06 April 2019

NGƯỜI CON GÁI CỦA QUỐC-MẪU - Nguyễn Văn Thà


Văn đã hứa với Nga một hôn lễ, Nga bảo, không cần lắm, Văn hứa với Nga một đám cưới, Nga bảo, cũng không cần lắm, chỉ cần hai đứa được sống chung với nhau. Sao lại không, khi hai người yêu nhau đến mức ấy?

Văn ra tù. Về tới nhà, mấy đứa cháu reo lên: Cậu về, cậu về bà ngoại ơi! Những đôi mắt hàng xóm từ trong nhà họ nhìn ra ái ngại, và anh cũng không thấy mẹ ra đón đầu ngõ, líu ríu cầm tay dẫn anh vào mái ấm nhà xưa như trong những tháng ngày tù tội anh vẫn hình dung. Anh hơi ngạc nhiên vì hồi ở tù, ngoài gia đình thăm nuôi đã đành, Văn còn nhận được những lời hỏi thăm của bà con chòm xóm và những món quà nho nhỏ kèm theo: bình dầu tràm, hủ ruốc sả, túi khoai deo..., có anh hàng xóm còn gởi tặng cuốn từ điển Nga - Việt, tuy nhiên từ hồi mấy người cùng làng được thả, cô em gái, như những lần trước vẫn thay gia đình lên thăm, nhưng qua vẻ mặt buồn buồn của nó, anh biết có cái gì đó không ổn, nhưng Văn không dám hỏi, và cũng không muốn hỏi.

Văn vừa vào nhà đã thấy mẹ mình ngồi trên sập gụ, nghiêm trang khác thường, và bà đanh mặt lại:”Mi không được lấy cái con đầu trộm đuôi cướp đó. Mi mà lấy, tau cắn lưỡi tau chết!”

”Cái con đầu trộm đuôi cướp”đó còn có cái hỗn danh là Nga-đòn-gánh, vì theo như lời chào xáo trong trại tạm giam thì cô nàng đã dùng đòn gánh đánh người để cướp xe đạp, nhưng ai cũng phải công nhận cô nàng là một người con gái có nhan sắc, vì ngoài bàn tay ngà muốt mềm như bàn tay của những người nữ trong tranh Ðinh Cường, Chagall, nàng còn có một khuôn mặt đẹp mà nhu mì người nhìn vào lòng liền hiền lại, điểm nút ruồi duyên nâu nâu góc trái cằm. Da nàng trắng đến độ lạc lõng giữa những người tù nữ. Thân hình cao ráo, khoẻ mạnh khá Tây Phương. Cô nàng bận những chiếc áo bà ba lụa trắng, hoặc màu mỡ gà ôm nhè nhẹ một vùng ngực nhiều sức sống.

Có ông cán bộ chấp pháp vụ án của can phạm Phạm Phi Nga đó, mặt rỗ, đen sì, người Thanh Hóa, hay rà rà đến ”động viên”, ”giáo dục”can phạm Phạm Phi Nga những khi tổ chăn nuôi chỉ có một mình người tù ”đầu trộm đuôi cướp” đó. 

Văn xưa nay vốn nhát gái, (vì thế có cái dáng mà ai cũng tưởng là nghiêm trang, đứng đắn,) vậy mà bỗng một hôm đánh bạo, bất chấp bị cùm, và nhất là bất chấp bị ê mặt, liều vào tổ chăn nuôi (heo) và cấp tốc thòng được mấy câu sao đó mà cô nàng Nga phải buông một lời mà chỉ con gái Việt Nam mới thốt được: ”Anh ra đổ gánh phân cho rau đi, kẻo cán bộ bắt được, anh bị nhốt biệt giam, làm Nga khổ đó!”

Văn ra hòa nước vào thùng phân, chăm chỉ tưới kỹ càng từng gốc cải xanh nơi luống rau gần chuồng heo, rề rà thiệt là rề rà, đến nỗi cái anh cán bộ bảo vệ đang gác trên chòi phải quát to lên: ”Anh kia, đổ phân, đổ mau mau đi. Làm gì mà lề mề vậy!?”Mấy anh tù khác đang nhổ cỏ, vun vồng khoai đằng đầu vườn, ngoái cổ nhìn về phía chuồng heo cười hề hề, có còn anh ngứa miệng: ”Ð.m. Cứt bộ nước hoa hay sao mà ông Văn cứ rề rà!”. Văn cười một mình rồi thung thăng gánh đôi thùng phân về nhà giam tập thể, nhưng đi được một quãng, tự dưng anh dừng lại, gãi đầu lẩm bẩm: 

”'Làm khổ Nga đó!' ý là sao chớ!? Có phải là Nga khổ vì sẽ bị cùm biệt giam lây, hay là Nga khổ vì thương mình bị cùm? Nói năng thiệt không có cú pháp gì ráo trọi...”

Ðêm hôm ấy, Văn trằn trọc.

Nhưng đáp án có ngay.

Sáng sau, khi gánh phân ra, lén nhìn vào chuồng heo, Văn thấy Nga quay lưng vào thái chuối heo như không. Ê mặt. 

Vòng về, lê bước chân gánh đôi thùng phân rỗng vừa nặng vừa thúi, đi qua chuồng heo, thì nghe Nga kêu xì xầm: ”Anh Văn.” , Văn ngước mặt lên, đứng sững lại. Nga nhìn trước nhìn sau, rồi ném ngay một xấp rau gì đó vào trong thùng (phân). 

”Trời đất, ai lại ném rau vào...”

Và Nga mỉm cười, nụ cười đầu đời khó phai. 

”Anh kia, quan hệ nam nữ bất chính hả! Cùm đầu bây giờ!” 

Mấy anh tù làm đàng kia lại cười to, cười chế nhạo thấy rõ, vì họ tuy ở tù, nhưng phẩm giá của họ họ tự cho vẫn còn kha khá, và lòng vẫn hãnh diện về những người vợ phẩm tiết đang chờ họ ở nhà, những nàng nữ sinh áo trắng ngây thơ, trinh trắng của một thời hào hoa, kiêu hùng của họ.” Con nhỏ Nga-đòn-gánh ngứa nghề hay sao mà! Hê hê hê!”, ”Cái ông Văn trí thức mà...” 

Văn ghé giếng súc thùng ngay, và khi chúi đầu nhìn vào trong thùng thì thấy một xấp lá khoai lang lá lớn lem nhem phân. Lá trên cùng, Văn thoáng thấy có những vệt châm châm như chữ viết, và đúng là chữ viết, mà là chữ Pháp, chữ COMPRENDRE. Văn chúi càng sát thùng (phân), vạch lá thứ hai: C'EST; lá thứ ba: DÉJÀ, lá thư tư: AIMER, và lá cuối: NGA. COMPRENDRE, C'EST DÉJÀ AIMER. NGA (HIỂU LÒNG, ẤY CŨNG ÐÃ LÀ YÊU NHAU. NGA) (1)

Văn run bắn cả người. 

Lúc về buồng giam tập thể, bước chân Văn dĩ nhiên là không nặng nề, nhưng cũng không thung thăng, mà trầm trọng, trang nghiêm như đang bước lên lễ đài đăng quang. 

Về đến buồng giam tập thể, Văn lén đưa cuốn từ điển Nga -Việt dày cộm vào ngăn cầu tiêu và cẩn trọng nâng niu ép vào đó khế ước hôn nhân đầu đời của hai người. (Văn trước đó lấy kim cứa nhẹ vào lá khoai lang cuối chữ Văn cạnh chữ Nga - trong cầu tiêu.) 

Rồi Văn phải chuyển trại, và Nga thời gian sau cũng chuyển đến một trại khác. Thế là họ xa nhau, biệt tin nhau, nhưng khế ước hôn nhân lá khoai tưới bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu vẫn mãi mãi cạnh Văn, như phẩm tính trọng vọng muôn đời của mầu nhiệm lứa đôi.

**

Mẹ của Văn mất, và Văn không có mặt hôm mẹ chết. Mãi mấy năm sau, Văn mới về được. Anh em ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam, giờ ai cũng có của ăn của để, trừ Văn. Họ khinh Văn ra mặt, mà họ khinh cũng phải, vì cha mẹ và chính họ đã đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có tiền để cho Văn ăn học, khi qua được bên kia, họ cứ nghĩ Văn sẽ làm lương ”lãnh cả bao bố”, vậy mà tới giờ chẳng ra ông ra bà nào cả, chẳng giúp gì họ (những người ở Việt Nam) ”được đồng xu teng” (dù có giúp chút ít), lại còn ăn nói ngang ngang. Họ nói trước khi mẹ mất, mẹ trách Văn. Nhưng Văn nói, Văn không tin như vậy. Trước khi chết ai mà còn giận gì được, nhất là người đó là mẹ. Quả vậy, lựa lúc vắng người, cô em gái thứ năm vẫn hay đi thăm nuôi anh, kéo anh ra một góc, ứa nước mắt:

”Mấy người đó nói điêu đó, anh Văn ơi. Mẹ nói mẹ thương anh nhất, vì anh là người hay thương người mà cứ gặp khổ hoài. Mẹ còn ân hận đã làm khổ anh khi mẹ nhất quyết không cho anh lấy chị Nga. Mẹ trối là anh phải cố gắng đi kiếm cô ấy, và cho mẹ xin lỗi chị ấy.”

”Thì mẹ thương anh, mẹ có ý tốt muốn anh có người vợ đàng hoàng mà, dù là đàng hoàng theo kiểu của thế hệ mẹ.”

”Hồi mẹ nằm bệnh viện trước khi mất, có cô y tá chăm sóc cho mẹ tận tình đặc biệt. Ðút cháo, thay tả, đổ ống bô cho mẹ.”

”Hả!? Chuyện gì mà như chuyện đời xưa vậy. Anh đọc báo nghe nói ở Việt Nam bây giờ, hễ vào nhà thương mấy cô y tá, mấy ông bác sĩ con bệnh nhân như rác mà.”

”Thì cũng có chuyện đó, nhưng mẹ có tiền ai mà dám khinh, nhưng cô y tá này làm những việc ngoài nhiệm vụ của cô, mà làm tận tình.”

”Gì mà như chuyện đời xưa vậy!”

”Xưa với nay gì, chuyện nhãn tiền mà! Em có nuôi bệnh mẹ mà.”

”Chị ta chăm sóc tận tình đến nỗi có bữa mẹ vui, mẹ nửa đùa nửa thật: 'Cô mà làm dâu ai, người đó thiệt có phước. Tui có thằng con trai mà nó lại cứ giang hồ tứ xứ, không, tôi bắt nó cưới cô.' Nghe nói vậy chị ấy mỉm cười, rồi ôm mặt khóc nghẹn, chạy ra khỏi phòng bệnh. 'Tau làm chi mà cô nớ khóc!', mẹ hoảng hốt nói với em.”

Văn run người:

”Vậy trên ve ngực không có bảng tên à!”

”Em không để ý. Mà hình như không có. Và anh biết không: Có người thấy vậy, không biết sao, bảo con nhỏ y tá đó là người Hời giả vờ săn sóc vậy để yếm mẹ? vì khi mẹ gần qua đời bụng mẹ sình lên khá to.”

”Bậy không hà! Cứ nghi oan cho người ta.”

”Thì người ta nghi bậy vậy. Chứ em không tin như vậy. Mẹ cũng vậy, ai nói mẹ cũng gạt hết: 'Bệnh tui tui biết. Mấy chị đừng nói vậy mà oan cho người ta, nhất là người đó lại là người ra ơn cho mình. Bác sĩ họ nói tui bị bệnh tiểu đường, lại viêm gan, bụng mới to như vậy. Tui là người Công giáo, tui không tin những chuyện bùa yểm đó mà có tội.'”

Văn sảng sốt:

”Nhất sinh u tứ vị tằng khai!”(Nỗi buồn thầm kín một đời chưa được tỏ)(2)

Em gái Văn hoảng hốt:

”Anh lại lên cơn nữa rồi. Em nghe nói ở bên nớ, anh buồn anh cứ hay nói chữ.”

“Lamưn lo, urang gơk-katơk 
Mưk glauw kauk pơh panwơch mayit-mayơw 
Brei ka thơw: mưng ngauk hluk dunya. 
Mưnwiss - ssa praung ssit libik makna Umat po!” 

(Quá hiền lương, lắm người trấn bóc 
Dụng trí thông mở ngữ giao lưu 
Rằng hay trên quả địa cầu: 
Mọi người lớn, nhỏ tận cùng Chúng sinh)(3)

**

Văn đi bộ dọc bờ biển từ sáng từ làng anh để đến làng Cù Ti. Thuê xe ôm cũng được, hoặc đi xe đò, nhưng anh muốn đi bộ, đi chân trần trên cát biến mấy chục cây số cho đã, bù lại hồi ở bên ấy, lạnh quanh năm lúc nào cũng phải đi giày, lúc nào cũng xe, cộ, và nhất là trả thù cho thuở ấy phải lấm lét mỗi khi đi qua quãng bờ biển vắng vẻ này. Và anh cũng muốn đi Cù Ti để thăm mấy người bạn tù người Chàm ở đó. Anh càng đi bước chân càng nhẹ. Và giờ đây cả bãi cát dài hút mắt kia chỉ có bóng anh trước mặt trời đang thấp. Và gió cát, bọt sóng, chóng chóng biển lăng quăng, tiếng chim biển kêu chiu chít vô tích sự. Văn ngồi nghỉ trên vạt rau muống biển ven động cát, nheo nheo mắt nhìn mặt trời thấp. Từ đàng xa có hai bóng người nhỏ xíu đang đi lại về phía anh. Lại thật gần, anh mới nhận ra đó là hai đứa trẻ, một đứa trai vai vác tay lưới cước kéo bờ, đứa gái xách cái vợt đựng cá.

”Chào hai cháu, hai cháu ở đâu?”

Ðứa gái cúi đầu không nói, đứa trai nhanh miệng.

”Dạ ở Cù Ti.” Giọng lơ lớ.

”Các cháu không phải người Kinh?”

”Dạ không, tụi cháu là người Chàm.”

”Vậy hả, mà con ai?”

”Con ông Tặng”

”Vậy hả, mà nhà cháu còn xa đây không?”

”Dạ không, đi hết dãy dương là tới, đầu làng Cù Ti đó chú.”

”Hai cháu đưa chú đến đó được không?”

”Dạ chưa đủ cá nấu canh chua, tụi cháu chưa về được.”

”Chợ bây giờ còn họp không?”

”Dạ còn, giờ này thuyền chài mới vô mà! Mà chi vậy chú?”

”Thì ở đó nhiều cá, các cháu với chú đến đó bắt cá cho lẹ”

Con nhỏ gái bụm miệng cười, thằng con trai cười ré:

”A, cháu hiểu rồi.” 

”Hiểu gì, nói nghe coi?”

Thằng nhỏ không trả lời, chỉ cười. Ðứa gái đập vào vai thằng con trai:

”Chú bảo tụi mình đến đó mua cá mà anh không hiểu hả?”

”Hiểu chơ sao không mậy!”

”Ðúng rồi, dẫn chú đến Cù Ti, chú mua cá về nhờ má các cháu nấu canh chua cho chú ăn. Chú đang đói bụng đây nè!”

”Chú quen nhiều người Chàm hả?”

”Ừ.”

Văn mua con cá thu thật to, và theo hai đứa nhỏ xách về nhà của Tặng. Ông Tặng đang ngồi trên phản trước hiên nhìn vu vơ. Ông nhìn ra, hai đứa nhỏ chạy lại xì xào tiếng Chàm với ông. 

Văn lên tiếng:

”Văn đây anh Tặng à! Có nhận ra tôi không ông hoàng Champa?”

”Văn nào?... A, nhớ rồi. Văn tổ phân bắc trại tạm giam Hàm Cá phải không?”

”Ðúng rồi.” Và Văn chạy lại lại ôm ông, vỗ vai ông. ”Lâu quá mà! Khoẻ không?.”

”Khoẻ thì không khoẻ, nhưng sống được. Bộ về đây thăm bồ cũ hả? Tui nghe anh vượt biên lâu rồi mà.”

”Tui vượt biển mười năm rồi. Mà anh nói bồ cũ gì vậy?”

”Thì cô Nga của anh hồi xưa làm tổ chăn nuôi với tui không phải là bồ anh à! Tui là người đưa thư tình giùm anh mà, bộ anh không nhớ sao?”

”Nhớ chớ sao không! Mà cô ấy ở đây hả? Thiệt không vậy?” Văn dồn dập.

”Thì ở Cù Ti chớ ở đâu. Mà muốn vào chơi ăn cơm, rồi tui đưa anh đi, hay là đi bây giờ.”

Văn ngập ngừng, gượng gạo:

”Chờ cả mười năm, chờ thêm nột chút đâu có sao! Hôm nay tôi đến Cù Ti để thăm anh và mấy anh hồi ở cùng buồng, chớ đâu biết cô Nga ở đây mà đi thăm.”

”Ngon ha! Thôi anh em cả mà, tui hiểu. Anh uống miếng nước rồi đi... Mà thôi, tôi chỉ đường cho anh đi cũng được. Anh cứ đi miết, tới nhà trường, rồi hỏi tiếp, nhà cổ gần nhà trường.”

”Anh lúc nào cũng điệu nghệ.”

Ông Tặng cười:

”Trời ơi, tui là dòng dõi họ vua I-đra-vác-man đó nghe chưa ông!”

Ông vỗ vai tiễn Văn đi, và đột nhiên ông nói với anh, nghiêm nét mặt lại như những lần ông giảng áo nghĩa thư Chàm cho anh trong tù:

”Này, anh Văn! Nhìn vào người đàn bà, sẽ hiểu Bàlamôn, hay nói kiểu người Kinh của các ông: Nhìn vào đàn bà sẽ hiểu lẽ Càn Khôn, vì mọi mầu nhiệm vĩ đại đều xảy ra nơi người đàn bà.”

”Anh có ý nói gì?”

”Rồi anh sẽ hiểu. Thôi anh đi đi. Các bạn tù người Chàm vẫn nhớ tới anh. Họ vẫn mong ngày nào đó anh trở lại với con gái của Quốc Mẫu Champa.”

”Anh có ý nói gì?”

”Rồi anh sẽ hiểu.”

”Vâng.” Anh ngoan ngoãn trả lời.

Văn đi về hướng ông Phạm Tặng chỉ, còn ông, ông trở lại, ngồi trên tảng đá ong góc vườn, khép mắt nhìn biển, như những bức tượng Chàm chứa bao nhiêu nổi trôi của đời trong đôi mắt đóng kín của mình.

Văn đi và người ta có thể thấy nơi anh bước chân của một khách hành hương. Văn bỗng ngước mặt, dang tay, hát to câu thánh ca ngày xưa, xưa lắm: ”Kìa ai dong duỗi đường gió bụi, gánh sầu thương mệt mỏi hai vai. Về đây nấp bóng sao mai, về đây Mẹ sẽ ban nhiều yêu thương.” Và Văn chạy, chạy, chạy. “Ông có biết nhà cô Nga ở đâu không?” Chạy, chạy, chạy. “Bà có biết...?” Chạy, chạy, chạy... ”Em có biết...?”

Hỏi đến lần thứ tư thì thấy đứa con gái con nhỏ mặt hoa hiện ra ngay trước mặt anh: “Nhà cổ trong kia kìa, nhà có vườn hoa đại đó.”

”Hoa đẹp Champa... Hoa đẹp Champa...”(5) Văn reo lên như trẻ thơ.

Con bé bụm miệng cười, má ửng hồng, nốt ruồi nâu nâu hiện rõ như niềm vui vội chen lên má.

Anh bước qua ngõ, đi vào nhà Nga không nặng nề, nhưng cũng không thung thăng, mà trầm trọng, trang nghiêm bước vào ngôi nhà cỏ nằm ẩn dưới vườn hoa đại trắng như đang bước lên lễ đài đăng quang. 

Và khi tới nửa bậc thềm, cánh cửa liếp mở rộng. Nga đứng đó y nguyên, hoàn toàn y nguyên, vẫn nụ cười không phai, nụ cười vẫn còn đọng lại đó tươi nguyên như những ngày đầu tình rạng tổ chăn nuôi, vẫn chiếc áo chiếc áo bà ba lụa trắng ôm nhè nhẹ một vùng ngực nhiều sức sống. 

Hai người ôm nhau, khóc. Nga khóc nhiều, Văn khóc xem ra nhiều hơn.

Họ không nói gì cả, họ chỉ khóc. Tiếng khóc bây giờ là nụ cười sảng khoái nhất của những con người đã chiến thắng lẽ tầm thường, người tầm bậy. Và, người ơi, người có biết rằng nỗi lặng thinh, không gian rộng lớn, bầu trời xanh vút, nắng độ lượng, tất cả bây giờ là của họ? Và hoa đại nữa, hoa Champa vương giả của dân tộc Champa, hương bay lừng trong không gian, hương ướp người con gái anh yêu biền biệt biển lớn, năm dài, quá dài trong cuộc đời rất đỗi phù du. Họ không nói gì hết, họ chỉ ôm nhau, cho thịt da nói lời hoa cỏ, trời ơi, hoa cỏ mười phương.

”COMPRENDRE, C'EST DÉJÀ AIMER.” Nga thì thào bên tai Văn.

”HIỂU LÒNG, ẤY CŨNG ÐÃ LÀ YÊU NHAU.” Văn thì thào bên tai Nga.

Biết bao nhiêu điều phải nói. 

“Gì thì gì em phải đi nấu cơm cho anh ăn cái đã. Anh chắc đói bụng lắm rồi.” 

Nga làm cơm, chăm từng khúc cá, cọng rau, đến chén nước mắm chấm.

Hai người tạm gác một bên những ấm ức, những vết bầm, những lằn roi quật trên họ suốt mười năm. Họ vừa lua cơm, chấm cá, húp canh chua, hít hà ớt cay, tay quẹt mồ hôi. Văn sung sướng. Nga sung sướng.

”Hai đứa mình như đôi vợ chồng mới cưới.”

Nga lườm yêu:

”Mới gì nữa, dễ chừng đã hơn mười năm.”

”Ừ, mười năm, ba tháng, 14 giờ.”

”A ha! Anh nhớ kỹ quá!”

”Sao không? Năm nào đúng ngày em trao chùm lá khoai, anh đều giở tập khế ước lá khoai đó ra xem hết.”

Nga buông đũa, lấy vạt áo chùi nước mắt.

”Em biết. Anh ăn đi kẻo cơm, canh nguội.”

”Ừ.”

Rồi tới cái màn sang trọng: Văn ngồi chõng trước hiên hóng gió biển mát rười rượi, Nga bưng bình trà mới pha thơm ngát, lại còn được ngồi xỉa răng mà không phải xem TV, thậm chí phải nhìn bức tường trơ trơ trước mặt trong bao mùa đông dài. Nga ngồi bên cạnh ăn cóc chấm muối ớt, xuýt xoa vì chua, hít hà vì cay, mấy sợi tóc nâu nâu dính mồ hôi ngang nơi trán. Văn nhìn Nga ăn chua, Văn cười, Nga cũng cười:

”Em hạnh phúc lắm!” 

”Anh cũng vậy. Anh muốn ở lại đây mãi.”

”Vợ chồng thì ở với nhau, chơ sao nữa!”

”Ừ.”

”Anh ngồi uống nước trà, nhai kẹo phộng, em vào lấy cái nầy cho anh xem!”

”Ừ.”

Nga đi vừa vào khỏi cửa, con bé chỉ đường lúc nãy ở đâu lại tới đứng dưới cây bông đại nhìn anh, gần đến độ anh có thể thấy được nút ruồi duyên của nó.

“Nga ơi! Cái nút rrr...” Không biết Văn nghĩ ngợi sao đó, ngưng ngang.

“Anh hỏi gì em vậy?”

“Không, không có gì!”

Một lúc sau lại có tiếng Nga vọng ra:

”Anh ơi, vào đây em cho xem cái này.”

Văn đi vào, Nga dẫn vào căn buồng nằm phía chái nhà bên phải. Căn buồng bài trí trang nhã, và có nhiều tượng điêu khắc của Chàm cỡ nhỏ đứng trên các tảng đá ong nâu..

”A, đây có phải là những phiên bản của những tượng điêu khắc được triển lãm ở Viện Bảo Tàng Các Nền Nghệ Thuật Châu Á Guimet, Paris, trong ba tháng, từ ngày 12-10-2005 đến ngày 9-1-2006? Anh có đến xem.” 

Nga chỉ vào bức tượng nữ thần lớn nhất đặt giữa nhà:

”Vâng, mà anh nhìn kỹ bức tượng Quốc Mẫu đằng giữa phòng, anh thấy như thế nào?”

”Trời ơi, giống em, giống em quá, từ khuôn mặt cho đến thân hình, dáng dấp.”

”Thì em là con gái của Quốc Mẫu mà, em là người Chàm.”

”Trời ơi, anh hiểu rồi, bây giờ anh mới hiểu những lời anh Tặng nói với anh trước khi anh đến đây.”

”Anh ấy nói gì vậy anh?”

”Các bạn tù người Chàm vẫn nhớ tới anh. Họ vẫn mong ngày nào đó anh trở lại với con gái của Quốc Mẫu Champa.”

”Anh ấy còn nói gì nữa không?”

”Có. Anh Tặng nói: Nhìn vào người đàn bà sẽ hiểu Bàlamôn, hay nói kiểu người Kinh của các ông: Nhìn vào đàn bà sẽ hiểu lẽ Càn Khôn, vì mọi mầu nhiệm vĩ đại đều xảy ra nơi người đàn bà.”

”Anh Tặng là đạo sĩ Bàlamôn đó.”

”Anh không hiểu.”

”Anh sẽ hiểu.”

”Mà ở đâu em có những phiên bản đó, lại còn cả tấm bích chương.”

”Thì có người ta gởi cho em. Mà anh biết tại sao em biết tiếng Pháp không?”

Văn cười:

”Thì em là con gái Quốc Mẫu Champa mà, gì mà chẳng biết.”

”Em là nghĩa tử của cha Giraudon Merton. Hồi cha lập ra Trung Tâm Văn Hóa Chàm, em là học sinh ở đó. Thấy em thông minh, cha giúp đỡ đặc biệt. Sau đó, gia đình em giới thiệu cha với hậu duệ khác của các gia đình vọng tộc Chàm ngày xưa để sưu tầm các văn bản, kinh, những thẻ kinh lá dừa châm châm chữ Phạn, châm kiểu như giòng chữ em châm trên xấp lá khoai lang hồi đó đo, rồi các bi ký, các y phục hoàng gia, các đồ trang sức, có cái từ đời vua I-đra-vác-man I, khi Champa còn là một vương quốc thịnh vượng. Em cũng là người đã giúp cha sưu tầm, biên soạn ca dao tục ngữ của người Chàm.. Bù lại cha dạy tiếng Pháp cho em, và hứa khi em học xong trung học, sẽ đưa em qua Pháp học tiếng Phạn ở trường Ngôn Ngữ Ðông Phương để sau này về giúp đỡ cha trong công việc phục hồi lại văn hóa Chàm. Mối lương duyên ấy là sự may mắn và cũng là đại họa cho em, cho gia đình em, khi quân nước Bắc Kỳ vào.”

”Anh biết ngay từ đầu, ngay những ngày còn ở trại tạm giam, nơi em tỏa ra một cái gì đó rất quí phái, vượt lên những tầm thường.”

”Cảm ơn anh. Cảm ơn anh đã hiểu em... Cha ra đi, chỉ mang theo được cuốn Từ điển Chàm - Pháp, và cuốn văn phạm Chàm, và phải bỏ lại tất cả. Cha trân trọng giao phó tất cả những đồ cổ cha sưu tầm được và những bản thảo còn biên soạn dở dang của cha cho em. Cha nói: 'Cha không tin người Việt vốn khinh dễ người Chàm, và nhất là những người Cọng sản miền Bắc, sẽ giữ được những quốc bảo này, vậy con hãy kiếm cách chôn dấu những thứ này, để chờ ngày gởi qua Pháp bảo tồn. Những tài liệu quí giá của Trường Viễn Ðông Bác Cổ mà thời thuộc địa đã được các học giả Pháp khổ công sưu tầm và phân loại, gìn giữ, với sự khuyến khích và bảo trợ của chính quyền thuộc địa Pháp, bây giờ cũng đã thất thoát đi rất nhiều. Và thứ đến, cha không tin người Việt, vì họ là giống người tự tôn vô lối, kỳ thị vô cùng. Năm ngoái, mấy ông Việt Cọng đã cho người từ trong rừng ra lén lút thương lượng với cha, yêu cầu giao những quốc bảo Chàm mà cha sưu tầm, lại cho họ. Cha nói là cha đã gởi về Pháp từ lâu rồi, nhưng họ không tin, vì họ có nhiều liên lạc ở Pháp.' Trước ngày PR bị mất mấy ngày, em với cha Giraudon Merton dồn tất cả các của quí đó vào các thùng đại liên lớn, đem đi chôn một nơi bí mật. Khi cha đi rồi, thì có ngay một nhóm cán bộ có vẻ là chuyên viên khảo cổ vào ngay Trung Tâm Văn Hóa Chàm lục lọi, nhưng chẳng kiếm được gì. Còn em, em trốn vào Hàm Cá, ở với người Kinh, nhưng họ vẫn kiếm được em, và bắt em vào tra hỏi về những đồ cổ của cha, nhưng em nói, em không biết gì ông cố Tây đó. 

Cái lão chấp pháp người Thanh Hóa rỗ, mặt đen đó, nhân công an bắt vào trại các người tham gia cuộc khởi nghĩa, có cả ngụy quân, ngụy quyền – xin lỗi em phải dùng chữ của họ- và người Chàm, ông ta nói bóng nói gió là nếu em không chỉ cho họ biết nơi giấu, em sẽ bị ghép vào tội phản cách mạng với nhóm đó, mà anh biết đó bị khép vào tội danh đó bị tử hình như chơi, hay ít ra cũng bị tù lâu năm. Nhưng em vẫn cương quyết không khai nơi chôn những thùng đồ cổ, em không thể làm thế được.” 

”Nhưng vì lý do gì em lại có cái hỗn danh kỳ cục như vậy?”

”Từ từ. Nghe em kể cái đã... Thì cũng may, có ông trưởng ty công an tỉnh vào thăm trại, có bữa ông ra tổ chăn nuôi, rà rà đến nói chuyện với em, ông ta còn trẻ mà! Ông này, theo như cha Cẩn, ông cha biệt giam ra rồi cứ đi tưới hoa đó, cho em biết ngày xưa ông trưởng ty đó là một đại chủng sinh đi theo cách mạng. Cho nên, chỉ mấy ngày sau khi vào thăm trại, ông ấy bắt dẹp ngay loại cùm sắt kinh khủng. Tù ai cũng xầm xì khen ông là người nhân đức hiếm có giữa đám đầu trâu mặt ngựa. Những lần sau, lần nào ông vào công tác ở phòng công an huyện Hàm Cá, ông cũng đến tổ chăn nuôi em nói chuyện, hỏi thăm đủ thứ. Có một bữa em còn thái chuối heo một mình, ông đứng nói chuyện lâu hơn thường. Em có trực giác ông thích em và ông là người tử tế, cho nên em nói hết những oan ức với ông ấy. Ông bình tĩnh nghe và ông ta hứa, trong khả năng của ông, sẽ giúp em. Và cũng may ông ta có người anh làm lớn ở Bộ Công An ngoài Hà Nội, nên vụ của em được mau chóng chấp pháp lại. Một thời gian ngắn, sau khi anh chuyển trại, ông chuyển em ra công an tỉnh để chính ông ta chấp pháp. 

Còn cái hỗn danh ấy, em nghi là cái ông chấp pháp mặt rỗ người Thanh Hóa đã tung tin để gieo tiếng xấu cho em, để ông dễ bề chinh phục em, vì anh biết đó, một khi em mang tiếng là kẻ đầu trợm đuôi cướp như thế, thì có đẹp lộng lẫy như công chúa, như bà hoàng đi nữa thì cũng chẳng ai thèm. Ðúng như thế, với cái tiếng xấu Nga-đòn-gánh, ai cũng khinh dễ xa lánh em, kể cả mấy chị cùng buồng, chỉ có anh, chỉ có anh hiểu em.”

”Trời ơi, nghề tung tin đồn để li gián, để triệt hạ đối phương, là ngón tuyên truyền tuyệt kỹ của mấy ông Cọng sản mà lại.”

”Nhưng sau khi anh chuyển trại được ba tháng, em chuyển trại ra tỉnh được một năm, thì em được thả.”

Văn run người.

”Rồi sao nữa?” 

”Rồi em xin đi làm y tá, hồi đó thiếu người họ nhận đại, và dẫu sao hồi trước em có học chút đỉnh về thuốc. Em về Cù Ti ở. Và ông ấy đã đến Cù Ti nói rằng ông ấy yêu em và ông ngõ lời muốn cưới em làm vợ. Em từ chối. Ông ấy cũng là người quân tử, không nài ép em quá mức.”

”Rồi sao nữa!”

”Anh bình tĩnh đi nào... Nhưng ông ta qua lại nhiều lần trò chuyện với em, nhưng em cứ nói đẩy đưa cho qua chuyện, và em xin cho em được coi ông như người ân nhân. 

Anh có biết không, ngày nào em cũng lôi những mảnh thư tình anh gởi, nhăn nheo, nhơ nhớp đến tội nghiệp mà em giấu không biết qua bao lần khám buồng giam, ra mà đọc? thì làm sao em có thể nào lấy người khác được. Em chỉ yêu anh, người đã hiểu em đến mức như vậy, một người có trí và có tấm lòng. Và em, em cũng cảm thấy ông ấy là một mẫu quân tử đúng nghĩa trong lúc cuộc đời dối trá nơi nơi, ông còn là người có tình người, biết nhìn xa trông rộng, nên em quyết định trình bày hết ước vọng của cha Giraudon Merton và của em, của dân tộc em. Anh Văn biết không, ông đồng ý tìm cách và hứa sẽ giúp em đưa qua Pháp những thùng đại liên mà em nói lúc nãy? Và rồi, ông ta đã móc nối được với người vượt biên, và gởi được những thùng đó qua cho cha Giraudon Merton. Nếu ông làm việc ấy vì yêu em, thì đó là một tình yêu vĩ đại, vì hậu quả sẽ rất tai hại cho ông, nếu bị lộ. Còn nếu ông làm việc ấy vì đại nghĩa cho dân tộc em, thì ông ta là một đại quân tử.

Thế rồi công an nghi ông ta móc nối bán bãi, và ông phải vào tù ngay chính trại Hàm Cá. Cuối cùng ông cũng được thả, vì như lời ông nói: ”Họ không thể khai thác gì tôi được, vì tôi là thầy của họ.'”

”Rồi sao nữa!”

”Ông ta thôi việc. Ông ta về Cù Ti này và sống một mình. Ông an phận không muốn làm phiền em nữa với cái dự tính muốn lập gia đình với em. Rồi ông ấy bệnh nặng. Trong thời gian bị bệnh, em chăm lo thuốc men cho ông, nhưng bệnh ung thư gan vướng phải những ngày trong rừng, không cứu chữa được. Rồi ông chết. Trước khi nhắm mắt, ông cầm tay em và xin em nhận ông ấy làm chồng. Em cúi đầu xin vâng, và ông ấy xin ôm em trong lòng ông, rồi ông tắt thở.”

Văn thở dài.

”Mà anh đi cả mười năm, không tin tức gì cả.” 

”Anh vừa ra tù, là thằng em đưa anh đi vượt biên liền. Qua tới nơi, anh nhờ nhà anh đi dò hỏi, nhưng họ nói là họ có đi dò la mà không thấy. Anh đâm nghi. Anh lại nhờ mấy người bạn thân nhất, đi kiếm dùm, thậm chí anh thuê tiền, nhưng họ viết thư báo là em có lẽ biệt tích, hoặc ở tù chưa ra, hay chết trong tù đâu rồi, vì không ai thấy bóng dáng em ở Hàm Cá. Có kẻ còn bảo anh khờ, lòng dạ đàn bà, hơi sức nào... 

Và mẹ anh trước khi mất cũng rất ân hận. Mẹ anh bảo anh phải kiếm em để xin lỗi cho mẹ. Em tha lỗi cho mẹ anh!” 

”Có gì đâu anh! Mà mẹ anh chỉ làm việc ấy vì thiện ý đối với con trai của bà thôi mà.”

”Ừ.”

Văn lại thở dài.

”Mà em làm vậy cũng phải.”

Hai người cúi đầu không nhìn nhau một lúc lâu. Thật lâu. 

”Em làm vậy cũng phải. Em làm vậy cũng phải.”

”Cảm ơn anh, như lần đầu tiên ấy. Comprendre, c'est dejà aimer.”

”Ừ, gì thì gì, anh vẫn là kẻ có diễm phúc được em yêu.”

”Em cũng vậy, em cũng là kẻ có diễm phúc được anh yêu.”

Văn cười:

”Em phải nói là: Em là kẻ có diễm phúc được... hai người yêu.”

”Hai là một. Hai là một ”

”Ừ.”

Rồi Nga quì xuống úp mặt vào đầu gối anh, van vĩ:

”Anh Văn ơi, em thì như vậy rồi đó, em không dám giữ anh, dù em rất muốn, nhưng hãy trở lại với em khi anh thấy cần.”

Văn im lặng một lúc.

”Ði cả hơn mười năm rồi, bộ chưa đã hay sao mà còn đi nữa!?.”

Họ còn nói với nhau nhiều nữa. Rồi những tiếng nói trầm trọng, bi thương dần dần bị những tiếng cười đùa thay thế và tới tối thì bi thương lẫn trầm trọng đều bị triệt tiêu hết.

Tối hôm ấy, hai người nói chuyện tới khuya, họ cứ tiếc không có tờ khế ước hôn nhân lá khoai ở đây để xem chơi, để cười ha hả cho một cuộc đời bắt đầu chung đôi. 

Cũng tối đó hai người ân ái với nhau. Có hoa Champa tỏa hương trên hai thân thể và cả gió biển thổi vào mát rười rượi. Văn trong một thoáng nhìn qua khung cửa, ngạc nhiên thấy cả sao Sâm, lẫn sao Thương bên nhau trên bầu trời nhung gần và, như đôi con mắt trần gian, đang nhìn qua vuông cửa sổ, nhìn vào lứa đôi yêu nhau, nhấp nháy, nửa như giễu cợt, nửa vui vui.

Bóng nghiêng dài hai người chập chờn trên vách lá tới khuya. Yên ắng. Tiếng sóng đã ngừng vỗ, chỉ một đôi tiếng sương rơi trên tàn hoa chuối vườn ngoài. Nga ngủ dịu hiền. Văn cũng ôm lưng Nga mỉm cười thiu thiu ngủ. Nhưng anh bỗng cảm thấy như có ai đang nhìn hai người. Anh mở mắt nhìn qua khung cửa sổ thấp, và anh thấy con nhỏ chỉ đường lúc chiều đang đứng bên cửa sổ nhìn vào, bối rối, nửa như buồn buồn, nửa vui vui. Rồi cái nốt ruồi nâu nâu của nó dần dần biến thành màu đỏ, đỏ nhói như một vết thương ai đó vừa đâm.

**

Anh lại nhà ông Tặng thì không có ai ở nhà. Cả nhà có lẽ đã đi làm xa. 

Và cũng đến ngày anh phải trở lại nước anh đang định cư, với cái lòng háo hức kiếm cách để trở lại Cù Ti, sống với Nga. Nhưng anh cũng quyết định rán ghé Inđônêxia thăm cha Giraudon Merton đang tiếp tục truyền giáo ở đó, vì nghe Nga nói Nga được biết là cha đã già yếu lắm rồi, và cô khuyên anh nên ghé thăm cha cho cha vui.

Anh đến Inđônêxia, và gặp được cha trong ngôi nhà gỗ nằm trong một khu vườn cỏ vườn tràn lan, cây vườn khô xác, chỉ còn những chùm bông giấy đủ màu là vui. 

Văn kể cho cha về cuộc gặp gỡ với Nga, và chuyển lời của Nga thăm cha, và nói qua chuyện những thùng đại liên với cha.

Ðôi mắt mệt mỏi lờ đờ của cha nhìn Văn, đôi mắt của những kẻ mà tử hay sinh không còn khác biệt, cha chỉ hơi ngạc nhiên khi nghe Văn kể và cha bỗng ứa nước mắt, trầm trầm nói:

”Nhiều lúc tôi cứ nghĩ những thùng đồ cổ đó là cái quái gì mà hai mạng người phải hi sinh vì chúng, cô Phi Nga và cô em gái song sinh Mị Nga của cô.... 

Cuối cùng, qua bao nhiêu thủ tục, tôi cũng nhận được những thùng đại liên đồ cổ đó từ anh tài công người Công giáo mà cô Nga đã gởi gắm... Một thời gian sau, tôi được tin là công an Hàm Cá đã khui lại vụ phản động chống cách mạng và bắt cả hai chị em, và đày ra đâu cái trại gì mà nổi tiếng gian ác nhất ở Thanh Hóa, và tôi cũng nghe là hai chị em đều bị bệnh nặng trong tù. Thực ra, cũng chỉ vì mấy cái thùng đó mà lây lan ra cả. Cô Phi Nga coi vậy chớ cô vốn đau bao tử hồi nhỏ, chịu gì nổi... Ðêm đêm nốt ruồi duyên của cô Phi Nga cứ thấp thoáng trong phòng tôi như vết thương còn tươi...” Rồi cha bưng mặt khóc: ”Ô, Vietnam, Terra cara mea, cur nostros liberos ediste? Nostros liberos! Nostros liberos! (Ôi, Viêt Nam, Quê hương yêu dấu của tôi, cớ sao Người ăn tươi nuốt sống những đứa con của chúng ta? Những đứa con của chúng ta! Những đứa con của chúng ta!)” Vai gầy rung rung, tóc bạc rưng rưng. 

Rồi cha ngẩng đầu dậy, quyệt nước mắt, chỉ tay vào phòng trong: 

“Tôi còn vứt một đống trong phòng kia kìa, cho nên trong cuộc triển lãm vừa rồi ở Viện Bảo Tàng Guimet người ta bảo là từ sau thế kỷ 19 không có một phát hiện nào mới về văn hóa Chàm là vì lẽ ấy.”

Oslo, 17 VII 06
Nguyễn Văn Thà

Chú thich:

(1) Georges Bernanos, trích từ Envoyer à un Ami.

(2) ThơchữHán của Nguyễn Du.

(4) ThơChàm của Jimmy Trần, bài Umat po: Chúng sinh.

(5) Hoađại: bông sứ, người chàm gọi là Champa, cũng là tên Nước.