02 March 2019

NỤ CƯỜI RẠNG RỠ - Phạm Khắc Trung


Viết cảm ơn chị Liễu của tôi
Chị Nguyễn Thị Liễu

Hồi mới bước chân lên đại học, tôi lý tưởng hóa tình yêu và hung hăng con bọ xít lắm. Trong bài thuyết trình đầu tiên với chủ đề “Tình yêu qua thi ca”, tôi đã hiên ngang chỉ trích nhà thơ tình lãng mạn bậc nhất trong làng văn học hiện đại là Xuân Diệu, rằng ông không có yêu.
Đầu tiên, tôi trưng bài thơ “Yêu” (1935) làm dẫn chứng, hỏi ông yêu kiểu gì mà đem tình yêu đặt lên bàn cân, cân đo đong đếm từng chút từng phân, phân vân cho nhiều – nhận ít, đắn đo thừa – thiếu, cân nhắc lỗ – lời…?


Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu;
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết…
Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt.
Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!

Rồi chính ông cũng nhận biết rằng bản thân mình quá bủn xỉn trong tình yêu, ai lại nỡ so đo mặc cả tình yêu như mua bán món hàng giữa chợ chiều? Nên ông vội vã thanh minh bằng bài thơ “Tình thứ nhất” (1937-1939), rằng tình cho không – biếu không. Khổ nỗi, ông càng cố thanh minh “Tình đã cho không lấy lại bao giờ”, ông càng lộ rõ cái bản chất so đo cố hữu của mình, bởi nó đơn giản chứng tỏ rằng ông luôn ôm ấp trong lòng, cũng như người đau răng mới hay nhắc đến răng đau:


Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất,
Anh cho em, kèm với một lá thư.
Em không nhận, và tình anh đã mất.
Tình đã cho không lấy lại bao giờ.

Bằng cử chỉ dí dỏm, tôi thêm dấu phẩy và dấu nghi vấn vào trước và sau chữ “bao giờ” trong câu thơ trên bảng, làm thay đổi ý nghĩa của câu thơ, khiến cả lớp bật cười vang:
Tình đã cho không lấy lại, bao giờ?
Thuở đó tôi đang yêu mà, tôi quan niệm rằng tình yêu là sự rung động chân thành, là tình cảm chân thật và tự nguyện, là “mệnh lệnh của con tim” nên không thay đổi. Cho nên khi đã yêu, người ta say đắm với tình yêu, trân trọng người mình yêu và không “nhìn thấy” đối tượng nào khác nữa. Lúc đó, người ta không muốn và không thể yêu thêm một ai khác.
Cuối cùng, tôi kết luận rằng yêu không có nghĩa là chỉ chấp nhận đối tượng không thôi, mà còn phải trân quý và chìu chuộng người mình yêu nữa. Cho nên, chỉ có Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là biết xả láng trong tình yêu, ông không đắn đo, không tính toán ít nhiều, bởi ngay đối tượng để yêu, ông cũng chẳng cần biết mặt mũi ngắn dài tròn méo thế nào:

Ngồi buồn lấy giấy viết thư chơi
Viết bức thư này gửi đến ai? 
Non nước xa khơi tình bỡ ngỡ
Ai tri âm đó nhận mà coi!

45 năm sau tôi mới biết rằng mình lầm đến chết!
Bây giờ tôi đã biết phân biệt được sự khác biệt giữa 2 loại tình cảm ở trên: Tình yêu của Xuân Diệu là tình yêu lứa đôi, là tình trai gái, loại tình cảm phát xuất từ con tim do những thôi thúc của nhu cầu cá nhân hơn là vì thương yêu kẻ khác, mà nhu cầu cá nhân thì luôn thay đổi theo thời gian. Hơn nữa, loại tình cảm phát xuất từ con tim mang tính truyền nhiễm, ảnh hưởng qua lại, cho nên Xuân Diệu so đo là chuyện đương nhiên.
Ngược lại, thứ tình của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu phát xuất từ lý trí, là loại tình cảm dựa vào sự cam kết chắc chắn của khối óc chứ không phải thứ tình thương có qua có lại của con tim. Bởi là thứ tình cảm một chiều nên tình cảm phát xuất từ lý trí không thay đổi, nó hoàn toàn độc lập, không hề bị ảnh hưởng bởi đối tượng của nó, thí dụ như tình thương của cha mẹ đối với con cái, nó xuất phát từ sự bao dung, độ lượng, không toan tính, không phân biệt, cho dù con cái có thế nào, cha mẹ vẫn một lòng thương…
Như vậy, thể hiện tình cảm phát xuất từ lý trí rất gần gũi với lòng “từ bi” của Phật Giáo, ở đó, người ta mưu cầu hạnh phúc bằng cách ban vui, cứu khổ cho người khác.
“Cho và nhận” trong tập “Quà tặng cuộc sống”, là một câu chuyện điển hình thể hiện tình cảm phát xuất từ lý trí, hao hao giống “bố thí” của Nhà Phật (trích):
“Một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh.
Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.
Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: “Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày”.
Vị giáo sư ngăn lại: “Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao”.
Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó.
Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quỳ xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.
Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: “Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?” Người thanh niên trả lời: “Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: ‘Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về’.” (ngưng trích)
“Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về!”
Henry Drummond cũng từng nói: “Không có hạnh phúc trong việc sở hữu hay đón nhận, chỉ có hạnh phúc khi cho đi”.
Ngày 30.12.2018, tôi nhận được email của chị Nguyễn Thị Thu Cúc, gửi từ bên Úc:
Hi Trung, mong Trung khỏe chuẩn bị đón mừng năm mới. Gởi Trung clip YouTube này khoảng phút thứ 10 có nói về chị Liễu, chị Liễu mặc áo tím.
Tôi mở ra xem. Đó là video “Góc nhìn cuộc sống”, giới thiệu những tấm lòng rộng lớn, đã bỏ công bỏ của nuôi lũ chim trời, thú hoang, biến Saigon thành nơi đáng yêu và đáng sống hơn.
Từ phút 10:40 đến phút 19:35, là hành trình “rải chuối nuôi sóc, đãi thóc nuôi chim trời” của chị Nguyễn Thị Liễu.
Trải dài suốt trên 23 năm trường. Mỗi năm trọn vẹn 365 ngày. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ 4 giờ – 4 giờ rưỡi sáng là chị thức dậy, lo cắt chuối thành những khoanh nhỏ xếp vào hộp nhựa, rồi chị trộn gạo lứt với thóc và muối, vóc cho đều rồi đóng vào từng hộp, chất tất cả lên chiếc xe Alibaba 50, nụ cười rạng rỡ trên môi, chị đề xe, thong dong chạy vô vườn Tao Đàn, bắt đầu cuộc hành trình.
Việc đầu tiên là chị đến những gốc cây, đặt những khoanh chuối nuôi lũ sóc. Sau đấy chị rải thóc+gạo lứt+muối đã trộn sẵn, nuôi đàn bồ câu, chim sẻ, cu gáy…
  
Nhìn lũ sóc và đàn chim no nê, hả hê bắt đầu một ngày mới như hết thảy mọi người, chị vui lắm, chị phân bua: “Phải nói là khi mình cho chúng ăn, trong tâm mình vui lắm cơ, mà cái vui đó mình không diễn tả được. Bồ câu hay sóc nó thấy mình đến là nó chạy ùa xuống, nó thấy xe mình đến nó đáp xuống chỗ cho nó ăn. Hai mươi mấy năm thì chắc cũng bao nhiêu đời, bao nhiêu con sóc rồi, thì có 1 con sóc, đôi khi mình gặp, mình đưa cái miếng chuối cầm tay, nó đến tận nơi nó lấy, thân thiện như vậy đấy, mình thương lắm!”
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Chúng ta luôn nhận được những gì chúng ta mong muốn cho người khác. Hạnh phúc không phải là vấn đề số mệnh. Đó là vấn đề lựa chọn”.
Chị Liễu chọn lựa nghe thật đơn giản: “Bản thân mình nhịn đi một chút cho chúng ăn thì có sao đâu?” Nhưng nếu biết rằng, ròng rã hơn 23 năm qua, chị đã hy sinh tự do cá nhân, không dám đi đâu xa, không dám ngủ lại nhà ai qua đêm, bởi chị ay áy với lũ sóc, với đàn chim, “ai cho chúng ăn đây?” Mới biết rằng sự chọn lựa của chị chẳng dễ dàng chút nào.
Không phải chị chỉ chăm sóc đàn thú ở vườn Tao Đàn không thôi đâu, chị còn đổ nước, rải thóc, gạo cho những đàn bồ câu khác ở góc một số đường trong thành phố, đặc biệt là đàn bồ câu và chim sẻ trước nhà Văn Hóa Lao Động, chúng đậu sẵn trên nóc những building cao trông chờ chị, thấy chị đến là chúng ào xuống, ríu rít quấn quít quanh chị.
Hạnh phúc ở trong tất cả những gì cuộc sống trao cho chúng ta và có ở tất cả những nơi không có sự lừa lọc, ích kỷ. Bằng lời lẽ bộc trực và giản dị, chị tâm sự: “Khi mình cho rồi không thể ngưng vì mình biết nỗi khổ khác rồi, mình nghĩ nó đói nó cũng khổ vậy thôi, mà con người thì có nhiều cách để tự kiếm, có cộng đồng và xã hội giúp đỡ, tự bản thân họ biết những công việc giúp họ kiếm được miếng cơm, hay là đến những chỗ giúp họ no. Nhưng mà những con đó, thân tự lập thân, đói nó cũng không biết nói ô cộng đồng ơi đói quá cho tôi ăn, nó không nói được, mà bản thân nó, mình nghĩ nó cũng chỉ lo cho chính cá nhân nó là chính thôi chứ cũng không giúp gì cho đồng loại, thành ra từ đó là mình cho luôn”.
Chính lòng từ bi đã tạo nên sức mạnh cho chị: “Mình thấy người ta dùng bẫy bắt mấy con chim bồ câu á, mình ra mình giựt à…, mình giựt à…, mình giựt chứ mình không sợ đâu, …lúc đó tự nhiên cái lòng thương nó khiến mình can đảm”.
Ai đó đã nói rằng, “Nụ cười là ngôn ngữ của yêu thương”. Bằng tấm lòng từ bi và sống đời yêu thương, chị Liễu đã trao nụ cười rạng rỡ, vui tươi và đầy ắp yêu thương cho đời. Nụ cười chân thật của chị làm rộn lên niềm hạnh phúc, mang lại hy vọng và sức sống vui tươi cho muôn loài. Tôi trân trọng tấm lòng cao cả của những người nuôi chim trời, thú hoang trong clip, xin giới thiệu clip YouTube này đến mọi người, với mong ước rằng những tấm lòng bao dung và nụ cười rạng rỡ của chị Liễu sẽ xuất hiện khắp mọi nơi.

Phạm Khắc Trung