1.
Người con gái ấy tuy thấp bé hơn tôi, tuy cao không bằng tôi, tuy trông ngác
ngơ vụng dại hơn, tôi vẫn gọi Mộc bằng chị, đơn giản vì tôi biết chị Mộc lớn
hơn tôi hai tuổi. Sách vở nhà trường vẫn dạy tôi món công dân giáo dục, về bài
vỡ lòng là khi người ta lớn tuổi hơn mình, nên tôn ti trật tự khiêm cung nhún
nhường gọi người ấy bằng chị, cho dù thân phận chị có thấp hèn đến mức nào đi
chăng nữa.
Tôi lớn lên ở thành phố, chưa một lần đi xe đò ngược ra hướng bắc, chưa từng
qua sông bằng con đò nhỏ luôn có nước đọng vũng giữa lòng, chòng chành mất nửa
ngày mới về thấu làng bên nội. Ngôi làng mà ba tôi từ bỏ để đi xa lập nghiệp,
tự hồi nào tới giờ vẫn là vùng xôi đậu, tuyệt không biết tới chữ an ninh, đêm
ngày vẫn cắc bụp tiếng súng. Ở đó, gia đình chị Mộc đã tìm cách tỉa mỏng người,
cố rời xa vùng khói lửa bằng đủ cách và như vậy chị Mộc từ ngoài làng đã vào
trú thân trong nhà tôi với chức phận “người giúp việc”. Hợp đồng được thoả
thuận ngầm: Bao ăn bao ở, một năm may cho hai bộ áo quần cọng thêm mấy ngàn
bạc, đôi bông tai sợi giây chuyền cái nhẫn hai chỉ; ngược lại chị Mộc sẽ phải
thức khuya dậy sớm chu toàn việc giặt giũ quét nhà gánh nước đi chợ nấu ăn rửa
chén. Thời gian không định trước, hoặc thấy quá mỏi mệt “hồi nào ngoài làng ngó
yên yên thì liệu về mà lo vun quén kiếm một ông chồng cho yên bề gia thất”.
Yên yên là chữ quá trừu tượng, ngay cả ở thành phố thỉnh thoảng cũng bị “ăn”
đôi ba quả hoả tiễn rót về vô tội vạ gây hoang mang huống chi ngoài chỗ đồng
không mông quạnh mãi gồng mình hứng chịu sự oanh kích tự do. Chẳng yên yên nên
chị Mộc đành ở lại lâu lâu. Lâu tới độ tôi không biết rõ đã mấy năm, chỉ biết
là thời gian khiến chị giờ này có da có thịt hơn hồi đó. Mẹ tôi dắt chị đi chợ,
đích thân lựa mua cho chị một cái nịt vú. Tôi tưởng tượng ra lời mẹ tôi: Mi là
thiếu nữ rồi đó, tối ngủ đừng dang tay dạng chân, giữ ý giữ tứ, khi nào tình
hình yên yên tao bày gương lược phấn son ra chỉ cách săm soi làm tốt mặt mày
chải tóc chải tai. Con gái không nói làm chi, chớ thành thiếu nữ rồi thì nên
biết chút điệu đàng làm vốn. Nhưng mà cái chi cũng rứa cả, vừa phải thôi chứ
không được làm tới, vượt rào cản cho phép. Phải biết thân biết phận, liệu cơm
mà gắp mắm.
Tuy “nàng là phận gái ta là phận trai” nhưng do tuổi tác chẳng mấy chênh
lệch, chị Mộc gần gũi thân cận với tôi, ngay cả khi lần đầu được mặc xú-chiên
chị cũng nói chùng nói vụng rằng nó làm sao ấy, chưa quen, thấy không thoải mái
lắm. Chị tả cảnh ngoài làng cho tôi nghe, chút nhớ thương ẩn nấp trong cách
thuật chuyện và tôi hình dung được một cảnh quang đẹp vừa hiện tới dù người
thuyết trình chẳng có khiếu ăn nói. Tôi đâm có tình cảm với chị, nghĩ là công
việc phải cáng đáng giờ này của chị quá sức nhọc mệt, chứ nếu ngoài đó yên yên
hẳn chị đã cắp sách đến trường giống như tôi và theo số tuổi sẽ học hơn tôi đến
hai lớp.
Mùa thi, tôi thức khuya học bài, không thấy buồn ngủ vì chị Mộc vẫn còn loay
hoay việc vàng gì đó dưới bếp. Hoá ra mẹ tôi biểu chị chịu khó nấu cho “hắn” tô
cháo ăn cho có sức, có đêm đổi món từ mặn qua ngọt. Mặt chi Mộc đỏ, củi lửa làm
lọn tóc mai bện lại với mồ hôi, chị bưng chén chè hạt sen nấu với đường phèn
lên: Ăn thử có vừa miệng không? Đang gạo bài à? Sách vở có giải thích rõ ràng
vì sao lại gái hơn hai trai hơn một? Thấy tôi ngồi đực mặt, chị Mộc quay lưng:
Khuya rồi, tui đi tắm cái đã.
Sau bếp có vuông xi-măng dựng ngăn đơn sơ một tấm tôn dùng che đậy, bảo vệ
cho người vào làm vệ sinh rửa ráy tắm táp. Tiếng nước dội xuống từ cái ca nhựa
phát ra giai điệu nghe lâm ly hơn mưa rơi ngoài trời. Mùa hè thường vắng mưa,
chỉ nghe âm thanh từng gáo nước đổ xuôi theo mình mẩy đứng khuất dưới kia cũng
thấy mát mẻ phần nào. Mát mẻ đi kèm với tò mò. Tò mò xúi giục mạo hiểm. Mạo
hiểm đánh động trí khôn. Trí khôn bày đường cho đôi chân lăng ba vi bộ cách sao
cho thật êm thắm. Nói tội trời, nếu có thi môn đạo đức học e rằng tôi sẽ bị
đánh rớt, tôi sẽ trượt vỏ chuối. Nhưng tình ngay tôi cũng trúng được lô an ủi,
rằng chính sự lơ đãng của chị Mộc đã giúp tôi “sáng mắt”.
Theo như hàng chữ in trong sách từng cất công biên soạn: “Cơ thể con người
chia làm ba phần: Đầu, mình và tứ chi”. Thiệt là thiếu sót quá lắm, bởi mình
chị Mộc quả khác xa mình tôi bội phần. Ngực khác, bụng khác, khác tới tận cùng
chỗ chia hai đôi chân (nhị chi). Tụng bài vở thì hai con mắt chực ríu lại đòi
thiếp ngủ, nhưng chùng lén ngó chị Mộc đứng tắm… Tôi nói sáng mắt là vì vậy,
ngủ ngáy chi được giờ này, còn sớm mà, cứ thoải mái kỳ cọ cho lâu lâu nghe chị
Mộc. Coi kìa, bọt xà phòng cô Ba còn bám nơi nhúm tóc, nơi đầu vú. Vú đẹp thế
kia cớ sao lại đi chèn ép nó, gò bó trong cái vật cà chớn kêu bằng xú-chiên,
hấp, xào, luộc chín… quá sức bậy bạ.
Nhờ thức khuya học bài, tôi biết được giờ giấc sinh hoạt cuối ngày của chị
Mộc. Khi thì ngồi bày kim chỉ để may vá chiếc quần bị sút chỉ, khi thì nắn nót
chậm rãi viết thư về làng kể lại những ngày tha hương sau khi xin tôi giấy bút
và nhờ tôi dò lại, sửa lỗi chính tả. Chị viết thật thà như đang tẳn mẳn trò
chuyện, như đang nói. Và thỉnh thoảng lập lại câu: “Con không biết ngoài mình
đã yên chưa. Cầu trời…”.
Trời ở xa, trời không nghe. “Ngoài mình” mang tiếng súng đi dần vào thành
phố. Mọi người hốt hoảng bỏ chạy, mọi người tập bay để mong gặp đất lành chim
đậu. Quýnh quáng sao đó, từ xe đò vô thấu Sài-gòn nhìn lui ngó lại thấy thiếu
mặt chị Mộc. Tôi nhớ lại sáng đó, thấy chị nhét cái nịt vú trong túi vải: Đang
búi xờm xờm, mặc thứ ni vô thêm tức ngực khó thở. Không biết bây chừ ba mạ tui
ra răng? Ngực chị rung động sồi trụt sau làn vải mỏng. Và tôi đã lập lại lời
chị: Không biết bây chừ Mộc của tui ra răng?
2.
Tôi dành dụm được một số tiền sau nhiều năm cày bừa trên cánh đồng mới. Ba mẹ
tôi mất đã tám năm, mất trong đói kém và chẳng còn ai thân thuộc bên mình.
Thiên tai bão lụt cũng như đề án thu hoạch đất đai bên đó làm tôi lo ngại đến
sự an nguy của mộ phần song thân. Tôi có lý do chính đáng để đi Việt Nam, nơi
mà khi leo lên ghe trốn chui ra biển lớn tôi đã quay đầu thốt lên hai chữ vĩnh
biệt. Đâu còn gì mà mong ngày trở lại hở em?
Tôi đứng trước căn nhà cũ, nhìn không ra vì giờ này họ đập phá, nới rộng,
nâng cấp để biến thành một cơ quan gì đấy treo đầy băng-rôn biểu ngữ cờ quạt
toàn sắc đỏ. Có một cậu thanh niên bảo vệ từ trong chòi canh ra xua đuổi tôi
đi, làm như tôi là thành viên trong tổ chức có mưu toan cài bom, khủng bố. Tôi
bắt xe ôm đi dọ hỏi mất ngày trời mới tìm ra hai nấm mộ xiêu vẹo quá đỗi tang
thương. Với tám trăm đô la, người ta hứa sẽ chỉnh trang, đắp xi-măng dựng bia
trông sao cho “hoành tráng”. Tôi rất chán ngán, làm ơn đừng nói hoành tráng, có
được không? Chuyện nhỏ. Người ấy nhún vai. Lạ, Việt kiều mà lại chẳng ưa hoành
tráng! Trao một nửa cho chúng tôi mua vật liệu, khoảng tuần sau thì hoàn thành
mọi công đoạn, chỉnh chu đâu ra đó. An tâm đi nhớ, sẽ có người lo sắm sửa nhang
đèn vàng bạc các thứ linh tinh, bảy ngày sau, đúng hẹn, khi ấy bác hẳn trao nửa
số tiền còn lại.
Cái ông đen đúa đứng ra lo việc lớn tuổi cỡ chú tôi, vậy mà luôn mồm kêu tôi
bằng bác, xã giao kiểu gì ngó gay cấn thật. Bác thích sắm gì cho người khuất
mặt nào? Xe hơi BMW đời mới hay đốt xuống hai cái di động iPhone 10? Người ở
cõi âm giờ nầy rất chảnh. (Bác) giả bộ la to: Đã bảo đừng hoành tráng cơ mà,
thiết thực hơn cả là nhờ quý vị liệu làm giúp cho một mâm cơm. (Cháu) hô:
Chuyện nhỏ, ở đây bác là thượng đế, muốn sai bảo gì thì cứ mạnh miệng để mai
sau khỏi hối tiếc.
Không biết cách tiêu hoang thời gian. Bảy ngày thì quá dài, phố thị giờ này
lại quá xô bồ hỗn tạp, ngồi uống cà phê ngay góc đường lắm bụi nhấm nháp bột
Trung Nguyên pha tạp nồng mùi, tôi quyết định thử tìm về thăm làng nội một lần
cho biết rường cột cội nguồn. May mà họ chưa thay tên làng, hỏi thăm liền có
người bày đường chỉ lối. Bị chặt chém hay không, tôi chẳng lấy đó làm điều vì
qua sông thì phải luỵ đò, mấy thuở một lần, nên xí xoá. Dễ thông cảm, khác với
trường hợp là người ta bị chém mà mình lại chảy máu, con tim mình già cỗi dần
vì hết còn xúc động, chẳng thấy ra cảnh đáng yêu, thoi thóp cho đến khi gặp
phải lãnh cảm.
Làng quê vốn chôn trong dự tưởng của tôi là một thứ gì thật êm ả, lắm sắc
xanh, nhiều bóng mát. Đình làng, cây đa, bờ đê, dáng trâu bò, đồng ruộng tuyệt
không hiện diện ở đây. Nó là một thị trấn dựng đặt thật nhiều hình khối bê tông
cốt tre kích thước chẳng mấy rộng, chỉ vậy thôi. Người ta muốn làm cách mạng
tất thảy, thích cái vẻ hào nhoáng diêm dúa bên ngoài, ưa hiện đại hoá mặc dầu
người ta chưa thể chế tạo ra một cây đinh sắt. Vậy thì bọn đinh tặc mua đinh từ
đâu mà rải xuống đường lắm thế? Đinh Trung quốc hay đinh Thái Lan hay đinh xứ
Hàn? Nghề vá lốp xe cuối đường so ra cũng chịu khó tốn kém nhỉ? Ông hành nghề
xe ôm mặc sức thoá mạ trên lộ trình ngắn, ông vất tôi xuống trước một nhà nghỉ
rồi gọi tôi bằng cậu: Xứ cậu ở có nuôi sống một bọn người chuyên đi làm thủng
ruột xe của bà con không? Tôi nói không, làng quê bên ấy êm đềm lắm cơ, thơ
mộng lắm kìa. Máy xe vẫn nổ, tiền trao cháo múc đã lâu, vậy mà ổng vưỡn mặn
việc láng cháng, dùng dằng quyến luyến chẳng nỡ chia tay: Cậu thích vui vẻ thì
nhớ nói, trời tối tôi thồ tới cho cậu một con bò lạc, ngon cơm nhưng giá bèo.
Tôi nhăn răng cười, lắc đầu quầy quậy, nuốt xuống bụng câu nói: Cậu đây chưa
thấy hứng thú, xéo đi cha nội.
Nhà nghỉ mang tên Hoa Mộc Lan, cách bài trí vẫn chưa thoát ra khỏi luỹ tre
làng, hoa hoè hoa sói đậm chất phèn chua nước lợ. Tôi vào, dựa người vào quầy
tiếp tân làm thủ tục nhận phòng, chỉ một đêm thôi. Anh thanh niên ngước mắt lên
khỏi màn ảnh chiếc máy vi tính: Mấy người ạ? Một. Nom bác như người ở phương xa
về, bác có cần hướng dẫn viên dắt đi tham quan những khu vực nổi tiếng ở địa
phương không ạ? Họ vừa tu sửa và khánh thành căn hầm nơi từng diễn ra trận giao
tranh ác liệt, cấp số ta chỉ một tiểu đội nhưng đã đánh thắng cả tiểu đoàn giặc
Mỹ xâm lược… Môn bài nhà nghỉ là Hoa Mộc Lan, vậy gần đây có cánh rừng trồng
nhiều kỳ hoa dị thảo không? Ai là người sẽ dắt tôi vào vạch lá tìm sâu? Bác lại
khéo đùa.
Tôi lên phòng, nằm ở lầu một. Dường như đã lâu chẳng có ai nhỡ lạc đường vào
ngã cái lưng hòng tìm lại sức, mùi gì lưu trú ở mọi góc kẹt dồn tới khi cửa
phòng được mở. Mùi cá kho bị khét, mùi mực nướng, hay mùi nước mắm? Không biết,
choáng váng nồng, kiểu đặc thù bản sắc dân tộc. Tiếng là làng quê nhưng nó đã
vĩnh biệt mùi lúa mạ reo trong gió, mùi đất nồng vừa cày xới. Tôi hơi bị tưởng
tượng, cứ ngầy ngật với bao ảo tưởng. Tôi mở toang cánh cửa sổ, đứng nhìn chân
mây màu tím đang chìm trôi trong bóng hoàng hôn rút về mảng đen của Trường Sơn
chụp vội. Vất ba-lô xuống giường, tìm một bộ áo quần sạch và tôi cần đứng tỉnh
người dưới vòi nước lạnh, càng lạnh càng tốt.
Nước chảy yếu, lấy lệ, kiểu vòi kia chưa hỏng hóc có chảy nước. Tôi trì chí
đứng tắm, lảm nhảm câu: Đi một ngày đàng học ba sàng dại. Bước ra, lau mình lau
mẩy lại lầm bầm: Ai nên khôn mà chả dại một đôi lần. Tự gẫm, tại sao lại “dù
trong dù đục ao nhà vẫn hơn”? Tôi loay hoay trong phạm vi chật hẹp chưa định
được bước đi sắp tới thì nghe có tiếng gõ cửa. Tiếng động lớn, có thể lôi đầu
ai đó thoát khỏi giấc ngủ say. Tôi đang thức nên tôi giật mình, từ khi về lại
cố hương tôi mãi bị giật mình, hình như chốn này không dành cho ai mang bệnh
yếu tim? Chẳng biết việc đăng ký tạm trú có gì trở ngại, tôi nhẹ nhàng mở cửa ra.
Ngoài hành lang dựng đứng một người đàn bà cao ngang vai tôi, mặt mày khó nhìn
đoán tuổi tác vì bà trang điểm có hơi mạnh tay, nửa thành thị nửa ruộng đồng.
Ngó một đỗi thì hoài nghi in tuồng mình có gặp qua đâu đó, chí ít cũng một lần
trong đời.
Chú không nhìn ra chị à? Còn nhớ Mộc không?
Tôi chôn chân. Nếu đúng là chị Mộc thì quá sức hoang đường, ngay cả giọng
nói giờ đây cũng đổi thay, nghe khác trước. Ngày đó chị Mộc không thích mặc áo
nịt ngực, tôi nhớ lại để vô tình mắt tôi đọng vào vòng một của vị nữ nhân kia.
Ôi bể dâu! Ngực chị Mộc hơi bị “hoành tráng”. Xài xú hàng Trung quốc chứ gì
nữa, nhô ra, cứng cáp hơn cả nón bảo vệ.
Tuy có hơi ngờ ngợ nhưng linh tính chị thì quả đoán một hai là chú. Thú
thiệt là nhà nghỉ có lén bắt ca-mê-ra trong phòng vệ sinh, chị thấy chú đứng
tắm cả nửa giờ và chị nóng lòng lên gõ cửa để xác minh là chị chả nhìn lầm
người. Quả không sai trật. Ôi, tuy đã là ông Việt kiều mà sao hình tướng trông
vẫn thế. Chú có tin vào duyên số không?
Chị Mộc đi vào phòng, tự tay chốt lại cửa. Ôi thôi, cuộc đời nầy thật nghĩ
không ra, về cách đi giáp vòng của nó, thứ mà chị Mộc kêu bằng duyên số. Tôi
từng vụng dại rình xem chị Mộc khoả thân kỳ cọ da dẻ trơn láng, vuột trôi qua
bao sóng gió, giờ đây chị ấy lại vụng trộm nhìn lén thằng Trần Văn Trụi đứng
tắm. Ai cho phép nhà nghỉ lắp đặt caméra ở chỗ kín đáo? Với chức phận gì chị
Mộc có quyền theo dõi những thước phim “đồi truỵ”? Đồng chí này công tác ở bộ
Công An chăng?
Chị Mộc ngồi xuống giường, trông lên tôi bằng ánh mắt của người quen nhìn
bọn tội phạm. Không, tả vậy thì hơi bị hàm oan cho chị ấy. Chỉ là đọng chút
lượng định, chút tò mò, chút đắm đuối chẳng thể biểu tỏ bằng ngôn ngữ. Nghía
cho no con mắt mới tâm sự đôi điều:
Gia đình chị có công với cách mạng, trước đây họ đề bạt chị giữ chức chủ
tịch hội phụ nữ. Được hai năm chị xin từ chức vì nghĩ chả ăn được cái giải gì
lại thêm vở kịch đạo đức gương mẫu làm gương cho chị em ta thì quá khó nhập
vai. Vào lòn ra cúi một hồi rốt cuộc con người chị biến đổi như ngày hôm nay.
Chữ biến đổi chị dùng quá chính xác. Làng quê đã hăm he hiện đại hoá. Một
người giúp việc lam lũ đã trở thành bà chủ nhà nghỉ. Một đứa học trò bị bứng ra
khỏi quê nhà để mang phận làm đứa Việt kiều. Việt kiều chả làm nên công trạng
gì ghê gớm cả và Việt kiều hồi hộp này đã bị đánh cướp mất chữ yêu nước. Chị
Mộc hối tôi thay áo quần: Mình kiếm cái quán ăn ngồi trao đổi cho cạn tâm tư.
Chỗ này bức bối quá, nó chỉ thích hợp cho việc ngủ ngáy. Chú lặn lội về đây để
tìm chị, có phải không?
Chị Mộc dắt tôi vào quán KFC chuyên trị gà. Lạ, thịt con gà nội địa ngon
dường ấy lại bày đặc chê bai, ưa vọng ngoại, thích xơi gà Tây gà Mỹ ớn tận cổ.
Vác mặt lên, xem ta là dân sành điệu. Thằng Tây thằng Mỹ thì ta buộc chúng phải
cút về nước, nhưng con gà của chúng thì lại khác, nhớ? Cớ sao chúng không nhập
thịt chó vào nước ta nhỉ? Khoái khẩu phải biết. Về quê cũ, chú đừng lo ngại
việc gì cả, đã có chị đây. Chị Mộc nói. Tuy không ăn học đến nơi đến chốn nhưng
chị là người còn biết tới đạo nghĩa. Có đâu như con Hồng, cũng bỏ làng quê lên
thành phố giúp việc cho gia đình người bà con, sau giải phóng nó mặc đồ bộ đội
tìm đến gia đình nọ lớn tiếng chửi rủa bọn bóc lột, lời lẽ thô nhám hiểm hóc
khiến bà con dòng họ kia phải điêu đứng bỏ chạy lên vùng kinh tế mới. Chị Mộc
ngừng nói, nhai cái cánh gà rau ráu. Tôi ngồi rụt cổ, không dám nhìn chị. Tôi
đang là con gà nuốt dây thun, nếu muốn, chị Mộc có thể “nhai” tôi bằng trăm
ngàn cách. Chị cho hay, lắp caméra trong buồng rất lợi hại, chị thu được lợi
nhuận nhờ vào những thước phim đồi truỵ. Mình gửi thư đen vào di động, liệu
thần hồn mày không trả tiền thì bà tải nó lên mạng cho bà con thưởng lãm khúc
lâm ly.
Năm giờ sáng tôi lặng lẽ bắt xe ôm ra bến xe. Hãy để làng nội của tôi nằm
yên trong nếp suy nghĩ đầy trừu tượng mà tôi từng cất giữ. Tôi đã vào quốc tịch
một đất nước khác. Tôi nên trở về đất nước ấy, dù trong dù đục chốn đó vẫn hơn.
Bảy ngày sau, tôi cúi đầu thắp nhang trước mộ phần song thân còn “thơm” mùi
xi-măng nơi hai tấm bia dựng đặt không được “hoành tráng”. Tôi chảy nước mắt,
những hành lệ lưu lạc mấy mươi năm mới có dịp tuôn đổ xuống vùng đất khô. Thôi
con đi, lời vĩnh quyết. Nghe gì đành đoạn tới huyết thống mình.
Hồ Đình Nghiêm
Tháng Tư năm 2019