25 April 2019

ĐỌC “ĐỐT LỬA NGHE SƯ ĐÀN” CỦA NGUYỄN XUÂN THIỆP - Khuất Đẩu


Hình minh họa, INA FASSBENDER/AFP/Getty Images
Cách đây khoảng 10 năm, tôi nhặt được đâu đó tập truyện và những đoản văn của Lâm Chương. Sách được xuất bản tại Mỹ, nhưng photocopy tại Việt Nam. Sau trận phần thư và đưa một số nhà văn đi cải tạo, thì việc lưu truyền một tác phẩm từ một người tù cải tạo là cực kỳ nguy khốn. Nhớ trước đây, Hoàng Hưng chỉ giữ một bản chép tay tập thơ của Hoàng Cầm mà phải bị tù đến mấy năm. Thì ai đó xem xong rồi xóa dấu vết bằng cách thải vào đống ve chai cũng là chuyện thường ngày.

Chính trong tập truyện nhàu nhò bị kết tội là phản động ấy, tôi đã đọc được bài thơ rất dị thường của Nguyễn Xuân Thiệp. Lâm Chương kể:” Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp có bài Đốt lửa nghe sư đàn. Đọc lên cứ nghe rờn rợn. …mùa đông rét mướt, áo quần không đủ che thân…lạnh quá không ngủ được, tù ngồi hơ tay bên đống lửa…” 

Bài thơ ấy mà chỉ cần một câu lọt đến tai ban quản giáo là coi như tác giả sẽ được cọng thêm nhiều năm trong con số năm đã cao chất ngất của mình! Đó là chưa nói tới hình phạt cùm chân tức thời, e rằng đã vùi thây đâu đó bên bờ suối. 

Bài thơ mở đầu bằng những chữ khô cứng, dù đứng cạnh nhau thành câu sáu, bảy chữ nhưng vẫn rạc rời như những đốt xương vỡ vụn vừa bốc lên từ mộ sâu: 

đốt lửa. chừng như người qua khe
mùa đông. tím. những nương mưa
đốt lửa bên trong lán suối
mưa. mưa trên con đường núi
có ai tìm vầng trăng mọc khuya
rét .đói. sầu miên. đất. đá. gỗ
đầm sấu hoang. lau thắp. bến chờ 


Bạn hãy nhìn cho kỹ những dấu chấm ở hai câu cuối. Những dấu chấm bé nhỏ, lặng lẽ, đã biến những từ và cụm từ trở thành mồ côi, nếu không muốn nói là bị giam cứng trong ngục tù. Có thể tin rằng đó là thân phận của những người tù, dù biết nhau nhưng không dám nhìn nhau. Trước 75 những người viết văn và làm thơ ai chẳng biết Tô Thùy Yên nổi tiếng với những bài thơ tự do, vậy mà, mãi sau này khi ra tù Lâm Chương mới biết cũng là một trong những người “rét.đói.sầu miên” ngồi nghe sư đàn. 

Đốt lửa được lập lại hai lần, nhưng những câu thơ vẫn lạnh ngắt, vì mưa. mưa. mưa…mưa đến nỗi mùa đông tím. Chữ tím ở đây không lãng mạn như màu tím hoa sim của Hữu Loan, mà là tím tái (vì đói và lạnh) và tím gan tím ruột (vì uất hận). Đói.rét.sầu miên…nhưng lạ lùng làm sao, những người tù miền nam vẫn thao thức “tìm vầng trăng mọc khuya”. Đó là chút lãng mạn rất người vẫn còn sót lại của những kẻ bị cướp tất cả, bị đày đọa xuống tận cùng của cái ác! 

Chính vì vậy mà tiếng đàn của nhà sư mặt ốm bỗng rộ lên vừa hư ảo vừa thắm thiết lạ thường. Nửa như tiếng của quỷ ma, nửa như tiếng của tù thổn thức. 

sư ngồi đàn như cây trăm năm …cây đàn gỗ xưa như mặt trăng …năm ngón tay gầy như chim ưngbật dây.rỏ máu.hoàng hôn rừnggọi những mùa đi không trở lạiđàn qua.tiếng buồn trong lau sậygió thu đưa võng. ai chờ ai 

Nhà sư này là ai vậy? Có phải nhà sư ở Hàn Sơn Tự, không đánh chuông mà lại gảy đàn? Không. Nhà sư này cũng là một người tù! 

kể từ sư rũ áo đi đàycái tâm mây nổi. trăng thiền đạocuồn cuộn trường giang sóng lục đầu

Một nhà sư thoát tục đến như vậy mà muốn sống đành phải: 

đầm cỏ nước in thân cò vạcbắt cua.vồ nhái. ngày qua ngày

Để rồi: 

đêm đêm ôm đàn trong xó tối.

Người đàn “bật dây.rỏ máu” còn người nghe thì sao? 

người nghe đàn khơi đỏ lửa khuya
tóc râu tiền kiếp đầm hơi mưa


Bảy chữ câu sau vẽ nên hình hài vừa bi vừa tráng của những người tù. Giống như ba ngàn tân khách tóc dựng ngược khi nghe Kinh Kha hát “tráng sĩ hề nhất khứ bất phục phản!” 

Tiếng đàn khiến họ “bỗng thấy sân nhà cây sứ gãy/ năm cửa ô quan ngấn lệ mờ/ những nẻo chiều sương người rách rưới/những mái nhà mưa xoi nắng rọi/ lọ rơi. sành vỡ.lục cục âm…” 

Khi tiếng đàn của nhà sư mặt ốm khiến “gỗ nổi. đá lăn.trâu bứt gốc/hồn u. mả tối./rạng tiếng Ngư Dương thơ quỷ đọc…” 

Nhưng khi tiếng đàn dứt, hãy còn nghe “tiếng đàn trôi trong hương lá xanh” và trông thấy tiếng “đàn ngân. cánh chim soi trên đầm” Thanh bình làm sao! Bát ngát làm sao! Những người tù quên “đói.rét.sầu miên” quên những ngày dài ô nhục, tưởng chừng “mặt đất vừa qua cơn mộng dữ” để mơ thấy “từ trong động ấy giờ trăng mọc/ ánh trăng chảy vàng trăm cửa sông”. 

Nhà sư mặt ốm kia dù “bắt cua.vồ nhái” qua tiếng đàn như “mưa thu rơi trong trăng” đã giải thoát cho chính mình và liễu ngộ được cái chúng sinh tù tội đang ngập chìm trong khổ đau cùng tột. 

Bài thơ chẳng những dị thường về ý mà còn dị thường về những hình ảnh. “tím những nương mưa”, “cây đàn gỗ xưa như mặt trăng. gốc cây cháy như đầu thiên cổ. huyễn huyễn củi tàn màu kinh xưa”. 

Và rất nhiều câu thơ đẹp: 

cái tâm mây nổi trăng thiền đạo cuồn cuộn trường giang sóng lục đầu sư ngồi đàn như cây trăm năm hơi đàn trôi trong hương lá xanhánh trăng chảy vàng trăm cửa sông… 

Thử nghe lại tiếng đàn trong những áng thơ cổ. Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu: “đàn kêu tích tịch tình tang/ai đem công chúa lên thang mà về”. Tiếng đàn kể công chẳng có chút gì là mã thượng. Với Nguyễn Du, ba lần Kiều đàn là ba tâm trạng khác nhau. Lần đầu khiến Kim Trọng phải “khi vò chín khúc khi chau đôi mày”. Lần thứ hai trước Thúc Sinh thì “bốn dây như khóc như than/ khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng”. Lần thứ ba với Hồ Tôn Hiến: “một cung gió thảm mưa sầu/bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay”. Đúng là : “rằng hay thì thực là hay/ nghe ra xưa cũ mượn vay thế nào!” 

Trong khi, tiếng đàn của nhà sư trong đêm đốt lửa tuy có mượn của Nguyễn Du mấy chữ “bật dây. rỏ máu”, nhưng so những câu “tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa” với “dạo đàn.mưa thu rơi trong trăng/ tiếng mau. chim bay qua mùa đông” thì thực hoàn toàn khác xa, nếu không muốn nói mới lạ hơn, hay hơn. Còn như “ve ngâm vượn hót nào tày” mà so với “đàn ánh thép xanh gươm phạt trúc/gỗ nổi.đá lăn.trâu bứt gốc/hồn u mả tối đây là đây/rạng tiếng Ngư Dương thơ quỷ đọc”, nếu cụ Nguyễn Du có sống lại cũng phải khen Nguyễn Xuân Thiệp là tài. 

Có một tiếng đàn được coi là hay nhất cổ kim, ấy là tiếng tì bà trên bến Tầm Dương của một kỹ nữ về già phải kết duyên cùng khách thương. Tiếng đàn ấy làm cho Tư mã Giang châu phải lệ đầm áo xanh vì cảm phận mình đi vào nơi đất trích. Nhưng đó là một bối cảnh hết sức lãng mạn, có ánh trăng, có hơi thu và nhất là tiếng đàn của một kỹ nữ đẹp tuy không còn trẻ. Tiếng đàn ấy đương nhiên là mênh mang bát ngát. 

Còn nhà sư rũ áo đi tù, cùng với những người tù đói rét, trong đêm tối đốt lửa, bối cảnh hoàn toàn khác, có thể nói là cực kỳ trái ngược. Chính vì vậy mà tiếng đàn ấy không chỉ nói lên một phận người mà hàng vạn người, rộng hơn là tiếng kêu đứt ruột của mấy chục triệu người miền Nam. 

Lâm Chương bảo: “ Nguyễn Xuân Thiệp thai nghén và làm bài thơ này từ năm 1977 đến 1988. Mười một năm ròng rã, dốc hết tâm huyết cho một bài thơ đầy nội lực”. Chỉ một bài này thôi cũng đủ phơi bày hết cả cái Nhân, cái Bi, cái Trí và cái Dũng của Nguyễn. 

Xin được ngã mũ kính chào. 

Khuất Đẩu