13 April 2019

TU LÀ CỘI PHÚC – TÌNH LÀ DÂY OAN - Phạm Khắc Trung



1.
Hiểu theo nghĩa bình dân thì “tu” là một động từ, có nghĩa là uống bằng cách dốc chai hay bình cho chất lỏng chảy vào miệng, và người tu chỉ nuốt xuống thôi chứ không phải làm bất cứ động tác nào khác. Trường hợp phải dùng lực tác động vào để uống thì gọi là bú, hoặc mút.

Khi hiểu “tu” là uống như vậy, đa phần người ta lại mường tượng đến “chai bia”. Mà đã “tu bia” thì khỏi cần bàn, bởi kết quả đã chứng minh hết sức rõ ràng rằng “tu là cội phúc”:

Trong đợt khủng hoảng tài chánh toàn cầu 2007-2008, khởi đầu từ giữa năm 2007, những tổ chức tài chính đầu tiên của Hoa Kỳ liên quan đến tín dụng nhà ở thứ cấp bị phá sản, giá chứng khoán bắt đầu rơi rụng dần. Cho tới tháng 08 năm 2008, khi cổ phiếu của một số công ty lớn và giàu có ở Canada và Hoa Kỳ bị tuột dốc không phanh, thì tin tức về lợi ích của việc “tu chai” được truyền nhanh trên mạng Internet (trích):
“Nếu bạn đã mua $1,000.00 cổ phiếu của Nortel một năm trước, thì bây giờ nó sẽ có giá trị $49.00.


Với Enron, bạn sẽ còn lại $16.50 so với $1,000.00 ban đầu.
Với WorldCom, bạn sẽ chỉ còn ít hơn $5.00.
Với cổ phiếu Delta Air Lines, bạn sẽ còn lại $49.00.

Nhưng nếu bạn đã mua bia hoặc rượu trị giá $1,000.00 một năm trước, uống hết bia hoặc rượu, sau đó gom vỏ chai hoặc lon để tái chế biến, bạn sẽ được hoàn lại $214.00.
Dựa vào những dữ liệu thiết thực nêu trên, lời khuyên tốt nhất để đầu tư hiện nay là uống thật nhiều và tái chế biến vỏ chai.
Hãy thông tri cho những người bạn quan tâm biết đến… và khuyên họ nên bắt đầu ngay!!!” (ngưng trích)
Sẵn nổi danh là quốc gia có lắm anh hùng và đầy óc sáng tạo, lại may mắn được lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của đảng cộng sản Việt Nam, dĩ nhiên Việt Nam ta mau chóng đón đầu những sáng kiến mới mẻ của thế giới và giành được những thành tựu mới, to lớn và vẻ vang hơn. Báo cáo Quốc Hội sáng 09/11/2018, Bộ Trưởng Y Tế, Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ở mức cao và xu hướng gia tăng nhanh, cụ thể, năm 2017, người dân tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu, tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương với 161 triệu lít cồn. Bình quân mỗi người dân tiêu thụ khoảng 42 lít bia. Việt Nam là nước tiêu thụ lượng bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc”.
Nhờ tiêu thụ lượng bia cao nhất Đông Nam Á, mọi việc đã có đảng lo, người Việt Nam ta gác thế sự qua một bên, vui thú say sưa cho quên nỗi nhục nhằn và được xếp hạng thứ Nhì trong bảng xếp hạng Chỉ Số Hạnh Phúc Hành Tinh (HPI), do Quỹ Kinh Tế Mới (NEF), trụ sở tại Luân Đôn (Anh Quốc) xếp hạng:
“Tu là cội phúc!” Hãy thông tri cho những quốc gia nghèo khổ, bị áp bức trên thế giới biết đến… và khuyên họ nên bắt đầu ngay!!!

2.
Hiểu theo nghĩa thông thường thì “tu” trong câu “tu là cội phúc” hàm ý “tu chùa”, là hành động xuất gia vô chùa, xuống tóc quy y, mặc nâu sồng tụng niệm kinh Phật và tuân thủ quy luật nhà chùa.

Trong một clip video thuyết pháp, thầy Thích Pháp Hòa kể một câu chuyện dí dỏm dễ đưa đến sự hiểu lầm, lẫn lộn giữa “tu chùa” và “tu chai”, đại khái như sau: Trong một trưa hè nóng bức, một vị sư đi khất thực ghé vào nhà một chúng sinh xin nước uống. Cô chủ nhà vội vàng mang chai nước lọc ra cúng dường nhưng vì sơ ý nên quên mang theo ly, cô thưa với nhà sư: “Thầy cầm chai nước, con vô lấy ly!” Vị sư đang khát khô họng mới mở vội nắp chai tu một hớp thấm giọng, rồi cản lại: “Đừng lấy, để thầy tu!” Cô chủ nhà cố kèo nài: “Thầy đừng tu, để con lấy!”
Câu chuyện khôi hài nhưng phần nào nói lên tính cách dễ dãi trong việc tu hành của Đạo Phật. Đây là một trong những đặc điểm nổi bật của Phật Giáo so với những tôn giáo khác: Tu là con đường giải thoát dành cho tất cả chúng sinh, không phân biệt bất cứ ai và bất cứ loài nào, đó là con đường thênh thang rộng mở để chúng sinh tự ý chọn lựa và quyết định đi tới chân lý, tất cả chúng sinh đều bình đẳng và hoàn toàn có thể trở thành Phật, Phật đã khẳng định: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.
Không như những tôn giáo khác, Phật Giáo không có đấng tối cao, Phật là danh từ chung để gọi một người đã giác ngộ, đạt tới cảnh giới giải thoát, ra khỏi Luân Hồi. Giáo lý của Phật Giáo không phải do Phật sáng tạo ra mà là chân lý khách quan, Phật chỉ là người phát hiện, dấn thân và chứng đắc để rồi truyền dạy lại cho chúng sinh cách thức để tự giải thoát. Phật không có quyền năng để ban phước hay giáng họa cho ai hết, phước hay họa là do chính mình tạo ra, một khi đã đủ nhân duyên thì chính mình phải nhận lấy phước hay họa ấy. Phật chỉ là người chỉ đường, còn đi được bao xa là tùy vào sự tu tập của riêng từng người chúng ta.
Có câu chuyện kể rằng, một cậu bé có cha vừa chết, nghe tin Phật đang thuyết giảng ở làng kế bên, cậu tất tả chạy tới xin Phật ra ơn tụng niệm để cứu vớt linh hồn cha cậu được thăng lên trời. Phật vui vẻ nhận lời và bảo cậu bé ra chợ mua hai cái ché bằng sành có nắp đậy. Cậu bé mừng rỡ chạy ra chợ mua ngay mang về. Phật lại bảo cậu bé bỏ mỡ trừu vào một cái ché, và đá cục vào ché thứ hai rồi đậy nắp cho chặt và thả cả hai ché xuống ao. Xong đâu đấy, Phật bảo cậu bé cầm gậy lặn xuống đáy ao đập bể cả hai cái ché, cậu bé nghe lời làm đúng như lời Phật dạy, kết quả là trên mặt nước nổi lên một lớp mỡ trừu. Bấy giờ Phật lại sai cậu bé đi thỉnh tất cả tăng ni trong làng đến tụng niệm cho mỡ trừu chìm xuống đáy ao và những cục đá nổi lên mặt nước. Chú bé ngơ ngác gãi đầu nói, điều đó không thể xảy ra. Bấy giờ Phật mới xoa đầu cậu bé và ôn tồn bảo: “Nếu nghiệp của cha cậu nhẹ, nó sẽ như mỡ trừu nổi lên mặt nước. Nếu nghiệp của cha cậu nặng, nó sẽ như hòn đá chìm xuống đáy ao. Không ai có thể tụng niệm làm thay đổi chân lý ấy cả!”
Cái chân lý mà Phật nói là một định luật khách quan, tự nhiên của trời đất. Đã là định luật thì dù con người không thể thấy, không thể lý giải, thậm chí không tin đi nữa, thì định luật ấy vẫn vận hành một cách tự nhiên, xuyên suốt thời gian, vũ trụ và chi phối toàn thể vạn vật.
Đạo Phật giải thích rằng mọi sự việc đều là kết quả từ nguyên nhân đã gây ra trước đó. Rồi sự việc đó lại sẽ là nguyên nhân tạo nên kết quả sau này. Các sự việc liên tiếp tương tác nhau theo định luật hạt giống, nghĩa là nhân nào thì sinh quả đó, và vận hành theo nguyên lý duyên khởi trùng trùng phức tạp.
Nhân có khi còn gọi là Duyên hay Nghiệp, và một khi đã gieo Duyên hay gieo Nghiệp thì ắt sẽ gặt được Quả tương xứng, đó là điều hết sức hiển nhiên của luật hạt giống, tỷ như mình gieo một hột đào, dĩ nhiên sẽ mọc lên cây đào và cho ra trái đào, chứ không thể là cây táo và cho ra trái táo được… Tương tự, nếu mình gieo “duyên thiện” hay “nghiệp thiện”, mình sẽ gặt được “quả thiện”; nếu mình gieo “duyên ác” hay “nghiệp ác”, dĩ nhiên mình cũng gặt được “quả ác” mà thôi.
Từ Nhân đến Quả là một quá trình. Quá trình này dài hay ngắn lệ thuộc vào yếu tố Duyên tác động vào mà hình thành nên Quả. Nếu điều kiện thuận lợi, duyên sẽ tác động để hình thành nên quả nhanh hơn dự kiến, gọi là “thuận duyên”. Ngược lại, nếu điều kiện bất lợi, duyên sẽ trì hoãn làm quả tới chậm hơn, đôi khi bị triệt tiêu, thì gọi là “nghịch duyên”. Cần lưu ý, chữ “Duyên” được dùng rất nhiều và mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong Kinh Phật. Thí dụ trong câu này, “duyên” không còn mang nghĩa “nguyên nhân” ở trên nữa, “duyên” ở đây là lực tác động vào quá trình hình thành nên Quả.
Cũng cần lưu ý thêm, nhiều chữ dùng trong Kinh Phật không mang ý nghĩa thông thường như người ta thường hiểu, thí dụ như chữ “Ái”, là lòng tham, lòng ham muốn xuất phát từ Vô Minh, chứ không phải là “yêu thương” như nghĩa thông thường. Bởi vậy, có người giải thích “diệt ái” là “hủy diệt yêu thương” là ngược với mục tiêu phát triển tình thương và lòng từ bi của Nhà Phật.
Ứng dụng nguyên lý Duyên Khởi làm quy luật giải thích sự vận hành của “nhân quả đạo đức” như sau: Các nhân cùng loại nhưng trái chiều sẽ tương tác, bù trừ nhau, cái nào mạnh hơn sẽ trổ quả sau khi bù trừ xong. Thí dụ về nghiệp tuổi thọ của một người, thiện nghiệp (trồng cây, phóng sanh, cứu mạng người khác) và ác nghiệp (sát sanh, giết người) đã gieo sẽ bù trừ nhau, nếu ác nghiệp nhiều hơn thì người đó sẽ nhận phần ác nghiệp sau khi đã được trừ với thiện nghiệp, bị bệnh tật hoặc tai nạn làm giảm tuổi thọ.
Như vậy, quy luật vận hành của “nhân quả” trong giáo lý Phật Giáo giống như nguyên tắc Vector trong toán học, hay nguyên lý về lực trong vật lý với khái niệm về sự đẩy và kéo: Cùng chiều thì hỗ tương, trái chiều thì triệt tiêu, và kết quả theo hướng của đại lượng lớn hơn. Thí dụ 1: Lực đẩy là East 15 và lực kéo là West 8, thì lực kết quả sẽ cùng chiều với lực đẩy là East 7 (15-8).
Thí dụ 2: Giả sử lực đẩy ban đầu là 15 và di chuyển theo hướng East. Bây giờ người ta tác động vào đấy một lực kéo trái chiều là West 20, thì kết quả sẽ di chuyển trái chiều với lực đẩy ban đầu là West 5.
Ai cũng biết vật lý là một khoa học tự nhiên, và toán thì luôn chính xác. Áp dụng nguyên tắc Vector và nguyên lý về lực, rằng người ta có thể thay đổi chiều chuyển động bằng cách tạo ra một lực trái chiều có đại lượng lớn hơn (như thí dụ 2) để giải thích học thuyết “nhân quả” dựa trên kinh tạng nguyên thủy của Phật Giáo, làm rõ điều lý giải rằng, nghiệp đã gieo có thể chuyển được do gieo nhân mới đối lập với nhân cũ. Thí dụ một người đang mang nghiệp ác (do nghiệp ác đã gieo từ kiếp trước từ cái nhân ác). Kiếp này người ấy tu tâm sửa tánh, dốc tâm làm việc thiện, tức là người ấy đang gieo nhân mới là thiện, đối lập với nhân cũ là ác. Những nhân thiện người ấy đang gieo sẽ tích lũy lên và triệt tiêu dần nghiệp ác cũ, đến một lúc nào đấy, nghiệp thiện sẽ vượt qua làm đổi chiều, tức người ấy đã chuyển được nghiệp rồi vậy.
Theo quan niệm của Nhà Phật, tu là quá trình gieo thiện duyên để chuyển nghiệp, tạo nên nghiệp mới (nghiệp ở đây có nghĩa là thành quả), với mục đích nhằm giải thoát, giác ngộ. Tu nghĩa là không ngừng cải cách, sửa chữa, trau giồi…, mọi cố gắng cải sửa cái xấu và cách tân cái tốt đều gọi là tu. Như vậy, khi nói “tu là cội phúc”, là điều hết sức hiển nhiên, rất khó bác bỏ!

3.
Trong đời, phần lớn chúng ta gặp một người mà ta yêu thương say đắm, một người mà trong suốt cuộc đời này ta chẳng thể quên.

Cũng có khi, một người nào đó chỉ lướt ngang qua, ngay tức khắc ta nhận ra rằng sự có mặt của người đó có ảnh hưởng to lớn đến cuộc đời ta.
Luật hấp dẫn giải thích những trường hợp trên là do những người có đồng thanh khí và giống nhau về tâm tình, tính chất…, nên có khuynh hướng tụ hợp, gần lại với nhau: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, đồng bệnh tương lân”.
Tuy nhiên, luật hấp dẫn không giải thích được trường hợp những kẻ thù nghịch, tâm tính đối chọi nhau, lại kết hợp bên nhau, và trong nhiều trường hợp, lại hạnh phúc dài lâu.
Phật Giáo cho rằng tất cả là do duyên phận của chúng sinh được hình thành từ thuyết Nhân Quả. Mọi việc xảy ra đều là thành quả từ nguyên nhân đã gây ra, không có gì gọi là tình cờ hay may rủi. Phật nói: “Tu trăm kiếp mới chung thuyền, tu ngàn kiếp mới chung chăn gối, kiếp trước ngoái đầu 500 lần đổi lại kiếp này 1 lần gặp gỡ”.
Những người hữu duyên dù mới quen biết nhưng lại hiểu thấu nhau, hài hòa với nhau, yêu nhau như khắc cốt ghi tâm trong mối chân tình cao đẹp. Đã có duyên từ muôn kiếp trước nên kiếp này mới gặp được nhau và yêu nhau, hãy trân trọng và cố giữ lấy người và duyên chứ đừng nên bỏ lỡ, Phật dạy rằng: “Bởi yêu khắc cốt ghi tâm mà cảm thấy cuộc đời như mơ, kiếp trước ngoái đầu nhìn 500 lần mới đổi được 1 lần gặp mặt ở kiếp này, đừng bỏ lỡ”.
Người đời thường nói: “Duyên do trời định, phận do nhân định”.
Những ấn tượng và dấu hiệu ban đầu khi gặp nhau cho thấy mức độ phù hợp để dẫn đến tình yêu giữa hai người thì gọi là duyên.
Quyết chí để đến với nhau và ở bên nhau thì gọi là phận.
Nói rằng phận do người định vì đó là mức độ hợp tác để giải quyết những vấn nạn phát sinh khi chung đụng giữa hai người. Mỗi giải quyết là một duyên mới mà chúng sinh gieo, trong nỗ lực chuyển nghiệp duyên phận của chúng sinh ấy.
Đời là vô thường, mọi việc đều thay đổi theo thời gian, tính tình và sở thích của con người cũng thay đổi, bởi thế mà muốn nắm giữ tình yêu, muốn bảo vệ hạnh phúc lâu dài, muốn duy trì lòng quý trọng, yêu thương nhau…, thì phải biết đổi theo thì, bằng cách hợp tác chặt chẽ để cùng nhau đối thoại nhằm giải quyết những vấn nạn phát sinh. Bằng như có phải cách xa cũng đừng oán hận, đừng hy vọng người sẽ bớt đi những toan tính và đối xử đặc biệt với mình. Điều quan trọng là phải tạo ra sự an bình trong tâm thức mà tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân. Phật bảo rằng: “Thế giới biến đổi không ngừng, là yêu thì yêu, cùng ở một chỗ, làm nhau vui vẻ, đừng hỏi là kiếp hay duyên”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Việc tu hành đích thật không phải ở những nơi thờ phượng, mà là ở bên ngoài các nơi ấy, ở ngay giữa thế giới này, nơi mà chúng ta phải đối đầu với những cảnh huống của sự sống đích thật và chung đụng với những con người có thể gây ra mọi sự hận thù, thương yêu, thèm khát…”
Như vậy, tình là “cội phúc” chứ không phải “dây oan”, như người đời từng gán ép oan cho tình.

Phạm Khắc Trung