi hắn cũng về tới. Ban đầu là tiếng động cơ lần khân trì hoãn,
rù rì ngoài đường để dội tới cánh cửa lùng bùng một xác quyết. Tiếng máy nổ dây
dưa chừng như đang cố tìm một chỗ đậu thích hợp, tới lui. Bà Tư chùi đôi bàn
tay vào chiếc khăn máng bên khay đựng chén bát, quay lưng đi tới hướng cửa. Cái
đồng hồ treo trên vách đã đi qua con số 5, mới đó mà trời chóng tối. Bà mó tay
vào công tắc, thắp đỏ ngọn đèn vừa toả vũng sáng dội vàng những bậc cấp. Sau
cửa kính bà nhìn nhận ra ngay dáng cậu con trai vừa bước xuống xe. Vẫn là chiếc
xe màu xám như xưa nhưng giờ này trông dơ bẩn lấm lem những bùn tuyết bám quanh
thân. Cũng phải thôi, hắn đã vừa băng qua khoảng cách những năm trăm cây số lấm
bụi đường.
Bà ngửi ra mùi khói xăng trì nặng trong khí lạnh khi mở cửa. Chào má, ôi,
mùi gì thơm quá! Cánh cửa đóng vội sau lưng thằng trai trưởng. Khoẻ không má?
Ờ, má vẫn vậy. Để coi, má đợi con vậy là gần hai tiếng. Bị kẹt xe ngoài xa lộ
má à. Con Thu đâu rồi má? Ờ, em con chạy ra siêu thị, nó nói đi mua cho anh nó
một chai rượu chát.
Người mẹ đứng vòng tay nhìn xuống thằng con đang cởi giày. Hắn có vẻ thích
đánh lừa trí nhớ của bà Tư, hắn cao hơn trước, hắn thay đổi hơn trước và chừng
như hắn mang vào thân chút phong trần nào đó, thứ mà người mẹ vẫn chưa khẳng
định được rằng con mình đã thực sự trưởng thành? Hắn như thằng đàn ông chuẩn bị
chia tay, lầm lỡ đi vun quén lấy cuộc sống riêng tư, biền biệt. Con có cần tắm
rửa chi không? Thu nó đã sửa soạn tươm tất căn phòng cho con từ hôm qua. Xin
nghỉ được bao lâu? Chỉ ba ngày thôi má à, năm mới biết cơ man nào việc vàng,
ngập tới cổ. Má nấu món gì thế? Thì vẫn là thứ con thích ăn.
Đứa con cởi áo khoác móc vào lưng ghế. Khi mẹ cả tin biết rõ khẩu vị của con
thì chừng như dưới mắt mẹ, con vẫn ngây thơ như tự buổi nào. Hắn ngó quanh, lùi
sâu vào góc phòng, chỗ đọng nhiều bóng tối có đặt chiếc bàn nhỏ, hai dĩa đựng
trái cây, hai cốc nước lạnh, một tách trà, một bát nhang và đằng sau dựng đứng
một khung ảnh. Ai cũng đều có chung một nhận xét, khi về già mặt mày hắn chẳng
mấy sai trật so với tấm chân dung buồn bã câm nín kia. Bà Tư lặng lẽ quan sát,
hắn đã không đến thắp cho ba hắn một cây nhang.
Cửa mở, người con gái bước vào với hai túi ny-lông căng phồng ở hai tay. Anh
Đông đến hồi nào? Mua gì lắm thứ vậy Thu? Em có gì lạ không? Anh thì sao? Chỉ
tới một mình? Thu nói vậy là có ý gì? Em tưởng anh dẫn theo một người khác, má
vẫn thường mong có được đứa cháu nội để bồng. Đông bước lại xách hộ cô em gái
một túi nặng, theo sau lưng em đi vào nhà bếp. Tối nay anh ngủ ở đây chứ?
Không, lỡ hứa phải ghé thăm thằng bạn cũ rồi.
Yên lặng. Cả má lẫn cô em gái đều làm thinh. Hơi bất ngờ, sự mần thinh là
phản ứng nhất thời khi bị tình phụ. Thu soạn những thứ vừa mua về, cái bày trên
bàn cái chất vào tủ lạnh. Bà Tư đứng nhìn: Con mua nhiều thức thế? Tại con
tưởng nhà có thêm khách. Người đàn bà quay đầu: Hẹn người ta mấy giờ? Liệu ăn
hối một tô bún có kịp không? Dạ, má và Thu cùng ăn với con luôn chứ? Anh cứ
việc, em với má thì lúc nào ăn mà chẳng được, còn sớm quá mà.
Người mẹ dành lấy công việc, bà thích chính tay mình được phục vụ thằng con
trai do công việc phải tạm xa nhà. Ở đây, bốn ngày sau Valentine’s Day là
Family Day. Khi lịch in rõ hàng chữ đỏ ấy cũng là một nhắc nhở cho những ai
chẳng mấy nặng lòng tới gia đình. Mái ấm kia đôi lúc chỉ là một trạm trung
chuyển, một cây xăng cắm giữa con đường dài hun hút, ghé châm chút nhiên liệu
để khỏi cạn bình, việc bất khả kháng.
Má nấu nhiều lắm, thấy đói thì má múc thêm tô thứ hai. Người mẹ mang tô bún
nghi ngút khói tới đặt trước mặt con, muỗng đũa đi cùng xấp giấy dùng lau
miệng. Bà chờ giây phút này đã hơn một năm. Mặt mũi nó giống y như ba nó, có
điều tính tình thì bà chưa thể kiểm chứng được. Một đàng là người đàn ông luôn
kề cận chăm sóc bà, một đàng là cậu con trai mỗi lúc một cách xa má. Ôm trong
vòng tay lắm khi còn không thấu hiểu huống hồ một vạn dặm chỉ nghe ra tiếng ấp
úng trong điện thoại viễn liên, mỗi năm chỉ vọng về sáu bảy bận. Giờ đây thì
nghe hắn nói: Bún má nấu ngon quá, ngày mai con sẽ ăn tiếp. Hắn nhìn đồng hồ:
Chừ thì con xin phép má, con đi. Hắn bưng tô vào đặt trong bồn rửa chén. Hắn mở
vòi nước nhưng chỉ để rửa mặt, vuốt tóc.
Người mẹ và cô em gái không tiễn hắn ra cửa. Chút giá lạnh tràn vào, trước
khi cánh cửa đóng sập, giọng người mẹ vụt gửi ra: Đông, lái xe cẩn thận nghe
con. Một lát, ở ngoài vọng vào tiếng máy nổ, hai luồng sáng trước mũi xe đâm
vào bóng đêm, chìm dần trong tăm tối.
Dối gạt. Thu nói khi bước tới khoá cửa. Má biết không, trước khi vào siêu
thị con thấy ảnh đứng trước hotel bên kia đường với một người con gái. Con mua
lắm thứ vì ngỡ ảnh mang bạn tới ra mắt má. Người đàn bà xắn tay áo để rửa những
thứ thằng con vừa vất vào đó. Vậy thì tại sao hắn không dắt về chào mình? Thu
cầm khăn lau đứng một bên. Một là cô ta không hứng thú, không tìm được cái danh
chính ngôn thuận, hai là cô ta muốn đến những nơi thích hợp với cô ta, thích
quậy chứ chả dại ngồi yên một cục Cách đến rồi đi hối hả của anh Đông chừng như
chứng minh là ảnh nghe lời cô ấy một phép, sợ người đẹp giận dỗi. Nhưng con sẽ
thứ tha nếu anh Đông cứ trình bày rõ sự thật, con ghét những kẻ dối gian, thà
ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói láo. Vậy con thì sao? Không có mặt thằng Đông,
con nên gọi cho cậu ấy một tiếng, nói má mời tới ăn chung bữa. Hai đứa đã có
tính toan gì chưa? Tính gì má, người đó đâu có bác sĩ kỹ sư gì đâu má, ổng biết
thân biết phận sợ má chẳng được nở mặt nở mày. Mày lấy chồng chứ mắc mớ gì tới
má. Cái khổ cái sướng của mày thì do mày quyết định lấy, má vô can. Riêng hình
dong với tính tình của cậu ấy má thấy chẳng có khuyết điểm gì. Điện thoại đi,
nói với cậu ta là má thích nhà cửa chộn rộn.
Thu nghe lời, cô nhấc chiếc điện thoại để bàn lên nhưng chưa bấm số. Thu
hỏi: Khi má mang thai con, người má thấy ra sao? Có phản ứng? Có buồn vui bất
chợt? Có nôn nao? Có lo âu? Có khó chịu? Bà Tư ngó vào bụng Thu: Khi không cái
mày đè chuyện xưa tích cũ ra mà hỏi, má đâu nhớ rõ. Ừ, thì có biến đổi tâm sinh
lý chứ, xáo trộn đó là chuyện hiển nhiên, đang bình thường tự dưng đi đâu phải
lặt lè vác thêm sức nặng mày mang, đôi khi không ưa thích chuyện gì thì mày co
chân đạp một phát. Mà này, cậu ấy cuối tuần vẫn còn đến chùa để dạy tiếng Việt
cho bọn nhỏ chớ? Lúc trước kìa má, giờ này chẳng còn ai mang con đến học, lớp
Việt ngữ đã đóng cửa, đâu ai làm việc thiện nguyện ở chùa bà Đanh! Khi nào má
muốn đi chùa, con biểu ổng mang xe tới rước. Ừ, mươi bữa nữa là đúng bốn năm
ngày ba mày qua đời, hai đứa cũng nên đứng bên nhau mà cúi đầu thưa trình xin
xỏ với ổng một tiếng.
Tình nhân con Thu mang tên Trác, thấy xâu chìa khoá của Thu có móc miếng gỗ
khắc hai chữ T xoắn lấy nhau. May mà chỉ hai thôi chứ khắc thành bốn lại hoá ra
Tình, Tiền, Tù, Tội. Cậu ta sống một mình, canh cô mồ quả, chẳng có thân bằng
quyến thuộc bà con họ hàng chốn giá lạnh này. Cũng sáng đi chiều về cày bừa như
thiên hạ, dành ra hai ngày cuối tuần lăng xăng chuyện này chuyện nọ cùng Thu
hoặc vác ngà voi đi làm công quả trên chùa. Không rõ khù khờ ông trời có độ,
nhưng bà Tư thì cảm thương cho tâm lành mà bạc số mãi ám vào người Trác. Bà hứa
thầm, hồi nào cảm thấy nhác chơi, linh cảm là sẽ lên chùa ký gửi nhúm tro tàn
bên cạnh chỗ chồng từng định vị, bà sẽ trao con Thu cho Trác chăm sóc tới cuối
đời, chẳng làm khó việc cưới hỏi rùm beng gì sất, cầm tay mà cho không biếu
không. Thằng Đông có điện thoại về hỏi thăm, xa mặt cách lòng thì dễ cho hắn
đón nghe bà cật vấn: Hổm mày về thăm má có dắt theo đứa con gái thuê ngụ ở
hotel, cớ gì mà mày thầm thà thậm thụt y như mèo dấu cứt chẳng thành tâm khai
báo ngọn ngành cho má được vui lây? Tiếng thằng Đông truyền đi trong điện thoại
viễn liên nghe như nấc cục hoặc ngứa cổ ho khan: Ôi, đừng nhắc nữa má ơi, mấy
đứa con gái vừa ở Việt Nam sang coi mòi quen tráo trở, thủ đoạn, khôn lanh vặt,
ghê gớm quá. Nó bye con rồi, nó bỏ đi rồi. Lợi dụng cũng chừng mực nào đấy
thôi, ai mà chịu đời cho thấu. Má đừng kể cho Thu nghe, mất mặt thằng con trai
của má quá. Đông chửi, đồ khốn nạn! Bà Tư than, tội lỗi! Cuối tuần này con liệu
sắp xếp chạy về được không, trưa thứ bảy má lên chùa nhờ người ta làm mâm cơm
chay đạm bạc cúng ba mày mất tròn bốn năm. Con xin lỗi má là không thể về được,
để con gửi cho má cái ngân phiếu đề tên em Thu, xem như chút lòng của đứa con
vì công việc phải ở xa. Má vẫn khoẻ? Ờ, chừng nào má đổ bệnh thì sẽ réo con,
dòm mặt lần cuối.
Trác lái chiếc xe cũ của cậu ấy, con Thu ngồi ghế trước, bà Tư ngồi ở băng
sau. Hôm nay bà Tư chọn mặc chiếc áo dài màu nâu, may từ thuở xưa, hồi còn ở
bển, ngàn năm một thuở mới được chưng diện đến chốn vắng tẻ. Xe rời nhà lúc tám
rưỡi mà tới chùa thì đúng mười giờ. Mọi người bỏ giày dép ngoài bậc thềm. Bà Tư
nhờ Trác đi cùng Thu xuống hậu liêu hỏi xem có chi trở ngại việc cúng kiến mà
họ đã cậy nhờ từ ba bữa trước, riêng bà Tư bước qua chánh điện để lui sang
phòng sau, nơi đặt để di ảnh của người chồng, chen vai thích cánh cùng các
hương hồn thân cận. Có cái bàn thờ đang nghi ngút khói nhang đặc biệt dành
riêng cho người vắn số vừa đủ bốn mươi chín ngày. Bà Tư nghe tim đập hụt một
nhịp khi trông thấy khung ảnh của chị Năm đặt gần bên chậu bông, bên mâm trái
cây… hoa cả mắt. Hèn gì lóng rày siêng chạy ra chợ, lần khân dáo dác mà hổng
thấy bóng dáng thầm lặng, đầy cam chịu ấy. Gian phòng vắng, chỉ có một người
đàn bà mặc áo lam đứng chắp hai tay trước ngực, yên như pho tượng. Bà Tư nói
nhỏ, rụt rè: Cho tôi thắp ba cây nhang có được không cô? Dạ, xin bác cứ tự
nhiên. Cho dù không thân sơ, việc bày tỏ ấy cũng khiến cho người khiếm diện đón
nhận chút ấm lòng.
Bà Tư nhắm đôi mắt cay. Bà đứng cúi đầu trước khuôn mặt buồn rầu của chị
Năm. Bà vái lạy, bà cắm nhang vào lư hương. Bà lùi lại, quỳ gối, đập đầu xuống
tấm thảm. Lâm râm điều gì chẳng ai nghe thấu, lát sau đi lại gần vị mặc áo lam:
Dạ xin hỏi cô có hay biết vì sao mà người hưởng dương này đường đột khuất núi?
Dạ, nghe loáng thoáng vì mang bệnh ung thư, ung thư gì thì họ chẳng nói. Bà Tư
than: Tội nghiệp, bả mất vì chứng ung thư buồn, thứ ung thư không đáng có.
Chị Năm ơi, tui với chị chẳng qua là hai người đàn bà xa lạ chỉ gặp mặt nhau
ở trong chợ, do duyên số bày, có vậy thôi. Con dại cái mang, con nó đối đãi
không phải thì mình chỉ biết ngậm đắng nuốt cay. Tui cầu xin sang cảnh giới
khác chị sẽ phun hết cay đắng để ngậm lấy trái cây hương hoa thơm thảo ngọt
bùi. Hãy tha thứ cho chúng, nước mắt vốn chảy xuôi chớ không nên chảy ngược. Từ
rày tui siêng đi chùa, thăm chồng và thăm chị…
Má. Ai chết vậy má? Mấy người ngồi dưới nhà bếp muốn gặp má để thanh toán
tiền mâm cơm cúng ba kìa.
Hồ Đình Nghiêm