30 March 2019

TỔ PHỤ - Nguyễn Văn Thà


Tổ phụ Abraham, theo Kinh Thánh Cựu Ước, là tổ phụ của dân Israel: Do Thái, đã nghe lời Đức Chúa Trời truyền dạy và đưa cả gia đình, tôi tớ, sản nghiệptừ thành phố quê hương Ur, vùng Kaldea, nay là miền Nam của Irắc, tới Haran, Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó tới Canaan, nay là Israel: Do Thái, ”miền đất hứa chảy sữa và mật ong” mà ĐCT hứa ban cho ông và con cháu ông. Lịch sử cổ trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng là lịch sử của các giáo hội Kytô giáo, trong đó có giáo hội Công giáo. Tổ phụ Abraham của Do Thái, cũng là tổ phụ của cha tôi, người Công giáo, theo nghĩa thiêng liêng.

Không ai quên được quê hương mình dù quê nghèo, cũng như không ai quên được cha mẹ dù cha mẹ khổ.

Tôi nay đã khá già, nghĩ lại quãng đời đã qua của mình, thấy mình sinh dưới một ngôi sao khá tốt. Tuy ở nhà quê, đất đai không được mầu mỡ cho lắm, đất pha cát, nhiều rừng, nhưng nếu biết khai phá, vẫn có đất: đất thịt pha cát để trồng lúa, đất cát trồng khoai; làm đủ ăn, có năm còn dư chút đỉnh. Lại còn có biển, bờ biển đẹp, rất đẹp với những đồi cát trắng tinh, mượt mà lượn theo gió, lung linh sáng theo mặt trời và huyền hoặc, thần tiên đêm trăng. Biển đẹp và còn có rất nhiều cá những năm mới đến lập cư, và còn đủ để ăn những năm sau này, nhưng cho tới ngày Việt Cộng vào cá mú hầu như tiệt. Lạ thiệt! Củi đuốc thì đã có rừng sát sau nhà. Có một ngôi thánh đường xinh xinh, xây theo kiểu một ngôi nhà thờ ở Pháp, do các sinh viên, học sinh quê của linh mục thừa sai Pháp đóng góp và quyên tặng. Có một ngôi trường tiểu học làm bằng gạch, lợp ngói xám, màu ngói Pháp, năm phòng cho năm lớp, ghế bàn đúng kiểu ghế bàn học, có đánh vẹc ni vàng bóng, lại có hai cây me cổ thụ trước trường và góc phải sân trường để trèo chơi và hái lá me non nhét trong cạc táp đưa về cho mẹ để mẹ nấu canh chua với cá cha vừa đánh được hồi sáng. Và các thầy giáo, cô giáo thiệt hiền, thiệt giỏi. Không giỏi sao được khi học xong lớp tư, chúng tôi có thể đọc được sách kinh, sách bổn ro ro; các anh chị dạy giáo lý mỗi tối cũng giỏi luôn. Chúng tôi ngồi vòng tròn trên sân xi măng mát rượi của nhà xứ học giáo lý, học lẽ đạo, lẽ đời, ăn ở sao cho đẹp lòng Chúa, có nghĩa là sống sao cho tốt lành, đạo đức. Không khí biển trong lành, mát rượi, hơi khô và gây khó chịu, nham nháp vào cuối năm khi gió bấc tràn về, nhưng được cái lúc đó khí trời lành lạnh, thinh thích nhìn những làn khói của hơi thở bay ra từ cửa miệng buổi sáng đi lễ về. Thuốc men thì có một cô y tá ở trạm xá chẩn bệnh, những bệnh thông thường, và phát thuốc cho không. Mấy bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và cả ho lao không làm gì có. Ăn cơm, ăn cá, ăn khoai, ăn ruốc, ăn mắm, ăn rau muống, đọt rau lang, rau sam đồng…, những thứ nầy ê hề, chưa bị nhiễm thuốc diệt sâu. Coi! Chúng tôi có thiếu gì đâu: lương thực, giáo dục, đạo đức, y tế, môi trường, tất cả tương đối tốt, những điều mà ngày nay các chính trị gia đang hô hào. Tóm lại như cha tôi nói: Mình sống trên cơm dưới cá; hay như lời cha xứ: Đất lành, chim đậu – cho tới cái ngày kể trên. 

Vì dư chút đỉnh, cha mẹ tôi cố gắng gởi tôi đi học xa vì tôi là con trai đầu sau ba chị gái, xa tận Thủ Đức trong một nhà dòng và hưởng được một sự giáo dục tương đối tốt, học chương trình Việt trong khi các trường dòng chung quanh lại dạy theo chương trình Pháp. Cha mẹ chỉ đóng tượng trưng tiền trường và tiền mua sách vở và tiền xe cộ những dịp nghỉ hè, nghỉ tết. Không thấy các cha, các thầy dòng phụ trách nói về vấn đề tiền bạc. Tới nay tôi mới thấy các cha, các thầy dòng xoay xở sao mà giỏi đến thế để nuôi ăn, nuôi ở hàng trăm đệ tử sinh. Tôi thấy các thầy nuôi heo, nuôi cá, muối cá làm nước mắm, nuôi gà công nghiệp, đóng sách gáy da, mạ vàng cho các thư viện và những người yêu sách. Chắc chắn cũng có những tín hữu hảo tâm trong và ngoài nước giúp đỡ mới có đủ tiền nuôi, dạy chúng tôi, những con người, qua trung gian Giáo hội, giúp đỡ chúng tôi, những ân nhân thầm lặng bao đời. 

Có giáo sư Phong dạy văn chương Việt thiệt tài; thầy Yến dạy toán, lý, hoá lão luyện; thầy Jean con một bác sĩ người Việt có quốc tịch Pháp, làm việc cho Pháp, và thầy, sau khi cha mất để lại một biệt thự ở đường Tú Xương và một gia tài lớn, thầy bị lưng gù, nên người ngắn ủn, tình nguyện dạy tiếng Pháp không lấy tiền; cha Piô dạy tiếng La tinh, cha rất giỏi, nhưng không biết sao học sinh không được tiến bộ nhiều, có lẽ tiếng La tinh quá khó và cha dạy quá ôm đồm. Và cha giám đốc giỏi giang, nhân từ mà khôn ngoan, cao ráo, đẹp người, một mẫu người đàn ông lý tưởng, nếu ngài không đi tu. Tôi vẫn nhớ nụ cười xoà của ngài khi tôi gặp ngài (được gặp bất cứ lúc nào), thắc mắc về những chuyện vô lý như về Một Đức Chúa Trời sao lại Ba Ngôi, đã một sao lại còn ba, về tội nguyên tổ, chuyện một Đức Chúa Trời dựng nên trời đất không đủ hay sao mà con thêm Chúa Cứu Thế mà làm gì… và cha nắm tay tôi bảo: ”Từ từ Chúa sẽ tỏ cho con.” 

Tôi ở bên khu các đệ tử sinh, nhưng thỉnh thoảng cũng lén vào thư viện vĩ đại của nhà dòng, thuộc khu các cha, các thầy xem sách, những cuốn sách tiếng Pháp, tiếng La tinh, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Ý… đóng gáy mạ vàng làm tôi mê, rờ thôi cũng đủ mê; lúc ấy tôi chưa đủ khả năng đọc sách ngoại ngữ; tôi thấy có cả các tạp chí Mỹ thời đó. Dĩ nhiên có cả sách tiếng Việt, những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng. Đọc lén vài trang là đã mê. Có máu mê sách từ nhỏ, lúc đó càng mê. Hậu quả là tiền túi cha mẹ cho, được cha phó giám đốc giữ giùm, chi tiêu gì thì ghi sổ, còn dư được trả lại khi nghỉ hè, số tiền còn dư đó tôi dùng mua sách ở các chợ sách vỉa hè ở Sài Gòn, nơi tôi ghé chơi vài ngày tại nhà đứa bạn cùng lớp trước khi về mẹ. Tới lớp đệ nhất, tôi đã có khoảng 300 cuốn sách, sách Việt, sách Pháp. Tôi mua được cả cuốn Từ Hải đại từ điển, chữ Hán, thấy có ghi tên Nguyễn Hiến Lê đầu sách, cả cuốn Bible de Jerusalem*, mà tới nay ở Na Uy tôi vẫn chưa mua lại được vì quá mắt, toàn thể sách triết an vi của Kim Định, sách bỏ túi tiếng Pháp loại Le livre de poche*tôi cũng mua được nhiều… Sách được chưng trong một tủ kiếng lộng lẫy đặt ngay giữa nhà. Nhiều sách như thế, nhưng tôi nào có đọc được hết. Tuy nhiên, một phần nhờ thế mà trong làng tôi được tiếng là người hay chữ. Mê. Mê đến nỗi, mấy ngày trước 30.4 năm ấy, tôi đang ở Vũng Tàu với cha tôi, và cha chỉ cho tôi những ghe sắp sửa chạy ra tàu Mĩ ngoài khơi, tôi vẫn không muốn đi theo, tôi vẫn muốn lên ghe về lại quê ở Hàm Tân, nơi có một cuộc sống tương đối sống được, và nhất là tôi có một tủ sách để sống một cuộc sống ”trí sĩ”, và có thể làm việc chút ítvà dạy học cho các em trong làng chút đỉnh như thi sĩ người Tàu Đào Tiềm xưa. Như các bạn thấy đó: những tư tưởng này bàng bạc trong các sách thiền, thơ cổ xuất bản thời đó, ví dụ, sách của nhà xuất bản An Tiêm, Lá Bối của Trung tâm Học liệu. Vào lúc có lệnh tịch thu ”sách vở, văn hoá đồi truỵ”, cha tôi, vốn là người đã giúp đỡ lúa, khoai cho gia đình ông thôn trưởng VC trước khi ông vào rừng, đưa 4 cuốn sách tiếng Pháp nhỏ giao nộp, thì ông ta nói: ”Đưa về cho thẩy đọc.” Tôi cảm thấy an lòng. 

Nhưng – chữ ”nhưng” mà nhiều người đã phải trải nghiệm đau đớn, kể cả những vị thông thái, những vị quyền chức hơn tôi nhiều mới thốt lên được – cuộc thế xoay vần bởi người CS không như người thường tưởng. Mấy tháng đầu sau ngày ấy tôi được kêu đi dạy học bình dân học vụ. Dạy đang hăng, học trò đang khá dần, thì bị dẹp như bất cứ công trình của mấy bố CS. Họ chẳng làm được gì dài lâu, bất cứ cái gì, ngoại trừ đánh nhau, chém giết, thù hằn, nghi kỵ mãn kiếp vẫn chưa nư. Mộng làm thầy đồ như thế là sụm. 

Tôi cố gắng thi vào đại học sư phạm, ngành tiếng Pháp. Bài thi trình độ rất thấp, ví dụ, có câu hỏi phân từ quá khứ của động từ avoir(có)là gì, trong khi tôi đã đọc sách tiếng Pháp làu làu, nhưng tôi vẫn không đậu vì bài thi chính trị và bài thi lịch sử đảng CSVN tôi hoàn toàn không biết, hoàn toàn bỏ giấy trống. Tôi bắt đầu phải đi cày, chặt củi, vác củi, chặt tre gai, vác tre bó đi chân không, trời nắng chang chang, không còn mồ hôi mà đổ, quần tà lỏn rách đủng lòi c. đôi khi; đi biển, chèo thuyền thúng với cha những hôm biển lặng, những hôm biển động lại vác lưới cước đi chặn cá ngạnh trong hói, đi cả sáu tiếng dưới trời nắng gắt mà chỉ bắt được mươi con cá nhỏ bằng ngón tay. Tôi lý luận với cha tôi là dùng sáu tiếng đồng hồ mà chỉ được mười con cá nhỏ xíu như thế thì tốn công quá; tôi còn ngớ ngẩn dùng chữ calorie*để nói với ông. Ông không thèm trả lời. Và tôi phải đi cày, và còn phải còng lưng cấy triệu triệu tép mạ, công việc đàn bà. Tôi cấy rất nhanh vì tôi hướng đuôi bó mạ sát mặt đất bùn theo công thức tính vận tốc V = S/t, Vlà vận tốc, Slà quãng đường đi được, và tlà thời gian ra mạ và chấm xuống bùn. Scủa tôi rất dài tính theo những hàng lúa tôi cấy,tcủa tôi rất ngắn, vậy Vcủa tôi tất vượt hơn hẳn những chị em tôi cùng cấy mà bó mạ của họ cách mặt bùn tới 1 gang rưỡi tức khoản 15 cm, trong khi bó mạ của tôi chỉ nhiều nhất 5cm, do đó tôi cấy rất nhanh, khoảng 1/3 giây cho mỗi tép mạ. Đó là chưa tính chuyện biết toè bó mạ cho đều để tút tép mạ cho nhanh. Áp dụng công thức này tôi cấy nhanh gấp ba những chị em khác, và chuyện đàn ông cấy nhanh hơn đàn bà là chuyện ”thế gian xưa nay hiếm” và chuyện ông thầy hay chữ như tôi mà còn cấy nhanh hơn bọn đàn bà 3 lần là ”chuyện thế gian chưa từng có.” Hai câu nhận định trong vòng ngoặc kép này là của một chị hàng xóm môi trầu, má đỏ thỉnh thoảng cấy giúp cho nhà tôi. Nhưng khi trời mưa to, gió lớn, nước ngập ruộng đồng, và cha tôi đi thăm đồng thấy một số cọng mạ bị giạt vào những góc ruộng, và tính cha tôi vốn trọng từng hạt lúa, khi gặt lúa, ông đi lượm lại từng bông lúa gặt sót, nhặt từng hạt lúa rơi vãi chỗ đập lúa, thì chuyện hàng trăm cọng mạ trốc gốc, trôi dạt như thế là tội tày trời, và ông chắc như đinh đóng cột: thủ phạm không ai khác chính là tôi, thằng Nam, cấy mau, cấy dối cho mau về nhà. Lại chuyện chữ nghĩa: Có bữa, đợi đêm trời mát, tôi gánh một gánh khoai nặng từ rẫy về, nhưng để cho đỡ mệt, tôi đọc to những câu đàm thoại tiếng Anh tôi nhớ được từ cuốn L’Anglais sans peine*. Vai trĩu nặng, nhưng tâm hồn bay bổng trong thế giới chữ nghĩa của mình, và càng bay bổng hơn khi gánh qua một vạt rừng rậm, tôi bỗng nghe có tiếng người bật chạy và thét: ”Ma Tây, ma Tây!”. Hình như tiếng chị môi trầu, má đỏ. Cô nàng chạy nhanh quá,mà tôi, với đôi thúng khoai đầy vun trên vai,làm sao kịp phân bua: ”Không phải ma mô, chị ơi!”. Ai bảo gánh khoai là khồ?

Tôi bị đè nén từ gia đình, do công việc nặng nhọc, lại phải học tập chính trị ban đêm liên miên, lúa làm ra phải đóng thuế cực cao, nên đói, lại còn phải đãi bọn đi bình thuế nông nghiệp nhậu. Có đứa sau bữa nhậu, đi qua nhà tôi còn chửi đổng: ”Đ. M., học cao mà làm con c. gì, như tau đây mới đã.” Tôi, thời gian đó thể xác cũng như tâm thần như tê dại, có bữa gặp thằng bạn thân cùng lớp thủa trung học giữa đường, đơ người chẳng nói gì được, nói chi chào hỏi thân tình. Thằng bạn đó cũng đơ luôn, trơ mắt nhìn mà chẳng nói gì được. Kinh chưa cái xã hội CS tạo nên ấy. 

Rồi người ta bắt thằng Bắc, em trai 17 tuổi của tôi, đi thanh niên xung phong trồng bông ở Phan Rang. Nó đi được một tháng thì trốn về. Người gầy như que tăm. ĐMCS, nó chửi vậy, thanh niên xung phong cái con c.; và nó cưới vợ để tránh đi thanh niên xung phong.

Vì ở sát biển với bờ biển tạo bởi những đồi cát lớn có cây cối mọc như rừng, nên dân làng tôi đi vượt biên ào ào, thường là lọt. Thế là có người biết tôi biết tiếng Anh, kêu đi vượt biên để thông dịch với tàu quốc tế khi được vớt. Tôi đi cùng em trai tôi, và cả hai bị bắt. Nó được thả ra trước. Nó lén lút đến ngoài hàng rào kẽm gai trại tù và nhanh nhẹn quăng vào cho tôi đang tưới phân tươi cho rau gần hàng rào những gói đồ ăn ngon và cả gói thuốc Samit của Thái. Đó là lần đầu tiên tôi được thưởng thức cái ngất ngây của thuốc lá có tẩm thuốc phiện. Không biết nó lấy tiền ở đâu mà mua những thứ mắc tiền đó.

Rồi tôi cũng được thả, sau 3 năm. Khi tôi ở tù về, ra thăm nhà thằng em thì thấy sau nhà nó giấy bay tơi tả khắp nơi trong miếng ruộng khô sau nhà nó. Tôi lụm lên xem, thì ra đó là những tờ từ những cuốn sách của tôi đã mua và gìn giữ bao năm, giờ trở thành giấy chùi đít ỉa đồng cho gia đình nó. Sách của triết gia Kim Định, các cuốn tạp chí Phương Đông… Tôi vào nhà nó, tính than phiền, thì thấy nó đang trụng nước sôi nhổ lông con gà mái đẻ duy nhất để đãi tôi mới được ra tù, tôi than phiền làm sao được nữa. 

Nó chí thú làm ăn mà vẫn đói. Đường tu hành của tôi cũng đứt. Không thể làm linh mục sau khi bị tù vượt biên. Những thầy không chịu bỏ đàn chiên mà đi còn vô vọng, huống gì tôi. Tôi lo làm ruộng, đi lưới thúng tả tơi. Một bữa, tôi thấy cần một cái thuyền thúng mới, tôi lên núi Tá Cú chặt tre, nhưng không có vì người ta chặt trụi cả rồi; bèn tìm đường lên Bắc Ruộng, có ông dượng ở đó chặt tre giùm và chẻ, vót thành hai bó nan lớn, đủ để làm một cái thuyền thúng. Khi tôi thồ hai bó nan tre từ thị xã Lagi về làng, có người quen biết thấy, ngạc nhiên, nói lớn: ”Ủa, tưởng thầy Nam đi được rồi! Thằng Bắc đi lọt rồi!” Tôi biết Bắc nó thương tôi, nhưng nó vẫn tuyệt đối giữ bí mật chuyện chính nó đứng ra tổ chức vượt biên của nó. Và nó cùng mấy đứa em tôi cùng các người cộng sự với nó đi lọt. Vợ, con nó, nó đành bỏ lại vì vợ sợ không dám đi. Tôi ngỡ ngàng, tôi cay đắng, tôi tuyệt vọng. Lại bắt đầu những ngày tháng gian khổ. Mừng cho em, mà ấm ức cho mình. 

Rồi tôi sống ẩn tu trong một chòi tranh trong rẫy xa, nhưng rồi chán quá, chán hơn cuộc đời đáng chán ngoài kia, và những thánh vịnh tôi đọc để răn lòng không át được những dòng thơ Phạm Thiên Thư tiêu sái, Nguyên Sa tân kỳ, Nguyễn Tất Nhiên trẻ trung, thơ Nguyễn Bính chân quê. 

Tôi về nhà và lấy cái chị môi trầu, má đỏ trên kia. 

Khi Bắc qua được trại tị nạn ở Osaka, Nhật Bản, không biết nó kiếm đâu ra tiền mà gởi ngay cho tôi một bộ đồ tây lồng trong hộp với mặt trên gói giấy kiếng trong: quần tây sợi dệt chéo, màu xám sáng và một cái áo sơ mi màu vừa cam vừa hồng, hoàn toàn đối chọi với cái màu xám xịt, thê lương đang phủ lên xóm làng tôi. Lại còn thơm dìu thơm dịu, mùi Việt kiều, có đâu như mùi đồng lầy, đồng lội thúi rình ngay trước cửa nhà tôi đây thôi. 

Cuối cùng đến lượt tôi và gia đình cũng vượt biên được từ Cà Mau, và đưa được cả vợ, con thằng em theo. Và đưa cả một lô cháu khác. Tôi bản tính hay thương cháu. 

Nhờ vượt biên được, và cách này cách khác, gia tộc tôi có 70 người ở Na Uy. Tính ra thì những đứa cháu chính tôi đưa qua, lấy vợ lấy chồng, sinh con, lên cả 40 người, nghĩa là hơn thằng Bắc 10 người. Đứa nào cũng làm ăn khá giả hơn tôi chỉ đủ sống qua ngày. Chúng nó như thằng Bắc. Bắc qua Na Uy là nó lao ngay đi làm việc, việc tay chân mà lương khá, còn tôi đi qua Na Uy sau nó 5 năm, rồi còn dùng 5 năm học đại học, học môn chẳng thể làm ra tiền. Nó giàu, tôi nghèo là chuyện đương nhiên. Do đó nó gởi tiền về giúp cha mẹ tôi nhiều hơn tôi.

Một lần tôi về Việc Nam, cha tôi nói trong bữa tiệc có các chị, tôi, các em, các cháu ở Việt Nam lẫn Na Uy: ”Tụi bây ở Na Uy phải nhớ ơn cậu Bắc. Cậu Bắc là tổ phụ của tụi bây, như tổ phụ Abraham, đã đưa tụi bây qua miền đất hứa.” Mọi người đều vỗ tay vì câu nói đầy ý nghĩa của cha tôi, và cám ơn tổ phụ Bắc dù tổ phụ lúc đó chỉ mới 25 tuổi và đang ở Na Uy.

Chúng tôi qua bên này, nhà ai nấy ở, gia đình ai nấy lo, chẳng mấy khi gặp nhau. Tôi gặp rắc rối chuyện gia đình, vợ rồi đến con. Ai cũng cho mình có lý, ai cũng sở hữu chân lý, ngoại trừ thằng cha ”khùng nặng” là tôi. Đây là nhận định của tuyệt đại đa số thân thích của tôi ở Na Uy. Tôi suy nghĩ và nghiệm ra một điều rằng tôi là người từ nhỏ đến lớn không ai ưa thích được, ví dụ, hồi tôi đi tu, thường thì những chủng sinh đi tu được một cha xứ nhận làm nghĩa tử. Tôi học giỏi, cao ráo, ngon lành, nhưng chẳng cha xứ nào muốn nhận, trong khi bạn tôi, nó thua tôi xa mọi mặt, lại được một vị tổng giám mục nhận làm nghĩa tử; danh giá quá trời! Có một bữa, có một ông cha hỏi tôi đã có cha nào nhận làm nghĩa tử chưa sau khi tôi dịch một bài suy niệm tiếng Pháp ra tiếng Việt, đưa cho ngài và được ngài khen là dịch hay, tôi trả lời chưa, và tưởng ngài sẽ nhận tôi làm nghĩa tử, nhưng chuyện đó không xảy ra. Rồi hồi tôi dạy ở chủng viện, có một ông cha phó giám đốc chủng viện trẻ, tôi nhấn mạnh là trẻ, tốt nghiệp từ Giáo Hoàng Học Viện, Đà Lạt, một trường chỉ dành huấn luyện những đại chủng sinh ưu tú, thế mà hễ gặp tôi là ông ta cứ kè nhè chỉ trích, chê bai một điều gì đó như một mụ đàn bà nhà quê lắm chuyện, hoặc chê bóng, chê gió tôi trước mặt các thầy khác như là: có thầy sau khi dạy xong một giờ chẳng hề thấy vào viếng Thánh Thể* (chính là tôi, dù chuyện này không bắt buộc). Có lúc ổng chỉ vào chiếc quần tôi đang mặc, chê thẳng: ”Quần thầy mặc sao dơ vậy, dính đầy bụi đỏ. Thay cái khác đi!”, cũng trước mặt các thầy khác, nhưng thực ra cái quần ấy tôi mới may từ loại vải khi thì óng ánh kim tuyến, khi thì đỏ màu bụi đường tuỳ góc nhìn của người nhìn, vải của ông bác mới đi tàu buôn từ Hồng Kông về mua cho tôi, và tôi mới giặt và thay hồi sáng. Ông cha phó giám đốc ấy cứ khó chịu, nhăn nhó với tôi mãi như thế, đủ mọi thứ chuyện. Lạ chưa! Hình như nơi tôi có vẻ gì đó ngang ngạnh, lấn cấn, vô duyên, kiểu vô duyên đối diện bất tương phùng, làm cho mọi người nhẹ thì cười ruồi, vừa thì tránh xa, nặng thì chửi thậm tệ bởi những đứa du côn, cay độc bởi những đứa nho nhã, rồi tránh xa sau khi chửi. Tới nay cũng vậy, chẳng ai ưa tôi. Nhưng tôi thấy điều này cũng được thôi vì tôi bản tính không thích người, và nghiệm thấy người là một cái gì đó phiền toái, mệt mỏi. Tôi còn nhớ là ngay hồi 3, 4 tuổi gì đó, thay vì ra ngoài chơi với những đứa con nít khác, tôi chỉ thích ngồi một mình trong nhà nhìn nắng nhảy nhảy trên những đụn cát trắng trước nhà, hay nhìn mưa rơi chảy thành giòng từ mái nhà xuống trước hiên nhà, trông như bức mành mành kết bằng những sợi thuỷ tinh lỏng, hoặc thích ngồi trên nền nhà cát lấy tay gở những vết mụt ghẻ lớn như đồng tiền đã đóng vảy cho chảy máu, rồi bốc cát biển (nhà tôi gần biển) thả thành giòng lên những vết thương, một mình nhìn vết thương thấm cát và thấy tâm hồn an ổn. Sau này lớn lên, có gia đình, bị tâm thương nhiều lần, dưới nhiều hình thức, tôi lại dùng những trang sách tôi đọc trong phòng riêng: sách kinh thánh, thánh hiền cũng có, sách đạo tặc, tà dâm cũng có, tất cả như những giòng cát thuở ấu thơ vỗ về vết thương lòng tôi. Chúng là bạn tôi, chứ không phải cái giống loài người sát tôi, quanh tôi. 

Chúng tôi qua bên này, nhà ai nấy ở, gia đình ai nấy lo, chẳng mấy khi gặp nhau, có kẻ, có đứa cả mấy chục năm không muốn gặp tôi, ví dụ, những đứa cháu mà tôi đã liều mạng đưa đi vượt biên, tranh từng ngụm nước, cục cơm, đưa thân che chắn mưa gió cho cháu, cả khi chúng cưới hỏi, chúng cũng không thèm mời tôi. Thiệt là chuyện quái đản. Nhưng bây giờ tôi không thấy gì là quái đản nữa; tôi nhận ra rằng tôi có cái vía làm người ta tránh xa. Lúc này tôi cảm ơn Ông Trời đã khoác cho tôi cái vía ấy. Mất thời gian với người mà làm gì! vì loài người là cái giống ác độc, giả hình giả chước, là địa ngục cho người khác, như cái ông Tây nào đó phán, phán thiệt đúng.

Khi tôi viết những giòng hiện sinh này nửa đêm, một mình, thì bỗng có tiếng của Bắc, thằng em trai, mấy năm nay chưa gặp, chưa điện thoại một lần, gọi. Nó cười hề hề, cái hề hề của một gã đàn ông đã và đang thoả mãn, đã và đang vui thú, và cần phải chia sẻ với ai đó để cho sướng thêm. Nó hỏi tôi đang làm gì. Tôi nói tôi đang viết văn để kịp đóng góp cho số báo xuân. Nó bảo: ”Văn anh viết chán phèo, thiếu kinh nghiệm sống, toàn trách người hận đời làm gì cho mệt không biết!”, và nó bảo nó đang nghỉ Tết Tây ở Phukhet, Thái Lan, và bảo tôi dẹp hết, mua vé máy bay xuống đây mà hưởng lạc thú trên đời: biển xanh, nắng ấm và những thân hình man dại, và biết đâu tìm được thi hứng, văn hứng mới (chữ của nó, ít gì nó cũng đọc chút ít sách của tôi trước khi biến chúng thành giấy vệ sinh). Trên đó giờ lạnh bỏ mẹ, lại còn tối tăm, và mấy mụ vợ đã nhăn nheo, teo, xệ mà còn chua ngoa. Fuck them all!

Mẹ, cái thằng sao nói như thể đang cầm đèn pin cực sáng chui vào và rọi từng ngõ ngách, xó xỉnh cái óc rối beng, sùng sục của tôi! Sẵn làm phụ trội dịp Giáng Sinh được hơn chục ngàn, tôi mua vé bay xuống Phukhet Beach ngay ngày hôm sau.

Sau hai tuần Phuket Beach ấy, tôi phải công nhận cha tôi nói đúng: ”Cậu Bắc là tổ phụ của tụi bây, như tổ phụ Abraham, đã đưa tụi bây qua miền đất hứa.” Bây giờ thằng Bắc còn là tổ phụ Abraham của tôi vì đã thực sự dẫn tôi vào ”miền đất hứa chảy sữa và mật ong”. Vậy mà bấy lâu nay tôi có hơi phật lòng khi cha tôi trong bữa tiệc năm ấy không nêu tôi vào danh sách các đấng tổ phụ của gia tộc hiện tại của chúng tôi.

Tổ phụ Bắc là người đầu tiên tôi gởi lời chúc Tết Kỷ Hợi năm nay.

Oslo, Tết Kỷ Hợi, 2019
Nguyễn Văn Thà

* Bible de Jérusalem: là cuốn Kinh Thánh, được dịch và chú giải, dưới sự chủ trì của Viện Kinh Thánh và Khảo cổ Pháp ở Jerusalem (Do Thái),(l'École biblique et archéologique française de Jérusalem), một viện giảng dạy và nghiên cứu siêu đẳng dưới sự điều hành của dòng Đa Minh. Bản Kinh Thánh này, tới nay vẫn chưa có bản nào qua mặt được. 

*Le livre de poche:Sách bỏ túi.

*L’Anglais sans peine: Tiếng Anh không khó: Một cuốn sách dạy tiếng Anh bằng tiếng Pháp.

*calorie:nhiệt lượng.

*Thánh Thể: Mình Thánh Chúa Giêsu: Tấm bánh tròn, mỏng, làm bằng bột mì mà khi được linh mục truyền phép trong thánh lễ như Chúa Giêsu dặn dò trước khi chịu tử nạn, thì Chúa Giêsu sẽ ngự xuống trong đó. Ngoài chuyện các giáo dân rước Thánh Thể vào lòng, Thánh Thể ấy còn được đặt trong Nhà Tạm có hình cái hộp nhỏ, hay mẫu nhà nhỏ nơi cung thánh, tức là Chúa Giêsu luôn luôn ở với con người - Người Công giáo tin thế - Người Công giáo đạo đức viếng Thánh Thể là vì vậy.

*Phuket Beach: Bờ biển Phuket.