Trời hơi se lạnh khi chúng tôi rời phi trường quốc tế Kennedy ra lấy xe đã
mướn sẵn, đồng hồ chỉ đúng 10 giờ tối. Thành phố sáng trưng, xe cộ đông đúc dọi
đèn ngang dọc như mắc cửi. Không quen đường, chỉ đi theo GPS nên mất gần một
tiếng đồng hồ mới tới nhà trọ của cô con gái lớn. May mà không lạc đường.
Trở lại New York lần nầy trong lòng rộn vui, cảm giác như vừa xong việc vừa
tận hưởng được sự náo nức của chuyến đi, quên hết mọi nhọc nhằn trong mấy ngày
chuẩn bị lên đường và nhất là thời gian ngồi trên máy bay suốt gần sáu tiếng
đồng hồ, hồi họp, căng thẳng không biết “người em năm cũ” có còn nôn mửa nhiều
như năm xưa hay không, mặc dù trước khi lên máy bay đã uống thuốc say sóng,
loại mà Bác sĩ bảo là không có thuốc say sóng nào mạnh hơn nữa.
Hôm ấy trời quang mây tạnh, máy bay di chuyển rất êm, nhưng có lẽ phần chắc là
vì vui sắp đón con về nên lướt qua được các cơn say sóng chăng? Chốc chốc tôi
lại quay sang ra hiệu có OK không? Em gật đầu. Tôi thấy nhẹ nhõm người. Chả bù,
lần trước cách đây gần bốn năm, trên máy bay lúc nào em cũng chuẩn bị nôn vì
say sóng. Tôi chạy tới, chạy lui khuyên cố gắng và ráng chịu đựng cho đến khi
máy bay đáp xuống chỉ kịp vào tới nhà vệ sinh. Đỡ khổ. Lần nầy chẳng những vui,
sắc diện hồng hào mà còn hỏi mấy chuyện linh tinh khám xét ở phi trường nữa mới
lạ. Con gái ra đón ở ngay cửa phòng nhận hành lý, đem sẵn chai nước chanh muối
cho mẹ như thường lệ mỗi khi mẹ bị say sóng.
– Mẹ khỏe?
– Được con.
Thấy hai mẹ con ôm nhau, quàng qua vai mẹ chai nước chanh muối, tôi muốn ứa
nước mắt.
Cả gia đình bốn người về căn phòng chật cứng chỉ vừa đủ chỗ ngồi. Còn giường
tủ, bàn ghế đã bán hết cho người mới vào ở trọ tầng dưới. Phòng tắm share chung
cho bốn phòng, rộng vừa vặn hơn một mét vuông. Ban đầu, hồi mới qua New York
con mướn nhà trong khu chung cư 29 tầng ở chung với ba người nữa ngay trung tâm
Harlem. Nhớ hôm đầu tiên khi vào phòng thang máy lên lầu chật cứng toàn người
da đen, tự dưng cũng thấy hơi sờ sợ. Sở dĩ chọn khu Harlem là vì trường ở ngay
trong khu vực đó, vả lại chưa quen đường đi xe điện ngầm nên con cùng bạn mướn
nhà ngay khu vực nầy cho tiện.
Được một năm, sau đó quen thuộc đường xá mới chuyển về khu vực nầy phía dưới
bờ sông Mahattan ở cho tới ngày tốt nghiệp rời New York. Trong hơn bốn năm theo
học ở đây con đi bộ và xe điện ngầm tới trường, sau nầy đi làm bán thời gian ở
cửa hàng thuốc tây Walgreens tại trung tâm tòa nhà Empire State cũng đi xe điện
ngầm hơn hai tiếng đồng hồ đi về. Tự lo tất cả từ chợ búa, nấu ăn cho đến học
hành và đi làm ngày cũng như đêm giữa một thành phố đông người vào bậc nhất
trên thế giới. Nghĩ mà thương lắm.
Nhớ ngày xưa, mẹ tôi thường hay bảo có khó khăn vất vả, cố gắng học hành mới
nên người được. Nhưng trước hết là phải biết cầu Trời khấn Phật thì mọi sự mới
hạnh thông. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên là vậy.
oOo
Hồi ấy, sau đình chiến năm 54 ba tôi thuyên chuyển về làm việc ở Tòa Bố Mỹ
Tho và xin được một căn nhà trong Cư Xá Cảnh Sát Hương Thôn lúc bấy giờ gia
đình mới ổn định nơi ăn chốn ở, chứ không như hồi mới lập gia đình, ba đi đâu,
mẹ theo đó, dẫn theo hai đứa em nhỏ, còn tôi và đứa em kế thì gởi cho ông bà
ngoại chăm sóc. Anh em tôi đều do ngoại trông nom, ngoài việc ăn uống, chăm sóc
hằng ngày khi bệnh hoạn ngoại thường hay rước thầy về làm phép và cho uống
thuốc do thầy tán ra, gói lại trong bao giấy nhỏ, mỗi lần uống, đổ thuốc tán ra
quậy cho tan. Đắng không chịu nổi cho nên ngoại thường hay dỗ ngọt ráng uống
xong ngoại sẽ cho một trái táo khô mua ở ngoài tiệm thuốc Bắc. Việc chữa bệnh,
ngoại thường hay đem về nhà ít khi cho ba biết vì sau khi hết bệnh ngoại bao
giờ cũng nhờ thầy thỉnh bùa cho đeo. Ba theo Tây y, thường chỉ trích việc đó,
cho là mê tín dị đoan.
Có lần, đứa em kế năm ấy mới lên ba, bị bệnh ban cua lưỡi trắng, ba đưa đi
khám và chữa bệnh ở phòng mạch Bác sĩ (BS) Nguyễn Kiểng Bá nổi tiếng về bệnh
nầy. Theo lời đồn đại, khi khám bệnh không được hỏi và cũng không được cho biết
là bệnh gì. Ba giải thích rằng BS ít nói tiếng Việt và chỉ nói tiếng Pháp. Thì
ra vậy. Được hai hôm, BS cho em về vì hết hy vọng. Khi ấy mẹ vội cho ngoại hay,
ngoại xuống rước hết mấy mẹ con về Cai Lậy tức tốc thuê đò máy vào trong ngọn
rước thầy về ngay trong đêm.
Thầy tướng người to cao, bụng bự mặc bộ đồ bà ba trắng ngã màu cháo lòng,
râu tóc muối tiêu, cũng rất ít nói nhưng điệu bộ lại nghiêm trọng chứ không thư
thả như BS Bá. Thầy cho lập bàn thờ giữa nhà cúng mặn thịnh soạn, có heo quay
và chính thầy vẽ nhiều chữ bùa trên vải xô trắng phủ trước bàn thờ. Tay cầm roi
dâu tằm ăn, huơ qua huơ lại, miệng niệm thần chú không nghe rõ, thỉnh thoảng
quay sang đứa bé vạch tròng mắt lên xem, sau đó cầm roi dâu quất nhẹ lên người
đứa bé và mở miệng đổ ít thuốc vừa tán đựng trên dĩa trước bàn thờ. Chừng nửa
tiếng đồng hồ thì ngưng lại độ một giờ rồi sau đó lại tiếp tục y như vậy cho
đến gần hết ngày. Đêm ngoại thức theo thầy để phụ nhang đèn liên tục.
Đến ngày thứ ba, từ một thân hình da bọc xương, xanh mét nằm bất động bắt
đầu mở hé mắt, hơi cựa quậy. Ngoại mừng muốn khóc.
Cúng xong thầy sai dọn dẹp bàn thờ, sinh hoạt bình thường. Tất cả giấy vải
trên bàn thờ, ngoại đem đi đốt lấy tro pha nước để thầy dùng roi dâu phất nước
tro lên người em bé. Kế đến, thầy lấy chỉ ngũ sắc se gút lại thành từng đoạn
xen kẻ với các ống nhỏ làm bằng đủ các thứ kim loại sắt, vàng, đồng, chì, thiếc
… để lên dĩa và dùng tay vẽ bùa trên dây rồi đeo quàng số tám lên thân hình đứa
bé.
Hôm đưa thầy ra bến đò về xứ, thầy nói với ngoại yên tâm, đứa bé đã qua khỏi
và thầy cho toa đem ra tiệm thuốc Bắc mua về xắc cho em bé uống năm thang thì
ngưng, chỉ ăn cháo, kiêng cữ cơm trắng nửa tháng, khi cháu đã ăn được rồi thì
ra tiệm thuốc Bắc bổ thuốc tể Lục vị về cho cháu nhai mỗi ngày một viên. Sau
nầy khi cháu được mười ba tuổi, nếu thầy không ra được thì tháo dây bùa ra đốt
và cúng heo quay trừ căn là xong, dứt hết bệnh.
Tháng sau, khi về lại cư xá, tôi kể cho ba nghe những gì đã xảy ra ở nhà
ngoại, ba chỉ nói với mẹ là “số nó còn sống” thế thôi, chứ không nói gì về thầy
hay thuốc. Từ đó, mẹ theo ngoại mạnh dạn dẫn anh em tôi đi xem thầy đoán số
mạng hay rước thầy về làm phép, uống thuốc tán và thỉnh bùa cho đeo khi hết
bệnh. Ba ít ngăn cản hay bài bác cho nên anh em tôi cứ có bao lần bệnh là có
bấy nhiêu bùa, hể thỉnh được cái mới thì đốt cái cũ lấy cái mới đeo vào. Chỉ
đeo thôi chứ không được mở ra xem.
Sau nầy lớn lên bắt đầu đi học, ba giận lắm nên mẹ sợ bèn gỡ bùa đeo nhưng
xếp gấp lá bùa thành nhiều nếp và gói lại nhỏ xíu để ở ngăn kín trong cặp hay
trong túi nhỏ mẹ may thêm bên trong quần áo. Khi tôi lên mười tuổi bắt đầu đi
học trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu mới hết mang bùa, phần ngoại già ít đi
lại, phần thầy ở sâu trong ngọn không có người rước, còn ở ngoài chợ ít có thầy
cao tay ấn nên mẹ làm theo lời ngoại là khi trong nhà có đứa nào bị bệnh hay có
những việc gì hệ trọng như xây sửa nhà cửa, mua bán, đi xa hay thi cử mẹ đều
sắm bàn thờ nhang đèn hoa quả đặt giữa sân ngoài trời quì lạy để cầu xin. Lòng
thành động tới trời cao. Ngoại dạy như thế.
Không biết có đúng hay không nhưng gia đình chín anh em tôi đều nguyên vẹn,
học hành tới nơi tới chốn và thi cử đều đỗ đạt. Sau nầy lớn khôn khi có việc gì
khó khăn anh em tôi thường ít cho mẹ biết vì sợ mẹ lo. Lo nhất là sau mỗi lần
cúng vái mẹ thường hay nguyện khi việc thành mẹ sẽ ăn chay ba tháng. Nếu hết
đứa nầy đến đứa khác thì coi như mẹ ăn chay quanh năm. Mẹ còn cho rằng ăn chay
có nghĩa là kiêng kham chỉ duy nhất tương và rau luộc, không có thứ gì khác.
Đứa em gái mua thêm đồ ăn chay gồm đậu hủ hay nhiều thức ăn chay chế biến cho
có chất. Mẹ bảo đã chay lạt rồi mà còn bày biện thêm nhiều thứ thì cũng như
không. Mẹ nhất quyết hãm mình ăn uống thanh đạm.
Nhớ hồi mới về Thị xã Mỹ Tho chiều nào rảnh, mẹ thường hay dẫn mấy anh em
tôi đi chùa Phật Ân rất gần, nằm đối diện với cư xá, bên kia đường nên mẹ chỉ
sắm môt ít nhang đèn và hoa quả nếu thấy tiện, còn không thì chỉ đi qua vãng
cảnh chùa và lạy Phật nghe chuông mõ, kinh kệ rồi về.
Điều đặc biệt là trên chánh điện có bệ đúc xi măng thật lớn thờ ba tượng
Phật nằm so le với nhau, ở dưới bệ có hai đường luồng thông qua hai bên, mẹ
luôn luôn bảo mấy anh em tôi trước khi về đều phải chun qua để được phước,
thông minh và học giỏi. Đúng thật, cuối năm nào mấy anh em tôi bao giờ cũng
được lãnh phần thưởng cho đến năm Đệ Tứ thì chấm dứt vì to lớn rồi, chun qua
đường luồng không lọt nữa. Đi chùa thường xuyên là vậy nhưng ít khi đọc được
kinh vì không có học nên không thuộc. Mẹ nói miễn nghe kinh chú tâm là được.
Tôi là anh trai lớn trong gia đình nên mẹ thường hay nói nhà có phước hay
không là do đứa con đầu mà nên người thì mấy đứa em sau sẽ noi gương theo anh
và từ đó nhà sẽ thuận hòa, vượng phát. Năm tôi lên 6 tuổi, mẹ dẫn theo qua đò
Thạnh Trị để thầy xem tướng, đoán số mạng. Thầy phán số tôi làm quan sống xa
nhà và thành đạt nơi xứ người. Từ đó mẹ tin cho nên trong những lần đi xa, ngay
cả khi lên Sài Gòn đi học chỉ cách nhà hơn một tiếng đồng hồ ngồi xe đò thôi mà
mẹ cũng lo đủ thứ, cứ tưởng chừng như là tôi sắp đi Tây vậy.
Sau cuộc cách mạng năm 1963 ba bị thuyên chuyển ra tỉnh Tuyên Đức (Đà lạt),
căn nhà trong cư xá bị tịch thu và giao lại cho người khác. Mẹ cùng đường
“thắng về Nội, thối về Ngoại” bèn dẫn hết con cái về Cai Lậy. Ngoại cắt cho một
miếng đất cất nhà để ở và phụ giúp cho mẹ mở một sạp vải tại chợ mua bán nuôi
con. Năm ấy tôi đang học lớp Đệ Ngũ trường Nguyễn Đình Chiểu nên đành phải về
quê sống với Nội ở làng Long Bình Điền cách Mỹ Tho 7 cây số để tiếp tục đi học.
Tôi bắt đầu sống xa cha mẹ anh em từ đó. Nhưng mẹ hy vọng rằng tuy có số đi xa,
nhưng đừng xa quá là được.
Khi xong bậc trung học tôi lên Sài Gòn, ban đầu theo học ở trường Luật, sau
đó thi đậu vào Học viện Quốc Gia Hành Chánh và ở luôn trong Ký Túc Xá cho đến
ngày tốt nghiệp. Ra trường tôi lại nhận nhiệm sở ở tỉnh địa đầu miền cao
nguyên, xa thật rồi còn gì … và ngay cả địa danh mẹ cũng chưa từng nghe bao
giờ.
Mẹ sốt ruột lắm bèn về tuốt trong Thanh Hòa ra sau vườn nhà cố ngoại lấy một
cục đất cứng gói trong lá chuối khô và buộc lại cẩn thận rồi đem về nhét vào
trong va li, dặn tôi khi ra tới nơi, hôm đầu tiên trước khi tắm, ngâm cục đất
trong thau nước cho tan, chờ lóng cặn rồi pha vào nước tắm để Thần hoàng bổn
địa che chở không bị chói nước hay vướng ma thiêng nước độc trong vùng. Thương
mẹ, tôi làm y theo như vậy.
Gần hai năm sau tôi về thưa với ba mẹ xin cưới vợ người Kontum, điều đầu
tiên mẹ hỏi:
– Con có pha cục đất trong nước để tắm không?
– Có chứ má.
Sau đó, tôi trình bày rằng gia đình cô ấy là người Công giáo và chưa nói gì
tới việc tôi sẽ vào đạo như gia đình cô ấy mong muốn. Chỉ nghe có bấy nhiêu đó
thôi mà mẹ đã ứa nước mắt.
– Không được đâu con.
Rồi biến cố ngày 30 tháng 4 xảy ra, thời cuộc đổi thay, xã hội xáo trộn kể
từ khi Cộng sản tràn về chợ quận, chùa chiền đình miếu bị thu hẹp phạm vi hoạt
động. Nhà thờ Cai Lậy bị dỡ bỏ làm sân phơi thóc cho Hợp tác xã. Thánh lễ Chúa
nhật được cử hành trong nhà nguyện ở tuốt phía sau, gần mấy đìa rau nhút. Giáo
dân thưa thớt. Thầy pháp biến mất. Bùa ngãi hết linh.
Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy mẹ không còn đi chùa hay cúng vái gì nữa.
Chỉ lạy Phật ở nhà, khấn nguyện thầm và hằng năm cố gắng đi vía Bà trên Núi
Sam, Châu Đốc để thỉnh bùa cầu mua bán sao cho gia đình đủ ăn và thăm nuôi con
đang cải tạo. Nhưng lệ ăn chay một tháng sáu ngày cho cả gia đình mẹ vẫn giữ
như xưa.
Lần sau hết, khi tôi đi cải tạo tưởng đâu một vài tháng rồi về, đâu ngờ đằng
đẳng gần mười năm ngoài miền Bắc. Tôi còn sống sót trở về mới hay mẹ đã nguyện
ăn chay trường.
Đến khi tôi lập gia đình lại theo nghi thức đạo Công giáo khiến cho nhiều
người nghi ngại. Riêng mẹ tôi, đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời mẹ mới tham
dự một thánh lễ ở nhà thờ. Tôi hỏi mẹ thấy thế nào? Mẹ thở dài bảo:
– Thương con nên má đành chịu thôi.
Đám cưới xong xuôi thì công việc tổ chức vượt biên cũng vừa hoàn tất, chỉ
còn định ngày ra đi sao cho êm thắm. Ghe tàu sẵn sàng. Xăng dầu, lương thực,
nước uống đã dự trữ đầy đủ. Thành phần đa số thuộc người chế độ cũ. Thuyền
trưởng là cựu Đại úy Hải quân. Tài công kiêm thợ máy nguyên là Thượng sĩ Giám
lộ. Tôi sắp xếp chuyến đi. Khó khăn nhất là đưa đón khách tới bãi đáp. Ém quân,
phân chuyến, mướn ghe taxi đưa khách và gia đình ra ghe lớn nằm chờ sẵn ở ngoài
vàm. Đúng giờ và đủ người. Tất cả từ lúc khởi sự cho đến ngày xuống ghe đều
được tiến hành âm thầm kín đáo.
Người tính không bằng trời tính. Chuyến đi vẫn thất bại, tôi dẫn vợ trốn
thoát và bỏ xứ đi luôn. Gần nửa năm sau, nhớ mẹ, tôi nhắn về cho biết chỗ tôi ở
và mẹ đến thăm duy nhất chỉ có một lần. Công an đánh hơi theo dõi và bắt cả hai
vợ chồng tôi đem về Tiền Giang giam giữ, vợ tôi sáu tháng. Riêng tôi tổ chức
đưa người trốn đi nước ngoài nên án kín (không có ra tòa xét xử) hơn ba năm.
Khi mãn hạn trở về, điều đầu tiên mẹ bảo tôi đi không lọt là vì không có
mang theo bùa hộ mạng. Tôi kể cho mẹ nghe chuyện trong tù vượt biên có một số
chủ ghe, tàu muốn câu khách sộp nộp vàng từ hai, ba cây trở lên thì phải kín
đáo cho khách biết là trên chuyến đi có người tên là Hồ văn Đến hay Nguyễn Tới
Nơi. Thường thì những chuyến vượt biên như vậy đều bị bể. Văn Đến, Tới Nơi đâu
không thấy, chỉ thấy công an. Ngoài ra công an khu vực còn luôn theo dõi, trà
trộn canh chừng thầy bói rất kỹ. Thế nào cũng dính vì mấy người nhẹ dạ thường
hay đi coi thầy xem ngày đi tốt xấu. Thế là bị lộ, vô khám rồi mới vỡ lẽ ra là
chỉ có công an mới biết được ngày nào xấu.
Thời gian nầy các trại tị nạn bắt đầu đóng cửa. Không còn con đường nào
khác. Tôi đành phải về quê nhà trụ lại để sinh sống và quyết định mở một cửa
hàng mua bán giày dép, guốc sơn tại chợ. Lúc đó mẹ lại thỉnh bùa mua bán cất
giấu dưới đáy hộp đựng tiền mà không cho vợ tôi biết. Không biết có phải vì nhờ
bùa linh hay cũng có khi là nhờ mở cửa hàng đúng vào lúc người dân có nhu cầu
mua sắm không còn xài dép râu, giày bộ đội nữa mà cửa hàng ngày càng khấm khá,
uy tín lớn vào bậc nhất nhì ở chợ Cai Lậy.
Được vài năm mẹ rất mừng, ngày nào cũng ra cửa hàng phụ giúp vợ chồng tôi
trông nom hàng hóa cũng như chăm lo việc cúng kiến thần tài bổn địa. Mẹ mừng
nhất là khi tôi có đứa con đầu lòng chôn nhau cắt rún tại quê nhà nên tin rằng
tôi đã cải được số đi xa. Mẹ bảo cũng có khi nhờ duyên nợ vợ chồng thuận hợp
với nhau mà làm cho con người ta đổi tướng hay chuyển số thành ra an cư lạc
nhiệp. Chính mẹ đã xé tã và xin sên bùa cầu nguyện ơn trên để tấm tã bao bọc
đứa bé được nhiều phước lành.
Tưởng đã ổn nhưng không ngờ sau đó có chương trình ra đi định cư nước ngoài
dành cho những thành phần cải tạo thuộc chế độ cũ. Tôi đủ điều kiện nộp đơn và
chuẩn bị chờ đi Mỹ. Lần nầy thì mẹ buồn vô vọng vì tin chắc rằng số tôi sẽ sống
xa nhà thật sự. Trước ngày đi, mẹ về tận làng Long Bình Điền, quê nội, nhờ
người giới thiệu với thầy bốc thuốc Nam ở sau đình xin dâng cúng và thỉnh bùa
hộ mạng. Ít người biết thầy, ngoài tài bốc thuốc còn biết phép sên bùa.
Đã hơn quá nửa đời người, vinh nhục sang hèn, thăng trầm sướng khổ đều có
đủ, nay còn xin bùa phép nữa để làm gì. Mẹ bảo con đi xa có tấm bùa cho mẹ an
tâm. Nơi xứ lạ quê người lỡ có khi phách lạc hồn xiêu nhờ bùa hộ mạng mà giữ
được tâm thanh tịnh. Thương mẹ tôi quì đội sớ gần một tiếng đồng hồ mới thỉnh
được bùa. Thấy mẹ lòng thành quì theo mà tôi cảm động lắm.
Hôm ra phi trường đưa tôi đi mẹ khóc suốt và cứ dặn đi dặn lại phải giữ lá
bùa cho thật cẩn thận đừng để thất lạc, lúc mẹ đứng dựa cột nhìn theo, đứa con
nhỏ khóc thét lên đòi chạy lại với nội. Dùng dằng, tôi ngoái nhìn lại bóng mẹ
mờ nhạt, cố ôm chặt đứa nhỏ rồi nhanh chóng lách vào khu cách ly.
– Má sanh con ra má biết. Lần nầy con đi chắc không về.
Mười năm sau, mừng thượng thọ 70 tuổi của mẹ, tôi về. Mẹ hỏi còn giữ lá bùa
không. Tôi gật đầu chìa cho mẹ xem còn nguyên lá bùa hộ mạng trong ví tay. Mẹ
cùng với vợ chồng tôi và con cháu đi một chuyến ra thăm Kontum.
Dọc đường, tôi cười nhắc lại chuyện “cục đất gói trong lá chuối khô” hồi ba
chục năm về trước. Mẹ bảo nhờ vậy mà con mới tai qua, nạn khỏi. Tôi chợt nhớ
lại, thật sự là tôi không tài nào biết trước được cuộc tấn công vào Ban mê
Thuột ngày 10 tháng 3 năm 1975 để rời Kontum về Sài Gòn ngày 8 tháng 3, thoát
khỏi được cuộc di tản bi thương đầy nước mắt. Có khi mất mạng không chừng. Chỉ
tình cờ may mắn đi công tác đúng lúc thôi, thế mà cán bộ trại giam cũng đã lấy
cung gần nửa năm trời vì nghi tôi có thu được tin tình báo.
– Kontum cũng đất lành chứ má?
– Ừ, nhưng cũng nhờ thần hoàng bổn địa Thanh Hòa che chở cho con.
Đây là chuyến đi cuối cùng vì năm năm sau mẹ tôi mất. Tôi về chịu tang và
hôm cúng thất bốn mươi chín ngày tôi có nói với thầy cúng về việc tôi còn giữ
lá bùa mà mẹ đã nhờ sên cho tôi trước đây. Thầy bảo quá hạn rồi bùa không còn
linh ứng, thôi thì đốt đi và nếu muốn thì thỉnh lá bùa mới. Hôm ra trước mộ mẹ
để cúng đốt nhang và giấy vàng bạc tôi lấy lá bùa năm xưa, thoáng một chút ngần
ngừ rồi bỏ vào trong đống lửa thầm khấn.
– Má ơi …
Bùa phép giờ đây chỉ còn là kỷ niệm. Tro tàn bay theo gió. Con sẽ không bao
giờ có lá bùa mới nữa.
oOo
Sau khi dự lễ tốt nghiệp tại trường Columbia, hôm sau cả nhà lái xe đi
Philadelphia thăm gia đình một người bạn học cũ. Thăm viếng trò chuyện được một
buổi rồi thẳng đường lên thủ đô Washington DC. Tại đây, lần nầy đứa con gái đã
quen thuộc đường xá trong thành phố nên hướng dẫn đi thăm cảnh vật nhiều nơi
rất là thú vị. Vào được bên trong các tòa nhà như điện Capitol hay Tòa Bạch Ốc
mới thấy hết sự vĩ đại của nước Mỹ.
Cộng đồng người Việt ở đây cũng rất đông, có cả khu thương mãi Eden kiến
trúc na ná gần giống như chợ Bến Thành, Sài Gòn. Những ngày kế tiếp đi thăm đài
kỷ niệm George Washington giống như hình cây viết chì khổng lồ, viện bảo tàng
Abraham Lincoln với tượng đài bệ vệ, uy nghi nhìn ra hồ nước phun, đài tưởng
niệm chiến tranh thế giới lần thứ II. Thích nhất là vào viện bảo tàng không
gian với những chứng tích của phi thuyền Apollo mà hồi xa xưa, thuở nhỏ tôi đã
từng xem trên truyền hình cảnh phi hành gia đổ bộ lên mặt trăng.
Đến ngày thứ tư anh em bạn thân tình cùng lớp cùng trường trước đây đãi tiệc
chúc mừng cho cháu. Xong tiệc, chúng tôi trở ngược đường về lại New York để hôm
sau dành trọn ngày đi phà qua đảo nhỏ chiêm ngưỡng tượng Nữ Thần Tự Do nổi
tiếng trên thế giới.
Sáng sớm hôm từ giã New York, trước khi ra phi trường, một người bạn thân
mời gia đình đi ăn sáng lộ thiên ngoài công trường Times Square ồn ào náo
nhiệt, người đi như trẩy hội. Khách du lịch tứ phương đổ về, ăn mặc đủ kiểu, đủ
màu sắc suốt ngày đêm. Phố xá cao tầng vây quanh. Đèn màu quảng cáo chớp nháng
khắp nơi. Thật là văn minh hiện đại.
Rời quán ăn, chúng tôi vội vàng ra thẳng phi trường vì sợ kẹt xe. Trời nắng
rõ. Hành khách lũ lượt qua lại từ mọi phía. Mệt nhoài tôi ngồi ở phòng chờ, đợi
loa gọi số chuyến bay. Độ nửa giờ sau, chúng tôi theo thứ tự lên máy bay rất
nhanh chóng và ổn định chỗ ngồi. Xong xuôi rồi, thay vì lấy tấm khăn choàng
mỏng màu xanh dương trên máy bay ra đắp, con nhỏ lại nhờ tôi vói lên mở vali
xách tay để lấy tấm tã cũ đưa cho nó quàng lên cổ.
Cầm trên tay tấm vải ca rô nhỏ hai màu đen, xám bằng vải nỉ cũ đã sờn mép,
xúc động dâng trào. Tôi hỏi:
– Sao con giữ tấm tã cũ để làm gì?
– Hồi đi, nội dặn đem theo cho có hơi nội dễ ngũ.
– Có dễ ngũ không con?
– Có chớ ba.
Tôi thầm nghĩ chắc là mẹ đã sên bùa tay rồi. Bùa giấy còn có thể lấy đem đi
đốt được, bùa vẽ bằng tay thì làm sao mà gỡ ra được. Thấy tôi thừ người ra như
người bị vướng bùa, nó day qua hỏi:
– Ba có nhớ bà nội không?
Tôi nín lặng thinh, quay đầu ra phía cửa sổ, dõi nhìn theo những ngọn mây
trắng xa xa …/.
Trần Bạch Thu