30 March 2019

TIẾNG HÓT NỬA VỜI - Bảo Giang


Tôi đứng lặng trên sân, nhìn bên đông rồi sang bên tây. Cảnh vật quanh đây chừng như đã có một cuộc đổi thay lớn sau trận mưa đá vào chiều hôm trước. Đây là trận mưa mà nha khí tượng thông báo là “nặng hạt” nhất trong hơn 40 năm qua. Tuy thế, khi nghe bản tin rồi đứng nhìn những viên nước đá với đủ mọi góc cạnh, hay no tròn như qủa trứng gà nhỏ theo nhau trút xuống, tôi vẫn chưa tưởng tượng ra, nó lớn và tai họa như thế nào. Chỉ thấy từng lớp đá trắng lao xuống như người vãi gạo. Lúc đầu, tôi còn đứng dưới mái che đưa cái rổ ra ngoài hấng đá rơi. Nhưng chỉ sau năm, ba giây, tôi bỏ cuộc. Bởi lẽ, rổ hấng đá mà cánh tay rát đỏ!

Mà cơn mưa đá kinh hoàng làm sao chứ. Chỉ trong vài ba phút thôi, cái sân cỏ ở trước và sau nhà chỉ còn lại một màu trắng phủ lên nhau. Bên cạnh sự thay màu trên sân là một bầu trời đen như muốn đổ ập xuống theo cơn gió cuốn. Bên cạnh đó là những tiếng đập mạnh, “ chát, chát… chát…” liên hồi vỗ xuống trên mái tôn, mái ngói, tạo nên một cảnh gào thét đến ngỡ ngàng, hoảng sợ…
Đến khi nắng lên vào sáng hôm sau, trước mặt tôi là một khung hình đã hoàn toàn thay đổi. Cây soài ở vườn sau xem ra chẳng còn mấy cái lá nguyên vẹn. Thay vào đó là cảnh xơ xác và ngập dưới gốc là lớp lá với những trái non bị dập, nát, xếp lên nhau. Rồi bên hông nhà, cây quýt, cây nhãn xem ra là cùng chung một số phận. Tôi tiếc xót, đứng lặng nhìn những trái qúyt, những chùm nhãn với trái vừa bằng đầu đũa, lẫn lộn trong lớp lá phủ kín mặt đất.
– “ phạch, phạch…. phạch phạch…”
Tôi giật mình vì tiếng động lạ phát ra từ phía trên cây. Nhìn với theo, tôi thấy một con “ Chào Mào” đậu lại trên nóc nhà bên cạnh, đầu nó hướng về phía cây nhãn với tiếng kêu còn hốt hoảng thay vì tiếng hót nhanh nhẹn, thánh thót, đều nhịp. Cùng lúc, một con khác bay như lao thân vào cây nhãn. Sau vài nhịp nhảy vội, nó bay khỏi lùm cây và đáp xuống bên cạnh con đậu trên mái nhà. Thấy lạ, tôi chăm chú nhìn lên từng cành lá. Kia rồi, trước mặt tôi và ở trên khoảng cao hơn hai tay với có một tổ chim nhỏ nằm gọn trong một cụm cành đầy lá. Lúc này, tôi mới hiểu ra cái hốt hoảng của con chim mẹ khi tôi lay mạnh thân cây. Chuộc lỗi, tôi nhìn chúng mỉm cười rồi quay vào, và cũng bỏ luôn ý định lấy tấm lưới phủ lên cây nhãn để ngăn đàn dơi đêm, hay bọn qụa đi kiếm ăn vào ban đêm.
Từ hôm ấy, mỗi buổi sáng khi ra sân tập thể dục tôi như có thêm niềm vui mới. Ở giữa sân, tôi đi theo từng nhịp đếm một hai là ngay phía trên kia, tiếng chim rộn rã như chung bước. Nhìn lên, một con nằm trong tổ, một con khác đứng tỉa lông bên cạnh. Chúng vui vẻ, êm thắm làm sao chứ. Đã thế, chúng còn cùng nhau líu lo. Nhìn cảnh êm đềm yên vui ấy, hẳn nhiên gỗ đá cũng rung động, nói chi đến con người.
Mấy hôm sau, cả lũ chim làm tôi bỡ ngỡ. Vừa bước ra sân, tôi đã nghe tiếng chúng ríu rít, ca hót mừng nhau như ngày hội. Chuyện gì thế, trứng nở rồi chăng? Câu hỏi làm tôi vui hơn khi nhìn khóm mai vàng gần đó thêm màu mới rực rỡ. Vào lúc ấy, tôi như muốn reo lên với ý tưởng cánh chim nở giữa mùa Xuân!
Từ hôm ấy, mỗi ngày đàn chim cho tôi thêm một niềm vui khác lạ. Đến sáng nay, không khí tưng bừng náo nhiệt hẳn lên. Bởi lẽ, không phải chỉ có đôi chim mẹ líu lo bên đàn con vừa lớn dậy, nhưng có lẽ là cả anh em, chú bác nhà nó cùng kéo đến chia chung một niềm vui. Chúng thay nhau ríu rít, nhảy múa. Trước cảnh như hội chợ, tôi hiếu kỳ đến dưới gốc cây nhìn lên. Đàn chin vẫn tung tăng ở đó. Con chim non như bị khích động bởi tiếng líu lo của mẹ cha, chúng từ từ đứng thẳng trên đôi chân và ngẩng cao đầu lên khỏi vành tổ để ngắm nhìn bầu trời bao la huyền bí, nơi mà tự chúng sẽ tung mình vào trong cuộc sống của ngày mai. Ở đó, hẳn nhiên là chúng không sống cho riêng mình, nhưng còn là góp tiếng hót ca, tạo cho cảnh sắc của trời đất thêm tươi đẹp, ý nghĩa.
Mãi nhìn, tôi lâng lâng, ngẩn ngơ theo hạnh phúc của đàn chim bên tổ ấm trong cảnh mẹ chờ con lên đường. Vào lúc ấy, tôi cho rằng chẳng còn niềm vui hạnh phúc nào hơn thế để dành cho chúng. Thật tự nhiên, tôi cầu mong cho chúng, cho tiếng hót véo von kia không bao giờ bị ngưng lại để cho bầu trời này và ngày mai thêm tươi, thêm mới, thêm đẹp.
Mà lạ lùng làm sao chứ! Giữa lúc ấy, tiếng líu lo của đàn chim như mời gọi, như mê hoặc đưa tôi về quê xưa với những ngày tháng của yêu thương năm nào. Ở đó là mùa xuân với hoa vàng rực rỡ, với tình thương trải rộng theo muôn ngàn tiếng ca vang của đất nước và của con người. Ở đó, tôi đã có một tuổi thơ nên thơ. Có một tuổi học trò tươi đẹp và dân tôi có tròn những ngày tháng, dầu là trong chiến tranh, nhưng thật đáng sống.
Nhưng nay, tất cả đã là chuyện cổ tích. Bởi lẽ, nhiều người đã phải biệt nước non, biệt cả mái nhà là tổ ấm, là nơi mình được sinh ra và lớn lên làm người mà đi. Ra đi, làm người xa quê, làm thân của một dân mất nước! Mà không chỉ riêng tôi, nhưng còn biết bao người khác nữa. Từ những chuyến đi tìm Tự Do nơi đất lạ, dân tôi tự nhiên không còn tiếng nói và trong lòng chưa bao giờ xóa bỏ được một cơn đau. Trong khi đó, ở phía bên kia đồi vẫn máu đổ với những tiếng rống bá đạo của loài cầm thú mỗi lúc một thêm điên cuồng. Tên nó là gì, chắc bạn chẳng bao giờ quên!
Rồi ngày gọi là Xuân trên đất người cũng qua mau, hôm ấy tôi ngủ dậy trễ. Khi bước ra vườn sau, tôi như gập mình trước cảnh lạ. Trời cao, nắng đẹp nhưng tất cả đều yên lặng, câm nín và trên cành cây kia cũng không một tiếng động.
– Chúng bay đi rồi ư?
– Không thể nào! Chim còn non lắm, chúng chưa thể rời tổ ấm!
Tôi tự nhủ thế khi bước nhanh trên đôi chân. Được dăm ba bước, chân tôi như khựng lại khi đôi mắt bắt gặp một nắm rác như tổ chim đã rời cành nằm chơ vơ trên nền gạch. Chuyện gì đã xảy ra? Tôi vội vã chạy đến, nâng niu tổ chim trên tay và nhìn lên cành cây. Ở đó, chỉ có một màu yên lặng như tang chế! Bóng chim không thấy, chỉ có một vài cái lông nhỏ dính lại trên cành. Bụng dạ tôi như rối loạn, trong khi hơi thở thêm vội.
Thật nhanh, tôi chạy vào nhà để xe. Nhắc bỗng cái thang trên tay. Đặt vội xuống, rồi trèo lên từng bậc. Khi bàn tay tôi vừa chạm vào nơi còn lại mấy cái rác nơi chim làm tổ, linh tính như báo cho tôi biết rằng đêm qua đã xảy ra một trận ác chiến bất tương xứng trên bờ tổ này. Một bên có cuộc sống thuộc về ánh sáng, thuộc về ban ngày. Tuy thế, dẫu với hình hài nhỏ bé và trong giữa bóng đêm, chúng vẫn căng mình, quyết bảo vệ lấy mạng sống của mình và đàn con. Trong khi đó, phía bên kia là những kẻ như bóng ma, trốn chạy ánh sáng. Đời của chúng là một đời bạo ác sống nhờ nanh vuốt và bóng đêm. Với hai thế lực này, rõ ràng đây là một cuộc chiến bất tương xứng. Theo đó, cái kết qủa dù không nói ra, ai cũng biết, mẹ con nhà bảo vệ sự sống đã thua cuộc!
Tự nhiên, tôi hướng về phương đông. Hình ảnh của Việt Nam quê tôi hôm nào lại bừng lên trong trí nhớ. Bọn dơi đêm hay là qụa đen kia khác gì tập thể cộng sản Hồ chí Minh nhỉ? Nó cũng điên cuồng tàn phá nhà Nam như đàn quạ phá tổ chim non này vào đêm 29-4-1975, để sáng 30-4-1975 khi mặt trời lên chỉ còn ý nghĩa là giúp cho con người nhìn rõ bộ mặt đáng kinh tởm của lòai dơi đêm mà thôi.
– Sự thật là thế sao?
– Phải, sự thật là như thế.
Bởi vì chỉ sau một đêm, nhà Nam đã hoàn toàn bị biến đổi. Họ đã mất quê hương, mất Tự Do, mất Độc Lập, mất Công Lý là lẽ sống của đời người. Ấy là chưa kể đến nỗi đau khác là lịch sử chính thống của dân tộc họ đã bị xé, bị nát hoặc bị bôi lọ. Và rồi được chúng thay thế bằng một loại lịch sử dối trá, bạo tàn, đầy dấu tích của phương bắc.
Sao lại như thế được? Đơn giản lắm. Trước kia ở đó là tin yêu, là hy vọng là sức sống là cơm ăn áo mặc của con người. Ở đó là văn hóa, là lịch sử là tương lai của một dân tộc còn sống. Nhưng nay, chỉ sau một đêm, tất cả những gì là cao quý và linh thiêng của con ngưòi nhân bản đã bị trấn lột, bị đè bẹp nếu như không muốn nói là bị xóa bỏ. Rồi được thay thế vào đó là tang thương, là máu chảy và nước mắt. Nước mắt không phải là sự mất của một phần của thân thể. Nhưng là mất sức sống trong Tự Do, trong Độc Lập và trong Công Lý. Để từ đó, đời sống của người dân Việt Nam bị lệ thuộc vào nòng súng Ak, vào đôi dép râu, vào cái mũ cối che khuất cuộc đời của tập đoàn mang tên Việt cộng.
Và còn tệ hơn thế, Máu và công sức của cả một dân tộc đã đổ ra để bảo vệ cho sự sống, bảo vệ Tự Do, bảo vệ nền Độc Lập của tổ quốc bỗng chốc bị đặt vào cái ách nô lệ của Tàu cộng dưới lớp áo “cách mạng” của Hồ chí Minh. Rồi dưới lớp áo của loài dơi đêm này, những ngôn từ độc lập, tự do, hạnh phúc… cũng được khoa trương. Nhưng đó chỉ là những bọt bong bóng bay trước mặt, chạm tay vào nó sẽ vỡ tan. Nói cho cùng, từ sau ngày tổ vỡ vào 30-4-1975, khắp trên giải giang sơn ấy chỉ còn lại những tiếng kêu bi thương của con thơ bị trôi sông lạc chợ, của vợ mất chồng, của mẹ gìa tàn hơi mà thôi.
Câu chuyện kể ra, nghe như có tiếng thở dài trong nắng. Tôi chăm chú nhìn tổ chim lần nữa rồi lặng lẽ bước xuống theo từng bậc thang. Chợt nghe có tiếng chim về, tôi vội nhìn lên. Phải, nó đã quay về đây trong yên lặng, không tiếng ca. Nó đứng thu mình trên một cành nhỏ cách tổ ấm cũ chừng một gang tay. Ở đó, nó lặng lẽ nhìn về tổ ấm xưa. Một lát sau, nó nhảy vào và nằm lại ngay trên cái tổ đã tan nát của nó. Nhưng thật nhanh. Nó đứng lên, thoát ra tiếng kêu đầy bi thương rồi vụt bay đi.
Tôi nhìn với theo, ra khỏi lùm cây, cánh chim cô lẻ đảo một vòng rồi đậu lại trên nóc nhà bên cạnh. Ở đó, nó không cất tiếng hót tươi vui như hôm nào, thay vào đó là tiếng réo gọi đầy bi thương. Đã thế, nó đứng không yên. Quay nhìn đông, ngó tây, dòm bắc, rồi ngẩng cao đầu lên nhìn về phía cây nhãn như chờ đợi một điều gì? Tìm con, chờ bạn đời chăng?
Chợt như có tiếng nấc nghẹn trong đau thương, nó tung mình lên cao, lẻ bóng chao một vòng rồi vổ cánh bay vào không trời lộng. Nhìn với theo bóng chim dần mờ, tôi đã gọi nó trong thảng thốt:
– Chim ơi! Có còn về đây làm tổ nữa không?

15-2-2019
Bảo Giang