Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt bên cạnh
việc mở mang bờ cõi, đánh giặc ngoại xâm thì văn hóa là một phần không thể
thiếu của dân tộc. Nó vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của đất
nước. Đó là nét riêng, độc đáo tạo nên tính đặc thù của mỗi dân tộc mỗi quốc
gia không thể lẫn lộn vào đâu được. Xuyên suốt trong quá trình phát triển của
dân tộc Việt, nền văn hóa dần hình thành và phát triển, mang tính sáng tạo
và kế thừa để tạo nên nét văn hóa riêng và phong tục tập quán là thành phần chủ
đạo để tạo nên điều đó.
Mỗi năm bắt đầu vào mùa xuân như đời người bắt đầu từ tuổi trẻ. Cột mốc quan
trọng đánh dấu cho một năm mới bắt đầu là Tết Nguyên Đán. Tết Nguyên Đán là lễ
hội thiêng liêng và quan trọng, lớn nhất trong năm. Trong Tết có nhiều
phong tục tiêu biểu đặc sắc. Bắt đầu là lễ cúng Táo quân vào ngày Hai mươi ba
tháng Chạp âm lịch, đây là lễ cúng tiễn đưa ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc
trong mỗi gia đình lên chầu Ngọc Hoàng nhằm tâu lại những việc tốt xấu của gia
chủ suốt một năm qua. Lễ vật gồm có ba con cá chép cho ba vị Táo có phương
tiện về chầu trời. Nếu không có cá chép thật thì được thay thế
bằng cá chép giấy. Ngoài ra còn có mũ áo cho 3 vị táo quân và những
nhà có trẻ con thường cúng một con gà trống luộc, ngụ ý nhờ Táo quân xin với
Ngọc Hoàng cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang
như con gà cồ.
Dọn dẹp nhà cửa, sửa sang lại những thứ bị hư hỏng vào dịp Tết đến đó là công
việc mà nhà nào cũng làm và nó thành thông lệ vào mỗi dịp cuối năm, nhằm
tạo nên sự mới mẻ, sạch sẽ để đón một năm mới hanh thông thuận lợi và may mắn.
Gói bánh chưng, bánh tét trong mỗi dịp Tết là tục lệ phổ biến
nhất trải dài từ Bắc đến Nam, nhà nào dù khó khăn bận rộn cũng cố gắng nấu được
nồi bánh chưng hoặc bánh tét để ăn Tết. Người xưa quan niệm rằng bánh
chưng như trái đất thu nhỏ, có hình vuông tượng trưng cho đất, trong đó có lá
dong tượng trưng cho cây cỏ, có gạo nếp có đậu xanh tượng trưng cho ngũ cốc, có
thịt mỡ tượng trưng cho động vật. Cúng tất niên, đón tổ tiên là lễ cúng không
thể thiếu trong mỗi gia đình dân tộc Việt. Lễ cúng tiễn năm cũ, đón năm mới và
mời ông bà, tổ tiên về ăn tết cùng con cháu, báo cáo với tổ tiên những việc đã
làm và chưa làm được trong năm qua đồng thời cầu mong tổ tiên phù hộ sức khỏe,
may mắn, làm ăn thuận lợi trong năm tới.
Dựng cây nêu vào ngày Tết là một truyền thống tốt đẹp của người Việt tự
bao đời. Cây nêu thường là một cây tre, lồ ô hay
bương cao khoảng 5-6 mét, róc nhánh,
lá nhẵn nhụi chỉ chừa lại phần ngọn. Người ta tin rằng cây
nêu được dựng với ý nghĩa xua đi ma quỉ, mang lại may mắn
và thuận lợi cho năm mới. Xông đất và lì xì người đến đầu tiên trong năm,
tức là sáng mồng một Tết là một trong những tục lệ của ngày Tết Nguyên
Đán. Sau này gia chủ thường chọn và nhờ những người quen hợp mạng với gia đình
đến để xông đất đầu năm. Những người được nhờ thường khỏe mạnh, khí chất sáng
láng, đẹp đẽ.Theo quan niệm những người như vậy sẽ mang đến cho gia đình được
xông đất may mắn, hạnh phúc đủ đầy trong năm mới. Gia chủ thường bỏ một ít tiền
lẻ trong bao lì xì màu đỏ để lì xì cho người xông đất nhằm cảm ơn đồng thời
chúc người đó năm mới may mắn. Cũng vào sáng mùng Một Tết Nguyên đán, tất
cả con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc tết, chúc thọ cho ông bà, cha mẹ
mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại một phong
bao lì xì màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy hên và mang
lại niềm vui trong ngày đầu năm mới. Cắm hoa đào, hoa mai hay cành quất trong
dịp Tết cũng là một nét văn hóa không thể thiếu của người Việt. Nhiều gia đình
đi xin chữ, câu đối treo trước của nhà hay treo tranh của các làng tranh truyền
thống như tranh Đông hồ, tranh làng Sình…
Cộng đồng Việt Nam hiện có hơn 54 thành phần dân tộc khác nhau. Bản sắc
văn hóa của các dân tộc được thể hiện ở nhiều lĩnh vực trong đời sống, xã hội
qua các phong tục, tập quán mang tính đặc trưng, qua các lễ hội từ nhỏ đến
lớn trải dài từ Bắc vào Nam, miền xuôi lên miền ngược. Mỗi tập tục, mỗi lễ
hội mang một nét văn hóa độc đáo và đặc sắc riêng tạo nên sự phong phú, đa
dạng trong văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn dân tộc H’mông ở miền núi Tây
Bắc có tập tục cướp vợ, mỗi chàng trai Mông đến tuổi dậy thì (thường 13-15
tuổi) thấy cô gái nào cảm thấy ưng ý liền rủ một vài người bạn bắt cóc cô gái
đó về, nhốt trong nhà mình và mời thầy mo đến cúng trình ma xó. Sau khi thầy mo
cúng xong thì cô gái đó coi như đã là người nhà mình. Khoảng hai ba hôm sau cô
gái được thả để về nhà để báo với cha mẹ chuẩn bị làm lễ thách cưới và tổ
chức đám cưới cho hai người.
Cũng trên cao nguyên phía Tây Bắc, con gái các dân tộc thiểu số ở đây được
mẹ và bà dạy dệt vải từ nhỏ, họ tự trồng lanh và đan sợi, mỗi người con gái
phải tự may cho mình những bộ váy áo, may chăn và nệm trước khi về nhà chồng.
Con gái dân tộc Thái đến tuổi cập kê đã biết tự tay làm cho mình những quả Còn
ngũ sắc. Quả Còn là cái túi vải nhỏ được may bằng vải thổ cẩm, xung quanh có
đính tua rua bằng chỉ xanh đỏ nhiều màu sắc và được nối với sợi dây dài. Mỗi
dịp Tết đến trai gái bản làng thường tụ tập ở bãi đất trống đầu bản để tung
Còn. Thường một nam một nữ tung qua tung về…và nhiều duyên chồng vợ đã bắt đầu
bén duyên từ những buổi tung Còn.
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nó đã đi vào tiềm thức của con người Việt.
Ở Bắc Ninh, quê hương của quan họ, mỗi lần có lễ hội hay
dịp tết đến xuân về đó là dịp các liền anh liền chị gặp gỡ và hát quan họ đối
đáp trao duyên. Có thể là ở sân đình hay trên bến dưới thuyền, “liền anh” (người
hát nam) trao đi câu hát và các “liền chị” (người hát nữ) hát đáp lại, cuối
buổi hát giao duyên họ mời nhau những miếng trầu cánh phượng và hát câu giã
bạn “đợi đến hẹn lại lên”.
Hát Xoan ở Phú Thọ, hát Ví dặm ở Nghệ An hay hát sắc bùa, hát Hò khoan ở Lệ
Thủy, hát ru Quảng Trị hay ca thính phòng ở Huế đều có những nét đặc trưng
riêng. Mà tiêu biểu là ca thính phòng ở Huế, gọi nôm na là ca Huế. Ca Huế trước
đây thường được ca nương hát cho thính giả nghe trong phòng (ca thính
phòng), ngày xưa vốn là lối hát cung đình trong cung vua
phủ chúa với hình thức diễn xướng mang tính bác học dành cho bậc vương giả say
mê nghệ thuật. Theo thời gian thì lối hát này dần được dân gian hóa để có điều
kiện đến với các tầng lớp công chúng. Mỗi lần du khách đến với Huế,
ngoài việc được thưởng thức những món ăn ngon đặc thù xứ Huế thì ca Huế
chính là món ăn tinh thần mà không ở nơi nào có được. Không gian thưởng thức có
thể trong thính phòng hay trên chiếc thuyền rồng trôi lững lờ trên dòng Hương
giang. Khi giọng ca cất lên làm cho tâm hồn chúng ta lắng đọng lại, bồng bềnh,
miên man… Ca Huế có rất nhiều làn điệu, những bản ngự, những điệu lý mượt
mà, da diết đã khiến không ít tao nhân mặc khách say mê.
Xuôi theo đường vạn lý đi vào đằng trong thì chúng ta gặp một thú giải
trí đặc trưng của miền Trung là Bài Chòi. Đây là một lễ hội văn hóa truyền
thống, vừa là trò chơi dân gian vừa là loại hình nghệ thuật dân ca đặc sắc của
khu vực Trung bộ từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận. Lễ hội Bài Chòi thường
được tổ chức vào ngày mồng 1 Tết, nhưng hiện nay, lễ hội không chỉ
diễn ra trong những ngày đầu xuân mà còn kéo dài cả tháng Giêng, hay trong các
dịp lễ hội truyền thống khác. Nét độc đáo của trò chơi bài chòi là ở việc
xướng những câu ca dao, tục ngữ, hò, vè, kể những câu chuyện trong dân gian có
nội dung ý nghĩa tương ứng với tên gọi của mỗi con bài được rút ra.
Mỗi miền đất nước có những loại hình nghệ thuật dân ca khác
nhau. Miền Bắc có hát ả đào, hát quan họ, hát chèo, miền Trung
có ca Huế, Bài Chòi, Nam bộ có cải lương, đờn ca tài
tử. Nếu Cải lương là bộ môn sân khấu được công chúng miền Nam mê
thích nhất thì đờn ca tài tử một loại hình nghệ thuật dân
gian gắn liền với lịch sử hình thành và cuộc sống con người miền Nam bộ.
Ở miền Tây sông ngòi kênh rạch dày đặc nên những gánh hát thường đóng trên
ghe để thuận tiện đi lại đồng thời biến ghe hát trở thành sân khấu biểu diễn.
Cải lương là bộ môn nghệ thuật diễn xướng duy nhất và đặc trưng của cuộc sống
lênh đênh vùng sông nước, nó là món ăn tinh thần cho bà con sau những ngày
lao động mệt nhọc. Khi giọng ca của “kép hay đào” cất lên, lòng người như đồng
điệu mọi mệt mỏi ưu phiền như tiêu tan.
Trong khi đó đờn ca tài tử được xem như một loại nhạc thính phòng, chủ yếu
được biểu diễn trong các tư gia hay các hội hè với một số khán giả giới hạn.
Tuy nhiên theo thời gian và sức hấp dẫn của giòng nhạc này mà ngày nay đờn ca
tài tử được sân khấu hóa và thương mại hóa để phục vụ công chúng. Ban đờn ca
tài tử thông thường gồm 4 nhạc công và một ca sĩ. Nhạc cụ trình diễn gồm có đàn
kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam, sáo, tiêu, song loan. Sau này có
thêm đàn ghi ta phím lõm, Hạ Uy Cầm….
Ca Trù miền Bắc, Bài Chòi miền Trung và Đờn Ca Tài Tử miền Nam được UNESCO
công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Tạm xa miền Tây sông nước, lên với vùng Tây Nguyên lộng gió. Nơi đây là vùng
đất cao nguyên đầy nắng và gió, với các dân tộc thiểu số nên phong tục và tập
quán của họ cũng khác. Nơi đây là địa bàn cư trú của tộc người Êđê, Giarai,
Bana và gần bốn mươi tộc người khác. Hàng năm sau mỗi mùa rẫy, bà con các dân
tộc thiểu số trên cao nguyên đầy nắng và gió này lại tổ chức lễ hội thần Ndu và
các vị thần khác nhằm tạ ơn các vị thần đã phù hộ, độ trì cho bà con dân
làng trong một năm qua làm ăn được mùa, con cháu khỏe mạnh. Đó chính là lễ
Sơ-rơpu ( ăn trâu) mà người miền xuôi vẫn thường gọi là Tết thượng hay “lễ đâm
trâu” được tổ chức từ tháng mười hai cho đến tháng ba âm lịch. Để chuẩn bị cho
tục đâm trâu, những thanh niên trai tráng của buôn làng sẽ vào rừng chặt bốn
cây to bằng bắp chân, cao vài thước và bốn cây lồ ô đem về. Sau đó
họa khắc lên các cây và các ngọn lồ ô những hoa văn và họa tiết đặc trưng
cho văn hóa tâm linh, địa hình kỳ bí và tín ngưỡng nơi đây…Họ dắt một con trâu
đực khỏe mạnh đã chọn từ trước đem cột vào cột cây “gingga” trước sân nhà Rông.
Một cây lồ ô tượng trưng cho tay thần, cắm cao ở giữa, trói thêm một con heo
lớn áp vào cột để chứng tỏ sự trù phú của buôn làng. Chủ trì ngày hội đâm trâu
là một già làng đứng nghiêm trang bên cột đang buộc con trâu. Sau lưng ông là
nam thanh nữ tú và giàn nhạc cồng chiên. Sau lễ cúng nghi thức đâm trâu được
tiến hành. Người ta dùng máu và thịt trâu để cúng thần linh sau đó chia cho dân
bản cùng ăn rồi múa hát, uống rượu cần, đốt lửa và đánh cồng chiêng thâu đêm.
Khi nhắc đến Tây Nguyên không thể bỏ qua lễ hội cồng chiêng. Cồng chiêng
được làm bằng đồng thau, tròn và to bằng cái mâm, cồng có núm và chiêng không
có núm tượng trưng cho âm và dương. Cồng chiêng sau khi được đúc xong sẽ do một
người thạo nghề thẩm âm. Trong mỗi dịp buôn làng có lễ hội thì cồng chiêng được
người ta đánh quanh đống lửa hồng, âm thanh vang vọng trầm hùng khắp núi rừng
sâu thẳm.
Trong cuộc sống sinh ra thì phải chết đi đó là quy luật của thiên nhiên tạo
hóa. Tục làm nhà mồ và tượng mồ cho người chết là một tập tục xa xưa,
một mảng văn hóa đặc sắc cổ truyền của dân tộc Tây Nguyên. Họ quan niệm khi
chết thì linh hồn cần được chở che dưới mái nhà và chia của cải, dụng cụ lao
động hằng ngày. Nhà mồ được xây trùm lên nấm mộ, mái lợp tranh hay lợp ngói.
Các tượng nhà mồ được đẽo từ cây rừng mô tả cuộc sống sinh hoạt hằng ngày
của người đã mất. Tượng nhà mồ là một nghệ thuật độc đáo của dân tộc thiểu
số.
Theo đà phát triển của xã hội và sự thay đổi về nhận thức mà một
số tập tục không còn phù hợp với nếp sống văn hóa, trào lưu văn
minh hiện tại. Lễ hội đâm trâu, chém lợn đã bị các tổ chức xã hội cấp
tiến, các hội bảo vệ súc vật lên án là man rợ và tàn bạo. Nhưng ngược lại, bây
giờ với cuộc sống đầy giành giựt, bon chen trong một xã hội mà giá trị tinh
thần bị xem nhẹ hơn những giá trị vật chất khiến một số phong tục, tập quán
truyền thống tốt đẹp đang bị quên lãng hay mai một dần. Nhiều đình chùa bây giờ
không còn là nơi để thờ phượng, chiêm bái mà là nơi người ta đến để cầu danh
lợi, buôn thần bán thánh. Ngày Tết Nguyên Đán và các lễ hội dần dần mất đi ý
nghĩa truyền thống thiêng liêng và bản sắc văn hóa dân tộc.
Các cộng đồng dân tộc thiểu số cũng chịu những hệ quả tương tự. Do sự thay
đổi môi trường, sinh hoạt trong đời sống mà một số tập tục, văn hóa truyền
thống tốt đẹp của các đồng bào thiểu số cũng đang có nguy cơ bị biến dạng hay
biến mất. Thanh niên, thiếu nữ các buôn làng do công việc làm
ăn ra sống ở các thành phố, tiêm nhiễm nếp sống văn minh hiện
đại, không còn mấy mặn mà với các phong tục truyền thống của bản làng
ngày xưa. Các lễ hội đang bị mất dần bản sắc cổ truyền dân tộc. Lễ
hội cồng chiêng bây giờ không còn như xưa. Vì ham lợi nhuận mà
một số nhà buôn, nhà sưu tập đã lên tìm kiếm, săn lùng nhằm đổi chác hay mua
lại cồng chiêng cổ ở đây. Nhà mồ và tượng nhà mồ, một giá trị văn hóa độc đáo
của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng đang vắng bóng dần. Những nghệ nhân
đẽo tượng lành nghề bây giờ không còn mấy ai, những nhà mồ truyền thống được
thay thế bằng những ngôi mộ bê tông cốt thép.
Những phong tục, tập quán tốt đẹp được hình thành và phát
triển lâu đời từ thế hệ này qua thế hệ khác là những mảng văn hóa đặc
trưng thể hiện bản sắc riêng của mỗi dân tộc, mỗi đất nước không hòa lẫn vào
đâu được. Ngày nay không ít người nhất là những kẻ thuộc thế hệ trẻ mãi
chạy theo văn hóa ngoại lai mà dần quên đi những giá
trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Để bảo tồn và phát
huy giá trị đó, mỗi người chúng ta cần chung tay vun đắp để những văn hóa
truyền thống này không bị mai một mà ngày càng trở nên vững mạnh và
phát triển hơn.
Mỹ Trí Tử