U tôi, những tháng năm sống ở Mỹ, nơi đất khách quê người, mặc
dù ở trong một tỉnh nhỏ ở miền Đông Nam nước Mỹ, không có nhiều gia đình người
Việt, cụ cũng tìm được vài bà bạn. Các cụ thường gọi điện thoại nói chuyện, lâu
lâu con cái rảnh rỗi thì đưa cụ này đi thăm cụ kia, hoặc các cụ họp ở nhà U tôi
chơi bài chắn vào những ngày cuối tuần.
Trong số các cụ hay đến chơi chắn với U tôi, có bà cụ mẹ anh
Biền, U tôi và chúng tôi cứ theo tên người con trai độc nhất của cụ, gọi cụ là
bà cụ Biền. Cụ Biền nghiền đánh chắn lắm, hôm nào các cụ hẹn nhau chơi chắn là
anh Biền dù bận đến đâu cũng thu xếp để đưa mẹ đi, và khi nào cụ Biền cũng là
người đến sớm nhất. Cụ đến sớm như vậy, trước nhất là để có thì giờ nói chuyện
với U tôi, thứ nhì là để dành được một trong hai cái chỗ ngồi cạnh cái cửa sổ
nhìn ra vườn, chỗ có cây cam, dưới cành những cây cam này chị Thảo và Dung treo
đầy mấy trăm cây lan. Ngồi ở đấy, trong khi chờ đông đủ mọi người đến thì cụ ngắm
lan, và lần nào cũng như lần ấy, cụ nhẹ nhàng trách : “Nhìn vườn lan của các
cô, tôi thích lắm, cho tôi ngồi đây ngắm lan cả ngày tôi cũng không chán. Tôi
thấy lạ, lan nào cũng có, mà sao các cô không trồng vài cây thổ lan. Các cô mà
có cây thổ lan thì tôi xin cụ cho tôi đến đây ở chung, ngày ngày chỉ đánh chắn
với ngắm lan là tôi sẽ được sống khoẻ mạnh đến trăm tuổi”.
Thường thường câu chuyện với cụ Biền về lan chỉ được vài câu
như thế, vì chẳng bao lâu, mọi người đến đông đủ, thế là các cụ nhập sòng ngay,
không để phí mất một giây, một phút. Có một hôm cụ Biền đến sớm lắm, cụ lại đến
ngồi ngay cạnh cửa sổ, lại ngắm lan, cụ lại trách sao chúng tôi không trồng mấy
cây thổ lan, rồi cụ mơ màng: “Cái giống thổ lan, lúc ngắm nó, không phải chờ
đến lúc nở hoa mới thấy đẹp đâu các cô ạ, mà lá của nó, lúc chiều chiều gặp cơn
gió nhẹ, cả đám lá bay rợp về một phía cũng đẹp, cũng nên thơ lắm.”
Tôi nghe chị Thảo vội vàng hỏi lại cụ “Thế cụ có đọc truyện
Xóm Cầu Mới của ông Nhất Linh không cụ, ông ấy tả cảnh lá thổ lan gặp gió bay về
một phía y hệt như cụ nói đấy”.
Cụ Biền trả lời “Chúng tôi dốt nát quê mùa, đâu mà biết
ông Nhất Linh là ai đâu, nhưng chẳng giấu gì các cô, ông cụ đẻ ra tôi ngày xưa
có mấy trăm cây thổ lan ở trong vườn, tôi lớn lên cùng với các cây lan này mà
các cô, thành ra bây giờ nhìn vườn lan của các cô tôi nhớ vườn lan của ông cụ
tôi ngày xưa lắm”.
Ngày hôm sau, tôi xuống U tôi chơi, mấy mẹ con người nằm kẻ
ngồi trên giường của U tôi nói chuyện, nhìn ra cửa sổ, thấy mấy cây lan tôi lại
nhớ những lời cụ Biền nói ngày hôm qua, tôi bảo U tôi và chị Thảo: “Con chắc
là bà cụ Biền có tâm sự ngắn dài gì với mấy cây thổ lan này đây, có lẽ là cụ gặp
cụ ông ở vườn lan này, rồi các cụ có tình tự gì với nhau gần chỗ mấy cây lan,
nên mỗi lần cụ nhắc đến thổ lan là mắt cụ cứ mơ mơ màng màng, long lanh như mấy
cô con gái mới lớn đang yêu”.
U tôi lườm tôi một cái, và mắng tôi : “Cái con Hảo này ăn
nói hay nhỉ, chỉ được cái thói ranh mãnh là không ai bằng. Cụ Biền kể với U là
lúc cụ ông cưới cụ về, cụ còn chưa biết chú rể mày ngang mũi dọc thế nào, méo
hay tròn, người cao hay thấp, nữa là tình với tự. Còn mắt mơ mơ màng màng, long
lanh thì là mắt cụ ấy già rồi, quanh năm suốt tháng cứ chảy nước mắt sống ra chứ,
các cô chỉ nói bậy, vớ va vớ vẩn, cụ Biền mà nghe được thì cụ ấy mắng cho, chạy
không kịp.”
Rồi cụ Biền bị bệnh và cụ mất. Sau khi cụ Biền mất rồi, U
tôi buồn lắm vì không có người bạn già mỗi ngày gọi điện thoại nói dăm ba câu
chuyện cho qua thì giờ. Anh Biền thì lo săn sóc mẹ vất vả hơn một năm, sau đó
còn bận tang ma nên không ghé thăm U tôi, nên cả hai năm gia đình chúng tôi
không có tin tức gì của anh ấy cả. Một buổi chiều chị Thảo và tôi đưa U tôi vào
xe để đi ra biển hóng mát như mọi ngày thì thấy xe anh Biền vừa chợt đến. Mới
thấy chúng tôi, anh vội vàng nhẩy xuống xe, hỏi đi đâu, chúng tôi bảo là đi ra
biển, anh hỏi ngay: “Bác và hai chị cho cháu đi chơi với được không?” Thế
là chúng tôi lên xe của anh Biền cho rộng hơn. Đến nơi sau khi dắt U tôi đi bộ
một vòng thì chúng tôi đi đến cái ghế dài đặt dưới gốc cây dừa ngồi nghỉ mệt.
Anh Biền ngồi cạnh U tôi, mặt rất buồn, ánh mắt xa xăm nhìn
ra khơi, rồi nói :
“Bác ạ, trước lúc mẹ cháu mất vài tháng, mẹ cháu có kể
chuyện này cho cháu nghe, lúc đó bận rộn, lộn xộn trăm điều, cháu chỉ sửng sốt,
vì bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của cháu. Vì mẹ cháu bảo với cháu là bố ruột của
cháu không phải là ông Thân như mấy chục năm nay cháu vẫn gọi là bố, điều này
chỉ có một mình mẹ cháu biết thôi, và bây giờ mẹ cháu mới nói cho cháu biết. Mẹ
cháu mất đi rồi, cháu nghĩ đi nghĩ lại mà vừa thương vừa xót cho mẹ cháu quá,
ôm ấp cái nỗi niềm riêng tư ấy cả một đời người ấy làm gì cho khổ, cháu ước gì
mẹ cháu nói cho cháu nghe từ lúc cháu mới lớn thì có phải nhẹ lòng cho mẹ cháu
biết bao nhiêu không.”
Theo lời anh Biền kể thì gần khoảng đầu thập niên 1950, bà cụ
Biền lúc đó là cô Thoa, con gái độc nhất của cụ Phong, nhà có của ăn cuả để, lại
xinh đẹp nết na nên mới vừa tròn 16 tuổi là cô Thoa đã có người đến dạm hỏi.
Hai cụ đồng ý ngay vì hai bên môn đăng hộ đối, chú rể là cậu Thân thì thông
minh tuấn tú, đang ở Hà Nội học. Đám cưới được tổ chức vào cuối năm, như hai
bên đã giao hẹn. Nhà cụ Phong neo người nên cậu Thân ở rể, vì vậy cô Thoa thì vẫn
ở nhà với hai cụ, cậu Thân thì vài tháng lại về quê thăm người vợ trẻ mới cưới
một lần rồi lại lên tỉnh chăm lo đèn sách. Ngoài lợi tức thu được từ những ruộng
lúa cò bay thẳng cánh, cụ Phong còn có một cái vườn rộng bao quanh ngôi nhà
ngói khang trang, trong vườn có mấy trăm cây cau, đến mùa cau lái buôn đã đặt sẵn,
mang người đến hái, các cụ không cần phải đụng tay vào, chỉ việc ngồi đó thu tiền.
Ngoài hai thứ lợi nhuận đến từ lúa và cau cụ Phong còn có mấy trăm cây thổ lan,
lan của cụ được chăm sóc đúng cách, kỹ càng nên nổi tiếng không những ở làng cụ
và các làng lân cận, mà đến cả những người chơi lan ở Hà Nội cũng biết đến tiếng
của cụ nữa. Đó là thú tiêu khiển hàng ngày của cụ và cũng là nguồn lợi mang về
rất nhiều tiền, nếu gặp người sành điệu, không tiếc tiền cho một giò lan hiếm,
đẹp, vừa mắt mình. Từ sáng sớm tinh sương cho đến tối mịt, ngoài ba bữa cơm,
lúc nào cụ cũng quanh quẩn chung quanh đám thổ lan này, thay chậu, tỉa lá, cắt
cành. Việc mùa màng và những thứ khác thì đã có cụ bà quán xuyến.
Cuối Thu năm ấy, cũng vì dầm sương giãi gió chăm sóc mấy cây
lan, nên quên mất cái lạnh đã về, cụ Phong trúng cảm, càng cố làm nên bệnh trở
nặng, cụ nằm liệt giường, nhấc chân nhấc tay lên không nổi nữa. Đám thổ lan mặc
dù đã có cô Thoa, vì cô ngày ngày đi theo cha săn sóc tưới tắm nên cô cũng chăm
sóc được chúng được chút đỉnh, nhưng vài cây cũng đã bắt đầu thấy xuống sắc
.
Một hôm có anh Tính ở làng bên, nghe tin cụ bệnh nên ghé
thăm. Anh Tính người hiền lành, vì cảnh mẹ goá con côi nên chưa có đủ tiền để
cưới vợ, mặc dù anh trông rất điển trai, thân hình rắn chắc mạnh mẽ, mấy năm
trước cũng nhờ thổ lan mà quen biết với cụ Phong, rồi chẳng mấy chốc mà hai người
trở thành thành tri âm tri kỷ. Cụ Phong và anh Tính nếu ngồi xuống bên cạnh mấy
cây lan mà nói chuyện về cách chăm sóc, hay những chuyện về lan lượm lặt được ở
đâu đó thì chẳng mấy lúc một già một trẻ quên mất cả tuổi tác cách biệt.
Hôm anh Tính đến thăm, cụ Phong vẫn còn yếu lắm, ngồi chơi hỏi
thăm cụ một lúc thì cụ Phong bảo là cần nghỉ mệt và nhờ anh Tính ra vườn xem mấy
cây lan ra sao hộ cụ. Anh Tính ra vườn một lúc rồi vào bảo với cụ là lan tuy
chưa chết nhưng cứ kéo dài kiểu này thì lan sẽ mất sức, e là đến mùa Xuân sang
năm không đủ sức mà ra hoa đẹp như những năm trước. Anh bảo là ngày mai anh sẽ
bỏ vài ngày qua giúp cụ chỉnh đốn lại, cụ cứ yên tâm nằm nghỉ dưỡng bệnh.
Ngày hôm sau đúng như đã hứa, anh Tính sang cụ Phong từ sáng
sớm, lại mang theo một bao phân bò và một bao đất bùn để thay chậu và bón phân
cho lan. Cụ Phong hân hoan lắm, cụ gọi cô Thoa dặn nhớ bảo người làm bắt cá dưới
ao lên nấu cơm đãi khách, xế trưa thì nấu xôi gạo nếp đầu mùa và chè đường, nước
trà, nước vối lo cho đầy đủ. Cụ còn dặn là khi anh Tính chăm cây thì cô Thoa nhớ
bỏ ít thì giờ ra xem xét học hỏi cách thức mà lo cho những cây lan, phòng khi cụ
đau ốm như lần này.
Thế là sau hai ngày đó, anh Tính dìu cụ ra vườn xem những
cây lan mà anh đã bỏ công cắt tỉa, vun xới, tưới phân. Cụ Phong nhìn những cây
lan mơn mởn, tươi tốt, gọn gàng hơn cả lúc cụ chưa ốm, cụ gật gù bằng lòng lắm.
Cụ vui vẻ đề nghị trả tiền cho anh Tính làm giúp cụ một tháng hay hai tháng
cũng được trong khi chờ cụ khoẻ mạnh trở lại, đủ sức lo cho mấy cây lan. Anh
Tính là người có lòng tốt, quý mến cụ Phong, lại còn nghiện lan hơn là nghiện
thuốc lào nữa nên bằng lòng ngay, không suy nghĩ đắn đo gì cả.
Thế là mỗi ngày, sáng sớm tinh sương anh Tính đã có mặt ở vườn
lan của cụ Phong. Phần cô Thoa thì cũng dậy sớm hơn thường ngày, anh Tính vào đến
sân nhà là khi thì xôi sắn, khi thì xôi lạc, khi thì xôi đậu đen và đĩa muối vừng
thơm ngon đã bày sẵn trên cái chõng tre, bên hè nhà, cạnh vườn thổ lan. Anh
Tính ăn xôi, uống nước xong rồi bắt tay vào việc ngay. Cô Thoa cũng quanh quẩn
vào ra, lúc thì đi lấy cái rổ, con dao, sợi dây lạt anh Tính cần, lúc thì giúp
anh Tính xẻ cây lan to ra trồng thành bốn năm cây lan nhỏ. Lúc thì đứng chăm
chú nghe anh Tính chỉ vào cây lan, dặn dò những củ lan nào cần giữ, những củ
lan nào nên cắt bỏ đi.
Lửa mà để cạnh rơm thì bén mau lắm. Anh Tính là người yêu
lan, có tâm hồn lãng mạn. Cô Thoa là gái mới lớn, mặc dù mới lấy chồng nhưng
tình vợ chồng chắc chẳng thắm thiết bằng những tháng ngày ngắn ngủi, những kề cận
thân thiết mỗi ngày với anh Tính, hai người đã đắm chìm vào cái tình yêu vụng
trộm từ lúc nào. Từ những cái đụng chạm vô tình, rồi đến những cái đụng chạm có
cố ý, hai người đã đi quá xa, không dừng lại được nữa. Cô Thoa quên mất hẳn người
chồng đi học xa, anh Tính quên hẳn thâm tình với cụ Phong, đôi trai gái chỉ biết
ngày ngày say sưa với men tình, quấn quýt với nhau bên đám thổ lan…
Mỗi đêm, khi nằm trên giường trằn trọc chờ giấc ngủ đến, cô
Thoa kiểm điểm lại những gì đã xảy ra với anh Tính ban ngày, cô cũng tự trách
mình sao quá yếu đuối, có lỗi với người chồng đang chăm chỉ cố gắng học hành ở
xa. Nhưng mỗi sáng, khi gà gáy canh Tư, cô đã vội vàng nhỏm dậy, xuống bếp đun
nước, thổi xôi, hồi hộp chờ tình nhân đến. Sáng sớm chưa rõ mặt người, trong bếp,
vừa nghe tiếng chân chắc nịch của anh Tính ngoài đầu hè là cô đã mở cửa bếp,
ngã vào đôi tay rắn chắc của anh Tính, quên hết mọi lễ nghĩa, phải trái. Sự gắn
bó vụng trộm của hai người không ai biết được, vì những giờ phút họ gần gụi
nhau là những buổi sáng sớm tinh sương, lúc mọi người còn đang say ngủ, hay những
buổi trưa mọi người đã ra đồng, cụ Phong có ở nhà nhưng cụ có cái thói phong
lưu là ngay sau bữa cơm trưa cụ phải nằm nghỉ trưa đến gần hai tiếng đồng hồ mới
dậy.
Vừa đúng hai tháng trường, cụ Phong bình phục hoàn toàn, cụ
nay đã khỏe lại, vui vì vườn lan được anh Tính tận tâm săn sóc. Nhìn đám lan,
chậu nào đều như chậu nấy, không có đến một cọng cỏ dại, những chiếc lá được đủ
nước đủ phân, đứng thẳng vút lên, xanh mướt một màu, không một cái lá úa nào
xót lại. Sau đấy, anh Tính không còn lý do nào để đến vườn cụ Phong nữa, vì tiền
bạc đã sòng phẳng, công việc thì đã hoàn thành tươm tất.
Riêng cô Thoa thì trăm mối ngổn ngang, ngơ ngơ ngẩn ngẩn suốt
ngày, phần vì nhớ anh Tính, nhưng chuyện quan trọng hơn nữa là cô thấy trong
người cô đã đổi khác, đổi nhiều lắm, sự thay đổi này làm cho cô có cái cảm giác
là hình như có một mầm sống đang tượng hình ở trong cô. Cô lo sợ tiều tuỵ trông
thấy rõ, nhưng hai cụ Phong thì bận rộn, hai người không ai để ý gì để thấy những
thay đổi ở cô con gái cưng.
Kể cả cậu Thân được ngày nghỉ về thăm vợ cũng chẳng biết gì
đến những sự thể này, mọi việc đối với mọi người đều suông sẻ bình thường, chỉ
riêng mình cô Thoa là trăm chiều lo nghĩ. Rồi đến Tết, cô Thoa báo tin cho cha
mẹ và chồng là cô đã cấn thai. Hai bên nội ngoại đều mừng rỡ, nhất là bên cụ
Phong vì đây là lần đầu tiên hai cụ có cháu bế. Theo lời bà mụ trong làng thì
cô Thoa sẽ ở cữ vào đầu tháng Chín, nhưng đến một đêm đầu tháng Bảy thì cô Thoa
đau bụng dữ dội, ban đêm người nhà phải chạy đi mời bà mụ ngay. Bà mụ cho là cô
Thoa đẻ thằng bé thiếu tháng, nhưng trời thương hay sao mà thằng bé cứng cáp,
khỏe mạnh còn hơn cả những đứa trẻ bình thường.
Thằng bé được đặt tên là Biền, nói trại từ chữ Bền. Cậu Thân
học ra trường được việc ở Sở Nhà Đoan, mang vợ con lên Hà Nội sống rồi di cư
vào Nam. Ông bà Thân, ngoài Biền ra không có thêm một đứa con nào nữa. Đến năm
1975, cả nhà lại di cư sang Mỹ, cụ Thân ông mất trước cụ bà khoảng mười năm. Bà
cụ sống với vợ chồng anh Biền cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay.
U tôi thì nghe anh Biền kể đến đâu thì thở dài sườn sượt đến
đấy, có lúc tôi còn thấy U tôi đưa miếng khăn giấy lúc nào cũng có ở trong túi
lên lau nước mắt. Chị Thảo và tôi vừa nghe chuyện vừa đưa mắt nhìn nhau. Anh Biền
lại bảo: “Khổ cho mẹ con quá, sống với bố Thân của con bao nhiêu năm mà lòng
thì cứ nghĩ đến những tháng ngày ngắn ngủi với ông Tính, mẹ con bảo vậy, hơn bốn
chục năm làm vợ ông Thân, mẹ con lòng lúc nào cũng hối hận là đã làm lỗi với chồng
nhưng mẹ cũng không thể nào quên được ông Tính.”
Anh Biền đưa U tôi và chúng tôi về nhà, rồi buồn bã lầm lũi
đi ra xe. U tôi nhìn theo anh thở dài, rồi nói.
“Thật khổ cho cái thằng Biền, bà cụ đã giữ được bao nhiêu
năm rồi mà sao không mang theo, còn nói ra làm gì để thằng con bây giờ cứ xót
xa cho mẹ. Quanh đi quẩn lại thì cũng chỉ vì mấy cây thổ lan “chiết tiệt” này,
đã làm khổ bà cụ suốt cả một đời người, giờ lại còn vương vấn đến đứa con nữa”.
Riêng chị Thảo và tôi, lâu lâu lại nhắc lại với nhau là
chúng tôi không thể nào quên được cái buổi chiều ngồi chơi ngoài biển, anh Biền
tâm sự câu chuyện đau lòng của mẹ anh cho chúng tôi nghe. Chúng tôi cùng đồng ý
với nhau là anh Biền không giữ được trong lòng, phải tìm U tôi để tâm sự chuyện
này cho vơi nỗi xót thương.
Phạm Hảo