Thời mới lớn, đồng nghĩa với giai đoạn biết có cái gì khác lạ ở con gái,
khiến mình ưa nhìn, ưa vẩn vơ suy nghĩ nặng phần mơ mộng. Một thời kỳ đẹp rực
rỡ như vậy, nhưng tôi ôm nặng mặc cảm về sự èo uột của mạng sống mình. Tôi sớm
có cảm tưởng sẽ chết yểu, chết bất đắc kỳ tử. Chính vì thế, khi lòng dạ nhập
chung với thơ, tên gọi các thi phẩm của mình mang đậm sự bi quan này. Một Về
Trời chưa đủ, phải thêm Trôi Sông, thậm chí tô đậm rõ nét hơn với Chết Trong Lòng
Người vào các năm tiếp sau lênh đênh trên dòng tình si đầu đời…
Nói đến Trôi Sông, hình như nhiều người liên tưởng đến Lạc Chợ – trôi sông
lạc chợ – Câu chữ dính liền trong dân gian, để nói lên một kiếp sống nổi trôi
không ra gì. Thế nhưng cái “thứ trôi sông lạc chợ” ở đây lấp lánh cái gì rất ư
màu mè thi ca. Và tôi hình như đã có chút vịn vào hình ảnh này.
Sẽ thật bất ngờ, nếu bạn đến với Trôi Sông. Bởi bạn chẳng gặp những suy tư non
nớt về cuộc sống, trái lại bạn sẽ đụng đầu với nguồn tình phơi phới. Một trái
tim tập yêu, nhưng chưa tập thất tình. Cái gọi là “suy tư cuộc chiến” chỉ mờ
nhạt, thấp thoáng trong này. Đây là tập thơ tình, trai chưa trên gái chưa dưới,
rất đúng là chân chất tinh khiết. Tóm lại một tập thơ có khá nhiều bài, tôi
cưng và nâng niu rất mực trân trọng.
Nội dung khởi từ Đẩy Đưa Mấy Lời, có công dụng thay lời mở, chặt chẽ vần vè
lục bát, nhưng tôi phân thân từng cặp 6/8 theo phong trào thời bấy giờ:
“người từ tám hướng
đi ngang
bốn phương
sẵn dịp lang thang chốn này
mời
nghiêng chân, nhướng lông mày
mũ khăn vẫn đội
guốc giày vẫn mang
bước vào…
từng bước thanh nhàn
chẳng cần nhón gót khẽ khàng hồ nghi
từng đường hoa dưới chân đi
không mìn bẫy
chẳng có gì
ngoài ra:
một vườn chim đứng dâng hoa
một nguồn nước nhú dòng ra sữa vàng
và tôi
(có thể mơ màng)
là thân sinh của sữa vàng, chim, hoa…
lượm tôi lên
ngắn qua loa
giữ tâm bình lặng
thế là
cảm ơn
sợi tơ vừa lót trong lòng
sợi tình được thở vài năm
cũng là
tôi tan vào được bao la
(trang 5 & 6)
Để dẫn ngay đến hình ảnh Nhập Thế, đại khái như;
“hành trang vài bộ áo quần
một xấp giấy trắng lừng khừng vai mang
con đường bụi nắng chang chang
vuốt mồ hôi bước hoang mang theo đời…”
Tôi đi đâu ở những bước đầu ?
Sinh gần cùng thời với thế chiến thứ hai. Theo gia đình, tôi có cuộc hành
trình đầu tiên, đã có tên gọi “Trên Chặng Đường Tản Cư”, cô đọng những diễn
tiến:
“… nằm ngửa giữa khoang ghe
lắng nghe mái dầm tre
chao nghiêng vào sóng nước
trôi lựng chựng e dè
…
tôi ngồi trong thúng tre
nắm quai gióng lắng nghe
tiếng cú cầm chừng nhắc
– coi chừng con ma le
…
tôi ngồi mở nút phơi
lỗ rún không được lồi
đọng bao nhiêu là đất
mằn ra vài cục chơi
… ”
Bài thơ chia ba phần gồm 19 khổ, đều là những nhận xét trẻ con nhưng gom lại
những hình ảnh có thực, đủ để tôi kết bài:
“mỗi ngày mỗi thặng dư
chân tình ở trong tôi
hẳn nhiên nhờ có được
trên chặng đời tản cư”
(trang 12).
Tiếp liền với bài này là bài “Tiên Phước, 1946”. Theo chủ quan, đây là bài
thơ chủ đề quê hương, tôi viết ấm tay nhất, bao nhiêu năm tôi chưa có bài nào
mình yêu thích hơn bài này. Tiên Phước là nơi tuổi lên 5 của tôi kéo dài đến
lên 8. Đây vùng đất thay đổi cả âm giọng của tôi, nặng trịch đến bây giờ. Bài
khá dài, nhưng tôi trích trọn như thêm một lần nữa cảm ơn con người và cỏ lá
của một miền rừng núi, đã thu hút và ảnh hưởng thật lớn với riêng tôi.
“bốn hướng mù mù mây giáp đất
thọc tay xuyên thủng, xé không ra
ngùn ngụt khí hàn trồi mặt đất
máu tưởng chừng như đọng dưới da
rừng dạy cây vươn cành tự tại
chen vai dựa bóng thở vào nhau
nghìn năm chuyển bước không dợn nét
âm thuần, dương chuẩn tận ngàn sau
hương núi lừng lừng nuôi hổ sói
đá chồng đá dưỡng dế giun sinh
mạch suối man man dòng nhạc tấu
chim gọi tình nhau âm tái sinh
Tiên Phước đội trời nghênh ngang đứng
tôi chào ra mắt thuở lên năm
lòng như vạt đất mời cây mọc
xin gọi lại một lần, thay viếng thăm:
cây quế, cây tiêu, cây đủng đỉnh
cây ưi, cây ráy, cây dầu lai
cây mây, cây sơn, cây lật mất
rau sưng, rau má, cải tàu bay….
còn bao tên gọi không kịp nhớ
vẫn trổ hoa trên gót chân ngày
lòng như nhánh đậu cho chim hót
thả giọng lại xem những cánh bay
bìm bịp, cú mèo, vàng anh, khướu
họa mi, chất quạch, sáo, bù chao…
những tiếng hót vàng chưa tên gọi
đang thổi âm thanh đến cõi nào ?
lòng như ổ ấm trùm muôn thú
mái gầm, bò cạp, vắt, đĩa, mang…
hiền lành, hung dữ đề huề sống
ngôn ngữ riêng : chung một diễn đàn
lòng như thảm bạch mời ông lão
búi tóc tròn vo một củ hành
hai ngón cái chân còn quay lại
tìm nhau trong bước ngại đi nhanh
Tiên Phước ôm tôi năm bốn sáu
xưởng chè rộng bỏ gió tan hoang
úp lưng trong mái đình Tiên Hội
tôi vẽ i tờ xuống mấy trang
củi lượm mấy que dồn cho chị
chà là mấy nhánh bẻ cầm tay
trái sim mập ú như bụng nhộng
vui miệng lai rai cắn cả ngày
đi xuống đi lên đồi tiếp núi
con đường dủ dẻ gọi bâng quơ
sông Tứ Hoà xanh lòng đá lát
ba năm nằm chưa nổi bao giờ
Tiên Phước buồn ơi, tôi đã bỏ
con cá lia thia, con rạm đồng
con gà tự túc lông chưa đủ
sấm chớp ào ào chiều mưa dông
tôi đã đi rồi, tôi xuống núi
một lần ghé lại cũng đành không
bom có dội nhằm vào bụi duối
lòi con rắn mối thuở tôi chôn ?
(trang 11-16)
Tiên Châu, Tiên Hội, Tiên Phước không chỉ thở cùng tôi chừng ấy. Mà còn sản
sinh: Cùng Đá Tiên Châu, Một Ngày Ở Núi. Cái Thời Lên Tám Ưa Quên, Nhắc Tôi Một
Chút Mẹ Hiền, Người Bạn Ngoài Bụi Cây, Những Góc Rừng Khó Quên, Những Buổi Trưa
Xanh Ở Tiên Châu, Tiên Châu Chiều Cuối Năm… là những viên ngọc của hồi ký thơ.
Đẹp với riêng tôi và hy vọng cũng tương đối xinh với những ai đồng cảm.
Muốn nhưng tôi chưa tự viết phê bình cho thi phẩm của mình. Tôi chỉ nêu
những điểm kỷ niệm rất cần có trong hồi tưởng lúc tuổi xế chiều. Trong cuộc
sống, chúng ta được khuyến cáo không nên nhớ về quá khứ, hoa hòe hơn như ai đó
đã từng dùng “ăn mày dĩ vãng”, nhưng tôi gần như thực hành ngược lại. Sắp 78
năm với cuộc đời, thiếu hụt chân bước từ năm tuổi 28, tôi vẫn chưa chống gậy.
Đúng ra tôi đang đi tiếp đoạn đời còn lại bằng cây gậy hoài niệm.
Tôi vẫn quanh quẩn viết về cái tôi, không dám lơ mơ cái khác vì hiểu rõ khả
năng của mình. Làm thơ (kiểu trời ơi của tôi) là việc dễ nhất. Nó chẳng mấy
tiến bộ, bạn chỉ cần đọc thử đôi bài lục bát, sẽ thấy cách viết bừa bãi, không
cần phân xác câu chữ của tiền nhân, tôi gắng giữ từ ngày đầu chơi thơ đến bây
giờ, dù thỉnh thoảng cũng làm dáng. Mọi cái mới giống nhau thành cái cũ.
Ở Trôi Sông:
“câu thơ lục bát mọc chân
từ ca dao nó đi lần sang tôi
khi mô nó sẽ qua đời ?
chắc sống vĩnh viễn với trời đất thôi
mai sau khi tôi chết rồi
xin lấy nó đắp mặt tôi sau cùng”
(trang 104)
Và thử viết ngay ít câu bây giờ, không đợi hứng:
“làm thơ nịnh gái cả đời
khen mi tán mắt tụng môi ca cằm
hết khuôn mặt đến tay chân
từ cái mắt cá khen dần dần lên
hông thon ngực dựng chênh vênh
phần nào mô tả cũng trên điểm mười
chừng nấy chữ xào tới lui
rõ chưa mòn được những lời khoa ngôn
để hù thiên hạ hết hồn
vẽ luôn chân tướng lũng cồn em xinh
cội nguồn của cái huê tình
không gọi tên tục mất linh thơ liền
yêu em mà chẳng biết ghiền…
thì yêu mới nửa cái duyên làm người…”
(lúc này là 8giờ 40 phút sáng thứ bảy, 22-12-2018)
Cái ba-nhe trong lục bát tôi cở này có từ thời “anh ngu như thể con bò | lên
yên xe đạp lò cò theo em…” lận. Gần đây thấy đã hơi chán, nên tôi bình dân hóa
trong thi phẩm đang viết Bồ Đề Nở Nụ Sen Hoa. Học lại cái tinh hoa cổ.
Tán dốc về thơ dễ lạc đề, xin trở lại với Trôi Sông,
Tập thơ đếm được 55 bài dàn đầy 118 trang, kể cả phụ bản in màu của Thái
Tuấn, Rừng, Nguyên Khai, Vũ Thái Hòa, Khánh Trường, Trịnh Cung. Đây là bản in
lại năm 2001, với bìa tranh Nguyên Khai do nhà thơ Song Vinh trình bày.
(Nhìn từ bià in, các chữ trên bìa nổi lên như kỹ thuật ba bốn chiều gì đó,
nhưng scan, chụp lại thì ảnh mất vẻ đẹp này). Tập thơ do em tôi, Lê Hân chăm
sót ấn loát.
Yêu chưa nhiều thất tình chẳng bao nhiêu, nhưng Trôi Sông vẫn rất là thơ mê
gái, thơ tán gái. Vài bạn thơ đã tâm đắc hùn sức tán thêm. Công kỹ nhất là nhà
thơ Nguyễn Đông Giang, Anh công bố hẳn những nét riêng từng nhân vật hiện diện
trong bài Qua Ngõ Mỹ Nhân, (in ở trang 52 đến trang 58). Bài này giới thiệu
ngoài mười một người đẹp một thời của Đà Nẵng, mỗi người mười câu trong 11
đọan. Không có giờ viết thành trường ca, nên số người đẹp còn lại, tôi nhốt hết
vào đoạn 12 bằng cách gọi quí danh: Quý Phẩm, Thạch Trúc, Ỷ Vân, Bích Hà, Xuân,
Đông, Hồng, Phú, Phước, Nga. Những bạn từng sống ở thành phố này hẳn không xa
lạ với những tên gọi gợi lên sự nhớ nhung dù rất vu vơ..
Đã lỡ ưu ái cho 11 người đẹp tôi từng lẩn thẩn qua ngõ, nên nay không thể
không trích đoạn mỗi người hai câu mời các bạn đọc cho biết:
“…lòng tôi phiêu lãng mười phương
bỗng về ở trọ trên trường túc hoa” (Minh Xuân)
“… trầm hương từ cõi thịt da
trải xanh ngọn gió ngấm ra sông Hàn…” (Như Thoa)
“… cho tình thức cũng chiêm bao
cho tình ngủ cũng nhả thơ nhớ đời…” (Trân Châu)
“…trông qua cổng thấy em cười
Chúa tha tôi tội yêu người sau lưng” (Lâm An)
” lò dò qua ngõ Bích Quân
giú bàn tay ở túi quần, đăm chiêu…” (Bích Quân)
“… gáy ngà đỡ mái tóc cao
rõ ràng có hạt bụi thao thức nằm…” (Thu Hà)
“… nắng không vào lọt chỗ nằm
hạt thơ đâu dễ bén mầm bên hoa…” (Quỳnh Chi)
“… ai cho phép một con ruồi
yêu người hóa điểm son tươi bên cằm… (Thúy Oanh)
“… bâng khuâng qua ngõ Ái Cầm
chợ Cây Me ngó, thì thầm trên vai…” (Ái Cầm)
(bài này đúng nghĩa viết lách, khó bởi phải né bạn tôi).
“…nhạc luồn theo những ngón tay
xoay lưng ong những vòng quay vật vờ…” (Diệu Minh)
(hồi này nhà thơ Nguyễn Bá Trạc chưa xuất hiện)
“… giá bứng được cánh môi tươi
lấy thơ lấp lại cho đời khỏi ghen…” (Phước Ninh)
Qua những tán tụng này cho thấy tôi dẻo miệng, nhưng cũng nói lên tình
thiệt, tôi không dám mê ai, nên may cũng chưa yêu ai đến độ thất tình. Cái dỡ
của tôi ở điểm này. Tôi luôn lượng sức, biết mình biết ta, và toan tính tránh
cho mình những bầm dập. Tôi khoái nhìn mỹ nhân, nhưng thường thuởng ngoạn như
họa phẩm, trân trọng nhưng hơi kém chân tình. Nguyên nhân cũng dễ hiểu thiếu
tiếp xúc, gần gũi.
Trong Trôi Sông cũng không thiếu nét riêng cá nhân tôi trong giai đoạn “báo
động ở Thanh Bồ | máu chảy ở Đức Lợi…”. Rất đậm hình ảnh ” ngồi ‘suy tư cuộc
chiến’ | bên cốc cà phê đen | dòm phớt tờ nhật báo | ngó trời, không nói năng…”
hoặc về nghề kiếm đủ cà phê thuốc lá ” những ngày tôi trốn lính | làm
précepteur | gặp em đâm lính quính | cô học trò bé thơ… bài toán tôi lơ giảng |
bài thème tôi quên xem | lo khoe vài tờ báo | có người đề tặng em…”
Nội dung toàn tập ít nhiều cũng dễ thương, Đã có vỏn vẹn hai câu thay lời
vào tập:
“thả lòng theo gió trôi sông
nở thơm đôi ngọn phù vân bên đời – LH”
nên kết tập, cũng là lục bát như vầy:
“hăm lăm năm sống tà tà
hăm lăm năm sống xuề xòa hồn nhiên
sáu mươi năm nữa, đương nhiên
vẫn thanh đạm một cõi riêng đời mình
làm thơ, dạo phố, làm tình
làm ông vua của những tình nhân ta
làm con của quả đất già
làm cha của đám lá hoa xanh vườn
cuộc đời sẽ rất dễ thuơng
nếu em chung chiếu chung giường với ta
làm thơ để khỏi chóng già
câu thơ bất tận chính là trái tim
bây giờ xin tạm ngồi im”
(trang 115)
Cho thanh xuân này trôi sông kể cũng tội. Nhưng con đã đặt tên trước nên
đành vậy.
Thi phẩm này bị hẩm hiu ví nó ra đời hạn chế dưới dạng ronéo. Và các bạn
biết không, tôi đã thực hiện 10 bản đặc biệt viết tay trên giấy pelure. Trò này
tôi học từ bạn tôi, Nguyễn Nho Sa Mạc. Một tờ giấy để ngang được gấp đôi có thể
viết như hai mặt, theo cách đóng hai mép tờ giấy sẽ nằm phía gáy sách.
Nguyễn Nho Sa Mạc thường viết bằng mực tím, chữ anh rất giống chữ con gái,
mềm mại thiệt thà. Tôi, trái lại viết không gò bó cũng không cố tạo nét bay
bướm. Chữ tôi tự nhiên có hoa tay theo nhận xét của nhiều bạn, đẹp hơn chữ Huy
Giang nhưng kém hơn chữ Phan Duy Nhân, hai bạn trong thời này của tôi.
Tào lao thiên địa cũng để khen mình thêm một phát, đời còn vui mà. Chả xin
lỗi ai làm gì.
Luân Hoán
ngưng viết lúc 10 giờ 09, ngày 22-12-2018.
(trích Chơi Thơ, sẽ in)