09 March 2019

NYOTAIMORI - CÁI ĐĨA THÂN THỂ - Trần Mộng Tú


Bất cứ có một cơ hội nào, một sự kiện nào xẩy ra trên thế giới, người Nhật và văn hóa Nhật hầu như luôn được mang ra làm tấm gương tốt đẹp cho cả thiên hạ soi chung. Từ phương cách giáo dục, tinh thần kỷ luật, đức hy sinh, lòng nhân đạo, sự trung thành (ngay cả của súc vật) lúc nào cũng thấy tỏa ra ở đất Nhật, người Nhật. Hoàn hảo đến nỗi người ta hầu như không tìm ra một khuyết điểm nào. Đặc biệt Trà Đạo và Hoa Đạo thì còn được thăng hoa với những vần thơ Haiku, chỉ có người Nhật mới viết xuống được.

Nghệ thuật trình bầy trong nhà, ngoài vườn của người Nhật luôn luôn cho người ta nhìn thấy sự tao nhã vượt hẳn lên trên hết. Từ cái tatami (chiếu) trải giữa buồng khách, đến viên đá ngoài sân, cây phong trước cửa, mỗi vật đều có tiếng nói riêng, đều có một khuôn vàng, thước ngọc phải theo. Đẹp đấy, thiên nhiên đấy nhưng vẫn phải có quy luật nhất định, như những bài thơ Haiku.

Người em rể vừa gửi cho tôi một cái clip về Thưởng Thức Shusi của Nhật. Mở ra là một số hình ảnh những phụ nữ nằm khỏa thân trên bàn ăn, và trên cái đĩa thân thể của họ là hoa, lá, tôm, cá sống, cơm cuốn, rong biển tươi, rong biển khô, bầy từ cổ, ngực, bụng, đùi, hai lòng bàn tay, ngay cả giữa hai đùi thiếu nữ (phần nhạy cảm nhất trên thân thể.) Rong rêu ngoài biển còn xanh biếc đã được đem về, tung ra như tơ tóc trang điểm cùng với hoa lá đặt lên thân thể phụ nữ, biến họ thành cái đĩa. Cái đĩa thân thể.

Mầu sắc của bàn ăn rất là bắt mắt. Những sợi rong biển tươi xanh như ngọc, miếng cá hồng như san hô, cơm dẻo trắng quấn trong rong biển khô có mầu nâu đậm, những cánh hoa tím, hoa vàng, xếp đặt rất hài hòa trên da thịt người thiếu nữ: Đó là nghệ thuật Nyotaimori phát nguồn từ Nhật.

Chúng ta cùng thưởng thức Nghệ Thuật Nyotaimori của Nhật.

Nyotaimori dưới con mắt của người yêu truyền thống, là sự biểu hiện của sự phục vụ đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật.

Tiếng Nhật, nyotaimori có nghĩa là “Cơ thể được trang điểm của một người đàn bà”. Các nghệ nhân sẽ bày những miếng Sushi trên khắp thân mình của người thiếu nữ (Geisha).

Nghệ thuật sushi khoả thân Nyotaimori được coi là đỉnh cao nghệ thuật ẩm thực, một trong những nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản, giống như Sumo và Kimono.

Để trở thành một “đĩa sushi sống” những người mẫu thường phải tập luyện nằm hàng giờ mà không cử động.

Những cô người mẫu trước khi trở thành bàn ăn đều phải tắm bằng một thứ sữa tắm có mùi hương đặc biệt để tạo sự dễ chịu cho thực khách

Họ sẵn sàng và có đủ thể lực để nằm bất động tới 4 tiếng đồng hồ mặc cho thái độ của khách hàng có thế nào đi nữa.

Ngay từ năm 16 tuổi, các Geisha đã được luyện tập hết sức khắt khe.

Để chuẩn bị cho một bữa tiệc nyotaimori, Geisha phải dành hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ để tắm rửa một cách tỉ mỉ.

Không được sử dụng bất kỳ 1 xà phòng có mùi thơm nào để tắm. Lý do là không được để ảnh hưởng đến mùi vị của thức ăn.

Sau lần tắm nước nóng đầu tiên, Geisha được xát lên người một loại xà phòng đặc biệt và tất nhiên là nó cũng không có mùi thơm.

Tiếp theo, người ta dùng một túi vải đựng cám xát kỹ để tẩy bỏ lớp biểu bì chết của da.

Sau đó là tắm nước nóng lần thứ 2, rồi lại tắm một lượt nước lạnh để kết thúc. Mục đích của lần tắm nước lạnh là để tránh đổ mồ hôi.

Cái đĩa thân thể có chiều dài suốt một cái bàn đó nằm bất động trên những tấm khăn trắng muốt hay tấm gấm đỏ lộng lẫy, với những miếng cá sống, con tôm, chùm rong biển, hoa tươi nhiều màu là một nàng Geisha. Tóc nàng tung xõa ra, cài một, hai đóa hoa, mặt nàng trang điểm phấn son rất nghệ thuật, môi đỏ, má hồng, tô thâm quầng mắt. Có khi nàng lạnh lùng, có khi nàng nhếch mép cười, nhưng tuyệt nhiên nàng không nhúc nhích và không lên tiếng. Nàng là một vật An Object, nàng không phải là một con người A human vì bất cứ thực khách gắp thức ăn như thế nào nàng cũng phải làm ngơ và không nhúc nhích.

Thực khách cầm đĩa ăn đi chung quanh nàng, phân vân: “Ta nên gắp món nào? Gắp ở đâu trước? Ở ngực hay ở bụng? Ta có nên nhìn vào mắt nàng khi ta gắp hay chỉ nhìn vào miếng sushi?”

Thực khách có nguồn gốc khác nhau (dù họ có chung một quốc tịch chăng nữa) nên mỗi người một cảm xúc khác nhau trong khi đi chung quanh cái đĩa thức ăn đặc biệt này. Có những thực khách gần như nín thở, thận trọng, khẽ khàng chạm đũa vào miếng thực phẩm sao cho vừa đủ gắp được mà không chạm đến da thịt nàng; có những thực khách cố làm ra tự nhiên, vừa gắp thức ăn vừa nói chuyện với người bạn bên cạnh; có thực khách ngập ngừng đi hai vòng chưa dám gắp miếng shushi họ thích nhất đặt ở ngay đầu ngực nàng. Nàng vẫn thản nhiên, cặp mắt hơi khép nhẹ lại, không hoàn toàn khép hẳn. Nàng không nhìn một ai, nàng nhìn vào một khoảng không, nàng thở nhẹ, nàng ở trạng thái thư giãn hơn là cố gắng.

Nàng đã được huấn luyện hoàn hảo làm nhiệm vụ một cái đĩa đựng thức ăn.

Nghệ thuật bầy thức ăn trên thân thể con người này có từ bao giờ? Theo như lời đầu bếp Mike Keenan: Món Sushi khỏa thân này bắt đầu từ thời đại Samurai của người Nhật. Được coi như một nghệ thuật văn hóa của những nàng Kỹ Nữ (Geisha,) thường được tổ chức ở nhà những Kỹ Nữ mừng chiến thắng của những Samurai trở về từ chiến trận. Sau này những nam nhân cũng được huấn luyện để thành những chiếc đĩa dựng thức ăn, nhưng không được thịnh hành lắm, vì ngoài nhìn không được đẹp mắt bằng phụ nữ, cơ thể của nam nhân thường phát hơi nóng nhanh hơn, dễ làm hư những miếng cá sống (không hạp vệ sinh).

Nghệ thuật dùng mỹ nhân làm chiếc đĩa đựng thức ăn tại Mỹ, có một vài nhà hàng ở Los Angeles, New York, Chicago và Montreal bắt chước và một số nhỏ những nhà hàng cho giới thượng lưu trong những câu lạc bộ tư (Private Club) thực hiện. Tuy nhiên họ đã bị những hội đoàn Bảo Vệ Nữ Quyền phản đối ở nhiều nơi. Năm 2003, một nhà hàng Seattle muốn tham gia đã bị những hội Bảo Vệ Nữ Quyền biểu tình phản đối. Ăn cá sống trên da thịt con người còn là một điều mất vệ sinh nhất nên cùng với sự phản đối của phụ nữ Ty Vệ Sinh đã đóng cửa các nhà hàng đó.

Nghĩ ra dùng thân thể gợi cảm của phụ nữ làm cái đĩa bầy thức ăn trên đó, đã cho ta thấy người Nhật chưa bao giờ coi phụ nữ ngang hàng với nam giới.

Trần Mộng Tú
1/19/2019